Vì sao người công giáo không ăn thịt ngày thứ sáu Mùa Chay?
fr.aleteia.org, Philip Kosloski, 2017-03-09
Và vì sao được ăn cá thay ăn thịt?
Vì sao Giáo hội yêu cầu người công giáo không ăn thịt các ngày thứ sáu Mùa Chay (ngày thú tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh) nhưng lại cho phép ăn cá?
Trước hết là câu hỏi: “Vì sao ngày thứ sáu?” Từ xa xưa, chúng ta không còn nhớ bắt đầu từ lúc nào, các cộng đoàn công giáo xem ngày thứ sáu là ngày đặc biệt để ăn năn hối cải, trong niềm vui, họ chia sẻ với nhau các sự thương khó của Chúa Kitô trong hy vọng một ngày được vinh quang với Ngài. Điều này là trọng tâm việc kiêng thịt ngày thứ sáu và truyền thống này được Giáo hội công giáo gìn giữ.
Vì người ta nghĩ Chúa Kitô chịu đau khổ và chết trên thập giá vào một ngày thứ sáu nên ngay từ đầu các tín hữu kitô đã kết hiệp đau khổ của họ vào đau khổ của Chúa Giêsu vào ngày này. Vì thế dẫn đến việc Giáo hội công nhận ngày thứ sáu như “ngày thứ sáu thánh”, trong ngày này giáo dân nhớ lại sự thương khó của Chúa Kitô và có một hình thức ăn năn đặc biệt. Từ lâu trong lịch sử Giáo hội, thịt là thức ăn đặc biệt trong những ngày lễ hội và ăn mừng. Phần lớn các nền văn hóa xưa, thịt được xem là thức ăn ngon, người ta chỉ “giết bê béo” khi có dịp ăn mừng. Vì ngày thứ sáu được xem là ngày ăn năn hối cải nên “mừng” cái chết của Chúa Kitô được xem là không phù hợp.
Nhưng vì sao cá lại không được xem là thịt?
Vì không được ăn thịt của các “động vật trên mặt đất”. Các luật lệ kiêng thịt này xem thịt động vật là gà, bò, heo, cừu…, những động vật nuôi trên mặt đất. Các động vật gia cầm cũng xem là thịt.
Cá thuộc một loại động vật khác. Như thế được phép ăn cá (nước mặn cũng như nước ngọt), tôm cua, ếch nhái, loài bò sát (động vật máu lạnh). Tiếng la-tinh chữ “thịt” mà chúng ta có thể ăn vào ngày thứ sáu là chữ carnis, có nghĩa là “thịt động vật” và cá không ở trong định nghĩa này. Thêm nữa ngày xưa trong văn hóa la-tinh, người ta không xem cá là thức ăn dùng trong các “bữa tiệc”, cá bị xem là một thức ăn buộc phải ăn.
Với văn hóa bây giờ, các chuyện này đã khác, thịt nhiều lúc lại không đắt bằng cá và người ta cũng không còn nghĩ thịt là thức ăn của các buổi tiệc. Chính vì vậy bây giờ nhiều người đặt vấn đề các luật lệ này có còn thích đáng hay không, nhất là những người thích ăn cá, họ không xem việc này như một hình thức ăn năn.
Nhưng mục đích của Giáo hội là khuyến khích giáo dân làm một việc hy sinh từ tâm hồn để kết hiệp đau khổ của mình với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Kiêng thịt là hình thức ăn năn cổ điển nhất, nhưng đừng bao giờ quên mục đích của việc điều chỉnh thức ăn này. Chẳng hạn không nên ăn tôm hùm trong các ngày thứ sáu Mùa Chay. Ý tưởng làm một việc hy sinh giúp chúng ta đến gần với Chúa mà vì tình yêu Chúa đã làm một hy sinh cao cả nhất cho chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn