CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 32 - KINH KHẨN NÀI CHÚA THÁNH THẦN
Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 32: KINH KHẨN NÀI CHÚA THÁNH THẦN
I/ NGHI THỨC
Sau tung hô Thánh! Thánh! Thánh (Sanctus), linh mục chủ tế dang tay đọc, chẳng hạn: “Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện” (Nghi thức Thánh lễ [NTTL], số 100). Tiếp đến ngài sáp hai bàn tay lại, đặt trên lễ vật và đọc Kinh Khẩn Nài Chúa Thánh Thần, chẳng hạn: “Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này để trở nên cho chúng con, Mình và + Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (NTTL 101).
II/ LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA
Theo thuật ngữ chuyên môn, Kinh Khẩn Nài Chúa Thánh Thần có tên Hy Lạp là “Epiclesis”. Từ ban đầu Epiclesis có nghĩa là “mời gọi” hay “thăm viếng”, sau này có nghĩa là “khẩn cầu” hay “nài xin”.[1] Epiclesis là lời kinh khẩn nài Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến thánh hóa một đối tượng nào đó, chẳng hạn như nước dùng trong bí tích Rửa tội … Bên Ai Cập, Epiclesis đặc biệt áp dụng vào nghi thức làm phép các đối tượng như dầu, rượu, sữa...[2] Đối với Thánh lễ, truyền thống phụng vụ Đông phương dành cho Epiclesis một vị trí rất quan trọng và gán cho nó một ý nghĩa chuyên môn rõ rệt: đó là kinh cầu xin đọc sau lời Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể để xin Chúa Thánh Thần thánh hóa các lễ vật bánh và rượu.[3]
Theo các thần học gia Hy Lạp, đây là lời kêu cầu Chúa Thánh Thần đến chúc phúc, thánh hóa, biến đổi bánh - rượu và cả dân chúng. Dĩ nhiên, việc thánh hiến bánh rượu đích thực không thể bằng bất cứ phương thế nào của loài người nhưng chỉ do quyền năng Chúa Thánh Thần và đó là công việc, là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, trong bí tích Thánh Thể, nhờ Chúa Thánh Thần mà bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Vì vậy, đối với Gíao Hội Đông phương, Epiclesis không chỉ là lời nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ vật do thừa tác viên dâng lên khi sắp truyền phép mà còn được coi là chính lời truyền phép.[4]
Trong Kinh Tiến hiến (Anaphora) của Hippolyto (215), Hội Thánh khẩn nài Chúa Thánh Thần xuống trên bánh và rượu để hợp nhất những người đang tham dự cử hành. Vào thế kỷ III, Anaphora của Addai và Mari khẩn nài Chúa Thánh Thần chúc lành và thánh hóa lễ vật, xin xóa bỏ tội lỗi, xin niềm hy vọng phục sinh từ cõi chết, và sự sống mới trong nước thiên đàng cùng với tất cả những người đã sống đẹp lòng Chúa trước nhan Ngài. Anaphora của Separion (thế kỷ IV) lại có những lời khấn xin Logos hay Ngôi Lời xuống trên bánh và rượu mà không phải là xin Chúa Thánh Thần. Một vài Anaphora Hispanic - Gallican thì có lời khấn xin Chúa Thánh Thần, nhưng một vài Anaphora lại không có. Kể từ thế kỷ IV, trong Lễ quy Rôma, chúng ta đã thấy thấp thoáng những lời cầu xin. Trước hết là nài xin Chúa Cha “chấp thuận và chúc phúc cho những lễ vật này” để chúng trở thành “hiến lễ trong tinh thần và chân lý…, trở thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô.” Rồi sau những lời truyền phép, mới có những lời kêu cầu cho hiến lễ được sứ thần dâng lên bàn thờ thiên quốc và cho những ai đang tham dự trong Tiệc Thánh Thể “được tràn đầy mọi ơn phúc.”[5] Tuy nhiên, theo Roguet:
Lễ quy Rôma chỉ lặp đi lặp lại những lời nài xin Chúa chấp nhận, đoái nhìn, chúc phúc, thánh hóa lễ vật, chứ không hề nói tới Chúa Thánh Thần trong tất cả những lời cầu xin đó, vì thế những kinh đó không phải là những kinh Khẩn nài (Epiclesis) theo đúng nghĩa chuyên môn. Điều này khiến cho trong Công đồng Vaticanô II, các đại diện Hội Thánh Đông phương nhiều lần tỏ ý tiếc rằng, thần học và phụng vụ La-tinh đã dành quá ít chỗ cho Chúa Thánh Thần.[6]
Bên phụng vụ Đông phương, chẳng hạn 2 Lễ quy thông dụng nhất từ phụng vụ của thánh Gioan Kim khẩu và của thánh Basiliô, lời Khẩn xin Chúa Thánh Thần đều được đặt sau kinh Tưởng niệm (Anamnesis). Từ thế kỷ VII cho đến năm 1968, Hội Thánh Rôma chỉ có một Kinh nguyện Thánh Thể (Lễ quy Rôma) mà thôi và vấn đề được đặt ra là có kinh Khẩn nài (Epiclesis) trong Lễ quy Rôma hay không. Từ năm 1968, 3 Kinh nguyện Thánh Thể mới (II, III, và IV) đã được thêm vào và mỗi Kinh nguyện Thánh Thể mới này đều có hai lời nài xin Chúa Thánh Thần (Epiclesis) liên quan đến quyền năng biến đổi của Ngài, biến đổi của lễ và biến đổi những ai hiệp lễ:
(1) Kinh thứ I đi trước lời truyền phép, tức là trước Trình thuật thiết lập bí tích Thánh Thể (gọi là epiclesis consecratoria – epiclesis thánh hóa) nói lên tác động của Chúa Thánh Thần trong việc thánh hóa của lễ, tức nói rõ yếu tố biến thể (x. GLCG 1373-81). Trong lần nài xin thứ I này, tư tế khấn xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến “thánh hiến” (Kinh nguyện Thánh Thể II, III) hay “thánh hóa” (Kinh nguyện Thánh Thể IV) lễ vật bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu. Khi tư tế đọc lời khẩn cầu này, ngài giơ tay trên bánh và rượu theo một cử chỉ cổ xưa biểu lộ ý nghĩa là ban Thánh Thần (x. Cv 6,6; 13,3). Cử chỉ này (đặt tay trên một người/một đồ vật) là dấu chỉ hiến thánh theo truyền thống Do Thái, bây giờ được sử dụng nhằm củng cố một cách mạnh mẽ ý nghĩa của những lời đang được đọc và ý nghĩa của hành động phát xuất từ Chúa Thánh Linh. Đây là động tác đặt tay và là cử chỉ bí tích như được sử dụng trong bí tích Truyền chức, Thêm sức, Xức dầu Bệnh nhân và Hòa giải.[7]
(2) Kinh thứ II theo sau lời truyền phép (verba consecratoria) và sau lời Tung hô Tưởng niệm (gọi là epiclesis communionis – epiclesis hiệp thông) thì nói rõ về yếu tố kết hiệp. Thật vậy, trong lần nài xin thứ II, Hội Thánh xin một điều thánh thiện hơn cả, tức là xin mục đích sau cùng của bí tích Thánh Thể, hay nói cách khác là xin chính hiệu năng của bí tích Thánh Thể/hiến tế bằng cách kêu van Chúa Thánh Thần xuống trên những ai hiệp lễ, làm cho họ được kết hiệp với Chúa cũng như với nhau một cách sâu xa và khăng khít hơn trong Hội Thánh của Ngài (x. GLCG 1353).[8] Chẳng hạn”Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Ðức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” (Kinh nguyện Thánh Thể II); trong Kinh nguyện Thánh Thể III, chủ tế xin cho chúng con “được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Ðức Kitô”; và trong Kinh nguyện Thánh Thể IV, chủ tế đọc: “xin Chúa nhân từ ban cho tất cả những ai sẽ thông phần cùng một bánh và chén này, được Chúa Thánh Thần quy tụ tất cả thành một thân thể, trở nên hiến lễ sống động trong Ðức Kitô để ca tụng vinh quang Chúa.”
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo tóm lược như sau: “Trong lời kinh “xin ban Thánh Thần”, Hội Thánh khẩn cầu Chúa Cha ban Thánh Thần xuống trên bánh rượu; để nhờ quyền năng của Thánh Thần, bánh rượu trở nên Mình Máu Ðức Giêsu Kitô và để những người lãnh nhận Thánh Thể trở thành một thân thể và một tinh thần duy nhất” (Một số Nghi lễ phụng vụ đặt lời kinh “xin ban Thánh Thần” sau phần Tưởng Niệm) [GLCG 1353].
Kinh Epiclesis dạy cho chúng ta biết những điều quan trọng về căn tính của mình. Hội Thánh có nhiều phương tiện bên ngoài để tổ chức thành một cơ chế xã hội. Nhưng hoạt động của Chúa Thánh Thần là yếu tố sinh tử đem hiệp thông đến cho chúng ta. Không có Chúa Thánh Thần, sự sống cộng đoàn của chúng ta chấm dứt. Vắng hoạt động của Chúa Thánh Thần, việc lên kế hoạch, tổ chức, ra luật pháp và chỉ thị, trù liệu đủ thứ, kiểm soát đủ mặt, tất cả đều vô tích sự. Chúng ta có thể có một xí nghiệp khuôn, một xã hội mẫu, nhưng một cộng đoàn những người nam và nữ chỉ được kể là thân mình Đức Kitô khi cộng đoàn ấy được nâng đỡ và sinh động bởi Thần Khí của Đức Kitô.[9]
III/ MỤC VỤ
1) Trước kinh Khấn xin Chúa Thánh Thần, phó tế/linh mục đồng tế nhớ lấy tấm đậy khỏi chén thánh cũng như lấy nắp của bình thánh ra, và có thể đậy chén thánh lại sau truyền phép (x. Sách Lễ Nghi Giám Mục [LNGM], số 155). Khi đọc kinh Epiclesis này trước truyền phép, luật chữ đỏ quy định: “linh mục chủ tế sáp hai tay lại, đặt trên lễ vật và đọc” (x. NTTL 101, 109, 118; QCSL 226-228; LNGM 106; Notitiae, 1, 1965, 143: DOL 223, no. 1810, note R8.);[10] chính xác hơn nữa là ngón cái của bàn tay phải đè lên trên ngón cái của bàn tay trái và giữ đôi tay không sát gần lễ vật quá mà cũng không cao quá trên lễ vật. Theo truyền thống, nay các vị đồng tế ở xa bàn thờ cũng sáp hai tay lại, úp tay xuống và đưa tay hướng về phía lễ vật; còn các vị đồng tế ở sát bàn thờ thì sáp hai tay lại, úp tay xuống vừa hướng về lễ phẩm vừa “ở trên” lễ phẩm (x. QCSL 222a, 227a, 230a, 233a, 235; LNGM 106).[11]
2) Trước lúc truyền phép một chút, nếu thuận tiện, thừa tác viên có thể tùy nghi rung chuông để lôi kéo sự chú ý của các tín hữu (QCSL 150).
3) Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, trừ Kinh nguyện Thánh Thể I, chủ tế ghi hình thánh giá vào thời điểm đọc Kinh Khấn xin Chúa Thánh Thần (“để trở nên cho chúng con, Mình và + Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”). Ngài bắt đầu với hai bàn tay chắp lại, rồi ghi hình thánh giá bằng tay phải trên lễ phẩm trong khi tay trái của ngài đặt trên bàn thờ ở ngoài khăn thánh. Bàn tay phải, với các ngón tay khép lại và duỗi thẳng ra, được giữ vuông góc với bàn thờ khi ghi hình thánh giá. Dấu thánh giá được ghi không quá lớn rộng ra ngoài cả mép của khăn thánh, cũng không nên hạ thấp bàn tay hay các ngón tay nhưng luôn giữ chúng trên cùng một mặt phẳng.[12]
4) Tốc độ đọc kinh Khấn xin Chúa Thánh Thần trước truyền phép phải chậm dần hầu dẫn đưa dân chúng hướng đến thời khắc thánh thiêng nhất của cử hành hy tế Thánh Thể.[13]
IV/ SUY NIỆM
Lạy Chúa Giêsu, một kế hoạch thật tuyệt vời, kế hoạch Chúa tự hiến sự sống mình cho nhân loại đã được Chúa Cha mặc khải cho chúng con qua công trình cứu độ của Chúa. Kế hoạch cứu độ này đã được dàn dựng, khởi hứng và dẫn đắt bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, ngón tay của Thiên Chúa, đã tạo nên câu chuyện cứu chuộc loài người và Chúa đã hân hoan vâng phục hầu làm cho chương trình này được hoàn tất.
Khi Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, điều đó xảy ra là do quyền năng của Chúa Thánh Thần vì chỉ một mình Người mới có thể thảo ra và sắp đặt một mầu nhiệm vượt mọi lý lẽ như vậy. Khi được sinh ra, Chúa được Mẹ Maria đặt nằm trong máng cỏ, vốn là máng ăn của súc vật. Có lẽ những thọ tạo xung quanh phải hoảng hốt giật mình khi phát hiện ra có một hài nhi loài người nằm nơi đây. Chúa được sinh ra trong một thành được gọi là Nhà của bánh (Bêlem) và được đặt nằm trong máng cỏ. Có phải Chúa Thánh Thần đang chuẩn bị cho Chúa hướng đến một mầu nhiệm khôn sánh vượt quá tâm trí loài người chúng con hay không: đó là một ngày kia và cho đến khi thế gian này còn tồn tại, Chúa trở thành tấm bánh trên bàn tiệc Thánh Thể?
Kế hoạch được Chúa Thánh Thần thảo ra cho chúng con biết rằng bữa tiệc Thánh Thể sẽ tiếp tục được cử hành qua các thế kỷ, cho đến khi bức màn sân khấu của thế gian phủ xuống vào lúc cùng tận của thời gian. Phải chăng chúng con không nghe được lời hứa về một bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên đàng? Bàn tiệc trên trần gian này giúp chúng con cảm nếm trước bàn tiệc trên thiên quốc mai sau.
Lạy Chúa, Chúa Thánh Thần được miêu tả như là sức mạnh, quyền uy và quyền năng của Chúa. Chúng con nghĩ về làn hơi thánh và hình lưỡi lửa trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và sự ngon ngọt lạ thường của bản thể bánh và rượu trên bàn thờ đã trở nên Thánh Thể. Nhưng làm sao Chúa Thánh Thần có thể chạm đến những người tội lỗi như chúng con? Dường như việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa còn dễ dàng hơn là làm cho bản thân chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Chúa. Ôi lạy Chúa, chính Chúa Thánh Thần dường như cũng phải chiến đấu và nhượng bộ trước mầu nhiệm tự do của loài người chúng con! Lạy Chúa, ước gì Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong chúng con bằng sự nhẫn nại của Thiên Chúa; ước chi tâm hồn chúng con luôn sẵn sàng và trở nên mềm dẻo cho ân sủng của Chúa chạm đến và biến đổi. Amen.
[1] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 385.
[2] Adrian Fortescue, "Epiklesis," The Catholic Encyclopedia, vol. 5 (New York: Robert Appleton Company, 1909), http://www.newadvent.org/cathen/05502a.htm.
[3] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997),130; X. Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 77.
[4] X. Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992), 149.
[5] Peter E. Fink, ed., The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press, 1990), s.v. “Epiclesis,” by Frank C. Senn.
[6] A.M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 36.
[7] Trong khi đối với Kinh Khấn Xin Chúa Thánh Thần thứ II, vốn được đọc sau lời truyền phép, thì “linh mục dang tay đọc; X. Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 295.
[8] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 83-84; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 79; Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1999), 292-94; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 194.
[9] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), số 92.
[10] Ghi chú của Sách Lễ Nghi Giám Mục [1984] tại số 106.
[11] X. Paul Turner, Ars Celebrandi (Collegeville: The Liturgical Press, 2021), Kindle, 132.
[12] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonies de la Sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 133.
[13] Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 295.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn