TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH

Thứ năm - 02/01/2025 13:33 |   280
Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra trao cho các môn đệ để các ông dọn cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. (Mc 6,34-44)

07/01/2025
Thứ ba sau lễ hiển linh

t3 sau HL

Mc 6,34-44


tỏ mình ra là chúa tình yêu
Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra trao cho các môn đệ để các ông dọn cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. (Mc 6,34-44)

Suy niệm: Chính vì “chạnh lòng thương dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt” mà Đức Giê-su đã dạy dỗ họ và còn hoá “năm chiếc bánh và hai con cá” ra nhiều cho đám đông hơn 5.000 người ăn no nê, lại còn thu được “12 thúng đầy những mẩu bánh cùng với cá còn dư”. Tình yêu Chúa thật quảng đại vượt xa những gì con người có thể tưởng nghĩ ra. Dấu lạ ấy còn báo trước hành động của tình yêu còn lớn lao hơn gấp bội phần mà Đức Giê-su sẽ thực hiện sau đó trong bữa Tiệc Ly qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể và truyền cho các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Mời Bạn: Đức Giê-su đã hiến tế thân mình trên thập giá để đền tội chúng ta; Ngài còn lập bí tích Thánh Thể để hiến trao cũng chính Thân mình đó để làm lương thực thiêng liêng cho chúng ta. Có thể nói Thiên Chúa dù quyền năng vô cùng cũng không có cách nào khác tuyệt hảo hơn để thể hiện tình yêu vô biên của Ngài cho chúng ta. Tình yêu đó vượt mọi không gian và thời gian để tiếp tục trao ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể mà các linh mục cử hành hằng ngày trên khắp cùng thế giới.

Sống Lời Chúa: Viếng Mình Thánh Chúa nơi nhà thờ, hoặc dâng một lời nguyện tắt bày tỏ tâm tình yêu mến Chúa hiện diện nơi bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng Thánh Thể Chúa. Xin giúp chúng con chuẩn bị lòng trí cho thật xứng đáng mỗi khi rước Chúa vào lòng. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba sau lễ hiển linh

Ca nhập lễ

Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Đức Chúa là Thượng Đế, Người chiếu tỏa ánh sáng trên chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Ðức Kitô Con Một Chúa xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 7-10

“Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8

Ðáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. 

Xướng: Ước gì núi non đem hòa bình cho dân, và đồi nổng đem lại sự công chính. Người sẽ bênh vực kẻ khiêm tốn trong dân, sẽ cứu thoát con cái người nghèo khó.

Xướng: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. 

Alleluia: Mt 4, 22

Alleluia, alleluia! – Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 34-44

“Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên tri”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”. Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”. Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, chúng con đang hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Kinh Tiền tụng

Kinh tiền tụng Lễ Hiển Linh

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa rất mực yêu mến chúng ta, nên đã sai chính Con mình đến, mang xác phàm giống xác phàm tội lỗi chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Ðức Kitô, Chúa đã thân hành đến gặp con cái Chúa. Xin cho bí tích kỳ diệu này sinh hoa kết quả trong lòng chúng con, để hồng ân Chúa vừa ban tặng giúp chúng con sẵn sàng đón nhận những hồng ân khác nữa. Chúng con cầu xin…
 

Suy niệm

CHÚA GIÊ-SU RAO GIẢNG Ở GA-LI-LÊ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Nghe tin Gio-an bị bắt, Chúa Giêsu lánh về Ga-li-lê để tránh sự thù hằn của nhóm biệt phái và luật sĩ, đúng như lời tiên tri I-sai-a đã nói: dân ngồi trong bóng tối sự chết đã nhìn thấy ánh sáng của Chúa, Vì ở đó, Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng, kêu gọi mọi người sám hối và chữa lành các bệnh tật. Tiếng tăm người đồn ra khắp xứ Syria, nên dân chúng từ khắp nơi tuốn đến theo Người.

2. Ca-phác-na-um, trung tâm truyền giáo.

Khi Gio-an bị bắt cầm tù, nhiệm vụ của ông đã xong, vai phụ phải lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Đức Giê-su đã rời Na-da-rét đến Ga-li-lê và chọn Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo. Vùng Ga-li-lê này bị người ta khinh dể bởi vì đối với thủ đô, Ga-li-lê chỉ là tỉnh lẻ; đối với người mộ đạo sùng tín, miền này thật đáng nghi ngờ. Đó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư phức tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày.

Thế mà tại sao Đức Giê-su lại tới cư ngụ tại Ca-phác-na-um, bên bờ hồ? Thưa Ngài chọn Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo vì ba lý do:

– Thứ nhất để thực hiện lời tiên tri I-sai-a đã loan báo từ 732 năm trước cho các chi họ sống chung đụng với các dân ngoại.

– Thứ hai Ca-phác-na-um là quê hương của bốn môn đệ đầu tiên mà có lẽ nhà ông Phê-rô là nơi thuận tiện cho việc truyền giáo.

– Thứ ba đây là lý do quan trọng nhất: để cho muôn dân được thấy “một ánh sáng huy hoàng”.

3. Nội dung việc rao giảng của Chúa Giê-su.

Có thể nói thánh Mát-thêu đã tóm gọn nội dung việc rao giảng của Chúa Giê-su trong một câu: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”. Thực ra, nội dung việc giảng dạy này đã được Gio-an Tẩy Giả rao giảng và sau này các tông đồ cũng tiếp tục thực hiện.

“Sám hối là bước dứt khoát đầu tiên vào Nước Trời, là sức mạnh nhạy bén biến đổi đời người nên mới. Nền tảng sự hối cải là khiêm tốn, nhìn nhận sự lỗi lầm và tội lỗi của mình trước Thiên Chúa. Đề tài sám hối rất thích hợp với tâm hồn của dân Ga-li-lê. Họ thờ Thiên Chúa nhưng lòng họ bị ô nhiễm quá nhiều bóng tối sự chết, bóng tối của tà thần, của tệ đoan xã hội, của lòng tham do các dân ngoại cư ngụ, buôn bán ở Ca-phác-na-um.

Sám hối là nền tảng niềm tin của Ki-tô giáo. Một trong những nghịch lý lớn nhất của Ki-tô giáo là càng nhận ra sự nhỏ bé bất toàn của mình, con người càng lớn lên trong ân sủng của Chúa. Chính khi Gio-an Tẩy Giả nhận mình nhỏ bé, Chúa lại cho Ngài được lớn lên, chính lúc ý thức mình thấp kém, Chúa lại tôn vinh Ngài như người cao trọng nhất trong Nước Trời.

4. “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).

Lời đầu tiên Đức Giê-su dạy khi rao giảng Tin Mừng là “Hãy sám hối”. Theo nguyên nghĩa của nó là trở lại (metanoia). Tại sao chúng ta phải quay trở lại? Vì đã đi lạc đường. Đời sống con người là một hành trình đi về quê trời. Cuộc hành trình nào cũng phải có đích đến và cuộc hành trình chỉ kết thúc khi tới đích. Trong cuộc hành trình có những người đi lạc hướng, mà nếu đã lạc hướng thì không bao giờ tới đích. Ai đã lạc hướng mà càng chạy nhanh thì càng xa đích đến. Thánh Au-gút-ti-nô khen họ là những người “bene currit, sed extra viam”: chạy nhanh đấy nhưng lạc hướng.

Điều kiện sám hối là phải “biết mình”, xem mình đang ở trong tình trạng nào và phải chỉnh hướng cuộc đời làm sao cho đúng. Cổ nhân thường nói: “Khôn chết, dại chết, biết là sống”. Chính vì thế ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu châm ngôn nổi tiêng: “Anh hãy tự biết mình”.

5. Truyện: Tướng cướp biết sám hối.

Trong một khu rừng già núi Hắc Sơn ở nước Đức, một bọn cướp đang chia nhau chiến lợi phẩm mà chúng lấy được hồi đêm. Bọn cướp này có thói quen bán đấu giá với nhau của cải chúng cướp được, rồi sau đó chúng mới bán lại cho người khác.

Hôm ấy, món cuối cùng chúng đem ra đấu giá là một cuốn Thánh Kinh. Tên cướp đóng vai hộ giá viên giới thiệu món hàng này bằng những lời diễu cợt phạm thượng khiến cả bọn cười ồ lên. Một tên khác mở đại một trang như kiểu bói toán. Hắn chỉ vào một câu và đọc to lên rồi thêm những lời trào phúng làm cho cả bọn cười ngặt nghẹo.

Nhưng tên cầm đầu trong bọn bỗng dưng trở nên nghiêm nghị, hai tay ôm đầu rồi gục xuống tỏ vẻ suy nghĩ.  Ba mươi năm về trước, chính vào buổi sáng ngày hắn quyết định bỏ nhà ra đi, hắn đã nghe ông bố hắn đọc những lời Thánh Kinh này trong giờ kinh sáng của gia đình. Lúc này đây hắn không thể ngờ được rằng hắn lại nghe vang lên những lời ấy.

Tên cướp còn đang chúi đầu về dĩ vãng thì một đồng bọn vỗ vai hắn và bảo: “Này, sao đàn anh có vẻ mơ mộng thế? Đàn anh muốn mua nó không? Đàn anh cần cuốn Thánh Kinh hơn đàn em đó, vì điển mặt anh hùng phạm pháp trên thế giới thì đàn anh phải là vô địch mà”.

Trước lời diễu cợt bạo gan đó, hắn chỉ chậm rải trả lời: “Mày nói đúng! Tao chính là thằng phạm tội nặng nhất. Cứ để cuốn sách cho tao, bao nhiêu cũng được”.

Bọn cướp chia tay để đem các món hàng đi bán. Riêng tên tướng cướp thì cầm cuốn Thánh Kinh, đi tìm một chỗ vắng trong rừng ở lại đó đọc Lời Chúa và ăn năn sám hối về cuộc đời tội lỗi của mình (Mỗi ngày một tin vui).

ĐỨC GIÊSU TỎ MÌNH LÀ NGÔN SỨ
(THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin ý thức rằng: Chúng ta đã nhận biết Đức Kitô Con Một Chúa, xuất hiện như người phàm, và mặc lấy thân xác giống hệt chúng ta, xin Chúa làm cho tâm hồn chúng ta được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người.

Đổi mới và trở nên giống hình ảnh Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ đem Tin Mừng giải thoát đến cho mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy ơn cứu độ đã đến gần: Người ta thường nói đến Thành Thánh để ám chỉ Dân Chúa. Dân này được hưởng một số phận may mắn, tốt đẹp. Bài ca mừng hôn lễ giữa Con Chiên và Giêsusalem mới, được tác giả sách Khải Huyền ghi lại. Bài ca đó đã được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc hôm nay. Muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.

Đổi mới và trở nên giống hình ảnh Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ làm phép rửa bằng Thánh Thần để cứu độ loài người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Hipôlytô nói: Chúa Con bất tử tức Ngôi Lời xuống trần gian; Người đến với con người, lấy nước và Thần Khí mà thanh tẩy họ, cho họ được tái sinh để hồn xác họ khỏi hư vong… Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng: Người là Con Thiên Chúa. Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa bằng nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí hiện xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa bằng Thánh Thần.

Đổi mới và trở nên giống hình ảnh Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ luôn biết chạnh lòng thương, ra tay cứu giúp kẻ nghèo hèn , như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài. Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ, đồi rước về nền công lý vạn dân. Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ, ra tay cứu độ kẻ khó nghèo.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô cho thấy: Khi hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu tỏ mình là ngôn sứ. Đức Kitô chính là Vị Ngôn Sứ, được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Vị Ngôn Sứ có mặt khắp nơi và không vắng mặt nơi nào, Vị Ngôn Sứ các thiên thần không hiểu thấu và loài người không nhìn thấy được, lại đến lãnh phép rửa của ngôn sứ Gioan. Vị Ngôn Sứ là Con Một, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa theo thần tính, vì thế, Người đói lả, nhưng lại, nuôi cả ngàn người; Người vất vả, nhưng lại, làm cho người vất vả được nghỉ ngơi; Người không có nơi tựa đầu, nhưng lại, có đầy đủ mọi sự; Người chịu khổ, nhưng lại, chữa lành mọi khổ đau; Người ngã vì bị tát, nhưng lại, ban tự do cho muôn người; Người bị đâm thấu cạnh sườn, nhưng lại, chữa lành cạnh sườn của Ađam. Chúng ta hãy chạy đến với Vị Ngôn Sứ, chạy đến nguồn mạch ban sự sống, và ngắm nhìn nguồn mạch chữa lành các vết thương: Người lấy nước và Thần Khí mà thanh tẩy chúng ta; Người thổi sinh khí vào chúng ta và mặc cho chúng ta áo giáp không thể hư hoại. Ai tin mà lãnh phép rửa ban ơn tái sinh này, thì từ bỏ ma quỷ và kết hợp với Đức Kitô, mặc lấy ơn làm nghĩa tử. Chúng ta đã nhận biết Đức Kitô Con Một Chúa, xuất hiện như người phàm, và mặc lấy thân xác giống hệt chúng ta, ước gì tâm hồn chúng ta được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Ước gì được như thế!

BẰNG TẤT CẢ TÌNH YÊU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thiên Chúa là tình yêu!”.

“Bi kịch của một cuộc đời không phải là nó kết thúc quá sớm, mà là chúng ta chờ đợi quá lâu để bắt đầu nó!” - Richard L. Evans.

Kính thưa Anh Chị em,

Khác với những gì Evans cảnh báo; từ đời đời, Thiên Chúa đã bắt đầu ‘cuộc đời’ của Ngài - Ngài bắt đầu ‘bằng tất cả tình yêu’, vì “Thiên Chúa là tình yêu!”.

Gioan diễn tả ngắn gọn ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Giáng Sinh, “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống!” - bài đọc một. Bởi lẽ, sự hiện diện của Ngôi Hai ở giữa loài người là một hiện diện trao ban sự sống ‘bằng tất cả tình yêu’. Tin Mừng hôm nay minh hoạ sự hiện diện yêu thương này.

“Thiên Chúa là tình yêu” - một định nghĩa đơn giản sâu sắc nhất về Thiên Chúa trong toàn bộ Thánh Kinh. Mọi định nghĩa khác có thể nói về Ngài - dẫu mỹ miều nhất - vẫn chỉ là một bình luận về định nghĩa gãy gọn ấy. ‘Bằng tất cả tình yêu’, Thiên Chúa tặng ban Con Một; không phải một lần, nhưng mỗi ngày để bất cứ ai cũng có thể hưởng nếm trước sự sống thần linh vĩnh cửu ‘ở đây và lúc này’; mọi nơi, mọi lúc, qua Bí tích Thánh Thể.

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay như đang ‘tường thuật trực tuyến’ một ‘Thánh Lễ’ mang tính tiên tri, báo trước cho hàng vạn Thánh Lễ mỗi ngày khắp hoàn vũ. Marcô tường thuật ‘Thánh Lễ’ được dâng cạnh một bờ hồ khi ‘Chủ Tế’ vừa ra khỏi thuyền với hơn 5.000 người tham dự. Đây là ‘sự kiện’ duy nhất được cả 4 Tin Mừng nói đến. ‘Rất nghi lễ’, ‘Chủ Tế’ cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và môn đệ cho dân chúng ‘rước lễ’. Toàn bộ trình thuật có một âm bội mạnh mẽ về Bí tích Thánh Thể. Sau khi giảng dạy - được coi như phụng vụ Lời Chúa - ‘Chủ sự’ ‘cử hành’ phụng vụ Thánh Thể; sau đó, là phần ‘hiệp lễ’.

Chúa Giêsu không tự mình trực tiếp trao ‘của ăn’ cho dân, Ngài ủy nó cho các cộng sự; và đó là cách thức Ngài bước vào cuộc sống của con người. Chỉ Giáo Hội mới có đặc quyền trao ban Thánh Thể! Tình yêu của Chúa Giêsu thể hiện qua việc Giáo Hội nhận lãnh chính Thịt Máu Ngài, sau đó, đem cho những người khác. Nếu những gì Giáo Hội nhận lãnh chỉ để được giấu kín, cất kỹ, thì Bí tích Thánh Thể trở thành một dấu chỉ của hư không; nó đã giảm thiểu đến mức chỉ còn là một nghi lễ trừu tượng.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa là tình yêu!”. Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó tràn đầy niềm vui, tình yêu và sự sống. Ngày nay, Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ một lần cho 5.000 người no thoả, nhưng mỗi giây phút, phép lạ vẫn được thực hiện từ tay các linh mục của Ngài cạnh các bàn thờ. Như thế, qua Giáo Hội, chúng ta đang chứng kiến những gì Chúa Giêsu làm để nuôi sống nhân loại ‘bằng tất cả tình yêu’. Được sự sống thần linh nuôi dưỡng, đến lượt chúng ta, bạn và tôi cũng là những con người “cho họ ăn”. “Hãy tiến bước với sự tự tin, vượt qua mọi thử thách, tiến lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chúa Giêsu đã hiến mình vì người khác, do đó, trở thành tấm gương về tình yêu và sự phục vụ cho mỗi chúng ta!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để cuộc đời con trở nên bi kịch khi con chờ đợi quá lâu để bắt đầu nó. Giúp con biết cho đi ‘bằng tất cả tình yêu’ như Chúa đã cho đi!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây