TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 21/07/2024 14:09 |   395
Đức Giê-su nói: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.” (Mt 13,43)

30/07/2024
thứ ba tuần 17 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t3 t17 TN

Mt 13,36-43


thiên chúa kiên nhẫn
Đức Giê-su nói: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.” (Mt 13,36-43)

Suy niệm: “Kiên nhẫn không chỉ là khả năng chờ đợi, nhưng chính là cung cách ta cư xử đang khi chờ đợi” (Nhà văn Mỹ J. Meyer). Ta mong muốn Hội Thánh gồm các tín hữu tốt lành, hội đoàn gồm các thành viên nhiệt tâm, con cái gồm các người con hiếu thảo, láng giềng gồm những hàng xóm tốt bụng… Thế nhưng, trong thực tế ta đành phải chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn, người tốt – kẻ xấu, lúa tốt – cỏ lùng chen lẫn với nhau. Chúa Giê-su, qua dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, dạy ta thái độ kiên nhẫn, bao dung khi sống trong “thửa ruộng thế gian.” Trong thiên nhiên, cỏ lùng muôn đời vẫn là cỏ lùng, nhưng trong “thửa ruộng thế gian,” người xấu có thể trở thành người tốt; ngược lại, người tốt có thể trở thành kẻ xấu không thể nào ngờ.

Mời Bạn: Bạn phải kiên nhẫn với chính mình, vì tâm hồn bạn cũng đang đong đưa giữa lúa tốt và cỏ lùng, giữa điều thiện bạn muốn làm nhưng lại không làm, và điều ác không muốn làm nhưng lại thực hiện. Bạn kiên trì làm cho lúa tốt nơi bạn lớn lên, và cỏ lùng không có đất sống nơi tâm hồn mình. Bạn kiên nhẫn, bao dung với người chưa sống tốt, không vội kết án họ vì chỉ có Chúa mới có quyền kết án chung cuộc.

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống kiên nhẫn, bao dung với những anh chị em chưa sống đúng tư cách của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con tinh thần kiên nhẫn, bao dung của người công dân mới trong Nước Trời. Xin giúp con ghi nhớ và thực hành tinh thần kiên nhẫn, bao dung ấy trong cách ứng xử hằng ngày với những anh chị em chung quanh con. Amen.

Ngày 30: Lạy Chúa! Khi chúng con cảm thấy lo lắng, hoặc căng thẳng, đó là dấu hiệu chúng con đang bị những thứ bên ngoài chiếm lĩnh, và không còn cảm nhận được những rung động bên trong nữa. Chúng con đã quên rằng: trạng thái được ở trong sự hiện diện của Chúa mới là chính yếu, còn những gì còn lại, đều là thứ yếu. Xin giúp chúng con chú tâm vào thời khắc “đang là”, bởi vì, Chúa chính là “Đấng Đang Là” như Chúa đã nói với ông Môsê nơi bụi gai đang cháy: “Ta là Đấng Đang Là”. Nếu chúng con không gặp được Chúa nơi chỗ “đang là” này, thì chúng con sẽ không thể gặp được Chúa ở nơi nào khác. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 17 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28

“Chúa đối diện nói chuyện với Môsê”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại, và đặt tên là “nhà xếp giao ước”. Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại.

Khi ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng trước cửa trại mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã vào nhà xếp giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và Chúa đàm đạo cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp. Họ đứng nơi cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người hầu cận ông là Giôsuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.

Ông Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi ngang qua trước mặt ông và hô lên: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Ðấng cai trị mọi sự, là Ðấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không ai coi mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời”. Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa”. Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 6-7. 8-9. 10-11. 12-13

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.

Xướng: Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người.

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 14, 17-22

“Lạy Chúa, xin hãy nhớ lại, xin Chúa chớ huỷ bỏ giao ước giữa Ngài và chúng con”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ngày đêm mắt ta rơi lệ không ngừng, vì trinh nữ con gái dân ta bị trọng thương, vết tích quá trầm trọng. Nếu ta đi ra đồng, thì đây những kẻ bị giết bằng gươm; nếu ta vào thành phố, thì đây những kẻ chết đói. Tiên tri và tư tế đều đi đến đất nước mình chẳng quen biết.

Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao? Hay lòng Chúa ghê tởm Sion rồi sao? Vậy tại sao Ngài đánh phạt chúng con đến nỗi không chữa được nữa? Chúng con mong đợi sự hoà bình mà không gặp sự lành; và chúng con mong đợi kỳ lành bệnh, thì đây toàn là xui xẻo.

Lạy Chúa, chúng con nhìn nhận những sự độc dữ của chúng con và sự gian ác của cha ông chúng con, vì chúng con đã phạm đến Chúa. Vì thánh danh Chúa, xin đừng để chúng con phải nhục nhã; vì toà vinh quang của Chúa, xin đừng để chúng con nhuốc hổ; xin Chúa nhớ lại, xin đừng huỷ bỏ giao ước giữa Chúa với chúng con.

Trong các tượng thần dân ngoại, chớ thì có vị nào làm cho mưa xuống chăng? Hay là tầng trời có thể đổ mưa xuống chăng? Nào Ngài chẳng phải là Thiên Chúa chúng con mong đợi sao? Vì chính Chúa tạo thành tất cả những sự đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 78, 8. 9. 11 và 13

Ðáp: Lạy Chúa, vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát chúng con (c. 9bc).

Xướng: Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.

Xướng: Xin cho tiếng tù binh rên xiết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ngợi khen Chúa.

Alleluia: Dt 4, 12

Alleluia, alleluia! – Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và là ý muốn của tâm hồn. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Hạt giống là Lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Alleluia.)

Phúc Âm: Mt 13, 36-43

“Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp lại rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ý NGHĨA DỤ NGÔN CỎ LÙNG (Mt 13, 36-43)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay là chuyện các môn đệ xin Chúa Giê-su giải thích ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng. Một dụ ngôn chỉ ra nguyên nhân của sự thiện ác từ đâu và chứng minh một thực tế là thiện và ác cùng tồn tại song hành với nhau.

Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỉ, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, người ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng  có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử.

2. Chúa Giê-su đích thân giải thích cho các Tông đồ về ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng: Người đi gieo giống tốt là Chúa Giê-su, hạt giống tốt là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi con người sinh sống làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ, mùa gặt là ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần. Lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người lành, thánh thiện thì được thưởng. Còn cỏ lùng thì được thu lại và đốt đi, tức là những người xấu thì bị tống vào hỏa ngục.

3. Dụ ngôn này dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra ngừi tốt.

Ở đâu cũng có anh hùng
Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác, đó là điều không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chết, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

4. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

Giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời kẻ lành người dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước tòa phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Ngày đó, như nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước Trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hỏa ngục những kẻ gian ác tội lỗi (Mỗi ngày một tin vui).

5. Qua dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giê-su mạc khải Thiên Chúa là Đấng nhân từ, giầu lòng thương xót, “chậm bất bình và hết sức khoan dung”. Ngài không chỉ trì hoãn đến ngày tận thế mới “nhổ cỏ lùng” trừng phạt kẻ tội lỗi. Ngài “đợi chờ đến mùa gặt” để con người có thời gian hoán cải, biến đổi từ cỏ lùng trở thành lúa tốt. Trong khi đó, phải chăng vì kiếp người quá vắn vỏi, con người không có đủ kiên nhẫn với nhau, luôn tìm cách bới ra khuyết điểm của nhau để loại trừ nhau, tiêu diệt nhau.

Thiên Chúa rất mực công minh đồng thời Ngài lại đầy lòng nhân từ, thương xót. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán và kết án con người. Nhưng Ngài lại chờ đợi “cho tới mùa gặt” mới thực thi quyền xét xử ấy. Và một khi xét xử Ngài lại xét xứ khoan dung. Trong khi Chúa sẵn sàng chờ đợi để cho cả cỏ và lúa mọc lên cho tới mùa gặt, thì chúng ta làm gì? Phải chăng chúng ta vội vàng “nhổ cỏ” bằng những cư xử nghiệt ngã, tàn nhẫn với tha nhân? Hay chúng ta khoanh tay, trố mắt ngồi chờ “thi gan” với Chúa? Là con cái Chúa, chúng ta hãy sống bao dung nhẫn nại, quảng đại, tha thứ để góp phần làm cho “cỏ lùng” được “biến đổi gien” trở thành “lúa tốt” (5 phút Lời Chúa).

6. Truyện: Để thành ngọc trai.

Trong tập nhật ký của một sinh viên, người ta đọc được câu chuyện này: “Tôi ở cùng phòng với một người Nhật Bản. Cô ấy có một viên ngọc. Mẹ cô đã tặng cô ấy viên ngọc ấy trước khi lên đường sang Mỹ du học. Gia tộc cô từ đời này sang đời khác làm nghề nuôi trai lấy ngọc. Trước khi cô đi, mẹ đã gọi cô vào phòng, đưa cho cô viên ngọc và nói:

– Khi người ta nhét hạt cát vào bên trong vỏ con trai biển, nó cảm thấy rất khó chịu, nhưng lại không có cách nào đẩy hạt cát ra ngoài. Lúc đó, con trai phải đối mặt với hai sự lựa chọn, hoặc là phải quyết một trận sống còn với hạt cát đó, hoặc là tìm cách đồng hóa nó để hai bên có thể chung sống hòa bình với nhau. Con trai biển đã lựa chọn cách làm thứ hai. Nó dùng cơ thể mềm mại của mình ôm lấy hạt cát, đồng thời tiết ra chất xà cừ từng lớp lớp bao bọc lấy hạt cát. Vì thế sự hình thành của ngọc trai là hành trình từ đau khổ đến sự tròn trịa đầy đặn.

Có lẽ nhiều người đã từng nghe câu chuyện này, nhưng rất ít người biết dùng quan điểm của con trai biển để nhìn nhận nghịch cảnh. Trong cuộc sống có rất nhiều những sự việc không như ý, làm thế nào để bao dung, đồng hóa chúng, chấp nhận chúng như một phần của cuộc sống, để cuộc sống bớt đi phiền muộn, có lẽ đó là bài học cần thiết nhất đối với con người trong xã hội hôm nay.


TIÊU DIỆT TẬN GỐC CỎ LÙNG
(THỨ BA TUẦN 17 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 17 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Xin Chúa mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng ta, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.


Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi biết dùng của cải đời này vào việc lạc quyên, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi biết chia sẻ những gì mình có, cho những người túng thiếu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Baxiliô Cả nói: Bạn đã cho kẻ đói ăn, thì cái bạn cho là của bạn, và trở nên phong phú gấp bội, khi về lại với bạn. Hạt lúa gieo xuống đất sinh lời cho kẻ gieo thế nào, thì tấm bánh trao cho người đói, sẽ sinh lợi nhiều cho bạn về sau như thế… Hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi biết gắn bó với Chúa, đặt hết niềm trông cậy nơi Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia đã kêu xin: Dám xin Ngài nhớ lại, đừng hủy bỏ giao ước giữa Ngài với chúng con. Trong số chư thần của các dân tộc, có thần nào làm được mưa chăng? Có phải trời đổ được mưa rào, hay chính Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng con? Chúng con trông cậy nơi Ngài, vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó! Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 78, vịnh gia cũng đã tin tưởng kêu xin: Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con. Ước gì tiếng tù nhân rên siết vọng lên thấu tai Ngài. Xin giơ tay hùng mạnh cứu sống những người mang án tử. Phần chúng con là dân của Ngài, đoàn chiên Ngài chăn dắt, chúng con sẽ tạ ơn Ngài mãi mãi và dâng lời ca tụng đến muôn thuở muôn đời.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Kitô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Như người ta nhặt cỏ lùng, rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Lời Chúa chính là hạt lúa tốt, còn lời của Satan là hạt cỏ lùng. Nếu chúng ta biết để cho hạt giống Lời Chúa được nẩy nầm, sinh hoa kết trái trên mảnh đất tâm hồn mình, chúng ta sẽ thu được một mùa lúa dồi dào, kho lẫm của chúng ta sẽ chất đầy của cải. Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Chúa luôn mở lòng nhân hậu đối với chúng ta, ước gì khi đang dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta biết gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Ước gì chúng ta đừng để cho mình: chỉ giàu có với những của cải chóng qua, mà lại, nghèo túng với những của cải đời đời: nghèo lòng mến, nghèo tình người, nghèo niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa, nghèo niềm hy vọng được sự sống muôn đời. Ước gì chúng ta biết sử dụng những ân huệ Chúa ban, mà cộng tác với Chúa, để tiêu diệt tận gốc những hạt giống cỏ lùng, mà Satan luôn tìm cách gieo vào lòng chúng ta. Ước gì được như thế!

CÁNH ĐỒNG THỨ HAI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con!”.

“Cuộc sống của chúng ta là những cánh đồng chủ yếu đầy cỏ dại; bạn và tôi không thể trồng dâu tây! Chúng ta có thể cắt cỏ dại, nhưng chỉ ngần ấy nỗ lực, sẽ không bao giờ tạo ra những quả dâu tây có thể chấp nhận được. Nếu thực sự muốn sản xuất quy mô những quả dâu chín mọng tuyệt vời, bạn phải đào sâu hơn. Phải cày xới toàn bộ cánh đồng - một cánh đồng thứ hai - và bắt đầu lại với những cây mới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị với câu hỏi dễ thương của các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay, “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con!”. Và thú vị hơn khi chúng ta hỏi Chúa Giêsu cùng một câu hỏi hoặc những câu tương tự. Hẳn Ngài sẽ nói về một ‘cánh đồng thứ hai’, và nếu cần, “phải cày xới toàn bộ và bắt đầu lại với những cây mới!”.

Chúng ta có thể hỏi Ngài, Lạy Chúa, cho con biết tại sao con không tiến bộ đủ trong đời sống nội tâm của mình. Cho con biết làm sao con có thể trung thành với Chúa, có thể tìm kiếm Chúa giữa những công việc hoặc trong những hoàn cảnh mà con không hiểu hoặc không muốn? Làm sao con có thể trở thành một tông đồ đủ tiêu chuẩn? Nguyên việc cầu nguyện của con, xin Chúa nói thật rõ! Con cầu nguyện thế nào? Lời cầu nguyện của con chân thành không? Liên tục không? Có tin tưởng không?

Với các môn đệ, Chúa Giêsu nói đến một thế giới ‘đầy cỏ’, thực tế, như một cánh đồng lớn, nơi Thiên Chúa gieo lúa tốt và kẻ ác gieo cỏ; do đó, lúa tốt và cỏ xấu cùng mọc lên. Với chúng ta, gần gũi hơn, Ngài nói về một cánh đồng thứ hai!’; đó là cánh đồng mà chúng ta có thể dọn sạch - cánh đồng trái tim của mỗi người - cánh đồng duy nhất bạn và tôi có thể trực tiếp can thiệp. Ở đó, lúa mì và cỏ dại chen nhau. Thật vậy, chính từ cánh đồng trái tim - tốt hay xấu - cả hai mở ra cho cánh đồng lớn của thế giới.

Có một phương pháp tốt cho công việc này. Nó được gọi là xét mình, tức là xem xét những gì đã xảy ra hôm nay trong cuộc sống của tôi, những gì đã đánh động trái tim tôi và những quyết định nào tôi đã đưa ra. Và điều này chính xác là để ‘gọi tên chúng’, xác minh chúng dưới ánh sáng của Chúa, đâu là cỏ dại và đâu là lúa tốt.

Israel, dân bị Chúa nghiêm phạt - bài đọc một - xem ra cũng đang xét mình, “Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác và cha ông sai lỗi đã nhiều!”. Israel đang “cày xới”, đang “trồng lại những cây mới”. Thánh Kinh luôn truyền cảm hứng để chúng ta tiếp tục cậy tin và không tuyệt vọng dẫu trong những hoàn cảnh không còn gì để mất. Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bắt đầu lại với những cây mới!”. Trái tim của chúng ta là một cánh đồng tự do, nó không phải là một phòng thí nghiệm vô trùng là một không gian mở’; do đó, dễ bị tổn thương. Một mặt cần phải liên tục chăm sóc những chồi non mong manh của lòng tốt; mặt khác, phải xác định và nhổ tận gốc cỏ dại đúng thời điểm. Hãy nhìn vào bên trong, xem xét những gì đang xảy ra, đang phát triển trong tôi, những gì là tốt, những gì là xấu; hay phải chăng cần “phải cày xới toàn bộ và bắt đầu lại với những cây mới?”.  

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn sản sinh ‘những quả dâu tây tuyệt vời’. Cho con biết, việc ‘cải thiện cánh đồng lòng con’ là một tiến trình của ân sủng và cả nỗ lực của con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây