Bàn thờ ở gia đình các gia đình Công giáo
Tôi có nhiều dịp thăm các gia đình người công giáo Châu Âu. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhà họ không có bàn thờ như ở các gia đình Việt Nam. Với họ, bàn thờ chỉ có ở những nơi thờ phượng như nhà thờ hoặc nhà nguyện. Và họ cũng không cầu nguyện tại tư gia như các gia đình Việt Nam, đọc kinh sớm tối. Tuy nhiên, khi đạo Công giáo từ Châu Âu đến Việt Nam (khoảng 1615), các nhà truyền giáo đã rất khéo léo hội nhập và “rửa tội” cho những truyền thống con rồng cháu tiên. Một trong những nét đẹp ấy phải kể đến: bàn thờ ở mỗi gia đình.
Phải thừa nhận rằng người Việt có nhu cầu về đời sống tâm linh một cách cụ thể. Nét đẹp tâm linh ấy chúng ta có thể thấy nơi những bàn thờ. Người Phật Giáo có bàn thờ Đức Phật. Tín đồ đạo Cao Đài có hình Thiên Nhãn đặt ở nơi cao giữa nhà. Người theo tín ngưỡng nhân gian có bàn thờ thổ địa hoặc thần tài. Người lương dân có bàn thờ ông bà tổ tiên. Và người Công Giáo có bàn thờ Thiên Chúa, đặt trên bàn thờ tổ tiên. (Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình. Theo quyết nghị của Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 19 tháng 4 năm 1972). Đó thực sự là những dấu chỉ cho thấy gia đình người Việt theo tín ngưỡng nào.
Hẳn nhiên, bàn thờ luôn là chỗ trang trọng, linh thiêng và là trung tâm của tư gia. Cũng như bàn thờ trong Thánh Đường, bàn thờ ở mỗi gia đình là nơi quy tụ các thành viên nguyện cầu. Đặc biệt trong những dịp trọng đại (lễ cưới, tân niên, lễ giỗ...), bàn thờ luôn là nơi để thờ phượng và giúp cho các thành viên thêm gắn kết. Ở nhiều thế hệ trước, chúng ta thấy ông bà, cha mẹ và con cháu quây quần đọc kinh sáng tối. Nhất là những nơi thiếu vắng linh mục, việc nguyện cầu tại tư gia luôn là nguồn sức sống cho mỗi thành viên. Tiếc là thế hệ trẻ hôm nay không còn để tâm đến kinh nguyện sớm hôm. Tệ hơn nữa, nhiều gia đình trẻ Công giáo không mấy quan tâm đến bàn thờ tư gia của gia đình mình.
Bàn thờ của người Công giáo thường có tượng Chúa chịu chết trên cây thánh giá nơi nhiều gia đình. Đấy thực sự là dấu chỉ mạnh mẽ thể hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy ảnh hay tượng Thánh Gia. Đó là những ảnh tượng đã được làm phép. Hình ảnh Đức Mẹ và thánh Giuse chăm sóc cho Hài Nhi Giêsu nhắc nhớ người cha, người mẹ để tâm đến con cái mình. Cũng vậy, hình ảnh Chúa Giêsu dưới mái gia đình, nhắc những bậc làm con cháu biết vâng lời cha mẹ, thảo kính và đức độ với mọi người. Thánh Gia luôn là mẫu gương tuyệt vời cho mỗi gia đình noi theo. Với nhiều loại ảnh tượng khác nhau, ước gì mỗi thành viên ngồi lại bên bàn thờ Chúa để nguyện cầu, xin ơn. Chắc là từ ngai tòa Chúa, mỗi người đều nhận được ơn lành hồn xác, để cùng nhau đi tiếp con đường.
Nhiều lần nghe các bạn khẳng định với tôi rằng: “Đạo tại tâm. Giữ đạo trong tâm hồn là đủ rồi, bề ngoài không quan trọng lắm!” Theo họ, việc trưng bày ảnh tưởng hoặc những nghi thức bề ngoài không mấy cần thiết. Theo những anh em Tin Lành, họ không chấp nhận ảnh tượng vì đó trái với Kinh Thánh. Họ cho rằng người Công Giáo “thờ ngẫu tượng”. Thực vậy, “Ngươi không được tạc tượng thần, hay bất cứ hình ảnh gì trên trời, dưới đất, hay trong nước dưới mặt đất: ngươi không được thờ lạy chúng hay phụng sự chúng.” (Xh 20, 4-5). “Than ôi, những người này đã phạm trọng tội; chúng đã tạo cho chúng các thần bằng vàng.” (Xh 32, 31). Tuy nhiên, cũng trong Cựu Ước, Đức Chúa ra lệnh cho Vua Ðavít “làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò” (x. Xh 25, 17-22). Hoặc trong Sa mạc, Ðức Chúa liền nói với Môsê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” (Ds 21, 8). Đó là hình ảnh tiên trưng của Đức Giêsu treo trên thánh giá vào thời Tân Ước.
Trên đây là những cuộc tranh luận đã một thời khiến người công giáo băn khoăn. Tuy nhiên, cần phân biệt là chúng ta không thờ bức tượng, hình ảnh; nhưng qua đó, chúng ta thờ chính Thiên Chúa. Chẳng hạn, di ảnh người đã khuất không phải là người đã khuất, nhưng qua đó, chúng ta nhớ đến họ. Ai xúc phạm đến ảnh ấy, cũng là xúc phạm đến người thân của ta! Tranh tượng thánh cũng vậy. Công Ðồng Trent (1566) dạy rằng, được xem là tội thờ ngẫu tượng khi “thờ các tượng thần và hình ảnh như thờ Chúa, hoặc tin rằng những tượng ấy thánh thiêng hay có đức tính đáng được thờ phượng, để cầu xin, hay đặt tin tưởng nơi các tượng thần ấy.” Hơn nữa, Giáo Lý Công Giáo khẳng định rằng: “Tôn thờ ngẫu tượng đã bóp méo cảm thức tôn giáo bẩm sinh của loài người. Kẻ thờ ngẫu tượng là người 'đem ý niệm bất diệt về Thiên Chúa mà gán cho bất cứ những gì không phải là Thiên Chúa'.” (2112-2114). Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II xác định: “Phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường cho các tín hữu tôn kính.” (Hiến Chế về Phụng vụ Thánh, số 125).
Với lòng đạo đức và truyền thống Đức Tin, hy vọng mỗi gia đình Công Giáo chú tâm đến bàn thờ tại tư gia. Nơi đó thực sự giúp chúng ta cảm nhận Thiên Chúa đang hiện diện và hằng giúp đỡ con người. Dù vui buồn hay sướng khổ, Thiên Chúa luôn là điểm tựa và là chỗ nương nhờ cho những ai đang vất vả mang gánh nặng nề. Xin đừng để bàn thờ Thiên Chúa quá xa lạ với đời sống đạo của gia đình. Ngược lại, để tâm đến đời sống đức tin, đến thờ phượng hay nguyện cầu sẽ cho con người được hạnh phúc bình an.
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn