TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đọc Lời Chúa như một bức thư tình

Thứ ba - 08/06/2021 01:51 | Tác giả bài viết: LM. Antôn Vũ Thanh Lịch |   940
Đọc Lời Chúa như một bức thư tình

Đọc Lời Chúa như một bức thư tình

Khi người con gái đi lấy chồng, theo cách nói của cha ông chúng ta thì như là “trao thân gửi phận” cho chồng, cho cha mẹ bên nội. Điều ấy nói lên thực trạng thuộc về nhau, chấp nhận trọn vẹn bản thân của ai khác, và đồng hành trọn cuộc đời với ai đó như là chồng hay vợ của mình. Đó chính là nền tảng bền vững để xây dựng tình cảm và sinh hoạt gia đình. Thiếu vắng nền tảng này, mọi tình cảm dù nồng nàn đến đâu, cũng sẽ có nguy cơ phai lạt và đưa đến đổ vỡ hôn nhân.

Cũng giống như thế, việc đọc Lời Chúa phải đặt căn bản trên đức tin. Đức tin bao gồm hai nội dung cơ bản: Trước tiên là “gắn bó” chính bản thân với Chúa. Rồi từ đó chấp nhận mọi điều Chúa dạy. Không có đức tin, không có gắn với chính bản thân Chúa, và tự nguyện chấp nhận mọi điều Chúa truyền dạy, người ta sẽ chỉ còn đọc Lời Chúa như bài học khôn ngoan, lựa lọc những điều hợp ý mình, và không đụng được đến sứ điệp mặc khải cốt yếu: Đó là chính bản thân Chúa trong Lời-ngỏ-và-trong-hành-động-trung-tín-của-Ngài.

Có lẽ chính vì đặt nền tảng cho việc đọc Lời Chúa trên những điều trôi nổi, những bài học khôn ngoan thế gian, hoặc những tâm tình sốt sắng mà việc đọc Lời Chúa của người Ki-tô hữu hôm nay chưa đạt được mức độ phải là. Cần học lại bản chất của đời sống gia đình, để có thể nghiệm ra được kinh nghiệm đọc Lời Chúa.

Một giá trị đang trở thành văn minh thời thượng, đó là đối thoại. Chúng ta có thể so sánh kiểu đối thoại trong những buổi họp, những hội nghị quốc tế, quốc gia, hay một nhóm nào đó, với cách đối thoại trong gia đình. Giá trị của thứ đối thoại trong xã hội hôm nay, thường chỉ dừng lại ở sự tôn trọng quyền lợi của đôi bên. Cân, đong, đo, đếm những giải pháp, để không bên nào bị thiệt thòi. Những cách đối thoại ấy, thực chất là một cuộc trả giá, nhằm hình thành được những thỏa thuận tương đối công bằng hơn, và đôi bên cùng có lợi. Trong khi đó, những trao đổi trong gia đình chính là “những lời ngỏ”.

Lời ngỏ là nói với ai đó. Lời ngỏ bao hàm một sự chấp nhận bản thân của ai khác, tin tưởng vào ai khác, bày tỏ bản thân mình một cách chân thành, trong cộng đồng những kẻ thuộc về nhau.

Trong kinh nghiệm đối thoại của đời sống gia đình, chúng ta có thể hiểu và biết cách đọc Lời Chúa một cách  đúng đắn. Lời Chúa không chỉ bày tỏ những chân lý, nhưng thiết yếu là Lời ngỏ thân tình. Thiên Chúa bày tỏ chính bản thân Ngài cho ta. Người Ki-tô hữu tin Chúa, chấp nhận bản thân Chúa là điều ưu tiên để có thể đọc Lời Chúa như một bức thư tình, chứ không phải như một hợp đồng làm ăn.

Một phẩm chất tuyệt vời khác của gia đình, đó là phẩm chất của hành động. Hành động là một cách diễn tả tình yêu của bản thân gửi tình yêu ấy cho ai khác thông qua một “sản phẩm” nào đó. Chẳng hạn người vợ nấu cơm hay giặt giũ, lau nhà… Đó không phải chỉ là việc làm suông, mà là hành động trao gửi tình thương cho chồng, cho con… Hiểu như vậy, ta mới có thể nắm được mối quan hệ thiết yếu của Lời Chúa với cuộc sống, với lịch sử đời mình.

Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây