04/01/2025
THỨ BẢY TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ga 1,35-42
đổi tên đổi đời
Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phê-rô).” (Ga 1,35-42)
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ca nhập lễ
Lúc khởi đầu và từ trước muôn thủa, Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa, Người đã khứng sinh ra làm Đấng cứu độ loài người.
Lời nguyện nhập lễ (trước lễ Chúa Hiển Linh)
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã thương chiếu giãi một luồng sáng mới cho trần gian được nhận biết Chúa khi Con Một Chúa sinh vào đời. Vì Người đã chia sẻ kiếp sống phàm nhân mà trở thành Con của Ðức Trinh Nữ, xin Chúa cũng cho chúng con được cùng sống với Người trong Nước Trời vinh phúc. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: 1 Ga 3, 7-10
“Người ấy không phạm tội được, vì đã sinh ra bởi Thiên Chúa”.
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Ðồ.
Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa gạt các con.
Ai thi hành sự công chính là người công chính, cũng như chính Người là Ðấng công chính.
Ai phạm tội thì bởi qủy mà ra, vì qủy là kẻ phạm tội từ ban đầu.
Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá hủy công việc của ma qủy.
Bất cứ ai đã sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, vì mầm giống của Người ở trong kẻ ấy.
Kẻ ấy không phạm tội được, vì đã bởi Thiên Chúa mà sinh ra.
Do đó, mà nhận ra được con của Thiên Chúa và con cái ma quỷ.
Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 97,7-8,9
Ðáp: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Xướng: Hãy gầm lên, biển cả và mọi vật dưới biển, cả vũ trụ với vạn vật dân cư. Sông ngòi, hãy vổ tay mừng, núi non, hãy đồng nhảy mừng. – Ðáp.
Xướng: cầu, Người thống trị địa cầu cách công minh, Người thống trị muôn dân cách chính trực. – Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, Alleluia. – Thủa xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà nói với cha ông, nhưng đến thời sau hết, Người đã nói nơi Chúa Con. Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 35-42
“Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế”.
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gio-an.
Khi ấy, Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giê-su đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.
Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giê-su, Chúa Giê-su ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?”
Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?”
Người đáp: “Hãy đến mà xem”.
Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Si-mon Phê-rô, một trong hai người đã nghe Gio-an nói và đã đi theo Chúa Giê-su.
Ông gặp Si-mon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a, nghĩa là Ðấng Ki-tô”.
Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su nhìn Si-mon và nói: “Ngươi là Si-mon, con ông Gio-an, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha, nghĩa là Ðá”.
Ðó là Lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo: và ước chi tiệc thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…
Kinh Tiền tụng
Trước lễ Hiển Linh: lời tiền tụng Giáng Sinh
Ca hiệp lễ
Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, dân thánh Chúa luôn cần được muôn ơn trợ lực, xin rộng lượng ban phát hôm nay và mãi mãi, nhờ đó, khi được hưởng dùng những của cải đời tạm này, chúng con càng tin tưởng tìm kiếm những phúc lộc vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
TÌM VÀ Ở LẠI VỚI CHÚA GIÊ-SU – Suy niệm ngày 04/01(Ga 1,35-42)
Lm. Gioan Trần Văn Viện
“Các anh tìm gì thế?” là những lời mà Chúa Giê-su đã nói với hai người môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả. Đây cũng chính là những câu từ đầu tiên được gán nơi miệng Chúa Giê-su trong Tin Mừng Gio-an. Thật hay và ý nghĩa, khi lời đầu tiên Chúa nói là một câu hỏi: “các anh tìm gì thế”. Bởi vì qua câu hỏi này, Chúa muốn con người trình bày những khát vọng và mong ước thâm sâu của mình. “Tìm gì”, các môn đệ đầu tiên đang đi tìm Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc trần gian. “Tìm gì”, nói lên một khẳng định chung về con người trong mọi lúc, mọi nơi: chúng ta là thụ tạo của Chúa và chúng ta luôn đi tìm Đấng Tạo hóa và mong ước trở về bên Ngài như lời thánh Augustino đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.
Giờ đây, để đáp lại câu hỏi của Chúa Giê-su, hai người môn đệ đã thưa với Chúa: “Thầy ở đâu”? “Ở đâu” theo nghĩa mà thánh sử Gio-an muốn trình bày, không chỉ nhắm tới một địa điểm, nơi chốn bên ngoài nhưng “ở đâu” nói lên một không gian thiêng liêng, một sự liên kết mật thiết: đó là sự ở lại trong cảm xúc, suy nghĩ, ở lại trong con tim. Với hai từ “ở đâu”, hai ông không chỉ là đang tìm kiếm nơi Chúa đang sống, nhưng các ông mong muốn có một sự kết hợp mật thiết với Người, Đấng sẽ ban cho các ông niềm vui và hạnh phúc đích thực. Các ông muốn ở lại trong tình yêu thương của Chúa.
Thưa anh chị em, cuộc sống hôm nay, không chỉ có niềm vui, hạnh phúc nhưng còn có quá nhiều những đau khổ, ưu tư phiền muộn… Giống như hai môn đệ xưa, chúng ta cũng đặt ra câu hỏi “Chúa đang ở đâu trong cuộc đời của con” và uớc gì, qua nhiều cách khác nhau, mỗi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người giữa một xã hội ồn ào, nhiều biến động. Khi đó chúng ta hãy ở lại với Chúa để Người nâng đỡ, lấp đầy những mong ước cho chúng ta.
GIỚI THIỆU CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC (Ga 1,35-42)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Qua lời giới thiệu của Gio-an, hai môn đệ của ông đã đi theo Đức Giê-su. An-rê, một trong hai vị tiên khởi, sau khi đã gặp được Đức Giê-su rồi lại giới thiệu cho em mình là Si-mon Phê-rô. Phi-líp-phê cũng giới thiệu cho Na-tha-na-en sau khi ông đã đi theo Chúa. Động lực thúc đẩy người môn đệ đi làm chứng là tình yêu Đức Giê-su, sau khi đã gặp được Ngài.
2. Lại một lần nữa chúng ta gặp ông Gio-an. Phải nói ông là người luôn ý thức được sứ mạng của mình là người luôn “đi trước mở đường cho Chúa”, chính vì thế mà hôm nay ông đã khuyên các môn đệ của mình hãy lìa bỏ ông để đi theo vị Thầy mới là Chúa Giê-su. Gio-an là người rất quảng đại, không ganh tị. Rõ ràng ông là người đến để đưa người khác đến với Chúa Giê-su chứ không phải với chính ông. Khi Chúa Giê-su đã xuất hiện trên sân khấu thì Gio-an hiểu rằng vai trò của ông cần phải dần dần chấm dứt để cho Chúa được nổi bật lên.
Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy ý thức chỗ đứng của mình và biết mình là một giai đoạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như thánh Gio-an, chúng ta biết giới thiệu Chúa cho những ai chúng ta gặp gỡ (Mỗi ngày một tin vui).
3. Hôm nay An-rê lại giới thiệu Phê-rô em mình cho Chúa Giê-su: “Chúng tôi đã gặp Đức Mê-si-a” (Ga 1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Chúa Giê-su. An-rê là người luôn đứng ra giới thiệu người khác cho Chúa Giê-su. Trong Tin mừng, ba lần nhắc đến An-rê đến với Chúa, thứ đến ông dẫn em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, cuối cùng ông đưa những người Hy Lạp thắc mắc đến với Chúa. An-rê rất vui đưa được người khác đến với Chúa. Ông nổi bật như là một người chỉ có mong muốn là chia sẻ vinh quang, ông là người có tâm tình truyền giáo. Sau khi chính mình đã được ở gần Chúa, ông dành trọn đời mình để dẫn đưa người khác bước vào tình yêu thương đó.
Khi An-rê đưa Phê-rô đến với Chúa Giê-su, Ngài nhìn ông, đó là một cái nhìn tập trung chăm chú, chẳng những thấy mặt bên ngoài mà còn đọc được cả tâm trí bên trong nữa. Khi nhìn Si-mon, tên của ông lúc bấy giờ, Ngài bảo: “Ngươi là Si-mon, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha” (nghĩa là đá). Khi một người có mối liên hệ mới đối với Chúa, cuộc đời người ấy như được bắt đầu lại, trở thành một người mới, nên cần một tên mới…
4. Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta xem xét kỹ lại lý do tại sao chúng ta còn miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác? Nếu chúng ta gọi Phúc âm là Tin Mừng và nếu chúng ta tin Đức Giê-su là kho báu to lớn nhất mà con người có thể chiếm hữu, thì tại sao chúng ta lại miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với con cái chúng ta, với bạn bè chúng ta và với những người mà chúng ta biết đang tìm kiếm một niềm tin.
Chúng ta có nhiều cách giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sáng kiến mà Chúa soi sáng cho mỗi người. Nhưng giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống gương mẫu, đời sống tốt đẹp của chúng ta. Thực tế đã chứng minh: nhiều người trở lại tin Chúa vì thấy đời sống gương mẫu, bác ái của các tín hữu. Chính nếp sống đạo đức, thánh thiện, ngay thẳng, chân thành của chúng ta là một tấm gương trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn nhiều bài giảng hùng hồn.
Người ta thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, chính cái hình ảnh tốt đẹp in sâu vào tâm hồn người ta, khiến họ phải suy nghĩ và có một sứ lôi kéo mãnh liệt khiến họ không thể chống lại được. Vì thế người ta thường nói:
Lời nói như gió lung lay,
Gương bày như tay lôi kéo.
5. Truyện: Chúa tin tưởng nơi con người.
Có một câu truyện ngụ ngôn rất hay về vấn đề giới thiệu Chúa cho người khác.
Chuyện kể rằng: sau khi chịu nạn chịu chết trên thập giá, Chúa Giê-su đã phục sinh trở về Thiên đàng trong uy nghi hiển vinh. Dầu đã được vinh quang nhưng tay chân Ngài vẫn còn mang thương tích. Các thiên sứ hân hoan đón chào Chúa. Quang cảnh đang nhộn nhịp vui tươi bỗng có một thiên sứ đặt vấn đề:
– Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó?
Chúa đáp:
– Đúng vậy.
Thiên sứ hỏi tiếp:
– Có phải tất cả mọi người đều đã biết những gì Chúa làm cho họ không?
Chúa Giêsu trả lời:
– Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp:
– Thế thì Chúa làm gì để giúp cho mọi người được biết?
Chúa Giê-su đáp:
– Ta đã trao cho Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và các đồ đệ của Ta trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác lại nói cho những người khác nữa, rồi cho những người này lại nói cho những người kia, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu cũng đều được nghe.
Thiên sứ nhìn Chúa với vẻ nghi ngờ. Vị này đã quá hiểu rõ lòng dạ con người như thế nào nên nói tiếp:
– Vâng, nhưng nếu như Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và các môn đệ của Chúa quên đi thì sao? Hoặc nếu họ mệt mỏi không còn tha thiết gì đến việc loan báo nữa thì sao? Hay như những người ở thế kỷ 21 này không chịu thực hiện trọng trách việc thuật lại câu chuyện tình yêu của Chúa cho những người khác nữa thì sao? Liệu Ngài có lập một chương trình nào khác không
Chúa Giêsu trả lời:
– Không! Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.
Chúa vẫn tin tưởng những ai tin Chúa.
GẶP ĐẤNG MÊSIA
(NGÀY 04 THÁNG 01)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 04 Tháng 01 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Điềm sao lạ trên trời cho biết Đấng cứu độ trần gian nay đã tới. Xin cho ánh sáng cứu độ ấy bừng lên mỗi ngày, hầu đổi mới tâm hồn chúng ta.
Ánh sáng cứu độ bừng lên đổi mới tâm hồn, khi chúng ta để cho Mầu Nhiệm Nhập Thể soi chiếu vào cuộc đời, vào những bổn phận hằng ngày của chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy một mối tương giao mới: Làm tất cả mọi sự nhân danh Chúa Giêsu đòi hỏi phải hết sức tôn trọng nhân vị mỗi người và tự do của họ. Đó là điều phải thực thi trong thời đại này cũng như trong thời thánh Phaolô. Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu. Hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu.
Ánh sáng cứu độ bừng lên đổi mới tâm hồn, khi chúng ta biết quy hướng về vinh quang của Ngôi Lời Nhập Thể, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Mácximô Tuyên Giáo nói: Đức Kitô luôn luôn mới, không bao giờ cũ kỹ vì chẳng một tâm trí nào có thể lãnh hội hết được… Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý. Lúc khởi đầu vẫn có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa.
Ánh sáng cứu độ bừng lên đổi mới tâm hồn, khi chúng ta để Chúa tái sinh chúng ta trong ân sủng của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia đã cho thấy: Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Trong bài Tin Mừng, ông Anrê gặp em mình là ông Simôn và nói: Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia. Thiên Chúa phán dạy qua Thánh Tử, là Đấng Mêsia, mà ông Anrê đã gặp và đã dẫn em mình tới gặp Người. Chính Người đã cho vạn vật được phát xuất từ hư vô. Một ngôi sao xuất hiện từ phương đông chiếu sáng và dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến nơi ở của Ngôi Lời làm người. Ngôi sao ấy chứng tỏ rằng Ngôi Lời mà sách Lề Luật và sách các Ngôn Sứ đã nói đến, Ngôi Lời mầu nhiệm ấy vượt qua mọi sự hiểu biết của giác quan con người, và dẫn đưa muôn dân tới ánh sáng chan hòa, tức là sự hiểu biết đích thực. Những lời trong Thánh Kinh, tựa như ngôi sao, một khi được hiểu cách trung thực, sẽ dẫn đưa chúng ta đến nhận biết Ngôi Lời Nhập Thể. Thân xác của Ngôi Lời trở nên thuốc độc cho con mãng xà, có khả năng hủy diệt nó, nhờ quyền năng Thiên Chúa tiềm ẩn bên trong, nhưng thân xác ấy, lại là linh dược cứu thoát loài người chúng ta và cho chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Mầu Nhiệm Nhập Thể thật là cao siêu và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Chỉ có đức tin mới lãnh hội được mầu nhiệm này, vì chính bản chất và nền tảng của mầu nhiệm ấy vượt quá mọi giác quan và hiểu biết của lý trí của chúng ta. Điềm sao lạ trên trời cho biết Đấng cứu độ trần gian nay đã tới. Ước gì ánh sáng cứu độ ấy bừng lên mỗi ngày, hầu đổi mới tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết cùng đưa nhau đến gặp Đấng cứu độ chúng ta, như thánh Anrê đã đưa em mình đến gặp Đấng Mêsia. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn