TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 21/07/2024 14:32 |   348
“Tìm được viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc quý ấy.” (Mt 13,44-46)

31/07/2024
thứ tư tuần 17 THƯỜNG NIÊN

Thánh Ignatiô Loyôla, linh mục

t4 t17 TN

Mt 13,44-46


VUI MỪNG “BÁN” TẤT CẢ
“Tìm được viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc quý ấy.” (Mt 13,44-46)

Suy niệm: Nhiều tác giả nói với ta về ngọc trong đá, ngọc giữa đời, thế giới này tựa như con trai, dành cho bạn để bạn khám phá ra ngọc trong những trai ấy. Cũng vậy, Đức Giê-su dùng hai hình ảnh cho thấy sự cao quý của Nước Trời cũng như niềm vui lớn lao khi nhận ra Nước Trời ấy giữa đời thường. Với bao người, thửa ruộng chỉ là thửa ruộng, nhưng với người nông dân này, thửa ruộng đó có chứa kho tàng, quý giá đến độ anh sẵn sàng bán tất cả để mua thửa ruộng ấy. Đang khi đó, người thương gia kia cả đời đi tìm viên ngọc quý. Một khi tìm được, tựa người nông dân, ông cũng vui mừng bán tất cả những gì có để mua. Kho tàng hay viên ngọc quý ấy chính là Đức Giê-su, Đấng ở với ta mọi ngày cho đến tận thế, hiện hữu thực sự trong Bí tích Thánh Thể, hiện diện cách kín đáo trong Lời Chúa, được hiện thực qua các mục tử, cũng như hiện thân nơi những kẻ bé mọn ta gặp mỗi ngày.

Mời Bạn: Cuộc đời người nông dân hoàn toàn thay đổi từ khi có kho tàng, lối sống người thương gia cũng đổi mới trọn vẹn sau khi sở hữu viên ngọc quý. Cũng vậy, một khi khám phá ra kho tàng, viên ngọc quý Giê-su trong đời thường, lối sống bạn cũng sẽ khởi sắc hẳn: vui mừng, sẵn lòng “bán” đi, chấp nhận từ bỏ tất cả những gì ở đời này để có được Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu.

Sống Lời Chúa: Mọi sự khởi đầu từ việc đổi mới cái nhìn của tôi về Chúa Giê-su. Ngài quý giá đến độ giờ đây, tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với cái lợi tuyệt vời là được biết Ngài (x. Pl 3,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xác tín Chúa là kho tàng vô giá, là viên ngọc quý của đời con. Amen.

Ngày 31: Lạy Chúa! Cái lớn lao được tạo ra từ những cái nhỏ nhặt. Thực ra, đời sống của chúng con chỉ bao gồm những điều nhỏ nhặt. Cái lớn lao là một sự trừu tượng hóa, và chỉ là sự tưởng tượng của bản ngã của chúng con mà thôi. Điều nghịch lý là: cơ sở của bất kỳ một điều lớn lao nào, cũng ở chỗ chúng con biết trân trọng, giữ gìn, và chăm sóc cho những thứ nhỏ bé nhất, đang xảy ra trong phút giây này. Thay vì, theo đuổi một ý tưởng vĩ đại nào đấy, xin cho chúng con biết trân quý và tận dụng những gì xung quanh mình, để nên thánh trong từng phút giây bé nhỏ. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ tư tuần 17 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 34, 29-35

“Thấy mặt ông Môsê, họ sợ không dám đến gần”.

Trích sách Xuất Hành.

Khi ông Môsê từ trên núi Sinai đi xuống, ông mang hai bia đá chứng từ; và ông không biết do sự đàm đạo với Chúa, mặt ông sáng láng rực rỡ. Nhưng ông Aaron và con cái Israel thấy mặt ông Môsê sáng láng rực rỡ, thì sợ không dám đến gần. Ông Môsê gọi họ, thì cả Aaron lẫn các thủ lãnh hội đường mới quay lại. Sau khi ông nói chuyện với họ, tất cả con cái Israel mới đến gần ông. Ông truyền lại cho họ tất cả những điều ông đã nghe Chúa phán trên núi Sinai. Nói xong, ông lấy khăn che mặt mình. Khi ông vào trước mặt Chúa và đàm đạo với Người, thì ông cất khăn cho đến lúc ông trở ra và bấy giờ ông thuật lại cho con cái Israel những điều Chúa đã truyền dạy ông. Lúc ông Môsê ra đi, họ thấy mặt ông sáng láng rực rỡ; nhưng khi ông nói với họ, ông che mặt ông lại.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 98, 5. 6. 7. 9

Ðáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh 

Xướng: Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Hãy sấp mình dưới bệ kê chân Người; đây là bệ ngọc chí thánh. 

Xướng: Trong hàng tư tế của Người có Môsê và Aaron, và có Samuel trong số người cầu đảo danh Người. Các ông kêu cầu Chúa và chính Người nhậm lời các ông. 

Xướng:  Trong cột mây, bấy giờ Người phán bảo; các ông đã nghe những huấn lệnh của Người, và chỉ thị Người đã truyền cho các ông giữ. 

Xướng: Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúng chúng ta; hãy sấp mình trên núi thánh của Người: vì Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 15, 10. 16-21

Tại sao tôi cứ buồn sầu mãi? Nếu ngươi quay trở về, ngươi sẽ hiên ngang trước mặt Ta”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Mẹ hỡi, khốn cho con, tại sao mẹ đã sinh ra con là kẻ hay tranh luận và cãi vã trong khắp xứ? Con không cho vay mượn và cũng không ai cho con vay mượn, thế mà mọi người đều nguyền rủa con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, con lấy lời Chúa làm của ăn. Lời của Chúa trở nên sự vui mừng và hân hoan cho lòng con, vì danh Chúa được kêu cầu trên con.

Con không ngồi trong đám người chơi bời; con hãnh diện vì các việc tay Chúa làm. Con chỉ ngồi một mình, vì Chúa đã khiến con đầy lời Chúa đe phạt. Tại sao con cứ buồn sầu mãi, và vết thương con trở thành hiểm nghèo bất trị? Nó trở nên như nước giả dối chóng cạn.

Vì vậy, Chúa phán thế này: “Nếu ngươi quay trở về, Ta sẽ cho ngươi về đứng trước mặt Ta: nếu ngươi phân biệt được vật quý với vật hèn, ngươi sẽ nên như miệng Ta, người ta sẽ quay về với ngươi, và ngươi không phải quay về với họ. Ta sẽ khiến ngươi nên tường đồng kiên cố cho dân này. Họ sẽ giao chiến với ngươi, nhưng họ không thắng được, vì Chúa phán: Ta ở cùng ngươi để giải thoát và cứu chữa ngươi. Ta sẽ giải phóng ngươi khỏi tay kẻ độc dữ, và sẽ cứu chữa ngươi khỏi tay kẻ hung bạo”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 58, 2-3. 4-5a. 10-11. 17. 18

Ðáp: Thiên Chúa là chỗ con nương thân trong ngày cơ khổ (c. 17d).

Xướng: Ôi Thiên Chúa, xin cứu con thoát lũ địch nhân; bảo vệ con khỏi bọn người nổi lên chống đối! Xin giải gỡ con khỏi những kẻ chuyên làm điều ác, và cứu con xa thoát bọn sát nhân.

Xướng: Kìa chúng đang gài bẫy để sát hại con; âm mưu chống đối con là bọn người quyền thế. Lạy Chúa, con không vương tội ác lỗi lầm; dầu con vô tội, chúng cũng ùa tới tấn công. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa là sức mạnh con, con hướng thân tìm về Chúa, vì lạy Chúa, Chúa là đồn lũy bảo vệ con. Thân lạy Chúa, Chúa là Ðấng xót thương con; lạy Chúa, xin Ngài ra tay nâng đỡ, khiến cho con được vui nhìn quân nghịch phải thua.

Xướng: Phần con, con sẽ ca ngợi quyền năng Chúa, và mỗi buổi sáng, con hoan hỉ vì đức từ bi của Chúa, vì Chúa đã trở nên đồn lũy bảo vệ con, và chỗ con nương thân trong ngày cơ khổ.

Xướng: Lạy Chúa là sức mạnh con, con ca ngợi Chúa; vì lạy Chúa, Chúa là đồn lũy bảo vệ con, thân lạy Chúa, Chúa là Ðấng xót thương con.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 44-46

“Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỤ NGÔN KHO TÀNG VÀ NGỌC QUÝ (Mt 13,44-46)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Hai dụ ngôn “kho tàng” và “ngọc quí” mà Tin Mừng hôm nay thuật lại qua lời rao giảng của Chúa Giê-su là một lời mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến. Nước Thiên Chúa đó không phải là chuyện tình cờ, nhưng là một thực tại  bị ẩn giấu như kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng và như viên ngọc lẫn lộn trong số các loại ngọc giữa chợ đời. Vì thế, phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám dấn thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.

2. Ý nghĩa của dụ ngôn.

Dụ ngôn kho tàng không đặt vấn đề  luân lý về hành động của người mua thửa đất. Dụ ngôn chỉ muốn đề cao giá trị của Nước Trời, nên nhấn mạnh niềm sung sướng của người kia thôi. Theo luật Rôma thời ấy, thì kẻ gặp được báu vật chôn giấu như vậy, có quyền chiếm hữu. Còn theo luật Do-thái, trong văn mạch của dụ ngôn này thì quyền sở hữu báu vật thuộc về chủ thửa đất, vì thế người kia khi tìm thấy, đã chôn giấu  rồi về nhà bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng ấ

Dụ ngôn đi tìm ngọc quí cũng mang ý nghĩa tương tự như dụ ngôn kho tàng. Nước Trời cao quí hơn tất cả mọi sự con người có thể có, nên con người phải sẵn sàng hy sinh tất cả, để chiếm được Nước ấy. Có người hiểu thương gia là Chúa Giêsu, và viên ngọc quí là con người: Con Thiên Chúa đã hy sinh tất cả vì loài người chúng ta (2Cr 8,9; Pl 2,6-11) (Giải thích của Trần hữu Thành).

3. Dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí nói tới sự cao quí tột bực của Nước Trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện ra khó báu hay tìm được viên ngọc quí, người ta bán hết tất cả những gì mình có để tậu cho được, thì khi những ai khám phá ra Nước Trời, mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành cho được nước ấy.

Theo cách diễn đạt của dụ ngôn, thì thường là Thiên Chúa “chôn giấu lại”kho tàng sau khi đã chỉ cho chúng ta thấy. Nó chỉ thuộc về chúng ta sau khi đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau để có khả năng lãnh nhận kho báu ấy.  Hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quí” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quí hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn trong đó. Nước Trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để đầu tư đời mình.  Kho báu được chôn giấu nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua.  Nước Trời là một thực tại siêu việt nên phải vất vả tìm kiếm  với cả lòng khao khát và hy sinh (Hiền Lâm).

4. Kitô giáo thiết yếu chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Làm Ki-tô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Ki-tô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Ki-tô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Ki-tô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát (Mỗi ngày một tin vui).

5. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta xác định lại căn tính ơn gọi của mình, đó là đi theo Ngài. Đi theo Chúa Giêsu là đón nhận Ngài làm gia nghiệp, lấy lời Ngài làm kim chỉ nam hướng dẫn. Sẵn sàng  sống những giá trị Tin Mừng ấy trong cuộc đời  dù gặp những khó khăn. Quyết tâm từ bỏ những điều bất chính trái với thánh ý Chúa. Làm được điều đó, ấy là lúc chúng ta khôn ngoan như người lái buôn và chàng thanh niên trong Tin Mừng đi tìm “kho tàng” và “viên ngọc quí” hôm nay.

Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: Nước Trời là “kho tàng” bền vững và Chúa Giêsu là “viên ngọc quí” đích thực. Đạt được “kho tàng” là Nước Trời; chiếm hữu được “viên ngọc quí” là chính Chúa Giêsu thật là điều không dễ ! Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải đánh đổi  bằng những hy sinh, cố gắng và tin tưởng tuyệt đối, ngay cả cái chết.

6. Truyện: Cần phần rỗi linh hồn.

Attila xâm chiếm nước Italia với các binh đoàn hùng hậu của ông. Khi đã chiếm đóng làm chủ khắp mọi nơi thuộc đế quốc Rôma, ngày kia quân lính đến báo cáo với ông ta rằng: “Ở vùng ông ta đang trú đóng có một vị ẩn tu rừng”. Atttila, ông vua hiếu chiến, hung dữ, rất kiêu căng này luôn muốn mọi người run sợ sụp lạy trước mặt mình nên ông ta nảy ra ý định thử đến gặp vị ẩn sĩ xem sao.

Tưởng rằng vị tu hành sẽ sợ hãi khi phải đối diện với nhà chinh phục khét tiếng này, không ngờ, người của Thiên Chúa chẳng những không run khiếp, trái lại còn tỏ ra ung dung tự tại khiến Attila vừa nể phục vừa cảm mến. Sau khi trò truyện với một người khôn ngoan, có tài đáp ứng mau lẹ, Attila bèn hứng chí nói: “Ta sẽ cho ngươi tất cả những gì ngươi có thể ước muốn trong vương quốc của ta”. Lúc đó, vị tu sĩ vừa ngửa tay chìa về phía Attila vừa nói: “Thưa ngài, trong toàn vương quốc của ngài tôi chỉ ước muốn một điều duy nhật: Phần rỗi của linh hồn ngài”.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Ignatiô Loyôla, linh mục

Ca nhập lễ

Khi nghe tên Giêsu, mọi loài thụ tạo trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Kitô ngự trong vinh quang Thiên Chúa Cha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội một chiến sĩ can trường là thánh I-nha-xi-ô để làm cho danh Chúa thêm vinh quang rạng rỡ. Nhờ gương sáng và ơn phù trợ của thánh nhân, xin cho chúng con ở đời này biết hăng say chiến đấu, để đời sau được cùng người lãnh phần thưởng vinh quang Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận của lễ chúng con dâng tiến trong ngày lễ kính Thánh I-nha-xi-ô, và xin cho chúng con được thánh hoá trong chân lý nhờ các mầu nhiệm chúng con đang cử hành, cũng là nguồn mọi sự thánh thiện. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn gì, nếu không phải là muốn cho lửa ấy cháy lên?

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh I-nha-xi-ô, chúng con vừa dâng hiến lễ để ngợi khen cảm tạ Chúa. Ước chi nhờ thánh lễ này, chúng con được ca ngợi vinh quang Chúa đến muôn đời muôn thuở. Chúng con cầu xin…
 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Inhaxiô Loyola qua đời tại Roma ngày 31 tháng Bảy năm 1556 và được phong thánh năm 1622. Ngài đã sống trong một thời kỳ nổi bật chủ nghĩa lạc quan nhân bản và chủ trương sức mạnh cá nhân vốn là đặc trưng của phong trào baroque.

Inigo Lopez de Loyola sinh năm 1491, là con thứ mười một trong một gia đình hiệp sĩ nổi tiếng vùng Basque, Tây Ban Nha. Sau một thời gian sống tại triều đình ở Castille và một thời thanh xuân không mấy đáng khích lệ, Inigo gia nhập quân ngũ. Bị thương nặng trong cuộc vây hãm Pampelune (1521) do François IV tấn công, Inigo đành phải chịu đựng một giai đoạn dưỡng thương dài tại lâu đài gia đình. Trong thời gian dưỡng thương bắt buộc, cậu mê say đọc các tiểu thuyết hiệp sĩ và cả một số tác phẩm về cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh. Được Ơn Chúa thúc đẩy, Inigo de Loyola trở lại vào chính năm Luther bị khủng hoảng, rút lui về lâu đài Wartburg ở Đức. Từ đây cuộc đời Inigo bước qua nhiều chặng đường khác nhau. Trước tiên là Catalogne, tại đây Inigo dừng chân trong một buổi canh thức theo tập tục người hiệp sĩ, trước tượng Đức Mẹ ở Montserrat. Tiếp đến, tại Manrèse, trong một hang đá, ngài bắt đầu ghi những điểm đầu tiên trong cuốn Linh thao sẽ là cơ bản cho linh đạo của Dòng Tên. Năm 1523, ngài hành hương sang Jérusalem. Từ 1524 đến 1527, theo học ở Tây Ban Nha, buổi đầu ở Barcelone, về sau ở Salamanque. Tại Barcelone, bị coi là “người ảo tưởng”, Inigo bị bỏ tù, cũng như sau này ở Salamanque bị tố cáo là “tâm thần”.

Năm 1528, Inigo đến Paris, ở đó đến 1535, ban đầu là sinh viên, về sau là “tiến sĩ nghệ thuật” (maýtre ès arts) (dạy triết học). Chính tại Paris năm 1534, Thánh Inhaxiô thâu nhận các người bạn đầu tiên, trong đó có Thánh Phanxicô Xavie, để chia sẻ lý tưởng với mình. Tại Montmartre, trong nhà nguyện các thánh tử đạo, các ngài tuyên khấn ba lời khấn dòng thông thường, ngoài ra còn thêm lời khấn đi truyền giáo cho lương dân tại Đất Thánh và nếu dự tính không thể thực hiện thì sẵn sàng tuân theo ý Đức Giáo Hoàng. Năm 1537, sau khi thụ phong linh mục, Thánh Inhaxiô cùng các bạn sang Roma, nhưng không thể sang Palestine vì đang có chiến tranh giữa Venise với quốc vương Hồi Giáo, Đức Phaolô III sai các ngài đến các điểm truyền giáo ở Italia, và năm 1540, Đức Giáo Hoàng phê chuẩn luật Dòng Chúa Giêsu. Thánh Inhaxiô Loyola là bề trên tổng quyền đầu tiên của dòng. Hiến pháp cố định của dòng được phê chuẩn năm 1550.

Thánh Inhaxiô qua đời tại Roma, thọ 65 tuổi, sau thời gian làm bề trên tổng quyền mười lăm năm.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày lấy tư tưởng từ bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ (1 Co 10, 31), nhắc lại châm ngôn lừng danh của Dòng Tên: “Ad majorem Dei gloriam – AMDG – Để Chúa được vinh danh hơn”: “Lạy Chúa, để danh Chúa được tôn vinh hơn, Ngài đã cho xuất hiện trong Giáo Hội Thánh Inhaxiô Loyola…”. Vị bề trên tổng quyền dòng tu này đã “sẵn sàng cho những công việc phục vụ ánh sáng” và “cho việc loan báo cứu rỗi trên khắp thế giới” (Ca vãn trong Phụng vụ Bài đọc). Để đạt mục tiêu trong cuộc chiến đấu vì Phúc Âm này, cần có kỷ luật, và việc thực tập nó được thực hiện là nhờ các bài đọc trong cuốn Linh thao, lấy theo tinh thần của bài Phúc Âm trong Thánh Lễ (Lc 14, 25-33) là: triệt để bước theo Đức Kitô bằng cách từ bỏ tất cả, sau khi đã nghiên cứu vấn đề một cách chính chắn trước; suy nghĩ về mục đích của con người, về tội lỗi, suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô, kiếm tìm và nhìn thấy Chúa trong mọi sự, trở thành những nhà chiêm niệm trong khi vẫn hoạt động và tập phân biệt các loại tinh thần khác nhau…”

Lời nguyện trên lễ vật xin Chúa cho chúng ta cũng được “thánh hóa trong sự thật”, nhờ Thánh Thể là “nguồn mạch mọi sự thánh thiện”. Trong cuốn Nhật ký tinh thần, Thánh Inhaxiô trình bày Đức Kitô của Phúc Âm trong cái chết cũng như phục sinh, là mẫu gương cho cuộc sống tu đức Kitô Giáo. Việc bắt chước Chúa trước tiên phải được thực hiện bằng vâng phục vốn là nhân đức căn bản, sau đó bằng khó nghèo và sau hết bằng khiêm tốn, là điều kiện của đời sống thánh thiện đích thực.

Trong lời nguyện tạ lễ, chúng ta xin Chúa dẫn chúng ta tới chốn “ca tụng vinh quang Chúa không ngừng”. Thánh Inhaxiô từng là một con người chiêm niệm đồng thời là một con người hoạt động. Quả thế, ở Roma, Ngài đã không ngừng truyền giáo, giảng dạy, cứu giúp người nghèo khổ, kẻ mồ côi, thậm chí còn lập một trường dự tòng cho người Do-thái Giáo và Hồi Giáo cải đạo và một nhà cho các phụ nữ hoàn lương…

Vậy nên Thánh Inhaxiô Loyola vẫn mãi mãi là gương mẫu diệu kỳ để bắt chước bởi tình yêu của Ngài đối với Đức Kitô, bởi sự quân bình trong đời sống và tư tưởng của Ngài, bởi tình yêu say đắm đối với Giáo Hội, bởi tình gắn bó của Ngài với Đức Giáo Hoàng. Dòng Tên do Ngài sáng lập qua bao thế kỷ sẽ là một hoạt động do sự quan phòng của Chúa trong việc Phục hưng công giáo, huấn luyện giới trẻ và phát triển Giáo Hội Chúa sang vùng truyền giáo.

Enzo Lodi
 

HĂNG SAY CHIẾN ĐẤU
(LỄ THÁNH INHAXIÔ LÔIÔLA 31/07)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Inhaxiô Lôiôla hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho Hội Thánh một chiến sĩ can trường là thánh Inhaxiô, để làm cho danh Chúa thêm vinh quang rạng rỡ. Nhờ gương sáng và ơn phù trợ của thánh nhân, xin Chúa cho chúng ta ở đời này, biết hăng say chiến đấu, để đời sau, được cùng người lãnh phần thưởng vinh quang Chúa hứa ban. Sinh năm 1491 tại Lôiôla miền Cantabơria. Lúc còn thanh niên, Inhaxiô theo binh nghiệp, phục vụ trong triều đình. Khi đã trở lại, người học thần học ở Pari. Tại đây, cùng với mấy người bạn, người đã sáng lập Dòng Chúa Giêsu, thường gọi tắt là Dòng Tên (năm 1534). Nhưng chính tại Rôma, người nỗ lực làm cho Dòng lan rộng khắp châu Âu, và hăng hái truyền giáo, nêu gương phục vụ Hội Thánh, hết lòng tuân phục Đức Giáo Hoàng. Phương pháp Linh Thao của người vạch ra một con đường cho ai muốn hiến thân để làm cho vinh quang Thiên Chúa ngày một sáng ngời hơn. Người qua đời ở Rôma năm 1556.

Hăng say chiến đấu để đạt được phần thưởng Chúa hứa ban, nhờ đức tin và Lời Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô quả quyết mạnh mẽ rằng: quyền hành của người là do Thiên Chúa ban. Chúng tôi đang sống trong xác phàm, nhưng không chiến đấu theo tính xác thịt. Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt. Chúng tôi luôn cầm khiên mộc là đức tin, và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.

Hăng say chiến đấu để đạt được phần thưởng Chúa hứa ban, nhờ biết cân nhắc các thần khí, và quyết tâm thực hiện cho bằng được những gì Chúa mời gọi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, linh mục Luy Gonxanve ghi lại: Nhờ kinh nghiệm, thánh Inhaxiô hiểu rằng có loại tư tưởng để lại buồn rầu, có loại tư tưởng để lại niềm vui, và đó là suy luận đầu tiên ngài thu lượm được về những điều thuộc về Thiên Chúa. Sau này, khi làm Linh Thao, ngài bắt đầu được soi sáng để hiểu biết về sự cân nhắc các thần khí và dạy các môn đệ của mình… Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban, như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.

Hăng say chiến đấu để đạt được phần thưởng Chúa hứa ban, nhờ biết đặt niềm tin tưởng, cậy trông vào Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán cùng ngôn sứ Giêrêmia rằng: Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố đối với dân này. Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi, - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ giải thoát ngươi khỏi tay kẻ dữ, sẽ cứu chuộc ngươi khỏi bàn tay hung tàn. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 58, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúa là chốn con nương mình trong buổi gian truân. Lạy Thiên Chúa là sức mạnh của con, con ngước mắt nhìn Ngài, bởi Ngài là thành luỹ bảo vệ con.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã ví Nước Trời như kho báu trong ruộng, và như ngọc đẹp, người tìm được đã đi bán tất cả để mua thửa ruộng ấy, và viên ngọc ấy. Chúa gọi chúng ta là bạn hữu, Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết tất cả về Chúa Cha, về Nước Trời, phần chúng ta, chúng ta có dám đánh đổi, dám bán tất cả để mua bằng được kho tàng vĩnh cửu đó hay không, tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta. Chúa đã ban cho Hội Thánh một chiến sĩ can trường là thánh Inhaxiô, nhờ gương sáng và ơn phù trợ của thánh nhân, ước gì chúng ta biết hăng say chiến đấu ở đời này, để đời sau, được cùng người lãnh phần thưởng vinh quang mà Chúa đã hứa ban. Ước gì được như thế!

CHỐN NƯƠNG MÌNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa là chốn con nương mình!”.

Đọc Augustinô, chúng ta hiểu thế nào là sự chữa lành! “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”. Và Augustinô kết luận, “Lãng quên Thiên Chúa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lãng quên Thiên Chúa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”. Cùng với Tin Mừng hôm nay, Thánh Vịnh đáp ca - “Chúa là chốn con nương mình!” - cho thấy hành trình cuộc đời mỗi người là một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm kho báu, tìm ‘chốn nương mình’.

Có ‘chốn nương mình’ tạm bợ; có ‘chốn nương mình’ bền vững! Và Giêsu, ‘chốn’ đáng nương mình nhất vì Ngài là ‘Kho Báu’ của mọi kho báu! Sự bồn chồn trong trái tim mỗi người về một tình yêu có thể sánh với sự bồn chồn của người đi tìm kho báu. Theo những cách khác nhau, chúng ta trải qua những khát khao về một tình yêu vô điều kiện; một bảo đảm hạnh phúc đời này, đời sau và câu trả lời cho mọi nan đề. Trong Chúa Giêsu, chúng ta có tất cả! Hãy đào sâu ý thức về sự vĩ đại của món quà tình bạn mà Ngài ‘tặng không’ như người kia tình cờ tìm được kho báu ngoài đồng. Hãy ra sức tìm kiếm và củng cố tình bạn này bằng sự cởi mở trước tình yêu của Ngài như người kia ‘rảo khắp’ tìm ngọc đẹp. Và bạn sẽ nghiệm ra Giêsu là ‘chốn nương mình’ đích thực nhất.

Trong Chúa Giêsu, chúng ta khám phá cuộc sống mình có giá trị vô hạn trước mặt Thiên Chúa; trong giáo huấn Ngài, chúng ta khám phá sự khôn ngoan để xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng vững bền; và trong ân sủng Ngài, chúng ta nhận được sức mạnh để lớn lên trong tình yêu! Kho báu Giêsu là nơi đầu tư tốt nhất cho một tương lai vững chắc; nơi mỗi người có thể sống ơn kêu gọi ‘cho sự vĩ đại’ của mình. Vì thế, hãy gác lại mọi bận tâm khác để làm sao thực sự sở hữu Ngài! Hãy bỏ qua một bên bất cứ điều gì tìm cách mang lại cho chúng ta một cảm giác an toàn ngoài Ngài! Vì lẽ, không chỉ là ‘chốn nương mình’, Chúa Giêsu còn là Đấng biến đổi tất cả những ai tìm Ngài nương thân!

Giêrêmia đã nói lên niềm xác tín đó khi coi Thiên Chúa là ‘chốn nương mình’, coi Lời Ngài như của ăn - bài đọc một. “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ”; và Chúa phán, “Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi!” đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là chốn con nương mình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa là chốn con nương mình!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”. Ai gần Giêsu, sở hữu Giêsu, người ấy sở hữu Thiên Chúa, sở hữu thiên đàng. Augustinô và các thánh sở hữu Giêsu, họ được Ngài biến đổi. Như vậy, với Chúa Giêsu, một con tim không hoán cải, không thể dịch chuyển, là một con tim của người đánh mất khả năng cảm nhận rằng, mình được yêu; đánh mất khả năng đó, bấy giờ, sẽ là đánh mất một kho tàng! Hãy như Augustinô, như các thánh, một khi tìm được Giêsu, bạn và tôi hãy cố ôm chặt Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “con càng khốn khổ, Ngài càng gần con”. Cho con biết rằng, càng gần thế gian, con càng nghèo; càng gần Chúa, con càng bớt nghèo và giàu ra!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây