TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày Tĩnh Huấn GIÁO LÝ SINH 2018 - 160 Câu Hỏi Thưa

Thứ tư - 12/05/2021 09:49 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1208
1. Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Ban Mê Thuột2. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam3. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam4. Lời Chúa
Ngày Tĩnh Huấn GIÁO LÝ SINH 2018 - 160 Câu Hỏi Thưa

Ngày Tĩnh Huấn GIÁO LÝ SINH 2018 - 160 Câu Hỏi Thưa

Ngày Tĩnh Huấn
GIÁO LÝ SINH 2018
Giáo phận Ban Mê Thuột
 
Tài liệu học tập
1. Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Ban Mê Thuột
2. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
3. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam
          * Khai Sinh
          * Hình Thành & Phát Triển
          * Thử Thách (Các Thánh Tử Đạo Việt Nam)
          * Trưởng Thành
 4. Lời Chúa
 
I. NĂM THÁNH KIM KHÁNH GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT
 
01. Hỏi : Giáo phận Ban Mê Thuột mừng Kim Khánh thành lập giáo phận vào thời gian nào ?
- Thưa : Khai mạc ngày 22.06.2017 và kết thúc ngày 22.06.2018.
 
02. Hỏi : Vào ngày 22.06.1967, Tòa Thánh đã thiết lập giáo phận qua sắc lệnh gì ?
- Thưa : Sắc lệnh Qui Dei Benignitate.
 
03. Hỏi : Năm 1967, Giáo phận Ban Mê Thuột có khoảng bao nhiêu giáo dân ?
- Thưa : Khoảng 56.719 giáo dân.
 
04. Hỏi : Năm 1967,giáo phận Ban Mê Thuột có khoảng bao nhiêu giáo xứ ?
- Thưa : 33 giáo xứ.
 
05. Hỏi : Năm 1967, Giáo phận Ban Mê Thuột có khoảng bao nhiêu linh mục ?
- Thưa : 55 linh mục.
 
06. Hỏi : Năm 2017, Giáo phận Ban Mê Thuột có khoảng bao nhiêu tín hữu ?
- Thưa : Khoảng 445.000 tín hữu.
 
07. Hỏi : Năm 2017, Giáo phận Ban Mê Thuột có khoảng bao nhiêu giáo xứ ?
- Thưa : 106 giáo xứ.
 
08. Hỏi : Năm 2017, Giáo phận Ban Mê Thuột có khoảng bao nhiêu linh mục triều đang phục vụ trong giáo phận ?
- Thưa : 138 linh mục triều.
 
09. Hỏi : Năm 1956 tại Ban Mê Thuột, có bao nhiêu anh chị em đồng bào sắc tộc được lãnh nhận bí tích Rửa Tội ?
- Thưa : 7 người.
 
10. Hỏi : Năm 2017, số anh chị em tín hữu đồng bào sắc tộc là khoảng bao nhiêu người ?
- Thưa : Khoảng 91.000 người.
 
11. Hỏi : Mừng Kim Khánh Giáo phận là dịp để toàn thể cộng đoàn dân Chúa làm gì ?
- Thưa : Bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã thương ban ơn đức tin, cho hạt giống đức tin đó được gieo vãi trên mảnh đất Tây Nguyên này và giúp cho hạt giống đó được trổ sinh hoa trái.
 
12. Hỏi : Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và công sức của các bậc tiền nhân đã đổ ra để cho chúng ta có được điều gì ?
- Thưa : Có được truyền thống sống đạo tốt đẹp như ngày hôm nay.
 
13. Hỏi : Để bày tỏ lòng biết ơn và nhìn lại truyền thống sống đạo, chúng ta đã dành ra ba năm để sống niềm vui tạ ơn này: trong năm 2015, cả giáo phận đã làm gì ?
- Thưa : Học hỏi về lịch sử của giáo phận và tất cả các giáo xứ, để hiểu được những hy sinh và công lao mà các vị tiền nhân đã đổ ra trên mảnh đất này.
 
14. Hỏi : Để bày tỏ lòng biết ơn và nhìn lại truyền thống sống đạo, chúng ta đã dành ra ba năm để sống niềm vui tạ ơn này: trong năm 2016, cả giáo phận đã làm gì ?
- Thưa : Học hỏi về các dòng tu và các ban mục vụ đang hoạt động trong giáo phận, để hiểu về nỗ lực của mọi thành phần dân Chúa tham gia vào công việc xây dựng giáo phận như thế nào.
 
15. Hỏi : Trong tinh thần mừng năm Kim Khánh Giáo phận, chúng ta cố gắng chú ý đến hai điểm quan trọng nào làm nên đời sống Giáo hội ?
- Thưa : * Một là Xây dựng sự hiệp nhất trong đức tin và trong các cộng đoàn.
* Hai là Thực hiện tinh thần sống yêu thương, chia sẻ giữa cộng đoàn anh chị em đồng bào sắc tộc và cộng đoàn người Kinh.
 
16. Hỏi : Mọi thành phần dân Chúa, từ Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, đến mọi người tín hữu, đều phải nhớ rằng mình được kêu gọi để làm gì ?
- Thưa : Để cộng tác với Chúa trong việc giúp cho Hội Thánh, là đoàn chiên Chúa, được sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
 
17. Hỏi : Đôi khi chúng ta không cùng một quan điểm, không có cùng kinh nghiệm về nhiều vấn đề, do đó để bảo toàn sự hiệp nhất, chúng ta phải làm gì ?
- Thưa : Phải biết lắng nghe nhau và biết quan tâm đến niềm hạnh phúc của nhau, cách riêng của những anh chị em nghèo khó, đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
 
18. Hỏi : Nhờ sự biết quan tâm đến nhau, chúng ta sẽ làm gì ?
- Thưa : Chúng ta sẽ bước đi dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và sẽ có những quyết định đầy Thánh Thần.
 
19. Hỏi : Nếu sự quan tâm đến nhau chưa giúp anh chị em vượt qua những bất đồng, thiếu thông cảm, thì xin anh chị em hãy làm gì ?
- Thưa : Hãy khiêm tốn lắng nghe tiếng nói của vị chủ chăn của anh chị em.
 
20. Hỏi : Trong các giáo xứ có cả người Kinh lẫn anh chị em sắc tộc, Đức Giám mục giáo phận đề nghị cộng đoàn người Kinh cố gắng làm gì ?
- Thưa : Nâng đỡ và đồng hành với anh chị em đồng bào sắc tộc, cả về tinh thần lẫn vật chất.
 
21. Hỏi : Trong những giáo xứ hoàn toàn người Kinh, Đức Giám mục giáo phận mời gọi quý linh mục và anh chị em giáo dân làm gì ?
- Thưa : Kết nghĩa với một giáo xứ sắc tộc hay một buôn làng, để thực hiện tinh thần nâng đỡ, sẻ chia cả về tinh thần lẫn vật chất.
 
22. Hỏi : Trong cộng đoàn anh chị em đồng bào sắc tộc, có những người già không nơi nương tựa, cũng như các em mồ côi không được chăm sóc. Trong Năm Thánh này, toàn thể giáo phận chúng ta sẽ làm gì ?
- Thưa : Cố gắng chung tay xây dựng một nhà dưỡng lão và một cô nhi viện tại giáo xứ Mẫu Tâm, trung tâm phục vụ anh chị em sắc tộc.
 
23. Hỏi : Nâng đỡ tinh thần và vật chất, xây dựng cô nhi viện cho anh chị em sắc tộc là quyết tâm của cả Giáo phận trong Năm thánh nhằm mục đích gì ?
- Thưa : Chung tay chia sẻ gánh nặng xã hội và biểu lộ đời sống đức tin qua những hành động bác ái cụ thể.
 
24. Hỏi : Bổn mạng của Giáo phận Ban Mê Thuột là gì ?
- Thưa : Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
 
25. Hỏi : Lễ Bổn mạng của Giáo phận Ban Mê Thuột được cử hành vào ngày nào ?
- Thưa : Ngày 22.6
 
26. Hỏi : Chúng ta hiệp lòng cùng Đức Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng của Giáo phận, dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và những cố gắng thánh hoá bản thân, cũng như toàn thể cộng đoàn, để làm gì ?
- Thưa : Để mỗi người trong Giáo phận sống đúng tinh thần của những người con khiêm hạ và trung tín.
 
27. Hỏi : Đức Giám mục tiên khởi của tân Giáo phận Ban Mê Thuột tên là gì ?
- Thưa : Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai.
 
28. Hỏi : Khẩu hiệu của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai là gì ?
- Thưa : “Ngài cần phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.
29. Hỏi : Đức Giáo hoàng nào đã bổ nhiệm linh mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột?
- Thưa : Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.
 
30. Hỏi : Khẩu hiệu của Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản là gì ?
- Thưa : "Hãy bước theo Thần Khí".
 
II. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO Việt Nam
 
31Hỏi : Ai đã ra sắc chỉ cấm người Công giáo Việt Nam không được mang trên mình hoặc treo trong nhà thánh giá và các ảnh tượng ?(12.1625)
 - Thưa : Sãi Vương Nguyễn Phúc Nhân.
 
32Hỏi : Người tín hữu tử đạo đầu tiên ở Đàng Ngoài tên là gì ?
 - Thưa : Anh Phanxicô.
 
33Hỏi Người tín hữu tử đạo đầu tiên ở Đàng Trong tên là gì ? (26.7.1644)
 - Thưa Thầy Anrê Phú Yên.
 
34Hỏi : Vị thừa sai ngoại quốc bị hành quyết đầu tiên ở Việt Nam tên là gì ?
 - Thưa : Gs JB Messari (23-6-1723).
 
35Hỏi : Thời vua nào giáo dân chạy vào La Vang là nơi rừng thiêng nước độc để trốn tránh cảnh bắt bớ, bách hại ; và từ đây, Linh Địa La Vang đi vào lịch sử Giáo Hội Việt Nam ? (1798-1800)
 - Thưa : Vua Cảnh Thịnh.
 
36Hỏi : Trong thời kỳ cấm đạo, vua nào có nhiều sắc lệnh cấm đạo nhất ?
 - Thưa : Vua Tự Ðức.
 
37Hỏi : Cuộc tàn sát năm 1798 ghê gớm hơn cả, vì đã khai diễn những màn tra tấn dã man nhất, như thế nào ?
 - Thưa : Tẩm dầu vào các đầu ngón tay, đổ dầu vào rốn trước khi châm lửa, treo ngược đầu các Kitô hữu xuống.
 
38Hỏi Các sử gia Âu Châu khi viết về những cuộc bách hại tôn giáo tại Việt Nam thường ví ông vua nào danh xưng : "Néron của Việt Nam" ? (Hoàng đế Néron hồi xưa khét tiếng tàn bạo, hung dữ trong những cuộc lùng bắt đạo Công Giáo tại thủ đô Roma và trong đế quốc La Mã.)
 - Thưa : Vua Minh Mạng.
 
39Hỏi : Trong tổng số 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, một nửa (58 vị) đã bị hành quyết trong thời vua nào cầm quyền ?
 - Thưa : Vua Minh Mạng.
 
40Hỏi : Vị vua nào có chỉ dụ truyền khắc 2 chữ “Tả đạo” vào má các tín hữu trung kiên rồi đẩy họ vào những nơi rừng thiêng nước độc ?
 - Thưa : Vua Tự Đức.   
 
41Hỏi : Những khổ hình Phân sáp do vua nào ban hành ?
 - Thưa : Vua Tự Đức (1860).
 
Phân sáp (1860) : gồm 5 khoản:
 
- Khoản 1: Hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, bất cứ nam nữ, giầu nghèo, già trẻ đều bị phân tán vào các làng bên lương.
 
- Khoản 2: Tất cả các làng bên lương có trách nhiệm canh gác những tín hữu Công Giáo: cứ năm người lương canh gác một người Công Giáo.
 
- Khoản 3: Tất cả các làng Công Giáo sẽ bị phá bình địa và tiêu hủy. Ruộng đất, vườn cây, nhà cửa sẽ bị chia cho các làng bên lương lân cận, và các làng bên lương này có nhiệm vụ phải nộp thuế hằng năm cho Chính Phủ.
 
- Khoản 4: Phân tán nam giới đi một tỉnh, nữ giới đi một tỉnh khác, để không còn cơ hội gặp nhau, con cái thì chia cho những gia đình bên lương nào muốn nhận nuôi.
 
- Khoản 5: Trước khi phân tán, tất cả giáo dân nam nữ và trẻ con đều bị khắc trên má trái hai chữ Tả Ðạo và trên má bên phải tên tổng, huyện, nơi bị giam giữ, như thế không còn cách nào trốn thoát.
 
 
42Hỏi : “Bình Tây sát Tả” là chủ trương của Phong trào nào ?
 - Thưa : Phong trào Văn Thân.
 
Thống kê 117 vị thánh tử đạo Việt Nam
Theo quốc tịch, 117 Thánh Tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:

·11 vị gốc Tây Ban Nha6 Giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh,
·10 vị gốc Pháp: 2 Giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris,
·96 vị người Việt: 37 linh mục và 59 giáo dân - trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử, các vị này đã bị giết trong những đời vua chúa sau đây:
·2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767),
·2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782),
·2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802),
·58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841),
·3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),
·50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).
·Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII): 64 vị
·Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 vị
·Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 vị
·Ngày 29 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25 vị
Và được tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
 
43Hỏi : Phong Thánh là gì ?
 - Thưa : Tuyên bố một người nào đó đã qua đời hiện đang ở trên Thiên Đàng, cho phép tôn kính và cho phép khẩn cầu (qua lời chuyển cầu của các ngài).
 
44Hỏi : Trước khi phong thánh, Hội Thánh cần phải làm những gì ?
 - Thưa : Phải cẩn thận điều tra, Xem xét thật kỹ lưỡng, Cần phải có những hỗ trợ siêu nhiên bằng những phép lạ để có đủ chứng cớ để Phong Thánh.
 
45Hỏi : Việc tuyên phong hiển thánh sẽ kèm những điều gì ?
 - Thưa : * Tên của vị đó được ghi vào Sổ Bộ Các Thánh,
* Các ngài được kêu cầu trong các lời cầu công cộng,
* Các nhà thờ được thánh hiến để kính nhớ các ngài,
* Thánh Lễ được cử hành để tôn kính các ngài,
* Lễ kính các ngài được cử hành theo phụng vụ,
* Hình ảnh của các ngài trên đầu có hào quang (vòng tròn),
* Thánh tích (di tích thánh) của các ngài được chứa trong bình và tôn kính công cộng.
 
46Hỏi : Trước khi phong hiển thánh một ai, cần phải có những bước nào ?
 - Thưa : * Công nhận Danh hiệu “Đầy Tớ Chúa” (Servus Dei),
* Bậc Đáng kính (Venerable),
Bậc Chân phước (Beatus),
* Bậc Hiển Thánh (Sanctus).
 
47Hỏi : Đức Giáo Hoàng nào đã tuyên thánh các vị chứng nhân đức tin của Giáo Hội Việt Nam ?
 - Thưa : ĐGH Gioan Phaolô II.
 
48Hỏi : Các chứng nhân đức tin của Giáo Hội Việt Nam được tuyên thánh vào ngày tháng năm nào?
 - Thưa : Ngày 19.06.1988.
 
49Hỏi : Trong Giáo hội Việt NamĐức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho ai và các bạn lên bậc hiển thánh ?
          - Thưa : Anrê Trần An Dũng Lạc và các bạn.
 
50Hỏi : Lễ mừng kính 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào ngày nào ?
          - Thưa : Ngày 24 tháng 11.
 
51Hỏi : 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, là đại diện, là tinh hoa của Giáo Hội Việt Nam, họ bị kết án chỉ vì họ là gì ?
 - Thưa : Những đạo trưởng, những người tin Chúa; vì ngoan cố không chịu bỏ đạo; không bước qua Thập giá.
 
52Hỏi : Trong số 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, có bao nhiêu vị tử đạo là Giám mục ?
 - Thưa : Có 8 Giám mục.
 
53Hỏi : Trong số 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, có bao nhiêu vị tử đạo là giáo dân ?
 - Thưa : Có 59 giáo dân.
 
54Hỏi : Trong số 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, có bao nhiêu vị tử đạo quốc tịch Việt Nam ?
 - Thưa : 96 vị.
 
55Hỏi : Trong số 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, có một vị thánh nữ, ngài tên là gì ?
 - Thưa : Bà Anê Lê Thị Thành.
 
56Hỏi : Trong số 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, có một chủng sinh, ngài tên là gì ?
 - Thưa : Tôma Thiện.
 
57Hỏi : Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bị giết dưới những đời vua chúa nào ?
 - Thưa : Thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767), chúa Trịnh Sâm (1767-1782), vua Cảnh Thịnh (1782-1802), vua Minh Mạng (1820-1841), vua Thiệu Trị (1841-1847), vua Tự Đức (1847-1883).
 
58Hỏi : Triều đại vua nào giết các Thánh Tử Đạo nhiều nhất?
 - Thưa : Vua Minh Mạng (1820-1841).
 
59Hỏi : Dưới triều đại vua Minh Mạng, ông đã giết bao nhiêu vị Thánh Tử Đạo ?
 - Thưa : 58 vị.
 
60Hỏi : 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam được những Giáo hoàng nào tôn phong lên bậc Chân Phước ?
 - Thưa : Đức Giáo hoàng Piô X, Đức Giáo hoàng Lêô XIII và Đức Giáo hoàng Piô XII.
 
III. LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM
 
A. KHAI SINH
 
61. Hỏi : Người đầu tiên đến làng Ninh Cường và Trà Lũ (nay thuộc tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu) để truyền đạo tên là gì?
 - Thưa : Thừa sai Inêkhu.        
 
62. Hỏi : Vào năm nào, thừa sai Inêkhu đến giảng đạo tại làng Ninh Cường và lịch sử cho đó là khởi đầu Đạo Công Giáo tại Việt Nam ?
 - Thưa : Năm 1533.
 
63. Hỏi : Năm khởi đầu cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam thuộc triều đại vua nào ?
 - Thưa : Vua Lê Trang Tông.
 
64Hỏi : Sau thừa sai Inêkhu, linh mục truyền giáo đặt chân lên Việt Nam đầu tiên tên là gì (1550)?
 - Thưa : Linh Mục Gaspar de S. Cruz.
 
65Hỏi : Vùng đất đầu tiên mà Linh Mục Gaspar de S. Cruz đặt chân lên Đất Việt là ở đâu ?
          - Thưa : Hà Tiên.
 
66Hỏi : Khi đến truyền giáo tại Việt Nam, các vị thừa sai quan tâm đến điều gì ?
- Thưa : Học ngôn ngữ Việt, tìm hiểu phong tục dân Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt.
 
67Hỏi : Trong giai đoạn mở đầu, các nhà truyền giáo chú ý đến sự phát triển của cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Nhà truyền giáo nào có nhiều tác phẩm Hán Nôm Công giáo để lại cho hậu thế ?
          - Thưa : Giáo Sĩ Girolamo Maiorica.
 
68Hỏi : Tác phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên được in ấn là của ai ?
 - Thưa : Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
 
69Hỏi : Người tín hữu đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam tên là gì ?
 - Thưa : Ông Đỗ Hưng Viễn.
 
70Hỏi : Mặc dầu triều đại các vua Nhà Nguyễn bách hại đạo một cách tàn khốc, nhưng có 1 vị vua trở lại đạo Công giáo. Ông tên là gì ?
 - Thưa : Vua Bảo Đại.
 
B. HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
 
71Hỏi : Đức Giáo hoàng nào đã thiết lập 2 Giáo phận ở Việt Nam : Giáo phận Đàng Trong và Giáo phận Đàng Ngoài (Nam và Bắc : lấy con sông Gianh làm biên giới) ? (1659)
 - Thưa : ĐGH Alexandro VII.
 
72Hỏi : Đức Giám mục được ĐGH Alexandrô VII đặt cai quản giáo phận Đàng Ngoài : từ sông Gianh trở ra Bắc và miền Nam Trung Hoa, tên là gì ? (1659)
 - Thưa : Đức Giám mục Lambert de La Motte.
73Hỏi : Đức Giám mục được ĐGH Alexandrô VII đặt cai quản Giáo phận Ðàng Trong : từ sông Gianh trở vào Nam, bao gồm Cao Miên và Chiêm Thành, tên là gì ? (1659)
 - Thưa : Đức Giám mục Francois Pallu.      
 
74Hỏi : Ngày 31/1/1668 : tại Juthia kinh đô Thái Lan, ai đã tấn phong linh mục cho 4 thy giảng: Cha Giuse Trang và Luca Bền, thuộc giáo phận Ðàng Trong; cha Gioan Huệ và Benedictô Hiền, thuộc giáo phận Ðàng Ngoài ? (Ðây là 4 vị linh mục tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam).
          - Thưa : Đức Giám mục Lambert de La Motte.
 
75Hỏi : Năm 1679, Ðức Giáo hoàng nào lại chia Giáo Phận Ðàng Ngoài thành hai : Tây Ðàng Ngoài và Ðông Ðàng Ngoài ?
 - Thưa : Ðức Giáo hoàng Innocenxiô XI.
 
76Hỏi : Năm 1679 : Giáo Phận Ðàng Ngoài tách rời thành hai giáo phận mới, lấy sông Hồng Hà làm ranh giới. Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài (Hà Nội) : từ sông Hồng đến biên giới Ai Lao, đặt dưới sự cai quản của ai ?
 - Thưa : Ðức Giám mục De Bourges.
 
77Hỏi : Nhà thờ chính tòa Tổng Giáo phận Hà Nội được mừng kính với thánh hiệu gì ?
 - Thưa : Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse.
 
78Hỏi : Năm 1844 : Ðức Giáo Hoàng nào chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận mới : Giáo Phận Bắc Ðàng Trong (Qui Nhơn) : do Ðức Cha Cuenot Thể đảm nhiệm ; và Giáo Phận Nam Ðàng Trong (Sàigòn) ?
          - Thưa : Ðức Giáo Hoàng Grégôr XVI.
 
79Hỏi : Năm 1844 : Ðức Thánh Cha Grégôriô XVI chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận mới : Giáo Phận Bắc Ðàng Trong (Qui Nhơn) : trao cho ai cai quản ?
 - Thưa : Ðức Giám mục Cuenot Thể.
 
80Hỏi : Nhà thờ chính tòa Giáo phận Qui Nhơn được mừng kính với thánh hiệu gì ?
 - Thưa : Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời.
 
81Hỏi : Năm 1844 : Ðức Thánh Cha Grégôriô XVI chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận mới : Giáo Phận Nam Ðàng Trong (Sàigòn) trao cho ai cai quản ?
 - Thưa : Ðức Giám mục D. Lefebvre Ngãi.
 
82Hỏi : Nhà thờ chính tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn được mừng kính với thánh hiệu gì ?
 - Thưa : Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
 
83Hỏi : Năm 1850 : Tòa Thánh cắt giáo phận Bắc Ðàng Trong gồm các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Trị để thành lập Giáo Phận Huế, và trao cho ai cai quản ?
 - Thưa : Ðức Giám mục Pellerin Phan.
 
84Hỏi : Nhà thờ chính tòa Tổng Giáo phận Huế được mừng kính với thánh hiệu gì ?
          - Thưa : Nhà thờ chính tòa Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ.
 
85Hỏi : Năm 1932 : Giáo Phận Kontum được thành lập, bao gồm 3 tỉnh Kontum, Daklak, Pleiku; tân giáo phận tách rời từ địa phận Qui Nhơn và đặt dưới sự hướng dẫn của ai ?
 - Thưa : Ðức Giám mục Jannin Phước.
 
86Hỏi : Nhà thờ chính tòa Giáo phận Kon Tum được mừng kính với thánh hiệu gì ?
 - Thưa : Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
 
87Hỏi : Ðức Giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam tên là gì ?(1933)
 - Thưa : Ðức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.
 
88Hỏi : Đức Giáo hoàng nào đã chọn linh mục Việt Nam Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng làm Giám mục ?( 11/6/1933)
 - Thưa : Đức Giáo hoàng Piô XI.
 
89Hỏi : Chữ quốc ngữ do các nhà truyền giáo và tín hữu Việt Nam sáng tạo và phát triển, vì vậy nền báo chí Công giáo cũng góp phần không nhỏ trong việc phổ cập chữ quốc ngữ. Tờ báo Công giáo đầu tiên có tên gọi là gì ?
          - Thưa : Tờ Nam Kỳ địa phận.
 

90Hỏi : Tờ báo Công giáo đầu tiên là tờ Nam Kỳ địa phận (Sài Gòn) ra ngày đầu tiên vào năm nào ? 
 - Thưa : Năm 1908.
 
C. THỬ THÁCH (CÁC THÁNH TỬ ĐẠO Việt Nam) : (Nội dùng từ câu 31 - 60)
 
D. TRƯỞNG THÀNH
 
91Hỏi : Đức Giáo hoàng nào đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam ?
 - Thưa : ĐGH Gioan XXIII.
 
92Hỏi : Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập năm nào?
 - Thưa : Năm 1960.
 
93Hỏi : Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Việt Nam được Đức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập với Tông Hiến gì?(24/11/1960)
 - Thưa : Venerabilium Nostrorum.
 
94Hỏi : Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã ra Tông Hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với những Giáo Tỉnh nào ?
 - Thưa : Giáo tỉnh Hà Nội, Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sàigòn.
 
95. Hỏi : Hiện nay (2018) Giáo tỉnh Hà Nội bao gồm các giáo phận nào ?
 - Thưa : Có 10 giáo phận. Giáo Tỉnh Hà Nội bao gồm các giáo phận Hà Nội (1679) Lạng Sơn (1913), Hải Phòng (1678), Hưng Hóa (1895), Bắc Ninh (1883), Phát Diệm (1901), Bùi Chu (1848), Thái Bình (1936), Thanh Hóa (1932) và Vinh (1846).
 
96. Hỏi : Hiện nay (2018), Đức Tổng Giám mục Giáo Tỉnh Hà Nội tên là gì ?
 - Thưa : Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.
 
97. Hỏi : Hiện nay (2018) Giáo tỉnh Huế bao gồm các giáo phận nào ?
 - Thưa : Có 6 giáo phận. Giáo Tỉnh Huế bao gồm các giáo phận Huế (1850), Qui Nhơn (1844), Nha Trang (1957), Kontum (1932), Ðà Nẵng (1963) và Ban Mê Thuột (1967).
 
98. Hỏi : Hiện nay (2018), Đức Tổng Giám mục Giáo Tỉnh Huế tên là gì ?
 - Thưa : Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.
 
99. Hỏi : Hiện nay (2016) Giáo tỉnh Sàigòn bao gồm các giáo phận nào ?
- Thưa : Có 10 giáo phận. Giáo Tỉnh Sàigòn bao gồm các giáo phận Sài Gòn (1844) Vĩnh Long (1938), Cần Thơ (1955) Ðà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên (1960), Phú Cường, Xuân Lộc (1966), Phan Thiết (1975) và Bà Rịa (2005).
 
100. Hỏi Hiện nay (3.2018), Đức Tổng Giám mục Giáo Tỉnh Sài Gòn tên là gì ?
 - Thưa : Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (RIP).
 
101. Hỏi : Năm 1960 khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Đức Thánh Cha thiết lập thêm những giáo phận nào ?
 - Thưa : Ðà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên.
 
102Hỏi : Giáo phận Ðà Nẵng được thiết lập năm nào ?
 - Thưa : Năm 1963.
 
103Hỏi : Giáo phận Phú Cường được thiết lập năm nào ?
 - Thưa : Năm 1966.
 
104Hỏi : Giáo phận Xuân Lộc được thiết lập năm nào ?
 - Thưa : Năm 1966.
 
105Hỏi : Giáo phận Phan Thiết được thiết lập năm nào ?
 - Thưa : Năm 1975.
 
106Hỏi : Giáo phận Bà Rịa được thiết lập năm nào ?
 - Thưa : Năm 2005.
 
107Hỏi : Hiện nay (2018), Giáo Hội Việt Nam có bao nhiêu giáo phận ?
 - Thưa : 26 giáo phận.
 
108Hỏi : Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên được các Giám mục Việt Nam đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc vào năm nào ?
 - Thưa : Năm 1974.
 
109Hỏi : Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên được các Giám mục Việt Nam đồng chấp thuận gồm những điều gì ?
 - Thưa : Được lập bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, được đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương ...
 
110Hỏi : Sau khi thống nhất đất nước, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đầu tiên họp tại thủ đô Hà Nội vào năm nào ?
 - Thưa : Năm 1980.
 
111Hỏi : Hội Đồng Giám mục Việt Nam đầu tiên họp tại thủ đô Hà Nội đã ra thư chung 1.5.1980 với chủ đề gì ?
 - Thưa : “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
 
112Hỏi : Người tín hữu Việt Nam ngày nay sống đức tin giữa lòng dân tộc như thế nào?
 - Thưa : Người tín hữu Việt Nam phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, cố gắng sống tinh thần Phúc Âm: yêu thương mọi người, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và làm chứng cho Chúa ngay trên chính quê hương mình.
 
113Hỏi : Giáo Hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đã cử hành những Năm Thánh nào ?
 - Thưa: * Một là : Năm Thánh Truyền Giáo 2003, ghi dấu 470 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam (1533-2003).
Hai là : Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam cùng 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
 
114Hỏi : Năm Thánh Truyền Giáo 2003 kỷ niệm biến cố gì ?
          - Thưa : Kỷ niệm 470 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam (1533-2003).
 
115Hỏi : Năm Thánh 2010, Giáo Hội Việt Nam kỷ niệm sự kiện gì ?
 - Thưa : Kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam cùng 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
 
116Hỏi : Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam có những biến cố nào quan trọng ?
 - Thưa : * Một là khởi đầu tại Tổng Giáo Phận Hà Nội ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24.11.2009,
* Hai là cử hành trọng thể tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010 với Đại Hội Dân Chúa,
* Ba là bế mạc bằng cuộc hành hương lớn vào lễ Hiển Linh, 06.01.2011 tại Linh Địa La Vang.
 
117Hỏi : Hòa nhịp sống với Hội Thánh toàn cầu (2 THĐGM thế giới về Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong thế giới ngày nay cùng Tông huấn Niềm Vui về Tình Yêu của ĐGH Phanxicô) cũng như Hội Thánh Á Châu (Liên HĐGM Á Châu 2016 : Niềm vui của Tin Mừng và gia đình trong ánh sáng của THĐGM thế giới) HĐGM Việt Nam đề nghị chủ đề gì cho 3 năm 2016-2019 ?
- Thưa : Mục vụ gia đình.
 
118Hỏi : Năm 2016 – 2017 điểm nhấn chủ đề Mục vụ gia đình là gì ?
 - Thưa : Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân.
 
119Hỏi : Năm 2017 – 2018 điểm nhấn chủ đề Mục vụ gia đình là gì ?
 - Thưa : Đồng hành với các gia đình trẻ.
 
120Hỏi : Năm 2018 – 2019 điểm nhấn chủ đề Mục vụ gia đình là gì ?
 - Thưa : Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.
 
121Hỏi : Chủ tịch HĐGM Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 là ai ?
          - Thưa : Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.
 
122Hỏi : Tổng Thư ký HĐGM Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 là ai ?
 - Thưa : Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm.
 
123Hỏi : Hiện nay, có bao nhiêu Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam ?
 - Thưa : Có 17 Ủy Ban.
 
Các Ủy Ban
trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam gồm có:
 
1/ Ủy Ban Giáo lý đức tin
2/ Ủy Ban Kinh Thánh
3/ Ủy Ban Phụng tự
4/ Ủy Ban Nghệ thuật thánh
5/ Ủy Ban Thánh nhạc
6/ Ủy Ban Loan báo Tin mừng
7/ Ủy Ban Giáo sĩ-Chủng sinh
8/ Ủy Ban Tu sĩ
9/ Ủy Ban Giáo dân
10/ Ủy Ban Truyền thông xã hội
11/ Ủy Ban Giáo dục công giáo
12/ Ủy Ban Mục vụ giới trẻ
13/ Ủy Ban Văn hóa
14/ Ủy Ban Công lý-Hòa bình
15/ Ủy Ban Mục vụ Gia đình
16/ Ủy Ban Bác ái xã hội- Caritas
17/ Ủy Ban Mục vụ di dân
 
124Hỏi : Tại Giáo triều Rôma, Đức Hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận (RIP) đã giữ chức vụ gì ?
 - Thưa : Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.
 
125Hỏi : Tính từ Giám mục tiên khởi GB. Nguyễn Bá Tòng (1933) đến Giám mục Giuse Nguyễn Thế Phương (8.2016) có bao nhiêu người Việt Nam được tấn phong Giám mục ?
- Thưa : 117 vị.
 
126 Hỏi : Tòa Khâm sứ là gì ?
- Thưa : Tòa Khâm sứ là cơ quan đại diện của Tòa Thánh tại một quốc gia đảm nhận việc liên lạc giữa Tòa Thánh với Việt Nam trên lĩnh vực phụng tự là chủ yếu và một phần nhỏ lĩnh vực ngoại giao.
 
127Hỏi : Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam (hay còn gọi là Tòa Khâm sứ Vatican) được thành lập năm nào ?
 - Thưa : Năm 1925.
 
128Hỏi : Giáo Hội Việt Nam (2018) có những vị Hồng Y nào ?
          - Thưa : Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1898-1978), Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990), Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1919-2009), Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.
 
129Hỏi : Vị Hồng y tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam tên là gì ?
 - Thưa : Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê.
 
130Hỏi : Đức Giáo Hoàng Phanxicô trao mũ Hồng y cho Ðức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội vào năm nào ?
 - Thưa : Năm 2015.
 
131Hỏi : Vương Cung Thánh Đường là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt mà Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính cách cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Rôma. Vương Cung Thánh Đường có bao nhiêu loại ?
          - Thưa : Có 2 loại.
 
132Hỏi : Vương Cung Thánh Đường gồm có những loại nào ?
 - Thưa : Đại Vương Cung Thánh Đường và Tiểu Vương Cung Thánh Đường.
 
133Hỏi : Giáo Hội Việt Nam có những Tiểu Vương Cung Thánh Đường nào ?
 - Thưa : Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn, Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai, Vương Cung Thánh Đường La Vang và Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện.
 
134Hỏi : Chủng viện là gì ?
 - Thưa : Chủng viện là nơi đào tạo các ứng sinh để trở thành linh mục.
 
135Hỏi : Giáo Hội tại Việt Nam có 8 Đại chủng viện tên là gì ?
 - Thưa : Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội, Đại chủng viện Huế, Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, Đại chủng viện Vinh Thanh, Đại chủng viện Thánh Quý, Đại chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Bùi Chu), Đại chủng viện Thánh Giuse (Xuân Lộc).
 
LỜI CHÚA
 
136. Hỏi : Sau gần hai ngàn năm, Hội Thánh cũng như mọi phần tử của Hội Thánh được mời đọc lại những trang nhật ký thuở ban đầu để làm gì ?
          - Thưa : Để canh tân niềm tin và tình yêu của mình với Chúa Kitô.
 
137. Hỏi : Khi đọc Sách Công vụ Tông đồ chúng ta nhận thấy Hội Thánh thuở ban đầu có một sức sống rất mãnh liệt. Đó là một cộng đoàn mẫu mực về điều gì ?
          - Thưa : Đức tin, đức cậy và đức mến.
 
138. Hỏi : Cộng đoàn thuở ban đầu luôn sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, họ đã làm gì ?
          - Thưa : Chuyên cần học hỏi Lời Chúa, siêng năng cầu nguyện, tham dự phụng vụ, yêu mến gắn bó với Chúa Giêsu, yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau và hết sức nhiệt thành làm chứng cho Chúa Giêsu. (x. Cv 2,42-47 ; 4,32-34)
 
139. Hỏi : Sách Khải Huyền viết cho các Kitô hữu đang bị bách hại, gặp nhiều thử thách khó khăn giúp họ điều gì ?
          - Thưa : Giúp họ nhẫn nại và tin tưởng trong cơn gian lao.
 
140. Hỏi : Sách Khải Huyền gởi đến chúng ta hôm nay sứ điệp gì ?
          - Thưa : Đừng sợ phải sống niềm tin của mình, dù phải lội ngược dòng, dù bị bách hại, vì Đức kitô đã chiến thắng.
 
141. Hỏi : Sách Khải Huyền cho chúng ta biết điều gì ?
          - Thưa : Lịch sử nhân loại đã được cứu chuộc và đang đi tới cùng đích. Con Chiên bị sát tế mang lại chiến thắng cho những ai tin vào Thiên Chúa.
 
142. Hỏi : Ngày hôm nay đứng trước những thách đố trong cuộc sống để sống đức tin, chúng ta cần phải làm gì ?
          - Thưa : Cần gắn bó hơn với Chúa Giêsu, với Lời Chúa và với Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài.

143. Hỏi : “Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người ; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (11,15) Đây là lời trích trong sách nào ?
          - Thưa : Sách Khải Huyền.
 
144. Hỏi : “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (10,28) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Mátthêu.
 
145. Hỏi : “ Phúc thay anh em khi vì Thầy
mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”(5,11-12a) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Mátthêu.
 
146. Hỏi : “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (14,15) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Gioan
 
147. Hỏi : “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.”(12,32) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Luca.
 
148. Hỏi : “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”(15,12) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Gioan.
 
149. Hỏi : “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.”(16,6) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Máccô.
 
150. Hỏi : “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (6,27-28) Đây là lời trích trong sách Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Luca.
 
151. Hỏi : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(8,28)
          - Thưa : Thư Rôma.
 
152. Hỏi : Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(4,10)
          - Thưa : Thư 2 Côrintô.
 
153. Hỏi : Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(8,35)
          - Thưa : Thư Rôma.
 
154. Hỏi : Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ?(9,16b)
          - Thưa : Thư 1 Corintô.
 
155. Hỏi : Nếu ta cùng chết với Người,
ta sẽ cùng sống với Người.
Nếu ta kiên tâm chịu đựng,
ta sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.”
Câu này được trích trong thư nào của thánh Phaolô ? (2,11-12)
          - Thưa : Thư 2 Timôthê.
 
156. Hỏi : Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” Câu này được trích trong thư nào ? (13,8)
          - Thưa : Thư Do thái.
 
157. Hỏi : “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (2,26)
          - Thưa : Thư Giacôbê.
 
158. Hỏi : “Anh em thân mến, hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời.” Đây là lời trích trong thư chung nào ? (20-21)
          - Thưa : Thư Giuđa.
 
159. Hỏi : “Thầy đây mà, đừng sợ !”(6,20) Đây là lời trích trong Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Gioan.
 
160. Hỏi : “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”(16,33) Đây là lời trích trong Tin mừng nào ?
          - Thưa : Tin mừng Gioan.
 
Nguyễn Thái Hùng
2018
 Tags: gpbmt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây