TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 13/01/2025 13:33 |   85
Rồi Chúa Giê-su lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-19)

24/01/2025
Thứ sáu tuần 2 thường niên
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t6 t2 TN

Mc 3,13-19


để là tông đồ của chúa
Rồi Chúa Giê-su lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-19)

Suy niệm: Có những người không đi theo Chúa Giê-su như các môn đệ nhưng vẫn có thể nhân danh Ngài mà trừ quỷ (x. Lc 9,49). Khả năng trừ quỷ không phải là “độc quyền” của các môn đệ và vì thế cũng không phải là “dấu vết riêng” để xác định căn tính của người môn đệ Đức Ki-tô. Nhân dịp chọn gọi và thiết lập Nhóm Mười Hai, Chúa cho chúng ta biết tiêu chuẩn xác định căn tính người môn đệ là: (1) được Chúa gọi đến; (2) đến để ở với Ngài; (3) ở với Ngài để được sai đi. Để làm môn đệ của Chúa Giê-su thì phải “ở với Ngài” cách trọn vẹn từ khi “được kêu gọi” đến lúc “được sai đi”. Nếu không có mối quan hệ thân thiết với Chúa Giê-su thì chưa phải là người môn đệ đích thực của Ngài.

Mời Bạn: Người ta có thể làm điều tốt – làm việc từ thiện chẳng hạn – dưới nhiều động cơ và danh nghĩa khác nhau, nhưng như thế chưa đủ để gọi là tông đồ của Chúa. Việc dấn thân phục vụ của bạn sẽ thiếu “chất ki-tô” nếu bạn chưa “ở với Chúa”. Bạn chỉ là tông đồ thực thụ khi bạn sống thân thiết với Ngài trước khi đem Ngài đến với người khác qua cuộc sống dấn thân phục vụ.

Sống Lời Chúa: Đầu mỗi ngày, bạn dành ít phút hồi tâm nhớ Chúa và cầu nguyện với Ngài, để nhờ đó mọi việc bạn sắp làm trong ngày sẽ được biến thành một việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã kêu gọi con làm môn đệ Chúa, để con tận hiến cho Chúa ngay ở giữa thế gian này. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để con luôn ở với Chúa bằng đời sống cầu nguyện không ngừng.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 2 thường niên

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 8, 6-13

“Người là trung gian của một giao ước tốt hơn”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Vì nếu giao ước thứ nhất không khuyết điểm, thì thật sự không cần phải có giao ước thứ hai nữa. Vì Chúa khiển trách họ rằng: “Này đến ngày Ta thực hiện một giao ước mới cho nhà Ít-ra-en và cho nhà Giu-đa. Không phải như giao ước Ta ký kết với cha ông chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dẫn ra khỏi đất Ai-cập. Bởi chúng không trung thành với giao ước Ta, nên Ta đã bỏ chúng. Vì chưng, giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Ít-ra-en sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn phải bảo anh em mình rằng: “Hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; bởi Ta dung thứ các điều gian ác của chúng, và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa”. Người tuyên bố giao ước mới, thì Người làm cho giao ước thứ nhất ra cũ đi. Nhưng điều gì đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 8 và 10. 11-12. 13-14.

Ðáp: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau (c. 11a).

Xướng: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng con.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 24, 3-21

“Tôi sẽ không ra tay sát hại người, vì người là Ðấng xức dầu của Chúa”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Sao-lê đem ba ngàn người được tuyển chọn trong toàn dân Ít-ra-en và đi tìm Ða-vít và các người theo ông, cho đến những mỏm đá cao dốc rất hẻo lánh, nơi chỉ có những con dê rừng lui tới. Ông đến các chuồng chiên ở vệ đường. Nơi đây có một cái hang, Sao-lê vào đó đi việc cần. Ða-vít và những người theo ông đang núp phía trong hang.

