TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những câu hỏi đầu tiên về Kinh Thánh: Kinh Thánh ngày nay

Thứ ba - 23/08/2022 10:43 |   1003
Trong tương lai liệu có thể thêm những bản văn mới vào Kinh Thánh không?
Những câu hỏi đầu tiên về Kinh Thánh: Kinh Thánh ngày nay

 

 
  •  

NHỮNG CÂU HỎI ĐẦU TIÊN VỀ KINH THÁNH: KINH THÁNH NGÀY NAY

Michel Quesnel

Trong tương lai liệu có thể thêm những bản văn mới vào Kinh Thánh không?

Chắc chắn là không! Dù gồm nhiều sách khác nhau – một thư viện thật sự - hiện nay bộ Kinh Thánh đã hoàn tất. Danh sách Kinh Thánh Do Thái giáo (phần Cựu Ước) đã được ấn định bởi các học giả Do Thái họp nhau tại Jamnia (ngày nay là Yavné, cách Tel-Aviv 20 cây số về phía Nam) vào khoảng năm 90 Công nguyên, hai mươi năm sau cuộc phá hủy đền thờ Giêrusalem. Những sách trong Kinh Thánh Công Giáo được xác định tại cuộc họp các giám mục, Công đồng Trentô, vào thế kỷ XVI, nhưng từ lâu đã được các Kitô hữu nhìn nhận. Cũng vào thời ấy, người Tin Lành công nhận một danh sách khác, một danh sách xưa và ngắn hơn.

Giả sử người ta khám phá một thư mới của Thánh Phaolô hay Tin Mừng thứ năm, người ta cũng không thêm vào Kinh Thánh. Tại sao? Bởi vì Kinh Thánh như nó vốn có đã xây dựng đức tin của các tín hữu. Họ cho rằng Kinh Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng và do con người viết ra. Giá trị của nó không hệ tại các tác giả nhưng ở việc Thiên Chúa mạc khải qua Kinh Thánh. Đối với Kitô hữu, mạc khải này đã đạt đỉnh điểm nơi Đức Giêsu Kitô; trong lãnh vực này, không có điều gì mới mẻ quan trọng hơn nữa.

Trái lại, luôn luôn có việc phải làm về Kinh Thánh, ta còn phải khám phá ra những điều mới. Theo dòng thời gian, nhân loại phát triển những phương pháp khoa học và đặt những vấn đề mới về Kinh Thánh. Việc nghiên cứu Kinh Thánh hiện nay đang trên đà phát triển.

Các học giả nghiên cứu Kinh Thánh như thế nào?

Như tất cả các tài liệu cổ khác, Kinh Thánh được nghiên cứu rất nhiều ở thời đại chúng ta. Mỗi khi một bản mới được phát hành, có nhiều học giả đã phải làm việc. Có hàng ngàn người như vậy trên thế giới. Người ta gọi họ là “chuyên viên Kinh Thánh” (biblistes) hay “nhà chú giải” (exégètes).

Những bản dịch mới luôn cần thiết. Các ngôn ngữ hiện đại phát triển nhanh chóng, ngay cả tiếng Pháp và tiếng Anh, và các bản dịch hiện có phải được hiện đại hóa. Để tối đa người đọc có thể tiếp cận được, phải dịch Kinh Thánh sang nhiều ngôn ngữ hết sức có thể, ngay cả những thổ ngữ Phi châu hay Mỹ châu. Hiện tại, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch sang hơn ba trăm thứ tiếng, và những đoạn phổ biến nhất, cũng như các Tin Mừng, được dịch sang hơn hai ngàn ngôn ngữ.

Nghiên cứu các bản thảo cổ xưa cho phép hiểu rõ hơn bản văn nguyên thủy, bằng tiếng Hípri hay Hy Lạp. Công việc rất tỉ mỉ này thật cần thiết trước khi dịch.

Các sử gia rất quan tâm đến Kinh Thánh. Nó là tài liệu lịch sử hoàn hảo nhất về lịch sử cổ xưa của dân tộc Do thái và về thời sơ khai của Kitô giáo. Những khẳng định của nó cần được đối chiếu với những tài liệu khác, chẳng hạn như các tác phẩm của những văn sĩ cổ đại hay những khám phá khảo cổ ở Ai Cập, Rôma, Israël, Jordani…. Các chuyên viên Kinh Thánh và các nhà khảo cổ làm việc cùng nhau rất nhiều.

Từ vài chục năm nay, các nhà thông thái đã có những nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ con người. Khoa học mới này, khoa ngôn ngữ học (la linguistique), được các chuyên viên Kinh Thánh ngày nay thực hành rất nhiều.

Kinh Thánh là cuốn sách được dịch nhiều nhất trên thế giới. Vào tháng 2 năm 2009, Kinh Thánh toàn bộ đã được dịch sang 451 ngôn ngữ; nếu thêm vào những tập dịch một phần (chẳng hạn chỉ Cựu Ước hay Tân Ước), thì có đến 2.479 ngôn ngữ. Vẫn còn khá xa với 6.703 ngôn ngữ được nói trên toàn cầu, nhưng các bản dịch mới vẫn đang được dịch hay đã có dự định dịch.

Kinh Thánh có là nguồn cho khoa khảo cổ không?

Kinh Thánh là chứng từ tốt nhất mà ta có được về dân Israël và Palestine vào thời cổ. Các nhà khảo cổ thường sử dụng Kinh Thánh trong công cuộc tìm kiếm của họ.

Chẳng hạn, để tiến hành đào bới trong thành cổ Giêrusalem, các nhà khảo cổ đã khai thác những chỉ dẫn trong Kinh Thánh. Họ đã tìm thấy những bức tường thành từ thời Đavít (2 Sm 5, 6-12), cũng như những xây dựng mà sách Samuen nói đến.

Cũng đôi lúc Kinh Thánh và khảo cổ không phù hợp nhau. Trong sách Giôsuê có nói đến các bức tường thành bị sập của Giêricô (Gs 6, 1-27), một thành phố gần sông Giođan, lúc người Israël chinh phục đất Canaan. Thế mà khi đào di tích Giêricô, không thấy dấu hiệu tàn phá nào từ thời đại này. Đây là một bí ẩn mà các nhà nghiên cứu đang cố giải quyết song vẫn chưa thành công.

Khoa khảo cổ cũng có thể giúp hiểu Kinh Thánh. Lịch sử tháp Baben, được sách Sáng thế ký thuật lại (Stk 11, 1-9), chắc chắn là nguồn gốc hiện hữu cho các loại kim tự tháp bậc thang, những ziggourats, mà ta tìm thấy dấu vết ở Babylon. Chúng được giải thích như sự thách đố của con người chống lại Thiên Chúa.

Kinh Thánh có điều gì khiến ta luôn quan tâm?

Kinh Thánh có tầm quan trọng lớn lao từ khi xuất hiện. Nó là cuốn sách có nhiều bản thảo nhất. Nó là tác phẩm in ấn đầu tiên được ông Gutenberg in vào năm 1455. Ngày nay, nó được dịch sang nhiều ngôn ngữ nhất và bán được khoảng hai triệu cuốn mỗi năm.

Hầu hết độc giả Kinh Thánh là các tín hữu: Do thái giáo, Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo…. Đây là cuốn sách mà đức tin của họ dựa vào. Họ đọc nó, nghiên cứu, và dùng nó để cầu nguyện. Kinh Thánh không đưa ra những công thức để sống nhưng kể lại câu chuyện của một dân tộc, và mỗi tín hữu nghĩ rằng chút nào đó đây là câu chuyện của riêng mình. Cũng như dân tộc Israël, người ta sinh ra, học biết, chiến đấu, phạm tội, khóc, vui mừng, thất vọng, hy vọng. Mỗi tín hữu hay mỗi nhóm tín hữu có thể soi chiếu đời mình dưới ánh sáng của dân tộc ấy trong Kinh Thánh.

Những người không tin vào Thiên Chúa, những người theo thuyết bất khả tri (agnostiques) cũng quan tâm đến Kinh Thánh. Nó là một phần nguồn gốc của nền văn hóa Âu châu. Thật khó hiểu được văn chương, kịch nghệ, âm nhạc, điêu khắc Âu châu mà không biết đến Kinh Thánh, ít ra là một chút. Trong những viện bảo tàng hội họa lớn ở Âu châu, cứ hai trên ba bức họa là có nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh.

Não trạng Tây phương được hình thành và tiếp tục hình thành từ Kinh Thánh. Nó thật đáng để khám phá.

Khi cùng nhau làm việc về Kinh Thánh người ta sẽ ngày càng quen thuộc với nó. Đối với các bạn trẻ, điều lý tưởng là học hỏi từng nhóm nhỏ dưới sự hướng dẫn của một người lớn. Có thể một vài người nào đó có đủ kiến thức để đến phiên mình sẽ hướng dẫn cho người khác.

NHỮNG NIÊN ĐẠI LỚN CỦA KINH THÁNH

Trước Giêsu - Kitô

-1800 (?) : Abraham

-1200 : Môisê và cuộc Xuất Hành

-1000 : Đavít

-931: Cái chết của Salômon. Phân chia Israël thnhà hai vương quốc

-721 : Chiếm Samari

-587: Cuộc phá hủy đầu tiên của Giêrusalem. Lưu đày sang Babylon

-538 : Chỉ dụ của vua Cyrus; sự trở về của nhiều người bị lưu đày

-6 : Đức Giêsu Kitô hạ sinh

Sau Đức Giêsu Kitô (kỷ nguyên Kitô giáo)

30 : Cái chết của Đức Giêsu Kitô (ngày 7 tháng 4)

70 : Cuộc phá hủy Giêrusalem lần hai

405 : Thánh Giêrônimô dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh

1455 : Gutenberg in cuốn Kinh Thánh

1947 : Khám phá Các bản thảo Biển Chết

1972 : Bản dịch Kinh Thánh Đại kết (Traduction œcuménique de la Bible).

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Premières questions sur la Bible,
De dix à quatre-vingt-dix ans
Desclée de Brouwer, 2010
Nguồn: 
gpquinhon.org (21.08.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây