Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 27/02/2022 09:02 |
1778
Trong hành trình Mùa Chay 2022, chúng ta sẽ suy gẫm về lời khích lệ của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galát: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a).
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Lời đầu của Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: Trong hành trình Mùa Chay 2022, chúng ta sẽ suy gẫm về lời khích lệ của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galát: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a).
1. Gieo và gặt.
“ ‘Gieo và gặt’. Bằng những lời này, thánh Tông đồ gợi lên hình ảnh gieo và gặt, rất đỗi thân thương với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một dịp hay một thời cơ thích hợp để gieo vãi điều tốt, hướng nhìn về một vụ mùa tương lai” (Sứ điệp Mùa Chay).
Nhạc sĩ Thông Vi Vu viết ca khúc “Gieo và Gặt” với ca từ đậm chất thơ và nhiều ý nghĩa nhân quả.
Gieo thành thật, gặt được niềm tin.
Gieo lòng tốt, gặt về thân tình.
Gieo kiên nhẫn, sẽ gặt quang vinh.
Gieo tha thứ, sẽ gặt được an bình.
Gieo dối trá, sẽ ra ngờ vực.
Gieo ích kỷ, sẽ chỉ cô đơn.
Gieo kiêu hãnh, sẽ lãnh đau thương.
Gieo đố kỵ, là ky cóp muộn phiền.
Gieo cay đắng, sẽ tăng hủy diệt.
Gieo biếng lười, ra người buông trôi.
Gieo lo lắng, tay trắng âu lo.
Gieo tội lỗi, suốt đời gặt tội lỗi.
Có gieo thì mới có gặt. Gieo giống nào thì gặt giống đó. Thánh Phaolô viết: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6,7-9).
Hạt giống tốt mới có thể nảy mầm tốt, lớn thành cây tốt và sinh hoa trái tốt. Chúa Giêsu xác định: “Xem quả thì biết cây” (Mt 12,33; Lc 6,44). Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây sâu không thể sinh trái ngọt. Đời sống tinh thần cần có “hạt giống tâm hồn”. Đời sống tâm linh rất cần “hạt giống Lời Chúa”.
Chúa Giêsu ví lời giảng dạy của Ngài như hạt giống trong tay người nông dân. Hạt giống gieo trên những loại đất khác nhau, số phận các hạt giống khác nhau. Lời Chúa cũng có nhiều số phận khác biệt. Có lời sinh lợi muôn vàn lời. Có lời sống èo uột bị bóp nghẹt. Có lời làm tròn sứ mạng được uỷ thác. Có lời biến mất như rơi vào cõi hư không. Khác biệt về thành quả không hệ tại bởi hạt giống mà bởi phẩm chất ruộng đất. Thửa ruộng mà Chúa Giêsu nói đến không phải ruộng trên mặt đất mà là cõi lòng con người.
Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11). Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm hồng ân Thiên Chúa chan hòa như mưa móc: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65,10-12).
Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa gặt phong nhiêu…Còn nhiều lắm những mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận Lời Chân Lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”.
Nếu gieo điều lành, sự thiện, yêu thương thì gặt về cũng gấp nhiều lần điều tốt, điều hay, sự lành. Mỗi người đều là quà tặng của Thiên Chúa cho nhau, vì mỗi người đều có hạt giống của sự tốt lành Thiên Chúa ban. Sống sự tốt lành của Thiên Chúa thì được sống dồi dào và phong phú.
2. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha khai triển một số khía cạnh trong câu nói của thánh Phaolô tông đồ.
“Đừng quản ngại từ nan khi tích cực làm các việc bác ái đối với những người thân cận. Trong suốt Mùa Chay này, chúng ta hãy vui vẻ thực hành bố thí (x. 2 Cr 9,7). Thiên Chúa là “Ðấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo, và bánh nuôi mình cho họ” (2 Cr 9,10), ban cho mỗi người chúng ta không chỉ có lương thực để ăn, mà còn để quảng đại làm điều tốt cho người khác. Dù đúng là chúng ta có cả cuộc đời để gieo vãi sự tốt lành, nhưng chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để quan tâm đến những người thân cận với chúng ta, để làm cho những anh chị em đang bị tổn thương trên đường đời trở thành những người thân cận với chúng ta (x.Lc 10,25-37).
Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm gặp, chứ không phải để lảng tránh những người thiếu thốn; để tiếp cận, chứ không phớt lờ những người muốn được lắng nghe và cần một lời nói tử tế; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời mời gọi làm điều tốt lành với tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người nghèo hèn và yếu đuối, những người bị bỏ rơi và khinh miệt, những người bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “chính khi gieo vãi để mưu ích cho tha nhân, chúng ta tham gia vào lòng đại đảm của Thiên Chúa… Sự gieo vãi mưu ích cho tha nhân giải thoát chúng ta khỏi những tiêu chuẩn hẹp hòi của lợi lộc bản thân và mang lại cho hành động của chúng ta sắc thái nhưng không, quảng đại, tháp nhập chúng ta vào chân trời tuyệt diệu của những kế hoạch từ nhân của Thiên Chúa”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Nếu trọn cuộc sống của chúng ta là thời kỳ gieo vãi điều thiện, chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay để chăm sóc những người ở gần, trở nên gần gũi với những anh chị em bị thương tổn trên đường đời (Lc 10,25-37).
3.“Hãy làm điều thiện cho mọi người”
Điều thiện đầu tiên đó là bác ái được được biểu lộ cụ thể qua hành động cho đi, dù không phải đòi hỏi những thứ vật chất lớn lao, nhưng quan trọng hơn hết là ở tấm lòng của người đem cho. Chúng ta hãy cho bằng cả tấm lòng chân thành, bằng tình yêu xuất phát từ chính Thiên Chúa chứ không vì tư lợi. Mẫu gương của bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng dâng cúng trong đền thờ. Chúa Giêsu khen ngợi bà: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết” (Lc 21,3).
Điều thiện thứ hai là bác ái trong lời nói. Người ta thường nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói ra 4 con ngựa cũng không đuổi kịp. Trong mùa chay này, chúng ta nên tập luyện chuyện miệng lưỡi để. Không nói trong khi tức giận, vì lời nói lúc ấy không thể kiểm soát được, thường khó nghe, đôi khi sẽ làm tổn thương đến người khác. Không nên nói những lời tiêu cực, cuộc sống và những người xung quanh đang cần những điều tích cực; có rất nhiều người đang cần được cổ vũ, động viên và khích lệ. Không nên nói những lời oán trách, vì khi đó sẽ dẫn tới nhiều bất hòa, nghi ngờ, và gây ra chia rẽ. Không nên nói những lời tổn thương người khác, bởi khi ấy chúng ta đang đánh mất tình yêu tha nhân. Không nên nói những lời khoe khoang, vì mình đang phóng đại công trạng, tự mãn dễ trở thành kiêu ngạo. Cũng không nên tiết lộ những chuyện riêng tư của người khác, đó là giữ uy tín; bởi lẽ, khi được nghe những tâm tư của người khác, là chúng ta đang được tin tưởng, chính vì thế đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng chỉ bằng một lời nói.(Jos Lưu Hành, SDB).
Gieo gì gặt nấy. Gieo bác ái chúng ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập đời sống hàng ngày.
Ba thực hành đạo đức, bác ái ăn chay và cầu nguyện là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình, không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa (x.Mt 6,1-6).
Mùa Chay là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năn sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên sẽ tạo cho ta một nội lực một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình vào bất cứ điều gì.
Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn. Chúng ta sẽ trổ sinh những hoa quả của Thánh Linh (Gal 5,22). Một trong những hoa trái của Thánh Linh là đức ái.
Đức bác ái Kitô giáo là tình yêu đối với Thiên Chúa giàu lòng xót thương được cụ thể hóa bằng hành động yêu thương phục vụ tha nhân.
Làm việc bác ái, chúng ta gieo và gặt được cuộc sống thánh thiện của Mùa Chay
Mùa Chay thánh thiện là mùa xuân tâm hồn cho những ai sống vững vàng trong đức tin và dạt dào lòng yêu mến.