TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

1 Tông thư Desiderio Desideravi của ĐTC Phanxicô

Thứ năm - 07/07/2022 09:52 |   1153
Nguyên văn Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô
1 Tông thư Desiderio Desideravi của ĐTC Phanxicô

 

 Nguyên văn Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Vũ Văn An
 
Nhân dịp lễ hai thánh Phêrô và Phaolô năm nay, ngày 29 tháng 6, 2022, Đức Phanxicô đã ban hành tông thư tựa là Desiderio Desideravi [Thầy những khát khao] về phụng vụ. Khác với cung giọng khi đề cập đến thánh lễ cổ truyền trong Traditionis custodis, theo Cha de Souza, Desiderio Desideravi có một cung gọng và bản chất khác hẳn. Nghĩ cho cùng cũng đúng thôi vì nội dung chính của tông thư là về việc đào tạo phụng vụ, dựa trên hai thế giá nổi bật là hiến chế Sacrosanctum Concilium của Vatican II và học giả linh mục Guardini. Sau đây là nguyên văn tông thư dựa theo bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Gửi Các Giám mục, các Linh mục và Phó tế, Các Người Thánh hiến Nam nữ, và Các Tín hữu Giáo dân

Về việc đào tạo Phụng vụ cho dân Chúa

Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình (Lc 22:15)

1. Anh chị em thân yêu nhất của tôi,

Với lá thư này, tôi mong muốn vươn tới tất cả anh chị em - sau khi chỉ viết cho các giám mục lúc công bố Tự sắc Traditionis custodes - và tôi viết để chia sẻ với anh chị em một số suy tư về phụng vụ, một chiều kích căn bản cho đời sống của Giáo hội. Chủ đề này rất rộng lớn và luôn đáng được xem xét chu đáo về mọi khía cạnh của nó. Mặc dù vậy, với bức thư này, tôi không có ý định bàn đến vấn đề này một cách thấu đáo. Tôi chỉ mong muốn cung cấp một số nhắc nhở hoặc gợi ý cho những suy tư có thể hỗ trợ cho việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý của việc cử hành Kitô giáo.

Phụng vụ: “ngày nay” của lịch sử cứu độ

2. “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22:15) Những lời này của Chúa Giêsu, mà với chúng, tường thuật Bữa Tiệc Ly là cửa hé mở qua đó chúng ta được ban cho khả thể đáng ngạc nhiên là trực giác được chiều sâu tình yêu của các ngôi trong Ba Ngôi Cực Thánh dành cho chúng ta.

3. Phêrô và Gioan được sai đi chuẩn bị cho bữa ăn Lễ Vượt Qua đó, nhưng trên thực tế, tất cả sáng thế, tất cả lịch sử - mà cuối cùng đang trên đà tự bộc lộ là lịch sử cứu rỗi - là một sự chuẩn bị to lớn cho Bữa tối đó. Phêrô và những người khác có mặt tại chiếc bàn đó, không hề hay biết nhưng cần thiết. Cần thiết vì mỗi món quà, để là món quà, phải có người sẵn sàng để nhận nó. Trong trường hợp này, sự bất cân xứng giữa sự mênh mông của món quà và sự nhỏ bé của người nhận nó quả là vô hạn, và nó không thể không làm chúng ta ngạc nhiên. Tuy nhiên, nhờ lòng thương xót của Chúa, món quà được ủy thác cho các Tông đồ để nó được mang đến cho mọi người nam nữ.

4. Không ai đã từng kiếm được một chỗ trong Bữa tối hôm đó. Tất cả đã được mời. Hay nói đúng hơn: tất cả đã bị lôi kéo đến đó bởi ước muốn cháy bỏng này là Chúa Giêsu phải ăn Lễ Vượt Qua với họ. Người biết Người là Chiên Con của bữa ăn Vượt Qua đó; Người biết rằng Người là Lễ Vượt Qua. Đây là điều mới tuyệt đối, điều độc đáo tuyệt đối, của Bữa Tối đó, điều mới thực sự duy nhất trong lịch sử, làm cho Bữa Tối đó trở thành duy nhất và vì lý do này là “Bữa Tối Sau Cùng”, không thể lặp lại. Tuy nhiên, ước muốn vô hạn của Người là tái lập sự hiệp thông với chúng ta, vốn đã và vẫn là thiết kế ban đầu của Người, sẽ không được thoả mãn cho đến khi mọi người nam nữ, từ mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc và mọi quốc gia (Kh 5: 9), sẽ được ăn Mình và uống Máu Người. Và vì lý do này, cũng một Bữa Tối đó sẽ được làm cho hiện diện trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể cho đến khi Người trở lại lần nữa.

5. Thế giới vẫn chưa biết điều này, nhưng mọi người được mời đến dự bữa tối trong đám cưới Chiên Con (Kh 19: 9). Để được vào dự tiệc, chỉ cần có áo cưới đức tin phát xuất từ việc nghe Lời Người (xem Rm 10:17). Giáo Hội may chiếc áo như thế để vừa với mỗi người, với màu trắng của áo được tắm trong máu của Chiên Con. (Kh 7:14). Chúng ta không được phép cho mình nghỉ ngơi, dù trong một lúc, khi biết rằng vẫn không phải ai cũng nhận được lời mời tham dự Bữa Tối này hoặc biết rằng những người khác đã quên khuấy mất nó hoặc đã lạc lối trong cuộc sống xoay vần của kiếp nhân sinh. Đó là điều tôi muốn nói khi nói, “Tôi mơ về một ‘giải pháp truyền giáo', nghĩa là, một sự thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các phong tục, cách thức làm việc, thời gian và lịch trình, ngôn ngữ và cấu trúc của Giáo hội có thể được gom góp một cách thích hợp cho việc phúc âm hóa thế giới ngày nay hơn là cho sự tự bảo tồn của mình. " (Evangelii gaudium, số 27). Tôi muốn điều này để tất cả mọi người được ngồi vào Bữa Ăn Tối lễ hy sinh của Chiên Con và được sống nhờ Người.

6. Trước khi chúng ta đáp lại lời mời của Người - trước nhiều! – là sự mong muốn của Người đối với chúng ta. Chúng ta thậm chí có thể không nhận thức được điều đó, nhưng mỗi khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ, lý do đầu tiên là chúng ta bị lôi cuốn bởi mong muốn của Người dành cho chúng ta. Về phần chúng ta, đáp ứng khả hữu - cũng là chủ nghĩa khổ hạnh khắt khe nhất - luôn là, đầu hàng tình yêu này, để bản thân được Người lôi cuốn. Thật vậy, mọi cuộc rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đã được Người mong muốn trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng.

7. Nội dung của tấm bánh được bẻ ra là thánh giá của Chúa Giêsu, sự hy sinh vâng phục của Người vì tình yêu đối với Chúa Cha. Nếu chúng ta không có Bữa Ăn Tối Sau Cùng, nghĩa là, nếu chúng ta không có nghi thức dự ứng về cái chết của Người, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được việc Người bị kết án tử hình trên thực tế là hành động thờ phượng hoàn hảo, đẹp lòng Chúa Cha, hành động thờ phượng chân chính duy nhất, phụng vụ chân chính duy nhất. Chỉ vài giờ sau Bữa Ăn Tối Sau Cùng, các tông đồ, nếu chịu đựng được sức nặng của nó, đã có thể nhìn thấy trong thập giá của Chúa Giêsu điều Chúa Giêsu nói có nghĩa gì, "mình bị nộp," "máu đổ ra." Chính đó là điều chúng ta làm để tưởng niệm trong mỗi Bí tích Thánh Thể. Khi Đấng Phục Sinh trở lại từ cõi chết để bẻ bánh cho các môn đệ tại Emmâu, và cho các môn đệ của Người đi đánh cá chứ không phải đi cá người trên Biển Galilê trở về, thì chính cử chỉ bẻ bánh đó đã mở mắt họ ra. Nó chữa họ khỏi sự mù lòa do sự kinh hoàng của thập giá gây ra, và nó khiến họ có khả năng “nhìn thấy” Đấng Phục sinh, tin vào sự Phục sinh.

8. Nếu bằng cách nào đó, chúng ta đến Giêrusalem sau Lễ Ngũ Tuần và cảm thấy khao khát không những có thông tin về Chúa Giêsu thành Nadarét mà còn mong muốn được gặp Người, thì chúng ta không có khả thể nào khác ngoài khả thể tìm kiếm các môn đệ của Người để có thể nghe được lời Người và thấy những cử chỉ của Người, sống động hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ không có khả thể nào khác được thực sự gặp gỡ Người ngoài cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng đang cử hành. Vì lý do này, Giáo hội luôn bảo vệ mệnh lệnh của Chúa, “Hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy,” như kho tàng quý giá nhất của mình.

9. Ngay từ ban đầu, Giáo Hội đã ý thức rằng đây không phải là vấn đề diễn tả lại Bữa Ăn Tối của Chúa, dù thánh thiêng đến đâu. Nó không hề có ý nghĩa gì, và không ai có thể nghĩ đến việc “dàn dựng” khoảnh khắc cao quý nhất trong cuộc đời của Thầy, nhất là trước mắt Đức Maria, Mẹ của Chúa. Ngay từ thuở sơ khai, được Chúa Thánh Thần soi sáng, Giáo hội đã nắm được điều hiển hiện nơi Chúa Giêsu, có thể nhìn thấy bằng mắt và chạm được bằng tay, các lời nói và cử chỉ của Người, tính cụ thể của Ngôi Lời nhập thể - mọi điều của Người đã được chuyển qua việc cử hành các bí tích. [1]

Phụng vụ: nơi gặp gỡ Chúa Kitô

10. Ở đây có tất cả vẻ đẹp mạnh mẽ của phụng vụ. Nếu sự sống lại đối với chúng ta chỉ là một khái niệm, một ý tưởng, một suy nghĩ; nếu Đấng Phục sinh đối với chúng ta chỉ là sự hồi tưởng của những người khác, dù có thẩm quyền, chẳng hạn như của các Tông đồ; nếu chúng ta không được ban cho khả thể gặp gỡ thật sự với Người, thì việc công bố tính mới mẻ của Ngôi Lời đã thành xác thịt trở thành vô ích. Thay vào đó, việc Nhập thể, ngoài việc là sự kiện luôn luôn mới mẻ duy nhất mà lịch sử biết đến, còn là chính phương pháp mà Ba Ngôi Chí Thánh đã chọn để mở ra cho chúng ta con đường hiệp thông. Đức tin Kitô giáo hoặc là một cuộc gặp gỡ với Đấng còn sống, hoặc nó không hiện hữu.

11. Phụng vụ bảo đảm cho chúng ta khả thể xảy ra cuộc gặp gỡ như vậy. Đối với chúng ta, một ký ức mơ hồ về Bữa Ăn Tối Sau Cùng sẽ chẳng ích lợi gì. Chúng ta cần có mặt trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng đó, để có thể nghe tiếng Người, để ăn Mình và uống Máu Người. Chúng ta cần Người. Trong Bí tích Thánh Thể và trong tất cả các bí tích, chúng ta được bảo đảm khả thể gặp gỡ Chúa Giêsu và khả thể được quyền năng của Mầu nhiệm Vượt qua của Người đến với chúng ta. Quyền năng cứu độ của lễ hy sinh của Chúa Giêsu, các lời nói, các cử chỉ, ánh mắt và cảm giác của Người đến với chúng ta qua việc cử hành các bí tích. Tôi là Nicôđêmô, là người phụ nữ Samaria bên giếng, người bị quỷ ám ở Caphácnaum, người bại liệt trong nhà Phêrô, người đàn bà tội lỗi được ân xá, người đàn bà bị băng huyết, con gái của Giaia, người mù thành Giêricô, Giakêu, Ladarô, tên trộm và Phêrô đều được ân xá. Chúa Giêsu, Đấng không chết nữa, Đấng sống đời đời với các dấu chỉ cuộc Khổ nạn của Người [2] tiếp tục tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, cứu chúng ta bằng quyền năng của các bí tích. Đó là cách cụ thể Người yêu chúng ta nhờ việc nhập thể của Người. Đó là cách để Người thỏa mãn cơn khát của chính Người đối với chúng ta, cơn khát mà Người đã tuyên bố từ trên thập giá (Ga 19:28).

12. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với cuộc vượt qua của Người là biến cố đánh dấu cuộc đời của mọi tín hữu: Phép Rửa của chúng ta. Đây không phải là sự tán đồng đối với suy nghĩ của Người hay sự đồng ý đối với quy tắc ứng xử do Người áp đặt. Đúng hơn, đó là việc lao mình vào nỗi thống khổ, cái chết, sự phục sinh và thăng thiên của Người, lao mình vào hành động vượt qua của Người. Nó không phải là ma thuật. Ma thuật trái ngược với luận lý của các bí tích vì ma thuật tự cho mình có quyền năng đối với Thiên Chúa, và vì lý do này nó phát xuất từ Tên Cám Dỗ. Hoàn toàn liên tục với việc Nhập thể, chúng ta có khả thể chết và sống lại trong Chúa Kitô nhờ sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần.

13. Cách điều này xảy ra cảm động xiết bao. Lời cầu nguyện khi làm phép nước rửa tội [3] cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã tạo ra nước chính vì Người đã nghĩ tới Bí tích Rửa tội. Điều này có nghĩa là khi Thiên Chúa tạo ra nước, Người đã nghĩ đến Phép Rửa của mỗi người chúng ta, và cùng một ý nghĩ này đã đồng hành cùng với Người trong suốt hành động của Người trong lịch sử cứu rỗi mỗi khi, với ý định chính xác, Người dùng nước cho công việc cứu rỗi của Người. Giống như thể sau khi tạo ra nước ngay lần đầu, Người đã muốn hoàn thiện nó bằng cách biến nó thành nước của Phép Rửa. Vì vậy, Người muốn đổ đầy nó với sự chuyển động của Chúa Thánh Thần là là bay trên mặt nước (St 1: 2) để nó có thể chứa ẩn bên trong quyền năng thánh hóa. Người đã dùng nước để tái tạo loài người qua trận lụt (St 6: 1-9,29). Người đã kiểm soát nó, tách nó ra để mở con đường tự do qua Biển Đỏ (x. Xh 14). Người đã thánh hiến nó tại sông Giócđan, bằng cách dìm vào đó thịt của Ngôi Lời từng được thấm đẫm Chúa Thánh Thần. (xem Mt 3: 13-17; Mc 1: 9-11; Lc 3: 21-22). Cuối cùng, Người hòa nó với máu Con Người, hồng phúc của Chúa Thánh Thần kết hợp một cách không thể phân ly với hồng phúc sự sống và sự chết của Chiên Con đã bị giết vì chúng ta, và từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người, Người đã đổ nó ra trên chúng ta (Ga 19:34) Và chính trong dòng nước này, chúng ta đã được ngâm mình để nhờ quyền năng của nó, chúng ta được lồng vào Mình Chúa Kitô và cùng với Người trỗi dậy để sống bất tử (xem Rm 6: 1-11).

Giáo hội: Bí tích của Nhiệm thể Chúa Kitô

14. Như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta (x. Sacrosanctum Concilium, n. 5), bằng cách trích dẫn sách thánh, các Giáo phụ và Phụng vụ - những trụ cột của Truyền thống đích thực - chính từ cạnh sườn Chúa Kitô khi Người ngủ giấc ngủ của thần chết trên thập giá đã xuất hiện "bí tích kỳ diệu là toàn thể Giáo hội." [4] Sự song hành giữa Ađam đầu tiên và Ađam mới rất nổi bật: từ cạnh sườn Ađam đầu tiên, sau khi đã đưa ông vào giấc ngủ thật ngon, Thiên Chúa đã kéo Evà ra thế nào, thì từ cạnh sườn của A-đam mới, đang ngủ giấc ngủ của thần chết trên thập giá, đã sinh ra Evà mới, là Giáo hội như vậy. Sự kinh ngạc đối với chúng ta nằm ở những lời mà chúng ta có thể tưởng tượng Ađam mới đã nhận làm của riêng khi nhìn chằm chằm vào Giáo hội: “Đây cuối cùng là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2:23). Nhờ tin vào Lời Người và lội xuống nước Phép Rửa, chúng ta trở nên xương bởi xương và thịt bởi thịt Người.

15. Không có sự nhập thân này thì không thể có việc sống trọn vẹn sự thờ phượng Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có một hành động thờ phượng, hoàn hảo và đẹp lòng Chúa Cha; tức là sự vâng phục của Chúa Con, mà thước đo là cái chết của Người trên thập giá. Khả thể duy nhất để có thể tham gia vào lễ dâng của Người là trở thành “những người con trong Chúa Con”. Đây là hồng phúc chúng ta đã nhận được. Chủ thể hoạt động trong Phụng vụ luôn luôn và duy nhất là Chúa Kitô-Giáo hội, tức Nhiệm thể Chúa Kitô.

Cảm thức thần học về Phụng vụ

16. Chúng ta nợ Công đồng - và phong trào phụng vụ đi trước nó - việc tái khám phá sự hiểu biết thần học về Phụng vụ và tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo hội. Vì các nguyên tắc chung được nêu ra trong hiến chế Sacrosanctum Concilium là nền tảng cho việc cải cách phụng vụ, nên chúng tiếp tục là nền tảng cho việc cổ vũ việc cử hành đầy đủ, có ý thức, tích cực và hữu hiệu đó (xem Sacrosanctum Concilium, n. 11; 14), trong phụng vụ, “nguồn đệ nhất và không thể thiếu mà từ đó các tín hữu dẫn khởi được tinh thần Kitô giáo đích thực” (Sacrosanctum Concilium, n.14). Với lá thư này, tôi chỉ muốn mời gọi toàn thể Giáo hội khám phá lại, bảo vệ và sống sự thật và sức mạnh của việc cử hành Kitô giáo. Tôi muốn vẻ đẹp của việc cử hành Kitô giáo và những hậu quả tất yếu của nó đối với đời sống của Giáo hội không bị hư hoại bởi sự hiểu biết hời hợt và rút ngắn về giá trị của nó, hoặc tệ hơn, bởi việc nó bị lợi dụng để phục vụ cho một tầm nhìn ý thức hệ nào đó, bất kể màu sắc ra sao. Lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng để tất cả nên một (Ga 17:21) lên án mọi chia rẽ của chúng ta xung quanh Bánh được bẻ ra, quanh Bí tích lòng thương xót, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái [5].

Phụng vụ: thuốc giải độc cho sự độc hại của tính thế gian thiêng liêng

17. Vào nhiều dịp khác nhau, tôi đã cảnh cáo về cơn cám dỗ nguy hiểm cho đời sống của Giáo Hội, mà tôi gọi là “tính thế gian thiêng liêng”. Tôi đã nói về điều này một cách dài dòng trong tông huấn Evangelii gaudium (nn. 93-97), xác định chính xác Thuyết Ngộ đạo và thuyết Tân Pêlagiô như hai phiên bản được nối kết giữa chúng với nhau để nuôi dưỡng tính thế gian thiêng liêng này.

Thuyết thứ nhất thu hẹp đức tin Kitô giáo thành một chủ nghĩa chủ quan “cuối cùng khiến người ta bị giam cầm trong những suy nghĩ và cảm xúc của chính họ” (EG 94). Thuyết thứ hai loại bỏ vai trò của ân sủng và “thay vào đó dẫn đến chủ nghĩa ưu tú tự yêu mình thái quá và độc đoán, theo đó thay vì truyền giảng Tin Mừng, người ta phân tích và phân loại người khác, và thay vì mở cửa cho ân sủng, người ta vắt kiệt sức lực của họ trong kiểm tra và xác minh” (EG 94).

Những hình thức méo mó của Kitô giáo này có thể gây ra những hậu quả tai hại cho đời sống của Giáo hội.

18. Từ những gì tôi đã nhắc lại ở trên, điều rõ ràng là, tự bản chất của nó, Phụng vụ là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất chống lại những chất độc này. Hiển nhiên, tôi đang nói về Phụng vụ theo nghĩa thần học của nó và, như Đức Piô XII đã khẳng định, chắc chắn không phải Phụng vụ như những nghi lễ trang trí hay chỉ là một tổng số luật lệ và giới luật chi phối việc phụng tự [6].

19. Nếu thuyết Ngộ đạo chuốc độc chúng ta bằng chất độc của chủ nghĩa chủ quan, thì việc cử hành phụng vụ giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của sự tự quy chiếu được nuôi dưỡng bởi lối lý luận của riêng người ta và cảm quan riêng của họ. Hành động cử hành không thuộc về cá nhân mà thuộc về Chúa Kitô-Giáo hội, tức là toàn thể các tín hữu hiệp nhất trong Chúa Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà là “chúng ta” và bất cứ giới hạn nào đối với bề rộng của chữ “chúng ta” này luôn luôn là của ma quỷ. Phụng vụ không để chúng ta một mình tìm kiếm một điều được cho là hiểu biết cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đúng hơn, nó cầm tay chúng ta, cùng nhau, như một cộng đoàn, dẫn chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm mà Ngôi Lời và các dấu chỉ bí tích mạc khải cho chúng ta. Và, nhất quán với mọi hành động của Thiên Chúa, nó thực hiện điều này theo con đường Nhập thể, tức là bằng ngôn ngữ biểu tượng của thân xác, vốn vươn tới các sự vật trong không gian và thời gian.

20. Nếu chủ nghĩa tân Pêlagiô làm say mê chúng ta với giả định về một ơn cứu độ có được nhờ nỗ lực của chính chúng ta, thì việc cử hành phụng vụ thanh tẩy chúng ta, công bố tính nhưng không của ơn cứu độ nhận được trong đức tin. Tham dự vào hy tế Thánh Thể không phải là thành quả của riêng chúng ta, như thể vì nó mà chúng ta có thể khoe khoang trước Thiên Chúa hoặc trước anh chị em của chúng ta. Khởi đầu của mỗi cử hành nhắc nhở tôi rằng tôi là ai, yêu cầu tôi thú nhận tội lỗi của mình và mời tôi khẩn cầu Đức Maria đầy ơn phúc mãi mãi đồng trinh, các thiên thần, các thánh và tất cả anh chị em của tôi cầu nguyện cho tôi với Chúa là Thiên Chúa của chúng ta. Chắc chắn, chúng ta không xứng đáng vào nhà Người; chúng ta cần một lời của Người để được cứu. (xem Mt 8: 8) Chúng ta không có gì khác để khoe khoang ngoài thập giá của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô (x. Gl 6:14). Phụng vụ không liên quan gì đến chủ nghĩa duy luân khổ hạnh. Nó là hồng phúc Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa, một hồng phúc, nếu được đón nhận một cách ngoan ngoãn, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên mới mẻ. Phòng Tiệc Ly chỉ được vào nhờ sức hấp dẫn của Người muốn ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta: Desiderio desideravi hoc Pascha manducare vobiscum, antequam patiar (Lc 22:15).

Còn tiếp
 
Vietcatholic Newa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây