TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo Dục Nhân Bản -Bài 02

Thứ bảy - 09/07/2022 03:11 | Tác giả bài viết: Lm Đan Vinh -HHTM |   1034
“Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

BÀI 02
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – LOẠI TRỪ CÁI TÔI ÍCH KỶ, TỰ ÁI VÀ TỰ MÃN

 

1. LỜI CHÚA: Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

2. CÂU CHUYỆN: TỰ LỘ DIỆN DO THÓI KIÊU NGẠO

Ngày xưa có một nhà bác học có tài biến mình thành nhiều người khác giống y như mình đến độ không thể phân biệt ai thật, ai giả. Một ngày kia ông được báo tin sắp có một vị thiên thần đến gọi ông trở về chầu Chúa. Vì chưa muốn chết, nên ông đã biến thành 12 người khác giống y như ông để thiên thần không biết ai thật ai giả mà gọi. Quả thật, thiên thần đã không thể nhận ra nhà bác học là ai trong mười hai người, nên đành tay không trở về thiên đàng. Sau đó không lâu, khi đã thêm kinh nghiệm đối phó với sự gian trá của con người, thiên thần đã nghĩ ra một kế. Khi đối diện vi 12 người giống nhau, thiên thần đã nói với các nhà bác học:

- Tôi rất khâm phục tài biến hóa của ông. Tuy nhiên, tôi thấy còn một chi tiết rất nhỏ cần phải sửa lại cho hoàn chỉnh hơn.

Vừa nghe thế, nhà bác học thật liền lên tiếng:

- Đâu? Tôi không tin còn thiếu sót. Vậy ngài hãy cho biết thiếu sót chỗ nào?

- Ở chỗ này nè. Vừa nói, thiên thần vừa “túm cổ” nhà bác học “thật” để về chầu Chúa.

(Lm Anthony de Mello)

3. SUY NIỆM:

1) « Cái tôi » là gì? Cái tôi (the selfness) là sự tự ý thức về tư cách, phẩm chất và giá trị của mình, phân biệt với người khác. Hầu như ai trong chúng ta cũng đều có một “cái tôi”. Ai cũng yêu mình và muốn bảo vệ những gì thuộc về mình như lời thánh Phao-lô: “Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ” (Ep 5,29). Khi mới ra đời, đứa trẻ nào cũng đều có tính tự ái và ích kỷ, thể hiện qua thái độ muốn vơ vào mình các đồ ăn hợp khẩu vị hay những vật dụng đồ chơi hợp sở thích, và cố giữ nó làm của riêng chứ không muốn để các em khác cùng chơi chung. Thực ra “cái tôi” này cũng là điều cần để con người có thể tồn tại. Những ai tự ghét mình, muốn làm hại mình như dùng tay tự đánh vào mặt mình, uống thuốc độc tự tử… đều là người mắc bệnh tâm thần không thật tính người nữa.

Tuy nhiên “nhân đức ở mực trung dung”. Nếu “cái tôi” được nuông chiều quá đáng sẽ dẫn đến ích kỷ, tự mãn và khinh thường người khácvà trở nên “đáng ghét” như Blaise Pascal đã viết: ”Ôi cái tôi thật đáng ghét! Tôi không rõ lắm, nhưng có một điều tôi chắc chắn là «cái tôi» của tôi rất cứng đầu, khỏe mạnh, sống lâu và nổi bật về hai điểm này là: vị kỷ và kiêu hãnh. Tôi nghe nói rằng sau khi người ta chết được 5 phút thì cái tôi ấy mới chết hẳn”.

2) “Cái tôi” và sự tự tin:

“Cái tôi” trong mỗi người sẽ phát triển theo năm tháng. Một đứa trẻ sẽ ít bị chạm tự ái hơn người lớn. Khi bị khiển trách, trẻ em sẽ mau quên, đang khi người lớn lại nhớ dai và phản ứng mạnh khi bị kẻ khác xúc phạm đến danh dự của mình.

Sự đánh giá đúng khả năng và những giá trị thực sẽ giúp chúng ta thêm tự tin và làm việc hiệu quả hơn. Bất cứ ai cũng có những ưu và khuyết điểm, như câu người ta thường nói: “Nhân vô thập tòan”. Một người dù có nhiều khuyết điểm nhưng cũng có nhiều ưu điểm. Một cô gái có diện mạo không mấy xinh đẹp cũng vẫn có thể gây được thiện cảm với người khác qua cách ứng xử thân thiện. Một khi ý thức được những giá trị của “cái tôi” của mình, chúng ta sẽ không còn mang mặc cảm tự ti, không dễ bị “chạm tự ái” khi nghe những lời nói xấu về mình, hay khi đối diện với thái độ khinh thường của kẻ khác.

3) Thành thật với chính mình:

Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực của bản thân sẽ giúp chúng ta không bị mất sự tự tin. Cũng giống như một bé gái khi bị trêu chọc là “cô bé sún răng”, nó liền đáp lại: “Thế còn đôi mắt của cháu thì sao?”. Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được người khác nhìn nhận ưu điểm này của mình. Nếu chân thành và công tâm với chính mình, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận ra về những ưu điểm của mình.

4) Cần tránh những “Cái tôi » nào?

- Cần tránh “Cái tôi” tự tôn: Ranh giới giữa nhận thức về “cái tôi” rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng thường gây nhiều đau khổ… Những người có địa vị cao dễ mang tâm trạng tự tôn và cố chấp. Thực vậy: đang khi một người bình thường dễ dàng đón nhận ý kiến bất đồng, thì các “ông lớn” nhiều quyền thế lại “khó lòng chấp nhận được ý kiến bất đồng của người dưới”. Nếu biết khiêm tốn thì chắc mỗi người chúng ta sẽ nhận ra giới hạn của mình: Thực sự mỗi chúng ta cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ bé và yếu đuối trong vũ trụ vô tận: Chỉ cần một giọt nước như một giọt nọc độc của loài rắn hổ mang cũng đủ hạ gục một lực sĩ khỏe mạnh nhất. Thế thì tại sao chúng ta lại không bỏ đi cái tôi tự mãn, để trở thành một người trung thực với bản thân mình?

- Cần tránh Cái tôi giả hình: Chúng ta thường muốn được người khác khen ngợi, đề cao ưu điểm và trân trọng tài năng của mình, và không muốn bị kẻ khác xâm phạm đến quyền lợi của mình. Vì luôn muốn được nghe lời khen đang khi thực tế vẫn còn nhiều thói hư, nên chúng ta thường «Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại». Chúng ta thường muốn trình diễn bộ mặt «tốt ảo », như các người biệt phái đã bị Đức Giê-su quở trách là giả hình: ”Chúng là mồ quét tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế » (Mt 23,27).

- Cần tránh “cái tôi” tự ái cao: Một người không dám nhìn nhận khuyết điểm của mình vì tự ái cao, sẽ hay đổ lỗi cho người khác và không tự nhận lỗi. Sau khi phạm tội bị Chúa xét hỏi, ông A-đam đã đổ lỗi cho bà E-và đã xúi mình. Còn bà E-và lại đổ lỗi cho con rắn đã cám dỗ mình. Còn chúng ta thì sao? Mỗi lần tham dự thánh lễ, Hội thánh dạy chúng ta phải khiêm tốn đấm ngực nhận lỗi: ”Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”…

- Cần tránh “cái tôi” ích kỷ: Theo nghiên cứu của một số điện thọai viên thì chữ “tôi” được người ta hay nói nhất. Trong đời sống gia đình, muốn cho vợ chồng hòa thuận, hai vợ chồng khi nói chuyện cần dùng chữ “chúng mình” thay vì chữ “tôi”.
 


4. SINH HOẠT: Chúng ta cần làm gì để lọai trừ “cái tôi” ích kỷ tự mãn?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho chúng con biết nhận ra những ưu điểm Chúa ban để dâng lời tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận các khuyết điểm và sự thiếu sót của mình để tu sửa ngày một nên hoàn thiện hơn. Chúng con hy vọng nhờ năng nghe Lời Chúa dạy tại nhà thờ và trong giờ kinh tối tại gia đình, nhất là nhờ được Thánh Thần ban ơn trợ giúp, chúng con sẽ loại trừ được “cái tôi ích kỷ, tự mãn để học nơi Chúa Giê-su sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. - AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây