TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Liên đới, hiệp thông trong cộng đoàn

Thứ hai - 07/06/2021 23:53 | Tác giả bài viết: LM. Antôn Vũ Thanh Lịch |   1668
Liên đới, hiệp thông trong cộng đoàn

Liên đới, hiệp thông trong cộng đoàn giáo xứ, Giáo Hội

Khi Chúa nói : “Con người ở một mình không tốt”, và khi chúng ta nói : “Không ai là một hòn đảo”, thì đều có ý nhấn mạnh chân lý : Con người có tính xã hội. Con người cần đến nhau để trưởng thành, để có văn hóa và để có thịnh vượng văn minh…
Quả thế, một hòn đá không thể làm thành một Ngũ Hành Sơn. Một viên sỏi không thể ghép thành một bức tranh trang trí. Như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã hát : “ Sỏi đá cũng cần có nhau”, thì con người bất toàn càng cần phải có nhau. Tự bản tính sâu xa của mình, con người là một hữu thể có tính xã hội. (animal social). Nếu không liên lạc với những người khác, con người không thể sống và phát triển tài năng. (x. Hiến chế Mục vụ số 12).

Trong chương trình Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa cũng không cứu con người đơn lẻ, cá nhân, nhưng gắn Ơn Cứu Rỗi con người vào mầu nhiệm Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã khẳng định : “ Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, nhưng Ngài muốn quy tụ thành một dân tộc “ gọi là Hội Thánh” để nhận biết chính Ngài trong chân lý và trong sư thánh thiện ( GH số 9). Như thế, đời sống đức tin của người Ki-tô hữu từ gốc rễ phải xuất phát từ đời sống hiệp thông trong Giáo Hội. Cũng như đời sống tự nhiên của con người cần có tha nhân, thì đời sống đức tin cũng chỉ có thể sống và phát triển trong hiệp thông với Giáo Hội Chúa Ki-tô, mà chúng ta gọi là mầu nhiệm “Các Thánh cùng thông công”. Giáo Hội không chỉ là hàng giáo phẩm hay tòa thánh ở Rôma, nhưng cũng chính là mọi Ki-tô hữu đang hiệp thông trong Hội Thánh, được biểu lộ ngay tại các cộng đoàn địa phương như giáo xứ, giáo phận…

Chúng ta được kêu gọi nên thánh và được Thiên Chúa giúp thực hiện ơn gọi ấy trong lòng Giáo Hội, một Giáo Hội thánh thiện. Sự thánh thiện là của Chúa. Vì “chỉ có Ngài là Đấng Thánh”, và mô hình sự thánh thiện cũng chính là Chúa "Thầy đã làm gương cho các con" (Ga 13, 15), nên người Ki-tô hữu chỉ có thể nên thánh nhờ ơn Chúa, nhờ gương sáng của những người lành trong Giáo Hội. Chính đức tin và đời sống đức tin cụ thể của chúng ta hôm nay, cũng là nhờ đức tin và đời sống đức tin của tiền nhân, của cha ông, của cả một truyền thống được nối tiếp qua các thế hệ, và cụ thể là ảnh hưởng của những Ki-tô hữu chung quanh ta trong giáo xứ, trong cộng đoàn...

Khi nói Giáo Hội Thánh thiện, chúng ta không nhằm so sánh với các tôn giáo khác, hay khẳng định sự thánh thiện của Giáo Hội công giáo cao hơn. Nhưng có ý nhấn mạnh Giáo Hội được sự thánh thiện của Chúa thông ban, nuôi dưỡng … Ngay cả khi Giáo Hội có nhiều tội nhân, hoặc mức độ thánh thiện của chúng ta không “sáng sủa” lắm, thì đó vẫn là Giáo Hội thánh thiện. Vì Chúa Giêsu là đầu của Giáo Hội, và Chúa Thánh Thần vẫn hằng dẫn dắt Giáo Hội vượt qua những thử thách, cám dỗ…

Chỉ với cách nhìn của đức tin, chúng ta mới đón nhận được mầu nhiệm Giáo Hội, đồng thời được củng cố trong mối dây liên kết bền chặt với Giáo Hội. Nhờ đó, được hiệp thông sâu xa với sự thánh thiện của Hội Thánh ngay tại chính mầu nhiệm cộng đoàn địa phương là giáo xứ, giáo phận của mình.

Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây