TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Năm Sự Sáng trong Kinh Mân Côi

Thứ bảy - 22/10/2022 09:53 |   2074
Hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã công bố tông thư Rosarium Virginis Mariae, bổ sung năm Mầu nhiệm Ánh Sáng vào 15 Mầu nhiệm truyền thống được suy niệm trong chuỗi Mân Côi.
Năm Sự Sáng trong Kinh Mân Côi
Năm Sự Sáng trong Kinh Mân Côi

 
Hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã công bố tông thư Rosarium Virginis Mariae, bổ sung năm Mầu nhiệm Ánh Sáng vào 15 Mầu nhiệm truyền thống được suy niệm trong chuỗi Mân Côi.

 
Các Mầu Nhiệm Ánh Sáng nói đến cuộc đời công khai của Chúa Kitô: là Phép Rửa của Ngài tại sông Giođan; việc Ngài biểu lộ mình trong tiệc cưới Cana; việc Ngài công bố Nước Thiên Chúa và kêu gọi hoán cải; sự hiển dung của Ngài; và việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể, theo tông thư “như một cách diễn tả bí tích của Mầu nhiệm Vượt qua.”

Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng “Kinh Mân Côi, mặc dù có đặc điểm rõ ràng là Đức Mẹ, nhưng cốt lõi là một lời cầu nguyện quy về Chúa Kitô” và Kinh Mân Côi có “một vị trí quan trọng” trong đời sống thiêng liêng của ngài trong thời niên thiếu.

Thực vậy, hai tuần sau khi được nâng lên Ngai tòa thánh Phêrô, thánh Gioan Phaolô II đã công khai thú nhận: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi”.

Đức Giáo Hoàng đã đề xuất các Mầu nhiệm Ánh Sáng để “làm nổi bật đặc tính Kitô học của chuỗi hạt Mân Côi.” Đức Thánh Cha giải thích những mầu nhiệm này đề cập đến “sứ vụ công khai của Chúa Kitô giữa Phép Rửa và Cuộc Khổ Nạn của Ngài.”

Đức Thánh Cha nói, do đó, trong những mầu nhiệm này “chúng ta chiêm ngắm những khía cạnh quan trọng của con người Chúa Kitô như là sự mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa,” vì chính Thiên Chúa đã “tuyên bố Người Con yêu dấu của Cha trong Phép Rửa ở sông Giođan, Chúa Kitô là Đấng Đấng loan báo Nước Trời sắp đến, làm chứng cho Nước Trời trong các công việc của Ngài và công bố những yên cầu của Nước Trời ”.

Thánh Gioan Phaolô II cũng ghi nhận trong tông thư của ngài rằng “chính trong những năm thi hành sứ vụ công khai của Chúa Kitô, mầu nhiệm của Ngài là mầu nhiệm ánh sáng một cách rõ ràng nhất: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9: 5).”

Do đó, để Kinh Mân Côi “trở thành một bản tóm tắt của Tin mừng”, Đức Thánh Cha cho rằng cần phải có “sự suy niệm về những khoảnh khắc đặc biệt quan trọng nhất định trong sứ vụ công khai của Chúa Kitô, sau khi suy niệm về Sự Nhập Thể và cuộc đời ẩn dật của Chúa Kitô (những mầu nhiệm vui tươi) và trước khi tập trung vào những đau khổ trong cuộc Khổ nạn của Ngài (những mầu nhiệm đau thương) và sự khải hoàn trong việc Ngài Phục sinh (những mầu nhiệm vinh quang).”

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng việc thêm các Mầu nhiệm Ánh Sáng được thực hiện “không ảnh hưởng đến bất cứ khía cạnh thiết yếu nào trong hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi, có nghĩa là mang lại cho Kinh Mân Côi sức sống tươi mới và khơi dậy sự quan tâm mới đến vị trí của Kinh Mân Côi trong linh đạo Kitô giáo như một cánh cửa thực sự dẫn đến những chiều sâu thẳm của Trái tim Chúa Kitô, đại dương của niềm vui và ánh sáng, đau khổ và vinh quang.”

Những mầu nhiệm hé lộ ánh sáng của vương quốc

Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng mỗi mầu nhiệm ánh sáng “là một mạc khải về Nước Trời hiện đang hiện diện trong chính con người Chúa Giêsu.”

Sự hiện diện này được thể hiện một cách cụ thể trong mỗi Mầu nhiệm Ánh sáng.
Trong Bí tích Rửa tội, Chúa Kitô “đã trở thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta (2Cr 5,21),” Chúa Cha công bố Ngài là Con Yêu dấu và Chúa Thánh Thần “ngự xuống trên Ngài để dành tất cả mọi sự cho Ngài trong sứ mệnh mà Ngài sẽ thực hiện.”

Tại tiệc cưới Cana, bằng cách biến nước thành rượu, Đức Kitô đã “mở lòng các môn đệ đến với đức tin, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, là người đầu tiên trong số những người tin”.

Với việc rao giảng về Nước Trời và kêu gọi hoán cải, Chúa Kitô khởi xướng “sứ vụ của lòng thương xót,” tiếp tục qua “Bí tích Hòa giải mà Ngài đã ủy thác cho Giáo hội của Ngài”.

Đối với Thánh Gioan Phaolô II, cuộc Biến hình là “mầu nhiệm của ánh sáng tiêu biểu nhất” vì “vinh quang của Thần tính tỏa ra từ khuôn mặt của Chúa Kitô khi Chúa Cha ra lệnh cho các Tông đồ đang kinh ngạc “hãy lắng nghe Ngài”. 
Việc thiết lập  Bí tích Thánh Thể cũng là một mầu nhiệm ánh sáng vì “Đức Kitô đã hiến dâng mình và máu Ngài làm lương thực dưới dấu chỉ bánh và rượu, và làm chứng “cho đến cùng” tình yêu của Ngài dành cho nhân loại (Ga 13,1), vì ơn cứu độ của họ, Ngài sẽ hiến dâng mình làm của lễ hy sinh”.

Mẹ Maria trong những mầu nhiệm ánh sáng

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “ngoài phép lạ ở Cana, sự hiện diện của Mẹ Maria vẫn còn đó cách kín đáo.” Tuy nhiên, “một cách nào đó, vai trò mà Mẹ đảm nhận tại Cana vẫn đi cùng Chúa Kitô trong suốt sứ vụ của Ngài,” với lời dặn bảo từ mẫu của Mẹ: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo (Ga 2: 5)”.

Thánh Gioan Phaolô II coi lời căn dặn này là “lời dẫn nhập thích hợp cho những lời nói và những dấu chỉ của sứ vụ công khai của Chúa Kitô và lời căn dặn đó tạo nên nền tảng mang đặc tính Maria cho tất cả các 'mầu nhiệm ánh sáng'.”

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đề nghị nên chiêm ngắm những mầu nhiệm ánh sáng này vào các ngày thứ Năm.
 
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ
từ catholicnewsagency
http://conggiao.info/nam-su-sang-trong-kinh-man-coi-d-69447

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây