TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Paris có gì lạ không em?

Thứ ba - 08/06/2021 23:05 | Tác giả bài viết: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ |   802

Paris có gì lạ không em?


Đây không phải là nội dung ca khúc tình tứ của Ngô Thụy Miên, nhưng là những điều lạ lùng người ta thấy sau vụ cháy ở nhà thờ Đức Bà Paris.

1. Vụ Cháy Kinh Hoàng


Cả thế giới bàng hoàng với thông tin nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy khoảng 18h50 ngày 15 tháng 4. Bàng hoàng vì đó là biểu tượng tôn giáo của Paris nói chung và của cả nước Pháp và Châu Âu nói riêng. Sau vài giờ, ngọn lửa đã được khống chế với mọi nỗ lực của lính cứu hỏa và các chức năng. Hậu quả là ngọn lửa đã thiêu sập tháp nhà thờ và nhiều phần khác. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi các nhân viên cứu hỏa: “Nhờ bản lĩnh của họ, điều tồi tệ nhất đã tránh được.” Mặt tiền nhà thờ và nhiều thánh tích còn nguyên vẹn.

2. Trưởng nữ của Giáo Hội


Ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội sơ khai, nước Pháp luôn là bệ đỡ và chỗ dựa cho Giáo Hội phát triển. Các vua thời đó một mực tuân phục Đức Giáo Hoàng và Kitô giáo phát triển nhanh chóng tại Pháp. Theo đó, nhiều công trình Kitô giáo được dựng xây. Chẳng hạn Nhà thờ Đức Bà Paris (tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Paris) là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic nằm cạnh dòng sông Seine ở Paris. Năm 1163, Giáo hoàng Alexanđê III và vua Louis VII đã đặt viên đá đầu tiên. Trải qua nhiều giai đoạn thi công, Nhà Thờ chính thức xây dựng xong năm 1350. Đây là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris.

Ngoài ra trong lịch sử Giáo Hội Công giáo, chúng ta thấy một thời Giáo Triều Rôma phải di chuyển đến Pháp để tránh áp lực chính trị của Ý. Ví dụ, Giáo Triều Avignon: Ðức Boniface VIII (1294 - 1303), Ðức Clêmentê V (1305 – 1314). Khi Đông-Tây phương chia cắt, Pháp luôn đồng hành cùng Giáo Hội Rôma để bảo vệ đức tin với nhiều thần học gia và trường học Công giáo nổi tiếng. Pháp đóng vai trò quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn hội thừa sai Paris (MEP), thành công rực rỡ tại Giáo hội Viêt Nam. Với nhiều lý do, người ta chân nhận Pháp như là Trưởng tử của Giáo Hội.

3. Lời nguyện cầu trong đêm


Tuy nhiên Trưởng tử ấy trong những thập niên vừa qua đang sa đà vào thế giới tục hóa. Rất nhiều người bỏ đạo, và chối mình là người Công giáo. Trào lưu tục hóa này xảy ra mạnh mẽ nhất ở ngay tại kinh đô ánh sáng Paris. Tuy nhiên, Paris đêm qua có một điều lạ: “Nhưng sự kiện tối hôm nay đã gắn kết họ, nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy cảnh tượng kinh khủng đó, và hàng ngàn người đứng dọc sông Seine theo dõi sự việc trong im lặng. Nhưng đặc biệt là tiếng hát, tiếng kinh cầu nguyện vang lên của một nhóm người đang quỳ và hướng mắt về phía nhà thờ.” (Theo nhân chứng Paul Minh Lê ghi nhận tại chỗ.)

Nhìn về Nhà Thờ đang bốc cháy, cả thành phố Paris được thôi thúc nguyện cầu. Lòng tin yêu của họ được ngọn lửa kia thôi thúc ngay trong đêm tối. Hy vọng họ trở về với Thiên Chúa trong mỗi ngày sống.

4. Thánh Giá tỏa sáng

 

Thế giới lo lắng những báu vật của Nhà thờ Đức Bà Paris có thể bị cháy rụi. Ngoài Nhà Thờ, nơi đây chúng ta thấy biết bao công trình nghệ thuật tranh tượng và thánh tích linh thiêng của Kitô giáo như: Mão gai Chúa, mảnh Thánh giá Đích thực, hay Đinh Thánh v.v... Theo Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, Mão gai Chúa cùng những hiện vật quan trọng khác tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã được bảo vệ an toàn.

Sau khi ngọn lửa được kiểm soát, nhiều người chứng kiến thánh giá chính diện đền thờ tỏa sáng. Đó là một hiện tượng lạ lùng.

“Theo Fan Page ABC News, đây là những hình ảnh đầu tiên sau khi lửa đã bị khống chế, chỉ còn khói. THẬT LẠ LÙNG, người ta đã phải kinh ngạc đến lạ kỳ về cây Thánh giá giữa cung nguyện đến nỗi nhiều người đã thốt lên: “Beautiful! The cross shining ! God is good!”” – Đẹp quá. Thánh Giá đang tỏa sáng! Thiên Chúa thật tuyệt hảo biết bao!”.  Ôi. Thánh giá không bị lửa chạm đến và đang chiếu sáng!”  Ôi Lạy Chúa ! Chúc tụng Chúa! Ôi Thánh Giá!”

Đừng quên chúng ta đang trong những ngày của Tuần Thương Khó. Chính Chúa Giêsu chịu đánh đòn, vác thánh giá lên đồi Canvê để chịu chết vì tội nhân loại. Trong tâm tình đó, nhiều người xem đây như là biểu tượng của niềm hy vọng giữa biến cố đau thương này.

Ngọn lửa có thể phá hủy tất cả, nhưng Thánh Giá Chúa luôn hiện diện và chiếu sáng đến mọi tâm hồn người ta. Đó là những cảm nhận của nhiều người trong những thời khắc này.

5. Ngọn lửa khơi dậy đức tin


Khi viết tin về vụ cháy, tôi có dịp đọc và xem nhiều thông tin liên quan. Trong đó, người ta nhận thấy ngọn lửa trong nhà thờ bùng cháy bao nhiêu, thì ngọn lửa đức tin lại dâng cao bấy nhiêu. Đám đông đoàn kết hát thánh ca. Họ lần hạt, cầu nguyện với Đức Mẹ Lộ Đức và với Thiên Chúa ban cho Nhà Thờ được bình an. Cả những phóng viên và những ai đọc tin liên quan, hẳn trong lòng đều hướng đến một niềm tin nào đó. Với những người Công giáo, dĩ nhiên đó là thời khắc người ta tin cậy vào Chúa. Nhiều người chứng kiến đã phải thốt lên “Tất cả vượt quá sự mong đợi. Nhà thờ sẽ được xây dựng lại!”

Vâng, chúng ta không chỉ hy vọng nhà thờ sẽ được xây lại, nhưng ước gì đức tin của mỗi người cũng được gia tăng. Thiên Chúa đang hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong Tuần Thánh này.

Nguyện xin Thánh Giá Chúa cứu độ chúng con, mão gai Chúa bảo vệ chúng con, đinh thánh Chúa gìn giữ chúng con và Thánh đường Chúa chăm sóc chúng con. Được như thế, chúng con thấy đêm qua Paris có nhiều điều lạ lùng, một đức tin dâng trào hy vọng! Amen.

 

Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây