Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 23/05/2023 09:46 |
780
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có Mẹ Người” (Ga 19, 25)
Mẹ Đức Giêsu: Từ Cana đến thập giá
Tiệc cưới Cana, Paolo Veronese, 1563, Louvre Museum MẸ ĐỨC GIÊSU TỪ CANA ĐẾN THẬP GIÁ
Patrice Bergeron
WGPQN (22.05.2023) – Trái với những gì ta thấy trong các Tin mừng Nhất lãm, khá ngạc nhiên là tên của Mẹ Đức Giêsu chẳng bao giờ được nhắc đến trong Tin mừng Thánh Gioan. Lại nữa, ta cũng thấy rằng Mẹ chỉ xuất hiện vào hai dịp: tiệc cưới Cana và dưới chân Thập giá. Đặc tính của riêng Tin mừng thứ tư này đã làm nên một chiến thuật văn chương dành để nối kết hai giai đoạn này và chứng minh rằng điều đã được khai mở trong sự kiện đầu tiên sẽ được thực hiện đầy đủ trong sự kiện thứ hai. Để hiểu rõ bài viết này, trước hết ta nên đọc lại hai trích đoạn trong Tin mừng Gioan 2, 1-12 và 19, 25-30.[1]
Ta đã biết Tin mừng thứ tư khác với các Tin mừng nhất lãm ở điểm nào. Điều kỳ lạ đầu tiên là: nếu chỉ có Tin mừng Gioan thì ta thậm chí chẳng biết tên của Mẹ Đức Giêsu, vì bà chỉ được nói đến bằng mối quan hệ với Đức Giêsu (“Mẹ Đức Giêsu” hay “Mẹ Ngài”). Điều lạ thứ hai: Mẹ chỉ xuất hiện có hai lần: tại dấu hiệu đầu tiên là tiệc cưới Cana và dưới chân Thập giá. Ấy thế mà sự hiện diện của Đức Maria tại hai nơi này cũng như thời điểm chính xác lại bị các tác giả tin mừng khác lờ đi.
Đặc điểm về sự hiện diện của Mẹ Đức Giêsu ở nơi tang tóc và khi bắt đầu sứ vụ công khai của con mình, điều ấy kích thích tò mò của chúng ta, khiến ta muốn khám phá điều mà Gioan đã nhận ra từ đầu vai trò của Đức Maria. Hãy để mình được dẫn dắt đến nơi mà tác giả tin mừng muốn dẫn ta đến...
Một thể văn có cấu trúc bao gồm
Sự hiện diện của Mẹ Đức Giêsu chỉ có hai nơi, đầu và cuối Tin mừng Gioan (chương 2 và 19), đã tạo thành một thể văn có cấu trúc bao gồm thuộc ngôn ngữ Sêmít (inclusion sémitique structurant) của tác phẩm. Thật vậy, bằng cách dùng những từ ngữ hay các chủ đề tương đương có tính biểu tượng, tác giả tìm cách kết nối hai đoạn văn này. Ngay từ trình thuật Tiệc cưới Cana, tác giả tin mừng đã cố ý hướng độc giả về mầu nhiệm cái chết-phục sinh của Đức Giêsu, điều mà trong từ vựng thần học của Thánh Gioan, trở thành “giờ” của Ngài hay “sự vinh thăng” của Ngài. Đối với Gioan, giờ vinh thăng của Đức Kitô chính là Thập giá.
Như vậy, những từ đầu tiên của trình thuật (Ga 2,1), Ngày thứ ba, không phải là ngày chính xác theo niên đại, vả lại có vẻ nó như chẳng ăn nhập gì ở đây, song nó gợi lên ngày phục sinh của Đức Giêsu, kết cục vinh hiển của thập giá. Giữa những từ ngữ trong hai đoạn văn, ta lưu ý đến từ hô cách “bà” (femme) mà Đức Giêsu nói với mẹ mình, và từ “giờ” (heure). Nếu “giờ” này chưa đến ở Cana khi xảy ra dấu hiệu nước biến thành rượu, thì nó đã đến ở đồi Sọ bởi vì “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 27).
Hiểu dấu hiệu đầu tiên
Đã lộ ý định của tác giả, trình thuật tiệc cưới Cana có trở thành khúc dạo biểu trưng cho điều sẽ xảy ra ở đồ Sọ hay không? Nói cách khác, mầu nhiệm phục sinh có là chìa khóa để hiểu trình thuật lạ lùng của tiệc cưới Cana? Bởi vì nó khá lạ. Nó quan trọng như thế nào đối với Đức Giêsu, trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, đến độ Ngài ra tay giúp đỡ đôi vợ chồng vô danh và vụng về nơi miền quê hẻo lánh của xứ Galilê? Đâu là nền tảng lịch sử của trình thuật này, được xây dựng khéo léo, cách hiểu thật sự của nó, lợi ích độc nhất của nó nằm trên bình diện biểu tượng. Xét về biểu tượng Kinh Thánh, trình thuật rất phong phú!
Tiệc cưới, giao ước, vợ chồng! Một yến tiệc, rượu và niềm vui ngập tràn! Có bao nhiêu là cách để Cựu Ước nói về Thiên Chúa, về tình yêu kết hiệp với dân Ngài, về những dự định phục hồi và cứu rỗi nhân loại. Xuất hiện rất nhiều trong văn chương ngôn sứ, ẩn dụ hôn nhân luôn gán những vai trò sau đây cho các nhân vật chính: Thiên Chúa là hôn phu của dân Ngài, dân mà Ngài muốn ký kết giao ước. Yến tiệc và rượu cũng thuộc về thế giới ngữ nghĩa Kinh Thánh gắn liền với thời cánh chung. Vào cuối thời gian, Thiên Chúa chuẩn bị một bữa tiệc “xôm tụ” cho nhân loại khi mà Đấng Cứu Thế đến sẽ đánh dấu sự khai mạc.
Tất cả đều được xếp vào vị trí để hiểu các bài học thần học của tiệc cưới Cana. Sự đổi mới Giao Ước, yến tiệc cánh chung và thời cuối cùng được mở ra với lần đến trong lịch sử của Đức Giêsu. Giao Ước Mới sẽ là nguồn vui bất tận, trong khi giao ước trên núi Sinaï được sống dưới dấu hiệu sợ hãi. Những vò nước trong nghi thức thanh tẩy của người Do Thái được đổ tràn trề rượu của Giao Ước Mới, đổ ra cho số đông người để chuộc tội lỗi. Người hôn phu cung cấp rượu ngon cho đến khúc cuối tiệc cưới dường như đã trở thành Đức Giêsu, đối với Gioan, đó là cách khẳng định thiên tính của Ngài.
Và Mẹ Đức Giêsu đóng vai trò nào trong tiệc cưới Cana, nhất là bữa tiệc cánh chung? Hành trình của Mẹ suốt trình thuật, giống với đường đi của dân Israël của Thiên Chúa. Giả thiết của chúng tôi là Mẹ thể hiện dân Israël. Quả thật, một người đàn bà nhân cách hóa một dân tộc, đó là quy trình chung của truyền thống Kinh Thánh.[2]
Cũng giống như dân Israël đã được mời gọi dự tiệc cưới dưới chân núi Sinaï trước khi Đức Giêsu đến, Mẹ Đức Giêsu cũng đã hiện diện tại tiệc cưới Cana trước khi con mình và các môn đệ đến. Cũng thế, cùng với thời gian, những cuộc chinh phục và chiếm đóng Đất Hứa, Do Thái giáo trước thời xuất hiện của Đấng Cứu Thế cũng thiếu đi niềm vui và cần được đổi mới, như Mẹ Đức Giêsu nhận ra sự thiếu rượu. Mẹ cũng thốt ra cùng những lời lẽ (“Hãy làm những gì ông ấy nói với các ông”, Ga 2, 5), nhắc lại lời của dân Thiên Chúa ngày xưa khi chấp nhận giao ước núi Sinaï (“Tất cả những gì Thiên Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành”, Xh 19, 8; 24, 3). Chẳng phải mẹ đã vừa mời gọi những người phục vụ đi vào trong Giao Ước Mới mà từ nay dựa trên lời của con mình, một Torah mới? Và cuối cùng, trong kết luận của đoạn này, Mẹ Đức Giêsu xếp mình vào số những người từ nay đi theo Đức Giêsu. Khi làm thế, Mẹ là biểu tượng của dân Israël thật sự mà đối với tác giả Tin mừng Gioan đó là phần dân Chúa bắt đầu đi theo Đức Giêsu sau khi nhận ra nơi Ngài là đối tượng của hy vọng cứu thế.
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có Mẹ Người” (Ga 19, 25)
Nếu Cana là khởi đầu các dấu hiệu mà qua đó Đức Giêsu bày tỏ vinh quang mình, thì dấu hiệu lớn nhất trong đó, dấu hiệu sẽ bộc lộ trọn vẹn vinh quang này, dấu hiệu mà toàn bộ Tin Mừng quy về và đạt đỉnh, chỉ được thực hiện vào giờ Khổ Nạn. Điều này là do nhãn quan cực kỳ độc đáo của tác giả tin mừng về thập giá, mà theo ông, đã chứa đựng toàn bộ mầu nhiệm phục sinh. Đó là sự “vinh thăng” đối với Đức Giêsu, sự lên ngôi của Ngài, sự trở về “nguyên quán” của Ngài (Ga 1,1). Khi báo trước ngày thứ ba, tác giả tin mừng thậm chí còn đi đến chỗ gợi lên, trong bối cảnh cuộc đóng đinh, ân huệ Chúa Thánh Thần mà Đấng Phục Sinh sẽ tuôn đổ đầy tràn: “Gục đầu xuống, Đức Giêsu trao Thần Khí”[3] (Ga 19, 30).
Dưới chân thập giá, thời điểm chính xác để đóng ấn Giao Ước Mới mà tiệc cưới Cana chỉ là khúc dạo đầu có tính biểu tượng, người đàn bà này, Mẹ Đức Giêsu (hình bóng dân Israël), đã được trao cho người môn đệ yêu dấu (hình bóng Giáo Hội), và người môn đệ này đưa bà về nhà mình. Qua bản vẽ này, Gioan đã minh họa cho điều mà Thánh Phaolô đã diễn tả về mầu nhiệm Giáo Hội: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2, 14).
Trên đồi Sọ, Mẹ Đức Giêsu nhận một người con và một lần nữa sinh ra thân thể Đức Kitô là Giáo Hội, từ mầu nhiệm phục sinh mà ra. Đức Giêsu và Giáo Hội chia sẻ cùng một người mẹ là nữ tử này của Israël
Kết luận
Chú giải này về vai trò của Mẹ Đức Giêsu như hình bóng dân Israël, người trở thành mẹ của Giáo Hội có thể làm làm thất vọng một số trào lưu linh đạo thánh mẫu vốn trao cho Đức Maria một vai trò ít “hiệu quả” hơn trong lịch sử cứu độ lẫn trong cuộc sống của người môn đệ yêu dấu mà chúng ta đang sống! Về điều này, xin trả lời rằng chúng tôi không cho rằng mình đã múc lấy hết mọi tiềm năng chú giải trong hai đoạn văn này của Gioan. Đơn giản là chúng tôi đã để cho mình bị dẫn dắt bởi những manh mối mà chính Gioan đã gieo vãi trong Tin Mừng của mình. Từ chính thú nhận của ông, nếu mục đích duy nhất của tin mừng ông viết là để chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, để khi tin vào đấy, chúng ta có thể có sự sống nhờ danh Ngài (Ga 20,31), thì không có gì ngạc nhiên khi ông đã khắc ghi “Mẹ Đức Giêsu” trong chuyển động này hoàn toàn hướng về Con của Mẹ: “Hãy làm bất cứ điều gì Người bảo các ông” (Ga 2, 5).
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính Chuyển ngữ từ: Parabole, Décembre 2022, vol XXXVIII, no 4, tr. 15-16 Nguồn: gpquinhon.org
[1] (Ga 2,1-12) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi." Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờcủa tôi chưa đến." Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày. (Ga 19, 25-30) Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát! " Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
[2] Chẳng hạn như lối nói “nữ tử Sion” của các ngôn sứ Cựu Ước để chỉ dân Israël. Sự kiện không bao giờ gọi mẹ Đức Giêsu bằng tên và người con của mẹ gọi mẹ bằng “bà” (femme) đã củng cố cho ý tưởng này là tác giả tin mừng đã nhìn thấy trong mẹ là nhân cách hóa của dân Israël.
[3] Nghĩa kép của một từ hay một lối nói là cách chơi chữ mà Thánh Gioan rất chuộng. Nó cho phép ông tạo ra hiệu quả cực cao. Ở đây, khi sử dụng lối nói “trao thần khí” (remettre l’esprit), ta hiểu rằng Đức Giêsu chết đi, nhưng cũng có nghĩa là cái chết-phục sinh của Ngài là dịp để “trao ban” (remettre) Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20, 22).