Các người đầy tớ nói với Ða-vít rằng: “Ðây là ngày Chúa phán cùng ông: Ta trao thù địch của ngươi cho ngươi, để ngươi đối xử với hắn thế nào tuỳ ý ngươi”. Vậy Ða-vít đứng lên, lén cắt một mảnh chiến bào của Sao-lê. Sau đó Ða-vít hối hận, vì đã cắt áo chiến bào của Sao-lê. Ông nói với các người theo ông rằng: “Xin Chúa thương tôi, đừng để tôi làm việc này cho chủ tôi, đấng Chúa xức dầu, là ra tay sát hại vua, vì vua là đấng xức dầu của Chúa”. Ða-vít ngăm đe những người theo ông không được phép xông vào Sao-lê. Sao-lê đứng lên ra khỏi hang và tiếp tục cuộc hành trình. Ða-vít cũng đứng dậy đi theo Sao-lê ra khỏi hang và gọi giật sau lưng vua rằng: “Tâu đức vua”. Sao-lê nhìn lại đàng sau, Ða-vít sấp mình kính lạy và nói cùng Sao-lê rằng:

“Tại sao bệ hạ lại nghe những lời người ta đồn thổi rằng: Ða-vít toan làm hại bệ hạ. Ðây hôm nay chính mắt bệ hạ thấy rằng: trong hang, Chúa đã trao bệ hạ vào tay tôi. Tôi đã tưởng giết bệ hạ, nhưng tôi thương hại bệ hạ, vì tôi đã nói: Tôi không ra tay sát hại chủ tôi, vì người là đấng xức dầu của Chúa. Hơn thế nữa, cha ôi, hãy nhìn xem mảnh chiến bào của bệ hạ trong tay tôi, vì khi xén vạt chiến bào của bệ hạ, tôi không muốn ra tay sát hại bệ hạ. Xin bệ hạ hãy nhận biết rằng tay tôi không làm điều ác và bất công, tôi không phạm đến bệ hạ, nhưng bệ hạ cứ âm mưu hãm hại mạng sống tôi. Xin Thiên Chúa xét xử cho bệ hạ và tôi, và xin Chúa báo thù cho tôi. Nhưng tay tôi sẽ không phạm đến thân bệ hạ. Như ngạn ngữ xưa có nói “Ác giả ác báo”, nhưng tay tôi cũng sẽ không phạm đến bệ hạ. Hỡi vua Ít-ra-en, bệ hạ bắt bớ ai? Bệ hạ bắt một con chó chết, một con bọ chét sao? Xin Chúa làm quan án và xét xử cho tôi và bệ hạ, xin Chúa nhìn xem và xét xử vụ này mà giải thoát tôi khỏi tay bệ hạ”.

Ðavít vừa dứt lời, Sao-lê liền nói: “Hỡi Ða-vít con ta, có phải tiếng đó là tiếng của con không?” Sao-lê cất tiếng khóc và nói cùng Ða-vít rằng: “Con công chính hơn cha, con làm ơn cho cha mà cha trả oán cho con. Hôm nay con vạch rõ, con đối xử nhân đạo với cha, vì mặc dầu Chúa đã trao cha vào tay con mà con cũng không giết cha. Nào có ai gặp kẻ thù mà để nó đi yên lành không? Vậy xin Chúa báo đáp lại cho con về ân huệ mà con đã làm cho cha trong ngày hôm nay. Nay cha biết chắc rằng con sẽ làm vua, và con sẽ nắm mãi mãi trong tay con vương quốc Israel”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 56, 2. 3-4. 6 và 11

Ðáp: Nguyện xót thương con, lạy Chúa, nguyện xót thương con.

Xướng: Nguyện xót thương con, lạy Chúa, nguyện xót thương con, vì linh hồn con tìm đến nương tựa Ngài. Con nương nhờ bóng cánh của Ngài, cho tới khi cơn hoạn nạn qua đi. – Ðáp.

Xướng: Con kêu lên Thiên Chúa Tối Cao, Thiên Chúa thực hiện cho con điều lành. Nguyện Chúa tự trời thi ân và cứu độ con, làm cho những người bách hại con phải nhục nhã, nguyện Chúa tỏ ra ân sủng và lòng trung tín của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, xin Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài ra trên toàn cõi đất, vì đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 13-19

“Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Si-mon mà Người đặt tên là Phê-rô, Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê, và Gio-an là em Gia-cô-bê, (cả hai được Người đặt tên là Bô-a-nê-gê, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-mon nhiệt tâm, và Giu-đa Ít-ca-ri-ô là kẻ nộp Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NGÀI GỌI CON

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Chúa Giê-su trước nhu cầu của đám đông cần được chữa lành, cần được thanh tẩy, cần được đụng chạm bởi tình thương của Thiên Chúa, Chúa Giê-su muốn có những người cùng cộng tác với mình. Thế nên Chúa đã gọi và lập Nhóm Mười Hai. Nhóm Mười Hai này cũng được gọi là các tông đồ. Các ông sau khi được huấn luyện đã trở nên những tay thợ lành nghề, trở nên các nhà truyền giáo. Họ cống hiến cả mạng sống để loan báo Tin mừng. Ngày hôm nay Chúa Giê-su còn gọi những kẻ người muốn nữa không? Ngày hôm nay còn cần những người thợ Tin mừng nữa không? Vẫn cần chứ. Lời mời gọi của Chúa năm xưa vẫn còn đó. Thế gian nay vẫn còn biết bao người cần được nghe Tin mừng, cần được chữa lành, cần được đụng chạm bởi lòng thương xót Chúa. Vậy, Ngài gọi con? Một linh mục truyền giáo? Một tu sĩ thừa sai? Một tông đồ giáo dân? Một vị thánh giữa đời? Chúa cần tất cả. Chúa gọi tất cả. Chúa gọi tôi. Chúa cũng đang gọi bạn.

 

CHÚA CHỌN NHÓM MƯỜI HAI (Mc 3,13-19)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trong việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su không muốn làm việc một mình mà muốn cho con người cộng tác vào công việc quan trọng này. Vì thế, Người đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai để Ngài huấn luyện và trao cho họ tiếp tục sứ mệnh của Người. Nhóm Mười Hai này sẽ là cột trụ, là nền tảng Giáo hội mà Người sẽ thiết lập sau này; vì thế, Đức Giê-su phải để các ông luôn ở với Người, gần kề Người. Người tin tưởng họ và trao cho họ sứ mệnh cao cả này.

2. Điều cơ bản nhất mà chúng ta phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo hội, đó là Giáo hội là một mầu nhiệm, do đó, chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm của Giáo hội ấy.

Chúa Giê-su thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông đồ mới có quyền trừ quỉ, mới có quyền cử hành các bí tích, và chỉ những ai mà các ông trao quyền cho mới được cử hành các bí tích. Chúa Giê-su trao phó cho các Tông đồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giê-su đặt Phê-rô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong Giáo hội; Ngài hứa ở với Giáo hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông đồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo hội (Mỗi ngày một tin vui).

3. Trong việc lựa chọn này, Chúa chọn họ là những người bình thường, không giàu có, không danh tiếng. Họ cũng chẳng là người có thế lực trong xã hội. Họ không là những học giả mà chỉ là những người bình dân, đơn sơ. Chọn làm Tông đồ là Chúa Giê-su đã muốn làm thay đổi cả thế giới. Công việc của Chúa Giê-su không đặt trong tay những người mà thế giới cho là những vĩ nhân, nhưng ở trong tay những người bình thường như các Tông đồ.

4. Chúa gọi và chọn họ không tự cho mình được chọn hoặc ứng cử, nghĩa là Chúa ở vị thế cao hơn. Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ được tách ra khỏi đám đông và đến; điều kiện thứ hai là khi được gọi, họ phải ở tách riêng ra, nghĩa là  có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn…

Trong Giáo hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Giáo hội, chứ không phải cha truyền con nối hay mình ứng cử. Vì thế, luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa.

5. Theo truyền thống, các bậc thầy bên phương Đông cũng như phương Tây, thường họ có một số môn đệ, được coi như các cán bộ nồng cốt để tuyên truyền cho học thuyết hay giáo thuyết của mình như Soacrate, Platon, Aristote bên phươngTây; như Lão Tử, Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca bên phương Đông… Tại sao Chúa Giê-su không chọn cho mình nhiều hơn hay ít hơn? Có lẽ Ngài muốn chọn con số 12 tượng trưng cho 12 chi tộc Israel?

Trong số 12 Tông đồ, chúng ta thấy:

Gio-an và Gia-cô-bê, những người trẻ nóng tính,

Mát-thêu, một người thu thuế cho đế quốc,

Si-mon, một thành viên của nhóm cuồng tín,

Phê-rô, anh dân chài thất học.

Những con người quá đỗi bình thường ấy có thể làm được gì lớn lao cho Chúa và cho đời?

Chúa Giê-su chọn họ để họ ở với Người và Người ở với họ, để từ một nhóm người bé nhỏ, tội lỗi, tình yêu của Thiên Chúa được rao giảng, con người tìm được hạnh phúc thật.

Chúa ơi, cho con ở với Chúa thật sâu, để con có sức mạnh mà thành người hữu ích cho đời (Epphata).

6. Truyện: Chúa tuyển chọn 12 Tông đồ.

Một tác giả tưởng tượng việc Chúa Giê-su chọn các Tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào, Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài, Ngài cũng không chọn được ai.

Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng chẳng được ai.

Chán nản vì mất thì giờ vô ích, Chúa Giê-su rời vận động trường để ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc. Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm Tông đồ của Ngài.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Phan-xi-cô đờ Xan, giám mục, biết trở nên tất cả để hòa mình với mọi người hầu muôn dân được ơn cứu độ. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại biết hết lòng phục vụ anh em, để làm chứng lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc 

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ cứu độ chúng con dâng; vì của lễ này, xin lấy lửa yêu mến của Thánh Thần đốt nóng tâm hồn chúng con, như xưa Chúa đã dùng ngọn lửa ấy thiêu đốt tâm hồn rất hiền hậu của Thánh Phan-xi-cô. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ bí tích chúng con vừa lãnh nhận, xin cho chúng con ở đời này sống hiền lành và bác ái như Thánh Phan-xi-cô, để mai sau được hưởng vinh quang trên trời. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Francois de Sales là một trong các tác giả nổi tiếng về văn chương linh đạo của tiếng Pháp, một nhân vật đặc biệt của Kitô giáo thời mới. Con người tỉnh Savoie sống giữa hai thế kỷ nhiễu nhương, thế kỷ XVI và XVII, mang đặc điểm của việc chống nhóm Tin Lành. Ngày lễ rơi vào 24.01, ngày kỷ niệm việc rước di hài ngài về Annecy, nơi ngài đã sống một thời gian dài.

Là trưởng nam trong một gia đình có 10 người con, Francois-Bonaventure de Boisy sinh tại Savoie vào năm 1567 và nhận thêm tên de Sales của nơi sinh, trong lâu đài De Sales, gần Thorens. Ngài lên Paris và học trong trường các cha Dòng Tên (1578-1588) ; vào khoảng 19 tuổi, ngài bị thử thách về hy vọng, luôn khoắc khoải với câu hỏi : “Tôi được tuyển chọn hay bị kết án đời đời ?” Và ngài đã chiến thắng khi học được sự hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa : “Ý muốn của Chúa có thế nào trên con, con cũng sẽ yêu mến Chúa trong suốt cuộc đời này”. Sau Paris, ngài còn học luật 3 năm tại đại học Padoue (1588-1591), ra trường với cấp bằng cao nhất. Trở về quê hương, ngài nổi tiếng ; nhưng vị luật sư trẻ tuổi này đã đáp lại danh vọng bằng một lời cầu xin khiêm tốn nơi giám mục Boisy : “Thưa cha, cha có vui lòng đón nhận con làm giáo sĩ hay không ?”

Thụ phong linh mục vào năm 1593, lúc 26 tuổi, ngài nhận nhiệm vụ tế nhị trong vùng Chablais, nơi rất đông tín đồ theo phái Calvin. Biết bao thứ truyền đơn, bươm bướm thay nhau được phân phát, người ta tổ chức “40 giờ” cầu nguyện ; người ta nói về các lạc thuyết của nhóm Calvin và tại Chablais, nhiều người đã trở lại với Công giáo. Quyển “Sách các phản đề” minh chứng cho thời gian này.

Giáng Sinh năm 1598 : Francois được Đức Giáo Hoàng Clément VIII tiếp kiến tại Rôma và được gọi làm giám mục phụ tá ở Savoie. Năm 1602 : trong sứ vụ ngoại giao ở Paris, ngài giảng ở Louvre trước vua Henri IV, đôi khi cũng có sự hiện diện của Pierre de Bérulle, Vincent de Paul…Ngày 08.12.1602 : Francois tiếp ngôi giám mục của Đức cha De Granier như giám mục của Genève-Annecy : ngài đã ở ngôi cho đến lúc qua đời.

Francois de Sales qua đời cách yên lành ở Lyon ngày 28.12.1622, được 55 tuổi. Được phong thánh vào năm 1665, được công bố là tiến sĩ Hội thánh vào năm 1877 do Đức Giáo Hoàng Piô IX, vì đã đem lại cho các Kitô hữu một con đường thánh thiện “chắc chắn, dễ dàng và êm ái”. Ngài là thánh quan thầy của giới báo chí và các thành Annecy và Chambéry. Dòng Salésiens của thánh Don Bosco xem ngài như người cha tinh thần.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện nhập lễ gợi lên linh đạo của thánh Francoise de Sales ; với sự bác ái dịu dàng, ngài đã đem lại gương mặt Kitô giáo cho Thuyết Nhân bản thời bấy giờ, thuyết này thường bị pha trộn các tư tưởng ngoại giáo. Từ đó nẩy sinh “Thuyết Nhân Bản Hy Vọng” có thể tin tưởng vào con người vì “không phải do bùn đất vô ơn mà tình yêu của người nông phu được sung mãn”.

– Thiên Chúa gần gũi với tấm lòng con người ! “Đức Giêsu dịu hiền, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh của Người, khao khát chúng ta yêu mến Người để chúng ta được cứu chuộc đời đời, và khao khát chúng ta được cứu độ để chúng ta có thể yêu mến Người đời đời” (Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa).

– Đời sống tận hiến (hay thánh thiện, thiện hảo) vừa tầm mọi người, trong mọi điều kiện. Thánh nhân viết : “Thật sai lầm và lệch lạc khi muốn loại đời sống đạo đức ra khỏi quân đội, khỏi hàng quán của các người thủ công, khỏi cung triều, khỏi chuyện bếp núc của những đôi hôn nhân.” Cũng vậy, “phải thích ứng việc thực hành đạo đức vào sức lực, vào công việc và trách nhiệm cũng mỗi người.”

– Tiến sĩ tình yêu nói, thuyết Nhân bản của thánh Francois de Sales chấp nhận và bảo vệ “sự tự do thánh thiện” của con người nhân linh. Thánh nhân viết cho bà Chantal : “Tôi để cho bà tinh thần tự do…nơi nào sự tự do thánh thiện này ngự trị, chúng ta sẽ không có một lề luật nào ngoài lề luật của tình yêu.” Dù vậy, ngài thêm vào : “Tôi chiến đấu khi bảo vệ sự tự do thánh thiện của tinh thần, đó là điều Bà đã biết, tôi hy vọng tự do này chân thật và được tránh xa sự bại hoại và phóng đãng, đó chỉ là một thứ giả hình.”

Người ta có thể tóm kết 20 năm giám mục của ngài như sau :

a. Ngài thực hiện những sắc lệnh của Công đồng Tridentinô, chuyên tâm đầu tiên để canh tân đời sống tinh thần của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ngài thường triệu tập hội nghị, và nhờ qua các vị giám sát địa phận, thăm chừng các hoạt động xứ đạo, ngài lập lại trật tự trong các Đan viện.

b. Là giám mục, ngài vẫn đi dạy giáo lý, giúp đỡ kẻ nghèo, giải tội và rao giảng không mỏi mệt. Trong những năm 1618-1619, khi thi hành sứ vụ tại Paris, ngài đã giảng 360 lần. Phương thức của ngài rất cách mạng : với tài uyên bác, ngài thích trao đổi thân mật để rao giảng Tin Mừng, với cách đó mới có thể tâm tình được.

c. Francois de Sales là thầy và linh hướng cho nhiều vị phu nhân quí phái, trong đó Mẹ Angélique Arnaurd, Đan viện mẫu của Port-Royal, bà bá tước De Chantal, ngài đã hướng dẫn Bà này trong vòng 18 năm và cùng với Bà thành lập Dòng Thăm Viếng (les Visitandines) vào năm 1610 tại Annecy.

d. Người ta cho rằng Francois đã viết 50 ngàn lá thơ; vị thư ký của ngài nói rằng ngài không thể sống yên vài ngày nếu không viết 20 hay 25 lá thư, trả lời cho mọi hạng người trên nước Pháp và Savoie. Người ta đọc trong lá thư ngài viết cho Đức Frémyot, giám mục Dijon : “Có gì khác ngoài giáo lý các Giáo phụ Hội thánh, Tin Mừng được giải thích và Thánh Kinh được trình bày?” Ngày nay chúng ta còn giữ được 2100 lá thư hay trích đoạn được xuất bản trong “Tác phẩm toàn tập” của ngài.

f. Trong các tác phẩm, chỉ cần nhớ đến 2 tác phẩm vĩ đại:

“Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”, xuất bản tại Lyon vào năm 1608, tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nói với từng Kitô hữu, trong mọi hoàn cảnh của họ, thánh nhân hướng dẫn họ dấn thân vào lòng đạo đức “chân thật và sống động”. Mục đích của ngài như một nhà canh tân, vì cho đến bây giờ sự thánh thiện chỉ dành cho những kẻ xa lánh trần thế.

“Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa” (1616) được viết từ những kinh nghiệm thần bí và kinh nghiệm của Madame de Chantal. Tác phẩm này, tuyệt tác của văn chương linh đạo, là thủ bản cho đời sống tinh thần, tiếp nối quyển “Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”. Là một nhà nhân bản lạc quan, ngài xem ý chí con người, dù có mang nguyên tội, vẫn còn có khả năng vươn lên để biết và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, nhờ sự trợ giúp của Người.

– Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả; Người hiện diện trong tất cả và “Lý trí của chúng ta hay đúng hơn, linh hồn chúng ta có khả năng suy lý, là Đền thờ đúng nghĩa của Thiên Chúa vĩ đại; Người trú ngụ nơi đây cách đặc biệt”. “Linh hồn người thân cận, chính là cây trường sinh trong vườn địa đàng: cấm sờ mó vào vì thuộc về Thiên Chúa.”

– Thánh Vincent de Paul nói về thánh giám mục Genève: “Thiên Chúa phải tốt lành vô cùng, vì vị giám mục De Sales rất tốt lành!” Trong thực tế, Francois yếu mến Chúa và con người. Vì “Thiên Chúa là Thiên Chúa của tâm hồn con người” vì thế Francois trở thành “người phục vụ mọi người trong tất cả”, hoàn toàn tín thác vào Vị Mục Tử nhân lành. Ai tiếp xúc với ngài đều cảm thấy mình là người duy nhất của ngài, vì họ cảm thấy được yêu thương với một tình yêu đơn thuần. Thánh nữ Jeanne de Chantal, trong cuộc thẩm tra phong thánh thánh Francois, đã làm chứng rằng biết bao người đã được thánh nhân giúp đỡ bằng những lời nói nồng ấm, tin cậy, bằng cách lắng nghe và đôi khi “chỉ bằng một cái nhìn”.

Enzo Lodi
 

HÒA MÌNH VỚI MỌI NGƯỜI
(THỨ SÁU – THÁNH PHANXICÔ ĐỜ XAN 24/01)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Phanxicô đờ Xan hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho thánh Phanxicô đờ Xan Giám Mục biết trở nên tất cả để hòa mình với mọi người, hầu muôn dân được ơn cứu độ. Xin Chúa cho chúng ta hằng noi gương thánh nhân để lại, mà hết lòng phục vụ anh chị em, để làm chứng lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Thánh nhân sinh tại Xavoa năm 1567. Sau khi làm Linh Mục, người tận tụy với công việc canh tân Hội Thánh Công Giáo tại quê hương. Được chọn làm Giám Mục Giơnevơ, người tỏ ra là một mục tử lo lắng cho Giáo Sĩ và Giáo Dân. Người là vị sáng lập dòng Các Nữ Tu Thăm Viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh em Tin Lành, khi giúp cho Giáo Dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyông ngày 28 tháng 12 năm 1622.

Hòa mình với mọi người, sống giới răn yêu thương cách trọn hảo, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Đệ Nhị Luật cho thấy: Đối với một người Ítraen, từ thời rất xa xưa, phép cắt bì là dấu cho thấy một người được nhận vào đoàn dân Thiên Chúa. Vì con tim tiêu biểu cho đời sống nội tâm, nên, khi mời gọi cắt bì con tim, sách Đệ Nhị Luật mở ra một con đường mới dẫn đến cái tâm của đạo. Sống đạo không phải là làm một số nghi thức, nhưng trên hết mọi sự, là có được một tinh thần mới. Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu. Hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo.

Hòa mình với mọi người, trong khi thực hiện các công việc đạo đức khác nhau, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Đời sống đạo đức phải được thể hiện theo nhiều lối khác nhau… Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

Hòa mình với mọi người, trở nên trung gian hòa giải, thực thi sứ mạng hòa giải của Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Đức Giêsu là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 84, vịnh gia cho thấy: Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ. Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật: Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người. Trong Đức Kitô, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, vì thế, những ai thuộc về Đức Giêsu, là môn đệ của Đức Giêsu, thì cũng mang trong mình sứ mạng hòa giải. Ong hút mật từ hoa mà không gây hại cho hoa, các công việc phục vụ khác nhau, không những, không làm tổn hại đến tình bác ái, mà trái lại, còn tô điểm và làm cho thêm xinh đẹp, khi chúng ta sống tinh thần hòa giải của người môn đệ Đức Giêsu. Thánh Phanxicô đờ Xan Giám Mục biết trở nên tất cả để hòa mình với mọi người, hầu muôn dân được ơn cứu độ. Ước gì chúng ta cũng biết hết lòng phục vụ anh chị em mình, để làm chứng lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Ước gì được như thế!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây