TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 17/07/2024 14:39 |   396
Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao?” (Mt 13,24-30)

27/07/2024
thứ bảy tuần 16 THƯỜNG NIÊN

t7 t16 TN

Mt 13,24-30


mầu nhiệm sự ác
Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao?” (Mt 13,24-30)

Suy niệm: Những anh canh điền này có lý do để bực bội. Họ đã gieo giống tốt trong ruộng, thế mà kẻ xấu dấu mặt nào đó phá đám đã gieo cỏ lùng xen vào giữa lúa. Họ đã tỏ ra đầy trách nhiệm khi đến báo cáo tình hình cho chủ, lại còn sẵn sàng bỏ công sức ra để giải quyết sự cố, thế mà trước ‘diễn biến phức tạp’ đó, ông chủ vẫn trả lời ‘tỉnh queo’: “Cứ để cả hai mọc lên cho tới mùa gặt.” Thử hỏi có đáng bực mình, bất mãn không chứ? Biết bao lần và biết bao người đã bức xúc như thế: Tại sao Thiên Chúa là Đấng nhân từ lại để cho sự ác có mặt và hoành hành như thế trên các con cái của Người? Tại sao ác nhân cứ mãi thịnh đạt còn người lành gặp toàn những điều gian nan khốn khó?

Mời Bạn: Gọi sự ác là mầu nhiệm vì chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra lời giải đáp thoả đáng cho vấn nạn sự ác mà chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của nó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hẳn bạn cũng đang bức xúc vì biết bao đau khổ mà bạn cũng như bao người khác đang hứng chịu? Mời bạn chiêm ngắm Chúa Ki-tô chịu đóng đinh để xác tín vào chiến thắng chung cuộc của Ngài: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần đâu là nọc độc của ngươi? Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1Cr 14,55-57).

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi khi bạn gặp đau khổ: Chúa ơi, con thật tự phụ khi ảo tưởng rằng mình có thể “giải quyết” được vấn đề sự ác. Xin cho con biết cách chiến thắng nó nhờ chiêm ngắm Chúa Ki-tô chịu đóng đinh và cùng vác thập giá với Chúa.

Ngày 27: Lạy Chúa! Sống mà không hòa hợp với cùng đích đời mình là chính Chúa, thì cho dù, chúng con có thành công, với những gì ở bên ngoài, cho dù, chúng con có tạo ra thiên đàng ở hạ giới, thì đó vẫn chỉ là những thành tựu của bản ngã, sẽ chóng tàn lụi theo thời gian. Chẳng chóng thì chầy, chúng con sẽ gánh chịu khổ đau. Nếu chúng con lãng quên Chúa, thì dù chúng con có làm gì đi chăng nữa, kể cả những điều thuộc lĩnh vực thiêng liêng, bản ngã của chúng con cũng sẽ lẻn vào theo cách chúng con làm, và lúc đó, phương tiện sẽ phá hủy cứu cánh. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 16 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 24, 3-8

“Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại những lời Chúa đã phán. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel. Ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu, và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Ông lấy máu rảy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 1-2. 5-6. 14-15

Ðáp: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi (c. 14a).

Xướng: Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng; Thiên Chúa chúng ta ngự tới, Người sẽ không yên lặng. – Ðáp.

Xướng: “Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ”. Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, vì chính Thiên Chúa, Người là thẩm phán. – Ðáp.

Xướng: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Ðấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng ta. – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 7, 1-11

“Nhà này là nơi phải khẩn cầu thánh danh Ta, đã trở thành hang trộm cướp rồi sao?”

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: Ngươi hãy đứng nơi cửa đền thờ Chúa, và rao giảng lời này rằng: Hỡi toàn thể Giuđa, là những người vào cửa này mà thờ lạy Chúa, hãy nghe lời Chúa. Ðây Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: Các ngươi hãy cải thiện lối sống và hành động các ngươi, thì Ta sẽ ở với các ngươi tại chốn này. Các ngươi đừng tin theo lời dối trá này: Ðây có đền thờ Chúa, đền thờ Chúa, đền thờ Chúa! Vì nếu các ngươi cải thiện lối sống và hành động các ngươi, nếu các ngươi ăn ở ngay thẳng theo lề luật với những người trong nhà và những người thân cận, nếu các ngươi không áp bức ngoại kiều, trẻ mồ côi, và những người goá bụa, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội tại chốn này, nếu các ngươi không chạy theo các thần ngoại lai mà mang hoạ vào mình, thì Ta sẽ ở với các ngươi tại chốn này, tại lãnh thổ mà Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi từ đời này đến đời nọ.

Nhưng kìa, các ngươi tin tưởng vào những lời dối trá không sinh ích lợi gì cho các ngươi, như: trộm cướp, giết người, ngoại tình, thề dối, thờ cúng Baalim, chạy theo các thần ngoại lai mà các ngươi không biết; rồi các ngươi đến đứng trước mặt Ta trong đền thờ này là nơi kêu cầu thánh danh Ta, mà nói rằng: “Chúng tôi đã được bảo đảm để tiếp tục làm những việc ghê tởm đó”. Vậy, dưới mắt các ngươi, nhà này là nơi khẩn cầu thánh danh Ta, đã trở thành hang trộm cướp rồi sao? Chúa lại phán: Còn Ta, Ta hiện diện và Ta đã thấy rõ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a. 11

Ðáp: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài (c. 2).

Xướng: Linh hồn con khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác con hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.

Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại Vương là Thiên Chúa của con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người Chúa con nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái.

Xướng: Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.

Alleluia: Gc 1, 21

Alleluia, alleluia. – Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời gieo trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 24-30

“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.

Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LÒNG KHOAN DUNG CẢM HÓA NGƯỜI XẤU
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Đứng trước vấn nạn người tốt kẻ xấu lẫn lộn, nhất là khi kẻ gian ác lại xem ra được ưu đãi, thuận lợi và sung túc hơn người lành. Người ta đặt vấn đề có Thiên Chúa không? Hay Thiên Chúa ở đâu mà không ra tay trừng trị kẻ xấu, kẻ gian ác mà cứ để họ nhởn nhơ như vậy?

Thậm chí, ngày nay người ta còn tìm cách bới móc những lầm lỗi của Giáo Hội và con cái Giáo Hội. Một số người tỏ ra bất mãn trước những thiếu xót và bất toàn trong Giáo Hội đến độ cực đoan. Họ muốn quét sạch những người tội lỗi ra khỏi Giáo hội và họ tuyên bố rời khỏi Giáo Hội. Một tinh thần như thế hoàn toàn đi ngược lại tinh thần khoan nhượng của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu qua dụ ngôn Lúa tốt và Cỏ lùng muốn nhắn gửi rằng: không nên nóng vội, hãy cứ kiên nhẫn chờ đợi, thế nào rồi cũng có ngày phán xét, ngày số phận kẻ lành người dữ sẽ được phân định rõ ràng.

Dụ ngôn vừa mời gọi chúng ta kiên nhẫn, vừa mời gọi khiêm nhường. Kiên nhẫn chờ đến kỳ hạn Chúa định. Khiêm nhường trả quyền xét xử cho Thiên Chúa; mỗi người không nên dành quyền xét xử ấy của Thiên Chúa để coi ai là lành, ai là dữ, ai là lúa tốt, ai là cỏ lùng. Mỗi người hãy trung thành nghe và thực thi Lời Chúa.

Một thực tế không thể phủ nhận là thế gian có kẻ tốt người xấu. Ngay trong con người tôi cũng có khuynh hướng tốt xấu đồng tồn tại. Nhiều người không chấp nhận thực tế sự hiện diện cộng sinh giữa người lành và kẻ dữ; giữa thánh nhân và người tội lỗi. Tôi không nên có thái độ của những người tôi tớ trong dụ ngôn này: khó chịu, bực tức. Nên có thái độ như ông chủ: bình tĩnh chấp nhận thực trạng, tích cực thúc đẩy những yếu tố tốt và khắc phục những yếu tố xấu, lạc quan tin tưởng vào sức mạnh và ảnh hưởng của cái tốt.

Tin Mừng và lịch sử Giáo hội đã chứng minh: có vô số người tội lỗi trở thành thánh nhân. Kẻ tội lỗi cần có sự tha thứ của chúng ta, còn các thánh thì thôi thúc chúng ta hoán cải. Ngay chính bản thân mỗi người cũng cần sự bao dung tha thứ và kiên nhẫn của Thiên Chúa và tha nhân, hòng chúng ta có cơ hội sửa chữa. Giáo hội là một đoàn người đang trên đường lữ hành, có người đang đi về với Chúa, có những người đang đi xa Ngài. Người tín hữu Ki-tô là những người đang tiến bước trên con đường lữ hành ấy với sự cảm thông và tha thứ.

Khi cảm thấy không tha thứ được chúng ta hãy nhìn lại bản thân chúng ta; những cây lúa của yêu thương vẫn bên cạnh những cỏ lùng ích kỷ, hẹp hòi trong mảnh đất tâm hồn chúng ta. Có can đảm nhìn vào nội tâm, chúng ta mới cảm nhận ra sự yếu đuối của bản thân và cảm thông với những bất toàn của người khác

Đời có tốt có xấu. Chúng ta phải sống bên nhau, hy sinh cho nhau, chịu đựng nhau và cho nhau cơ hội để canh tân. Đó là thái độ đúng đắn nhìn qua “Dụ ngôn cỏ lùng” mà Chúa Giê-su đang chờ đợi nơi người môn đệ của Ngài.

 

DỤ NGÔN CỎ LÙNG (Mt 13, 24-30)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Dụ ngôn cỏ lùng muốn nói đến Giáo hội ở trần gian lúc nào cũng tồn tại hai hạng người lành – dữ và hai thế lực thiện – ác lẫn lộn. Thái độ của ông chủ trong bài Tin Mừng khi biết trong ruộng lúa của mình có cỏ lùng là cứ để cho lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến mùa gặt. Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi những người còn yếu đuối, để cho họ được cứu độ.

2. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi của người khác và mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha… chỉ vì họ không làm theo ý chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta  hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năn thì hậu quả ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt… Đồng thời, cần xác tín rằng: ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người hãy khiêm tốn để trở về với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng là số phận của mỗi người chúng ta.

3. Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng đó, mỗi người cần có thái độ của ông chủ trong dụ ngôn. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giê-su muốn dùng để ám chỉ về lòng kiên nhẫn, cảm thông của Thiên Chúa đối với loài người. Theo dụ ngôn, thì chúng ta thấy, cỏ lùng chẳng hề biến thành lúa tốt, và lúa tốt không bao giờ biến thành cỏ lùng; nhưng nơi con người thì khác, không ai bị coi là xấu mãi mãi, và cũng không ai có thể tự phụ cho mình là tốt hoàn hảo. Nơi mỗi con người chắc chắn cũng có những cỏ lùng, tức là những khuyết điểm mà chúng ta phải cố gắng chừa bỏ để trở nên tốt hơn.

Vậy thì bài học ở đây là phải biết chấp nhận thực trạng đó.

4. Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giê-su quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ ăn năn sám hối để được tha thứ.

5. Bài dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng dạy ta bài học sau đây: mùa gặt, ngày tận thế là thời gian chín mùi để có thể kết án ai là cỏ lùng và tuyên dương ai là lúa tốt thực sự. Sự vội vàng xét đoán người thiện kẻ ác có nguy cơ khiến lúa tốt lại bị coi là cả lùng, cỏ lùng bị nhầm là lúa tốt. Hơn nữa, chính Chúa mới là chủ để đưa ra lời phán quyết chung thẩm. Trước mùa gặt cánh chung ấy, Chúa dạy chúng ta sống nhân từ, nhẫn nại giữa tình trạng lúa tốt xen lẫn cỏ lùng, người tốt kẻ xấu ở chung với nhau, ngay cả trong lòng một hội được gọi là Hội thánh của Ngài. Trong lĩnh vực tự nhiên, lúa tôt vẫn là lúa tốt, cỏ lùng mãi là cỏ lùng; thế nhưng, nơi cánh đồng tâm hồn con người thì không như vậy: người xấu có thể hoán cải trở thành bậc thánh nhân, và coi chừng người đang là tốt đây có thể biến chất mà thành kẻ tội lỗi (5 phút Lời Chúa).

6. Giáo hội là thân thể Đức Ki-tô. Giáo hội hiện diện trong trần thế như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung của Đức Ki-tô. Sự kiên nhẫn và bao dung ấy được thể hiện qua cuộc sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ của người Ki-tô hữu đối với mọi người, nhất là những người không cùng niềm tin và quan điểm với mình. Qua cuộc sống như thế, người Ki-tô hữu làm chứng rằng Thiên Chúa là Tình yêu và yêu thương là ơn gọi đích thực của con người.

7. Truyện: Cải tà qui chính.

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề “Hãy xuống những con đường tồi tàn này”. Tác phẩm thuật lại việc ông cải tà qui chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma túy và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Ki-tô gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chicô ngủ đã, anh mới quì gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: “Tôi bày tỏ với Chúa những gì có trong tim tôi… Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng… Tôi cảm thấy dường như có thể khóc được… đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.

Sau khi Piri cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: “Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: “Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: “Chúc Chicô ngủ ngon nhé! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.


LỜI ĐƯỢC GIEO CÓ SỨC BIẾN ĐỔI
(THỨ BẢY TUẦN 16 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 16 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.

Xin lòng tin cậy mến, để có thể giữ vững đường lối Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Khi mọi sự xem ra chống lại mình, thánh Phaolô vẫn tiếp tục chu toàn sứ mạng người Tông Đồ của Đức Kitô. Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng… Làm sao sự công chính lại liên kết được với sự bất chính? Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được? Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em.

Xin lòng tin cậy mến, để có thể sống đức ái cách trọn hảo, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Lòng chúng tôi rộng mở. Sức nóng thường làm cho một vật giãn nở thế nào, thì đức ái cũng làm cho lòng ta rộng mở như thế, vì đó là một sức nóng sôi sục… Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không tự đắc; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ghét ghen sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm.

Xin lòng tin cậy mến, để có thể cải thiện đời sống, khát khao mong mỏi được ở trong đền thánh Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: Các ngươi vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: “Chúng ta được an toàn!”, sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì? Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 83, vịnh gia cũng khao khát: Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Trong bài Tin Mừng, chủ nhà nói: Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.  Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Satan là cha của sự dối trá, luôn gieo vào lòng chúng ta những lời giả dối, hòng, làm lay chuyển lòng tin cậy mến của chúng ta đặt nơi Chúa. Khi chúng ta khiêm tốn đón nhận Lời Chúa, lời sự thật, chúng ta sẽ được giải thoát, được cứu độ. Tuy nhiên, thực tế là, mảnh đất tâm hồn chúng ta vừa tiếp nhận hạt giống lúa tốt, vừa hứng chịu hạt giống cỏ lùng. Sống trong trời đất này, chúng ta khó có thể có được những chọn lựa rạch ròi: giữa lúa tốt và cỏ lùng. Xin Chúa tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, và rộng tay ban phát mọi ơn lành cho chúng ta, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến, mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Sức nóng thường làm cho một vật giãn nở thế nào, thì, lòng tin cậy mến cũng làm cho lòng chúng ta rộng mở như thế. Không có gì là Chúa không thể là được: Chúa có thể biến cỏ lùng thành lúa tốt, với điều kiện, chúng ta có đặt lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến nơi Người hay không mà thôi. Ước gì lòng tin cậy mến của chúng ta sẽ làm cho tâm hồn chúng ta và tâm hồn những người xung quanh chúng ta rộng mở, để đón nhận hạt giống Lời Chúa, hầu, trong mùa gặt cuối cùng, chúng ta sẽ thu được một mùa lúa tốt dồi dào. Ước gì được như thế!

ÔM LẤY NÓ!
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!”.

“We Are the World”, “Chúng Ta là Thế Giới”, một ca khúc Michael Jackson và Lionel Richie viết. Một đĩa đơn “thu hút sự chú ý chưa từng có của quốc tế về châu Phi” ghi âm năm 1985 với sự góp giọng của hơn 45 siêu ca sĩ; đạt doanh số hơn 20 triệu bản, thu hơn 75 triệu dollars quỹ giúp châu Phi. “Chúng ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng “Chúng ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”, khác nào nói, hãy ‘Ôm lấy thế giới!’. Vậy mà, Lời Chúa hôm nay cảnh báo, đó là một thế giới ‘đầy cỏ!’; một thực tế vừa xót xa vừa đáng mừng! Tại sao? Cỏ ở khắp mọi nơi, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn nhiều hơn cỏ; nó bao phủ cả thế giới! Quan trọng hơn, bạn và tôi được kêu gọi để ‘ôm lấy nó’ và cho phép Thiên Chúa ‘ôm nó’ qua chính mình!

Nếu coi lúa tốt là tất cả những gì Chúa Kitô dạy thì thế giới ngày nay có rất nhiều điều trái nghịch Kitô giáo; nói cách khác, lắm cỏ! Cỏ thậm chí sinh sôi nhiều hơn và dễ thấy hơn lúa. Vậy không lẽ Chủ Mùa cho phép cỏ át lúa? Không đâu! Chúa Giêsu nói, “Cha trên trời cho mặt trời mọc trên kẻ xấu và người tốt!”. Vì thế, khi thấy cỏ hầu như ở khắp mọi nơi, chúng ta không nản chí; trái lại, cứ ‘ôm lấy nó’, để Vương Quốc Đức Kitô hiện diện trong đó, ít nữa là ‘thế giới quanh mình!’.

Cần nhớ, cỏ luôn luôn có và nó sẽ có cho đến tận thế! Tập trung vào lúa, đừng tập trung vào cỏ! Tập trung vào cỏ, chúng ta có thể rơi vào phê phán hoặc rút lui khỏi những tương tác với ai không nhìn mọi thứ như chúng ta nhìn; và như thế, trở nên tiêu cực, đánh mất hy vọng và niềm vui. Không! Tình yêu kêu gọi chúng ta không chỉ thấy ‘những gì đang có’ nhưng còn mời gọi chúng ta thấy ‘những gì có thể!’. Mẹ Têrêsa nói, “Tôi tin rằng, Thiên Chúa yêu thương thế giới qua chúng ta!”. Vậy tôi có cho phép Thiên Chúa yêu nó qua tôi, và tôi có cùng Ngài ‘ôm lấy nó’, một thế giới đáng thương?

Thật trùng hợp, điều chúng ta được mời gọi cũng là điều Giêrêmia đã sống! - bài đọc một. Giêrêmia không nguyền rủa dân, một Israel phản nghịch; trái lại, ông ôm lấy dân! Đúng hơn, Giêrêmia cho phép Thiên Chúa qua ông, ôm lấy Israel, “Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này!”. “Nơi” của Chúa là ‘đất Hứa’, là đền thờ, là “​Cung điện khả ái” như Thánh Vịnh đáp ca hoài niệm.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!”. “Mùa gặt” là ‘mùa xót thương!’. Với Chủ Mùa, ‘cỏ thành lúa’ vẫn là điều có thể. Lòng thương xót là nguồn gốc và động lực của mọi cuộc hoán cải. “Lòng thương xót là gì nếu không phải là tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng đã đương đầu với tội lỗi của con người, kiềm chế xung năng của công lý nghiêm khắc, và để cho mình ‘bị lay động’ bởi sự khốn khổ của các tạo vật vốn thúc đẩy đến toàn bộ, đến nỗi trao cả món quà của bản thân, Con Một, trên thập giá!” - Gioan Phaolô II. Cả chúng ta, hãy ước ao thật nhiều về một kinh nghiệm tái tạo của lòng thương xót, để có thể cùng Chúa ‘ôm lấy nó’, một thế giới đáng thương hơn là đáng ghét!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể ôm lấy một thế giới ‘ít lúa, lắm cỏ’, tiên vàn, xin ân sủng Chúa hoán cải tâm hồn con; nhờ đó, nó ‘đầy Chúa’ và ‘sạch cỏ!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây