TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Làm sao tu? Tu làm sao?

Chủ nhật - 27/02/2022 21:22 | Tác giả bài viết: Giuse Lê Đắc Thắng, SJ |   1698
Xin cho con hỏi mình muốn đi tu thì phải làm thế nào?
Làm sao tu? Tu làm sao?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 38: LÀM SAO TU? TU LÀM SAO?

 

Hỏi: Xin cho con hỏi mình muốn đi tu thì phải làm thế nào?

Trả lời:

Bạn thân mến,

Có vẻ như thật dễ dàng để trả lời câu hỏi bạn đang thắc mắc: nếu bạn có ước muốn đi tu thì cứ việc tới gõ cửa tìm hiểu các nhà dòng hay chủng viện, những nơi đó luôn mở cửa chào đón bạn. Mỗi nhà dòng hay chủng viện đều có những điều kiện đặc trưng trong việc tiếp nhận ứng viên. Nếu họ nhận thấy nơi bạn có những dấu hiệu phù hợp với ơn gọi tận hiến và linh đạo của họ thì bạn sẽ được thâu nhận. Việc thâu nhận này chỉ là bước đầu để giúp ứng viên có điều kiện tìm hiểu thêm và quyết định dấn thân sống đời tu nếu muốn.

Tuy nhiên, tôi đoán rằng khi bạn đặt câu hỏi như trên thì bạn không chỉ hỏi về tiến trình cũng như thủ tục giấy tờ để gia nhập dòng tu hay chủng viện. Những thứ đó bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet hoặc từ các nguồn thông tin khác.

Như vậy câu hỏi của bạn có thể được hiểu theo một nghĩa khác; đó là bạn muốn biết mình phải làm thế nào để có được ước muốn đi tu. Thật không may cho bạn là tôi hay bất cứ ai khác sẽ không bao giờ có thể tìm ra được câu trả lời một vấn đề như thế. Nếu bạn không có ước muốn đi tu thì không có cách nào giúp bạn có được ước muốn ấy cả.

Con người chỉ ước muốn một điều gì đó khi họ cảm thấy thiếu nó. Nếu bạn không cảm thấy “thiếu” một điều chỉ được tìm thấy trong đời tu thì làm sao người khác có thể bắt bạn phải “thiếu” nó được! Ước muốn là hoạt động của tâm lý, khác với nhu cầu của thể lý. Nhu cầu thể lý có thể giải thích theo quy luật vận hành tự nhiên. Ví dụ như đói thì cần ăn, khát thì cần uống, mệt thì cần nghỉ ngơi. Trái lại, ước muốn thì không có những điều kiện ràng buộc; nó xuất hiện một cách tự nhiên trong đời sống tâm lý của con người, không ai có thể cố tình phủ nhận hay tạo ra ước muốn cho mình được.

Có thể bạn cho rằng nhiều người ước muốn đi tu là bởi vì từ nhỏ họ đã tham gia các hoạt động của nhà thờ, tiếp xúc gần gũi và được đánh động bởi gương sáng của các cha, các sơ. Tuy nhiên, giữa những điều kiện kể trên và ước muốn đi tu thực ra không hề có mối liên hệ nhân quả; nghĩa là những điều kiện đó có thể giúp củng cố nhưng không thể tạo ra ước muốn đi tu nơi một người nào đó được. Nếu ước muốn đi tu có thể được tạo ra bởi những điều kiện nhất định thì có lẽ Giáo Hội sẽ không lo thiếu ơn gọi, bởi vì chỉ cần đáp ứng những điều kiện đó thì tức khắc sẽ có người muốn đi tu. Thế nhưng vấn đề không hề đơn giản như vậy.

Xét theo một nghĩa nào đó thì ước muốn đi tu hay sống đời tận hiến là hạt mầm được Chúa gieo nơi tâm hồn con người và cần điều kiện nuôi dưỡng phù hợp để lớn lên và trổ sinh hoa trái. Đời tu là một lời mời mời gọi yêu thương chứ không phải là một mệnh lệnh bắt buộc.

Tất nhiên, có nhiều trường hợp muốn đi tu nhưng bị gia đình ngăn cản hoặc điều kiện chính trị xã hội không cho phép, rồi cuối cùng họ không thể sống đời tu được. Như thế, nếu như có những điều kiện ngoại cảnh giúp củng cố ước muốn đi tu thì cũng có cả những điều kiện làm cản trở và dập tắt ước muốn ấy. Chừng nào bạn còn có ước muốn đi tu và có đầy đủ điều kiện thực hiện ước muốn ấy thì chừng đó bạn có thể sống đời tu được.

Ngay từ đầu tôi đã khẳng định là không thiếu những dòng tu hay chủng viện mở cửa đón nhận bạn nếu bạn thực sự có ước muốn đi tu. Điều này có nghĩa là Giáo Hội không thiếu điều kiện để nuôi dưỡng và củng cố ơn gọi của bạn. Tôi cũng đã chia sẻ với bạn là ước muốn đi tu nơi mỗi người đến một cách tự nhiên. Có thể hiểu theo đức tin của chúng ta là ước muốn đó do chính Thiên Chúa tác động, không ai có thể tạo ra ước muốn đi tu nơi người khác được. Do vậy, tôi suy luận đến một cách hiểu khác nữa về câu hỏi mà bạn đặt ra, đó là nơi chính bạn đã nhen nhóm ước muốn đi tu dù chưa có quyết định chính thức hoặc chưa nói cho ai biết, và điều bạn đang thao thức là làm sao biến ước muốn đó trở thành hiện thực, được củng cố chứ không bị dập tắt. Nếu hiểu theo nghĩa như vậy, sau đây tôi sẽ gợi ý cho bạn một vài bước tiếp cận vấn đề này.

Trước hết, bạn cần xác minh ước muốn đi tu của mình là có thật hay không. Vì bạn là người hiểu rõ nhất điều bản thân mình muốn nên không ai khác có thể thay thế bạn trả lời câu hỏi này. Tất nhiên ban đầu bạn sẽ cảm thấy bối rối về lựa chọn của mình. Một mặt, bạn muốn tận hiến phục vụ tha nhân trong đời sống tu trì. Mặt khác, bạn không dám chắc rằng đây là con đường Chúa muốn mình dấn thân suốt đời hay chỉ là thứ cảm xúc nhất thời mà thôi.

Cứ yên tâm vì bạn không phải loay hoay một mình tìm lối đi, bởi vì Chúa sẽ gửi những người có nhiều kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng đến giúp bạn. Họ có thể là cha xứ, cha giải tội, cha linh hướng, sơ, thầy hoặc bất cứ người nào mà bạn quen biết. Thiên Chúa sẽ có cách hướng dẫn bạn thông qua sự đồng hành của những người có kinh nghiệm hơn. Việc bạn cần làm là mở lòng thẳng thắn trao đổi với họ những biến chuyển nội tâm và cảm xúc chân thật của bạn. Thông thường trong các dòng tu hay chủng viện sẽ có những vị chuyên trách hướng dẫn các bạn trẻ định hướng ơn gọi của mình, bạn có thể nhờ họ giúp.

Thứ đến, ngay cả khi bạn đã xác tín rằng mình thực sự ao ước đi tu thì bạn cũng cần kiểm tra lại động lực ước muốn của mình. Người ta có thể thích đi tu vì nhiều lý do khác nhau, và không phải lý do nào cũng chính đáng và thánh thiện. Bạn đừng vội ngạc nhiên về điều này, bởi có người đi tu vì nghĩ rằng mình sẽ sống đời sung túc dư giả, có người đi tu vì muốn được người khác kính trọng, có người đi tu vì không muốn gánh vác trách nhiệm gia đình… Có thể bạn muốn đi tu không phải vì những lý do kể trên nhưng biết đâu chúng cũng xen lẫn một phần nào đó trong động lực ước muốn của bạn.

Để nhận ra mình có ước muốn đi tu với động lực đúng đắn hay không, bạn cần hỏi chính mình: “Ước muốn sâu xa nhất của tôi là gì?” Ví dụ, giả sử tôi muốn đi tu để được làm linh mục hay bà sơ thì một câu hỏi khác nữa cần được đặt ra là tôi muốn làm linh mục hay bà sơ để làm gì. Cứ tiếp tục đặt ra những câu hỏi “để làm gì?” xoáy sâu như vậy rồi cuối cùng bạn sẽ nhận ra động lực sâu xa và chân thực nhất của mình trong việc ao ước sống đời tu, từ đó có thể xác định được là động lực đó thánh thiện hay phàm tục.

Thực tế là không có ai bước vào đời tu với một động lực tinh tuyền cả, thế nào cũng bị pha trộn tinh thần thế tục. Những động lực không tinh tuyền ấy vẫn có thể được chấp nhận trong bước đầu một người tìm hiểu đời tu nhưng sớm muộn gì chúng cũng phải được thanh lọc. Nếu động lực không được thanh lọc thì người đó sẽ không thể tiếp tục sống đời tu hoặc có sống đời tu thì cũng không thể trổ sinh hoa trái tốt đẹp được.

Đời tu là bước theo Đức Giêsu Kitô một cách triệt để hơn, thể hiện cách cụ thể qua việc sống ba lời khấn Khó nghèo, Vâng phục và Khiết tịnh. Do đó, tu không phải là để được phục vụ mà là để phục vụ như Đức Giêsu Kitô. Nếu bạn vẫn còn đang phân vân không biết mình có thực sự khao khát đi tu chỉ vì yêu mến Đức Giêsu hay không thì chẳng sao cả, vì điều này cần thời gian để kiểm chứng. Bạn sẽ không cần phải đợi từ ai khác bên ngoài chỉ ra điều đó bởi vì bạn là người biết rõ chính mình nhất.

Do vậy bạn hãy cứ mạnh dạn bước vào sống đời tu nếu cảm thấy mình được thôi thúc. Trong đời tu, chương trình huấn luyện trong các nhà dòng hay chủng viện sẽ giúp bạn sống đời tu một cách đúng đắn và ý nghĩa hơn.

Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, đó là sau khi nhận ra mình thực sự có ước muốn đi tu với động lực ngay lành thì làm thế nào để duy trì được ước muốn ấy. Có thể nói rằng chỉ khi nào bạn còn lòng muốn đi tu thì khi đó bạn mới có thể sống đời tu vui vẻ hạnh phúc được. Cũng giống như những loại tình cảm khác trong đời sống tâm lý con người, ước muốn sống đời tận hiến nếu không được nuôi dưỡng hay chăm sóc tốt thì sớm muộn gì cũng nhạt phai.

Thêm vào đó, trong quá trình phát triển tâm sinh lý tự nhiên của con người, đến một độ tuổi nào đó, ước muốn đi tu sẽ gặp không ít thách đố. Số là khi người ta chọn con đường độc thân khiết tịnh, tự nguyện vâng phục bề trên và sống đời đơn sơ khó nghèo, những thách đố trong đời tu càng trở nên căng thẳng hơn. Đó chưa kể là họ phải chịu thêm áp lực của công việc và những xung đột có thể xảy ra trong tương quan giữa anh chị em trong dòng hay với người ngoài.

Nói chung là để duy trì được ước muốn đi tu thì mỗi người cần phải trở về với động lực tinh tuyền của đời tu. Đó là ao ước được bước theo Đức Giêsu cách triệt để.

Ơn gọi tận hiến phát xuất từ tình yêu tự nguyện chứ không phải bị ép buộc, từ phía người gọi lẫn người đáp trả. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã mời gọi một số người gắn kết với Ngài cách mật thiết hơn trong đời sống tu trì. Cũng vậy, vì nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mình và cho nhân loại, người tu sĩ đã đáp trả bằng cuộc đời dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Tình yêu đó cần được nuôi dưỡng củng cố trong đời sống của người tu sĩ qua:

- Nhịp sống đều đặn hàng ngày,

- qua những giờ cầu nguyện và Thánh lễ,

- qua việc lãnh nhận các bí tích,

- qua những công việc nhỏ bé thầm lặng trong nhà,

- qua tình yêu thương họ dành cho những anh chị em trong cộng đoàn,

- và qua các hoạt động dấn thân nơi các môi trường tông đồ khác nhau.

Người tu sĩ được mời gọi đón nhận và trao ban tình yêu nơi những gì nhỏ bé bình thường nhất. Càng sống lâu trong đời tu người tu sĩ càng hạnh phúc và muốn dấn thân nhiều hơn vì thấy mình được lớn lên trong tình yêu Chúa và tha nhân.

Để đúc kết lại những gì đã chia sẻ, tôi nói thêm điều này để bạn yên tâm phần nào nếu bạn còn cảm thấy mình chưa đủ tự tin để dấn thân sống đời tu: tu sĩ không phải là con người hoàn thiện mà là người đi trên đường hoàn thiện. Nếu đời tu được coi là đời sống hoàn thiện thì tính chất hoàn thiện đó nằm ở “con đường” mà người tu sĩ bước đi chứ không phải ở “con người” của họ. Con đường đó chính là Giêsu, chừng nào người tu sĩ còn khao khát bước theo Ngài thì chừng đó họ đang thực sự sống đời tu.

Chúa gọi một người sống đời tu không phải vì người đó tốt lành hay nổi bật hơn những người khác. Tuy nhiên, khi Chúa đã gọi một người theo bậc sống này thì chắc chắn Ngài sẽ ban đủ ơn để giúp họ đủ sức dấn bước đến trọn con đường yêu thương. Nếu Chúa đặt để nơi tâm hồn bạn khao khát dấn thân cho Chúa và tha nhân trong đời tận hiến thì Ngài cũng sẽ giúp bạn hoàn thành ước nguyện. Vấn đề là bạn có tin tưởng phó thác vào bàn tay Chúa dẫn dắt trong mọi hoàn cảnh sống của mình hay không mà thôi.

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (28.02.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây