TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa nhật XVI Thường niên -Năm B

Thứ tư - 17/07/2024 22:59 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   312
“Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”.

Tin Mừng Chúa nhật XVI Thường niên -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN16TNb a2


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 6, 30-34).

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Được sinh ra trong thế giới này, con người thấy mình rất hạnh phúc bởi được chứng kiến bao vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, được hít thở bầu không khí miễn phí của Tạo Hóa, được ngụp lặn trong vòng tay yêu thương của gia đình, của người thân, được trải nghiệm bao thành tựu từ khoa học, y tế, văn chương và kinh tế. Tất cả những yếu tố đó đem lại cho con người một động lực tích cực, giúp mỗi người tìm thấy những niềm vui trong cuộc sống. Thế nhưng, tất cả những yếu tố đó có thực sự làm cho con người hạnh phúc và vui sướng từng ngày không, bởi trong tận đáy tâm hồn con người, khát vọng tìm kiếm những giá trị tinh thần luôn thôi thúc họ đi tìm giữa thế giới này, những giá trị tinh thần đó là những giá trị con người, giá trị tín ngưỡng, giá trị tôn giáo và bao nhiêu giá trị khác, giúp con người đứng đúng chỗ của mình trong thế giới và trước mặt Thượng Đế.

Vì khát vọng tìm kiếm những giá trị tinh thần, dân Do-thái đã vượt ra khỏi ranh giới của đất nước, của dân tộc và tâm tình tôn giáo truyền thống, họ tìm đến các dân ngoại bang, các thần minh khác, mong sao nơi đó, họ được che chở, được yêu thương. Thế nhưng, họ quên rằng chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là Đấng họ cần tìm kiếm và tôn thờ, Ngài đã thử thách họ khi để họ phải ly tán, để họ sống kiếp nô lệ trong tay ngoại bang. Thiên Chúa đã dùng các tiên tri đưa họ trở về khi biết sám hối, lời tiên tri Giê-rê-mi-a trong bài đọc 1 cho chúng ta thấy tấm lòng bao dung của một Thiên Chúa tình yêu: “Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”. Từng bước chân, từng nẻo đường của dân riêng, Thiên Chúa luôn dõi bước, bảo vệ, chăm sóc và dắt dìu, nhận lại từ những người con là thái độ dửng dưng, bất kính. Thiên Chúa nhân từ luôn mở rộng vòng tay đón đưa họ khi họ trở về với Ngài.

Dù mỗi ngày họ được dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa và đền tội của mình, nhưng người Do-thái vẫn cảm thấy bất an bởi họ như những người đang thiếu thốn lương thực tinh thần, lương thực tôn giáo và bao nhiêu nguồn năng lượng khác giúp họ sống có ý nghĩa, sống có định hướng và sống có ngày mai. Đức Giêsu trăn trở trước những thiếu thốn đó, Ngài đã cúi xuống, dạy dỗ cho họ những gì họ đang thiếu, đang đói và đang cần: “Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều”. Bơ vơ giữa dòng đời sẽ đưa con người tới chỗ sống không có định hướng, sống không biết mình, biết người, sống không biết nguồn cội và tổ tiên, nếu cuộc sống vô vị như thế, họ đã thực sự là một con người có một khối óc biết tư duy, biết suy nghĩ và một trái tim biết yêu, biết thương và biết đồng cảm với chính mình và với tha nhân chưa? ai sẽ lấp đầy những khoảng trống đó cho con người.

Sau những ngày tháng rong ruổi trên mảnh đất đầy đá sỏi, Đức Giêsu đã dạy dỗ, chăm sóc và hướng dẫn họ sống mỗi ngày một tốt hơn, hạnh phúc hơn, Ngài luôn tôn trọng sự tự do của họ, Ngài chỉ nhắc nhở, gợi ý và nêu gương giúp họ ý thức, mãi tới lúc Ngài bước vào trong mầu nhiệm phục sinh, Đức Giêsu đã thể hiện tấm lòng nhân từ của một người Cha, quy tụ mọi con cái về cùng một mái nhà. Đó là những cảm nghiệm sâu sắc của thánh Tông đồ dân ngoại trước tấm lòng nhân hậu của Đấng phục sinh: “Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa”. Ngài đã dạy dỗ họ, nay Ngài quy tụ họ về cùng một đoàn chiên, cùng một gia đình quây quần bên một người Cha nhân lành. Còn niềm hạnh phúc nào lớn cho bằng khi được làm con cái Thiên Chúa, được ngụp lặn trong vòng tay ấm áp của Thiên Chúa tình yêu.

Thiên Chúa đã cúi xuống chia sẻ phận người với con người, Ngài trở nên giống con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, Ngài đã chia sẻ với họ cả những đau khổ, thất bại và mất mát, Ngài còn lên đường đi với họ trong những đêm tối đức tin, Ngài cúi xuống bên người bị xua đuổi, bị loại trừ, Ngài ghé thăm cả những người bất hạnh chỉ vì những quan niệm lệch lạc trong đời sống tôn giáo. Thiên Chúa là thế, cội nguồn của tình yêu là vậy, hơn thế nữa, Thiên Chúa còn sẵn sàng hy sinh cả địa vị, cả sự sống của mình cho con người, chỉ mong con người được sống, được hạnh phúc và được ở mãi trong ngôi nhà hạnh phúc là Nước Trời. Có thể nói rằng dưới bầu trời này có tôn giáo nào mà Đấng sáng lập dám từ bỏ địa vị cao sang của mình, trở nên giống một tạo vật, dám sống cho, sống cùng và sống với con cái, hơn nữa, dám từ bỏ sự sống cho đoàn chiên của mình như Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

Phận con người, có khi nào một ai đó dám đặt một câu hỏi, tôi sinh ra trong đời này để làm gì, ai đã cho tôi chào đời, người ấy là gì đối với tôi, người ấy có yêu tôi thực sự không. Nếu tâm tình tìm kiếm cội nguồn nhắc nhở cho mỗi tín hữu Kitô, chắc hẳn họ sẽ có một thái độ tôn giáo đúng nghĩa hơn, bởi người đã cho họ hiện hữu, đã đặt vào đáy tâm hồn họ một cảm thức tôn giáo, chính cảm thức này thôi thúc con người đi tìm cội nguồn, tìm điểm tựa tinh thần cho mình. Nếu chỉ sống để hưởng thụ, để trải nghiệm và để tìm kiếm khoái lạc, thì cuộc sống con người đâu có gì là ý nghĩa, là giá trị, còn nếu tìm được lời giải đáp cho mình để sống tốt, sống tử tế và sống có ý nghĩa hơn chắc hẳn sẽ trở nên người gieo những hạt giống tốt cho tình nhân ái, những hạt giống tình trời ấm áp.

Lạy Chúa, phận con người còn nhiều khiếm khuyết, nhưng rất ít lần chúng con dám chân nhận sự thật đó, dám cho mình là nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa, xin tha thứ cho tính tự phụ của chúng con, xin giúp chúng con nhận sự hiện hữu của mình là một món quà vô giá Thiên Chúa trao ban cho bản thân, để sống trong tâm tình tri ân. Chúa đã dạy dỗ chúng con rất nhiều qua Kinh Thánh, qua Mẹ Giáo hội, nhưng chúng con lắm lúc vẫn lơ là, vẫn coi thường và dửng dưng, xin Chúa đánh thức lương tâm chúng con, để mỗi người thấy rằng Lời Chúa và Thánh Thể mãi mãi là lương thực, là ánh sáng chỉ lối đưa đường, giúp chúng con sống tốt hơn mỗi ngày, theo mẫu gương thánh thiện của Thiên Chúa tình yêu. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây