Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 23/07/2021 11:38 |
1089
Một trong những ân sủng và quà tặng vĩ đại nhất tuôn đổ từ Thánh Tâm Chúa là lòng thương xót được thể hiện cách sâu sắc nhất qua bí tích Giải tội. Bí tích này đôi khi cũng được gọi là bí tích Tha thứ, bí tích Hòa giải, bí tích Sám hối hoặc bí tích của Lòng thương xót Chúa.
SUY NIỆM 10 ĐOẠN KINH THÁNH ĐỂ XƯNG TỘI SỐT SẮNG
Tác giả: Linh mục Ed Broom, OMV Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Tiến Lợi Từ:catholicexchange.com
WGPNT (22.7.2021) – Một trong những ân sủng và quà tặng vĩ đại nhất tuôn đổ từ Thánh Tâm Chúa là lòng thương xót được thể hiện cách sâu sắc nhất qua bí tích Giải tội. Bí tích này đôi khi cũng được gọi là bí tích Tha thứ, bí tích Hòa giải, bí tích Sám hối hoặc bí tích của Lòng thương xót Chúa.
Những lời mang lại bình an, niềm vui, an ủi, và hy vọng khôn tả chính là lời xá giải mà vị linh mục đọc vào cuối bí tích của Lòng thương xót: “Vậy Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Tội con đã được tha; chúc con về bình an!” Chính ý thức nội tâm cho rằng bửu huyết Chúa Giêsu đổ ra cho tôi trên đồi Canvê đã tẩy xóa, thanh tẩy, lau sạch và tha thứ mọi tội lỗi mang lại một niềm vui và bình an mà chẳng có ngôn từ nào của con người có thể diễn tả nổi!
Hai hành vi quan trọng và cao cả nhất mà người Công giáo có thể làm trên trần thế là: nhận lãnh, với đức tin, lòng sùng kính và tình yêu bừng cháy, bí tích Thánh Thể - Mình, Máu, Linh hồn, và Thần tính của Đức Giêsu Kitô; thứ hai là xưng thú tội lỗi của mình với vị linh mục (người đại diện Đức Giêsu, Đấng Chữa lành và Bạn hữu) và lãnh nhận nghi thức bí tích Xá giải, tha thứ tội lỗi.
Chính đây là tình huống mà chúng ta phải cố gắng hết sức với toàn thể con người mình nhằm cải thiện tâm lòng để việc lãnh nhận hai bí tích này ngày càng tốt hơn. Tắt một lời, mỗi lần lãnh nhận hai bí tích này, chúng ta phải lãnh nhận cách xứng hợp và nhiệt thành hơn so với lần trước! Đó phải là lý tưởng và mục tiêu kiên vững của chúng ta! Xin Chúa phù trợ chúng ta! Do đó, bài viết ngắn gọn này sẽ trình bày về bí tích của Lòng thương xót Chúa với mục đích gia tăng nơi chúng ta lòng cảm mến sâu sắc hơn đối với bí tích cao cả này, vốn phát xuất từ Trái tim yêu thương của Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu, từ đó Máu và Nước rất châu báu trào tuôn vào Thứ sáu Tuần thánh đầu tiên (Ga 19,34).
Bài viết này sẽ trình bày những quan điểm và chiều kích nguyên thủy theo nghĩa là hoàn toàn dựa trên Kinh thánh. Quả vậy, mười đoạn Kinh thánh sẽ được trích dẫn biểu thị cho mười hoa trái, hiệu quả, ân sủng khác nhau, và thực tại thiêng liêng tổng quát của bí tích vĩ đại về lòng thương xót và tình yêu thương của Đức Giêsu Đấng Cứu Chuộc.
Chúng ta hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ được đánh động để có được lòng tín thác vô hạn vào tất cả các phẩm tính hay nhân đức cao cả nhất trong Trái tim của Đấng Cứu Chuộc đầy yêu thương và có được lòng tin tưởng để xưng tội thật sốt sắng. Thiên Chúa đang yêu thương chờ đợi bạn.
Những tội nhân xấu xa nhất vẫn có thể trở thành những vị thánh vĩ đại nhất nếu họ chỉ đơn giản tín thác vào lòng thương xót của Chúa Giêsu. Điều làm tổn thương Thánh Tâm Chúa Giêsu nhất, thậm chí còn hơn cả tội lỗi, đó là thiếu tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài. Thánh Phaolô khích lệ chúng ta bằng những lời này: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, thì ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
Sau đây là mười đoạn Kinh thánh liên quan đến bí tích Giải tội, nhưng mỗi đoạn lại diễn tả theo một cách riêng. Hãy cầu nguyện, suy niệm những đoạn Kinh thánh này; tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và) có một lần xưng tội sốt sắng nhất trong đời: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy” (Tv 34,8).
1. Người con hoang đàng: Luca 15,11-32
Đọc và cầu nguyện với dụ ngôn Người con hoang đàng trước khi đi xưng tội. Hãy cầu xin ơn hiểu được những gì Thiên Chúa thực sự muốn bạn học được từ kiệt tác tâm linh này. Mỗi khi bạn đọc và suy ngẫm về viên ngọc thiêng liêng này, Thiên Chúa sẽ làm cho bạn thêm phong phú với những hiểu biết mới, sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, mọi nơi mọi lúc, thông điệp trọng tâm của dụ ngôn này là người cha chính là Thiên Chúa, một Người Cha đầy tình yêu thương, nhân từ và thương xót đối với tất cả những ai tin cậy Ngài. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết thông điệp Dives in Misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót) về dụ ngôn này. Hãy đọc và suy gẫm thông điệp này.
Cầu nguyện trước và sau khi xưng tội với Thánh vịnh 51. Đây là hành động thống hối cảm động mà vua Đavít đã cầu nguyện sau khi ông ngoại tình với bà Batseva và sau đó sát hại ông Uria một người vô tội. Hãy cầu xin ơn để có ơn sám hối thật lòng về tội lỗi của mình.
Đau buồn đích thực và thống hối chân thành là điều cần thiết để xưng tội sốt sắng. Đavít đã khiêm tốn thừa nhận rằng tội lỗi ấy là do ông làm và không đổ lỗi cho ai ngoài mình. Mong sao chúng ta cũng tự nhận tội lỗi của mình và luôn chỉ trách bản thân mình, giống như Đavít, luôn tin cậy vào lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa!
3. Gioan 20,21-23
Hãy đọc và cầu nguyện với việc thiết lập bí tích Giải tội trong đêm Phục sinh đầu tiên khi các Tông đồ ở Nhà Tiệc ly và Chúa Giêsu đã thổi hơi Thánh Thần cho các ông và phán rằng: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Vô cùng biết ơn vì món quà cao cả này được ban tặng cho Giáo hội và các thành viên, vào cùng một ngày mà chúng ta cử hành cuộc chiến thắng khải hoàn của Đức Giêsu trên sự chết, là ngày mà Ngài phục sinh từ cõi chết. Thật vậy, mỗi khi đi xưng tội, chúng ta tự mình chết đi cho những tội lỗi của bản thân và sống lại cho đời sống ân sủng mới! Mỗi lời thú nhận là một kinh nghiệm của mầu nhiệm Vượt qua-Phục sinh! Chúa Giêsu đã sống lại trong chúng ta, Alleluia!
4. Gioan 21,15-19
Hãy đọc và suy gẫm cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Sau khi các tông đồ bắt được mẻ cá kỳ lạ, Chúa Giêsu cùng đi với Phêrô dọc theo bờ biển và hỏi ông ba lần rằng Phêrô có thực sự yêu Ngài không. Phêrô đã sửa lại ba lần ông chối Đức Giêsu ngay sau Bữa Tiệc ly.
Hãy cầu nguyện để được thật lòng ăn năn tội lỗi của mình và thực hiện một hành động thống hối - một sự thống hối yêu thương! Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Bạn trở thành một Phêrô biết ăn năn; nói với Chúa rằng bạn thực sự xin lỗi về tội lỗi của mình và bạn thực sự yêu Ngài biết bao.
5. Luca 15,1-7
Mục tử nhân lành bỏ 99 con chiên lại để đi tìm một con chiên bị lạc mất. Nhận biết mình là con chiên lạc và rằng bạn có giá trị lớn biết bao trong mắt của Thiên Chúa. Linh hồn của bạn có giá trị vô hạn trong mắt Ngài. Bạn đã được cứu chuộc không phải bằng máu chiên hay dê, cũng không phải được mua lại bằng vàng hay bạc, nhưng được cứu chuộc bởi bửu huyết của Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (1Pr 1,18-19).
6. Gioan 10
Chúa Giêsu là Mục tử Nhân lành luôn dõi theo con chiên lạc. Tuy nhiên, một khi bạn đã cảm nghiệm được vòng tay yêu thương của Chúa Giêsu - Mục tử Nhân lành thì bạn cũng có thể trở thành người mục tử nhân lành cho đàn chiên mà Chúa đã giao cho bạn chăn dắt.
Điểm mấu chốt để chúng ta trở thành một mục tử nhân lành là trước hết chúng ta phải là một con chiên tốt của vị Mục tử Nhân lành, để biết nghe tiếng Ngài và đi theo Ngài. Sau khi chúng ta đã cảm nghiệm cũng như nếm thử và nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao trong việc xưng tội, chúng ta cũng hãy đưa người khác đến với vòng tay yêu thương của vị Mục tử Nhân lành ấy!
7. Luca 23,39-43
Chúa Giêsu và người trộm lành. Trong đoạn Tin mừng này, chúng ta tin chắc rằng người xấu xa nhất trong tất cả những tội nhân cũng thực sự có thể trở thành người lớn nhất giữa các thánh nếu chúng ta biết tín thác. LẠY CHÚA GIÊSU, CON TÍN THÁC VÀO CHÚA… LẠY CHÚA GIÊSU, CON TÍN THÁC VÀO CHÚA … LẠY CHÚA GIÊSU, CON TÍN THÁC VÀO CHÚA.
Đấng đáng kính Fulton J. Sheen quả quyết một cách sâu sắc rằng: “người trộm lành chết mà vẫn ăn trộm vì anh ta đã lấy trộm thiên đàng.” Hãy rao giảng trên mái nhà về lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, ngay cả với những người nghĩ rằng tội lỗi của họ vượt quá lòng thương xót của Ngài! Một kinh nghiệm thực sự đầy cảm hứng là đọc “Nhật ký Lòng thương xót Chúa” của Thánh nữ Maria Faustina.
8. Matthêu 8,1-4
Mỗi bí tích đều có một ân sủng bí tích cụ thể - ân sủng của bí tích Giải tội là sự chữa lành! Đức Giêsu đã đến để cứu chữa và chữa lành những người đau yếu, tất cả những ai đau yếu mà tin cậy nơi Ngài. Chúng ta phải nhìn thấy mình nơi người phong hủi; tội lỗi là bệnh phong hủi và tất cả chúng ta đều là tội nhân. Như Đức Giêsu đã chạm đến và chữa lành người phong hủi, thì Ngài cũng có thể chạm đến và chữa lành nếu tôi đồng ý. “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết.”
Thánh Damien, vị Tông đồ người phong trên đảo Molokai ở Hawaii, đã rất đau khổ vì không có linh mục nào để chữa lành bệnh phong hủi linh hồn của chính mình. Cảm tạ Chúa vì bạn đã đến với các linh mục có thể chữa lành bệnh phong hủi linh hồn thông qua bí tích Giải tội!
9. Galat 5,16-26
Thánh Phaolô so sánh những người sống theo tính xác thịt và những người sống theo Thần khí. Những ai sống theo tính xác thịt sẽ gặt hái sự thối nát và cái chết. Còn những người sống theo Thần khí sẽ cảm nghiệm những hoa quả của Thần khí và cảm nếm cuộc sống vĩnh cửu. Xưng tội giúp chúng ta từ bỏ những công việc của tính xác thịt và được Thánh Thần dẫn dắt. Xin cho chúng ta hình thành thói quen xưng tội thường xuyên, chế ngự những ham muốn xác thịt và sống sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.
10. Gioan 11: Kinh nghiệm của ông Lazarô
Thánh Augustinô so sánh việc xưng tội với ông Lazarô. Lazarô đã chết, được mai táng bốn ngày và Chúa Giêsu đã đến làm cho ông sống lại. Những lợi ích tâm linh trong bí tích Giải tội cũng giống như vậy: chúng ta rời bỏ cuộc sống cũ tội lỗi là cái chết tâm linh ta nơi tòa giải tội (những dải băng - tượng trưng cho tội lỗi của chúng ta) và chúng ta trỗi dậy cho cuộc sống mới trong Thần khí.
Chúng ta hãy cầu nguyện và hy vọng rằng 10 đọan Kinh thánh này sẽ chiếu dọi ánh sáng mới trên bí tích Hòa giải là viên ngọc quý, viên kim cương, món quà mà Chúa Giêsu nhân từ đã ban cho chúng ta, cũng như sẽ trở thành “cầu nhảy” đưa chúng ta đến tòa giải tội để có thể cảm nghiệm đại dương vô tận của Lòng thương xót Chúa. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118).