TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Êlisabét, mẹ của Thánh Gioan Tẩy Giả - Niềm vui và nỗi đau

Thứ ba - 30/11/2021 07:37 |   1818
Êlisabét, mẹ của Thánh Gioan Tẩy Giả - Niềm vui và nỗi đau

Êlisabét, mẹ của Thánh Gioan Tẩy Giả - Niềm vui và nỗi đau

 
  •  
    •  




ÊLISABÉT, MẸ CỦA THÁNH GIOAN TẨY GIẢ - NIỀM VUI VÀ NỖI ĐAU

 
WGPQN (29.11.2021) - Thánh sử Luca cung cấp nhiều chi tiết về Mẹ Maria và thời niên thiếu của Chúa Giêsu, nhưng người nữ xuất hiện đầu tiên trong Tin Mừng của ngài lại là Êlisabét, vợ của Zacaria và là mẹ của thánh Gioan Tẩy Giả. Câu chuyện sinh con muộn của bà Êlisabét cũng giống như các chuyện các bà son sẻ sinh con trong Cựu Ước. Nhưng nhìn xa hơn các câu chuyện này, sẽ thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong lịch sử cứu độ. Trong nhãn quan đó, chúng ta cùng tìm hiểu về cuộc đời bà Êlisabét, cũng gọi là Isave. Cả hai tên Isave hay Êlisabét được dịch từ tên gốc tiếng Hy Lạp “Ελισάβετ” và tiếng Do Thái (Hebrew) Elisheva, אֱלִישֶׁבַע có nghĩa là “Thiên Chúa Đã Thề”.[1][8]
 
Bà Êlisabét có họ thế nào với Mẹ Maria?
 
Theo Phúc Âm thánh Luca (1, 36) Êlisabét thuộc dòng tộc tư tế Aaron và có họ với Mẹ Maria, nhưng không nói rõ liên hệ họ hàng ra sao: “Kìa Êlisabét trong hàng thân thích của người” (bản dịch nhóm CGKPV) / “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà…” (bản dịch Lm Nguyễn Thế Thuấn). Nhiều người đặt câu hỏi, sao hai người có liên quan họ hàng với nhau được vì Êlisabét thuộc nhà Aaron (dòng tộc Lê-vi) và mẹ Maria thuộc nhà Đavít (dòng tộc Giu-đa). Theo nhà chú giải Kinh thánh Matthew Henry thì chuyện đó có thể xảy ra: “vì Êlisabét là con cái nhà Aaron theo họ cha, nhưng cũng là con cái nhà Đavít theo họ mẹ”. Thế nên, Êlisabeth có thể là chị em họ với mẹ Maria.[2][5][6] Nên biết rằng hôn nhân giữa những người khác bộ tộc là điều bình thường ở Israel thời đó. Thánh Hippolytus đã viết rằng bà Sobe, mẹ của bà Êlisabét và bà Anna, mẹ của đức Maria là hai chị em và bà Sobe lấy chồng thuộc dòng dõi tư tế Lê-vi. Có lẽ thánh Hippolytus đã lấy lối cắt nghĩa này từ các sách ngoài quy điển.[3]
 
Thân Phận Bà Êlisabét
 
Thánh Luca kể tiếp rằng “Cả hai (bà Êlisabét và ông Zacaria) đều là công chính trước mặt Thiên Chúa, đi đứng rập theo mọi điều răn giới luật của Chúa, vô phương trách cứ.  Nhưng ông bà lại không con, vì Êlisabét là người son sẻ hiếm hoi; vả chăng hai ông bà lại đã cao niên cả rồi.”(Lc 1,5-7). Nói gì thì nói, cả hai chắc là khổ tâm và thất vọng lắm vì theo văn hóa dân Do Thái thời đó, vợ chồng không con là vì họ không được Chúa sủng ái. Nói cách khác, gia đình có đông con là vì họ được Chúa thương yêu (Tv 127,3-6). Ở các xứ Phi Châu, người không có con bị coi là người bị nguyền rủa. Và người ta thường đổ lỗi cho người vợ đã gây nên cớ sự này. [4] Chuyện xảy ra khi ông Zacaria đến phiên dâng hương trong đền thờ, Thiên Thần Gabriel hiện ra báo cho ông biết: “và Êlisabét, vợ ngươi sẽ sinh cho một người con, và ngươi sẽ đặt tên nó là Gioan”. Nhưng ông Zacaria không tin, chất vấn rằng: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." Vì không tin, ông Zacaria bị phạt phải câm cho tới khi Gioan Tẩy Giả được sinh ra.
 
Nghe tin chị họ Êlisabét mang thai, mẹ Maria vội vã đến thăm. Vừa nghe tiếng Mẹ Maria ngoài cửa, hài nhi Gioan đã quẫy đạp trong lòng mẹ. Tiếp đến bà Êlisabét được đầy Thánh Thần, nói lớn: "Trong nữ giới, có người là diễm phúc! Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người! (Lc 1, 42). Êlisabét được linh ứng cho biết hài nhi trong bụng mẹ Maria là “Chúa”, vì thế bà nói trong sung sướng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Mẹ Maria đáp lại với một bài ca mà sau này gọi là bài “Magnificat”. Bài ca này có cùng ý tưởng với bài ca của bà Hanna trong Cựu Ước khi bà này hát tạ ơn Thiên Chúa cho mình, một người hiếm muộn, được sinh con (1 Sm 2,1-10).[5]
 
Tám ngày sau khi Gioan Tẩy Giả sinh ra, con trẻ được đưa đi chịu phép cắt bì. Có cả họ hàng láng giềng tham dự. Họ định lấy tên cha là Zacaria đặt cho con trẻ như thông lệ thời đó. Nhưng bà Êlisabét nhất quyết tên con trẻ phải là Gioan. Họ hàng láng giềng mới “làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,62-64). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, ông Zacaria không những bị phạt phải câm, nhưng còn phải điếc nữa vì họ hàng láng giềng đã phải “làm hiệu” khi muốn đối thoại với ông.[6] Ông Zacaria chắc đã học được bài học về việc vâng theo lời Sứ Thần truyền. Đây cũng là một chủ đề mà Luca hay nhắc đến; "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."(Lc 8,21).
 
Thiên Thần là những sứ giả của Thiên Chúa và Thánh Luca đã dùng chữ Sứ Giả/ Thiên Sứ / Thiên Thần tổng cộng 25 lần trong Phúc Âm của Ngài, hơn phân nửa nằm ở hai chương đầu. Phúc Âm của thánh Mát-thêu cũng kể chuyện Sứ Thần hiện ra cùng thánh Giuse, nhưng vị thiên thần này không có danh tánh. Trái lại, trong Phúc Âm Luca, vị thiên thần báo tin cho ông Zacaria và Mẹ Maria tên là Gabriel (có nghĩa là Dũng Sĩ của Thiên Chúa). Trong Cựu Ước, cũng chính thiên thần Gabriel này đã giải thích thị kiến cho tiên tri Daniel.[7] Câu chuyện kể việc bà Êlisabét và ông Zacaria sinh ra Gioan Tẩy Giả khi cả hai quá tuổi sinh con cũng giống các câu chuyện loại này trong Cựu Ước: Abraham và Sarah (18,1-5), Manoah và vợ (Tl 13,2-25), và Elkanah và Hannah (11,1-23).[7]
 
Phải chăng Sứ Thần cũng hiện ra báo tin cho bà Êlisabét như đã làm với mẹ Maria?
 
Cả bốn Phúc Âm không đề cập gì đến chuyện này, nhưng có những chỉ dấu về một khả năng chuyện đó có thể xảy ra.
 
1/ Ngay khi gặp mẹ Maria là em họ mình đến thăm, bà Êlisabét đã cất lời chào đầu tiên: "Trong nữ giới, có người là diễm phúc! Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người!  Và bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi?” (Lc 1,42). Ai đã nói cho bà Êlisabét biết Maria là Mẹ Chúa, nếu không phải là Sứ Thần Chúa đã cho bà biết điều đó?
 
2/ Khi cử hành phép cắt bì và đặt tên cho con trẻ, họ hàng láng giềng “muốn lấy tên cha là Zacaria mà gọi em. Nhưng mẹ em lên tiếng nói: "Không! Song nó sẽ được gọi là Yoan!"(Lc 1, 59-60). Cha Dennis Hamm, S.J., một nhà chú giải Kinh Thánh, viết rằng ông Zacaria đã bằng cách nào đó báo cho bà Êlisabeth biết về lệnh truyền từ Sứ Thần về việc đặt tên con trẻ là Gioan.[6] Thế nhưng, việc này cũng có thể xảy ra nếu như bà Êlisabét được Sứ Thần Gabriel truyền tin trực tiếp với cùng nội dung như với ông Zacaria.  Sứ Thần không chỉ truyền tin cho các ông chồng nhưng cũng đã đối thoại với các bà vợ chịu cảnh son sẻ, như bà Sarah, và vợ ông Manoah trong Cựu Ước, và Sứ Thần  đã nói chuyện trực tiếp với Mẹ Maria: “Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Yêsu.”(Lc 1, 31).
 
Hai trình thuật về việc Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu sinh ra đi song song bên nhau trong Phúc Âm Luca, và sẽ là một điều khó hiểu nếu Sứ Thần chỉ truyền tin cho Mẹ Maria mà không truyền tin cho bà Êlisabét.
 
Lời bà Êlisabét chào Mẹ Maria cùng với lời Sứ Thần Gabriel truyền tin đã trở nên phần đầu của kinh Kính Mừng. Một lời kinh vang vọng mọi ngày khắp cùng trái đất để tôn vinh Mẹ Maria và cũng để gợi nhớ một nữ tì cũng là một bà mẹ khiêm hạ, công chính, người đã dưỡng nuôi Gioan Tẩy Giả, Đấng Tiền Hô của Chúa Cứu Thế.
 
Ở phía nam Giê-ru-sa-lem, gần với Ein Karem, nơi bà Êlisabét và ông Zacaria sinh sống, cũng là nơi sinh của Gioan Tẩy Giả, có một tu viện dòng thánh Phanxicô tên là Tu Viện Thánh Gioan Trong Hoang Mạc. Trong tu viện này có một ngôi mộ, tương truyền là của bà Êlisabét.[8] Người ta không biết ông Zacaria được chôn ở đâu. Nhưng theo Tiền Phúc Âm Giacôbê được viết vào thế kỷ thứ 2, khi Hêrôđê tìm giết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống, ông Zacaria đã bị quân lính vua Hêrôđê giết chết khi không khai ra nơi ông đã giấu hài nhi Gioan.[9]
 
Bà Êlisabét ắt đã phải chịu nhiều khổ đau để nuôi dưỡng Gioan Tẩy Giả nên người. Người ta không biết bà Êlisabét chết lúc nào, nhưng giả như bà còn sống khi nghe tin đứa con Gioan thân yêu bị chặt đầu, thì nỗi đau của bà có khác chi nỗi đau của mẹ Maria ôm xác con trên đồi Golgotha. Quả thật bà Êlisabét có vai trò không nhỏ trong lịch sử cứu độ.
 

Luke Quang
----------------------------------------------
[1] /
https://apologeticspress.org/how-were-mary-and-elizabeth-related-2532/
[2] /http://www.tinmung.net/hoi%20dap/143.htm
[3] Henry, Matthew (1997), Commentary on the Whole Bible (Electronic Database: Biblesoft).
[4] 
https://www.newadvent.org/cathen/05387b.htm (Mục từ Êlisabeth)
[5] Farmer, William R. (Editor) and others: The International Bible Commentary. Liturgical Press, Minnesota (1998)
[6] Chiu, 
José Enrique Aguilar  (Editor) and others: The Paulist Biblical Commentary, Paulist Press, New Jersey (2018) trang 1037-1040.
[7] Durken, 
Daniel OSB: New Collegeville Bible Commentary, Liturgical Press, Minnesota (2017), trang 1111-1112.
[8] https://en.wikipedia.org/wiki/Elizabeth_(biblical_figure)
[9] 
https://en.wikipedia.org/wiki/Zechariah_(New_Testament_figure)




gpquinhon.org (29.11.2021)
 Tags: Thánh kinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây