TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa

“Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,16-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mầu nhiệm của Niềm Hy Vọng

Chủ nhật - 08/12/2024 09:07 | Tác giả bài viết: Teresa White, FCJ |   145
Trong suốt các tuần lễ Mùa Vọng, những lời như “khi chúng ta chờ đợi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đến trong niềm hy vọng hân hoan” mang một ý nghĩa đặc biệt.
Mầu nhiệm của Niềm Hy Vọng

MẦU NHIỆM CỦA NIỀM HY VỌNG


Lời giới thiệu: Chúng ta đang trong hành trình mùa Vọng tiến về lễ Giáng Sinh 2024 và bước vào Năm Thánh 2025 với khẩu hiệu “Những người hành hương của hy vọng”. Thật thích hợp khi đọc lại bài viết của Nữ tu Teresa White, Hội Dòng Bạn đồng hành trung thành của Chúa Giêsu (The Faithful Companions of Jesus, FCJ), suy tư từ cảm hứng Mùa Vọng về mầu nhiệm của niềm hy vọng (Đức Cậy), niềm hy vọng được diễn đạt qua những vần thơ của Charles Péguy, thi sĩ người Pháp. Điều gì khiến cho hy vọng (Đức Cậy) trở thành nhân đức đáng ngạc nhiên nhất trong ba nhân đức đối thần? 
 

Trong suốt các tuần lễ Mùa Vọng, những lời như “khi chúng ta chờ đợi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đến trong niềm hy vọng hân hoan” mang một ý nghĩa đặc biệt. Tính chất hy vọng của mùa phụng vụ này làm tôi nhớ đến tuyệt tác của Charles Péguy, “Le Porche du Mystère de la Deuxième Vertu” (thường dịch là “Cửa vào mầu nhiệm của đức cậy”), một bài ca vinh danh Đức Cậy, hay niềm hy vọng. Được viết theo thể thơ tự do, đây là một thánh vịnh mà thi nhân hát lên khi chiêm niệm về cái mà ông gọi là “mầu nhiệm” của nhân đức đối thần thứ hai. Trong đó, ông trình bày một thần học về niềm hy vọng (Đức Cậy) không bằng ngôn ngữ thần học mà thay vào đó là ngôn ngữ biểu tượng của thi ca. Người ta nói rằng bài thơ này đã mở ra con đường đến với niềm vui tin mừng đích thực, đập tan giáo thuyết Jansenism, một giáo phái nhấn mạnh vào sự hư hoại của con người, sự nghiêm khắc và bi quan cùng sự khắc khổ.

Péguy đã viết bài thơ vào năm 1911, khi bóng đen của Thế chiến thứ I đang bao trùm khắp châu Âu (một cuộc chiến mà ông tin rằng sẽ là "cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến tranh", và trong cuộc chiến ấy ông đã chết, chiến đấu vì mục tiêu giải trừ quân bị chung, vào năm 1914 ở độ tuổi 41), trong bầu không khí căng thẳng chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng. (Charles de Gaulle, khi đối mặt với những bi kịch của một cuộc chiến tranh khác, đã nói rằng “Le Porche” là bài thơ yêu thích của ông - xét theo chủ đề của nó, không khó để hiểu lý do tại sao). Đây cũng là thời điểm đau khổ trong cuộc đời của chính nhà thơ khi nỗi đau sâu sắc nhấn chìm ông. Không triết lý, không dạy đời, không đưa ra lời cảnh báo, không đưa ra những đơn thuốc nhẹ nhàng, ông đề xuất một liệu pháp tận căn: Hy vọng. Giống như các ngôn sứ trong Kinh thánh, ông nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những trải nghiệm cụ thể của con người. Đối với ông, hy vọng tuôn chảy từ bài đọc về sự tạo dựng, nơi Chúa lên tiếng, biến nỗi đau thành lòng trắc ẩn, biến đau khổ thành sự dịu dàng. Péguy là kinh sư của Chúa, và thông điệp của Chúa chính là niềm hy vọng hay đức cậy.

Nhà thơ nhân cách hóa đức Cậy, cũng như đức Tin và đức Ái - điều thú vị là chỉ trong một phần rất ngắn của bài thơ, ông viết hoa cả ba tên gọi này. Cả ba nhân vật này đều là nữ, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì la foil'espérance và la charité (đức tin, cậy, mến) là những từ giống cái trong tiếng Pháp. Péguy coi đây như là ba chị em, cùng nhau bước đi trên con đường gồ ghề, đầy sỏi đá dẫn đến ơn cứu rỗi (“le chemin raboteux du salut”), con đường dài miên man (“la route interminable”). Khi bước đi, đức tin ở một bên, đức ái ở bên kia, trong khi ở giữa là đức cậy nhỏ nhoi, gần như nấp sau váy của hai người chị. Nhà thơ không thể cưỡng lại một vài hình ảnh sống động. Ông nói rằng đức tin là nhà thờ chính tòa, được xây dựng trên nền tảng vững chắc, cổ kính, đáng quý trọng, tồn tại qua nhiều thế kỷ. Đức tin là một người bạn đời, kiên định và chính trực, một người phụ nữ đã kết hôn đầy lòng chung thủy. Để phù hợp với một đức tính quan trọng như vậy, phong thái của chị được đánh dấu, bằng sự trịnh trọng nhất định, bằng sự nghiêm trang và khôn ngoan của một người phụ nữ “d’un certain âge” (đứng tuổi). Ngược lại, đức ái là một bệnh viện, một nhà từ thiện, và ở đó bà chị này tập hợp tất cả những đau khổ của thế gian, chào đón những người bị thương tích, đau ốm, buồn sầu, người không mong muốn. Đức ái không ngừng hy sinh bản thân mình qua tất cả các thế kỷ tồn tại của con người và sẽ luôn như vậy. Đây là một người mẹ, đầy lòng trắc ẩn, nhân hậu, tốt bụng và dịu dàng. Đôi mắt của bà chị này sáng lên sự quan tâm đầy yêu thương, đôi tay chị dang rộng để giúp đỡ tất cả những người đang cần. Chị không thể làm khác được.

Nhưng còn đức cậy thì sao? Đức cậy của Péguy là một đứa trẻ, “une petite fille de rien du tout” (một cô gái nhỏ chẳng có gì cả), ngây thơ, tin tưởng, không có khả năng tự vệ. Cô bé không mang gánh nặng nào, thế nên cô bé nhảy nhót giữa hai bà chị gái của mình, vô tư và vui vẻ, và không ai để ý nhiều đến cô bé. Mỗi đêm, cô bé đi ngủ, ngủ rất ngon và thức dậy mỗi sáng, tươi tắn và tràn đầy năng lượng.

Bài thơ mở đầu bằng giọng nói của Chúa nói rằng đức tin chẳng làm Ngài ngạc nhiên chút nào: “La foi, ça ne m' étonne pas./ Ҫa n'est pas étonnant “ (Đức tin chẳng làm Ta ngạc nhiên / Nó không gây ngạc nhiên). Chúa không tỏa sáng trong tạo vật sao? Tiếp theo là một “bài thơ trong bài thơ”, gợi nhớ đến Thánh vịnh 104 và Bài ca về các tạo vật của Thánh Phanxicô Assisi được kết hợp lại thành một. Được diễn đạt bằng giọng nói độc đáo của Péguy, đầy mơ mộng và chiêm niệm, hình ảnh của bài thơ đưa người đọc đến vùng nông thôn nước Pháp, nơi vẫn còn cảm nhận được vẻ đẹp Kitô giáo thời trung cổ và lòng đạo đức truyền thống của nó. Chúa không được mặc khải trong vũ trụ sao? Chúa không hiện hữu trên mặt đất, trên mặt nước, trong chuyển động của các vì sao, trong cơn gió thổi qua đất liền và biển cả, trên núi non, thung lũng, rừng rậm và cánh đồng, trong các dân tộc và quốc gia, trong những người nam nữ sao? Trên hết, chúng ta không nhìn thấy Chúa nơi trẻ em sao - trong cái nhìn ngây thơ của chúng, trong giọng nói trong sáng của chúng sao? Nhà thơ nói rằng mắt chúng ta chỉ cần nhìn vào tạo vật, thì sẽ được đưa dẫn vào thế giới đức tin một cách dễ dàng. Ông nói, để không tin, để không có đức tin, chúng ta sẽ cần phải bạo lực với chính mình, phải che mắt và bịt tai lại.

Đức bác ái cũng không làm Chúa ngạc nhiên: “La charité, dit Dieu, ça ne m'étonne pas” (Chúa nói, đức ái không làm Ta ngạc nhiên).Rốt cuộc, nếu chúng ta yêu thương những người thân cận với mình, chúng ta không thể tránh được đức ái. Khi chúng ta bị bao quanh bởi rất nhiều người bất hạnh, rất nhiều người tuyệt vọng, đau khổ đến nỗi chúng ta cần phải có trái tim chai đá để không đáp lại họ, những anh chị em của chúng ta đang lâm cơn túng thiếu. Làm sao chúng ta có thể không mong muốn chia sẻ cơm bánh với những người đang đói? Chẳng lẽ chúng ta không chia sẻ thức ăn của mình, cơm bánh hằng ngày của mình, và sẵn lòng trao nó cho bất kỳ đứa trẻ đói nào đi ngang qua chúng ta sao? Chắc chắn sẽ không bình thường nếu làm khác đi. Chúng ta sẽ phải che mắt mình lại để không nhìn thấy quá nhiều người đau khổ; chúng ta sẽ phải bịt tai mình lại để không muốn đáp lại quá nhiều tiếng kêu cứu. Theo Chúa, đức bác ái là hoàn toàn tự nhiên: Trái tim con người đầy ắp đức ái: Nó tuôn trào như một dòng sông mùa lũ, và không gì và không ai có thể ngăn chặn được dòng chảy của nó.

Không, Chúa nói, đức tin và đức ái không có gì đáng ngạc nhiên cả. Chúng hoàn toàn tự nhiên, không cần phải nói.

Điều mà Chúa thấy thực sự đáng ngạc nhiên là niềm hy vọng hay đức cậy. Khi chúng ta thấy tất cả những gì đang xảy ra quanh chúng ta hôm nay và vẫn hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, Chúa nói, “Ҫa c'est étonnant” (Đó mới là điều đáng ngạc nhiên). Đức tin và đức ái tương đối dễ dàng. Hy vọng khó hơn nhiều, vì sự cám dỗ đánh mất hy vọng liên tục lơ lửng trên đầu chúng ta. Đức tin nhìn thấy những gì đang hiện diện, trong thời gian và trong cõi vĩnh hằng; hy vọng nhìn thấy những gì chưa hiện diện và những gì sẽ hiện diện, trong thời gian và trong cõi vĩnh hằng. Đức ái yêu thương những gì đang có, trong thời gian và trong cõi vĩnh hằng; đức cậy yêu thương những gì chưa có và những gì sẽ có, trong thời gian và trong cõi vĩnh hằng. Péguy trình bày niềm hy vọng vừa tự nhiên vừa siêu nhiên, vừa bị ràng buộc bởi thời gian vừa vĩnh hằng, vừa trần tục vừa tâm linh, vừa hay chết vừa bất tử. Cô bé ấy là ngọn lửa bập bùng, nhỏ bé, yếu ớt, nhưng không thể bị dập tắt, ngay cả bởi hơi thở của chính cái chết. Ngọn lửa nhỏ bé đó sẽ xuyên qua bóng tối vĩnh hằng: “Une flamme percera des ténèbres éternelles” .

Khi Kitô giáo tiến triển qua các thời đại, các thế hệ Kitô hữu mới lấy sức mạnh từ bộ ba nhân đức này mà chúng ta gọi là nhân đức đối thần. Đức tin là nền tảng, và Phaolô nói với chúng ta rằng đức ái – “luôn khoan dung, nhân hậu; không ghen tuông” (1 Cr 13, 4) - là nhân đức vĩ đại hơn hết trong ba nhân đức. Nhưng niềm hy vọng hay đức cậy cũng rất cần thiết; nó cũng là một ân huệ thiêng liêng quý giá nhất. “Petite fille de rien du tout” (cô gái nhỏ chẳng có gì cả) của Péguy là không thể thiếu đối với hai nhân đức còn lại, vì trên thực tế, chính cô bé con đó giúp các chị bước đi: “… en réalité c'est elle qui fait marcher les deux autres “, chính cô bé ấy kéo các chị đi. Nếu không có cô bé, các chị sẽ chẳng là gì cả. Đức cậy nhân bản hóa đức tin. Cô bé biết rằng không dễ, thậm chí không thể, để chúng ta tin vào Chúa không ngừng và không bao giờ nghi ngờ, biết rằng không thể nào chúng ta luôn sống theo những đòi hỏi đức tin mà ta tuyên xưng. Khi cô bé thức dậy mỗi sáng, yếu đuối nhưng bất khả chiến bại, cô làm cho chúng ta nhạy cảm để nhận ra những tia sáng nhỏ nhoi trong bóng tối dày đặc thường bao trùm chúng ta; cô nhắc nhở chúng ta rằng nếu đức tin của mình yếu đi và không còn nhìn thấy Chúa trên hành trình cuộc sống, chúng ta luôn có thể tái khám phá sự hiện diện của Ngài và bước đi cùng Ngài một lần nữa. Đối với đức ái, đức cậy cho thấy hỗ tương chính là sự viên mãn thực sự của nó. Bởi vì đức ái không chỉ là cho đi và cho đi, cho những người đang cần; mà còn là nhận được từ họ, trân trọng những gì họ trao tặng, và chính đức cậy thúc đẩy sự nhận thức này về tầm quan trọng của việc trao đổi ân huệ cho nhau.

Isaia, ngôn sứ của Mùa Vọng, cũng giới thiệu cho chúng ta một hài nhi để dẫn dắt chúng ta, và thánh thần của Chúa ngự trị trên hài nhi ấy (Is 11, 1-9). Hài Nhi này có đầy những nhân đức mà Péguy mô tả: Sự khôn ngoan và minh mẫn, sự chính trực và trung thành, thương xót và trắc ẩn. “Cậu bé” của Isaia có nhiều điểm chung với niềm hy vọng hay đức cậy của Péguy: Cậu chơi đùa bên hang rắn lục, thọc tay vào hang rắn hổ mang mà không hề hấn gì; cũng giống như cô bé của đức cậy, nhảy nhót cùng các chị mình trên hành trình cuộc sống, đối mặt với nỗi tuyệt vọng và đau khổ nhưng không bao giờ mất đi trái tim mình. Isaia nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1). Chính niềm hy vọng bước đi trong bóng tối, không sợ hãi và thắp sáng bóng tối. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong Spe Salvi, “Ai có niềm hy vọng thì sống khác biệt hẳn; vì người có niềm hy vọng đã được ban cho hồng ân một cuộc sống mới” (§2). Hy vọng thực sự giúp chúng ta sống khác đi trong Mùa Vọng này, khi bao quanh chúng ta là những người nghèo, đau khổ, vô gia cư, hỗn loạn và xung đột, môi trường bị hủy hoại. Và khi Giáng Sinh đến, xin cho niềm hy vọng làm chúng ta chan chứa niềm hoan hỷ và gia tăng nỗi vui mừng (x. Is 9, 2).

Nữ tu Teresa White, FCJ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Chuyển ngữ từ: thinkingfaith.org

Nguồn: gpquinhon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây