TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo Hội - Người Lữ Hành của Niềm Hy Vọng

Thứ tư - 04/12/2024 07:09 | Tác giả bài viết: Lm. Antôn Hà Văn Minh |   172
Đức Giáo hoàng Phanxicô chính thức tuyên bố năm 2025 là Năm Thánh với sắc lệnh có tựa đề “Spes Non Confudit”, nghĩa là “Hy vọng không làm thất vọng”.
Giáo Hội - Người Lữ Hành của Niềm Hy Vọng

GIÁO HỘI - NGƯỜI LỮ HÀNH CỦA NIỀM HY VỌNG

Đức Phanxicô mong muốn Giáo hội, người lữ hành của niềm hy vọng, phải làm cho thế giới này tìm lại ý nghĩa đích thật của cuộc sống, để mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, tràn ngập ánh sáng tình yêu của Chúa, để mọi người hưởng được cuộc sống hạnh phúc đích thật, cho dẫu phải đối diện với bao nhiều thách đố Giáo hội không bỏ cuộc trong hành trình mang lại niềm hy vọng cho người thời đại.

WHĐ (04/12/2024) - Đức Giáo hoàng Phanxicô chính thức tuyên bố năm 2025 là Năm Thánh với sắc lệnh có tựa đề “Spes Non Confudit”, nghĩa là “Hy vọng không làm thất vọng”. Năm Thánh sẽ bắt đầu bằng việc mở Cửa Thánh của vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào Đêm Giáng sinh năm 2024. “Hy vọng cũng là thông điệp trung tâm của Năm Thánh sắp tới mà theo truyền thống lâu đời, Đức Giáo hoàng công bố cứ hai mươi lăm năm một lần”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong sắc lệnh của mình. “Tôi hướng suy nghĩ đến tất cả những ‘người hành hương hy vọng’ sẽ đến Rome để trải nghiệm Năm Thánh và đến tất cả những người khác, mặc dù không thể đến thăm thành phố của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng sẽ cử hành Năm Thánh tại các nhà thờ địa phương của họ”. Chủ đề của Năm Thánh là “Những người hành hương hy vọng” khi Đức Giáo hoàng kêu gọi tất cả người Công giáo đổi mới trong niềm hy vọng của Chúa Kitô, lấy thánh Phaolô tông đồ làm kim chỉ nam cho năm đặc biệt này. “Mọi người đều biết hy vọng là gì”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói. “Trong trái tim của mỗi người, hy vọng ngự trị như một khát khao và kỳ vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến, mặc dù chúng ta không biết tương lai sẽ mang lại điều gì. Mặc dù vậy, sự không chắc chắn về tương lai đôi khi có thể nảy sinh những cảm xúc mâu thuẫn, từ sự tin tưởng tự tin đến sự lo lắng, từ sự thanh thản đến sự lo lắng, từ niềm tin chắc chắn đến sự do dự và nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người nản lòng, bi quan và hoài nghi về tương lai, như thể không có gì có thể mang lại cho họ hạnh phúc”. “Đối với tất cả chúng ta, xin Năm Thánh là cơ hội để đổi mới hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra lý do cho hy vọng đó. Lấy đó làm kim chỉ nam, chúng ta hãy quay trở lại với thông điệp mà thánh tông đồ Phaolô muốn truyền đạt cho các Kitô hữu ở Rome”, “Trong một thế giới lúc nào cũng hối hả, chúng ta đã quen với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta không còn thời gian để gặp nhau và thường thì việc gặp gỡ và bình tâm nói chuyện với nhau, ngay cả trong gia đình, cũng trở nên khó khăn. Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín”[1].

Việc khai mở Năm Thánh 2025, Đức Thánh cha muốn khơi bùng cháy lên ngọn lửa hy vọng được Chúa Thánh Thần đặt để trong Giáo hội, bởi Giáo hội được Chúa Thánh Thần qui tụ trong cùng một đức tin nên Giáo hội cũng là một cộng đoàn của niềm hy vọng, vì hy vọng là một phần của đức tin. Niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin Kitô giáo không hướng đến một điều gì mơ hồ, nhưng là hướng tới một thực tại tương lai, và thực tại đó như đang hiện diện trong lúc này. Đức Bênêđictô XVI trong Thông điệp Spe Salvi đã minh định: Đức tin không chỉ đơn thuần là sự vươn tới của cá nhân hướng về những điều sẽ xảy đến nhưng đến nay vẫn hoàn toàn vắng bóng: đức tin còn đem lại cho chúng ta điều gì đó. Đức tin đem đến cho ta ngay cả lúc này đây những phần của thực tại chúng ta đang trông chờ, và thực tại này đem đến cho chúng ta một ‘bằng chứng’ về những điều còn chưa thấy. Đức tin kéo tương lai về với hiện tại đến mức tương lai không còn đơn thuần là một điều gì đó ‘chưa đến’. Sự kiện là tương lai này đang hiện hữu thay đổi hiện tại; hiện tại này được thực tại trong tương lai tác động đến, và vì thế những gì của tương lai tuôn trào vào những gì của hiện tại và những gì của hiện tại tuôn trào vào những gì của tương lai[2].

Do đó, Giáo hội hiện diện trên trần thế như những người lữ hành mang trong mình niềm hy vọng này, bởi theo Công đồng Vatican II, Giáo hội như là “Dân Chúa” lữ hành, Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông trong tình huynh đệ anh chị em cùng với những khác “được Chúa thương” nắm tay nhau nhịp bước tiến về nước Chúa hứa. “Con đường hiệp thông của sự hy vọng” nằm trong và cùng với đại gia đình nhân loại. Chính trong con đường này những kẻ tin làm cho nhân loại tìm thấy niềm vui mừng nơi Giáo hội mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu.[3] Trong chiều hướng này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu trên thế giới hãy trở thành những sứ giả vui mừng của hy vọng trong một thế giới đầy sợ hãi và tuyệt vọng. “Mỗi người chúng ta đều cần hy vọng trong cuộc sống của mình, đôi khi rất mệt mỏi và tổn thương, trái tim chúng ta khao khát sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp, và những giấc mơ mà không bóng tối nào có thể xua tan. Mọi thứ, bên trong và bên ngoài chúng ta, đều kêu gào hy vọng và tiếp tục tìm kiếm sự gần gũi của Chúa, ngay cả khi không biết điều đó”[4].

1/ Thực tại niềm hy vọng Kitô giáo

Niềm hy vọng của người tín hữu chúng ta là gì? Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng: “tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại”, có thể nói lời tuyên tín này diễn tả niềm hy vọng của chúng ta. Thật vậy, khi đối diện với cái chết con người cảm thấy bất lực trước việc mong cho sự sống này được tồn tại. Mọi nỗ lực của người vẫn không thể ngăn cản sự chết. Đức Bênêđictô XVI đã nhận định: Thật đúng là việc loại trừ sự chết hay trì hoãn nó dù đến vô hạn hay không đều đặt trái đất và nhân loại trong một tình huống không thể được[5]. Quả thật, trong cuộc sống lữ hành trần thế, chúng ta không khao khát gì hơn là được sống đời đời. Lời tuyên xưng tôi tin “xác loài người ta ngày sau sống lại” như là niềm hy vọng cho khát vọng của chúng ta. Chúng ta chấp nhận cái chết để rồi hy vọng sẽ đón nhận một cuộc sống mới trong ngày chung cuộc.

Như vậy, lời tuyên tín nói lên niềm hy vọng về một cuộc sống bất tử, điều mà Chúa Giêsu đã hứa: “Ai tin vào Thầy sẽ không phải chết bao giờ” (Ga 3,15t; 3,36; 5,24). Chúa Giêsu đã minh nhiên nói đến sự bất tử, nhưng phải hiểu “sự bất tử trong Kinh thánh là sự bất tử mang tính “đối thoại” (ressusciter = phục sinh)[6]. Nghĩa là, “sự bất tử không đơn giản do bản tính tự nhiên của một hữu thể bất khả phân và do đó bất hoại, nhưng là do hành vi cứu độ của Đấng đã yêu thương và đủ quyền năng để làm điều đó: nếu con người không rơi vào vòng hư hoại thì chính là vì con người đã được Thiên Chúa biết đến và yêu thương. Tình yêu nào cũng mong muốn được vĩnh cửu huống chi là tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài đi xa hơn nhiều, không những mong muốn vĩnh cửu mà còn thực hiện điều đó. Ngài là vĩnh cửu”[7].

Vì sự bất tử có được không do bởi tự thân của tạo vật, nhưng do tự quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng của Đấng là yêu thương, chính từ tình yêu này, Ngài muốn tất cả mọi người, những ai tin tưởng và khẩn cầu vào Ngài đều được dự phần vào sự bất tử của Ngài. Khi tạo dựng con người “Đấng Sáng Tạo không chỉ nhằm đến linh hồn mà thôi, nhưng nhằm tới con người toàn diện, con người hiện thực giữa lòng thân xác của lịch sử. Thiên Chúa ban ơn bất tử là cho con người như thế, và do đó sự bất tử ở đây đồng nghĩa với phục sinh kẻ chết (phục sinh con người)”[8]. Do đó, niềm tin “xác sẽ sống lại và ngày sau hết” không mang một ý nghĩa là phần thân xác tách rời khỏi hồn cách đơn độc riêng lẻ, nhưng mang chiều kích của liên đới với nhân loại, và trong mối liên đới này mỗi người đạt tới phần phúc hay bị hư mất, vì “nếu hiểu con người như một hữu thể duy nhất thì yếu tố liên đới với đồng loại lại là thành tố của đời sống con người. Vì thế, nếu con người tiếp tục sống thì không thể thiếu chiều kích liên đới đó”[9]. Bởi sự sống lại của những người tin không thể tách rời ra khỏi Đức Kitô, mọi người đều liên đới với nhau trong Chúa Kitô, và cũng chỉ trong Đức Kitô con người mới dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, một sự sống hạnh phúc, viên mãn trong tình yêu, đó chính là niềm hy vọng của những kẻ tin vào Đức Kitô

2/ Tính Phổ quát của niềm hy vọng: Trời mới đất mới

Niềm hy vọng mà nhiều người mong đợi và đã chớm nở ngay cuộc sống hôm nay không mang tính cá nhân mà là sự chung sống xã hội của con người mang tính phổ quát. Tính phổ quát của niềm hy vọng này không dựa trên niên đại nhân học về sự hữu hạn của con người, mà đúng hơn là dựa trên tính phổ quát của vương quốc đã hứa của Thiên Chúa, vốn bao gồm mọi điều kiện con người và xã hội. Chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ dẫn dắt toàn bộ công trình sáng tạo của Ngài, lịch sử loài người và mọi tạo vật riêng lẻ đến sự hoàn hảo trong vương quốc của Thiên Chúa. Vì vậy, toàn bộ lịch sử của việc kết thúc thế giới và đưa lịch sử đó vào cuộc sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Quả thật tính phổ quát của niềm hy vọng được tỏ bày trong kinh Lạy Cha: “Xin cho nước Cha trị đến”, chúng bày tỏ niềm hy vọng nài xin về sự quang lâm cuối cùng của Thiên Chúa và vương quốc của Ngài để cứu rỗi tạo vật[10]. Niềm hy vọng này không hề là một niềm lạc quan mơ hồ, hời hợt về tương lai, nhưng nó được xây dựng trên nền tảng đức tin về ơn cứu rỗi mà Đức Kitô đã thực hiện qua công trình cứu chuộc của Người, điều mà mỗi tín hữu cảm nhận được qua cộng đoàn được Chúa qui tụ và qua các bí tích. Thật vậy, nhờ bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu được tháp nhập vào thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô, và qua bí tích Thánh thể mỗi người là chi thể trong thân thể nhiệm mầu này đạt tới sự hoàn thiện toàn diện của toàn thế giới trong chính “thân mình Chúa Kitô”, thân mình đã chết và đã phục sinh. Biến cố cứu chuộc là nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo, bởi nhờ cái chết và sự phục sinh, Chúa Kitô đã khai mở trời mới đất mới, nơi đó Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ cho công lý ngự trị. “Hạnh phúc ở nơi ấy sẽ thỏa mãn và lấp đầy mọi ước vọng hòa bình đang trào dâng trong lòng con người. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô, và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát; tình yêu và các nghĩa cử bác ái sẽ tồn tại, và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân” (GS 39).

Tuy nhiên, khi sống trong niềm hy vọng về một trời mới đất mới, chúng ta không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của kỷ nguyên mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với việc mở rộng vương quyền Chúa Kitô, nhưng chính những tiến bộ này cũng có giá trị đối với nước Thiên Chúa trong mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơnThật vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô trao lại cho Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và phổ quát: ‘Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và đầy ơn phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an’. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa trở lại” (GS 39).

Thật vậy, trời mới đất mới được tỏ bày nơi con người Đức Kitô Phục Sinh, bởi “phục sinh của Đức Giêsu là một sự khai mở vào một cách sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không còn nằm dưới lề luật của cái chết và đổi thay, nhưng nằm bên kia thế giới một cuộc sống mở ra chiều kích mới cho hiện sinh con người. Vì thế sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là một sự kiện đơn thuần, chúng ta có thể bỏ qua vì thuộc về quá khứ, nhưng nó là một thể loại ‘chuyển biến nhảy vọt’, một bước nhảy mang tính phẩm chất. Trong sự phục sinh của Đức Giêsu một khả thể mới của hiện sinh con người gắn kết với tất cả mọi người và mở ra một tương lai, một thể loại mới của tương lai”[11]. Có thể nói, sự phục sinh của Đức Kitô trình bày tính phổ quát của niềm vọng Kitô giáo qua hai chiều kích: “Một mặt, Đức Giêsu không trở về với sự hiện hữu khả giác, lệ thuộc vào luật phải chết, nhưng Người sống một cách thức mới trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, không bao giờ chết nữa. Mặt khác - điều này cũng quan trọng những lần gặp gỡ với Đấng phục sinh là điều gì khác với sự kiện nội tâm hay cảm nghiệm thần bí - đó là những lần gặp gỡ thật sự với Đấng hằng sống, nhưng với cách thức mới có một thân xác và hiện diện cách xác thể. Thánh Luca nhấn mạnh điều này thật mạnh mẽ: Đức Giêsu không phải như các môn đệ run sợ lúc gặp gỡ ban đầu, một ‘con ma’, một ‘thần linh’, nhưng Người có xương có thịt (x. Lc 24,36-43)”[12].

Và như vậy niềm hy vọng vào một trời mới đất mới không là một ảo tưởng, một câu chuyện mơ hồ, nhưng là một thái độ sống động của đức tin, tin vào quyền năng của Thiên Chúa, vào hành vi cứu độ của Ngài nhằm dẫn đưa con người trở về với tình trạng tạo dựng nguyên thủy, tình trạng trong mối dây tương quan có trật tự giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đấng Tạo Thành và muôn vật được tạo dựng. Trong tình trạng trật tự này không có đau khổ, bất hạnh, sự chết mà chỉ có bình an, hạnh phúc và bất tử.

“Giáo hội tự nó không phải là vương quốc của Thiên Chúa, nhưng điều này đã hiện diện trong mầu nhiệm rồi” (LG 3). Bởi đó, Giáo hội không phải là một cộng đồng tư tưởng thuần túy, không phải là một nhóm lợi ích hướng tới tương lai. Giáo hội dựa trên sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô; Thánh Thần của Người là nền tảng sống động cho sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là sức mạnh sâu xa nhất cho niềm tin tưởng của chúng ta: Chúa Kitô ở trong chúng ta, niềm hy vọng vinh quang. Đó là lý do tại sao cộng đồng hy vọng của Giáo hội chúng ta không phải là một hiệp hội luôn có thể đưa ra để thảo luận; nó là một dân tộc dưới hình thức cộng đồng. Giáo hội một cộng đoàn của niềm hy vọng, và với niềm hy vọng này người tin hữu luôn cất tiếng cậy trông: “Lạy Chúa qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn” (Tv 89). Bởi “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng: không phải bất cứ thần minh nào khác, nhưng chính là Thiên Chúa - Đấng có một dung mạo loài người và đã yêu thương chúng ta đến cùng, mỗi người chúng ta và nhân loại trong tổng thể của nó. Nước Ngài không phải là một hình ảnh tưởng tượng đời sau, tọa lạc đâu đó trong tương lai mà chẳng bao giờ đến; nhưng nước Ngài hiện diện bất cứ nơi nào Ngài được yêu thương và bất cứ khi nào tình yêu của Ngài đến được với chúng ta. Chỉ tình yêu Ngài mới ban cho chúng ta khả năng nhẫn nại chịu đựng ngày qua ngày, mà không ngừng được khích lệ bởi hy vọng, trong một thế giới mà tự chính bản chất là không hoàn thiện. Tình yêu của Ngài cũng đồng thời là một bảo đảm cho chúng ta về sự hiện hữu của điều mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận mơ hồ nhưng dù thế, trong thẳm sâu tâm hồn, chúng ta vẫn trông đợi: đó là một cuộc sống ‘thực sự’”[13].

3/ Tính hiện sinh của niềm hy vọng

Đức Kitô đã hứa: này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Đây không là một lời hứa hão huyền, nhưng lời hứa đã được hiện thực các minh nhiên qua biến cố phục sinh của Đức Kitô. Thật vậy, Đức Kitô đang hiện diện trong thế giới hữu hình này không bằng chính con người lịch sử Giêsu Nazareth, nhưng là một Giêsu phục sinh, một nhân vật hiện hữu được hình thành từ một cộng đoàn được cứu độ qua bí tích Rửa tội. Thật vậy Phép Rửa hình thành Giáo hội như là thân thể Đức Kitô: “Vì thân thể chỉ có một, mặc dầu có nhiều chi thể, tất cả các chi thể của thân thể tuy nhiều nhưng chỉ có một thân thể: đối với Đức Kitô thì cũng giống vậy. Nhờ một Thần khí duy nhất, qua Phép Rửa chúng ta được tiếp nhận vào trong một thân thể duy nhất... Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi một người trong anh em là chi thể của thân thể (x. 1Cor 12tt.27). Thân thể này là cộng đoàn hiệp thông của “những người được công chính hóa” nhờ Phép Rửa (x. 1Cor 6,11). Qua thân thể này Chúa hiện diện mỗi ngày với nhân loại cho đến ngày cánh chung. Bởi đó Giáo hội là hiện thân của niềm hy vọng Kitô giáo. Đây không là niềm hy vọng mơ hồ, không phải là sự lạc quan bẩm sinh về sự tồn tại, nhưng là là hy vọng vào vương quốc với cái nhìn hướng tới người khác. Vì thê Giáo hội là một cộng đồng của sự hiệp thông trong tình yêu nhằm hướng tới sự phục vụ thiện ích cho tha nhân, nên Giáo hội cộng đoàn của niềm hy vọng ở giữa và với đại gia đình nhân loại dưới ba chiều kích hiện sinh này:

a/ Như là “Dân Chúa” lữ hành, Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông trong tình huynh đệ anh chị em cùng với những khác “được Chúa thương” nắm tay nhau nhịp bước tiến về nước Chúa hứa. Giáo hội là “con đường hiệp thông của sự hy vọng”, chính trong con đường này những kẻ tin làm cho nhân loại tìm thấy niềm vui mừng nơi Giáo hội mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu.[14] Để thể hiện rõ nét tính hiệp thông cộng đoàn của Giáo hội, một một cộng đoàn của niềm hy vọng, Giáo hội đã đề cao tầm quan trọng của việc cử hành Thánh thể, đó là điểm hội tụ của mọi con đường dẫn đến nước Thiên Chúa. Qua việc cử hành Thánh thể, Giáo hội trở thành “Dân mới của thân thể Đức Kitô”[15].

b/ Giáo hội được trải nghiệm ở mọi cấp độ như một cộng đồng gồm những tội nhân, với sự yếu đuối và tội lỗi của mình, giúp định hình diện mạo của Giáo hội, một cộng đoàn “như hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh” (LG 8), để từ cảm nhận này, Giáo hội thể hiện sự khiêm cung để nỗ lực canh tân thành một cộng đoàn thánh thiện, bởi “nếu Đức Kitô là Đấng ‘thánh thiện, vẹn toàn, không tì ố’ (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2Cr 5,21), chỉ đến để đền tội cho dân (x. Dt 2,17), thì Giáo hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân” (LG 8). Qua việc canh tân này, Giáo hội cũng kiến tạo cho mình một con đường hy vọng qua việc khiêm cung lắng nghe, bởi “lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải nhận ra người khác là chủ thể của cuộc hành trình của chính họ. Khi chúng ta làm điều này, những người khác cảm thấy được đón nhận, không bị phán xét, tự do chia sẻ hành trình tâm linh của riêng họ”[16].

c/ Giáo hội phải được coi là Giáo hội của người nghèo, trong đó chính người nghèo trở thành chủ đề nổi bật trong hoạt động của Giáo hội. Công đồng Vatican II đã minh định: “Giáo hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để trở nên gương mẫu biểu dương sự khiêm nhường và từ bỏ. Đức Kitô được Chúa Cha sai đến ‘loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn,... cứu chữa các tâm hồn đau khổ’ (Lc 4,18), ‘tìm và cứu những gì đã mất’ (Lc 19,10); tương tự như thế, Giáo hội yêu thương ôm ấp tất cả những ai đang sầu khổ trong thân phận khốn cùng của kiếp nhân sinh; hơn nữa, Giáo hội nhận ra nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập nghèo khó và khổ đau của mình, cố gắng làm giảm bớt nỗi khổ của họ và nỗ lực phục vụ Đức Kitô trong họ” (LG 8) . Bởi nếu Giáo hội không chọn người nghèo là đối tượng ưu tiên thì “việc rao giảng Tin mừng, tự nó là hình thức cơ bản của đức ái, sẽ có nguy cơ bị ngộ nhận hay bị nhấn chìm bởi đại dương những lời nói hằng ngày nuốt chửng chúng ta trong cái xã hội truyền thông hôm nay”[17].

Trong chiều kích hiện sinh này, Đức Thánh cha Phanxicô trong sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 “Spes non confundit” nói tới một số khía cạnh đặc biệt liên quan đến con đường hy vọng mà Giáo hội cần phải dấn thân như người lữ hành của niềm hy vọng:

Hòa bình trên thế giới

Đức Thánh cha mời gọi nhận ra niềm hy vọng nơi “những dấu chỉ của thời đại”, tuy nhiên, hãy nhìn vào “những điều tốt đẹp đang hiện diện trên thế giới để không rơi vào cơn cám dỗ cho rằng mình bị sự ác và bạo lực đè bẹp”. Ngài hy vọng rằng dấu chỉ đầu tiên của hy vọng trong Năm Thánh “chuyển thành hòa bình cho thế giới, thế giới mà một lần nữa lại thấy mình chìm đắm trong bi kịch chiến tranh”.

“Quên đi những bi kịch trong quá khứ, nhân loại phải đối mặt với một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực. Những dân tộc này còn thiếu điều gì mà họ chưa phải chịu đựng? Làm sao tiếng kêu cứu tuyệt vọng của họ không thúc đẩy các nhà lãnh đạo các quốc gia muốn chấm dứt quá nhiều xung đột khu vực, nhận thức được những hậu quả có thể nảy sinh ở cấp độ toàn cầu? Có quá đáng không khi mơ rằng vũ khí sẽ im tiếng và ngừng mang đến sự hủy diệt và chết chóc?”[18].

* Kêu gọi tôn trọng, điều kiện sống xứng đáng cho tù nhân, bãi bỏ án tử hình

Trong Năm Thánh, Đức Thánh cha kêu gọi chúng ta đưa ra “những dấu hiệu hy vọng hữu hình” cho các tù nhân “hằng ngày, bên cạnh sự khắc nghiệt của tù đày, còn phải mang cảm xúc trống rỗng, những hạn chế bị áp đặt và, trong một số trường hợp, thiếu tôn trọng”. Đức Thánh cha đề xuất với các chính phủ là trong Năm Thánh “các hình thức ân xá hoặc xóa bỏ hình phạt” sẽ được thông qua, cũng như “các con đường tái hòa nhập cộng đồng tương ứng với cam kết cụ thể trong việc tuân thủ luật pháp”. Trên hết, Đức Thánh cha hy vọng rằng “ở mọi nơi trên trái đất” “một tiếng nói” sẽ được hình thành để can đảm yêu cầu “những điều kiện xứng đáng cho các tù nhân, tôn trọng nhân quyền và trên hết là việc bãi bỏ án tử hình, một biện pháp trái ngược với đức tin Kitô giáo và điều này phá hủy mọi hy vọng về sự tha thứ và đổi mới”[19].

* Niềm hy vọng cho bệnh nhân và nhiệt huyết cho người trẻ

Đức Thánh cha nói rằng những dấu hiệu hy vọng cũng nên được trao cho người bệnh, tại nhà hoặc tại bệnh viện: “Việc điều trị cho họ là một bài thánh ca ca ngợi phẩm giá con người”[20]. Những người trẻ thường thấy “ước mơ của mình sụp đổ” cũng cần có hy vọng. Ngài viết: “Ảo tưởng về ma túy, nguy cơ vi phạm và việc tìm kiếm sự phù du tạo ra trong họ nhiều hoang mang hơn những người khác và che giấu vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của cuộc sống, khiến họ rơi vào vực thẳm tối tăm và đẩy họ thực hiện những hành vi tự hủy hoại bản thân”. “Chúng ta không thể làm họ thất vọng”[21].

* Không có thành kiến và khép kín đối với người di cư

Đức Thánh cha một lần nữa yêu cầu những mong đợi của người di cư “không bị thất vọng bởi những thành kiến và sự khép kín”. Ngài viết: “Nhiều người lưu vong, di dời và tị nạn, những người bị buộc phải chạy trốn do các sự kiện quốc tế gây tranh cãi để tránh chiến tranh, bạo lực và phân biệt đối xử, phải được đảm bảo an toàn và tiếp cận với công việc và giáo dục, những công cụ cần thiết để họ hòa nhập vào bối cảnh xã hội mới”[22].

* Con số người nghèo trên thế giới là một điều tai tiếng

Trong sắc chỉ, Đức Thánh cha không quên nhiều người già đang sống trong cô đơn và bị bỏ rơi. Ngài nói: đó là “một sự dấn thân” đối với cộng đồng Kitô hữu và xã hội dân sự để “cùng nhau làm việc vì sự liên minh giữa các thế hệ”[23]. Và ngài không quên “hàng tỷ” người nghèo không có những thứ thiết yếu để sống. Ngài nói: “Chúng ta gặp những người nghèo hoặc khó khăn mỗi ngày và đôi khi họ có thể là hàng xóm của chúng ta. Họ thường không có nhà ở hoặc thức ăn đầy đủ trong ngày. Họ phải chịu đựng sự loại trừ và thờ ơ của nhiều người”. Theo Đức Thánh cha, “thật là tai tiếng” khi người nghèo chiếm phần lớn dân số của một thế giới “được ban tặng những nguồn tài nguyên khổng lồ, phần lớn dành cho vũ khí”[24].

Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Năm Thánh, Đức Phanxicô đã mời gọi: “chúng ta hãy hướng lòng mình lên Chúa Kitô và trở thành những người cao rao của hy vọng trong một nền văn minh bị đánh dấu bởi quá nhiều tuyệt vọng”. “Bằng hành động, lời nói, quyết định chúng ta đưa ra mỗi ngày, những nỗ lực kiên nhẫn của chúng ta để gieo hạt giống của vẻ đẹp và lòng tốt ở bất cứ nơi nào chúng ta đến, chúng ta muốn hát về hy vọng, để giai điệu của nó có thể chạm đến trái tim của nhân loại và đánh thức trong mỗi trái tim niềm vui và đánh thức lòng can đảm để đón nhận cuộc sống một cách trọn vẹn”, ngài nói. Ngài nói rằng mọi người đều cần hy vọng. Hy vọng cần thiết khi mọi người chỉ quan tâm đến hiện tại, bởi những người bị cuốn vào chủ nghĩa cá nhân hoặc “những người nhìn về tương lai với sự lo lắng và sợ hãi”. “Hy vọng cần thiết cho sự sáng tạo của Chúa, vốn bị tổn hại nghiêm trọng và biến dạng bởi lòng ích kỷ của con người”, ngài nói. “Hy vọng cần thiết cho Giáo hội, để khi cảm thấy mệt mỏi vì những nỗ lực của mình và gánh nặng bởi sự yếu đuối của mình, Giáo hội sẽ luôn nhớ rằng, với tư cách là cô dâu của Chúa Kitô, Giáo hội được yêu thương bằng tình yêu vĩnh cửu và trung thành, được kêu gọi để giơ cao ánh sáng của Phúc âm và được sai đi để mang đến cho tất cả mọi người ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang đến cho thế giới một cách dứt khoát”, ngài nói. “Xin Chúa, Đấng đã sống lại từ cõi chết và lên trời, ban cho chúng ta ơn để tìm lại hy vọng”, Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện, và “để công bố hy vọng và xây dựng hy vọng”[25].

Đức Phanxicô mong muốn Giáo hội, người lữ hành của niềm hy vọng, phải làm cho thế giới này tìm lại ý nghĩa đích thật của cuộc sống, để mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, tràn ngập ánh sáng tình yêu của Chúa, để mọi người hưởng được cuộc sống hạnh phúc đích thật, cho dẫu phải đối diện với bao nhiều thách đố Giáo hội không bỏ cuộc trong hành trình mang lại niềm hy vọng cho người thời đại, bởi Không lẽ chúng ta không nhìn thấy lần nữa, trong ánh sáng của lịch sử hiện nay, là không có một trật tự thế giới tích cực nào có thể vươn lên nơi những tâm hồn đã quá chai đá?”[26].

Lm. Antôn Hà Văn Minh
04/12/2024

_____

[1] Đức Phanxicô, bài giảng trong buổi cầu nguyện buổi tối tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào thứ Năm, ngày 09/5/2024, lễ Thăng Thiên. Buổi lễ được bắt đầu bằng một buổi lễ trang trọng tại tiền sảnh bằng đá cẩm thạch trước Cửa Thánh của vương cung thánh đường, trong đó Đức Giáo hoàng đã công bố "sắc lệnh" công bố Năm Thánh 2025. Nguồn: https://todayscatholic.org/pope-proclaims-2025-holy-year-saying-people-need-truth-goodness-hope/

[2] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, ban hành ngày 30/11/2007, tại Rôma, số 7, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-spe-salvi-ve-niem-hy-vong-kito-giao-18551

[3] X. Giám mục W. Kempf, Fuer euch und fuer alle. Fastenhirtenbrief 1981, Limburg 1981; Giám mục K. Lehman, „Geistes-Gegenwart und Weggemeinschaft“, Gepraech in: HK 43 (1989), 67 – 74; Giám mục J. Homeyer, „Es bedarf einer zweiten Bekehrung“, Gepraech in: HK 44 (1990), 417-423.

[4] Đức Phanxicô, Bài giảng buổi tối cầu nguyện tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào thứ Năm, ngày 09/5/2024.

[5] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, ban hành ngày 30/11/2007, tại Roma, số 11, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-spe-salvi-ve-niem-hy-vong-kito-giao-18551

[6] Cuộc đối thoại qua lại giữa Thiên Chúa và con người diễn ra từ khởi đầu lịch sử nay bước vào một cấp độ mới nơi Đức Kitô: Trong Ngài, Lời Thiên Chúa đã thành “xác phàm”, đã nên hiện thực giữa lòng cuộc sống chúng ta. Nhưng, nếu cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người có nghĩa là sự sống, nếu quả thật chính kẻ đối thoại với Thiên Chúa cũng có được sự sống, bởi vì nó được trò chuyện với Đấng hằng có đời đời, thì điều này có nghĩa là Đức Kitô, tức là Lời mà Thiên Chúa ngỏ với chúng ta, cũng chính là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). (X. Joseph Ratzinger, Einfuehrung in das Christentum, NXB Koesel (1968), Muenchen, bản việt ngữ: Đức tin Kito Giáo Hôm qua va hôm nay, do Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, NXB Tôn giáo (2009), Hà Nội, tr. 378). 

[7] Joseph Ratzinger, Einfuehrung in das Christentum, NXB Koesel (1968), Muenchen, bản việt ngữ: Đức tin Kitô giáo Hôm qua va hôm nay, do Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, NXB Tôn giáo (2009), Hà Nội, tr. 376. 

[8] Nt, tr. 377.

[9] Nt.

[10] X. Medard Kehl, Und was kommt nach dem Ende, NXB Herderr, Freiburg.i Br. 1999. Tr.25

[11] ĐGH BênêđictôXVI, Jesus von Nazareth, Band II, NXB Herder, Freiburg i Br. 2011, Bản Việt ngữ: “Giêsu thành Nazareth” Phần II, do Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh dịch, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2011, tr. 294.

[12] Nt tr. 322

[13] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, ban hành ngày 30/11/2007, tại Rôma, số 31, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-spe-salvi-ve-niem-hy-vong-kito-giao-18551

[14] X. Giám mục W. Kempf, Fuer euch und fuer alle. Fastenhirtenbrief 1981, Limburg 1981; Giám mục K. Lehman, „Geistes-Gegenwart und Weggemeinschaft“, Gepraech in: HK 43 (1989), 67-74; Giám mục J. Homeyer, „Es bedarf einer zweiten Bekehrung“, Gepraech in: HK 44 (1990), 417-423.

[15] J. Ratzinger, Das neue Volk Gottes, Duesseldorf, 1970, 80 tt.

[16] Tài liệu làm việc cho giai đoạn Châu lục của Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành 2021-2024, số 32, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-cho-giai-doan-chau-luc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-2021-2024-48805

[17]Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (06/01/2001), số 50.

[18] Đức Phanxicô, Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 “Spes non confundit”, ban hành ngày 09/5/2024, tại Roma, số 8, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/spes-non-confundit-hy-vong-khong-lam-that-vong---sac-chi-cong-bo-nam-thanh-thuong-le-2025

[19] Nt số 10

[20] Nt số 11

[21] Nt số 12

[22] Nt số 13

[23] Nt số 14

[24] Nt số 15

[25] Đức Phanxicô, bài giảng trong buổi cầu nguyện buổi tối tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào thứ Năm, 09/5/2024, lễ Thăng Thiên. Buổi lễ được bắt đầu bằng một buổi lễ trang trọng tại tiền sảnh bằng đá cẩm thạch trước Cửa Thánh của vương cung thánh đường, trong đó Đức Giáo hoàng đã công bố "sắc lệnh" công bố Năm Thánh 2025, tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-05/dtc-nghi-thuc-trao-doc-sac-chi-cong-bo-nam-thanh-2025.html

[26] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, ban hành ngày 30/11/2007, tại Rôma, số 315, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-spe-salvi-ve-niem-hy-vong-kito-giao-18551


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây