TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 2 MÙA VỌNG

Thứ sáu - 06/12/2024 13:27 |   160
“Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37)

09/12/2024
Thứ hai tuần 2 Mùa Vọng
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Mẹ Vô Nhiễm

Lc 1,26-38


sống trong sạch như mẹ
Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37)

Suy niệm: Khi sứ thần truyền tin cho Da-ca-ri-a biết ông sẽ sinh con trong lúc tuổi già, ông đã yêu cầu một dấu chỉ để có thể tin được điều mà ông cho là bất khả. Còn Đức Ma-ri-a trước lời truyền tin mình sẽ sinh con dù “không biết đến người nam,” Mẹ không hoài nghi mà chỉ hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Câu trả lời của sứ thần lại đưa Mẹ đi sâu hơn vào cõi mầu nhiệm: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà… vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Quả thật Chúa đã làm và vẫn làm nơi Mẹ những điều không thể làm được. Để chuẩn bị cho Mẹ đảm nhận thiên chức Mẹ Thiên Chúa, Chúa đã ban cho Mẹ điều mà không ai trong con cái loài người có được: ơn không mắc tội tổ tông truyền ngay từ lúc đầu thai. Mẹ đã đón nhận những ơn trọng đại ấy bằng lời “thưa vâng” và đã làm cho những ơn ấy sinh hoa trái trong việc cộng tác vào công trình cứu độ.

Mời Bạn: “Nhân vô thập toàn,” sinh ra trong kiếp phàm nhân, chẳng ai trong chúng ta dám tự xưng mình vô tội. Thêm vào đó, trong thế giới tục hoá ngày nay, chủ nghĩa hưởng thụ lên ngôi, tội lỗi đang ngày càng xâm chiếm trong mọi lãnh vực. Trong bối cảnh đó việc sống trong sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi tưởng chừng như là điều bất khả. Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm xác quyết với ta rằng với hồng ân cứu chuộc trong Chúa Ki-tô việc chiến thắng tội lỗi là việc hoàn toàn có thể được.

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ cương quyết nói “không” với mọi cám dỗ tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn biến đổi đời sống chúng con, để chúng con sống trong sạch như Mẹ. Amen.

Thứ Hai MV II: Lạy Chúa! Người bại liệt sau khi được Chúa chữa lành, đã đứng dậy, vác lấy giường mà đi về nhà. Xin cho chúng con có được sự chữa lành của Chúa, để chúng con cũng có được sức mạnh đứng dậy, thoát ra khỏi những chỗ nằm êm ái, quen thuộc của mình. Xin cho chúng con vùng chỗi dậy, can đảm vác lấy gánh nặng của con người mình, và cùng với Chúa tiến bước trên hành trình mới. Ước chi lời chúng con khẩn cầu vọng tới Tôn Nhan. Xin khơi dậy trong lòng chúng con những ước muốn trong sạch ngay thẳng, hầu giúp chúng con chuẩn bị mừng mầu nhiệm Chúa giáng trần. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 2 Mùa Vọng

Ca nhập lễ

Muôn dân hỡi! Lắng nghe lời Chúa, loan truyền cho các miền đất xa xăm. Rằng: Đấng Cứu Độ chúng ta sắp đến. Thôi đừng sợ hãi nữa làm chi!

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Cha từ ái, ước chi lời chúng con khẩn cầu vọng tới Tôn Nhan. Xin khơi dậy trong lòng các tôi tớ Chúa đây những ước muốn trong sạch ngay thẳng, hầu giúp chúng con chuẩn bị mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 35, 1-10

“Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu thoát các ngươi”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa; hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Li-băng, và vẻ tráng lệ của Các-men và Sa-ron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời. Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy.

Nơi ấy sẽ có những con đường người ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Ðường ấy sẽ không có vết chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Này đây Chúa chúng ta sẽ đến và cứu độ chúng ta

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 17-26

“Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Ngày ấy, Chúa Giê-su đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Ga-li-lê-a, xứ Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giê-su. Thấy lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!”

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giê-su biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: “Các tội của ngươi đã được tha”, hay nói: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà”.

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho thánh lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa xin thăm viếng chúng con và ban cho được phúc an bình, để chúng con trung thành theo Chúa và luôn hoan hỷ trước Thánh Nhan.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

QUYỀN THA TỘI (Lc 5,17-26)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Cảnh Chúa Giê-su ngồi giảng có những người biệt phái và tiến sĩ luật vây chung quanh nghe Chúa, đồng thời cũng chứng kiến việc Chúa chữa nhiều người lành bệnh với quyền năng của Chúa. Tiếng tăm của Chúa lan rộng khắp nơi. Nhiều người kéo đến, đông đến nỗi phải đứng ra tận cổng. Chuyện bốn người khiêng một người nhà bị bất toại phải hì hục mang bệnh nhân lên mái nhà, rỡ ra một lỗ trống, rồi thòng kẻ liệt xuống trước mặt Người chứng tỏ lòng tin của họ như thế nào. Thấy lòng tin của họ, Chúa liền bảo bệnh nhân: “Hỡi người kia, tội con đã được tha” (Lc 5, 20).

Người ta đến xin Chúa chữa bệnh, Chúa lại nhìn vào lòng tin của của họ và đáp lại bằng cách tha tội cho họ. Chính điều này là nguyên cớ khơi lên trong đầu các biệt phái và tiến sĩ luật thắc mắc: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” (Lc 5,21).

Nói thật ra, không phải họ không có lý. Vì theo họ, chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Họ đâu có tin nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa. Có điều tại sao họ lại không nghĩ chỉ có Thiên Chúa mới chữa được nhiều thứ bệnh một cách dễ dàng như Chúa Giê-su đã làm? Ai có thể dùng lời nói chữa khỏi một người bất toại, nếu không phải là Thiên Chúa? Phải chăng những người biệt phái và tiến sĩ luật chỉ ngồi nghĩ đến Luật, và không biết nhận ra Chúa Giê-su đang làm nhiều như trừ quỷ, chữa bệnh v.v…? Nếu nhận ra, họ đã kính sợ và ngợi khen và tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa có quyền tha tội, đồng thời nói rằng: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng” (Lc 5,26).

 

CHÚA CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI (Lc 5,17-26)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đang lúc Đức Giê-su ngồi giảng dạy trong nhà, người ta khiêng một người bất toại đến. Vì dân chúng quá đông, họ không khiêng vào được đã dỡ ngói mái nhà rồi thòng chiếc chõng người bệnh xuống trước mặt Người. Chúa thấy họ có lòng tin mạnh mẽ như thế nên nói với người bệnh: “Này anh, anh đã được tha tội rồi”. Nhóm biệt phái và luật sĩ không tin nhận Người là Thiên Chúa nên cho lời nói đó là phạm thượng, vì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Để chứng tỏ mình là Thiên Chúa có quyền tha tội. Chúa bảo người bất toại chỗi dậy vác giường mà về, tức thì anh chỗi dậy vác chõng ra về trước sự kinh ngạc của mọi người.

2. Bệnh bất toại hay bại liệt thường do đứt hay tắc mạch máu não do những chứng áp huyết cao, đau màng óc, chấn thương sọ não, sưng bướu óc, sưng cơ tim, kinh phong hay do vi khuẩn phá hủy tủy sống. Y học ngày nay có thể giải phẫu để nối mạch máu, lấy bướu máu, chạy điện trị liệu vật lý để chữa bệnh tê liệt nhẹ. Đối với chứng bất toại nặng thì khoa học hoàn toàn bất lực. Hiện nay có nhiều người bán thân bất toại hay bất toại hoàn toàn chỉ còn chờ chết thôi.

3. Đức Giê-su cũng tỏ lòng trắc ẩn đối với những bệnh nhân ấy nên đã chữa lành cho một người bị bại liệt. Nhưng cách chữa bệnh của Ngài hôm nay hơi khác thường: thay vì chữa bệnh như thường lệ, Ngài lại tha tội cho bệnh nhân trước rồi mới chữa bệnh sau. Việc làm này khiến các luật sĩ và biệt phái rất tức giận.

Tuy nhiên, Đức Giê-su làm như thế là ngầm bảo họ rằng Ngài có quyền tha tội vì Ngài là Thiên Chúa. Việc làm này cũng nhắc nhở chúng ta phải chữa bệnh bại liệt tâm hồn. Phải chú trọng đến sứ khỏe phần hồn hơn phần xác.

4. Ai cũng biết bại liệt là bất lực, vừa là nỗi khổ cho chính mình vừa là gánh nặng cho thân nhân. Chắc chắn Đức Giê-su thấy nơi người bại liệt nỗi đau khổ về thể xác. Nhưng tại sao câu đầu tiên Ngài nói với anh ta là lời tha tội? Anh ta có tội gì chăng nên mới bị bại liệt như vậy? Người Do-thái vẫn có quan niệm như thế: bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ai mắc bệnh là người có tội, trường hợp của ông Gióp đã nói lên điều đó. Bệnh càng nặng tức là lỗi càng nhiều, và càng nặng thì bệnh càng phát ra bên ngoài tương xứng.

Chắc chắn là Đức Giê-su không đồng ý với quan niệm này. Nhưng chỉ sau này người ta mới tìm ra mầu nhiệm của đau khổ và bệnh tật. Tội lỗi và bệnh tật là hai vấn đề riêng biệt, không liên can gì với nhau; bởi vì có người vừa có bệnh vừa có tội, có người bệnh mà không có tội, có người có tội mà không bệnh. Cho nên khi Chúa nói: Tội con được tha rồi” là Chúa muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội.

5. Hành động của những người thân của người bại liệt đáng để mỗi Ki-tô hữu suy nghĩ trong Mùa Vọng này. Họ yêu thương người thân của mình, dù con người ấy không có khả năng hoạt động. Họ tìm cách cứu chữa, không thất vọng, mà công việc ấy chẳng phải dễ dàng. Đám đông không còn là trở ngại không thể vượt qua, bởi tình yêu giúp họ thêm sáng kiến, mở lối đưa người thân của mình đến cùng Đấng Chữa Lành. Dĩ nhiên, Chúa vẫn luôn đòi hỏi người được chữa lành phải có đức tin. Nhưng ở đây, đức tin của những người thân và sự phục vụ đầy yêu thương của họ nâng đỡ đức tin yếu ớt và làm sống lại niềm hy vọng nơi con người bị bệnh tật chôn vùi trong nhiều năm tháng. Những người thân của anh đã giúp anh gặp lại được Đức Giêsu (5 phút Lời Chúa).

6. Qua phép lạ này, chúng ta thấy Chúa thường đáp lại lòng tin và lòng bác ái của người đến kêu xin như Ngài thường nói: Đức tin của con đã chữa con”. Hôm nay chúng ta phải chân nhận rằng: những người khiêng người bại liệt có lòng tin sâu sắc, lòng tin ấy được biểu lộ qua lòng bác ái chân thật, một tình thương sáng ngời, những việc làm của họ có sức lay động cả trái tim của Đức Giê-su. Và kết quả hết sức tốt đẹp như Tin Mừng hôm nay đã trình bày cho thấy.

7. Truyện: Phép lạ ở Lộ Đức

Serge Francois mắc chứng thoát vị đệm (hernia) từ nhiều năm và được giải phẫu hai lần, khiến cho chân trái gần như hoàn toàn tê liệt. Ngày 12/4/2002, ông đến hang đá Massabielle tại Lộ Đức để cầu nguyện. Ông đã bị một cơn đau khủng khiếp khiến ông tưởng như sắp chết. Sau những giây phút cầu nguyện chỉ vài phút sau đó, cơn đau đã nhường chỗ cho một cảm giác khỏe khoắn và ấm áp. Chân trái ông hết đau và từ từ cử động được.

Ngày 01/12/2008, sau nhiều năm nghiên cứu hồ sơ, Ủy ban Khoa học quốc tế trung tâm hành hương Lộ Đức, gồm khoảng 20 bác sĩ (có cả thành viên không Công giáo và vô thần), nhìn nhận rằng việc khỏi bệnh của Francois không thể giải thích được về mặt y khoa, vì diễn ra bất ngờ, toàn diện và lâu bền mà không qua bất cứ một trị liệu y khoa.

Thiên Chúa chọn Lộ Đức để biểu lộ tình thương của Ngài qua trung gian nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ. Qua đó, Ngài đã bày tỏ vinh quang cho nhân loại, khi chữa lành nhiều bệnh tật của nhiều anh chị em được đem đến Lộ Đức.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

Ca nhập lễ

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Ðức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi A-đam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” A-đam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và A-đam đã gọi tên vợ mình là E-và: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Ít-ra-en.

Xướng: Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.  

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12

“Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Ki-tô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Ki-tô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Ki-tô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giê-su Ki-tô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Ðức Ki-tô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Ki-tô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Trinh Nữ Ma-ri-a đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, thiên thần Gáp-ri-en được Chúa sai đến một thành xứ Ga-li-lê-a, tên là Na-da-rét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc chi họ Ða-vít, trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Ma-ri-a đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ða-vít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, I-sa-ve chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Ma-ri-a liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận hy lễ cứu độ chúng con dâng trong ngày đại lễ mừng Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a vô nhiễn nguyên tội. Chúa đã ban ơn gìn giữ Người khỏi mọi tỳ ố, xin cũng nghe lời Người chuyển cầu mà cho chúng con thoát khỏi vòng tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Cha đã gìn giữ Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Người được đầy ơn sủng để Người xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Người, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất sinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Ðức Ki-tô. Thật vậy, Ðức Trinh Nữ rất thanh khiết sẽ sinh hạ cho nhân loại một người con là chiên vẹ toàn, Ðấng xóa tội trần gian. Cha đã chon Người giữa muôn một, để Người chuyển cầu và nêu gương thánh thiện cho dân Cha. Vì thế, hiệp với các Thiên thần và các thánh, chúng con vui mừng ca ngợi Cha và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yêu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Lạy Mẹ Ma-ri-a. Thiên hạ đã nói về Mẹ bao vinh hiển, vì từ nơi Mẹ Mặt Trời Công Chính đã mọc lên là Đức Ki-tô Thiên Chúa chúng tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban ân huệ vô song là gìn giữ Ðức Ma-ri-a khỏi vướng mắc nguyên tội. Xin cũng cho thánh lễ chúng con cử hành chữa lành mọi thương tích nguyên tội còn để lại nơi chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Từ đầu thế kỷ VIII, ở phương Đông, người ta đã cử hành – vào ngày 9 tháng 12 – lễ Thánh Anna thụ thai Mẹ Thiên Chúa, nghĩa là việc Đức Maria tượng thai trong lòng bà thánh Anna. Sau đó lễ này được phổ biến sang miền Nam nước Ý, rồi sang Ai Len và Anh, với tên gọi là Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria được thụ thai. Mục tiêu ban đầu của lễ này là mừng cuộc thụ thai của thánh Anna, mà theo sách ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê, cuộc thụ thai này xảy ra sau một thời gian dài bà Anna không có con, và đã được một thiên thần báo tin như một dấu hiệu của tình thương Chúa. Ở Napôli, vào thế kỷ IX, lễ này đươc ghi trên một lịch bằng đá cẩm thạch, mừng vào ngày 9 tháng 12, và đến năm 1050, trong Công đồng Verceil, Đức Giáo Hoàng Lêô IX khuyên nhủ các tín hữu mừng việc Đức Mẹ Được Thụ Thai, giống như phong tục của Giáo Hội Byzance.

Vào đầu thế kỷ XII, tu sĩ người Anh Eadmer, học trò của thánh Anselme Cantobéry, tuyên bố ông tin là Đức Mẹ được thụ thai (thụ động) vô nhiễm (tránh khỏi nguyên tội), và viết một khảo luận đầu tiên về đề tài này. Thánh Bênađô, ngược lại, vào dịp đầu tiên mừng lễ này ở Lyon (khoảng 1140), đã cảnh giác mọi người về điều mới mẻ này, và dạy rằng Đức Mẹ chỉ được thánh hóa sau khi được thụ thai, chứ không phải ngay khi còn trong lòng mẹ (Ep. 174). Dưới ảnh hưởng của ngài, các nhà thần học lớn của thế kỷ XII và XIII (Phêrô Lombard, Alexandre Halès, thánh Bônaventura, thánh Albert Cả, thánh Thomas Aquinô) cũng đi theo giáo huấn này; các nhà thần học này chưa tìm được cách nào để hoà hợp việc Đức Mẹ được miễn tội nguyên tổ với tính phổ quát của tội nguyên tổ và nhu cầu đón nhận ơn cứu chuộc đối với mọi người.

Người tìm ra giải pháp cho những vấn nạn này chính là các nhà thần học dòng Phanxicô – đặc biệt là Duns Scotus (1308). Họ tạo ra khái niệm tiền cứu chuộc. Việc Đức Mẹ được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ là hình thức hoàn hảo nhất của việc Cứu Chuộc; vì thế, theo các nhà thần học này, việc Đức Kitô cứu chuộc Mẹ của Người bằng cách này là thích hợp.

Công đồng Bâle năm 1439 ủng hộ phe chủ trương Đức Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm. Nhiều vị giáo hoàng cũng lên tiếng ủng hộ sự tin tưởng này và ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Pi-ô IX đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, do một đặc ân và ân sủng độc nhất vô nhị của Thiên Chúa toàn năng, nhờ những công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đã được gìn giữ sạch mọi vết nhơ của tội nguyên tổ” (Sắc Chỉ Ineffabilis).

Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ có từ thời Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố Bản kinh Phụng vụ. Những bản văn này giúp chúng ta nắm được tầm quan trọng của tín điều do Sắc chỉ Ineffabilis công bố.

Lời Nguyện của ngày lấy lại một công thức phụng vụ được soạn năm 1477, dưới thời Đức Giáo Hoàng Sixte IV, là một tổng hợp hầu như giống nguyên văn câu định nghĩa tín điều: “Thiên Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc nguyên tội ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Đức Trinh Nữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này.”

Sự tiến triển lịch sử của chân lý đức tin này đã có đầy đủ ý nghĩa trong các bài giảng của các Giáo phụ phương Đông, gắn liền với lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (ví dụ, bài giảng của thánh Jean Damascène ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ). Việc Đức Maria được thụ thai bởi một bà mẹ son sẻ (xem Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê) nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, báo trước việc Đức Kitô được thụ thai bởi một bà mẹ đồng trinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Như thế lòng đạo đức bình dân đã đi từ việc sùng kính sự kiện thánh Anna thụ thai – nhấn mạnh về bà mẹ chứ không phải về Đức Maria – để chuyển sang sự kiện Đức Maria, “người đầu tiên được cứu độ”, được thụ thai trong lòng mẹ ngài.

Kinh Tiền tụng mới – trích thư Ep 5, 27 và lấy ý từ Công đồng Vaticanô II (MK và PV) – là một tổng hợp nội dung thần học của tín điều. Như thế có sự nhấn mạnh trước tiên đến chiều kích Kitô học của tín điều, bằng cách khai triển mối quan hệ giữa việc được khỏi tội nguyên tổ, đầy ân sủng, và làm mẹ Thiên Chúa, vì Đức Maria đã được kêu gọi để trở thành người mẹ xứng đáng với Con của mình. Kinh Tiền Tụng cũng nhấn mạnh một chiều kích giáo hội học của ngày lễ trọng này: “Nơi Người (Đức Maria), Chúa đã cho thấy trước hình ảnh Hội Thánh, vị hôn thê không nếp nhăn, không tì vết, đẹp rực rỡ.” Một chiều kích thứ ba – cứu chuộc học – cũng nổi bật, nói lên mối liên quan giữa sự cứu chuộc được thực hiện bởi “Con Chiên vô tì tích xoá tội chúng ta”, và sự trong trắng của Đức Maria. Ngay từ thế kỷ II, Meliton de Sardes đã có trực giác về điều này: “Chính Người, Con Chiên bị giết, chính Người là con chiên vô tì tích, đã sinh ra bởi Đức Maria.” (Bài giảng lễ Phục Sinh). Sau cùng, chiều kích cánh chung học cũng được nhấn mạnh qua việc nhắc tới ơn gọi của Đức Maria: “Được chọn giữa toàn thể nữ giới, Người chuyển cầu nêu gương thánh thiện cho toàn thể Dân Chúa.”

Lời Nguyện trên lễ vật nhấn mạnh “ơn quan phòng của Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi”. Đây là một lời nhắc nhở về ân sủng vô điều kiện của Thiên Chúa: “nhờ công nghiệp do cái chết của Chúa Kitô”, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi (Lời Nguyện của ngày).

Lời Nguyện hiệp lễ cầu khẩn Chúa: xin Người “chữa lành nơi chúng ta mọi vết thương của tội nguyên tổ” mà Đức Mẹ đã được giữ gìn không mắc phải.

Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tội nguyên tổ là một chân lý nền tảng của đức tin: “Phải nhận biết Đức Kitô như là nguồn mạch của ân sủng để có thể nhận biết Ađam như là nguồn mạch của tội lỗi” (số 388). “Giáo lý về tội nguyên tổ là “phản diện” của Tin Mừng công bố rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ mọi người, rằng mọi người cần được cứu độ và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ ân sủng của Đức Kitô. Mang tinh thần của Chúa Kitô, Hội Thánh biết rõ người ta không thể đụng đến mặc khải về tội nguyên tổ mà không đụng đến mầu nhiệm Chúa Kitô.” (số 339).

“Đây là cuộc Tạo dựng mới – Hội Thánh hát trong Giờ Kinh Sách – nơi Người, hỡi Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm, ân sủng nguyên thuỷ nở hoa. Trái đất của chúng con không còn bị chúc dữ. . .” (Thánh Thi). Điệp ca của kinh Benedictus ca ngợi vai trò của Evà mới: “Ta sẽ đặt sự thù nghịch giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi của Người; Người sẽ đạp dập đầu mi.”

Enzo Lodi

 

MẸ VÔ NHIỄM
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)
Mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm 2011

Vô nhiễm là gì?

Một số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô nhiễm Nguyên tội. Nhiều người, kể cả nhiều người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh nữ Maria. Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng sinh 9 tháng).

Vô nhiễm nó đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna. Chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, 9 tháng trước ngày 8-12 (lễ Mẹ Vô nhiễm).

LM John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các giáo phụ Hy Lạp hoặc Latin dạy rõ ràng về Vô nhiễm Nguyên tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên”. Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 ĐGH Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

ĐGH Piô IX viết trong Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ): “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng”.

LM Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được”.

Khái niệm sai lầm về Vô nhiễm Nguyên tội

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên tội không bị truyền qua Đức Kitô. Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô nhiễm Nguyên tội. Hơn nữa, ơn Vô nhiễm Nguyên tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô nhiễm Nguyên tội không là điều kiện tiên quyết để thực hiện công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ. Đó là cách giải thích cụ thể về Tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

Lịch sử

Lễ Vô nhiễm Nguyên tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng thánh Anna.

Tuy nhiên, lễ Sinh nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô nhiễm Nguyên tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng. Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học. Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “vô nhiễm”). Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả thánh Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên tội.

Để trả lời cách phản đối của thánh Thomas Aquinas, như chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô. Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánha tẩy.

Phát triển lễ ở Tây phương

Sau khi chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô nhiễm Nguyên tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ thai của Thánh Anna (tức là Sinh nhật Đức Mẹ). Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, ĐGH Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô nhiễm Nguyên tội. Khoảng giữa thế kỷ XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.

THIÊN CHÚA Ở CÙNG MẸ
(LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc Tội Tổ Tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Đức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng ta được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa.

Ngay từ giây phút đầu tiên trong đời, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi vương bất cứ tội lỗi nào, nhờ ân sủng do cái chết của Con mình. Như vậy, tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được đặt căn bản trên đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, cũng như được cất lên trời là hình ảnh tiên báo Hội Thánh: Thiên Chúa muốn cho Hội Thánh không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào.

Công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa, nhờ tin vào Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội... Vì một người duy nhất, tội lỗi đã xâm nhập trần gian, như thế mọi người đã phạm tội. Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa cứu gỡ mạng bà khỏi chết, Người đã rủ thương che chở bà khi kẻ thù tìm cách tấn công.

Công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa, nhờ lòng sùng kính Mẹ diễm phúc, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Anxenmô nói: Lạy Đức Trinh Nữ, nhờ phúc lành của Mẹ mà muôn loài được chúc phúc… Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa. Vì tình Chúa thương tôi như trời như biển. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa, nhờ biết tin tưởng, phó thác, và hằng vâng theo thánh ý Chúa như Mẹ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia đã kêu xin: Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Kính chào Đức Maria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người nữ. Trong bài Tin Mừng, sứ thần nói: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Mẹ thật có phúc vì Mẹ đã tin, và Mẹ đầy ân sủng vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Thiên Chúa ở cùng Mẹ, bởi vì, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ ơn làm cho mọi loài mọi vật phải mắc nợ Mẹ, cũng như đã mắc nợ chính Chúa. Thiên Chúa là Cha muôn loài muôn vật đã được tạo thành, còn Mẹ là Mẹ muôn loài đã được tái tạo. Thiên Chúa là Cha làm nên muôn loài muôn vật, còn Mẹ là Mẹ của muôn vật muôn loài đã được tái thiết. Thiên Chúa đã sinh ra Đấng tạo dựng muôn loài, còn Mẹ đã hạ sinh Đấng cứu độ muôn loài. Ước gì ta biết bắt chước Mẹ, để mặc cho Chúa làm cho ta những gì Chúa muốn, để ta cũng được đầy tràn ân sủng như Mẹ. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ khỏi mắc Tội Tổ Tông, gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Nhờ lời Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay, ước gì chúng ta được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lễ Vô Nhiễm 3

Lc 1, 26-38
“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
          
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!”
          
Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm




MẸ VÔ NHIỄM (08/12)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Có thể nói mầu nhiệm tội nguyên tổ được khai sinh với giáo huấn của thánh giáo phụ Âugustinô. Ngày nay người ta thẳng thắn nhìn nhận rằng giáo huấn của Thánh giáo phụ có đôi điều hạn chế và bất cập. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn khẳng định rằng có tội nguyên tổ. Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều “Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, Bốn năm sau đó Mẹ Maria hiện ra với cô bé nhà quê Bernadette tại Lộ Đức và đã tỏ cho cô bé một danh của mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Thử hỏi với nhau tội nguyên tổ là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, hy vọng ít có người còn ngây thơ trả lời đó là tội ông Ađam và bà Evà ăn trái cấm ngày xưa. Giáo lý Công giáo cho ta hay đó là tội do nguyên tổ loài người lạm dụng tự do mà chống lại mệnh lệnh Thiên Chúa ban, làm ngược lại với điều Thiên Chúa truyền. Cụ thể tội ấy là tội gì? Vì sao cặp nguyên tổ loài người trong tình trạng cổ sơ với nhiều hạn chế về trí khôn và chắc hẳn rất khó có được sự tự do hoàn toàn, thế mà lại phạm một thứ tội gì ghê gớm đến độ di hại cho cả loài người cháu con muôn đời? Quả là những câu hỏi đầy hóc búa không dễ gì tìm được câu trả lời rõ ràng và rành mạch. Giáo Hội khẳng định niềm tin về sự hiện hữu của nguyên tội là căn cứ vào “công trình cứu độ của Chúa Kitô”. Chúa Kitô đến thế gian này để cứu độ loài người thì giả thiết loài người phải đang ở trong tình trạng tội lỗi. Thánh Kinh Cựu Ước nói về tình trạng tội lỗi của con người ngay từ trong dạ mẹ hay khi mới chào đời (x.Tv 50). Thánh Tông Đồ dân ngoại cảm nghiệm thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình nói riêng và của loài người nói chung khi “những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Và mọi người đều bị tội lỗi thống trị (x.Rm 3,9-18).
          
Dù biết rằng nguyên tội mãi là mầu nhiệm với con người tại thế, nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn phải có bổn phận tìm hiểu và suy tư. Các Đức Giáo hoàng gần đây như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI khuyến khích các nhà thần học nỗ lực nghiên cứu chủ đề này. Đức Bênêđictô XVI đã hé mở một cái nhìn về nguyên tội khi nói đến hai mầu nhiệm của ánh sáng và một mầu nhiệm của bóng tối. Hy vọng rằng chủ đề này sẽ được đào sâu. Nhân ngày lễ kính Mẹ Maria với tước hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, xin được góp một cái nhìn.
          
Chúng ta tin nhận rằng Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi vương hậu quả của nguyên tội ngay từ phút giây đầu tiên hoài thai trong dạ bà Anna. Ở đây xin xác nhận với nhau rằng ngoài nguyên tổ ra thì không một ai trong con cái loài người mắc phải tội nguyên tổ. Đã nói rằng tội nguyên tổ tức là tội do tổ tiên loài người phạm. Hậu duệ cháu con không phạm tội ấy thì không hề mắc tội ấy. Không phạm tội thì không chịu trách nhiệm là chuyện đương nhiên. Thế nhưng con cháu có thể vương mang hậu quả do tội của cha ông. Chẳng hạn cha ông phạm lỗi rồi bị khánh kiệt, phá sản và thế là cháu con không được hưởng gia tài thừa kế. Nhiều thần học gia ngày này nghiêng về chiều kích xã hội của tội nguyên tổ. So sánh thường mang tính khập khiễng nhưng cũng giúp soi sáng vấn đề. Tình trạng ô nhiễm môi sinh cũng là một so sánh. Hoàn cảnh dịch bệnh lây lan cũng là một so sánh. Tuy nhiên để hiểu tình trạng vô nhiễm nguyên tội là thế nào, thiết tưởng cần nhìn vào Đức Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Con Chiên thanh sạch, vẹn tuyền, không cần một lời tuyên tín nào mà đích thực là “vô nhiễm”.
          
1. Vô nhiễm không phải là để miễn chiến đấu:
Giáo hội căn cứ vào lời của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28) để khẳng định chân lý Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Như thế tình trạng vô nhiễm là tình trạng đầy ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Tình yêu bản vị giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, là tình yêu hướng tha đầy năng động và sáng tạo. Chúa Kitô là Đấng đầy Thánh Thần cách đích thực. Thánh Phaolô đã không ngần ngại gọi Đức Kitô, “Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1Cor 15,45). Vì đầy tràn Thánh Thần nên Chúa Kitô luôn hướng về Chúa Cha để yêu mến, tìm kiếm thánh ý chúa Cha để thực thi. Vì đầy tràn Thánh Thần nên Người luôn hướng về đoàn em nhân loại để tìm cách cứu độ và ban phúc ân.
          
Việc tìm kiếm thánh ý Chúa Cha để thực thi không miễn cho Chúa Kitô phải chiến đấu mà trái lại, chính Người đã phải chịu bao nỗi truân chuyên, bao đau khổ để học cho biết vâng phục. Chúng ta đừng quên để thốt lên lời thưa: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”, thì Chúa Kitô đã phải đổ mồ hôi pha lẫn máu (x. Lc 22,44). Việc cứu độ và ban phúc ân cho loài người cũng đòi hỏi Chúa Kitô phải trả giá. Đó là những đố kỵ, ganh tương của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ, đó là những hiểu lầm của cả nhiều người thân, đó là sự vô tâm, bạc tình của đám quần chúng đã từng hưởng nhận biết bao ơn lành của Người, đó là sự tham lam, hèn nhát, phản bội của những môn đệ thân tín, và cuối cùng đó là bản án thập giá bất công của quyền lực đế quốc Rôma đang đô hộ nước Do Thái bấy giờ.
          
Mẹ Maria cũng được ban đầy ân sủng Thánh Thần nên Mẹ đã bỏ ý riêng để đón nhận Ngôi Hai nhập thể, hoài thai trong dạ. Đầy ơn Thánh Thần nên Mẹ sống hết sức, hết tình với bà chị họ Isave, với đôi tân hôn tại Cana cũng như dòng tộc hai họ, với Người Con dấu yêu khi đứng dưới chân thập giá, với đoàn môn đệ của Con sau khi Người về trời. Mẹ Maria được đầy Thánh Thần nhưng vẫn chiến đấu. Mẹ đã can đảm đón nhận cái án có thể sẽ bị ném đá theo luật bấy giờ và có thể cả sự hoài nghi của thánh Giuse, khi mang thai Ngôi Lời nhập thể. Lời tiên tri của ông Ximêon về lưỡi gươm sẽ đâm thủng trái tim Mẹ phần nào nói lên những đau khổ Mẹ sẽ chịu khi một lòng theo ý Chúa và hết lòng yêu thương con người (x.Lc 2,35).
          
2. Cùng với ân ban chính là sứ mạng:
Được Chúa ban tặng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là vì chính Mẹ, nhưng là để Mẹ xứng đáng đón nhận Ngôi Hai nhập thể, làm người và để Mẹ có khả năng hiệp công cứu chuộc cùng với Con của Mẹ. Ân ban càng cao cả thì sứ mạng càng trọng đại. Và sứ mạng càng trọng đại thì sự nỗ lực, gắng công càng nhiều và to lớn. Chúa Kitô đã từng nói: “Ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều” (x.Lc 12,48). Đây là quy luật của tình yêu.
          
Mừng kính mầu nhiệm Mẹ được tặng ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cám ơn Mẹ đã đón nhận ân ban cách đẹp lòng Chúa. Và nhờ thế mà nhân loại chúng ta được hưởng nhờ ân phúc cứu độ. Và xin đừng quên Kitô hữu chúng ta cũng đã lãnh nhận ân ban ấy qua dòng nước Thánh Tẩy, tức là đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Vấn đề đặt ra là chúng ta đã sống ân ban ấy như thế nào đây? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng về Chúa trong tình yêu mến, trong sự kiếm tìm thánh ý để thực thi chưa? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng đến hạnh phúc của tha nhân ra sao? Và cũng hãy xét xem chúng ta đã thực thi sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương giả như thế nào?

CÓ THỂ BAY TRỞ LẠI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”.

“Giá mà Ađam Eva giữ được trạng thái ban đầu! Tiếc thay, họ đã khuất phục con rắn! Trước đó, nguyên sơ đẹp đẽ, họ tồn tại ở một mức độ cao hơn nhiều so với loài người bây giờ. Thật khó để hình dung con người lúc đó! Giờ đây, xem ra nó đang cố tạo lại phiên bản gốc của mình như tái tạo một chiếc máy bay từ đống đồng nát. Và nếu không biết gì về việc bay, khó có thể ngờ rằng, nó đã từng bay! Vật liệu giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay không còn!” - Dave Breese.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận định của Breese thật sâu sắc, tinh tế, “Vật liệu giống nhau; nhưng khả năng bay không còn!”. Tuy nhiên, với ân sủng Chúa, mọi vật có thể được tái tạo, ‘có thể bay trở lại!’. Đó là một sự thật hấp dẫn khơi niềm cảm hứng và hy vọng cho bạn và tôi trong ngày mừng kính Đức Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội!

Lời Chúa tường thuật các mẫu đối thoại của hai bà mẹ với Chúa. Eva - mẹ của ‘cuộc đối thoại mất mát’ - trần truồng, phải ẩn núp vì sợ ánh sáng. Đó là cuộc đối thoại chạy tội đầy sợ hãi: Ađam đổ lỗi cho Eva, Eva đổ lỗi cho con rắn và kết quả, hai ngài bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Đó là một cuộc đối thoại tuyệt mệnh mà kết quả là nguyên tổ và hậu duệ “mất khả năng bay!”. Tuy nhiên, giữa những khoảnh khắc bẽ bàng đó, Thiên Chúa vẫn không giấu được cảm xúc xót thương khi Ngài răn đe con rắn, “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi!”. Đó là ‘tiền Phúc Âm’, một lời hứa. Và Chúa đã thực hiện điều Ngài hứa!

Maria, người mẹ thứ hai - mẹ của ‘cuộc đối thoại được lại’ - khoác phẩm phục chói ngời của “Đấng đầy ân sủng”. Mẹ mở toang cửa nhà, mở rộng cõi lòng và thưa “Xin vâng!”. Để từ đó, con người bị đuổi được vào lại nhà Cha nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đấng Mẹ cưu mang. Thiên Chúa là tình yêu! Và tình yêu lớn hơn sự chết; lòng thương xót lớn hơn tội lỗi. Đó là cuộc tái tạo “phiên bản gốc” mới mẻ kỳ vĩ! “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công!” - Thánh Vịnh đáp ca. Từ đây, con người biết rằng, với ân sủng Chúa, nó vẫn có khả năng và ‘có thể bay trở lại’, bay cao vút như Maria, mẹ mình, “Trong Đức Kitô, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện!” - bài đọc hai.

Kính thưa Anh Chị em,

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”. “Maria là khuôn mẫu sống động của Thiên Chúa! Một nhà điêu khắc có thể tạo ra một bức tượng theo hai cách. Cách thứ nhất, đục, đẽo phức tạp và có thể xảy ra đủ loại tai nạn. Cách thứ hai, đúc khuôn - nhanh chóng, dễ dàng, đơn giản, hầu như không tốn sức và không tốn kém. Nhưng khuôn mẫu phải hoàn hảo và chân thực, vật liệu phải dễ xử lý và không có sức cản!” - Louis Mary Grignion. Maria là khuôn mẫu hoàn hảo. Qua mọi thời, các thánh coi Đức Mẹ là hình mẫu và họ đã bay cao, bao tâm hồn quảng đại đã bay cao. Ngược lại, một khi nuông chiều xác thịt, liều lĩnh đánh mất ơn nghĩa Chúa và phạm tội, thì tuy “vật liệu giống nhau, khả năng bay đã không còn!”. Mùa Vọng, mùa tìm lại khả năng bay hầu ‘có thể bay trở lại!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, có thể con đang là một đống đồng nát. Những ngày Mùa Vọng, giúp con đến tắm gội trong suối Hoà Giải, hầu con được tái tạo để có thể bay lên!”, Amen.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây