18/07/2025
Thứ sáu tuần 15 THƯỜNG NIÊN
Mt 12,1-8
chúa muốn lòng nhân, không cần lễ tế
Người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ của ông làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát.” (Mt 12,1-8)
Suy niệm: Người Pha-ri-sêu theo dõi Chúa Giê-su và các môn đệ. Họ vin vào một việc rất nhỏ nhặt là “bứt vài cọng lúa” mà ăn cho đỡ đói để bắt bẻ các môn đệ vi phạm luật giữ ngày sa-bát. Họ chỉ chăm chăm chú chú vào những tiểu tiết hình thức bên ngoài – việc bứt lúa, rồi phóng đại lên thành việc vi phạm lề luật – việc cấm gặt lúa trong ngày sa-bát. Chúa Giê-su cho biết Ngài không xoá bỏ Lề luật, nhưng Ngài nhấn mạnh Lề luật là để thực thi ý muốn của Thiên Chúa, mà ý Chúa là: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” Nếu thiếu tấm lòng thì Lề luật thành vô nghĩa. Tệ hơn nữa, nếu dựa vào những khoản luật chi li cứng nhắc do con người đặt ra để kết án tha nhân thì không khỏi bị Chúa lên án là những kẻ giả hình (x. Mt 23).
Mời Bạn: Đã bao lần bạn chỉ nhìn bề ngoài rồi vội vàng lên án tha nhân cách nghiệt ngã và đầy thành kiến? Hãy học với Chúa về tấm lòng bao dung: “Cây lau bị dập Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20). Bạn nhớ Chúa đòi hỏi chúng ta hãy có lòng nhân từ “như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn nhắc lại câu Lời Chúa: “Chúa muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho mọi việc chúng con làm từ tư tưởng đến hành động đều do Chúa điều khiển và dẫn dắt để không đi ngoài Thánh ý của Chúa và luôn phù hợp với Tin Mừng của Chúa nhờ đó, chúng con luôn biết nhìn ra ý nghĩa của lề luật và tuân giữ trong tình yêu mến. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 15 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thoả khi Chúa tỏ bày sự vinh quang của Chúa
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 11, 10 – 12, 14
“Các ngươi hãy giết con chiên con vào chiều tối. Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua các ngươi”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê và Aaron đã làm các phép lạ trước mặt Pharaon như đã chép. Nhưng Chúa để cho Pharaon vẫn cứng lòng, không cho phép con cái Israel ra khỏi nước mình.
Tại Ai-cập, Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Tháng này đối với các ngươi là tháng đầu, tức là tháng đầu năm. Các ngươi hãy loan truyền cho toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Ðến mồng mười tháng này, mỗi gia đình phải lo cho có một con chiên con. Nếu nhà ít người, liệu ăn không hết một con chiên con, thì hãy hợp chung với những người lân cận, tuỳ theo số người. Con chiên con phải không tì tích, là chiên đực và được một tuổi. Các ngươi cũng có thể dùng một con dê đực theo quy luật đó. Các ngươi nuôi nó cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó vào chiều tối. Tại mỗi nhà ăn thịt chiên, người ta sẽ lấy máu chiên bôi lên hai khung cửa và trên thành cửa. Ðêm đó, người ta sẽ ăn thịt chiên nướng với bánh không men và rau diếp đắng. Các ngươi không được ăn thịt sống hay luộc, mà chỉ được ăn thịt nướng. Phải ăn tất cả đầu, chân và lòng. Ðừng để thừa đến sáng hôm sau. Nếu ăn còn dư, thì hãy thiêu huỷ đi.
“Các ngươi sẽ ăn như thế này: Hãy thắt lưng, chân mang giày, tay cầm gậy và ăn hối hả, vì đây là lễ Vượt Qua của Chúa. Ðêm đó, Ta sẽ rảo qua khắp nước Ai-cập. Ta sẽ giết chết tất cả con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến loài vật. Ta là Chúa. Ta sẽ ra án phạt tất cả các bụt thần Ai-cập. Máu bôi lên thành cửa nhà các ngươi sẽ dùng làm dấu hiệu: Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua các ngươi, các ngươi sẽ không bị huỷ diệt khi Ta trừng phạt nước Ai-cập.
“Các ngươi hãy ghi ngày đó làm ngày kỷ niệm, và cử hành ngày đó như ngày đại lễ của Chúa, qua các thế hệ cho đến muôn đời”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Ðáp: Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa
Xướng: Con lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.
Xướng: Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con.
Xướng: Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa trước mặt toàn thể dân Ngài.
Bài Ðọc I: (Năm II) Is 38, 1-6. 21-22. 7-8
“Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, và Ta đã lau sạch nước mắt của ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Trong những ngày ấy Êdêkia đau gần chết. Tiên tri Isaia, con ông Amos đến thưa người rằng: “Chúa phán thế này: Ngươi hãy sắp xếp công việc nhà cửa của ngươi, vì ngươi sắp chết, không sống được nữa”. Êdêkia liền quay mặt vào vách, cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Ôi lạy Chúa, con van xin Chúa, xin Chúa hãy nhớ lại: con đã sống ngay chính trước mặt Chúa, và đã làm những điều đẹp lòng Chúa”. Rồi Êdêkia than khóc lớn tiếng.
Bấy giờ Chúa phán cùng Isaia rằng: “Hãy đi nói với Êdêkia rằng: Ðây Chúa là Thiên Chúa Ðavít, tổ phụ ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, và Ta đã thấy nước mắt của ngươi. Ta sẽ cho ngươi sống thêm mười lăm năm nữa. Ta sẽ cứu ngươi và bảo vệ thành này khỏi tay vua Assyria”.
Isaia sai người đi lấy mẩu bánh trái vả đắp lên mụn ung độc, và vua liền khỏi bệnh. Bây giờ Êdêkia hỏi: “Có dấu nào cho ta biết coi ta còn lên đền thờ Chúa được chăng?” Isaia đáp: “Ðây là dấu lạ Chúa ban cho vua, vì Chúa sẽ thực hiện lời Người đã phán: “Ta sẽ làm cho bóng đã ngả trên bảng độ Acaz lui lại mười độ”. Và mặt trời lui lại mười độ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Is 38, 10. 11. 12. 16
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu mạng sống con, ngõ hầu con khỏi phải chết (c. 17b).
Xướng: Con đã từng nói: Ðến nửa đời con, con sẽ đi đến cửa địa ngục. Con sẽ bị giam giữ những năm cuối đời con. – Ðáp.
Xướng: Con đã từng nói: Con sẽ không nhìn thấy Thiên Chúa trong đất nước những kẻ nhân sinh: con sẽ không còn thấy người ta nữa, không còn trông thấy dân chúng sống yên vui. – Ðáp.
Xướng: Miêu duệ con đã xa cách và lìa bỏ con, như chiếc lều của những mục tử. Như người thợ dệt, con lôi cuốn đời sống con đi; con chặt đứt nó, khi nó còn muốn kéo dài. – Ðáp.
Xướng: Lạy Chúa, đời sống con là như thế, và đời sống tinh thần của con cũng như vậy, nhưng xin Chúa hãy thuyên chữa và cứu sống con”. – Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 12, 1-8
“Con Người cũng là chủ ngày sabbat”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”. Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Ðavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Ðavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Ðấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.
Lời nguyện kết lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
TINH THẦN CỦA LỀ LUẬT (Mt 12,1-8)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Người biệt phái trách môn đệ Chúa Giê-su không giữ ngày hưu lễ, vì bứt gié lúa để ăn lúc đói. Người biệt phải chỉ xét trên mặt chữ của bản luật mà không nhìn thấy nhu cầu của anh em mình. Luật được Thiên Chúa ban hành không phải để gò ép, nhưng là để thăng tiến con người, giúp con người đi trên con đường ngay thẳng. Vì thế, phục vụ con người đúng lý, đúng cách là thi hành luật trọn hảo nhất. Do đó, Chúa Giê-su đã nói với người biệt phái: “Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế”.
2. Bộ luật của người Do-thái nhận tại núi Si-nai khi Chúa truyền cho Mai-sen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lê-vi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sa-bát, thuộc giới răn thứ 3 trong Thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố Lề Luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – luật sĩ – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ; còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ (Hiền Lâm).
3. “Paparátxi” (paparazzi) theo tiếng Ý là tên gọi những tay chuyên rình chụp hình lén những nhân vật nổi tiếng để gây xi-căng-đan. Nhưng người Biệt phái này hẳn cũng đóng vai paparazzi đeo bám theo Chúa Giê-su và các môn đệ bén gót mới có thể bắt gặp các ông này bứt lúa ăn trong ngày sa-bát, một việc họ bảo là không được phép làm trong ngày hưu lễ. Thế là có cớ để “kiếm chuyện” với Chúa Giê-su. Mang sẵn một định kiến đầy ác ý tìm cách bắt lỗi người khác như thế là tự bít kín mọi ngõ ngách để cảm thông, và đồng thời biến lề luật trở thành công cụ săn lùng và kết án người khác (5 phút Lời Chúa).
4. Hôm nay, trước cảnh các môn đệ Chúa Giê-su đói bụng, bứt mấy bông lúa vò nát để ăn, nhân cơ hội này người biệt phái bắt bẻ Chúa Giê-su về luật sa-bát, bởi vì:
– Người biệt phái chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
– Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giê-su là ngầm ý đề cao mình và che giấu sự giả hình của mình.
– Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
5. Cuộc tranh luận của Chúa Giê-su đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng nơi Tin Mừng Mát-thêu, tác giả lưu ý hai điểm:
– Thứ nhất, quyền hành của Chúa Giê-su trên các việc thực hành đạo đức.
– Thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức.
Trả lời cho thắc mắc của những người biệt phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giê-su nhắc lại việc xảy ra trong Cựu Ước liên quan đến Đa-vít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm; hoặc việc các tư tế trong Đền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội”. Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em những việc bên ngoài (Mỗi ngày một tin vui).
6. Lề luật tối thượng là lòng “nhân hậu”. Để bảo vệ con người cần phải có luật lệ. Để xã hội tiến triển trật tự cần phải có luật lệ. Nhưng nếu những luật lệ đó trở thành bất nhân, không bảo vệ con người, không đem lại hạnh phúc cho con người, cần phải phá bỏ. Thờ phượng Chúa là điều phải làm. Nhưng nếu vì lề luật mà bất nhân thì Chúa không ưng nhận. Chúa khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ”. Lòng nhân hậu là lề luật tối thượng.
7. Truyện: Tấu khúc nhạc yêu thương.
Thi sĩ George Herbert, người Anh, ngoài tài làm thơ, ông còn có năng khiếu về hòa nhạc.
Một buổi tối nọ, lúc đang trên đường đi dự buổi hòa nhạc, thi sĩ gặp một chiếc xe ngựa bị sa lầy. Trên xe hàng hóa chất rất nặng. Bác đánh xe ngựa thì già yếu và con ngựa thì quá đỗi gầy còm.
Không chút ngần ngại, thi sĩ đã bỏ cây đàn bên vệ đường rồi giúp bác đánh xe ngựa bốc dỡ hàng hóa và đẩy chiếc xe ra khỏi vũng lầy. Sau đó, ông lại tiếp tục giúp xếp hàng lên xe. Rồi nhìn con ngựa gầy còm mà ái ngại cho nó, ông tặng bác đánh xe ngựa một số tiền để mua cỏ cho nó ăn.
Công việc xong xuôi thì trời đã về khuya. Bộ đồ dạ hội của thi sĩ cũng đã lem luốc những bùn. Tuy thế, ông vẫn đến nơi đã hẹn. Tới nơi thì buổi dạ hội đã xong rồi.
Một người bạn nói với ông: “Nhà thơ của chúng ta đã lỡ mất một buổi hòa nhạc tuyệt vời”.
Thi sĩ George Herbert mỉm cưới đáp lại: “Phải, đúng thế. Nhưng để đền bù lại, tôi đã tấu được một khúc nhạc tuyệt vời hơn rất nhiều. Đó chính là tấu khúc nhạc yêu thương”.
ĐỨC GIÊSU LÀM CHỦ NGÀY SABÁT
(THỨ SÁU TUẦN 15 TN NĂM LẺ)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 15 Thường Niên, Năm Lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình.
Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, tin tưởng kêu cầu Chúa giải thoát, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Sử Biên Niên Quyển I nói về: Vua Giơhôsaphát được Chúa thương trợ giúp. Một trong những vua trung thành với Thiên Chúa dưới thời ngôn sứ Êlia, đó là Giơhôsaphát. Sau này các vua Khítkigia và Giôsia cũng vậy. Trong một tình thế nguy kịch, chính nhờ đức tin và tinh thần cầu nguyện của mình mà vua được Thiên Chúa thương trợ giúp. Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý. Cứ án binh bất động mà xem Đức Chúa sẽ giải thoát các ngươi như thế nào.
Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, thông dự vào Hy Tế Thánh Thể của Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói về: Dạy các tân tòng về phụng vụ Thánh Thể… Tất cả cha ông chúng ta đều vượt qua Biển Đỏ, tất cả cùng được chịu phép Rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học cho chúng ta. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng.
Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, nâng chén cứu độ và kêu cầu thánh danh, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Xuất Hành: Các ngươi phải sát tế một con chiên vào lúc xế chiều; thấy máu, Ta sẽ vượt qua. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 115, vịnh gia cho thấy: Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa. Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người làm chủ ngày Sabát. Chiên Chúa nghe tiếng Chúa, Chúa làm chủ ngày Sabát, ngày giải cứu, ngày chiên được nghỉ ngơi, được nuôi sống. Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho, việc của chúng ta là: nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa; bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa nguồn vui của lòng ta, mau mắn tới dự tiệc thánh bởi trời. Đavít và thuộc hạ ăn bánh tiến; các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội, Đức Giêsu còn lớn hơn cả Đền Thờ, và cả luật sabát: Ngày xưa, Thiên Chúa mưa manna xuống cho các tổ phụ, ngày ngày, các ngài được lương thực bởi trời nuôi dưỡng. Manna xưa từ trời xuống, còn, bánh này vượt trên cả trời. Manna xưa thuộc về trời, còn, bánh này thuộc về Chúa các tầng trời. Manna xưa sẽ hư nếu để đến hôm sau, còn, bánh này không thể hư được. Ai cung kính lãnh nhận bánh này, thì sẽ không phải nếm mùi hư nát. Từ tảng đá xưa nước đã vọt ra, cho người Dothái; từ Đức Kitô, máu đã tuôn trào cho chúng ta. Nước làm cho họ đã khát một giờ, còn máu Chúa Kitô cho ta thỏa thuê muôn đời. Người Dothái uống rồi lại khát, còn ta đã uống là không còn khát nữa. Xưa chỉ là hình bóng, nay mới là thực tại. Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để chúng ta được trở về nẻo chính đường ngay, ước gì chúng ta biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn