TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

350 NĂM THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

Thứ tư - 28/04/2021 03:17 |   1868
 
  •  

NĂM THÁNH MỪNG 350 NĂM
THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

BÀI 1: CUỘC ĐỜI ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE


 
 
WHĐ, 09-05-2020 - Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, do Đức Cha Pierre Lambert de la Motte thành lập tại Đàng Ngoài năm 1670, tại Đàng Trong năm 1671, và tại Thái Lan năm 1672. Ngược dòng lịch sử của Giáo Hội Việt Nam từ những thời kỳ đầu, chúng ta có thể thấy rằng, Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh và lớn lên cùng song hành với Giáo Hội. Khởi đi từ “một số phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, từ lâu đã tự nguyện khấn giữ đức khiết tịnh. [...] Chúa Quan Phòng đã dùng để đặt nền tảng cho đời sống tu trì tại Đàng Ngoài, và thành lập nên một Tu Hội đặc biệt, mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”[1].

Mở đầu trang sử và là mốc điểm đánh dấu cho sự thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam là sự kiện hai nữ tu đầu tiên được tuyên khấn công khai vào ngày 19/02/1670 tại Phố Hiến, Đàng Ngoài, trước sự hiện diện của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi miền truyền giáo Đàng Trong, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Từ thời điểm lịch sử ấy cho đến hôm nay, Dòng Mến Thánh Giá đã tròn 350 năm.
350 năm hiện diện và tồn tại trên quê hương đất Việt là một hành trình đầy thách đố của niềm tin, của hy sinh và dâng hiến, để người nữ tu Mến Thánh Giá có thể minh chứng tình yêu phi thường dành cho Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
350 năm đồng hành với Giáo Hội Việt Nam dưới bóng Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Dòng Mến Thánh Giá thật sự là quà tặng của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam và là một trong ba nhân tố chính của Giáo Hội, bên cạnh Hàng Giáo Sĩ và Hội Thầy Giảng. Trong bài giảng Thánh Lễ Khai mạc Năm Thánh mừng 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi trưng dẫn sự phát triển của Dòng cùng những hoạt động tông đồ hữu hiệu của nữ tu Mến Thánh Giá trên toàn quốc, đã nhìn nhận: “Dòng Mến Thánh Giá quả là kiệt tác của Chúa Quan Phòng để các nữ tu hoạt động và đáp ứng thiết thực cho những nhu cầu mục vụ của thời đại. Đời sống chứng tá của các nữ tu để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng Giáo Hội Việt Nam và trong lòng từng người con của Đất Việt. [...] Không những thế, chị em Dòng Mến Thánh Giá còn có mặt trong mọi ngõ ngách, mọi môi trường, tận tụy phục vụ trong mọi lãnh vực [...].Thật vậy, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và thời thế, chị em Mến Thánh Giá đã đồng hành với Hàng Giáo phẩm, đã cùng với mọi thành phần dân Chúa xây dựng Nước Chúa và Giáo Hội khắp nơi, vượt qua bao cuồng phong bão táp, có khi phải trả bằng giá máu, các chị vẫn kiên trì bước theo ánh sáng soi đường của Chúa Thánh Linh, qua Đấng Sáng Lập và đặc sủng của Dòng. Không thể có một dòng lịch sử uy hùng như thế nếu không có sự hỗ trợ của Chúa!”[2]
Hôm nay nhìn lại Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, chị em hân hoan trong niềm vui trọng đại mừng kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng. Dù khiêm tốn đến mấy chị em cũng không thể che giấu được niềm tự hào về những bước chân sáng ngời của các thế hệ tiền nhân. Đây là cơ hội giúp người nữ tu Mến Thánh Giá canh tân chính mình và truyền bá gia sản tinh thần quý giá của Đức Cha Lambert đã để lại. Và đây cũng là dịp thuận lợi để chị em cất cao lời cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi đã thương quy tụ chị em dưới bóng Thánh Giá của Đấng Chịu-Đóng-Đinh; cùng tri ân Đấng Sáng Lập, biết ơn các Đấng Bản Quyền và ghi ơn các vị tiền bối, các ân nhân đã quảng đại nâng đỡ, vun trồng cho cây đại thụ Mến Thánh Giá ngày càng vững mạnh, nhằm phục vụ tốt và hữu hiệu hơn nữa trên cánh đồng truyền giáo của Mẹ Giáo Hội.
Để tìm hiểu Dòng Mến Thánh Giá, trước tiên chúng ta phải biết về Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Vị Đại Diện Tông Tòa Tiên Khởi Đàng Trong, Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngoài và là Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Qua cuộc đời với những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc và sống hết mình vì sứ mạng của Đức Cha Lambert, chúng ta khám phá ra đặc sủng, linh đạo Mến Thánh Giá mà Đấng Sáng Lập đã sống và chuyển trao cho con cái của ngài.
BÀI 1: CUỘC ĐỜI
ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte sinh ra và lớn lên trong thế kỷ XVII, thế kỷ mà một số sử gia gọi là “vĩ đại” hay còn được gọi là thế kỷ của tâm linh.[3] Thật vậy, nước Pháp thời kỳ này đã sản sinh nhiều vĩ nhân trong phạm vi văn học và triết học, đặc biệt, đã cống hiến cho Giáo Hội 27 vị Chân Phước và Hiển Thánh. Đức Cha Pierre Lambert là người con của Giáo Hội Pháp, chắc hẳn ngài đã đón nhận nhiều và cũng góp phần trong gia sản vĩ đại và thánh thiện ấy.
 
I. GIAI ĐOẠN TẠI PHÁP (1624-1660)
1. Gia đình
Pierre Lambert de la Motte chào đời ngày 28/01/1624 tại Lisieux, trong một gia đình quý tộc giàu sang[4], thuộc giới tư pháp, đã định cư lâu đời tại vùng Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp. Song thân là ông Pierre Lambert de la Motte, từng là Tử Tước thành phố Évreux, và bà Catherine Heudey de Pommainville[5], ái nữ của một vị Cố Vấn Tòa Án ở Rouen. Tuy nhiên, Pierre Lambert sớm chịu cảnh tử biệt: cậu mất đi ba người em khi chưa được chín tuổi, mồ côi cha lúc hơn 11 tuổi, chịu tang bà nội khi 14 tuổi, và mồ côi mẹ vào tuổi 16[6]. Những biến cố đau thương này đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành nên một cậu thanh niên trầm lắng, nhạy bén, và đặc biệt, trên những cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc sớm được hé mở và vun đắp trong tâm hồn cậu.
2. Giáo dục
Pierre Lambert được hưởng nền giáo dục chu đáo của một đứa trẻ thuộc giới quý tộc, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của người cha và sự dạy dỗ của giáo sĩ Zacharie de Lisieux[7]. Ngoài những môn học tự nhiên, cậu còn được học giáo lý để chuẩn bị Rước Lễ lần đầu.
Khoảng năm 1634, Pierre Lambert theo học trung học tại Trường Collège du Mont ở thành phố Caen, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành. Phương pháp giáo dục của Dòng Tên nhấn mạnh tầm quan trọng của ý chí và hành động sáng suốt trong ý thức trách nhiệm, đã góp phần cho Pierre Lambert hình thành một nhân cách mạnh mẽ, có khả năng đương đầu với nghịch cảnh và thử thách trong cuộc sống.
Sau giai đoạn trung học, Pierre Lambert theo học Luật tại đại học thành phố Caen như truyền thống lâu đời của dòng họ Lambert[8].
3. Sự nghiệp
Năm 1646, sau khi tốt nghiệp đại học Luật, ngài Pierre Lambert bắt đầu con đường sự nghiệp, làm thẩm phán tại Tòa Án Thuế Vụ thành phố Rouen lúc mới 22 tuổi[9]. Tại đây, vị thẩm phán trẻ hằng ngày đến nhà thờ các cha Dòng Tên để nguyện ngắm và đọc kinh nhật tụng trước khi tới tòa án làm việc. Khi đi ngang qua nhà thờ Chính Toà, ngài ghé vào để dâng cho Đức Mẹ những vụ xét xử phải thực hiện theo chức vụ của mình. Rồi sau ngày làm việc, ngài lại vào nhà thờ để tạ ơn Đức Mẹ về những vụ án ngài vừa xử kiện. Như thế, vị thẩm phán đã nối kết được lòng đạo đức vào công việc, ý hướng ngay lành vào các tranh luận của nghề nghiệp, đến độ chẳng bao lâu ngài nổi tiếng là một quan tòa rất có năng lực và liêm chính[10].
4. Hành trình ơn gọi linh mục và thừa sai
Ơn gọi linh mục và thừa sai nơi Pierre Lambert được Thiên Chúa Quan Phòng chuẩn bị chu đáo từ lâu. Thật thế, ngay từ lúc chín tuổi, một tiếng gọi huyền nhiệm đã vang lên trong tâm hồn Pierre Lambert. Từ đó, Thiên Chúa đã dùng những con người và những biến cố ngang qua cuộc đời ngài để làm sáng tỏ tiếng gọi đó.
Trước tiên, phải nói đến cha Julien Hayneuve, Dòng Tên, với đời sống khiêm nhường thẳm sâu, nguyện ngắm cao siêu[11], kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, ngài đã ảnh hưởng không nhỏ trên đời sống tâm linh của Pierre Lambert, qua việc gặp gỡ và trao đổi mỗi ngày.
Tiếp đến, người ảnh hưởng đến khúc ngoặt quan trọng của vị thẩm phán Lambert là ông Jean de Bernières de Louvigny, một giáo dân đạo đức, đã lập ra Ẩn Viện Caen. Cuối năm 1654, Thiên Chúa đã thúc đẩy ngài Pierre Lambert đến tĩnh tâm năm tháng tại Ẩn Viện[12] để tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Qua sự hướng dẫn của ông Jean de Bernières, Pierre Lambert đã tiến xa trên đường thiêng liêng, yêu thích sự tự hủy.
Sau cuộc tĩnh tâm, Pierre Lambert quyết định ba việc quan trọng: Bỏ chức thẩm phán, theo ơn gọi linh mục và tham gia chương trình truyền giáo tại Canada[13]. Tuy nhiên, việc thứ ba không thành, vì Thiên Chúa đã chuẩn bị một chương trình khác cho ngài.
     4.1. Chịu chức Linh Mục
Để chuẩn bị cho ngày lãnh nhận các chức thánh, Pierre Lambert bắt đầu cuộc tĩnh tâm 30 ngày[14]. Sau đó, ngài thực hiện cuộc hành hương khổ nhục, đi bộ từ Caen tới Rennes, khoảng 150 cây số.
Sau khi chịu các chức nhỏ, thầy Pierre Lambert chọn Chủng Viện Coutances của cha Jean Eudes, tĩnh tâm 40 ngày[15] để chuẩn bị tâm hồn cho ngày trọng đại sắp đến. Ngày 27/12/1655, thầy Pierre Lambert lãnh Chức Linh Mục tại nhà thờ Chánh Tòa Bayeux[16].
Ngày 08/02/1656, Tân Linh Mục dâng Thánh Lễ mở tay tại Chủng Viện Coutances. Chính ngài đã ghi lại cảm nghiệm thiêng liêng sau Thánh Lễ này: “Tình yêu mà Thiên Chúa đã khấng ban cho tôi hôm nay đang cháy bừng lên trong lòng khi tôi cử hành Thánh Lễ và sau Thánh Lễ, như muốn lôi kéo tôi đến với các dân tộc chưa hề biết Chúa hơn là đến với các dân tộc đã biết Ngài. Có lẽ tôi cần phải tìm kiếm bên kia bờ đại dương những người mù lòa đáng thương mà Thiên Chúa muốn kéo ra khỏi nơi tối tăm, nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa Kitô đã đổ ra cho mọi người”[17]. Linh cảm trên có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời của linh mục Pierre Lambert thì chưa được tỏ hiện ngay, nhưng phải chờ đợi thêm một thời gian nữa.
     4.2. Hoạt động xã hội - mục vụ
Sau Thánh Lễ mở tay, cha Pierre Lambert bất ngờ nhận được lời đề nghị làm Giám Đốc Trung Tâm Xã Hội ở Rouen. Ngài lưỡng lự, nhưng sau hai lần hành hương cầu nguyện ở Đền Đức Bà Giải Cứu và làm tuần cửu nhật để xin ơn soi sáng, ngài nhận lời. Ngày 28/03/1656[18], ngài lên đường đến thành phố Rouen nhận nhiệm sở.
Tại Trung Tâm Xã Hội Rouen, vị Tân Giám Đốc dấn thân hết mình cho công việc bác ái mang tính chất vừa xã hội vừa mục vụ[19]: chăm sóc những người vô gia cư, người thất nghiệp và các thiếu niên đường phố hoặc mồ côi; quan tâm tới việc giáo dục các trẻ em: cho học văn hoá, nghề nghiệp, giáo lý, cầu nguyện và cho lãnh nhận các bí tích; xây nhà trú ẩn cho các thiếu nữ hoàn lương có chỗ nương thân, xây nhà tĩnh tâm cho những người muốn từ bỏ Tin Lành trở về với Giáo Hội Công Giáo[20].
Ngoài công việc ở Trung Tâm Xã Hội, cha Lambert còn chú tâm tới Hàng Giáo Sĩ bằng cách tổ chức những buổi giảng thuyết, huấn đức tại Cambremer. Ngài giúp tài chánh cho Chủng Viện Coutances[21] và thao thức tìm cách thành lập một chủng viện tại Rouen.
Mặc dù công việc hằng ngày của Trung Tâm Xã Hội chiếm rất nhiều thời gian, nhưng cha Pierre Lambert vẫn quan tâm đến đời sống tâm linh một cách đặc biệt. Ngài thường bớt giờ ngủ để dành bốn hoặc năm tiếng cho việc nguyện ngắm. Ngài cử hành Thánh Lễ như việc khởi đầu cho một ngày mới, và chầu Thánh Thể để kết thúc cuối ngày.
Khi có thể, vào những buổi tối, ngài học thần học với một linh mục khôn ngoan và thánh thiện người Ái Nhĩ Lan[22], đã từng là giáo sư ở Đại Học Sorbonne - Paris đến Rouen giúp ngài.
Để thăng tiến hơn nữa trong đời sống tâm linh, cha Pierre Lambert gia nhập các hội đoàn đạo đức, đặc biệt là Hiệp Hội Thánh Mẫu của Dòng Tên[23], và Dòng Ba Bé Mọn. Thời gian này, cha Lambert chọn cha Simon Hallé, tu sĩ Dòng Bé Mọn, làm linh hướng, và từng bước ngài đi sâu vào linh đạo khổ hạnh của Dòng này.
     4.3. Ơn gọi thừa sai
Vào mùa hè năm 1657, cha Pierre Lambert đi Paris để tìm nguồn trợ cấp cho Trung Tâm Xã Hội. Tại đây, ngài có dịp tiếp xúc với Nhóm Bạn Hiền khi đến thăm bào đệ là chủng sinh Nicolas Lambert, một thành viên của Nhóm[24]. Từ đó, cha Lambert được biết về chương trình truyền giáo tại Việt Nam mà cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã vận động ở Rôma và ở Pháp từ năm 1649 đến năm 1654, nhưng không thành.
Năm 1655, Đức Tân Giáo Hoàng Alexander VII[25] cho xem xét lại kế hoạch của cha Đắc Lộ. Kế hoạch này được sự cộng tác nhiệt thành của Nhóm Bạn Hiền, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bà công tước d'Aiguillon và sự hăng say của Hiệp Hội Thánh Thể. Tuy nhiên, công việc vẫn còn những vướng mắc chưa thể giải gỡ. Lúc này, có năm linh mục trong Nhóm Bạn Hiền sang Rôma để thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng xúc tiến chương trình truyền giáo của cha Đắc Lộ trước đây[26].
Về phần cha Pierre Lambert, sau lời khuyến khích của cha Simon Hallé, ngài ngỏ ý với ban tổ chức xin được gia nhập đoàn thừa sai đi truyền giáo ở Viễn Đông. Và khi tham dự Hội Nghị về Truyền Giáo, cha Lambert rất ngạc nhiên thấy tên của ngài được Hội Nghị nhắc tới ở vị trí thứ hai trong danh sách ba người được đề cử với Thánh Bộ vào chức vụ Đại Diện Tông Tòa ở Châu Á[27].
Sau đó, cha Pierre Lambert lên đường sang Rôma theo lời khuyên của cha Simon Hallé[28]. Ngài tới Rôma ngày 18/11/1657, gặp nhóm năm linh mục người Pháp, trong đó có cha Vincent de Meur và cha Franẹois Pallu[29], đang vận động cho chương trình truyền giáo trên. Tuy nhiên, các ngài gặp nhiều khó khăn trong việc vận động Tòa Thánh bổ nhiệm các Đại Diện Tông Tòa cho Đông Á. Với kinh nghiệm của một thẩm phán, cha Lambert đã nhìn thấy vấn đề, nên quyết định dâng tài sản của mình cho công cuộc truyền giáo, nhờ đó vướng mắc được tháo gỡ và chương trình tiến triển tốt đẹp[30].
Cuối năm 1657, chỉ còn cha Francois Pallu và cha Pierre Lambert ở lại Rôma. Các ngài soạn thảo dự án để thành lập một chủng viện chuyên lo việc truyền giáo hải ngoại. Trong thời gian làm việc với nhau tại Giáo Đô, các ngài đã trở thành đôi bạn thân và gắn bó với nhau suốt đời trong tinh thần liên đới trách nhiệm[31].
Năm 1658, cha Francois Pallu ở lại Rôma tiếp tục công việc, cha Pierre Lambert trở về Pháp. Ngài đi vòng qua Nancy để viếng mộ phần của thân phụ đã qua đời 23 năm trước, đây là lần thứ nhất và cũng là lần duy nhất. Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 20/04/1658, ngài về đến Paris. Liền sau đó, ngài bị những cơn đau cấp tính hành hạ suốt bốn, năm ngày, đến nỗi không ai khác có thể làm gì giúp đỡ ngài được. Qua cơn bệnh, ngài trở về Rouen tiếp tục công việc của Trung Tâm Xã Hội. Ngài còn tiến hành việc xây dựng một chủng viện cho Tổng Giáo Phận Rouen, và sau khi hoàn thành ngài trao chủng viện cho Dòng Thánh Jean Eudes điều hành[32].
5. Đại Diện Tông Tòa
Trong lúc cha Pierre Lambert bận rộn với muôn ngàn công việc tại vùng Normandie, thì ở Rôma, vào ngày 13/05/1658, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin kiến nghị bổ nhiệm hai Giám Mục Đại Diện Tông Tòa người Pháp. Kiến nghị được Đức Giáo Hoàng Alexander VII phê chuẩn ngày 08/06/1658. Ngày 29/07 cùng năm, qua đoản sắc Apostolatus Officium, Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm cha Pierre Lambert làm Giám Mục hiệu tòa Bérythe và cha Francois Pallu làm Giám Mục hiệu tòa Héliopolis[33]. Ngày 17/08/1658, Thánh Bộ chỉ định miền truyền giáo cho hai Tân Đại Diện Tông Toà: Đức Cha Pierre Lambert chịu trách nhiệm Địa Phận Đàng Trong, bốn tỉnh ở Trung Hoa và đảo Hải Nam; Đức Cha Francois Pallu cai quản Địa Phận Đàng Ngoài, năm tỉnh ở Trung Hoa và vương quốc Lào. Sự chỉ định này được Đức Giáo Hoàng Alexander VII phê chuẩn ngày 09/09/1659 qua đoản sắc Super Cathedram[34]. Thánh Bộ còn gửi cho các Vị Đại Diện Tông Tòa bản Huấn Thị năm 1659, được ký vào ngày 10/11/1659[35], trong đó xác định rõ sứ vụ của các thừa sai, công tác phải làm, lộ trình nên theo và cách thức cần giữ nơi truyền giáo...
Dù đã nhận được sắc chỉ bổ nhiệm của Tòa Thánh, Đức Cha Lambert vẫn còn miệt mài với công việc ở Trung tâm Xã Hội cho đến phút cuối. Ngày 02/06/1660, ngài rời Rouen đi Paris một cách kín đáo. Tại Paris, sau tám ngày tĩnh tâm, ngài được Đức Cha Lebouthiller, Tổng Giám Mục Giáo Phận Tours, truyền chức Giám Mục trong nhà nguyện của Dòng Đức Bà Đi Viếng vào ngày 11/06/1660.[36] Sau đó, Đức Tân Giám Mục Pierre Lambert tĩnh tâm ngắn ngày để chuẩn bị cho một sứ vụ mới.
II. GIAI ĐOẠN TẠI CHÂU Á (1660-1679)
1. Hành trình sang Châu Á
Ngày 18/06/1660, Đức Cha Pierre Lambert âm thầm rời Paris lên đường sang Châu Á, có cha Jacques de Bourges tháp tùng. Khi vừa tới Lyon, Đức Cha ngã bệnh nặng, phải nằm liệt 52 ngày liền. Nhưng rồi ngài đã lành bệnh đột ngột, khiến thầy thuốc điều trị coi đó như một phép lạ. Đức Cha tiếp tục lên đường. Khi tới Marseille, ngài nhận thêm cha Francois Deydier vào đoàn thừa sai, và lên tàu vượt biển Địa Trung Hải ngày 27/11/1660. Hành trình thật kín đáo, đến nỗi cả người em ruột của Đức Cha Lambert cũng chỉ được biết sau vài ngày.[37] Các ngài đi theo lộ trình mà Thánh Bộ đã đề nghị.
Sau khi vượt Địa Trung Hải, đoàn thừa sai bắt đầu con đường bộ xuyên qua các miền Hồi Giáo vùng Cận Đông đến Ispahan, kinh đô xứ Ba Tư; từ Surate đi bộ xuyên qua bán đảo Ấn Độ đến Masulipatan; từ Masulipatan, xuống tàu và đến Mergui, thuộc Thái Lan ngày 28/04/1662. Ngày 19/05, các ngài tới Tenasserim, và đến Ayutthaya, kinh đô Siam (Thái Lan) vào ngày 22/08/1662[38].
Cuộc hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy kéo dài trên hai năm. Đó là một cơ hội để Đức Cha Pierre Lambert sống kinh nghiệm của Thánh Phaolô: “Gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. [...] Phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn uống và chịu rét mướt [...], nhất là bị dày vò bởi mối bận tâm lo cho Hội Thánh” (2Cr 11, 26-28). Hơn nữa, đối với Đức Cha Lambert, đây là một cuộc hành hương đặc biệt, giúp ngài nhận thức được nhu cầu phải hoán cải không ngừng và vun trồng đời sống nội tâm cho hoàn hảo và thánh thiện hơn. Mỗi chặng dừng chân là một dịp ngài tĩnh tâm để lắng nghe Thánh Thần chỉ dạy.
Hành trình sang vùng truyền giáo của Đức Cha Pierre Lambert, từ lúc khởi hành cho đến lúc này, đã gặp biết bao sóng gió, nhưng điều nổi bật nhất là càng gặp thử thách, gian nan thì đức tin của ngài càng mạnh mẽ hơn. Từ đây, tình yêu ngài dành cho Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh được triển nở và đạt đến đỉnh cao, bởi vì ngài đã đón nhận thập giá đời thường với một tình yêu phi thường. Đức Cha Lambert không những đã sống triệt để tình yêu với Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, mà còn ước ao cho có thật nhiều người hiểu biết và sống linh đạo này[39].
2. Đức Cha Pierre Lambert tại Châu Á
Ngay sau khi tới Ayutthaya, Đức Cha Lambert đã thực hiện một cuộc tĩnh tâm 40 ngày. Đây là dịp cho phép ngài trở về nguồn mạch thiêng liêng, lượng giá những gì đã khám phá được trong cuộc hành trình và xin ơn soi sáng cần thiết để tiếp tục sứ mạng[40].
     2.1. Công việc khởi đầu tại Thái Lan
Để có thể thi hành sứ vụ cách hữu hiệu nhất, Đức Cha Lambert bắt đầu ngay vào việc học tiếng địa phương và tìm hiểu phong tục, văn hóa dân bản xứ. Khi được biết ở trại người Đàng Trong tại Ayutthaya có khoảng 40 người Công Giáo, Đức Cha Lambert rất vui mừng. Ngài và các đồng sự bắt đầu dạy giáo lý và ban các bí tích cho họ. Đức Cha đã cử hành Lễ Giáng Sinh đầu tiên ở trại của người Đàng Trong[41].
Đức Cha Lambert và các thừa sai Tông Tòa cố gắng thực hiện đúng tinh thần của một thừa sai, để có thể điều chỉnh lại cách sống buông thả của số đông thừa sai thuộc chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha. Vì thế, các ngài gặp nhiều khó khăn ở Ayutthaya: những phản ứng không thân thiện từ các thừa sai thuộc chế độ Bảo Trợ, thái độ ác cảm của người Bồ Đào Nha tại Siam, cũng như sự chống đối của chính quyền Bồ Đào Nha với các thừa sai Tông Tòa[42].
Nhận thấy tính mạng của các thừa sai Tông Tòa bị đe doạ, người Đàng Trong đã đón đoàn thừa sai về trại của họ. Tại đây, họ bảo vệ các ngài, giúp làm một nhà thờ để cử hành phụng vụ và một căn nhà đơn sơ làm nơi cư trú cho các ngài. Đức Cha dâng nhà thờ này cho Thánh Giuse[43]. Và cũng từ trại Đàng Trong, các ngài đón nhận những tín hữu đầu tiên, mở đầu cho sứ vụ thừa sai của các ngài tại Châu Á.
     2.2. Sang Trung Hoa bất thành
Đức Cha Pierre Lambert mong ước sớm đến được nhiệm sở của ngài ở Đàng Trong, nhưng đạo Công Giáo đang bị bách hại nơi đó nên ngài chưa thể đến được. Vì thế, ngày 12/07/1663, Đức Cha quyết định xuống tàu đi Trung Hoa cùng với cha Francois Deydier, nhưng tàu gặp bão ngoài khơi Campuchia nên các ngài phải trở về bằng đường bộ và đến Ayutthaya ngày 15/09/1663[44].
Ngày 14/10/1663, Đức Cha sai cha Jacques de Bourges lên đường về Châu Âu để tường trình cho Thánh Bộ tình hình cụ thể tại vùng truyền giáo Châu Á. Còn ngài và cha Francois Deydier tĩnh tâm 40 ngày để chuẩn bị cho sứ vụ của mình[45].
     2.3. Công nghị Ayutthaya
Ngày 27/01/1664, Đức Cha Pierre Lambert rất vui mừng đón tiếp Đức Cha Francois Pallu cùng bốn linh mục thừa sai và một giáo dân đến Ayutthaya. Mặc dù rất nóng lòng trao đổi tin tức cho nhau, nhưng các ngài quyết định giữ thinh lặng ba ngày để tạ ơn Chúa Quan Phòng đã cho các ngài được đoàn tụ sau biết bao gian nan thử thách[46]. Tiếp đến, các ngài dâng Lễ Cầu Hồn cho Đức Cha Cotolendi, bốn linh mục và một giáo dân trong đoàn thừa sai đã từ trần trên đường sang Đông Á.
Sau khi trao đổi tin tức, Đức Cha Lambert đề nghị tổ chức một Công Nghị địa phương, gọi là Công Nghị Ayutthaya. Công Nghị khai mạc vào thứ sáu ngày 29/02/1664 và bế mạc khoảng cuối tháng năm[47]. Tham dự Công Nghị gồm tám người: hai Giám Mục, năm linh mục và một giáo dân. Trong Công Nghị, các ngài đã quyết định ba việc quan trọng: Lập Hội Tông Đồ, xây dựng một Chủng Viện, và soạn thảo Huấn Dụ gửi các thừa sai.
Ngày 06/01/1665, hai Đức Cha Pierre Lambert và Francois Pallu cùng hai thừa sai là cha Francois Deydier và cha Louis Laneau đã tuyên khấn trong Hội Tông Đồ[48]. Tuy nhiên, Hội này không được Tòa Thánh phê chuẩn.
Theo sát hướng dẫn của Thánh Bộ, các ngài đã hoạch định dự án xây một Chủng Viện chung cho miền Đông Á nhằm đào tạo các ứng sinh linh mục bản xứ tương lai, dự án này được Đức Cha Lambert thực hiện năm 1665.
Huấn Dụ gửi các thừa sai là kết quả quan trọng nhất của Công Nghị Ayutthaya. Nhìn chung, Huấn Dụ lấy cảm hứng từ Huấn Thị năm 1659 của Thánh Bộ gửi cho các Đại Diện Tông Tòa; nội dung gồm ba mục chính: sự thánh hóa người tông đồ nhằm phần rỗi của các tín hữu, giảng đạo cho lương dân, và tổ chức giáo xứ. Huấn Dụ Ayutthaya được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1669.
Sau khi khấn vào Hội Tông Đồ, ngày 20/01/1665, Đức Cha Francois Pallu tình nguyện trở về Châu Âu để tường trình cho Tòa Thánh và những vị hữu trách một số việc quan trọng tại vùng truyền giáo Viễn Đông. Sau đó, các thừa sai lần lượt được sai đến các vùng truyền giáo của các ngài. Còn Đức Cha Pierre Lambert và cha Louis Laneau ở lại Ayutthaya điều hành công việc.
     2.4. Những tương quan khó khăn giữa Đức Cha Lambert với chế độ Bảo Trợ
Đức Cha Lambert gặp rất nhiều khó khăn với chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha, như vụ việc đối với các thừa sai Dòng Đa Minh. Chúa Nhật ngày 02/05/1666, sau lễ Phục Sinh, cha Fragoso, đưa một ông giàu có, gốc Macao, đến xin chịu Phép Thêm Sức và cha sẽ là người đỡ đầu. Đây là điều trái với Giáo Luật, nhưng Đức Cha đã ban phép chuẩn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra[49]. Sau đó, thừa sai Francois Deydier, tiến sĩ thần học, lưu ý là cha không có quyền đỡ đầu. Cha Fragoso không hài lòng, nên đã tìm cách chống lại bằng việc yêu cầu Đức Cha xuất trình sắc chỉ bổ nhiệm Giám Mục của ngài. Đức Cha từ chối, vì ngài cho rằng, cha Fragoso không có quyền trên Giám Mục.
Câu chuyện qua lại với những tình tiết khá gay go. Cuối cùng, với tư cách là ủy viên Tòa Án Tôn Giáo, cha Fragoso viết thông cáo ra vạ tuyệt thông Đức Cha Pierre Lambert và các thừa sai Pháp. Thông cáo này được niêm yết tại nhà thờ Thánh Phanxicô, Dòng Tên, vào thứ năm ngày 02/12/1666, và tại nhà thờ Dòng Đa Minh vào Chúa Nhật ngày 05/12/1666. Đức Cha không phản hồi, chỉ làm bản phúc trình gửi về Tòa Thánh và yêu cầu cha Fragoso cũng hãy làm như vậy.
Ngoài việc liên quan đến cha Fragoso nêu trên, ngày 01/11/1667, cha Valguarnera, Dòng Tên, còn làm một bản báo cáo gửi về Tòa Thánh tố cáo Đức Cha Pierre Lambert nhiều điều[50]. Khoảng giữa tháng 04/1669, Đức Cha Lambert và các thừa sai Pháp bị các tu sĩ Dòng Tên tại Ayutthaya gửi một tuyên cáo chống đối. Đức Cha quyết định không trả lời. Sau này khi đi kinh lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, Đức Cha còn gặp những chống đối khác từ các thừa sai Dòng Tên tại địa phương.
Ngày 05/11/1670, Đức Cha Lambert nhận được sắc lệnh từ Tòa Tổng Giám Mục Goa yêu cầu phải xuất trình mọi giấy tờ mà Tòa Thánh chỉ định ngài trong nhiệm vụ Giám Mục, nếu không, Đức Cha sẽ bị vạ tuyệt thông và bị phạt 200 đồng bạc[51]. Để tránh những hậu quả tồi tệ có thể xảy ra, Đức Cha đã trình giấy tờ đầy đủ, nhưng họ cho rằng các giấy tờ này không hợp lệ vì chưa được thông qua triều đình Bồ Đào Nha.
     2.5. Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta
Đức Cha Pierre Lambert sớm nhận ra vai trò chứng tá của người giáo dân trong mọi lãnh vực, nên đã viết ra bản luật “Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta”[52], có thể vào năm 1668 tại Thái Lan, và thành lập Hiệp hội này khoảng năm 1669 tại Đàng Ngoài. Mục đích chính yếu của Hiệp Hội là thôi thúc các tín hữu khắp nơi hướng tới tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa, qua việc hằng ngày suy gẫm sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, rồi thể hiện sự suy gẫm ấy ra bên ngoài bằng việc hãm mình hy sinh liên lỉ của họ[53].
Từ những yếu tố căn bản của Hiệp Hội trên, Đức Cha Lambert sẽ thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá sau này.
3.  Đức Cha Pierre Lambert với Giáo Hội Việt Nam
Theo sát chỉ dẫn của Thánh Bộ, Đức Cha Pierre Lambert lưu tâm đặc biệt đến việc thành lập Hàng Giáo Sĩ địa phương. Vì thế, tại Ayutthaya ngày 31/03/1668, Đức Cha truyền chức linh mục đầu tiên cho thầy Giuse Trang là người Đàng Trong cùng với thầy Francois Pérez, người Siam, gốc Bồ Đào Nha[54]. Vào tháng Sáu cùng năm, Đức cha truyền chức linh mục cho hai thầy giảng người Đàng Ngoài là Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ. Khoảng tháng 01/1669, Đức Cha truyền chức linh mục cho thầy Luca Bền, người Đàng Trong tại Piply, Siam[55].
4. Đức Cha Pierre Lambert Kinh lý Đàng Ngoài
Mặc dù Địa Phận Đàng Ngoài không trực tiếp thuộc quyền Đức Cha Pierre Lambert, nhưng vì Đức Cha Francois Pallu phải trở về Châu Âu, nên ngài tìm đường sang Đàng Ngoài với tư cách là Giám Quản Tông Toà.
Ngày 16/07/1669, Đức Cha Pierre Lambert cùng hai cha Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard lên tàu của ông Junet đi xứ Đàng Ngoài, các ngài đến cửa biển Đàng Ngoài vào ngày 30/08. Chuyến kinh lý mục vụ này kéo dài đến ngày 14/03/1670[56]. Tại Đàng Ngoài, các thừa sai Tông Tòa đã thực hiện được những việc quan trọng:
- Trước tiên, Đức Cha chỉ thị cho cha Francois Deydier triệu tập một cuộc họp công khai tại Kinh Đô[57] để công bố các sắc lệnh của Tòa Thánh về thẩm quyền của Đại Diện Tông Tòa cho các tín hữu, có sự hiện diện của các cha Dòng Tên.
- Tiếp đến, Đức Cha thành lập Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá mà ngài đã soạn thảo quy luật từ tháng 08/1668, tại Ayutthaya[58].
- Sau đó, Đức Cha truyền chức linh mục cho bảy thầy giảng ưu tú đã được cha Tổng Đại Diện Francois Deydier tuyển chọn và đào tạo chu đáo[59].
Ngày 14/02/1670, Đức Cha Lambert triệu tập Công Nghị tại Đàng Ngoài, còn gọi là Công Nghị Phố Hiến; thành viên tham dự gồm có Đức Cha, ba thừa sai Pháp và chín linh mục bản xứ[60]. Đây là một Công Nghị nhằm xác lập quyền bính của các Đại Diện Tông Tòa, được đúc kết trong một văn kiện gồm 34 điều khoản.
Cuối cùng, ngày 19/02/1670, Đức Cha Lambert thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá qua việc nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi là Anê và Paula[61]. Ngay ngày hôm đó, Đức Cha vội vã lên tàu trở về Siam, nhưng vì không thuận gió nên mãi đến ngày 14/03, con tàu mới ra khơi được. Ngài về đến Ayutthaya khoảng trung tuần tháng 04/1670[62]. Được biết Đức Cha Lambert từ Đàng Ngoài trở về, Vua Siam là Phra-Narai rất vui mừng, nhưng ông cũng buồn phiền khi nghe tin Đức Cha lên cơn sốt nặng vào đầu năm sau đó. Vì quý mến Đức Cha, nên vua sai lương y tài giỏi nhất của hoàng gia đến chữa trị cho ngài[63]. Khi khỏi bệnh, Đức Cha nhận ra rằng, Chúa chưa muốn kéo ngài ra khỏi chốn lưu đày này[64].
5. Đức Cha Pierre Lambert kinh lý Đàng Trong lần I
Khoảng cuối tháng 02/1671, tại Ayutthaya, Đức Cha Lambert nhận được tin hai thừa sai Pháp đang hoạt động tại Đàng Trong từ trần: cha Antoine Hainques qua đời tháng 12/1670 và cha Pierre Brindeau ra đi tháng 01/1671[65]. Ngài đau buồn và lo lắng, còn giáo dân tại đó bàng hoàng và bất an. Vì thế, họ cử một đoàn người đại diện gồm cha Giuse Trang, cha Luca Bền với hai thầy giảng và vài giáo dân lên một con thuyền nhỏ sang cầu cứu Đức Cha Lambert. Phái đoàn đến Ayutthaya ngày 08/05/1671[66].
Lo lắng cho đoàn chiên không người chăn dắt, ngày 20/07/1671, Đức Cha quyết định sang Đàng Trong bằng chính con thuyền nhỏ ấy, cùng đi có bốn thừa sai Pháp. Qua nhiều gian nan, thoát được bão tố và cướp biển, cuối cùng con thuyền cũng cập bến vùng biển Nha Trang. Đức Cha Lambert vào làng Lâm Tuyền tối ngày 01/09/1671[67]. Ngài lưu lại Lâm Tuyền vài ngày để thăm viếng các giáo điểm trong vùng Khánh Hòa và Ninh Hoà, rồi ra Phú Yên. Tại đây, Đức Cha bị một ông quan địa phương đầu độc khiến cho ngài bị bệnh liệt giường và phải lưu lại một thời gian khá lâu[68]. Khi tạm bình phục, ngài tiếp tục hành trình tới Nước Mặn và cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ tại đó rồi lên đường đến Quảng Ngãi. Trong thời gian ở An Chỉ, Đức Cha tạm trú tại nhà một quả phụ tên là Lucia Kỳ, ngài đi thăm một vài địa điểm và thành lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong vào trước Lễ Giáng Sinh năm 1671[69].
Ngày 19/01/1672, Đức Cha triệu tập Công Nghị Hội An trên một hòn đảo tên là Chiêm Bồng[70]. Tham dự Công Nghị gồm có các thừa sai của Đức Cha, hai linh mục người Đàng Trong và một số thầy giảng. Kết quả của Công Nghị là một văn kiện gồm 10 điều khoản nhắm tới việc tổ chức Giáo Hội địa phương theo ý Tòa Thánh và biệt lập khỏi quyền bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha.
Sau Công Nghị, Đức Cha lưu lại Hội An khoảng một tháng rồi lên thuyền trở về Bình Định, Khánh Hoà. Ngài chỉ đến được Nước Mặn thăm các nhà thờ trong vùng mà không thể vào Ninh Hoà, Nha Trang vì thuyền gặp giông bão.
Sau khi bổ nhiệm nhân sự cho Đàng Trong, ngày 29/03/1672, Đức Cha quyết định trở về Ayutthaya, ngài còn mang theo 10 thiếu niên người Đàng Trong[71]. Không may, khi đoàn về tới Ayutthaya vào ngày 21/04/1672[72], thì gặp sứ thần Đàng Trong đang ở đó. Ông ta rất giận vì Đức Cha đã vào Đàng Trong cách lén lút, lại còn đưa về Siam 10 thần dân của ông. Để xoa dịu tình hình bất lợi trên, Đức Cha hứa với ông sẽ cho người sang Đàng Trong để trình bày với triều đình rõ ràng sự việc.
6. Tại Ayutthaya
Trước khi sang Đàng Trong, Đức Cha Pierre Lambert đã nhận được sắc lệnh Speculatores của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX[73]. Sắc lệnh yêu cầu tất cả các thừa sai, khi làm việc tại nơi nào đã được Tòa Thánh trao cho các Đại Diện Tông Toà, đều phải tuyên thệ vâng lời các ngài, thừa sai nào không vâng lời sẽ bị vạ tuyệt thông. Nên biết, từ năm 1669, Tòa Thánh đã đặt Siam dưới quyền cai quản của vị Đại Diện Tông Tòa người Pháp, nhưng các thừa sai Dòng Tên và Dòng Đa Minh đang hiện diện ở Ayutthaya đều từ chối vâng phục vì chưa thông qua triều đình Bồ Đào Nha. Dù luôn bị các thừa sai thuộc chế độ Bảo Trợ chống đối, Đức Cha Lambert vẫn kiên trì thực thi sứ vụ đã nhận từ Tòa Thánh.
 
Trong năm 1672, Đức Cha Pierre Lambert xây dựng một nhà thương và thành lập Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan,[74] với bốn hay năm nữ tu đầu tiên là người gốc Đàng Trong.
Ngày 27/05/1673, Đức Cha Francois Pallu trở lại Ayutthaya lần thứ hai mang theo thư của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX và Vua Louis XIV gửi cho Vua Siam.[75] Nhà Vua đã long trọng tổ chức một buổi tiếp đón các Giám Mục người Pháp, cùng với việc tiếp nhận hai lá thư trên. Từ đây, mối giao hảo giữa Nhà Vua và các Giám Mục ngày càng thêm thân thiện và gần gũi.
7. Đức Cha Lambert kinh lý Đàng Trong lần II
Theo lời đã hứa với sứ thần Đàng Trong tại Ayutthaya, Đức Cha Pierre Lambert sai hai cha Bénigne Vachet và Guillaume Mahot mang thư và quà của ngài sang dâng cho Chúa Nguyễn tại Huế. Nhận được thư, Chúa Nguyễn rất hài lòng, mời Đức Cha Lambert sang Đàng Trong và còn cho phép ngài tự do giảng đạo.
Ngày 30/07/1675, Đức Cha Lambert và cha Mahot rời Ayutthaya lên con tàu của Chúa Nguyễn gửi tới, và các ngài đến Hội An ngày 06/09.[76] Một tuần sau, Đức Cha Pierre Lambert cùng với các cha thừa sai Bénigne Vachet, Jean de Courtaulin và Manuel Bổn đến triều đình Huế. Đức Cha lưu lại Huế một tháng, nhưng Chúa Nguyễn không tiếp đón các ngài được vì người con trai của ông vừa qua đời.
Sau một tháng ở Huế, Đức Cha trở lại Hội An. Tại đây, ngài tiếp đón giáo dân, ban các bí tích cho họ một cách công khai. Ngài làm việc ngày đêm, hầu như không có giờ nghỉ ngơi.

Vào giữa tháng 12, Đức Cha đến Quảng Ngãi và cho năm nữ tu đầu tiên Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong được tuyên khấn trong Thánh Lễ do ngài cử hành tại An Chỉ và Bàu Tây[77].
Trong chuyến viếng thăm lần này Đức Cha lại phải đương đầu với hai cha Dòng Tên là Joseph Candone và Barthélémy d'Acosta. Đức Cha sai cha Vachet đem sắc lệnh Speculatores đến cho hai cha tại Hội An[78], nhưng họ từ chối vâng phục. Vì vậy, theo chỉ thị của Tòa Thánh, hai cha này bị Đức Cha ra vạ tuyệt thông. Để phản kháng lại, cha Candone, với tư cách Tổng Đại Diện của vị tổng quản Tòa Giám Mục Malacca, gửi một thông cáo cho bổn đạo biết rằng, cha đã cách chức Đức Cha và tuyên bố Đức Cha bị dứt phép thông công, các Giám Mục Pháp không có quyền tài phán nào trên xứ này, và dứt phép thông công những ai lãnh nhận các bí tích do các thừa sai Pháp cử hành[79].
Để trấn an các bổn đạo, Đức Cha gửi một thư chung thông báo cho họ biết hai điều quan trọng: một là triều đình Huế ban phép cho Đức Cha được tự do đi lại làm nhiệm vụ tôn giáo và được gửi thừa sai vào vương quốc này bất cứ lúc nào; hai là vì vâng lời Tòa Thánh, ngài buộc phải ra vạ tuyệt thông cho những ai không tuân phục, theo như chính sắc lệnh Speculatores. Đức Cha còn gửi một sứ điệp kêu gọi sự hiệp nhất và phục quyền chủ chăn hợp pháp. Lá thư chung của Đức Cha Lambert mang lại kết quả bất ngờ: đại đa số các thầy giảng nộp cho Đức Cha chứng thư bổ nhiệm do các cha Dòng Tên cấp và xin ngài ban chứng thư mới[80].
Bên cạnh những việc không vâng phục Tòa Thánh và chống đối các thừa sai, những người theo chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha còn tố cáo Đức Cha với triều đình Chúa Nguyễn ba tội rất nặng: Năm 1669,
Đức Cha đi Đàng Ngoài là nơi thù địch với Chúa Đàng Trong; năm 1671, ngài đến Đàng Trong cách lén lút như một gián điệp; khi ra đi, ngài còn bắt cóc một số thiếu niên đem sang Ayutthaya. Đây là những tội phải chịu hình phạt nặng nề nhất ở Đàng Trong. Hơn nữa, tại Hội An, ngày 27/12/1675, Đức Cha còn phải chứng kiến cảnh các giáo dân bị bách hại rất thương tâm[81], do cha Barthélémy d'Acosta đút lót để lính tráng làm việc này.
Vì những lời tố cáo và vì sự kiện trên, Đức Cha Lambert quyết định trở lại Huế. Ngày 16/01/1676, ngài được quan phò mã tiếp đón, rồi sau đó, được đàm đạo riêng với con trai cả của Chúa Nguyễn. Đức Cha không những tạo được uy tín với Chúa Nguyễn mà còn cả với các quan trong triều đình, nên ngài thoát được những nguy hiểm mà chính người Công Giáo thuộc chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha định gây ra cho ngài.
Trong thời gian ở Huế, Đức Cha đã trừ quỷ cho một phụ nữ và chữa bệnh cho một em bé mới sinh được bốn tháng qua việc cầu nguyện[82]. Hai việc này đã tăng thêm uy tín cho Đức Cha đối với các tín hữu Công Giáo cũng như lương dân tại địa phương.
Trước khi rời Đàng Trong, ngày 21/03/1676[83], Đức Cha truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoan. Một tháng sau, ngài lên thuyền ra khơi và về đến Ayutthaya ngày 12/05/1676, nơi đây bao công việc đang chờ đợi ngài, bao khó khăn ngài sẽ phải đối phó.
8. Những năm tháng cuối đời
Trước khi đi Đàng Trong lần thứ hai, Đức Cha Lambert đã lập chúc thư đề ngày 22/07/1675 để lại toàn bộ tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo[84].
Khi từ Đàng Trong trở về Siam, sức khoẻ của ngài yếu dần. Tuy nhiên, Đức Cha vẫn còn phải điều hành công việc của vùng truyền giáo được Tòa Thánh giao cho ngài và Đức Cha Francois Pallu cho đến cuối đời.
Dù rất bận rộn với bao công việc, nhưng cuối năm 1676, Đức Cha vẫn dành thời gian để thực hiện một cuộc tĩnh tâm 40 ngày tại Bangkok. Đây là cuộc tĩnh tâm dài cuối cùng của ngài trên dương thế. Ngày 18/07/1677, hai thầy giảng cuối cùng, gốc Đàng Ngoài, là Philipphê Trà và Đa Minh Hảo, được nhận Chức Thánh từ tay Đức Cha Lambert tại Ayutthaya[85].
Tổng cộng lại, Đức Cha Pierre Lambert đã truyền chức linh mục cho 15 thầy người Việt Nam: 11 thầy người Đàng Ngoài và 4 thầy người Đàng Trong.
9. Sự ra đi lành thánh
Chứng bệnh đường ruột và sạn thận làm cho Đức Cha Pierre Lambert rất đau đớn, khiến sức khỏe của ngài ngày càng xấu đi. Ngài cảm thấy cần được yên tĩnh để cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Trong cơn bệnh, ngài thường tự nhủ: “Can đảm lên, giờ gần đến, ta hãy chịu khổ vì Chúa muốn như vậy” và ngài không ngừng dâng lời tạ ơn: “Đến muôn đời con ca ngợi lòng từ bi Chúa”[86].
Vào những giờ phút cuối đời, Đức Cha luôn sống trong tâm tình cầu nguyện. Cha Claude Gayme kể lại: “Trước đó, lúc nửa đêm, ngài còn xin rước Mình Thánh Chúa và bảo tôi đọc cho nghe lời nguyện tuyên tín. Phải thú thật tôi vừa đọc vừa ứa lệ”[87]. Sự kiện này chứng tỏ ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng. Trong những cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, Đức Cha Lambert không ngớt kêu lên: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con”[88].
Ngày 15/06/1679, khoảng bốn giờ sáng, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Đại Diện Tông Tòa tiên khởi Địa Phận Tông Tòa Đàng Trong, Giám Quản Địa Phận Tông Tòa Đàng Ngoài, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, đã an nghỉ lành thánh trong Chúa tại Ayutthaya.
Để nhận định về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Cha Pierre Lambert, không có gì chính xác và có giá trị bằng lời của những người cận kề với ngài trong cuộc sống và trong sứ vụ.
Sau đây là lời của Đức Cha Louis Laneau, một người sống gần gũi và làm việc với Đức Cha Lambert nhiều năm tại Ayutthaya: “Mặc dù thân xác bị dày vò, nhưng trong thâm sâu của tâm hồn, ngài vẫn hoàn toàn bình an thanh thản. Ngài phó linh hồn như một người tôi tớ đau khổ đích thực của Thiên Chúa, đúng như ngài đã sống trong suốt cuộc đời giữa muôn vàn thập giá và gian truân, không phải chỉ bên ngoài mà ngay trong tâm hồn... Chính Chúa Kitô để cho Đức Cha Pierre Lambert cảm nếm tột độ sức nặng của Thánh Giá Chúa mà ngài đã say mến suốt đời”[89].
Đức Cha Francois Pallu nhận định về người bạn đồng hành và đồng chí hướng của mình như sau: “Công trình mà Đức Giám Mục hiệu tòa Bérythe đã thực hiện, không ai khác có thể làm nổi. [...] Sau Thiên Chúa, chính nhờ Đức Cha Lambert, chúng ta có được những công trình hiện nay tại Siam, Đàng Ngoài và Đàng Trong, là những nơi ngài đã vượt qua vô vàn khó khăn và đương đầu với bao cơn bão tố... Thiên Chúa ban cho ngài một tinh thần vững mạnh, không bao giờ lùi bước hoặc mềm yếu khi biết mình có lý. Nhưng ngài cũng biết nhượng bộ đúng lúc và hy sinh một điều gì nếu cần để đạt cái chính yếu, ngài có nhiều sáng kiến tuyệt vời để giải quyết mọi vấn đề và thực hiện đến cùng điều đã dự tính”[90].
Sau này, cha Louis Louvet, thành viên Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, đã nhận định: “Người ta có thể nói không quá đáng, Đức Cha Lambert là vị thánh, và có nhiều sự kiện ngoại thường do các thừa sai cùng sống với ngài chứng nhận, theo đó hình như Chúa đã ban cho ngài được ơn làm phép lạ. Đức Cha có một đức tin rất sống động và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa Quan Phòng. Dầu bận rộn muôn ngàn công việc, nhưng mỗi ngày ngài cầu nguyện nhiều giờ, và khi dâng Thánh Lễ, chỉ một ý nghĩ đến người ngoại giáo và kẻ tội lỗi, cũng đủ làm ngài rơi lệ. Đức Cha rất hy sinh hãm mình, đầy nhiệt tình và cương nghị vì lợi ích của Giáo Hội. Bất kỳ ngăn trở nào, vụ việc nào, nguy hiểm nào cũng không ngăn cản được ngài chu toàn nghĩa vụ”[91]. Tất cả là để Tôn Vinh Thiên Chúa và vì Ơn Cứu Độ cho con người.


Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá thực hiện
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/350-nam-dong-men-thanh-gia-cuoc-doi-duc-cha-pierre-lambert-de-la-motte-39865
__________
[01] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (Nhóm NCLĐMTG), “Luật Tu Hội Các Trinh Nữ và Phụ Nữ Đạo Đức” (Luật Tiên Khởi), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., 2017, I, 5-7, tr.27-28.
[02] Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh Mừng 350 Năm Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày 05/08/2019.
 
[03] Cf. Daniel-Rops, Histoire de l'Église du Christ, tome VII, Le Grand siècles des âmes, Paris, Fayard, pp.55-56.
[04] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên Của Công Cuộc Truyền Giáo Hiện Đại. Pierre Lambert de la Motte- Đại Diện Tông Tòa Tiên Khởi Đàng Trong (1624-1679), bản dịch của Lucien Hoàng Gia Quảng, nxb Phương Đông, 2014, tr.48.
[05] X. H. Frondeville, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), Nguyễn Xuân Hùng dịch, Tp.HCM, 2007, lưu hành nội bộ, tr.9.
 
[06] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.61.
[07] X. nt., tr.49.
[08] X. H. Frondeville, sđd., tr.10.
[09] X.F. F. Buzelin, Tìm Về Nguồn Gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, 1624-1679, bản dịch của Lucien Hoàng Gia Quảng, nxb Phương Đông, 2015, tr.26-27.
 
[10] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.71.
[11] X. J. Ch. Brisacier, Cuộc Đời Đức Cha Lambert de la Motte, Giám Mục Hiệu Tòa Béryte, lưu hành nội bộ, 2006, số 14.
[12] X. nt., số 16.
 
[13] X. nt., số 26.
[14] X. nt., số 43.
[15] X. nt., số 65.
[16] F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.132.
[17] J. Ch. Brisacier, sđd., số 76.
[18] X. nt., số 87.
[19] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.138-141.
[20] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 90.
[21] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.155.
[22] X. nt, tr.142.
 
[23] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 104.
[24] X. Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018, tr.82.
[25] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.180.
[26] X. nt., tr.180.
[27] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 150.
[28] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.152.
[29] X. nt., tr.152.
[30] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 148.
[31] X. Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, sđd., tr.94.
[32] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.153-154.
[33] Cf. A. Launay, Histoire Générale de la société des Missions Étrangères, Paris, Téqui, 1874, p.34.
[34] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin. Documents Historiques: 1657 -1717, Paris, Maisonneuve, 1927, réedité en 2000, pp.3-4.
[35] Cf. Ibib., A. Launay, Documents Historiques relatives à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904, pp.27-35.
[36]  X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.224.
 
[37]  X. nt.
[38]  X. nt., tr.281.
[39] X. Nhóm NCLĐMTG, “Động Lực Thúc Đẩy Một Thừa Sai Tông Tòa...” (Động Lực), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 24, tr.127.
[40] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.282.
[41] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 223.
[42] X. Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, Tp.HCM, lưu hành nội bộ, 2005, tr.146-150.
[43] X. J. Bourges, Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Bérythe, lưu hành nội bộ, 1996, tr.202-203.
 
[44] X. nt., tr.215.
[45] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 233.
[46] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.370.
[47] X. Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sửng Mến Thánh Giá, sđd., tr.113.
[48] Cf. AMEP, vol. 169, pp.21-22.
[49] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.440.
[50] X. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, Tp.HCM, nxb Phương Đông, 2009, tr.129.
 
[51] F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.512.
[52] Cf. J. Guennou, Missions Étrangères de Paris, Fayard, 1986, p.164. Nhóm NCLĐMTG gọi tắt Hiệp Hội này là Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.
[53] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (Nhóm NCLĐMTG), “Luật Tu Hội Các Trinh Nữ và Phụ Nữ Đạo Đức” (Luật Tiên Khởi), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert la Motte..., sđd., II,1-2, tr.88.
[54] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, tome I, Paris, Téqui, 1923, p.62.
 
[55] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte, 2016, tr.28.
[56] X. Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử - Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, 1998, số 15, tr.26.
 
[57] Cf. AMEP, vol. 677, p.196.
[58] Cf. Ibib., vol. 121, p.757.
[59] X. Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, quyển I, Calgary, Canada, 2002, tr.260.
 
[60] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 253.
[61] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, tome I, op.cit., pp.104-105.
[62] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.510.
[63] X. nt., sđd., tr.513.
[64] Cf. Journal de la Mission, p.132.
[65] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 260.
[66] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.514-515.
[67] X. nt., tr.523.
[68] X. B. Vachet, Chuyện Đức Cha Lambert, Cao Kỳ Hương dịch, 2005, tr.48-50.
[69] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, tome I, op.cit., p.96.
[70] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte, sđd., tr.32.
[71] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 269.
[72] Cf. Relation des Missions et des Voyages des Évesques Vicaires Apostoliques, et de leurs Ecclesiastiques des années 1672, 1673, 1674 et 1675, Paris, Charles Angot, 1680, pp.33-34.
 
[73] X. Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, sđd., tr.289.
[74]  X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 270.
[75]  X. nt., số 271.
[76]  X. nt., số 289.
[77] X. Đào Quang Toản, Tìm Hiểu Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, lưu hành nội bộ, 2013, tr.254.
[78] Cf. H.Chappoulie, Aux Origines d'Une Église: Rome et les Missions d'Indochine, Paris, 1943, pp.276-341.
 
[79] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.610.
[80] X. Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập III, 1994, tr.258.
[81] Cf. AMEP, Vol 877, pp.575-576.
[82] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 294-295.
[83] Cf. AMEP, vol 877, pp.581-582.
[84] Nhóm NCLĐMTG, “Di Chúc Của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., 1675” (Di Chúc), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., tr.192-195.
 
[85] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte, sđd., tr.42.
[86] Cf. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, op.cit., pp.87-88.
[87] Ibib., p.237. 
[88] A. Launay, Histoire de la Mission de Siam: Documents historiques: 1662-1696, Paris, Téqui, 1920, p.36.
[89] Lettre de Laneau aux Directeurs du Séminaire, Siam, 02/11/1679, AMEP, vol. 860, p.25.
[90] A. Launay, Histoire générale de la société des Missions Étrangères, op.cit., pp.253-254.
[91] L. E. Louvet, La Cochinchine religieuse, tome I, Paris, Ernest Leroux, 1883, pp.305-307.
NĂM THÁNH MỪNG 350 NĂM THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ


 
Bài 2: LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỜI KỲ ĐẦU (1670 – 1700)

I. GIÁO HỘI VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẦU
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, từ lúc khai sinh đến khi trưởng thành, được dệt nên từ tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi trang sử của Giáo Hội là một minh chứng về sự dẫn dắt, chở che và yêu thương của Ngài.
     1. Bối cảnh xã hội
Vào đầu thế kỷ XVI, sự nghiệp Nhà Lê bắt đầu suy tàn, nước Đại Việt phải gánh chịu hai cuộc phân tranh Lê - Mạc (1533-1592) và Trịnh - Nguyễn (1627-1672)[1]. Những cuộc nội chiến liên miên và kéo dài đã làm đất nước suy yếu và khiến cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực. Trong bối cảnh xã hội như vậy, hạt giống Phúc Âm được gieo trên đất Việt, và Giáo Hội Việt Nam được khai sinh giữa biết bao gian nan thử thách, có lúc tưởng chừng như mất hút vì các cuộc cấm cách và bách hại, nhưng thực tế vẫn luôn còn đó một sức sống mãnh liệt phát sinh từ niềm tin kiêu hùng làm trổ sinh hoa trái dồi dào trong Giáo Hội.
     2. Tóm tắt lịch sử truyền giáo ở Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XVII
Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam được khởi đi từ việc thông thương buôn bán giữa các nước Tây phương với các nước Đông Nam Á. Những người Tây phương đầu tiên đến Việt Nam là người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và Hòa Lan... Mục đích của người Hòa Lan và người Anh là buôn bán, còn đối với người Bồ Đào Nha và người Pháp, ngoài buôn bán, họ còn nhận thêm sứ mệnh truyền giáo.
Mặc dù trong lịch sử đã có đôi nét về một giáo sĩ tên là I-ni-khu đến giảng đạo tại Việt Nam ngay từ giữa thế kỷ XVI[2], nhưng công cuộc truyền giáo ở Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu với các thừa sai Dòng Tên từ đầu thế kỷ XVII. Vào ngày 18/01/1615, thừa sai Dòng Tên đầu tiên là Francesco Buzomi đặt chân lên đất Việt, tại Đà Nẵng. Ngay trong năm đầu, việc truyền giáo đạt kết quả, thành tích vang dội tới Macao, vì thế, các thừa sai được tiếp tục gửi đến Việt Nam. Những người hoạt động lâu nhất là cha Majorica, cha Buzomi, cha Đắc Lộ, cha Pina... Các ngài cũng là những người để lại nhiều dấu ấn trên đất Việt[3].
     3. Công cuộc truyền giáo của Giáo Hội
Một cách tổng quát, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội tại Việt Nam có hai giai đoạn: giai đoạn của chế độ Bảo Trợ và giai đoạn của các vị Đại Diện Tông Tòa.
          3.1. Dưới chế độ Bảo Trợ
Từ cuối thế kỷ XV, việc khám phá các vùng đất mới ở Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Á đã mở ra cơ hội cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu. Tuy nhiên, vì không đủ thực lực về tài chính, nhân sự và phương tiện vận chuyển, nên Giáo Hội phải nhờ cậy vào thế quyền để có thể thi hành sứ vụ của mình, qua việc giao nhiệm vụ truyền giáo cho các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, là hai cường quốc xâm chiếm thuộc địa hàng đầu thời đó. Cùng với việc giao nhiệm vụ truyền giáo, quyền Bảo Trợ cũng được đặt ra cho hai vương triều này. Thực tế, chế độ Bảo Trợ đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, nhưng khi các vương triều đặt quyền lợi chính trị và kinh tế của đế quốc lên hàng đầu thì họ lại chối bỏ trách nhiệm truyền giáo của mình; hơn nữa trong nếp sống còn có những biểu hiện không phù hợp với người thợ Phúc Âm[4].
          3.2. Chủ trương mới của Tòa Thánh
Trước những lạm dụng của các vị vua Bảo Trợ, công cuộc truyền giáo chẳng những không có hiệu quả như thời gian đầu, trái lại còn gây ra những hệ luỵ tiêu cực. Vì thế, năm 1622, Tòa Thánh đã thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (còn được gọi là Bộ Truyền Giáo) để dần lấy lại quyền điều hành công cuộc truyền giáo của mình[5].
          3.3. Công cuộc vận động của cha Đắc Lộ tại Rôma
Sau hai mươi năm truyền giáo ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, cha Đắc Lộ bị trục xuất khỏi Đàng Trong và trở về Macao vào tháng 07/1645. Giữa năm 1649, ngài tới Rôma thực hiện sứ mạng do Tỉnh Dòng Nhật Bản giao phó là xin Tòa Thánh gửi Giám Mục sang Đàng Trong và Đàng Ngoài, để truyền chức linh mục cho người bản xứ và tổ chức công cuộc truyền giáo “trong phần đất dân ngoại”; đồng thời vận động các vua chúa Công Giáo yểm trợ tài chính và xin cha Bề Trên Cả Dòng Tên gửi thêm thừa sai cho miền truyền giáo Đông Nam Á. Trong chương trình lớn lao này, ngài được cha Bagot mời tới nói chuyện với Nhóm Bạn Hiền tại Paris năm 1653. Tất cả đều ủng hộ và tỏ ra hăng say với việc đi truyền giáo ở Viễn Đông[6].
Nhiệt tình của Nhóm Bạn Hiền do cha Đắc Lộ gợi hứng bị khựng lại do phản ứng của Vua Bồ Đào Nha dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Innôcentê X. Nhưng vào năm 1655, Đức Tân Giáo Hoàng Alexander VII đã nhiệt tâm và đầy can đảm trong việc giành lại thế chủ động cho Tòa Thánh trong công cuộc truyền giáo. Ngài cho xúc tiến kế hoạch của cha Đắc Lộ với Nhóm Bạn Hiền. Kế hoạch này được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bà công tước d'Aiguillon và của Hiệp Hội Thánh Thể[7].
          3.4. Thiết lập Địa Phận Đại Diện Tông Tòa
Bước đầu tiên trong đường hướng truyền giáo mới của Tòa Thánh là thiết lập các Địa Phận Đại Diện Tông Toà. Vì thế, ngày 13/05/1658, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đề nghị bổ nhiệm hai cha Francois Pallu và Pierre Lambert làm Giám Mục. Ngày 08/06/1658, Đức Thánh Cha Alexander VII phê chuẩn, và tiếp đó, ngày 29/07/1658, ngài ký đoản sắc Apostolatus Officium bổ nhiệm Đức Cha Francois Pallu làm Giám Mục hiệu tòa Héliopolis (nay là Baalbeck, thuộc Syria) và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte làm Giám Mục hiệu tòa Bérythe (nay là Beyrouth, thuộc Liban)[8].
Ngày 17/08/1658, Thánh Bộ chỉ định miền truyền giáo cho Đức Cha Francois Pallu và Đức Cha Pierre Lambert. Ngày 09/09/1659, Đức Giáo Hoàng Alexander VII ký Sắc chỉ Super Cathedram thiết lập hai Địa Phận Đại Diện Tông Toà: Đàng Ngoài và Đàng Trong; bổ nhiệm Đức Cha Francois Pallu cai quản Địa Phận Đàng Ngoài và năm tỉnh của Trung Hoa (Vân Nam, Quý Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên) và nước Lào; Đức Cha Pierre Lambert cai quản Địa Phận Đàng Trong, một số tỉnh của Trung Hoa (Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông) và Đảo Hải Nam[9].
     4. Huấn Thị năm 1659[10]
Tiếp theo sắc chỉ phân chia vùng hoạt động, Thánh Bộ còn gửi cho hai vị Tân Giám Mục bản Huấn Thị khá chi tiết, hướng dẫn rất rõ những việc các vị Đại Diện Tông Tòa phải làm trước khi lên đường truyền giáo, trên đường đi và ngay tại miền truyền giáo.
Như vậy, sau gần nửa thế kỷ khai phá của các thừa sai Dòng Tên, với biết bao công lao gian khó, việc Tòa Thánh bổ nhiệm hai Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên cho hai Địa Phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, cùng với việc vạch ra định hướng truyền giáo, đã khai mở một giai đoạn mới cho việc loan báo Phúc Âm ở Việt Nam. Công trình này đưa đến việc hình thành một Giáo Hội, cả ở bình diện Dân Chúa và bình diện phẩm trật, mà công trạng đầu thuộc về hai Giám Mục tiên phong, cách riêng, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, người sống hết mình cho sứ vụ và chết trên cánh đồng truyền giáo.
II. THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
     1. Vườn ươm của Thiên Chúa
Hạt giống Mến Thánh Giá được Thiên Chúa ưu tuyển dành cho chương trình yêu thương của Ngài. Thật thế, Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn Pierre Lambert hạt giống quý là hình ảnh Những Người Say Mến Thánh Giá khi cậu mới lên chín tuổi vào năm 1633.
Hình ảnh mờ nhạt về Những Người Say Mến Thánh Giá tại Lisieux trong tâm trí cậu Pierre Lambert được hiện rõ nét hơn khi Pierre Lambert trở thành Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong, vào dịp tĩnh tâm tại Ayutthaya năm 1663. Vì say mê lối sống của Những Người Say Mến Thánh Giá này đến nỗi, nếu có thể, ngài sẽ sống với họ và như họ[11].
Trong khi đó, tại vùng truyền giáo Viễn Đông xa xôi, Thiên Chúa đã gợi lên trong tâm hồn một số phụ nữ đạo đức lòng ao ước sống tiết dục và sống chung với nhau để phụng sự Thiên Chúa Nhân Lành theo cách thức Ngài muốn, nhưng chưa được ai hướng dẫn cụ thể. Họ như mảnh đất tốt, sẵn sàng để nhận hạt giống Mến Thánh Giá đã được ươm mầm trong tâm hồn Đức Cha Pierre Lambert de la Motte từ thuở ấy.
Và như thế, hạt giống Mến Thánh Giá đã nảy mầm từ cuộc gặp gỡ giữa hai chủ thể, một người từ phương Tây và một nhóm phụ nữ ở phương Đông. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng do lòng nhân hậu của Thiên Chúa Quan Phòng đã muốn tuyển chọn một số người, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn bằng con đường Yêu Mến Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí họ.
     2. Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài năm 1670
          2.1. Kế hoạch của Thiên Chúa
Ngay từ năm 1666, qua vị thừa sai thân tín là cha Francois Deydier, Đức Cha Lambert được biết: tại Đàng Ngoài có những thiếu nữ đã dâng hiến cho Thiên Chúa đức đồng trinh của mình và một số quả phụ trẻ từ chối việc tái hôn[12]. Về phần Đức Cha Lambert, ngài đã có ý định thành lập Dòng Mến Thánh Giá từ tháng 10/1667, nhưng chưa thể thực hiện[13].
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng trong chuyến kinh lý mục vụ ở Đàng Ngoài, từ ngày 30/08/1669 đến ngày 14/03/1670, Đức Cha Pierre Lambert đã thực hiện một số việc quan trọng cho tương lai Giáo Hội Việt Nam, trong đó có việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá như một phương thế sống đạo và hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo.
Khi Đức Cha Lambert sang kinh lý Đàng Ngoài, cha Francois Deydier đã trình với Đức Cha lời xin của khoảng 30 thiếu nữ và quả phụ đã quen sống đời khắc khổ, muốn có một tập điều lệ để sống chung[14]. Đáp lại yêu cầu này, Đức Cha gửi cho các chị một lá thư, kèm theo một số điều lệ nhỏ, trong đó ngài nói rõ: “Chính nhận thức mang tính thúc bách đó đã khiến cha nảy ra ý tưởng muốn đề nghị với các con một lối sống, mà cha nhận thấy rất thuận lợi để làm sáng danh Chúa”. Lối sống mà Đức Cha muốn giới thiệu với nhóm phụ nữ này là lối sống của những người thuộc một dòng tu. Trong bối cảnh thuận lợi đó, Đức Cha Lambert quyết định thành lập Dòng Mến Thánh Giá.
          2.2. Thành Lập
Như vậy, việc các phụ nữ sống chung thành cộng đoàn đã có từ thời các thừa sai Dòng Tên, nhưng việc hình thành một Dòng Tu đúng nghĩa còn phải chờ “một ai đó” vừa có thẩm quyền, vừa có “ước nguyện lớn lao”, lại vừa có những chuẩn bị thiết thực. “Một ai đó” chính là Đức Cha Pierre Lambert de la Motte.
Trong số những phụ nữ thánh thiện trên, Đức Cha Lambert tuyển chọn hai thành viên đầu tiên là chị Anê và Paula. Ngày hồng phúc đã đến, Thứ Tư Lễ Tro, ngày 19/02/1670, hai chị được diễm phúc tuyên khấn công khai trước sự hiện diện của Đấng Sáng Lập[15]. Như vậy, ngày 19/02/1670 chính là ngày Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh.
Có thể Lễ Khấn được cử hành trên chiếc thuyền tại Phố Hiến, nơi Đức Cha Lambert cử hành các việc đạo trong suốt thời gian ngài kinh lý mục vụ ở Đàng Ngoài[16]. Trong ngày trọng đại này, Đấng Sáng Lập còn trao cho các chị Bản Luật mà chính ngài đã soạn thảo.
Do hoàn cảnh không cho phép, nên ngay sau Lễ Khấn, Đức Cha phải vội vã lên đường trở về Thái Lan. Trong lúc chờ thuyền rời bến, ngày 26/02/1670, ngài đã viết một Bức Tâm Thư gửi lại cho hai người con tinh thần của ngài là Anê và Paula, để nhắn nhủ các chị đôi điều về bậc sống của mình và bày tỏ tình yêu thương của ngài qua những lời trong Bức Tâm Thư ấy.
     3. Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong năm 1671
Cũng như tại Đàng Ngoài, Đức Cha Lambert được biết ở Đàng Trong có những phụ nữ đức hạnh muốn sống đời tận hiến cho Chúa. Chắc hẳn khi đến Đàng Trong, Đức Cha rất vui mừng gặp được các phụ nữ đó, với ý định tốt lành của họ, một ý định hoàn toàn trùng hợp với ý định của Đức Cha là thành lập Dòng Mến Thánh Giá khi có cơ hội[17].
Trong chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất, trên đường từ Nha Trang đến Hội An, Đức Cha Lambert dừng chân ở An Chỉ và lưu lại năm tuần trong nhà bà Lucia Kỳ[18], một goá phụ vừa đạo đức và khôn ngoan, vừa khá giả và quảng đại. Sau khi biết ý định của Đức Cha, bà Lucia đã dâng cúng cơ sở vật chất làm nơi cư trú cho các thành viên Mến Thánh Giá đầu tiên ở Đàng Trong. Chính tại nhà bà, Đức Cha đã cho gọi đến một số phụ nữ đã có ước nguyện tận hiến cho Thiên Chúa một cách trọn hảo nhất, để đích thân ngài tìm hiểu ý hướng tu trì của họ và trao đổi về đời sống thiêng liêng. Sau đó, để nhờ đến phương thế siêu nhiên, Đức Cha truyền cho các chị làm tuần cửu nhật trước khi ngài quyết định một việc quan trọng[19].
Vào tháng 12/1671, Đức Cha Pierre Lambert chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ với cộng đoàn đầu tiên gồm 10 chị. Chị Bề Trên là em của cha Giuse Trang, 30 tuổi, một thiếu nữ thánh thiện nên được chị em yêu mến, kính trọng[20]. Các chị sống theo cùng một Bản Luật mà Đức Cha đã trao cho các chị Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài. Tuy nhiên, các chị chưa được khấn ngay, mà phải chuẩn bị thêm một thời gian nữa.
Năm 1675, vào dịp kinh lý Đàng Trong lần thứ hai, Đức Cha Lambert đến thăm các chị Mến Thánh Giá là những người kiên trung giữ Bản Luật đã nhận được từ Đấng Sáng Lập. Trong dịp này, Đức Cha tuyển chọn những chị kỳ cựu và thánh thiện nhất để cho tuyên khấn. Ngày 13/12/1675, Đức Cha Lambert đã nhận lời khấn của bốn chị tại Bàu Tây, và ngày 18/12/1675, ngài nhận lời khấn của một chị tại An Chỉ. Các chị tuyên ba lời khấn đơn, công khai một cách rất sốt sắng trước sự hiện diện của Đấng Sáng Lập, khi các tín hữu hội họp lại tham dự Thánh Lễ do Đức Giám Mục cử hành[21].
     4. Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan năm 1672
Việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá là một trong ba dự án của Đức Cha Lambert vào năm 1667[22]. Theo dự tính, dự án này sẽ thực hiện đầu tiên tại Thái Lan, nhưng trong thực tế Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan chỉ được thành lập sau chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất của Đức Cha.
Vào tháng 04/1672, khi từ Đàng Trong trở lại Ayutthaya, Đức Cha Lambert đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan, khi gặp được một số phụ nữ sẵn sàng đi vào con đường đó. Có một điều đặc biệt là tất cả các phụ nữ này đều là người gốc Đàng Trong[23]. Khởi đầu, có bốn hoặc năm chị được gia nhập Dòng thánh thiện này với niềm vui tận hiến và lòng nhiệt thành trong các nghĩa vụ. Các chị bắt đầu đời tu bằng thời gian thử, và vào cuối năm đó, được tuyên khấn trong tay Đấng Sáng Lập. Ngài cũng trao cho các chị Bản Luật Dòng Mến Thánh Giá như ở Đàng Ngoài và Đàng Trong[24].
Mặc dù được chính Đức Cha Pierre Lambert thành lập và quan tâm, nhưng cộng đoàn Mến Thánh Giá đầu tiên ở Thái Lan hầu như “biến mất” trong một thời gian dài. Có lẽ Dòng không phát triển được vì ngoài các khó khăn mà các chị phải chịu, còn một lý do khác là các triều vua liên tiếp ở Thái Lan đều ra lệnh nghiêm cấm các thừa sai giảng đạo cho người Thái và cấm người Thái gia nhập Công Giáo. Mãi đến thời Đức Cha Garnault (1786-1811), hình ảnh nữ tu Mến Thánh Giá mới xuất hiện trở lại trên đất nước Thái Lan[25].
III. DÒNG MẾN THÁNH GIÁ TRONG BA THẬP NIÊN TIẾP THEO
Kể từ ngày thành lập cho đến hết thế kỷ XVII (1670-1700), Dòng Mến Thánh Giá tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những bước phát triển đáng kể, nhất là về mặt nhân sự và cơ sở; từ hai nhà ban đầu tăng lên 20 nhà, từ hai chị khấn đầu tiên tăng lên 150 chị[26].
Về phương diện pháp lý, ngày 28/08/1678, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đệ trình Đức Thánh Cha Nghị định xin ban ân xá cho hai Hiệp Hội Mến Thánh Giá mà Đức Cha Pierre Lambert đã thành lập tại Đàng Ngoài. Ngày 02/01/1679, Đức Thánh Cha Innocentê XI ký Tông thư Cum Sicut ban ân xá cho các Hiệp Hội Mến Thánh Giá. Đây là một sự nhìn nhận có tính cách pháp lý về sự hiện diện của Dòng Mến Thánh Giá trong Giáo Hội. Chính Đức Cha Francois Pallu đã góp một phần không nhỏ, trong việc liên hệ với Tòa Thánh, để thỉnh nguyện thư xin ân xá của Đức Cha Lambert nhận được kết quả tốt đẹp[27].
Để có được những thành quả như trên, ngoài ơn Chúa và một linh đạo phù hợp với tâm thức người phụ nữ Việt Nam, nhất là các Kitô hữu, cũng như một lối sống hòa đồng với xã hội; còn có một nguyên nhân rất quan trọng khác, đó là sự quan tâm ưu ái của chính Đấng Sáng Lập và các vị kế nhiệm ngài dành cho Dòng Mến Thánh Giá.
Đối với Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong, đây là Dòng được Đức Cha Lambert thành lập năm 1671 và may mắn được ngài thăm viếng lần thứ hai vào năm 1675. Thế nhưng, sự hiện diện của chị em Mến Thánh Giá từ đó cho đến những năm cuối của thế kỷ XVII xem ra khá mờ nhạt, vì đây là thời kỳ cấm đạo, thêm nữa là tình trạng thiếu vắng Giám Mục, hoặc nếu có thì các ngài cũng ít quan tâm đến Dòng Mến Thánh Giá.
Khi đọc lại quá trình thành lập và những năm khởi đầu của Dòng Mến Thánh Giá, người ta dễ liên tưởng tới hình ảnh hạt cải trong Phúc Âm. Dòng Mến Thánh Giá được ví như hạt cải nhỏ bé được gieo vào lòng Giáo Hội và xã hội, đã âm thầm nẩy mầm rồi đâm chồi nảy lộc. Tuy chưa thể là cây cao bóng cả, nhưng Dòng cũng đủ mạnh để có thể đứng vững giữa phong ba bão tố, vượt qua bao khó khăn thử thách kéo dài hàng trăm năm.


Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
Xin đọc thêm:
 
 
[1]  X. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2008, tr.275- 284.
[2]  X. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập II, bản dịch Viện Sử Học, Hà Nội, Giáo Dục, 1998, tr.300-301.
[3]  Danh sách các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong từ 1615-1663, theo Montezon, La mission de Cochinchine et du Tonkin, tr.390-393.
[4]  X. Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, Tp.HCM, lưu hành nội bộ, 2005, tr.26-30.
[5]  X. nt., tr.17.
[6]  Cf. J. Guennou, Missions Étrangères de Paris, Fayard, 1986, p.35.
[7]  X. Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, sđd., tr.92-93.
[8]  X. nt., tr.98.
[9]  Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome I, Paris, Téqui, 1923, pp.9-10.
[10] Cf. H. Chappoulie, Aux Origines d'une Église: Rome et les Missions d'Indochine au XVIIe siècle, tome I, Paris, Bloud et Gay, 1943, pp.392- 402.
[11] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Nguyện Ngắm, 03/11/1663” (Nguyện Ngắm 3) , trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., sđd., 5-6, tr.51.
[12] Cf. AMEP, vol. 677, p.53.
[13] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Đức Cha Francois Pallu: Dự Án Tổng Quát, 1667” (Dự Án) , trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3, tr.93.
 
[14] Cf. AMEP, vol. 677, p.15.
[15] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Bà Anê và Bà Paula” (Bức Tâm Thư) , trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 2, tr.40.
[16] X. Phi Khanh Vương Đình Khởi, “Mẹ Giáo Hội Việt Nam Có Hai Chiếc Thuyền”, trong báo Hiệp Thông số 42, tháng 07-08/2007, tr.163-181.
 
[17] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de cochinchine, tome I, op.cit., p.95.
[18] X. Đào Quang Toản, Mến Thánh Giá Thế Kỷ XVII, sđd., tr. 33, chú thích số 10.
[19] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome I, op.cit.,pp.95-96.
[20] X. Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.91-93.
[21] Cf. AMEP, vol. 877, p.574.
[22] Cf. AMEP, vol. 857, pp.224-225.
[23] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Siam, tome I, op.cit.,p.18.
[24] Cf. AMEP, vol. 131, p.266.
[25] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Siam, tome I, op.cit.,p.173.
[26] X. Đỗ Quang Chinh, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.132.
[27] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Francois Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010, tr.48.57.

WHĐ, 14-05-2020
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN số 116 (Tháng 1 & 2, năm 2020) 
350 NĂM DÒNG MẾN THÁNH GIÁ



Bài 3: LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỜI KỲ TỬ ĐẠO (THẾ KỶ XVIII - XIX)

 
1. Tình hình chung
Nếu người ta ví thế kỷ XVIII và XIX như một bức phông nền, thì hiện trên phông nền ấy là bức tranh Giáo Hội Việt Nam với màu sắc u buồn và đen tối bởi những cuộc bách hại đạo, bởi các cuộc chiến tranh và thiên tai, và còn bởi sự tranh chấp nội bộ giữa các thừa sai. Tuy nhiên, trong bức phông nền ảm đạm ấy, lại bừng lên ánh sáng bởi những tâm hồn quả cảm, chấp nhận tù tội, đòn roi, gông cùm, ngay cả cái chết để minh chứng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Cứu Thế.

1.1 Bị bách hại
Từ thời Chúa Trịnh đến Chúa Nguyễn, sang Nhà Tây Sơn, đặc biệt là dưới các triều đại của Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, những sắc chỉ cấm đạo được liên tục ban hành, gây nên những đợt bách hại kéo dài và đưa đến những hậu quả bi thương cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam[1].
Cũng vậy, từ những ngày đầu của Giáo Hội địa phương, nữ tu Mến Thánh Giá được diễm phúc chịu bách hại hoặc hiến dâng mạng sống để làm chứng cho đức tin trên mảnh đất quê hương của mình.

1.2 Chiến tranh và thiên tai
Việc cai trị ở Đàng Ngoài, trên danh nghĩa thuộc Vua Lê nhưng thực quyền lại là Chúa Trịnh. Những cuộc xung đột giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, rồi cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII, thảm cảnh nội chiến xảy ra liên miên và lan rộng khắp nơi. Cuối cùng, vào cuối thế kỷ XIX, nước Việt lại phải đối diện với cuộc chiến chống ngoại xâm, khiến dân nước chìm vào trong chiến tranh khói lửa. Cũng trong thời kỳ này, nhiều trận lũ lụt, rồi hạn hán kéo dài, khiến đời sống của người dân rất khốn cùng.
Cuộc chiến càng lan rộng, thiên tai càng nhiều thì cuộc sống của nữ tu Mến Thánh Giá càng bấp bênh và khó khăn.

1.3 Tranh chấp giữa các thừa sai
Tại Đàng Ngoài, lúc bấy giờ, có các thừa sai thuộc nhiều quốc tịch và dòng tu khác nhau như Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, Dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Augustinô và Dòng Phanxicô. Chính vì sự đa dạng này đã nảy sinh những cuộc tranh chấp, chủ yếu từ vấn đề quyền hành và quản trị địa hạt[2]. Đầu tiên là sự tranh chấp giữa các thừa sai của Thánh Bộ và các thừa sai của chế độ Bảo Trợ; tiếp đến là giữa các thừa sai cùng Dòng Đa Minh nhưng khác quốc tịch và Tỉnh Dòng; cuối cùng là các thừa sai khác Dòng, khác quốc tịch.
Tương tự như vậy, tại Đàng Trong, những bất hòa giữa các thừa sai trong việc cai quản, về sự khác biệt quốc tịch, phân biệt giữa linh mục triều và dòng, dẫn đến việc tố cáo lên Tòa Thánh và những cuộc kinh lý sau đó[3]. Những bất hòa giữa các thừa sai vẫn còn âm ỉ cho đến một ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trục xuất tất cả thừa sai nước ngoài, trừ một linh mục Dòng Tên là ngự y của triều đình[4].
Ngoài những tranh chấp như đã kể, các thừa sai thời đó còn tranh chấp cả về thẩm quyền trên Dòng Mến Thánh Giá, khiến các nữ tu trở thành nạn nhân của việc tranh chấp ấy.

2. Dòng Mến Thánh Giá thế kỷ XVIII
Trải qua thế kỷ XVIII đầy khó khăn, Dòng Mến Thánh Giá đã gánh chịu nhiều nỗi gian truân, có lúc tưởng như không còn đất sống. Hầu như cộng đoàn nào cũng gánh chịu tai hoạ, có khi bị xoá sổ. Nhưng như một mầm sống mạnh mẽ, nếu phần ngọn bị bão tố vùi dập, thì ngay khi có thể, chồi non lại mọc lên. Các nữ tu Mến Thánh Giá, từ thế hệ này đến thế hệ khác, kiên trì với đặc sủng Mến Thánh Giá, không phải chỉ trên danh xưng nhưng bằng chính cuộc sống của mình.

2.1 Tại Đàng Ngoài
Năm 1679, Tòa Thánh chia Địa Phận Đàng Ngoài thành Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Dòng Mến Thánh Giá cũng được phân chia như vậy.
Tại Tây Đàng Ngoài - Sự hợp tan của nữ tu Mến Thánh Giá
Dòng Mến Thánh Giá ở Tây Đàng Ngoài đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, cuộc sống của nữ tu Mến Thánh Giá gặp nhiều khó khăn, khi bình an, các chị quy tụ lại trong các Nhà Mến Thánh Giá; khi bị bách hại, các chị phân tán đi nhiều nơi, chờ ngày đoàn tụ.
Những năm đầu thế kỷ, các chị đã được Đấng Bản Quyền quan tâm cách đặc biệt, vì thế, các Nhà Mến Thánh Giá tiếp tục gia tăng. Ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1714, Đức Cha Bélot quy tụ 50 nữ tu Mến Thánh Giá về Trang Nứa để cầu nguyện cho Đức Cha Jacques de Bourges vừa mới qua đời[5].
Trong bản báo cáo ngày 08/06/1751, Đức Cha Louis Néez cho biết, Dòng có khoảng “400 thiếu nữ nghèo, chia thành 25 Nhà”[6], trong đó 18 Nhà thuộc tỉnh Nghệ An, số còn lại thuộc các tỉnh Thanh Hóa Nội, Thanh Hóa Ngoại và Nam Định[7].
Thế nhưng, sau đó không lâu, Đức Cha Reydellet mô tả rằng, sắc chỉ cấm đạo 1765 đã khiến “chúng ta không còn cộng đoàn, không còn chủng viện, không còn nhà ở, không còn nhà thờ, tất cả đều bị triệt hạ. Các nữ tu Mến Thánh Giá bị giải tán, những người trẻ tuổi về nhà cha mẹ, những người lớn tuổi trốn ẩn nơi nhà các tín hữu”[8].
Chị em Mến Thánh Giá Tây Đàng Ngoài đã chịu những khó khăn cùng với Giáo Hội trong vùng lúc bấy giờ. Với thời gian, những khó khăn ấy giảm dần. Vào thập niên cuối của thế kỷ XVIII, trong báo cáo ngày 14/03/1795 gửi Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Đức Cha Longer Gia cho biết Dòng Mến Thánh Giá hiện đã có 30 Nhà, mỗi Nhà có 15 đến 40 chị[9]; và vào năm 1797, hai Nhà nữa cũng đã được xây dựng, mỗi Nhà có hơn 20 chị[10].
Mặc dù chị em Mến Thánh Giá đã góp phần không nhỏ trong việc sống “tốt đạo đẹp đời”, thế nhưng, cuộc bách hại trong thời kỳ 1795-1798 tại Nghệ An và Thanh Hóa lại khiến “các nữ tu Mến Thánh Giá có những Thánh Giá mà các chị không vác nổi”. Dẫu vậy, Dòng vẫn có nhiều thanh thiếu nữ nhiệt thành xin gia nhập, thừa sai La Mothe Hậu đã nêu con số gần 1.000 nữ tu trong bức thư đề ngày 31/03/1795[11].
Tại Đông Đàng Ngoài - Việc nữ tu Dòng Mến Thánh Giá chuyển sang Dòng Ba Đa Minh tại viện
Từ khi Địa Phận Đông Đàng Ngoài được giao cho các thừa sai Dòng Đa Minh cai quản, đời tu của các chị Mến Thánh Giá không còn được bình an bởi chính quyền bính trong Giáo Hội địa phương gây nên.
Chủ trương của các thừa sai Dòng Đa Minh là muốn chuyển các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đông Đàng Ngoài thành các nữ tu Dòng Ba Đa Minh với những cách thức như: chiêu dụ bỏ kiêng thịt, dùng áp lực bắt buộc phải chuyển dòng, hoặc ra thời hạn nếu chị em nào không tuân theo ý các ngài sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Trong tình hình như thế, nhiều rắc rối đã xảy ra cho các chị Mến Thánh Giá. Việc này cũng làm cho các Đấng Bản Quyền phải bận tâm[12].
Do những vấn đề trên, Đức Cha Hilario Costa Hy, thuộc Dòng Augustinô, triệu tập Công Nghị Đàng Ngoài lần thứ hai tại Lục Thủy Hạ, nhằm ổn định tình thế. Công Nghị này đã đưa ra 21 quyết định, trong đó, có các điều liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá, cụ thể như: “Cấm các nữ tu Mến Thánh Giá chuyển sang Dòng Ba Đa Minh; [...] Các Giám Mục có quyền lập Tu Viện Mến Thánh Giá bất cứ ở đâu trong Địa Phận; và các ngài có quyền giải quyết các vụ tranh chấp giữa hai Dòng nữ [Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh], mà mọi người phải tuân theo cho đến khi Tòa Thánh quyết định cách khác”[13]. Tuy nhiên, Công Nghị này không được Tòa Thánh công nhận.
Chị em Mến Thánh Giá lại phải đối diện với những khó khăn như trước. Các chị bị vu khống, bị đe doạ, và điều tệ hại nhất là các chị còn bị hành hạ về mặt thiêng liêng như không được xưng tội, rước lễ, vì các chị không chịu tố cáo cha Adriano[14]là kẻ rối đạo và đã bị mắc vạ. Không nản chí, ngày 16/08/1759, các chị đại diện cho sáu Nhà Mến Thánh Giá tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Tòa Thánh[15].
Sau khi phái vị Kinh Lược đến Đàng Trong để điều tra và nhận được báo cáo về tình trạng của các nữ tu tại đó, năm 1764, Thánh Bộ gửi cho các nữ tu Mến Thánh Giá một chỉ dụ cam kết bảo vệ và ưu đãi các chị. Tuy thế, các chị Mến Thánh Giá vẫn còn bị ép chuyển sang Dòng Ba Đa Minh[16]. Vì vậy, ngày 05/03/1787, Thánh Bộ đưa ra quyết định dứt khoát:
- Các chị Mến Thánh Giá Trung Lao đã gia nhập Dòng Ba Đa Minh, nay ai muốn thì có thể tự do trở lại Dòng Mến Thánh Giá;
- Từ đây, việc chuyển từ Dòng Mến Thánh Giá sang Dòng Ba Đa Minh là điều bất hợp pháp, “nếu đi ngược lại quyết định trên đều bất thành sự và sẽ có hình phạt riêng do Thánh Bộ áp đặt”[17].
Tuy Thánh Bộ đã đưa ra quyết định như thế, nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, Đông Đàng Ngoài chỉ còn ba Tu Viện Mến Thánh Giá: Kiên Lao, Trung Linh và Bùi Chu[18].

2.2 Tại Đàng Trong
Vào năm 1711, Đàng Trong có 20 cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá. Vài năm sau đó, đạo bị bách hại dữ dội, nên tất cả các cộng đoàn trên bị giải tán và tàn lụi[19] đến độ người ta không tìm được bản luật nào của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte[20]. Sau thời gian ngưng trệ, các Đấng Bản Quyền đã tìm cách phục hồi, và nhờ đó mà Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong được khôi phục và phát triển một cách kỳ diệu. Những Tu Viện Mến Thánh Giá tiêu biểu thời bấy giờ là Thợ Đúc, Hà Dừa, Nha Ru và Chợ Mới.
Tuy vậy, nhiều cuộc cấm đạo lại liên tiếp xảy ra, đó là lý do khi Đức Cha Guillaume Piguel trả lời những câu hỏi của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin về Địa Phận Đàng Trong vào ngày 19/07/1765 cho biết: “hoàn toàn không có một dòng nữ nào cả”[21]. Tưởng như sẽ không còn tồn tại, vậy mà Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong lại được hồi sinh dù các khó khăn vẫn còn đó. Nhờ lòng nhiệt thành giúp đỡ của Đức Cha Labartette, Dòng Mến Thánh Giá đã phát triển trở lại khá nhanh. Như một điệp khúc, Dòng được phục hồi chưa bao lâu sau một cuộc bách hại thì cuộc bách hại khác lại đến.

2.3 Số nữ tu Mến Thánh Giá vào cuối thế kỷ XVIII
Về con số nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta không có những bản thống kê chính xác, chỉ dựa vào bản báo cáo của các thừa sai. Con số này thường bị dao động bởi các cuộc bắt đạo.
Vào cuối thế kỷ XVIII, ở Địa Phận Tây Đàng Ngoài còn tới 30 cộng đoàn với hàng trăm nữ tu. Số ơn gọi xin vào Dòng nhiều đến độ Giám Mục Đại Diện Tông Tòa phải ra lệnh tuyển chọn kỹ lưỡng.
Còn ở Địa Phận Đông Đàng Ngoài, nơi Dòng Mến Thánh Giá không được các thừa sai Đa Minh ưu ái, khoảng năm 1777, còn năm cộng đoàn với 84 nữ tu; và cuối thế kỷ XVIII, còn ba cộng đoàn Kiên Lao, Trung Linh và Bùi Chu[22].
Tính chung cả Đàng Ngoài, con số nữ tu Mến Thánh Giá đã có lúc lên tới khoảng 1.000 người[23]. Còn ở Đàng Trong, có tám cộng đoàn với khoảng 200 nữ tu[24].

3. Dòng Mến Thánh Giá thế kỷ XIX

3.1 Tình hình chung
Bước sang thế kỷ XIX, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được tạm ổn trong ba thập niên đầu dưới thời Vua Gia Long; sau đó là thời kỳ bị bách hại tàn khốc kéo dài hơn 50 năm dưới các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, tiếp đến là phong trào Văn Thân và Cần Vương với chủ trương Bình Tây Sát Tả đã gây ra những tổn thất rất to lớn về nhân mạng và tài sản cho Giáo Hội[25]; vào thập niên cuối, Giáo Hội được bình yên và mở ra các triển vọng tươi sáng cho tương lai.
Trước năm 1844, cả Việt Nam chỉ có ba Địa Phận Đại Diện Tông Tòa: Tây Đàng Ngoài, Đông Đàng Ngoài và Đàng Trong. Trong thời kỳ gian khó nhất và bị bách hại ác liệt nhất, Giáo Hội Việt Nam vẫn có những tiến triển đáng kể, cụ thể là sự gia tăng con số các Địa Phận.
Ở Đàng Ngoài có các Địa Phận: Tây Đàng Ngoài (1679), Đông Đàng Ngoài (1679), Nam Đàng Ngoài (1846), Trung (1848), Bắc Đàng Ngoài (1883), và Thượng Bắc Kỳ (Đoài) (1895).
Ở Đàng Trong có các Địa Phận: Đông Đàng Trong (1844), Tây Đàng Trong (1844) và Bắc Đàng Trong (1850).
Cho đến thời kỳ này, Dòng Mến Thánh Giá đã hiện diện hầu như trên tất cả các Địa Phận tại Việt Nam.

3.2 Thống kê chung về Dòng Mến Thánh Giá
Vì các Địa Phận độc lập với nhau nên chúng ta không có được con số thống kê chung cho Giáo Hội Việt Nam. Riêng Dòng Mến Thánh Giá, chúng ta biết được con số nữ tu như sau:
- Năm 1838: Đông Đàng Ngoài có 21 Nhà Dòng với khoảng 400 nữ tu, nhưng phần lớn là nữ tu của Dòng Ba Đa Minh tại viện; Tây Đàng Ngoài có 40 Nhà Dòng; Ở Đàng Trong, 20 Nhà đã biến mất một phần dưới sự tàn phá của những kẻ bách hại[26].
- Năm 1850: dựa theo Niên Giám của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, linh mục Đinh Thực cho biết: có 72 Nhà Dòng với 1.600 nữ tu trong cả nước Việt Nam[27].
- Năm 1859: Linh mục Migne cung cấp số thống kê về các cộng đoàn và nữ tu Mến Thánh Giá trên khắp các Địa Phận của Việt Nam: “Ngày nay, các nữ tu Mến Thánh Giá gồm 72 cộng đoàn, với khoảng 1.680 nữ tu. Ở Đông Đàng Trong, có sáu cộng đoàn Mến Thánh Giá với khoảng 120 nữ tu; ở Tây Đàng Trong có sáu cộng đoàn với khoảng 160 nữ tu, và tại Bắc Đàng Trong có tám cộng đoàn với 300 nữ tu. Ở Tây Đàng Ngoài có 24 cộng đoàn với 509 nữ tu, ở Trung (Nam) Đàng Ngoài có 23 cộng đoàn và 556 nữ tu, và ở Đông Đàng Ngoài có một cộng đoàn với 37 nữ tu”[28].
Thực ra, điều quan trọng không phải là sự chính xác của số lượng các nhà hay con số các nữ tu, vì như chúng ta biết trong hoàn cảnh khó khăn và đầy bất trắc trong các thời kỳ bách hại, thì sự hợp tan của các cộng đoàn là điều dễ hiểu. Tan đó rồi lại hợp đó. Khi tan, các chị trở về nhà cha mẹ hay tìm nơi ẩn trốn; khi tạm yên, các chị lại tìm về bên nhau, gầy dựng lại cộng đoàn. Cơ sở của cộng đoàn chỉ là những căn nhà tranh vách đất thô sơ như bao nhà của dân quê nghèo khó, bỏ đi cũng chẳng mấy tiếc mà xây dựng lại cũng không mấy khó khăn.
Điều quan trọng là ơn gọi Mến Thánh Giá, đặc sủng Mến Thánh Giá từ khi được thành lập, không bao giờ biến mất hoàn toàn trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, các chị vẫn kiên trì trong ơn gọi của mình, ứng phó linh hoạt với hoàn cảnh. Do vậy, có thể nói rằng nữ tu Mến Thánh Giá luôn luôn hiện diện trên mảnh đất quê hương này.

3.3 Đời tu
Các nữ tu Mến Thánh Giá ít được học vì “người ta không có thói quen dạy cho trẻ nữ học đọc, học viết”, các chị sống không có nội vi, các Nhà độc lập với nhau tuy cùng theo một Bản Luật. Chứng từ của các thừa sai ghi nhận rằng các nữ tu Mến Thánh Giá “sống một cuộc đời rất vất vả, rất siêng năng và rất hãm mình [...]; giữ các nhân đức chính là khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, họ không thua kém gì các cộng đoàn nữ tu Châu Âu. Lại nữa, họ chỉ khấn đơn [...] từng năm một”[29]. Các chị đã “cảm hóa nhiều người bằng cuộc sống ngay lành”. Bên cạnh đó, các chị năng đi thăm viếng và an ủi những người đau yếu, dạy dỗ các phụ nữ dự tòng, tìm kiếm các trẻ em ngoại trong cơn nguy tử để tái sinh các em trong nước Thánh Tẩy[30].
Trong thời kỳ đạo Công Giáo bị bách hại, ngoài những công việc được kể trên, các nữ tu Mến Thánh Giá còn giúp các thừa sai có nơi trú ẩn; chuyển thư từ và đem lương thực cho các ngài. Khi cần, các chị đã tìm cách vào tận các nhà giam để thăm nuôi và động viên các tù nhân đức tin. Can đảm hơn, các chị còn đồng hành cùng các chứng nhân đức tin từ tòa án đến pháp trường. Chính vì lẽ đó, các chị là một trong các đối tượng bị truy bức một cách đặc biệt, đã có rất nhiều chị là nạn nhân của chính sách cấm đạo, và không ít chị đã hiến thân chịu chết vì đức tin.

4. Nữ tu Mến Thánh Giá trong cơn thử thách bách hại
Điểm lại những biến cố trong suốt chiều dài lịch sử Dòng Mến Thánh Giá mới thấy rằng, hầu như không lúc nào đời sống các nữ tu của Dòng vắng bóng Thánh Giá, nhất là trong thời bị bách hại.
Trong các thời kỳ Công Giáo bị cấm cách, đối tượng được triều đình và quan quân truy nã gay gắt là các Giám Mục và các thừa sai, kế đó là các linh mục người Việt, theo chủ trương “đánh rắn đập đầu”, nhưng các tín hữu nhiệt tình cũng chẳng được tha. Các nữ tu Mến Thánh Giá, vì là nữ giới nên có khi được châm chước, nhưng cũng là đối tượng bị truy lùng và nhà của các chị cũng bị triệt phá. Đến một lúc mà triều đình nhận thấy vai trò của nữ tu trong việc che giấu các thừa sai, các linh mục; nhà của các chị là nơi cất giấu các đồ đạo, và các chị lại là những người thông tin liên lạc cho những người phải lẩn trốn hay là người tiếp tế cho những kẻ phải tù đày, thì triều đình đã xếp các chị vào một loại đối tượng đặc biệt phải theo dõi. Quả vậy, chỉ dụ ngày 17/01/1859 của Vua Tự Đức đã nói đến việc phải truy lùng và bắt giam cả những phụ nữ mang thư từ và tin tức. Hơn một năm sau, trong chỉ dụ tháng 07/1860, các phụ nữ này được xác định rõ là những phụ nữ đồng thân, nghĩa là những phụ nữ khấn giữ đồng trinh, ám chỉ cụ thể các nữ tu Mến Thánh Giá, và truyền lệnh phải bắt giam những phụ nữ này[31]. Hậu quả, có nhiều nữ tu Mến Thánh Giá trở thành nạn nhân của các chính sách cấm đạo, và có nhiều chị phải tù tội hoặc đã hiến thân chịu chết vì đức tin.

4.1 Ở Đàng Ngoài
Ngay từ đầu thế kỷ XIX, trong năm 1800, chúng ta đã có được chứng từ về việc các nữ tu Mến Thánh Giá bị bắt vì đức tin, qua thư của thừa sai La Bissachère gửi cho thừa sai Chaumont và Blandin: “Trong số khoảng 50 phụ nữ bị dẫn tới quan, chỉ có hai nữ tu trẻ Mến Thánh Giá đã đồng ý bước qua Thánh Giá và chúng tôi đã đuổi ngay cả hai ra khỏi cộng đoàn, [...] tất cả các nữ tu và các phụ nữ có đạo khác đã làm cho cánh đàn ông phải xấu hổ vì lòng can trường của họ”[32].
Sau khi có lệnh cấm đạo của Vua Minh Mạng năm 1833, tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn cho các nữ tu.
  •  Trong thư ngày 29/03/1839, thừa sai Jeantet cho biết: . bốn nhà của các nữ tu bị phá huỷ. Các nữ tu đáng thương của chúng ta, sau khi mất hết ruộng, vườn, nhà cửa và hầu như tất cả những gì họ có, [...] mặc cho tình trạng đó, họ vẫn tuân giữ tu luật và tinh thần cộng đoàn”[33].
  •  Vào lễ Phục Sinh, ngày 11/04/1841, dưới thời tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh, bà Anê Lê Thị Thành và hai nữ tu Mến Thánh Giá là Anna Khiêm và Anê Thanh cùng bị bắt, bị đeo gông, bị tra khảo, bị thả rắn vào quần áo, nhưng cả ba luôn kiên vững trong đức tin. Tuy nhiên, do bị lừa nên hai chị Khiêm và Thanh đã in dấu tay lên tờ giấy chối đạo mà các chị không biết. Còn bà Anê Thành, sau đó, chết trong tù và được tôn phong Hiển Thánh[34].
- Tại Đông Đàng Ngoài, trong phúc trình ngày 23/04/1839, thừa sai Hermosilla cho biết: “Các cư sở của các thừa sai bị triệt hạ. Hai chủng viện, 22 tu viện của các nữ tu Dòng Ba Đa Minh, ba nhà của các nữ tu Mến Thánh Giá cùng chung một số phận”[35].

4.2 Ở Đàng Trong
So sánh với Đàng Ngoài, các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đàng Trong chịu nhiều thiệt hại hơn trong các thời kỳ bách hại đạo Công Giáo.
- Qua thừa sai Delamothe, trong thư ngày 14/01/1834, chúng ta được biết tình hình chung của các Nhà Dòng Mến Thánh Giá: “Có thể nói rằng nhà của các nữ tu đã bị phân tán hoàn toàn, các nữ tu về nhà cha mẹ. Tại những nơi có ba nhà, người ta phá bỏ đi hai, và tại những nơi có hai nhà, người ta phá bỏ đi một...”[36]. Tuy nhiên, vào những lúc cao trào của cuộc bách hại, tất cả các nhà này không còn nữa[37], 18 nhà nữ tu bị phân tán[38], bị phá đổ[39], có nhà bị san bình địa[40].
- Sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, sự bách hại càng gay gắt hơn. Chỉ trong ba năm, từ tháng 09/1859 đến tháng 06/1862, đạo Công Giáo Việt Nam đã trải qua một giai đoạn đau thương, với những tổn thất hết sức nặng nề về nhân mạng và tài sản. Trong đó, chỉ riêng Dòng Mến Thánh Giá “80 Tu Viện bị triệt phá với 2.000 nữ tu người Việt của chúng ta đã bị phân tán và khoảng 100 đã hiến mạng sống vì đức tin”[41].
- Số nữ tu nạn nhân chưa dừng lại đó, vì vào thời Văn Thân và Cần Vương, “khoảng 50% tổng số tín hữu của Địa Phận Đông Đàng Trong bị sát hại một cách thảm thương”, trong đó có “270 nữ tu bị thảm sát”[42].
Một tổng kết bi thương cho các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đông Đàng Trong được ghi lại: “Trước lúc xảy ra cuộc thảm sát năm 1885, ở Địa Phận Đông Đàng Trong có 12 cộng đoàn với 442 nữ tu; sau các cuộc tàn sát năm 1885, chỉ còn ba cộng đoàn: một ở Trà Kiệu và hai ở Qui Nhơn, tổng cộng 120 nữ tu”[43]. Như vậy, có đến chín cộng đoàn đã bị triệt phá và 322 nữ tu đã bị sát hại hoặc chạy trốn.

5. Nữ Tu Mến Thánh Giá: Chứng nhân đức tin
Như đã trình bày trên đây, rất nhiều nữ tu Mến Thánh Giá đã chấp nhận tù tội, gông cùm, tra tấn, để trung thành với đức tin Kitô Giáo. Tuy thế, chỉ có một số ít trường hợp được ghi vào sổ sách. Sau đây, xin được nêu lên một số trường hợp điển hình mà các nữ tu Mến Thánh Giá đã chung phần tô điểm thêm cho bức tranh chứng nhân đức tin của Giáo Hội Việt Nam.

5.1 Tại Đàng Ngoài: Bà Paula
Bà Paula có thể là một trong hai nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi tại Đàng Ngoài, được đặt làm “Bà Mụ Cả” của một Nhà Mến Thánh Giá (có thể là Nhà Kiên Lao) từ khi Nhà này được thành lập. Bà bị bắt và bị giải lên tận Phố Hiến vào một ngày trong tháng 06/1686. Tuy bị tra khảo nhiều lần, bà không tỏ vẻ sợ hãi nhưng luôn ứng xử rất can đảm. Quan đã ra lệnh cho lính đánh bà 30 roi và đốt tất cả sách vở và đồ dùng trong việc đạo được tìm thấy trên chiếc thuyền mà bà Paula tự nhận là của mình, để những người có liên quan không bị bách hại[44].

5.2 Tại Đàng Trong
Các nữ tu Mến Thánh Giá Thợ Đúc-Huế
Cuộc nội chiến giữa Nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn gây biết bao tang thương cho người dân Việt. Song song đó, việc bách hại đạo vẫn tiếp tục xảy ra. Các nữ tu Mến Thánh Giá vẫn là mục tiêu của các cuộc truy lùng và phân tán[45]. Năm 1795, tình hình trở nên gắt gao hơn, tại Tu Viện Mến Thánh Giá Thợ Đúc-Huế, các chị bị bắt, bị canh giữ, bị đánh đập một cách tàn nhẫn vì đã che giấu cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu[46]. Trong số đó, có Bà Bề Trên Thục[47], 72 tuổi, và 10 chị em trẻ bị trói, bị đem về đồn Phú Xuân. Nhờ thân nhân lo lót tiền cho lính canh, nên sau năm ngày bị canh giữ, các chị được tha và bị đuổi ra khỏi Tu Viện với vỏn vẹn y phục trên mình. Toàn bộ tài sản của các chị bị tịch thu, nhà cửa thì bị phá bình địa.
Nữ Tu Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu[48]
Khi nói về nữ tu Mến Thánh Giá, chứng nhân đức tin can trường và anh dũng trong thời gian đạo Công Giáo bị bách hại khốc liệt thời Vua Minh Mạng, không thể không nhắc đến chị Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu, một nữ tu Mến Thánh Giá trẻ trung và kiên cường, thuộc Tu Viện Nhu Lý-Huế. Đêm 12 rạng ngày 13/04/1839, chị Maria Mađalêna Hậu đã bị bắt cùng với cha Delamotte Y và một số người khác trên thuyền khi đang đi trốn. Chị bị giải về nhà tù Trấn Phủ, Huế. Tại đây, chị bị đưa ra tra khảo, chịu nhiều đòn vọt và nhiều trò tra tấn dã man. Dù rất đau đớn và sợ hãi, nhưng chị vẫn can trường, kiên trung trong đức tin. Chị bị kết án làm nô tỳ, rồi đổi thành lưu đày. Đầu năm 1841, sau khi được giáo dân giải cứu và lén đưa về Tu Viện Mến Thánh Giá Phủ Cam-Huế, chị trở bệnh nặng và đã bình an đi về Nhà Cha ngày 20/01/1841, lúc mới 27 tuổi. Chị Maria Mađalêna Hậu đã được công nhận là chết vì đạo, vì chị đã chết do hậu quả những cực hình phải chịu trong tù vì đức tin[49].
Hai nữ tu Anê Soạn và Anna Trị[50]
Khi chiếu chỉ Phân Tháp[51] của Vua Tự Đức được ban hành[52], người Công Giáo bị phân tán hoặc phải lẩn trốn khắp nơi. Các nữ tu Mến Thánh Giá không chỉ bị cô lập trong làng, mà còn bị nghiêm cấm không cho đi lại để ngăn ngừa việc đưa thư cho các thừa sai từ tỉnh này sang tỉnh khác[53]. Nhiều chị đã chịu chết vì Danh Chúa Kitô, nhất là vào những năm 1860-1862. Trong số đó, có hai nữ tu Anê Soạn và Anna Trị, cùng bị bắt ở Nhà Phước Bình Thuận. Dù là chốn lao tù, hay nhục hình, bao tra tấn, gông cùm, đòn roi, cũng không khuất phục được hai chị giẫm đạp lên Thánh Giá. Ít lâu sau đó, khi bản án từ triều đình gửi về, hai chị cùng bị xử giảo với 12 vị tử đạo khác tại Phan Rí, năm 1862.
Bà Nhất Matta Lành và nữ tu Ysave Ngọ[54]
Lịch sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn cũng ghi nhận hai chứng nhân đức tin đã từng bị bắt bớ, tra tấn và tù tội trong thời cấm cách, đó là Bà Nhất Matta Lành và chị Ysave Ngọ. Ngày 09/12/1858, binh lính ập vào Nhà Phước Cái Mơn, bà Matta Lành và chị Ysave Ngọ bị bắt cùng với một vài kỳ hào bên cạnh Nhà Phước, vì bị phát hiện đang cất giấu các đồ đạo. Tất cả bị đeo gông và bị giải về nhà giam Vĩnh Long. Hơn ba năm trong chốn lao tù, bà Matta và chị Ysave phải chịu nhiều tra tấn, đòn vọt, đến độ da thịt bị rách nát, với những vết thương hằn sâu. Mang trên mình sự đau đớn khó có thể diễn tả hết thành lời, thế mà Bà Nhất Matta còn chinh phục được nhiều tù nhân trở lại đạo Chúa. Ngày 28/03/1862, khi thành Vĩnh Long thất thủ, quân Pháp tràn vào phá cửa ngục, bà Matta và chị Ysave được trả tự do cùng với các tù nhân khác. Tuy không được phúc đón nhận cành thiên tuế tử đạo, nhưng hậu quả của những tra tấn, đòn roi đã để lại thương tật nơi thân thể mà bà Matta và chị Ysave phải mang suốt đời, đã nói lên sự kiên trung và là một dấu chứng về sự can trường của những chứng nhân đức tin, sẵn sàng hiến tế thân mình vì Đức Kitô.

 
5.3 Các cuộc tàn sát dưới thời Văn Thân và Cần Vương
Cuộc tàn sát các Kitô hữu càng trở nên khốc liệt, dã man hơn trong thời Văn Thân và Cần Vương. Nhất là, trong Năm Kinh Hoàng từ tháng 07/1885 đến tháng 07/1886, khắp 12 tỉnh thành miền Bắc, Trung, Nam xứ Việt, biết bao tín hữu, trong đó có ba nữ tu Maria Hồi, Anna Nhiên, Matta Mến thuộc Nhà Phước Mến Thánh Giá Lưu Mỹ[55] và hàng trăm nữ tu Mến Thánh Giá vô danh khác đã dùng máu đào để minh chứng niềm tin của mình[56].
Riêng Đàng Trong, có khoảng 270 nữ tu bị sát hại vì đức tin tại Qui Nhơn, và khoảng 60 chị Mến Thánh Giá Nhu Lý bị thiêu sống với giáo dân trong nhà thờ Dương Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị[57].
Một cuộc tàn sát man rợ xảy ra ở Tu Viện Mến Thánh Giá Phú Hoà, Quảng Ngãi: có 40 nữ tu bị lột quần áo và bị tàn sát ngay dưới mắt cha Louis Guégan. Ngay sau đó, cha cũng bị tra tấn và hành quyết[58].
Trên đây chỉ là một vài sự kiện điển hình. Còn những cuộc tàn sát tập thể cùng với giáo dân xảy ra nhiều nơi khác như Trí Bưu - Quảng Trị, Gia Hựu - Bình Định, Phương Chuối - Quảng Ngãi... Thật đáng tiếc, hầu hết những cái chết can trường của các chị không được sử liệu ghi lại một cách đầy đủ.
 
5.4 Thời kỳ kháng chiến (1945-1954)
Năm 1945, đất nước đang trong bom đạn chiến tranh thì quân đội Nhật lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp tại Việt Nam, sau đó đầu hàng Đồng Minh, rồi nhiều phong trào cách mạng nổi dậy, làm cho tình hình lại càng trở nên bất ổn, gây nhiều tang thương và chết chóc hơn.
Trong thời gian này, Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đã hy sinh hai nữ tu là chị em ruột, Maria Nguyễn Thị Nương và Catarina Nguyễn Thị Trượng. Gắn bó cuộc sống của mình với người dân Cái Bèo chân lấm tay bùn từ tháng 02/1943 đến ngày 23/09/1946, hai chị đã san sẻ với họ những vất vả, những khó khăn thiếu thốn trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Mặc cho tình cảnh nguy hiểm và khắc nghiệt, hai chị vẫn trung thành với sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá và kiên vững cho đến cùng trong niềm tin Kitô Giáo.
Ngày 23/09/1946, hai chị Maria Nương và Catarina Trượng bị bắt với tội danh nấu cơm cho linh mục sở tại, người bị coi là Việt gian. Họ đem hai chị vào nhà làng tra khảo, rồi giải ra chân cầu xử bắn. Chị Nương chết ngay bởi loạt đạn đầu tiên. Bị thêm lưỡi lê đâm vào bụng, chị Trượng chịu sự đau đớn kéo dài đến khoảng 7 giờ tối hôm đó mới trút hơi thở cuối cùng[59].

5.5 Hai Chân Phước Mến Thánh Giá Tử Đạo Thái Lan[60]
Thái Lan, phần đất được xem là nơi được tự do tôn giáo, nhất là thời Đức Cha Pierre Lambert de la Motte. Chính vì thế mà khi các Giám Mục Đại Diện Tông Tòa và các thừa sai được gửi đến vùng Viễn Đông thì Thái Lan luôn là điểm dừng chân an toàn, vì vùng truyền giáo thuộc thẩm quyền các ngài đang trong tình trạng đạo bị cấm cách và bắt bớ.
Thế nhưng, những thời kỳ sau Đức Cha Lambert[61], và cả vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, đạo Công Giáo cũng bị đàn áp tại Thái Lan, nhiều vị thừa sai bị bắt bớ, tù đày, tra tấn và trục xuất; nhiều Kitô hữu, trong đó có các nữ tu Mến Thánh Giá bị tù tội hoặc phải trốn tránh.
Hai nữ tu Mến Thánh Giá là Agnès Phila Thipsuc và Lucia Khambang Sikhampong[62] được sai đến phục vụ tại nhà thờ Đức Mẹ Cứu Chuộc Nô Lệ thuộc Songkhon, hiện nay thuộc Tổng Giáo Phận Tharae-Nongsaeng,Thái Lan.
Năm 1940, ở Thái Lan, cuộc bách hại đạo Công Giáo lan đến nhiều nơi. Tại giáo xứ Songkhon, sau khi cha sở bị trục xuất và một giáo lý viên là anh Philip Siphong bị bắn chết vì đức tin, hai nữ tu Agnès và Lucia trở thành trụ cột cho giáo dân, với trách nhiệm dẫn dắt, trấn an, chăm sóc cho cộng đoàn Công Giáo và điều hành ngôi trường làng, dù bị nghiêm cấm và đe dọa. Cuối cùng, vì từ chối mệnh lệnh phải loại bỏ Danh Thiên Chúa, không được giảng dạy về Chúa Giêsu, hai nữ tu cùng với bốn phụ nữ khác đã bị cảnh sát đem ra nghĩa trang xử bắn ngày 26/12/1940 tại Songkhon.
Ngay sau khi tự do tôn giáo trở lại trên đất Thái Lan, các Đấng Bản Quyền địa phương bắt đầu lập hồ sơ xin tuyên thánh cho bảy anh hùng tử đạo Thái Lan. Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày 22/10/1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước cho bảy vị tử đạo Thái Lan trong đó có hai nữ tu Mến Thánh Giá là Agnès Phila Thipsuc và Lucia Khambang Sikhampong.
Qua dòng lịch sử trải dài trong suốt thế kỷ XVIII-XIX, các nữ tu Mến Thánh Giá đã được các Đấng Bản Quyền xem là “phần tốt nhất của đoàn chiên” và là “một trong những trang sức xinh đẹp nhất của Đạo Công Giáo”[63]. Sự hiện diện và hoạt động của các chị đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là trong những lúc khốn cùng nhất của thời kỳ đạo bị bách hại. Đời sống phục vụ lẫn tinh thần tu trì của các chị Mến Thánh Giá đã được xây nên bằng máu, nước mắt và đức hạnh. Nền móng các chị xây dựng vẫn còn vững bền cho đến hôm nay và chắc chắn đến tận mai sau. Các chị luôn là niềm tự hào của các thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá.
 
Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN số 116 (Tháng 1 & 2, năm 2020) 
 

[1] X. Vũ Thành, Giòng Máu Anh Hùng - Lịch Sử Những Cuộc Bách Hại Đạo Công Giáo Trong Thế Kỷ XVII – XVIII, tập I, Hoa Kỳ, 1987.
[2] Cf. M. Gispert, Historia de las Missiones Dominicanas en Tungkin, Avila, 1928, pp.189-191.
[3] Cf. L. E. Louvet, La Cochinchine religieuse, tome I, Paris, Ernest Leroux, p.341.
[4] X. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, Tp.HCM, nxb Tôn Giáo, 2008, tr.267.
[5] Cf. AMEP, vol. 685, pp.230-232.
[6] Néez, Documents historiques sur le clergé Tonkinois aux XVIIe et VIIIe siècles, Paris, Téqui, 1925, p.237.
[7] Cf. AMEP, vol 690, p.464.
[8] Nouvelles Lettres Édifiantes des Missions de la Chine et des Indes Orientales (NLE), Paris, Le Cler, 1821, vol. VI, p.273.
[9] Cf. AMEP, vol. 692, p.595.
 
[10] Cf. Ibib., p.811.
[11] Cf. Ibib., vol. 701, p.102.
[12] Cf. A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin: Documents Historiques I,Paris, Téqui, 1894, pp.462-463.
[13] Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh Trên Đất Việt, Sài Gòn, 1993, tr.64-65.
[14] Cha Adriano còn được gọi là Cụ Chính Tri, đã bị cha Campos, Bề Trên các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Ngoài, với tư cách là thẩm phán thừa ủy của các cha Đa Minh, ra vạ tuyệt thông cuối năm 1758, nhưng vạ này bị Tòa Thánh bác bỏ năm 1761, điều này chứng tỏ các chị Mến Thánh Giá đã hành động đúng.
[15] X. Kỷ Yếu Giáo Phận Bùi Chu, 1533-1999, tr.69.
[16] X. Đào Quang Toản, Cái Nôi Dòng Mến Thánh Giá, Lịch Sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao-Bùi Chu, 2017, tr.126-136.
[17] X. nt., tr.140.
[18] X. Đinh Thực, Les Soeurs Amantes de la Croix au Vietnam - Các Nữ Tu Mến Thánh Giá Tại Việt Nam, Sài Gòn, 1994, tr.151.
[19] Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2017, tr.259.
[20] X. Đinh Thực, sđd., tr.65-66.
[21] A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome II, Paris, Téqui, 1923, p.401.
 
[22] Gispert, Historia de las Missiones Dominicanas en Tungkin, Avila, 1928, p.287.
[23] Cf. AMEP, vol. 701, p.102; x. Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.192-283.
[24] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome III,op.cit., p.275.
[25] Cf. Compte Rendu des Travaux du Séminaire des Missions Étrangères de Paris (CRTSMEP),1886.
 
[26] Cf. APF, Acta CP, vol. 12, 1838, pp.121-122.
[27] X. Đinh Thực, sđd., tr.99.
[28] Abbé Migne, “Religieuses annamites des Amantes de la Croix”, dans Dictionnaire des Ordres religieux, tome IV, Paris, Éditeur Migne, 1859, col. 94-95.
[29] Cf, AMEP, vol. 749, p.222.
[30] Cf. Ibib., vol. 693, pp.1059-1060.
[31] X. Đại Nam Thực Lục, tập 115, tr.232-235.
[32] AMEP, vol. 693, p.318.
[33] Ibib., vol. 701, p.1269.
[34] X. Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.85.
[35] APF, vol. 12, pp.397-398.
[36] Ibid., vol. 1259, p.138A.
[37] Cf. Archives des Oeuvres Pontificales Missionnaires (AOPM), vol. E-80, p.E13651.
[38] Cf. AMEP, vol. 805, p.182.
[39] Cf. Ibib.,vol. 748, p.688.
[40] Cf. Ibib.,vol. 748, p.819.
[41] L. E. Louvet, La Cochinchine religieuse, tome II, op,cit., p.295.
[42] Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.285.
[43] Trương Bá Cần, tập II, sđd., tr.382.
[44] X. Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.78.
[45]Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome III, op.cit.,p.271.
[46] Cha Emmanuel Triệu đã được phúc tử đạo ngày 17/09/1798, được tuyên phong Hiển Thánh ngày 19/06/1988 (x. Nguyễn Văn Ngọc, Lịch Sử Các Phước Viện Chị Em Mến Thánh Giá Địa Phận Huế, 1970, tr.17).
[47] Theo Lịch sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, thì bà Bề Trên này tên là Thục, nhưng theo A. Launay, thì Bà tên là “Thoc” (cf.A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome III, op.cit., p.253).
[48] Những chi tiết về chị Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu được trích trong Đào Quang Toản, Nữ Tu Nguyễn Thị Hậu (1814-1841), lưu hành nội bộ, Toulouse, 2000.
[49] X. Nguyễn Văn Ngọc, sđd., tr.28.
[50] Những chi tiết về hai chị Anê Soạn và Anna Trị được trích trong Đào Quang Toản, Cha Durand và Dòng Mến Thánh Giá - Anê Soạn Và Anna Trị, sđd., tr.13-27; 123-126.
[51] Chiếu chỉ Phân Tháp do Vua Tự Đức ban hành năm 1860, theo đó: tất cả người Công Giáo buộc phải bỏ quê quán đến tháp nhập vào các làng lương dân, năm người lương canh giữ một người Công Giáo, các làng Công Giáo bị phá huỷ, tài sản phải chia cho những người lương, gia đình phải phân tán mỗi người một nơi, trước khi đi phải khắc vào má phải 2 chữ “Tả Đạo”, khắc vào má trái tên tổng và huyện họ phải đày tới để họ không thể trốn đi.
[52] X. Cao Thế Dung, Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, tập III, Dân Chúa, 2005, tr.1980.
[53] Nt., tr.1956.1960.
[54] X. Đào Quang Toản, Cha Durand Và Dòng Mến Thánh Giá - Anê Soạn Và Anna Trị, sđd., tr.45-48.
[55] Theo sử liệu của giáo xứ Lưu Mỹ, Giáo Phận Vinh.
[56] X. Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.145.
[57] X. Jabouille, Một Trang Huyết Lệ Tỉnh Quảng Trị, Trung Hòa, Hà Nội, 1941.
[58] X. Đào Quang Toản, Cha Durand Và Dòng Mến Thánh Giá - Anê Soạn Và Anna Trị, sđd., tr.64.
[59] Theo sử liệu Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.
[60] Theo tài liệu của The Finance Committee of the Seven Blessed Martyrs of Thai.
[61] Năm 1688, cuộc cách mạng xảy ra, Vua mới là Pra Petracha, có thái độ chống Pháp nên ra lệnh bách hại đạo Công Giáo tại Thái Lan (x. F. F. Buzelin, Tìm Về Nguồn Gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, sđd.,tr.353-354).
[62] Hai nữ tu này là người Thái Lan, gia nhập Dòng Mến Thánh Giá Xieng Wang, Lào, được sai đến phục vụ tại một cộng đoàn ở Thái Lan.
[63] Đinh Thực,sđd., tr.85-86.
350 NĂM DÒNG MẾN THÁNH GIÁ


Bài 4: CÔNG CUỘC CANH TÂN DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XX

WHĐ, 21-05-2020 – Bước sang thế kỷ XX, thế giới có nhiều biến động do chiến cuộc. Trước hết là Thế Chiến I, rồi Thế Chiến II, hầu như toàn nhân loại bị cuốn vào bánh xe của lịch sử chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận, thế giới cũng được thay đổi bởi những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật. Tại Việt Nam, đất nước và con người cũng bước vào bối cảnh chung của toàn cầu.

Từ thập niên cuối thế kỷ XIX, một sức sống mới bừng lên trong Giáo Hội Việt Nam, diện mạo Dòng Mến Thánh Giá cũng được thay đổi.

1. Canh tân trong từng giai đoạn

Trước khi đi vào chi tiết của công cuộc canh tân toàn diện Dòng Mến Thánh Giá trong thế kỷ XX, thiết tưởng cũng nên nhắc lại tâm huyết và công sức của các Đấng Bản Quyền dành cho việc canh tân từng giai đoạn trong hơn hai thế kỷ trước.

1.1 Thế kỷ XVII-XIX

* Luật lệ - Lời Khấn

Sau bản Luật Tiên Khởi của Dòng Mến Thánh Giá, các Đấng Bản Quyền kế nhiệm đã có những sửa đổi, bổ sung để Bản Luật được phù hợp hơn với từng bối cảnh. Trước hết là lời Khuyên Người Nhà Mụ của Đức Cha Benjamin Longer Gia, Đại Diện Tông Tòa Tây Đàng Ngoài, năm 1792[1]. Kế đến là Công Nghị Kẻ Vĩnh năm 1795, ra thêm 11 Phép Cho Dòng Mến Câu Rút mà trọng tâm là việc tiếp xúc với phái nam, cách riêng với những người “Nhà Đức Chúa Trời”[2]. Trước năm 1850, sách Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu do Carôlô Cao ký tên, chép tay, bằng chữ Quốc Ngữ, gồm 26 đoạn, quảng diễn Luật Tiên Khởi một cách tỉ mỉ, rõ ràng những điều chị em Mến Thánh Giá phải giữ.

Tại Đàng Trong, Đức Cha Jean Labartette (1799-1823) tìm cách gầy dựng lại Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong và cải cách đôi điều về luật khổ chế để thích ứng hơn với con người và thời đại. Đây là một thay đổi, do thẩm quyền Giám Mục Địa Phận, quan trọng và chính thức nhất từ khi Dòng Mến Thánh Giá được thành lập[3].

Năm 1864, cha Charles Gernot Quý bắt đầu cải tổ bốn Nhà Dòng Mến Thánh Giá tại Tây Đàng Trong: Cái Mơn, Cái Nhum, Thủ Thiêm và Chợ Quán. Đây là cuộc cải tổ lớn thứ hai, tuy vậy, vẫn chưa hoàn chỉnh vì chỉ có lời khấn tạm[4]. Khởi đầu là việc tuyển người vào Tập Viện qua nghi thức gia nhập được cử hành trong Thánh Lễ: cắt tóc, mặc tu phục, đội lúp và đeo ảnh Thánh Giá. Chị em Mến Thánh Giá dần dần có lời khấn, đầu tiên là Cái Mơn năm 1864, tiếp đến là Cái Nhum năm 1876, Thủ Thiêm năm 1885, và Chợ Quán năm 1925[5].

Tuy nhiên, trước Bộ Giáo Luật năm 1917, các chị Mến Thánh Giá chưa được nhìn nhận là nữ tu thực thụ theo Giáo Luật, vì các chị không có lời khấn trọng và luật nội vi[6], nhưng các Đấng Bản Quyền vẫn quan tâm hướng dẫn, bổ sung lề luật để các chị có được đời sống tu trì như các nữ tu khác trong Giáo Hội.

* Được nhìn nhận là nữ tu theo Giáo Luật

Vào cuối thế kỷ XIX, khi những cơn bắt đạo khủng khiếp sắp chấm dứt, cũng là lúc Tòa Thánh, qua sắc lệnh Ecclesia Christi ban hành ngày 11/08/1889, và Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, qua tự sắc Conditae a Christo ban hành ngày 08/12/1900, nhìn nhận những người trong các dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng, khấn ba lời khấn đơn, dù khấn tạm hay khấn vĩnh viễn, là đủ để trở thành tu sĩ theo Giáo Luật. Nhưng phải đợi đến Bộ Giáo Luật năm 1917 điều 673, những người khấn đơn trong các Dòng thuộc quyền Giám Mục Địa Phận mới được nhìn nhận là tu sĩ thực thụ[7].

1.2 Thế kỷ XX

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, luật Dòng Mến Thánh Giá được quy định cụ thể và chi tiết hơn.

* Tại Đàng Ngoài

Năm 1900, Công Nghị Kẻ Sặt quy định 14 điều cho Dòng Mến Thánh Giá, theo đó thiếu nữ 15 tuổi mới được nhận vào Dòng, nữ tu trên 40 tuổi mới được đi làm việc tông đồ ngoài đời. Riêng về tu phục, Công Nghị dạy phải mặc áo màu đen hay màu nâu khiêm nhường, đơn sơ “chẳng pha sự gì điệu dáng phần đời” (Điều 10)[8].

Năm 1907, bản Luật Phép Nhà Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu bằng chữ quốc ngữ, được tái bản tại nhà in Kẻ Sở.
Năm 1912, Công Nghị Kẻ Sở quy định 17 điều luật cho các Nhà Dòng Mến Thánh Giá, trong đó các vị Đại Diện Tông Tòa ấn định tu phục cho các chị: một bộ áo dòng dành riêng với một khăn lúp rộng. Các chị mặc tu phục khi vào nhà thờ và các dịp lễ[9].

Năm 1916, Đức Cha Alexandre Marcou Thành ấn định tu phục cho các chị Mến Thánh Giá Phát Diệm[10], và năm 1917, ngài viết Sách Dạy Làm Nên Những Việc Bậc Mình.

* Tại Đàng Trong

Năm 1905, Đức Giám Mục Grangeon Mẫn cho in Bản Luật Các Nhà Phước Địa Phận Bình Định, tại nhà in Làng Sông, trong đó chỉ có một câu nhắc đến Đức Cha Lambert, còn nội dung hoàn toàn khác so với bản luật năm 1670[11].

1.3 Sau Bộ Giáo Luật năm 1917

* Tại Đàng Ngoài

Năm 1924, Đức Cha Louis de Cooman Hành cho xuất bản quyển Luật Phép Nhà Dòng Nữ Khấn ĐơnSách Luật Phép Nhà Dòng Mến Câu Rút Địa Phận Thanh in tại Hongkong. Đây là bản luật chính thức thời cải tổ, theo tinh thần của Bộ Giáo Luật năm 1917. Bản luật này đã đem lại nhiều hoa trái dồi dào cho Dòng Mến Thánh Giá và rất quan trọng trong việc cải tổ Dòng Mến Thánh Giá cho đến Công Đồng Vatican II[12]. Ngày 02/02/1925, tại Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm có 61 chị khấn lần đầu theo Giáo Luật[13]. Đây là hoa quả đầu mùa của việc cải tổ ở Đàng Ngoài.

Tiếp theo biến cố trên là chỉ thị của Công Đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm 1934, có bảy điều, từ 104-110, dành cho Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh tại viện. Sau đây là một vài điều quan trọng:

“Điều 105: Thời gian đã thay đổi, Giáo Hội lại được bình an, cho nên Tòa Thánh mong ước các cộng đoàn này có đời sống theo Luật Dòng với việc tuyên khấn như chính Đấng Sáng Lập Dòng các chị em Mến Thánh Giá đã tiên liệu.

Điều 106: Công Đồng ca ngợi các Đấng Bản Quyền đã thành công trong việc canh tân. Đồng thời ước mong các Đấng khác cũng cố gắng thiết lập cho thành Dòng Địa Phận, có Nhà Tập và lời Khấn Tạm trước rồi Khấn Trọn sau theo đúng Giáo Luật”[14].

Sau Công Đồng, các Đấng Bản Quyền Địa Phận lần lượt cải tổ các Nhà Dòng Mến Thánh Giá thuộc quyền, bằng cách hợp nhất các Nhà thành một Dòng Địa Phận, qua các giai đoạn Tập Viện, Khấn Tạm rồi Khấn Trọn Đời.

* Tại Đàng Trong

Năm 1925, Đức Cha Isidore Dumortier Đượm cho in Sách Lề Luật Nhà Dòng Chị Em Mến Thánh Giá, tại Tân Định. Sách Luật này có nhiều điều khác với những luật trước và có một số điểm được canh tân cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Việc khổ chế và đánh tội thì nhẹ nhàng hơn. Việc giáo dục các thiếu nữ lương cũng như giáo là bổn phận chính theo sự chỉ định của Đức Cha Lambert, nơi nào không dạy học, thì các chị coi sóc những thiếu niên[15]. Để được khấn dòng, ứng sinh phải qua thời gian Thử và Tập Viện theo sự chỉ dẫn của Giáo Luật năm 1917.

Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước, dẫn đến cuộc di cư vĩ đại làm cho nhân sự Dòng Mến Thánh Giá thay đổi nghịch chiều. Hầu hết nữ tu của các Dòng Mến Thánh Giá: Phát Diệm, Hà Nội, Thánh Hoá, Bùi Chu... di cư vào miền Nam, chỉ còn một số nhỏ ở lại trông coi nhà.

2. Canh tân đồng bộ và toàn diện

2.1 Sau Công Đồng Vatican II (1962-1965):

Canh tân đồng bộ

Cùng với Sắc lệnh Perfectae Caritatis ban hành ngày 28/10/1965, các Hội Dòng lần lượt canh tân theo chỉ thị của Công Đồng. Tại miền Bắc, vì chiến tranh, các Nhà Dòng Mến Thánh Giá chưa tiếp cận được với đường hướng mới của Giáo Hội, tuy nhiên các chị vẫn cố gắng duy trì và sống tinh thần Dòng. Tại miền Nam, các Nhà Dòng Mến Thánh Giá dần dần thành lập Ban Tu Chính Hiến Pháp, nhưng vẫn còn giới hạn trong từng Hội Dòng hoặc từng Địa Phận.

* Kỷ niệm 300 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá trên đất Việt

Tại miền Nam, năm 1970, mười năm sau khi Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập, quý Bề Trên của 14 Nhà Dòng Mến Thánh Giá, đã tổ chức mừng kỷ niệm ba thế kỷ ngày thành lập. Trong tâm tình tạ ơn về chặng đường dài của 300 năm qua và để chuẩn bị đại lễ, chị em nỗ lực đóng góp phần mình: bằng kinh nguyện với những hy sinh âm thầm, cùng các hình thức bên ngoài như các tiết mục văn nghệ, triển lãm hình ảnh sinh hoạt của Dòng qua thời gian. Đại lễ được diễn ra ba ngày, từ ngày 16 đến ngày 18/06/1970, tại Nhà Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, với sự hiện diện của 14 Nhà Dòng Mến Thánh Giá trong 12 Giáo Phận của Tổng Giáo Phận Huế và Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Tại miền Bắc, các chị không thể quy tụ để có những sinh hoạt chung trong ngày Đại lễ; tuy nhiên, tùy hoàn cảnh, một số Nhà Dòng vẫn có những hình thức mừng lễ riêng.

Biến cố mừng kỷ niệm 300 năm thành lập (1670-1970) là một cơ hội thuận lợi cho Dòng Mến Thánh Giá tìm về nguồn cội để canh tân.

* Những đường hướng canh tân

Nhằm canh tân đời sống tu trì và hoạt động tông đồ, Dòng Mến Thánh Giá lên chương trình thực hiện hai đề xuất của Công Đồng Vatican II: Thống nhất tinh thần Dòng vì có chung một Đấng Sáng Lập[16] và thiết lập một Học Viện chung để hỗ trợ nhau trong việc huấn luyện[17].

Để thực hiện, Bề Trên các Nhà Dòng Mến Thánh Giá đôn đốc chị em học tập về Đức Cha Pierre Lambert, Đấng Sáng Lập. Song song với việc học tập, Học Viện chung Mến Thánh Giá được khởi công xây dựng tại Thị Nghè vào năm 1972, với sự giúp đỡ tận tình của cha Giáo sư Luca Trần Văn Huy[18]. Đồng thời, những cuộc gặp gỡ định kỳ của các Bề Trên được tổ chức hằng năm, nhằm xúc tiến công cuộc canh tân và thắt chặt tình huynh đệ trong đời sống tu trì. Để nâng cao kiến thức, một số chị em được theo học những khóa Thần Học Giáo Dân hai năm vào các ngày Chúa Nhật, tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Sài Gòn; và một số chị em được gởi đi tu học ở nước ngoài. Tinh thần tu trì được nâng cao song song với đà tiến của một xã hội đang phát triển.

Những đường hướng trên đang hứa hẹn một thành quả tốt đẹp, thì biến cố ngày 30/04/1975 xảy đến, tất cả đều dừng lại. Trước viễn cảnh mới của đất nước, nữ tu các Nhà Dòng Mến Thánh Giá cùng dò dẫm để hội nhập.

2.2 Trở về nguồn - Canh Tân đồng bộ và toàn diện

* Sự hình thành Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá[19]

Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, hằng thao thức cho Dòng Mến Thánh Giá thuộc quyền của ngài được canh tân theo đường hướng của Công Đồng Vatican II. Thao thức ấy lại gặp được một tấm lòng nhiệt thành yêu mến Giáo Hội nói chung, và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, trong nguyện ước canh tân Dòng Mến Thánh Giá nơi cha Phi Khanh Vương Đình Khởi[20]. Hai tư tưởng trên gặp nhau và đưa đến cuộc họp quan trọng ngày 25/08/1985, tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn do Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ toạ, có cha Phi Khanh Vương Đình Khởi và một số vị hữu trách Dòng Mến Thánh Giá. Đức Tổng Giám Mục đặt tên cho những người hiện hiện trong buổi họp là “Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá”, và đặt cha Phi Khanh làm Cố Vấn cho Nhóm. Kể từ đó, Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá trong Giáo Phận Sài Gòn cùng làm việc chung với nhau[21] với sự đồng hành của Đức Tổng Giám Mục Phaolô.

* Hoa trái của sự hiệp nhất

- Giai đoạn I

Năm 1986, tập Tiểu Sử và Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte được hoàn thành, từ nguồn tài liệu của hai sử gia Adrien Launay và Jean Guennou thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris;

Năm 1987, Nhóm soạn tập Linh Đạo Lâm Bích, với ba nội dung chính: (1) Đức Cha Lambert trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII; (2) Ba chiều kích căn bản của Linh Đạo Lâm Bích: Chiêm niệm, Khổ chế và Tông đồ; (3) Sự nghiệp của Đức Cha Lambert và chân tính Dòng Mến Thánh Giá.

- Giai đoạn II

Soạn dự thảo Hiến Chương: Năm 1987, Nhóm bắt đầu soạn dự thảo Hiến Chương, dựa trên hai nguồn tài liệu chính là Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội, cùng với kiến thức thu thập được sau đợt học hỏi Giáo Luật về những quy định cho đời sống thánh hiến, và từ những di sản tinh thần của Đấng Sáng Lập. Thời gian này, Nhóm có thêm một số Hội Dòng ngoài Giáo Phận Sài Gòn tham gia làm việc chung: Các Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, Phan Thiết, Tân Bình- Nha Trang, Cái Nhum...

Phê chuẩn Hiến Chương thử nghiệm: Ngày 27/02/1990, áp Lễ Tro, kỷ niệm 320 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá trên đất Việt, tại hội trường Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình long trọng phê chuẩn Hiến Chương thử nghiệm chung cho Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Giáo Phận của ngài, để thử nghiệm trong bốn năm[22].

Thường huấn hằng năm: Từ năm 1990, song song với việc sưu tầm sử liệu, theo sự gợi ý của cha Cố Vấn cùng với sự khích lệ và phép lành của Đức Tổng Giám Mục Phaolô, hằng năm Nhóm tổ chức một hoặc hai khóa Bồi Dưỡng từ sáu đến mười ngày cho Ban Điều Hành và Ban Huấn Luyện của các Hội Dòng Mến Thánh Giá, để phổ biến tài liệu, chia sẻ các thành quả làm việc trong tinh thần của Đại Gia đình Mến Thánh Giá và thắt chặt thêm tình huynh đệ[23].

Những thành quả tiếp theo:
- Năm 1991, cuốn Nghi Thức Dòng Mến Thánh Giá được hoàn thành, dựa theo sách Nghi Thức chung của Hội Thánh;
- Năm 1993, cuốn Giải Thích Phần Linh Đạo Của Hiến Chương được phổ biến cho chị em Mến Thánh Giá.
- Giai đoạn III

Thuyết trình tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới: Năm 1994, một việc bất ngờ đến với Dòng Mến Thánh Giá. Chị Anne Nguyễn Thị Thanh, lúc đó là Tổng Phụ Trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, là một thành viên của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời phát biểu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Khóa IX vào tháng 10/1994. Khóa họp này bàn về “Đời sống thánh hiến trong Giáo Hội và thế giới hôm nay”, với đề tài “Mầu nhiệm Thập Giá và đời sống thánh hiến” do Ban Tổ Chức Thượng Hội Đồng ấn định. Bài tham luận do Nhóm Nghiên Cứu giúp chị soạn thảo chính là tiếng nói của Dòng Mến Thánh Giá trong Giáo Hội.

Xác định Đấng Bản Quyền và tên gọi: Theo yêu cầu của Tòa Thánh, Đức Cha Giám Quản Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, thực hiện hồ sơ hợp thức hóa cho năm Hội Dòng Mến Thánh Giá gốc miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 được chính thức gia nhập Giáo Phận Sài Gòn với các tên gọi theo địa danh: Mến Thánh Giá Gò Vấp, Mến Thánh Giá Khiết Tâm, Mến Thánh Giá Thủ Đức, Mến Thánh Giá Tân Lập và Mến Thánh Giá Tân Việt. Nghị định được Đức Hồng Y Martinez, Tổng Trưởng Bộ Các Hội Dòng Sống Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, ký ngày 29/06/1995, lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Việc hợp thức hóa pháp lý này làm rõ nét bản chất của Dòng Mến Thánh Giá là Dòng Giáo Phận.

Thành lập Học Viện Mến Thánh Giá: Năm 1997, Học Viện được hình thành là do những thao thức của quý Bề Trên các Hội Dòng Mến Thánh Giá từ nhiều năm qua, mà tiền thân là lớp Thần Học Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá. Từ lúc khai sinh cho đến nay Học Viện được sinh hoạt dưới mái nhà của Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, với sự quảng đại thương yêu của quý Bề Trên và các chị em. Học Viện đã được phần đông các Hội Dòng hưởng ứng và hỗ trợ để công việc học tập và huấn luyện các thế hệ trẻ Mến Thánh Giá đạt hiệu năng về cả hai mặt phẩm và lượng, đem lại lợi ích cho đời sống thánh hiến trong ơn gọi Mến Thánh Giá, cũng như trong công tác tông đồ mai ngày[24].

- Giai đoạn IV

Cũng như các vị tiền nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn[25] tiếp tục đẩy mạnh công việc canh tân luật sống cho các Hội Dòng Mến Thánh Giá thuộc quyền. Trong tinh thần đó, năm 1998-1999, Nhóm bổ sung và tái bản quyển Tiểu Sử-Bút Tích Đức Đức Cha Phêrô-Maria Lambert và tu chính Hiến Chương dự thảo năm 1990. Sau đó, Bảy Hội Dòng có Nhà Mẹ tại Giáo Phận Sài Gòn cử hành Tổng Tu Nghị ngoại thường để thông qua bản Hiến Chương tu chính.

- Phê chuẩn Hiến Chương chính thức: Ngày 02/02/2000, ngày Thánh Hiến Tu Sĩ, kỷ niệm 330 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá trên đất Việt, Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita long trọng phê chuẩn Hiến Chương chính thức cho Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Giáo Phận Sài Gòn, cũng tại hội trường Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Biến cố phê chuẩn Hiến Chương chính thức là một khởi sắc cho các mối liên hệ thiêng liêng và huynh đệ giữa các Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và Việt Nam.

Sau việc phê chuẩn Hiến Chương, vì nhận thấy các nữ tu Mến Thánh Giá có cùng một Đấng Sáng Lập, một tinh thần, chung sứ vụ, hầu hết các Đức Giám Mục Giáo Phận đã ban phép cho các Hội Dòng Mến Thánh Giá thuộc quyền, được nhận quyển Hiến Chương này như luật riêng sau khi sửa chữa ít điều cho phù hợp. Một niềm vui chung nữa là ba Hội Dòng Mến Thánh Giá ở Thái Lan (Chanthaburi, Ubon, Tharae), Mến Thánh Giá Lào (Xieng Wang), Mến Thánh Giá Campuchia (Kompong Cham), và Mến Thánh Giá tại Hoa Kỳ (Los Angeles), cũng nhận Hiến Chương này như luật sống của các chị.

- Phê chuẩn Qui Chế Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế: Nhằm làm sống lại một trợ lực tông đồ hữu hiệu từ thời Đức Cha Pierre Lambert, nên sau thời gian thử nghiệm, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn ban nghị định Thiết Lập Hiệp Hội và phê chuẩn Qui Chế Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế ngày 26/03/2010. Hiện nay, nhiều Hội Dòng đã có Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế với số thành viên đáng kể. Như đề xuất của Công Đồng Vatican II, Hiệp Hội này có ý nghĩa trong việc phục vụ Giáo Hội từ phía giáo dân. Năm 2019, số thành viên của Hiệp Hội này là trên 14.000 người.

- Bầu Ban Điều Hành Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam: Từ nhiều năm, các Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam đã có những sinh hoạt chung đưa đến sự liên kết chặt chẽ với nhau, do đó việc thành lập Liên Hiệp chỉ là việc hợp pháp hóa những gì các Hội Dòng đã và đang sinh hoạt. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chưa thuận lợi, nên các Hội Dòng quyết định liên kết với nhau bằng tên gọi Ban Điều Hành Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam. Cuộc thăm dò và bỏ phiếu ngày 11/03/2010, tại Tòa Giám Mục Bùi Chu, với thành viên của 20/24 Hội Dòng, đã bầu được Ban Điều Hành.

- Chị Cả Maria Consolata về Nhà Cha: Ngày 22/03/2011 vào lúc 14g00, giữa sự chứng kiến của chị em Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và các thành viên Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, chị Maria Consolata Hồ Thị Chính, người liên kết các Hội Dòng Mến Thánh Giá, là linh hồn và là người Chị Cả của Nhóm Nghiên Cứu, đã về Nhà Cha sau một cuộc đời tận tụy vì Chúa, vì con người, đặc biệt cho công cuộc canh tân Dòng Mến Thánh Giá mà chị hằng thao thức. Chị là con người của hội tụ, của liên kết, của tình yêu khi sống cũng như khi đã qua đời.

- Chuẩn bị mừng đại lễ kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng: Ban Điều Hành Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá đưa ra đường hướng để mừng biến cố này. Một cách cụ thể, việc chuẩn bị được diễn ra trong ba năm: năm I, chị em học hỏi và sống tinh thần cầu nguyện của Đấng Sáng Lập; năm II, chuyên chú hơn về đời sống khổ chế; năm III, chú trọng về đời sống tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá.

Ngày 05/08/2019, Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh được cử hành trọng thể tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chủ tế; đoàn đồng tế có Đức Giám Quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Đức Cha Đặc trách Tu Sĩ, Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giáo Phận Thái Bình, và quý cha liên hệ. Gần 600 nữ tu thuộc các Hội Dòng Mến Thánh Giá đã quy tụ về tham dự Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh trong bầu khí rất thánh thiêng và hiệp nhất của Đại Gia Đình Mến Thánh Giá.

- Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh, dự trù sẽ được tổ chức trong ba ngày (ngày 06, 07 và 08/08/2020). Các Hội Dòng đang nỗ lực góp phần mình để chuẩn bị cho ngày trọng đại sắp đến.

Dòng Mến Thánh Giá là một ân ban của Chúa Thánh Thần từ buổi bình minh của Giáo Hội Việt Nam ngang qua Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi Đàng Trong, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Trải dài ba thế kỷ rưỡi trong ân sủng và thanh luyện, khi thịnh lúc suy, khi bình an lúc bị bách hại... chị em Mến Thánh Giá đã được các vị Đại Diện Tông Toà, các thừa sai, linh mục, các Đấng Bản Quyền Giáo Phận chăm sóc, vun trồng và san định luật lệ, hầu đáp ứng nhu cầu tu trì nhằm phục vụ Giáo Hội và xã hội hữu hiệu hơn. Từ một Hiệp Hội sống đời sống chung tiến sang Hội một Dòng Giáo Phận với đặc điểm: khấn những lời khấn đơn, lời khấn công, sống thành cộng đoàn, hướng tới việc tông đồ bằng sự cộng tác với Hàng Giáo Sĩ lo mục vụ cho tín hữu, và Phúc Âm hóa cho lương dân như ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập. Dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, các Hội Dòng Mến Thánh Giá hôm nay được canh tân và hội nhập khi cùng nhau trở về nguồn:

- Bằng cách nỗ lực noi gương Đấng Sáng Lập say mến Chúa và say mến các linh hồn.

- Bằng sự hiểu biết, yêu mến, sống linh đạo Mến Thánh Giá và sống sứ mạng thừa sai trong lòng Giáo Hội.

- Bằng việc siêng năng học hỏi, trau dồi kiến thức và nội tâm hóa Hiến Chương mỗi ngày để canh tân chính mình và xây dựng cộng đoàn.

- Cuối cùng, canh tân thích nghi để sống và phục vụ hữu hiệu đối với Chúa và tha nhân.

Ba mươi Hội Dòng Mến Thánh Giá đã tìm thấy nhau trong cùng một Đại Gia Đình, với cùng một nguồn gốc, một linh đạo, một sứ vụ truyền giáo. Thiên Chúa muốn các chị em liên kết lại để giúp nhau tiến bước trên con đường Đức Ái trọn hảo.

Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 116 (tháng 1 & 2 năm 2020)
 
Xin đọc thêm:
 
 
 
 

[1] X. Đào Quang Toản, Hai Bản Luật Xưa Của Dòng Mến Thánh Giá, sđd., tr.66.
[2]  X. Thư Khố Đàng Ngoài, tr.58-61.
[3]  X. Đinh Thực, sđd., tr.68-70.
[4]  Đến năm 1970,việc cải tổ này mới trọn vẹn qua lời khấn trọn đời.
[5] X. Kỷ Yếu Tam Bách Chu Niên Từ Khi Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá 1670- 1970, Sài Gòn, nxb Thanh Bình, 1970, tr.45.
[6]  Linh mục Đinh Thực tạm gọi các chị Mến Thánh Giá là “Bán Nữ Tu” hoặc “Á Nữ Tu” (x. Đinh Thực, sđd., tr.165). 
[7]  Cf. Trần Thị Hồng Tuý, La Congrégation des Amantes de la Croix: L'exercice de l'autorité, Thèse de Doctorat, Strasbourg, Université Strasbourg II, Institut de Droit Canonique, 2005,pp.132-133.
[8] X. Thư Luân Lưu Địa Phận Trung II; Thư Luân Lưu Địa Phận Tây Ký II.
[9]  Cf. Bull. MEP, 75, 1922, p. 508; x. Thư Luân Lưu Địa Phận Tây Ký II, số 56.
[10] X. Đinh Thực, sđd., tr.178.
[11] X. Bổn Luật Các Nhà Phước Địa Phận Bình Định, Qui Nhơn, nhà in Làng Sông, 1905. tr.33.
[12] X. L. Cooman, Luật Phép Nhà Dòng Nữ Khấn Đơn, nhà in Nazareth của MEP, Hongkong, 1924.
[13] Theo sử liệu Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
[14] Primum Concilium Indosinense, Anno 1934, nhà in Trung Hoà, Hà Nội, 1938.
[15] X. Sách Lề Luật Nhà Dòng Chị Em Mến Thánh Giá, Tân Định, 1925, tr.3-4.
[16] X. Perfectae Caritatis (PC) 22.
[17] X. Ecclesiae Sanctae (ES) 37.
[18] Theo lời kể của nữ tu Maria Consolata Hồ Thị Chính, Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.
[19] Theo tư liệu của Nhóm NCLĐMTG, Ký Sự Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Nhóm NCLĐMTG, 2010.
[20] Năm 1984, nhân dịp giúp Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân - Huế xác định căn tính và đặc sủng để trở về nguồn và canh tân, cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, Dòng Phanxicô, khám phá ra rằng: Những nhân tố đầu tiên của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm lại là những thành viên ưu tú của Dòng Mến Thánh Giá Huế. Dó đó, cha Phi Khanh cảm thấy thúc bách phải làm cách nào để giúp các nữ tu Mến Thánh Giá đang hiện diện và hoạt động trên khắp cánh đồng truyền giáo Việt Nam được trở về nguồn, nhằm chu toàn hơn nữa sứ mạng riêng biệt trong việc phục vụ Giáo Hội và quê hương thân yêu. (Theo tư liệu của Nhóm NCLĐMTG, Ký Sự Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Nhóm NCLĐMTG).
[21] Lúc đầu chỉ có các Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Chợ Quán, Gò Vấp, Khiết Tâm và Thủ Đức tham gia. Đến năm 1987, Đấng Bản Quyền nhận thấy hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập và Tân Việt cũng có Nhà Mẹ trong Giáo Phận của ngài, nên cho phép hai Hội Dòng ấy được tham gia vào Nhóm. Khởi đầu, các thành viên của Nhóm thường là chị Tổng Phụ Trách và chị Tổng Thư Ký của bảy Hội Dòng. Hằng năm, Nhóm có một hoặc 2 đợt làm việc từ 5 đến 10 ngày. Các ngày thứ ba hằng tuần trở thành ngày làm việc thường xuyên của Nhóm cho đến nay (Theo tư liệu của Nhóm NCLĐMTG, Ký Sự Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Nhóm NCLĐMTG).
[22] Đức Cha Giám Quản Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ban phép cho Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá trong Giáo Phận Sài Gòn được gia hạn thử nghiệm Hiến Chương cho đến năm 2000.
[23] Khóa Bồi Dưỡng thường được tổ chức vào thượng tuần tháng tám, con số tham dự viên từ 40 chị em dần dần tăng lên, và Khóa Bồi Dưỡng thứ XXXII, năm 2019, có trên 400 chị em thuộc 30 Hội Dòng tham dự.
[24] Từ năm 1997-2001, Học Viện mở hệ hai năm; từ năm 2002 đến nay, mở hệ ba năm. Sinh viên theo học tăng dần, từ con số khởi đầu là 23, đến niên khóa 2019-2020 là 345. Hiện nay, Học Viện Mến Thánh Giá liên kết với Khối Thần Học Phaolô Nguyễn Văn Bình, Liên Dòng Nữ của Liên Tu Sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.
[25] Ngày 28/09/2003, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm Hồng Y. Tháng 10/ 2003, Đức Giáo Hoàng trao mũ Hồng Y cho Đức Tân Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn.
350 NĂM DÒNG MẾN THÁNH GIÁ



Bài 5: BA MƯƠI HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

WHĐ, 27-05-2020 – Cho đến năm 2019, Dòng Mến Thánh Giá đã có 30 Hội Dòng. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một vài điểm chính yếu của mỗi Hội Dòng. Thứ tự các Hội Dòng được sắp xếp theo họ hàng trực hệ, bàng hệ, thành từng cụm liên hệ; không theo thời gian hoặc mẫu tự, cũng như thứ tự trong quyển Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá đã được phổ biến[1].
 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao-Bùi Chu
- Thành lập: ngày 19/02/1670, do Đức Cha Pierre Lambert de la Motte.
- Cải tổ: năm 1950, do Đức Cha Giuse Maria Phạm Ngọc Chi.
- Mất căn tính Mến Thánh Giá năm 1969.
- Phục hồi căn tính Mến Thánh Giá năm 1998.
- Nhân sự: Hội Dòng có 61 chị khấn trọn, 44 chị khấn tạm, 15 tập sinh, 13 tiền tập sinh, và 45 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: thôn Trung Linh, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
- Thành lập: ngày 19/02/1670, do Đức Cha Pierre Lambert de la Motte.
- Cải tổ lần I: năm 1938, do Đức Cha Francois Chaize Thịnh.
- Cải tổ lần thứ II: năm 1950, do Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê.
- Biến cố di cư vào Nam năm 1954: các chị thuộc nhóm cải tổ di cư vào Nam. Chỉ còn các chị có lời khấn tư ở lại Địa Phận.
- Cải tổ lần thứ III: do Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Năm 1983, Tòa Thánh châu phê việc cải tổ.
- Nhân sự: Hội Dòng có 277 chị khấn trọn, 129 chị khấn tạm, 37 tập sinh, 20 tiền tập sinh, và 120 em đệ tử và tìm hiểu.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: 31 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm chính là Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội di cư vào miền Nam năm 1954, nên có cùng lịch sử ban đầu với Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.
- Khởi đầu Hội Dòng định cư ở số 2 đường Huyền Trân Công Chúa, Đà Lạt.
- Sau biến cố ngày 30/04/1975, Nhà Mẹ di chuyển về giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức.
- Ngày 29/06/1995, có tên gọi hiện nay là Hội Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm, và trực thuộc Đấng Bản Quyền Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
- Nhân sự: Hội Dòng có 150 chị khấn trọn, 48 chị khấn tạm, 16 tập sinh, 13 tiền tập sinh, và 20 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 275 Quốc lộ 1A, khu phố 5, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Tp.HCM.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ
- Thành lập: ngày 08/12/1961, do Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền.
- Từ Năm 1961-1969, Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (Đà Lạt) gửi nhân sự đến giúp huấn luyện.
- Ngày 11/05/1971, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang ban Sắc chỉ thiết lập Dòng Mến Thánh Giá Khánh Hưng.
- Ngày 06/09/2000, Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận phê chuẩn Hiến Chương, với danh hiệu Hội Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ.
- Nhân sự: Hội Dòng có 113 chị khấn trọn, 24 chị khấn tạm, 7 tập sinh, 11 tiền tập sinh, và 22 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 85 Tôn Đức Thắng, phường 5, Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
- Thành lập: ngày 04/04/1902, do Đức Cha Alexandre Marcou Thành.
- Cải tổ: Từ năm 1916-1925, do Đức Cha Alexandre Marcou Thành.
- Ngày 02/02/1925, lễ khấn lần đầu tiên của 61 chị đã được tổ chức tại Phát Diệm, do các Đức Cha Alexandre Marcou Thành và Louis de Cooman Hành.
- Ngày 11/07/1954, 183 chị em đã di cư vào miền Nam, chỉ còn khoảng trên 30 chị cao tuổi ở lại miền Bắc.
- Năm 1990, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo cho phép khôi phục lại Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, với sự trợ giúp của Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
- Ngày 12/06/1991, chị Anna Đinh Thị Hiền được khấn trọn đời tại Nhà Mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
- Nhân sự: Hội Dòng có 226 chị khấn trọn, 88 chị khấn tạm, 18 tập sinh, 23 tiền tập sinh, và 30 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: xóm 5, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp chính là Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm di cư vào miền Nam năm 1954, nên có cùng lịch sử ban đầu với Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
- Ngày 11/07/1954, 183 (một chị qua đời trên đường đi) chị Mến Thánh Giá Phát Diệm di cư vào Nam: 150 khấn sinh với toàn bộ Ban Điều Hành, 18 tập sinh và 14 đệ tử sinh.
- Từ năm 1956, Nhà Mẹ được đặt tại Gò Vấp.
- Ngày 29/06/1995, có tên gọi chính thức là Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
- Nhân sự: Hội Dòng có 584 chị khấn trọn, 109 chị khấn tạm, 31 tập sinh, 19 tiền tập sinh, và 50 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 523A Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, Tp.HCM.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles
- Sau ngày 30/04/1975, một số chị em Mến Thánh Giá Gò Vấp sang định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi tạm trú tại nhiều nơi, các chị về định cư tại Los Angeles.
- Ngày 20/02/1992, Bộ Dòng Tu gửi văn thư chính thức công nhận Mến Thánh Giá Los Angeles là một Hội Dòng độc lập, trực thuộc quyền Giám Mục Giáo Phận.
- Nhân sự: Hội Dòng có 58 chị khấn trọn, 8 chị khấn tạm, 9 tập sinh, và 11 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 14700 S Van Ness Ave., Gardena, California, USA.
- Website: www.lhcla.org.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
- Ngày 10/06/1959, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền cho phép cải tổ các Nhà Phước gốc Hải Phòng, qua việc giúp huấn luyện của Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
- Ngày 26/04/1963, được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và được Tòa Thánh châu phê, Nhà Phước được cải tổ theo Giáo Luật, trở thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Hải Phòng.
- Ngày 17/02/1976, Hội Dòng Mến Thánh Giá Hải Phòng được Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chấp thuận cho trở thành một Hội Dòng độc lập, trực thuộc Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Lãng, Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc.
- Ngày 29/06/1995, Hội Dòng Mến Thánh Giá Hải Phòng được gọi là Mến Thánh Giá Bắc Hải-Xuân Lộc.
- Năm 2010, Hội Dòng có tên như hiện nay là Mến Thánh Giá Xuân Lộc.
- Nhân sự: Hội Dòng có 209 chị khấn trọn, 62 chị khấn tạm, 16 tập sinh, 9 tiền tập sinh, và 25 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 48A/40, Kp.8, phường Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Nai.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt có tiền thân là Nhà Phước Cổ Việt di cư vào miền Nam năm 1954.
- Năm 1963, các chị Nhà Phước được Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp giúp huấn luyện để cải tổ thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Bình-Tân Việt.
- Ngày 01/07/1964, Hội Dòng có lớp khấn đầu tiên, được xem là ngày thành lập Hội Dòng.
- Năm 1976, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cho phép Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Bình-Tân Việt được độc lập theo Giáo Luật.
- Ngày 29/06/1995, được gọi là Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt, thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
- Nhân sự: Hội Dòng có 133 chị khấn trọn, 47 chị khấn tạm, 13 tập sinh, 8 tiền tập sinh, và 28 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: 2/2 Lê Lai, phường 12, quận Tân Bình,Tp.HCM.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá
- Năm 1932, Địa Phận Thanh Hóa được tách ra từ Địa Phận Phát Diệm. Các Nhà Mến Thánh Giá Phát Diệm thuộc Địa Phận Thanh Hóa, trở thành Mến Thánh Giá Thanh Hoá.
- Ngày 23/11/1932, là ngày khai sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa.
- Tháng 07/1954, có 112 chị di cư vào miền Nam, chỉ còn 13 chị ở lại Nhà Mẹ Thanh Hóa.
- Năm 1955, Đức Cha Phêrô Phạm Tần đã phục hồi Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa. Có lớp khấn lần đầu ngày 01.01.1957.
- Từ năm 1960-1990, Hội Dòng trải qua một thời kỳ rất khó khăn, bị phân tán.
- Ngày 02/02/1996, Hội Dòng có tám nữ tu tiên khấn, sau 31 năm bị gián đoạn từ năm 1965 đến năm 1996.
- Nhân sự: Hội Dòng có 246 chị khấn trọn, 91 chị khấn tạm, 37 tập sinh, 36 tiền tập sinh, và 87 đệ tử và tìm hiểu.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: 10/626 Bà Triệu, phường Trường Thi, Tp.Thanh Hóa.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt có cùng nguồn gốc với Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, nên có cùng lịch sử ban đầu.
- Sau ngày 20/07/1954, 112 chị thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa di cư vào Miền Nam, mỗi người theo phương tiện riêng.
- Năm 1955, quy tụ và định cư tại Tân Thanh, Bảo Lộc.
- Ngày 02/02/2002, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ký sắc lệnh thiết lập Hội Dòng, với tên gọi chính thức là Mến Thánh Giá Đà Lạt.
- Nhân sự: Hội Dòng có 442 chị khấn trọn, 74 chị khấn tạm, 36 tập sinh, 40 tiền tập sinh, và 60 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 115 Lê Lợi, xã Lộc Thanh, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
- Năm 1954, hơn một trăm chị em thuộc các Nhà Phước Bắc Ninh di cư vào Nam. Một số chị vào Dòng Ba Đa Minh.
- Ngày 06/07/1964, được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, cha Gioan Baotixita Đào Duy Du giúp các chị Nhà Phước Bắc Ninh còn lại được cải tổ thành Mến Thánh Giá Bắc Ninh, và được huấn luyện theo tinh thần Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá, Tân Thanh, Bảo Lộc.
- Ngày 08/12/1965, ngày có lớp tập đầu tiên, được chọn làm ngày khai sinh Hội Dòng.
- Ngày 19/12/1966, có 22 chị tuyên khấn lần đầu, theo Hiến Pháp Nội Quy Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa.
- Năm 1970, Hội Dòng được độc lập, nhưng vẫn sống theo Hiến Pháp và Nội Quy Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa cho đến năm 1990.
- Năm 1990, nhận Hiến Chương thử nghiệm của Bảy Hội Dòng Giáo Phận Sài Gòn.
- Ngày 29/06/1995, được gọi là Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, trực thuộc Đấng Bản Quyền Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
- Nhân sự: Hội Dòng có 175 chị khấn trọn, 78 chị khấn tạm, 23 tập sinh, 12 tiền tập sinh, và 40 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: Số 26, đường 6, Kp.2, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Tp.HCM.

13. Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh
- Năm 1846, khi địa Phận Tây Đàng Ngoài được tách ra thành Địa Phận Nam Đàng Ngoài, các Tu Viện Mến Thánh Giá đang hiện diện trên Địa Phận mới cũng được tách.
- Năm 1924, khi Địa Phận Nam Đàng Ngoài được đổi tên là Địa Phận Vinh, các Tu Viện Mến Thánh Giá tại đây được Đức Cha Joseph Éloy Bắc chấp nhận, nhưng chưa có lời khấn.
- Năm 1938, các Tu Viện Thánh Giá tại Địa Phận Vinh mới được Đức Cha Joseph Éloy Bắc chính thức nhìn nhận thuộc quyền Giám Mục. Tuy nhiên các Nhà vẫn độc lập.
- Thời Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức (1952-1971), các Tu Viện Mến Thánh Giá trong Địa Phận được cải tổ và thống nhất thành một Hội Dòng duy nhất lấy tên là Mến Thánh Giá Vinh. Đức Cha đã nhờ ba nữ tu Mến Thánh Giá Thanh Hóa giúp huấn luyện.
- Ngày 21/11/1953, có 17 chị lớp đầu tiên được tuyên khấn lần đầu.
- Ngày 21/11/1996, lễ khấn lần đầu của 13 tập sinh được cử hành tại nguyện đường Nhà Mẹ Xã Đoài, sau 25 năm gián đoạn.
- Nhân sự: Hội Dòng có 402 chị khấn trọn, 427 chị khấn tạm, 77 tập sinh, 36 tiền tập sinh, và 178 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An.

14. Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang được sinh ra từ Tu Viện Hướng Phương tại Bố Chính, một trong bảy Tu Viện Mến Thánh Giá Vinh.
- Năm 1954, rời quê mẹ Quảng Bình, 33 chị theo dòng người di cư vào Đà Nẵng rồi cập bến Nha Trang, được Đức Cha Marcel Piquet cho phép tạm trú tại Dòng Mến Thánh Giá Bình Cang, nay là Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang.
- Sau đó, được phép Đức Cha, các chị chuyển đến Tân Bình, cách thành phố Nha Trang 32 km về phía nam.
- Năm 1955, Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình đã được Đức Cha Marcel Piquet nhìn nhận là con cái của Địa Phận.
- Ngày 03/08/1962, Tập Viện được chính thức mở tại Tân Bình, Đức Cha nhờ hai nữ tu Mến Thánh Giá Đà Lạt giúp huấn luyện.
- Ngày 06/08/1963, Nhà Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình có Thánh Lễ tuyên khấn đầu tiên cho năm chị theo Hiến Pháp Nhà Dòng Mến Thánh Giá Vinh.
- Ngày 29/06/1995, Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình được Tòa Thánh ban hành Nghị định thiết lập và chính thức mang tên là Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang.
- Nhân sự: Hội Dòng có 373 chị khấn trọn, 139 chị khấn tạm, 27 tập sinh, 26 tiền tập sinh, và 78 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: thôn Văn Tứ Tây, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.

15. Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa
- Năm 1943, Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa được thành lập do Đức Cha Gustave Vandale Vạn, được bốn nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm giúp huấn luyện. Cơ sở đầu tiên tại tỉnh Yên Bái.
- Ngày 15/10/1949, sáu chị lớp tập đầu tiên được tuyên khấn lần đầu tại giáo xứ Vật Lẫm.
- Ngày 18/01/1957, chị em dời trụ sở Nhà Mẹ từ Yên Bái về thị xã Sơn Tây, sau này là tỉnh Hà Tây, thuộc thành phố Hà Nội.
- Năm 1981, Hội Dòng chính thức mở cửa đón nhận các ơn gọi trở lại, sau gần 30 năm gián đoạn vì thời cuộc.
- Ngày 06/12/2003, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám Mục Giáo Phận đã chính thức phê chuẩn Hiến Chương cho Hội Dòng.
- Ngày 26/07/2010, được phép của Đức Cha Antôn, Nhà Mẹ chuyển vào địa điểm mới tại khu 7, phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
- Nhân sự: Hội Dòng có 222 chị khấn trọn, 138 chị khấn tạm, 43 tập sinh, 14 tiền tập sinh, và 75 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: khu 7, phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Tp. Hà Nội.

16. Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
- Dòng Mến Thánh Giá An Chỉ - Qui Nhơn được thành lập trước Lễ Giáng Sinh năm 1671, do Đức Cha Pierre Lambert de la Motte.
- Thời gian đạo Công Giáo bị bách hại, các nữ tu về nhà cha mẹ hoặc phân tán đi nhiều nơi. Các cộng đoàn bị xoá sổ ở chốn này, rồi được lập nên ở nơi khác.
- Ngày 02/03/1929, Thánh Bộ đã ban sắc lệnh chuẩn y việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị - Qui Nhơn.
- Năm 1965, do hoàn cảnh chiến tranh, Nhà Mẹ phải dời về Qui Nhơn.
- Nhân sự: Hội Dòng có 384 chị khấn trọn, 98 chị khấn tạm, 34 tập sinh, 18 tiền tập sinh, và 26 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: 132 đường Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

17. Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
- Thành lập năm 1840. Sau đó, các chị phải phân tán vì chiến tranh, 20 năm sau mới quy tụ lại được ở Thủ Thiêm.
- Năm 1885, Hội Dòng được cải tổ và có lời khấn, nhưng chỉ là lời khấn tạm từng năm.
- Năm 1971, lần đầu tiên Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có 116 chị tuyên khấn vĩnh viễn.
- Do chiến tranh, ly tán nên nhiều tài liệu của Hội Dòng bị thất lạc, vì thế, ngày 25/03/1974, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã ký Sắc lệnh Thiết Lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
- Nhân sự: Hội Dòng có 401 chị khấn trọn, 103 chị khấn tạm, 27 tập sinh, 27 tiền tập sinh, và 30 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 76 đường Ven Sông Sài Gòn, phường Thủ Thiêm, quận 2, Tp.HCM.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập
- Thành lập năm 1960, do cha Vinh Sơn Phạm Chí Thiện, sau khi được phép của Đức Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền và được Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm giúp huấn luyện. Các chị tiên khởi thuộc hai Nhà Phước Trung Đồng và Đông Thành, Thái Bình, di cư vào miền Nam.
- Ngày 08/09/1961, có năm chị được tuyên khấn lần đầu tại nhà thờ giáo xứ Tân Lập, do Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ sự.
- Ngày 21/10/1964, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã ký văn bản thiết lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập.
- Ngày 29/06/1995, Hội Dòng chính thức thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn và xác nhận tên gọi là Mến Thánh Giá Tân Lập.
- Nhân sự: Hội Dòng có 183 chị khấn trọn, 52 chị khấn tạm, 16 tập sinh, 9 tiền tập sinh, và 28 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: số 02, đường 27, phường Bình Trưng Đông, quận 2, Tp.HCM.

19. Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế
- Thành lập năm 1719, do linh mục thừa sai Pierre de Sennemand.
- Thời gian bị bách hại, chị em bị phân tán, chịu bắt bớ, tù tội, chịu chết vì đạo.
- Từ năm 1962, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục canh tân và hiệp nhất các Phước Viện tại Huế, tiếp đến là Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền.
- Năm 1990, tên gọi chính thức là Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế.
- Nhân sự: Hội Dòng có 356 chị khấn trọn, 98 chị khấn tạm, 22 tập sinh, 13 tiền tập sinh, và 75 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ nhà Mẹ: 113 Trần Phú, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên.

20. Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết được tách ra từ Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế.
- Ngày 17/04/1984, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi ra quyết định số 17 thiết lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết theo Giáo Luật.
- Nhân sự: Hội Dòng có 358 chị khấn trọn, 140 chị khấn tạm, 42 tập sinh, 25 tiền tập sinh, và 70 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: Đội 3, Thôn I, Tân An, HT 5, Hàm Tân, Bình Thuận.

21. Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa được tách ra từ Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế.
- Ngày 01/05/2008, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa, ký Sắc lệnh thiết lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa.
- Nhân sự: Hội Dòng có 170 chị khấn trọn, 36 chị khấn tạm, 20 tập sinh, 24 tiền tập sinh, và 42 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: 01 Sơn Thuận, Xuân Sơn, Châu Đức, Bà Rịa, Vũng Tàu.

22. Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum
- Thiết lập ngày 16/06/1800, do Đức Cha Jean Labartette.
- Thời gian đạo bị bách hại, các cộng đoàn phải giải tán.
- Năm 1876, Hội Dòng được cải tổ và có lời khấn, nhưng chỉ là khấn tạm từng năm.
- Năm 1973, theo tinh thần canh tân của Công Đồng Vatican II, lần đầu tiên Hội Dòng có 40 chị em được khấn trọn đời.
- Nhân sự: Hội Dòng có 169 chị khấn trọn, 49 chị khấn tạm, 11 tập sinh, 5 tiền tập sinh, và 30 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: Long Huê, Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre.

23. Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn
- Thành lập năm 1844, do Đức Cha Dominique Lefèbvre (Ngãi).
- Năm 1851, Đức Cha Miche Mịch đặt nữ tu Matta Nguyễn Thị Lành làm Bà Nhất, Nhà Dòng chính thức được nhìn nhận với danh hiệu Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn.
- Năm 1864, Hội Dòng được cải tổ và có lời khấn, nhưng chỉ là khấn tạm từng năm.
- Năm 1972, lần đầu tiên Hội Dòng tổ chức lễ khấn trọn đời cho 158 chị em sau 128 năm thành lập.
- Nhân sự: Hội Dòng có 300 chị khấn trọn, 68 chị khấn tạm, 14 tập sinh, 41 tiền tập sinh, và 15 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

24. Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán
- Năm 1852, theo lệnh của Đức Cha Lefèbvre Dominique Ngãi, bà Matta Nguyễn Thị Lành, Bề Trên Nhà Phước Mến Thánh Giá Cái Mơn, đã gởi năm nữ tu đến Chợ Quán để lập Tu Viện mới.
- Năm 1925, Hội Dòng được cải tổ và có lời khấn, nhưng chỉ là khấn tạm từng năm.
- Ngày 27/07/1970, lần đầu tiên Hội Dòng có 157 chị được khấn trọn đời.
- Ngày 25/03/1974, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký sắc lệnh thiết lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.
- Nhân sự: Hội Dòng có 306 chị khấn trọn, 57 chị khấn tạm, 28 tập sinh, 9 tiền tập sinh, và 54 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: 118 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TP.HCM.


 
  1.  Hội Dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho
- Năm 1960, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện giao cho cha Antôn Lê Quang Thạnh, chánh xứ Tân An, thành lập một dòng nữ cho Giáo Phận.
- Ngày 14/01/1968, Hội Dòng được Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, Angelo Palmas xác nhận.
- Năm 1976, Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán cử các chị đến giúp điều hành và huấn luyện cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An.
- Năm 1973, Hội Dòng có 2 khấn sinh đầu tiên do Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Giám Mục Giáo Phận chủ sự Thánh Lễ và nhận lời khấn.
- Ngày 19/03/1974, Đức Hồng Y Angelo Rossi, Tổng Trưởng Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, ký sắc lệnh thiết lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An.
- Ngày 26/11/2016, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho, đã công bố sắc lệnh đổi tên Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho.
- Nhân sự: Hội Dòng có 67 chị khấn trọn, 22 chị khấn tạm, 4 tập sinh, 13 tiền tập sinh, và 16 thanh tuyển sinh.
- Địa chỉ Nhà Mẹ: 382 Quốc Lộ 1, phường 4, Tp.Tân An, tỉnh Long An.

26. Các Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan, Lào và Campuchia
Thái Lan có 3 Hội Dòng Mến Thánh Giá là Chanthaburi, Ubonratchathani và Tharae; Lào có 1 Hội Dòng là Xieng Wang; Campuchia có 1 là Kompong Cham.
Hội Dòng Mến Thánh Giá Chanthaburi: được thành lập năm 1830. Nhân sự Hội Dòng có 112 chị khấn trọn, 6 chị khấn tạm, 2 tập sinh, 7 tiền tập sinh, và 2 thanh tuyển sinh.
Hội Dòng Mến Thánh Giá Ubonratchathani: được thành lập năm 1889. Nhân sự Hội Dòng có 101 chị khấn trọn, 11 chị khấn tạm, 1 tập sinh, 3 tiền tập sinh, và 2 thanh tuyển sinh.
Hội Dòng Mến Thánh Giá Tharae: được thành lập năm 1922. Nhân sự Hội Dòng có 81 chị khấn trọn, 18 chị khấn tạm, 2 tập sinh, và 1 thanh tuyển sinh.
Hội Dòng Mến Thánh Giá Xieng Wang: được thành lập năm 1900. Nhân sự Hội Dòng có 24 chị khấn trọn, 7 chị khấn tạm, 1 tiền tập sinh, và 2 thanh tuyển sinh.
Hội Dòng Mến Thánh Giá Kompong Cham[2]: được tái lập năm 2004. Nhân sự Hội Dòng có 3 chị khấn trọn, 1 chị khấn tạm, và 2 tập sinh.
Trong suốt lịch sử tồn tại, Dòng Mến Thánh Giá nói chung và từng Hội Dòng nói riêng, như một bức tranh được phác thảo khá đầy đủ với nhiều màu sắc: khi thịnh, lúc suy, khi được tự do, lúc bị cấm đoán; khi được quan tâm nâng đỡ, lúc bị quên lãng. Trên tất cả, Dòng Mến Thánh Giá là công trình của Thiên Chúa, tuy có lúc âm thầm, nhỏ bé, nhưng vẫn tồn tại và phát triển, để với Linh đạo Mến Thánh Giá, chị em thực thi sứ vụ ơn gọi của mình mà Đấng Sáng Lập đã được linh hứng và chuyển trao cho chị em.

NHÌN LẠI LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

Trong diễn văn khai mạc Công Đồng Chung Vatican II ngày 11/10/1962,Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII có nói: “Lịch sử là thầy dạy về cuộc sống”. Và trong Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 01/05/1980, các Đức Giám Mục cũng nhìn nhận rằng: “Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống những người con của Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi”. Hai tư tưởng trên đây được đề cập như sự hướng dẫn cho việc nhìn lại Lịch Sử 350 năm của Dòng Mến Thánh Giá.

Với một tầm nhìn tích cực và ý thức trách nhiệm về những thăng trầm, những ánh sáng và bóng tối, những hoa trái và hậu quả của một quá khứ đầy biến động, người nữ tu Mến Thánh Giá thêm xác tín mình được mời gọi bước theo Đức Giêsu-Kitô trên đường Thánh Giá. Suốt hành trình lịch sử 350 năm, “lòng yêu mến Đức Giêsu- Kitô chịu đau khổ, chịu chết trên Thánh Giá” luôn là nguồn sức sống giúp người nữ tu Mến Thánh Giá can đảm dấn thân cho tình yêu cứu độ, trong sự trung thành với căn tính của mình. Thật vậy, nguy cơ mất căn tính Mến Thánh Giá từ hậu bán thế kỷ XVII đến tiền bán thế kỷ XX đã gây nên nhiều cuộc “cắt tỉa” đau đớn và tiếc nuối cho Mến Thánh Giá, nhưng tất cả đều nằm trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Trước những thách đố thay đổi tên gọi Mến Thánh Giá, chị em vẫn kiên vững trong sự hiệp thông với Đấng Chịu-Đóng- Đinh, liên lỉ gắn kết với Người bằng một tình yêu lớn nhất. Như cành nho gắn liền với Cây Nho, cành nào sinh hoa trái, thì Thiên Chúa cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Quả thế, chính nhờ những cuộc cắt tỉa, chiết cành ấy, mà gốc cổ thụ Mến Thánh Giá đã phát sinh những mầm sống mới. Nhiều cộng đoàn Mến Thánh Giá đã được hình thành và phát triển ngày một lớn mạnh, trải dài từ Bắc chí Nam và vươn xa đến hải ngoại. Mặt khác, dòng nhựa linh đạo Mến Thánh Giá khắc khổ, khiêm tốn, nhưng dẻo dai, đã góp phần làm trổ sinh những hoa trái ngọt ngào của linh đạo Thánh Mẫu trong một số dòng nữ tại Việt Nam và Vùng Đông Nam Á.

Hôm nay, chị em cảm thấy an tâm và đầy tin tưởng, cùng nhau hướng về một tương lai tươi sáng và tràn đầy hy vọng để viết tiếp trang sử của Dòng:
- An tâm, vì mỗi tu hội đều được Công Đồng Vatican II và Tòa Thánh tôn trọng nét đẹp đặc thù của mình, tất cả đều được mời gọi tham dự vào đời sống Giáo Hội.
- An tâm, vì không còn nguy cơ mất căn tính Mến Thánh Giá. Điều này được đảm bảo khi Công Đồng Vatican II và Tòa Thánh khuyến khích mỗi tu hội đang hiện hữu thực hiện sự canh tân thích nghi bằng cách trở về nguồn, quy chiếu về Phúc Âm và về gia sản tinh thần của mình, nhưng không khuyến khích việc đổi một tu hội có sẵn thành một tu hội mới, mang tên gọi và căn tính mới.

Từ năm 1985, đáp lại lời mời gọi của Công Đồng Vatican II về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, và sự đồng hành của cha Cố Vấn Phi Khanh Vương Đình Khởi, các Hội Dòng Mến Thánh Giá đã cùng nhau trở về nguồn để tìm lại nguyên hứng ban đầu của Đấng Sáng Lập, để nhận thấy mình là con một Cha, cùng chung một linh đạo và phục vụ theo một sứ mạng.

Cũng trong thời điểm này, nhờ sự khuyến khích của các Đấng Bản Quyền, mà “Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta” gọi tắt là “Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế”, đã tàn lụi vì những biến động trong lịch sử, đang dần hồi sinh. Với số thành viên trên 14.000, Hiệp Hội này như cánh tay nối dài của các nữ tu Mến Thánh Giá để phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong nhiều lãnh vực.

Hiện nay, Đại Gia Đình Mến Thánh Giá có 30 Hội Dòng: Việt Nam có 24 Hội Dòng trải dài từ Bắc đến Nam, Thái Lan có 3 Hội Dòng, Lào có 1 Hội Dòng, Campuchia có 1 Hội Dòng, và Hoa Kỳ có 1 Hội Dòng, với gần 9.000 nữ tu, trên 1.000 tập sinh và tiền tập sinh, cùng nhiều ứng sinh tìm hiểu.

Hơn bao giờ hết, cuộc canh tân thích nghi đời sống và sinh hoạt của Dòng Mến Thánh Giá, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua bàn tay chở che của Mẹ Hội Thánh, đang củng cố niềm xác tín cốt lõi của chị em: Linh đạo Mến Thánh Giá, cuối cùng chính là linh đạo Phúc Âm tinh ròng, với sự tập trung đặc biệt vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, Đấng đã sống, đã chết và sống lại vì mọi người. Với niềm xác tín đó, Đại Gia Đình Mến Thánh Giá tràn đầy tin tưởng và lạc quan, hướng về tương lai với lòng biết ơn sâu sắc đối với Thiên Chúa của lịch sử và đối với Mẹ Hội Thánh.

 
Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN
 Số 116 (tháng 1 & 2 năm 2020)

 
Xin đọc thêm:
 
 
 

[1] X. Nhóm NCLĐMTG, “Phần II: Các Hội Dòng Mến Thánh Giá”, trong Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018. Về nhân sự các Hội Dòng, theo thống kê năm 2018-2010.
[2]  Ngay từ năm 1770, cha Levavasseur đã thành lập Nhà Mến Thánh Giá tại Campuchia. Đến năm 1942, Dòng Mến Thánh Giá ở đây được chuyển thành Dòng Con Đức Mẹ Nam Vang. Vì các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Nam Vang hầu hết là người Việt Nam, nên năm 1970, các chị cùng với những người Việt khác rời Campuchia về Việt Nam. Khi về Việt Nam, Dòng Con Đức Mẹ Nam Vang gia nhập Giáo Phận Phú Cường. Hiện nay, Dòng có tên gọi là Con Đức Mẹ Phú Cường.
NĂM THÁNH MỪNG 350 NĂM 
THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ



BÀI 6: LINH ĐẠO CỦA ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE – ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

WHĐ, 27-05-2020 –Cảm thức tâm linh luôn âm vang nơi tâm hồn con người, nhất là nơi người Kitô hữu, bởi ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy thôi thúc họ tìm kiếm và kết hợp với Thiên Chúa. Người ta vẫn thường gọi đường dẫn đến sự gặp gỡ với Đấng Siêu Việt này là con đường tâm linh mà truyền thống tu đức Kitô Giáo gọi là linh đạo. Tuy vậy, có lẽ cũng cần một khái niệm để hiểu nghĩa của từ này.
Theo Từ Điển Công Giáo, Linh Đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện, qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần[1]. Trong một định nghĩa khác, linh đạo “là một cách thế sống và thể hiện Tin Mừng. Linh đạo giống như những phương pháp và những kim chỉ nam, để giúp Kitô hữu đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Đức Kitô ngày một hoàn hảo hơn, cho các tín hữu cũng như cho lương dân”[2].
Trong lòng Giáo Hội, qua mọi thời đại, dù cách thức sống linh đạo đặc thù của mỗi Kitô hữu rất phong phú và đa dạng, nhưng mọi linh đạo đều xuất phát từ nguồn mạch duy nhất là Đức Kitô và Phúc Âm của Người, để tìm cách hoạ lại một khía cạnh trong đời sống phong phú vô tận của Người: chiêm niệm trên núi, rao giảng về Nước Thiên Chúa, chữa lành bệnh nhân và người tàn tật, kêu gọi người tội lỗi hoán cải, chúc lành cho trẻ em và thi ân giáng phúc cho mọi người...[3].
Khi chọn lựa cho mình phương thế nên thánh bằng việc hướng trọn cái nhìn và con tim về Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, Đức Cha Pierre Lambert khao khát gắn chặt đời mình với Người bằng một tình yêu thực tiễn và phi thường, đến độ sẵn lòng dâng tiến, trao gửicống hiến trọn vẹn con người mình, để Chúa dùng theo cách Người muốn, hầu tiếp nối sự hy sinh đau khổ của Người[4].
Một trải nghiệm tâm linh thường chịu ảnh hưởng không ít từ nền văn hóa, hoàn cảnh xã hội. Do đó, vài nét phác hoạ về bối cảnh Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII, sẽ giúp hiểu rõ hơn những giá trị tinh thần, những ký ức tâm linh của Đức Cha Pierre Lambert. Từ đó, có thể hiểu, cách quân bình và sâu sắc, con đường thiêng liêng mà Đức Cha đã mở lối và bước đi. Cho đến nay, có biết bao thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá vẫn luôn tiếp bước trên con đường này khi chọn Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất cho cuộc đời mình.

Chương I: 
ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE - NGƯỜI CON CỦA GIÁO HỘI PHÁP THẾ KỶ XVII

Thế kỷ XVII được xem là thế kỷ vĩ đại về nhiều phương diện. Đây là thời kỳ vẻ vang của lịch sử nước Pháp về mặt chính trị, quân sự, văn chương và nghệ thuật. Cuộc đời Đức Cha Pierre Lambert de la Motte nằm gọn trong lòng thế kỷ này (1624-1679). Ngài sinh ra và lớn lên dưới triều đại Vua Louis XIII (trị vì từ năm 1610-1643) và chọn hướng đi cho cuộc đời của mình dưới triều đại Vua Louis XIV (trị vì từ năm 1643-1715). Điều đáng lưu ý, Vua Louis XIII được mệnh danh là “Vua Công Chính”[5] và Vua Louis XIV, vị Vua mà các sử gia đã tặng biệt hiệu là “Louis Đại Đế”, “Vua Mặt Trời”[6]. Đây là hai vị Vua Công Giáo và sùng đạo.
Nhìn sâu vào thực tế nước Pháp thời đó, các sử gia phát hiện thêm điều này là vẻ hào nhoáng bề ngoài kia che đậy nhu cầu bức thiết của một xã hội cần được Phúc Âm chiếu rọi, để thúc đẩy mọi người hoán cải và sống công chính thánh thiện. Thật vậy, thế kỷ XVII của nước Pháp được đánh dấu bởi những cuộc hoán cải kỳ diệu và sự thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.

I. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO HỘI PHÁP THẾ KỶ XVII
Từ đầu thế kỷ XVII, tinh thần Phúc Âm đã thấm nhập sâu rộng vào đời sống Giáo Hội Pháp qua ba cửa ngõ chính: các tác phẩm tu đức, lòng sùng kính Mẹ Maria và hoạt động của các Dòng tu.

1. Những tác phẩm tu đức
Những tác phẩm tu đức đã góp phần hữu hiệu, hun đúc được nhiều tâm hồn thánh thiện:
- Sách Gương Chúa Giêsu: được viết vào thế kỷ XV, nhưng đã chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống người Công Giáo thế kỷ XVII. Chúng ta được biết Pierre Lambert ham đọc và suy niệm quyển sách này từ thuở thiếu thời[7].
- Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức của Thánh Francois de Sales (1608). Tác phẩm này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tu đức, vì thánh nhân đặc biệt quan tâm hướng dẫn cách nên thánh cho các Kitô hữu sống giữa đời.
- Những tác phẩm thần bí của Thánh nữ Têrêsa Avila, được phiên dịch và phổ biến rộng rãi: Con Đường Hoàn Thiện (1566- 1567, xuất bản năm 1583), Lâu Đài Nội Tâm (1577).

2. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria
Từ thời Thánh Bênađô (1091-1153), Vua Thánh Louis IX (1214-1270) và Thánh nữ Jeanne d'Arc (1412-1431), nước Pháp sống trong bầu khí rất sùng kính Đức Mẹ Maria. Truyền thống lâu đời ấy đạt tới cao điểm vào thế kỷ XVII: Vua Louis XIII long trọng dâng cả nước Pháp cho Đức Mẹ ngày 10/02/1638. Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria đã chiếm một vị trí rất đặc biệt trong đời sống Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII, vì thế, một tác giả phải thốt lên: “Nước Pháp là lãnh địa của Đức Mẹ và là vương quốc tôn kính Đức Mẹ nhiều nhất trên khắp cả thế giới”[8].
Trong bầu khí đó, Đức Cha Lambert cũng có lòng tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt, qua việc siêng năng lần hạt Mân Côi và hành hương kính viếng các nhà thờ được dâng kính Đức Mẹ. Ngài còn chỉ thị cho các chị em Mến Thánh Giá “lần hạt Mân Côi”, như một việc đạo đức của ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc[9]. Vào cuối năm 1671, trước khi lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ ở Đàng Trong, ngài dạy các ứng sinh hãy làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ và Thánh Giuse để xin ơn soi sáng[10]. Chính ngài cùng với Đức Cha Francois Pallu, đã tôn vinh Đức Mẹ với tước hiệu đầy vinh dự “Đấng Sáng Lập các miền truyền giáo của chúng tôi”[11].

3. Các dòng tu
Sinh hoạt của các dòng tu cũng thổi vào Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII một luồng sinh khí mới. Đó là những dòng mới như Dòng Tên, Dòng Bé Mọn... và những dòng kỳ cựu nhưng được canh tân như Dòng Biển Đức, Dòng Xitô, Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô... Sự đóng góp của các dòng tu rất đa dạng nhưng tập trung vào hai lãnh vực chính: truyền giáo cho lương dân và huấn luyện đời sống đạo đức cho dân Chúa. Trong lãnh vực thứ hai này, đáng kể nhất:
- Những sinh hoạt của các Hiệp Hội như: Hiệp Hội Thánh Mẫu do Dòng Tên thành lập; Hiệp Hội Thánh Thể do ông Henri de Levis thành lập dưới sự cố vấn của Dòng Phanxicô và Dòng Tên; và Hội Nguyện Đường do Hồng Y Pierre de Bérulle.
- Giáo dục đời sống văn hóa và đời sống đức tin cho giới trẻ do một số dòng tu đảm trách.
- Trau dồi và đào sâu đời sống cầu nguyện trong các nhà tĩnh tâm do tu sĩ hoặc giáo dân hướng dẫn. Theo nhận định của một sử gia, thế kỷ XVII là thời đại hoàng kim của phong trào tĩnh tâm và nguyện ngắm có phương pháp[12].
Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII thật phong phú về tinh thần hăng say phấn khởi, về đời sống cầu nguyện, về chủ nghĩa anh hùng và các nhân đức thầm kín[13]. Chỉ trong giai đoạn đó, nước Pháp đã cống hiến cho Giáo Hội ít nhất 27 vị thánh và chân phước được tuyên phong chính thức, và biết bao tâm hồn đạo đức thánh thiện khác dấn thân phục vụ Giáo Hội.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC BẬC THẦY ĐẠO ĐỨC

1. Cha Julien Hayneuve
Vị linh hướng đầu tiên của Đức Cha Pierre Lambert là cha Julien Hayneuve, thuộc Dòng Tên có thế giá qua “đời sống siêu thoát trần gian, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, khiêm nhường thẳm sâu, nguyện ngắm cao siêu...”[14]. Chính ngài đã khai tâm cho Pierre Lambert về đời sống cầu nguyện, xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần và sống trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Kitô: “Ngôi Lời Nhập Thể phải điều khiển chúng ta như đã điều khiển nhân tính của Người”[15]. Tư tưởng này của cha Hayneuve được phản ánh rõ nét trong quan niệm tu đức của Đức Cha Lambert.

2. Ông Jean de Bernières de Louvigny (1602-1659)
Ông Jean de Bernières, một giáo dân đạo đức, là bạn đồng hương của Thánh Jean Eudes và Đức Cha Pierre Lambert. Ông nổi bật giữa Giáo Hội vùng Normandie và cả nước Pháp với một tâm hồn chiêm niệm sâu sắc và tinh thần tông đồ nhiệt thành, thể hiện bằng những việc:
- Xây Ẩn Viện Caen làm nơi tĩnh tâm để cổ võ việc nguyện ngắm.
- Lập Hiệp Hội Khổ Nhục để phát huy đức khiêm nhường và tinh thần khổ chế, và lập hội giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật.
- Tận tình yểm trợ chương trình truyền giáo ở Canada. Các bài huấn đức ông giảng cho thành viên Hiệp Hội Thánh Thể hoặc cho môn sinh tại Ẩn Viện Caen được thu thập và xuất bản với nhan đề: “Người Kitô Hữu Nội Tâm”. Chính Đức Cha Francois Pallu đặc biệt giới thiệu quyển sách này với các cha Giám Đốc Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris để làm tài liệu giảng dạy và sách thiêng liêng cung cấp đề tài nguyện ngắm[16].
Giáo huấn và gương sáng của ông Jean de Bernières ghi đậm nét trên tâm hồn Đức Cha Lambert, mặc dầu quan niệm tu đức và phương pháp nguyện ngắm của ông có vài điểm hơi thái quá.

3. Thánh Jean Eudes
Thánh Jean Eudes là gạch nối quan trọng giữa linh đạo trường phái Pháp và Đức Cha Pierre Lambert. Thánh nhân là môn đệ trực tiếp của Đức Hồng Y de Bérulle, đã sống trong Hội Nguyện Đường 20 năm (từ 1623-1643) trong nhiệm kỳ Bề Trên của Đức Hồng Y và cha Condren; còn Đức Cha Lambert là môn đệ của Thánh Jean Eudes, đã từng cộng tác với ngài trong việc mở chủng viện đào tạo các linh mục tại Rouen. Ảnh hưởng của thánh nhân trên Đức Cha Lambert thuộc ba lãnh vực: Tu đức, mục vụ và xã hội[17].

4. Cha Simon Hallé
Một vị linh hướng khác của Đức Cha Lambert là cha Simon Hallé, đã hướng dẫn ngài vào đời sống khổ hạnh là đặc điểm nổi bật của Dòng Bé Mọn. Các tu sĩ Dòng Bé Mọn tạo được ảnh hưởng tốt tại Pháp trong thế kỷ XVII. Khi Đức Cha Lambert sang Thái Lan, tiếp xúc với giới tăng ni Phật Giáo Tiểu Thừa, ngài liên tưởng tới Dòng Bé Mọn có nếp sống khổ hạnh, gần giống như họ.
Đức Cha Pierre Lambert là một người con chân chính của Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII. Nhưng người con ấy đã tiếp nhận gia sản tinh thần của Mẹ Giáo Hội một cách sáng tạo để trở thành vị chủ chăn thánh thiện của Giáo Hội Việt Nam, và người cha tinh thần của nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Tính kế thừa và tính sáng tạo của Đức Cha Lambert sẽ nổi bật lên rõ nét hơn nữa trong phần trình bày tổng hợp về linh đạo của ngài[18].

Chương II:
LINH ĐẠO ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE
ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

Linh đạo Đức Cha Lambert, tổng hợp kinh nghiệm thiêng liêng và quan niệm tu đức của ngài, được phản ánh sâu sắc và phong phú trong các bút tích ngài để lại. Nguồn mạch cho đời sống thiêng liêng của ngài là Đức Kitô, xoay quanh trọng tâm là Đức Kitô, rập theo khuôn mẫu là Đức Kitô, và hướng về cùng đích là Đức Kitô[19]. Do đó, chúng ta có thể nói được rằng, linh đạo của Đức Cha Lambert mang đặc tính Kitô trung tâm. Linh đạo ấy, tập trung vào ba chiều kích chiêm niệm, khổ chế và tông đồ, hướng dẫn đời sống thiêng liêng và hoạt động truyền giáo cho các thừa sai và người nữ tu Mến Thánh Giá.

I. CHIỀU KÍCH CHIÊM NIỆM

1. Tâm hồn chiêm niệm
Đức Cha Lambert de la Motte có một tâm hồn chiêm niệm sâu sắc: từ thời trẻ tuổi, ngài có thói quen nguyện ngắm mỗi ngày[20] và trải qua những cuộc tĩnh tâm 30 hoặc 40 ngày. Kinh nghiệm sa mạc này được lặp lại nhiều lần trong đời ngài, kể cả trong thời gian làm Giám Mục thừa sai tại Châu Á[21].
Nhờ ân sủng thần bí Chúa ban, từ lúc thiếu thời, tâm hồn Đức Cha đã sớm trở nên nhạy bén và tỏ ra ngoan nguỳ trước những tác động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, lúc mới lên chín tuổi tại Lisieux, ngài được ơn Chúa soi sáng để hình dung ra một Hội Dòng gồm Những Người Yêu Mến Thánh Giá. Ba mươi năm sau, trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày tại Ayutthaya vào năm 1663, vị Giám Mục thừa sai đầu tiên của miền Đông Á lại được thôi thúc để thành lập một Hiệp Hội mang tên Những Người Yêu Mến Thánh Giá. Cuộc tĩnh tâm này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lộ trình thiêng liêng của Đức Cha Lambert, làm phát sinh nơi ngài “một ước nguyện lớn lao là chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô”[22].
Với tâm hồn chiêm niệm, vị tông đồ thừa sai chân chính luôn cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng tốt lành hằng soi tỏ cho ngài biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Ngài. Trong cuộc hành trình đến miền truyền giáo, Đức Cha Lambert thường xuyên có được những cảm nghiệm nội tâm sâu sắc về sự tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn, như ngài từng chia sẻ với vị linh hướng của mình: “...con phải thưa với cha rằng, dường như Thiên Chúa toàn năng làm chủ nội tâm và các hoạt động của nội tâm chúng ta. Cách Ngài tác động trong chúng ta thật là tuyệt đối, không còn có vấn đề vận dụng ý chí để muốn, nhưng một khi linh hồn thấy, hoặc cảm nghiệm được thánh ý Thiên Chúa thì hướng ngay về đó, chẳng những không cần suy nghĩ gì cả, mà còn cảm thấy thích thú một cách khôn tả nữa”[23].
Đối với Đức Cha, cuộc hành trình thừa sai này còn là một cuộc hành hương đặc biệt, giúp ngài nhận thức được những đòi hỏi của Thiên Chúa trong việc hoán cải không ngừng, để có được một đời sống hoàn hảo, thánh thiện, xứng hợp với bậc sống. Bên cạnh đó, việc vun trồng đời sống nội tâm sâu sắc luôn là nhu cầu thiết yếu để tâm hồn vị thừa sai ngày càng trở nên nhạy bén và trung thành với tác động của ân sủng[24].

2. Thái độ nội tâm

2.1. Lắng nghe Thần Khí
Đức Cha Lambert xác tín rằng, Chúa Thánh Thần hằng cư ngụ và hoạt động trong nội tâm mỗi người,“để tiếp nối những hoạt động mà Ngài đã thực hiện trong nội tâm Chúa Giêsu Kitô”[25]. Khi nhận thức được sự hiện diện và linh hoạt của Thần Khí trong nội tâm, linh hồn sẽ có thái độ nội tâm thích hợp, đó là “hoàn toàn chú tâm vào việc lắng nghe Thần Khí”[26]. Nhờ đó, linh hồn sẽ nhận được tác động của Thần Khí và “chỉ cần làm theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ ở lại và cư ngụ trong họ”[27].
Lắng nghe Thần Khí là thái độ tất yếu trong cầu nguyện cũng như trong mọi hoạt động của nội tâm. Chính Thần Khí Đức Giêsu Kitô không ngừng thôi thúc những tâm hồn luôn khao khát tìm kiếm Thiên Chúa và hướng dẫn họ cách thức thờ phượng đẹp lòng Ngài. “Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,23-24). Việc lắng nghe Thần Khí cũng là cách thức tìm kiếm Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý, giúp các tâm hồn thiện chí dễ dàng đi vào trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, qua Con Một yêu dấu của Ngài, được chìm sâu trong sự hiện diện của Ngài, được tan biến trong Ngài và liên lỉ được Thần Khí của Ngài linh hoạt.
Cũng chính trong Thần Khí và Chân Lý mà mọi tâm tình, trạng thái, hoạt động của con người được hướng dẫn đến một sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Trong hành trình thừa sai cũng như trong các hoạt động truyền giáo, Đức Cha Lambert luôn chú tâm tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đối với ngài, mỗi chặng dừng chân trên hành trình truyền giáo là một dịp tĩnh tâm để lắng nghe Thần Khí[28].
2.2. Chiêm ngắm Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh
Tình yêu đối với Đấng chịu đau đớn, hấp hối và chết trên giá gỗ còn gợi lên trong tâm trí Đức Cha Lambert tước hiệu đặc biệt của Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá. Ba chữ “Chịu-Đóng-Đinh” là sáng kiến đầy ý nghĩa đã được ngài thêm vào sau tên Chúa Giêsu, trong khẩu hiệu ngài thường viết đầu lá thư: “Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng- Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”[29]. Quả vậy, kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Cha Pierre Lambert là một kinh nghiệm về tình yêu phi thường dành riêng cho Đức Kitô Chịu-Đóng- Đinh. Chính tình yêu ấy là linh hồn và động lực của đời sống chiêm niệm, khổ chế và tông đồ của ngài.
Với khuynh hướng tập trung vào đối tượng duy nhất là Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, Đức Cha Lambert còn tìm ra những nguyên tắc hữu hiệu cho đời sống nội tâm, những phương pháp cầu nguyện đặc biệt, đồng thời cũng khám phá được những bí quyết thánh thiêng, mới mẻ, đem lại lợi ích thiêng liêng cho tâm hồn: “Thật vậy, chúng ta hãy nhìn xem ở đâu mình có thể nhận được nhiều ánh sáng hơn để chiếu soi cho trí hiểu, nhiều tình yêu hơn để nung nấu ý chí, và nhiều đề tài hơn để nhắc chúng ta nhớ lại nghĩa vụ của mình đối với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta? Có gì có thể sánh với việc liên lỉ nhìn thấy Chúa hiện diện, chịu đau đớn, hấp hối và chết trên giá gỗ? Nếu chúng ta muốn giục lòng tin, cậy, mến là ba nhân đức hướng thần, điều gì có khả năng gây nhiều ấn tượng hơn là việc liên lỉ nhìn ngắm cảnh tượng đó”[30].
Việc chiêm ngắm ấy cũng đem lại cho đời sống thiêng liêng một hiệu quả chắc chắn, đó là khi linh hồn chỉ tập trung vào Đức Giêsu- Kitô Chịu-Đóng-Đinh, chỉ nhìn thấy những đau đớn của Người trên Thánh Giá, thì sẽ kết hợp với Thiên Chúa một cách rất đặc biệt[31]. Mặt khác, nhờ ân sủng nhận được qua việc chiêm ngắm ấy, chúng ta sẽ học được cách làm chủ hoàn toàn mọi đam mê của mình, “để từ nay chỉ làm vui lòng Chúa Chịu-Đóng-Đinh, và chỉ tìm kiếm những điều có thể làm cho mình yêu mến Chúa hơn”[32]. Thật vậy, đây là cách thực hành thánh thiện của người môn đệ Chúa Giêsu trong việc nguyện ngắm, là bí quyết lớn nhất của đời sống nội tâm và trọn lành, và là nét đặc thù trong linh đạo của Đức Cha Lambert.

2.3. Tâm thế thụ động
Việc liên lỉ chiêm ngắm Đấng Chịu-Đóng-Đinh trên Thánh Giá không những làm phát sinh nơi Đức Cha những trực giác hoặc những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc, mà còn hình thành nơi ngài một phương pháp nguyện ngắm đặc biệt. Đó là nguyện ngắm thụ động. Đức Cha quan niệm rằng: “Sự trọn lành của nguyện ngắm hệ tại việc kết hợp hiện tại và thụ động với Thiên Chúa luôn hiện diện nơi linh hồn [...]. Bởi vì linh hồn khi bị lôi kéo vào sự nguyện ngắm thụ động, thì luôn luôn tìm được những đề tài mới mẻ để tập trung vào các thuộc tính của Thiên Chúa, mang lại cho linh hồn một sự vui thích và mãn nguyện không thể tưởng tượng được”[33].
Tâm thế thụ động trong lúc nguyện ngắm là thái độ nội tâm cần thiết, là yếu tố quyết định cho sự kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô. Đặc biệt, theo kinh nghiệm của Đức Cha Lambert, trong trạng thái cho Chúa Kitô mượn lấy thân xác, để Người tiếp tục thực hiện việc hãm mình đền tội cho nhân loại, Đức Cha nhận thấy rằng: “Thiên Chúa, Cha của Người khi nhìn vào thân xác và cánh tay Người mượn, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình; sự kiện Chúa Cha hằng hữu ưng nhận như thế, phải là quy tắc hướng dẫn tôi về cách ứng xử đối với trường hợp đó và dạy tôi phải giữ tâm thế hoàn toàn thụ động cả bề trong lẫn bề ngoài”[34].
Trong chiều kích chiêm niệm của Đức Cha Lambert, tâm thế thụ động là một đề tài quan trọng, xuyên suốt trong các kinh nghiệm thiêng liêng và quan niệm tu đức của ngài. Đó là thái độ của một tâm hồn luôn đặt mình dưới tác động của Thần Khí để “hoàn toàn mặc lấy Chúa Kitô, hoàn toàn tan biến trong Người và liên lỉ được Thần Khí của Người linh hoạt, hoàn toàn bị hủy ra không và luôn luôn giữ vai trò thụ động chứ không phải vai trò chủ động trong mọi sinh hoạt”[35].
Tinh thần chiêm niệm của Đức Cha Lambert cũng được diễn tả trong các bản luật mà ngài soạn thảo cho Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta cũng như cho Dòng Nữ Mến Thánh Giá, và trong chính lá thư mà ngài viết cho hai chị nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên. Mức tối thiểu ngài đòi hỏi các nữ tu Mến Thánh Giá là suy niệm mỗi ngày một giờ, theo bài soạn sẵn đọc cho mọi người nghe. Đối với Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá, ngài xin anh chị em suy niệm mỗi ngày nửa giờ về cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu[36]. Ngài cũng khuyến khích các tín hữu khác suy niệm về sự thương khó Chúa, ít nhất vào các ngày lễ buộc[37].
Như được trình bày trên đây, chiều kích chiêm niệm của Đức Cha Lambert diễn tả tình yêu phi thường đối với Đấng Chịu Đóng- Đinh, là động lực thúc đẩy những ai muốn bước theo linh đạo Mến Thánh Giá trong những hành động cụ thể: thông phần cuộc khổ nạn của Đức Kitô và tiếp nối cuộc đời đau khổ của Người. Đó là khía cạnh thực tiễn của tình yêu trong linh đạo của Đức Cha Lambert, là chiều kích khổ chế mà chúng ta sẽ bàn tới sau đây.

II. CHIỀU KÍCH KHỔ CHẾ
Với bản chất yếu đuối và với khuynh hướng thích tìm sự dễ dãi, trong một thế giới của khoái lạc, hưởng thụ như hiện nay, con người khó chấp nhận sự khuôn mình theo những đòi hỏi hiển nhiên thường tình trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong mọi thời đại và trong mọi hình thức sống, việc thực hành khổ chế luôn là điều cần thiết và có giá trị cho sự thăng tiến, phát triển của con người, cả về mặt tinh thần lẫn thể xác, phương diện nhân bản lẫn tu đức, đời sống tự nhiên lẫn đời sống siêu nhiên.
Trong lãnh vực đời sống đức tin, khổ chế là cách thức giúp người Kitô hữu quy hướng cuộc sống của mình về Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì họ, để qua Người họ đạt đến sự trọn lành, đến cùng đích tuyệt đối của mình là Thiên Chúa. Quan điểm này có thể được minh chứng nơi cuộc đời của Vị Đại diện Tông Tòa tiên khởi Đàng Trong và là Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá.
Sau khi cảm nghiệm tình yêu phi thường của Đức Giêsu Kitô trên Thánh Giá, Đức Cha Lambert được thôi thúc đáp lại tình yêu ấy bằng những thực hành thiết thực, để diễn tả tình yêu đặc biệt và lớn nhất của ngài dành riêng cho Đấng Chịu-Đóng-Đinh. Đó là ý nghĩa và giá trị của chiều kích khổ chế trong linh đạo Đức Cha Lambert được thể hiện qua những đặc điểm sau đây.

1. Khổ chế biểu hiện tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa
Trong Bản Luật viết cho Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta, Đức Cha Lambert đã nêu lên một chân lý: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người [...] là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu Kitô mà thôi”. Theo đó, “lòng đạo đức chân thật và vững chắc dựa trên Thánh Giá Chúa Cứu Thế, mà mỗi người phải vác cả trong tâm hồn lẫn ngoài thể xác, [...] là con đường cứu độ diễm phúc và chắc chắn...”[38]. Chân lý ấy là nền tảng cho những quan niệm tu đức của Đức Cha về việc thực hành khổ chế trong đời sống Kitô hữu cũng như trong hành trình bước theo Đấng Chịu-Đóng-Đinh của những người yêu mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô.

1.1. Tình yêu đối với Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh
Trong Tông huấn Vita Consecrata, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác nhận: “Việc chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là một nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi, là khởi điểm của mọi ân điển, tiên vàn là ơn Thánh Thần được trao ban, cũng như ơn sống đời thánh hiến” (VC 23). Cũng vậy, trong kinh nghiệm của Đức Cha Lambert, việc chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá đã khơi nguồn cảm hứng và làm phát sinh nơi ngài một tình yêu đặc biệt đối với Đấng Chịu-Đóng-Đinh: “Tôi đã có một ước nguyện lớn lao là chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, tôi xin Người soi tỏ cho biết có thể làm cách nào để biểu lộ mối tình ấy”[39].
Tình yêu đối với Chúa Giêsu trên Thánh Giá chiếm một vị trí quan trọng và tuyệt đối trong tâm hồn cũng như trọn cuộc sống của Đức Cha Lambert. Theo ngài, tất cả mọi ước muốn của con người đều phải đạt đến cùng đích là làm cho mình yêu mến Chúa hơn[40]. Đó quả là thú vui chân thật, thánh thiện và duy nhất của những tâm hồn hằng chiêm ngắm Đức Kitô trên Thánh Giá và ước ao được sống kết hợp với Người cách đặc biệt.

1.2. Phổ biến tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa
Tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô còn thúc đẩy Đức Cha thành lập các Hiệp Hội Những Người Yêu Mến Thánh Giá, để “phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa”[41]. Ngài cũng thao thức cho các tín hữu tại các nơi thuộc miền truyền giáo của các thừa sai, hằng ngày chuyên cần cầu nguyện và nhiệt tình thực hành những hy sinh để diễn tả tình yêu dành cho Đức Kitô trong một cách thức sống động và thiết thực nhất[42]. Nhiều lần trong lúc nguyện ngắm, Đức Cha Lambert được soi sáng để thấy rằng: “... trên đời này không có gì làm sáng danh Thiên Chúa hơn việc thành lập Hội Tông Đồ và Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá...”[43].
Trong thư gửi Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX, ngày 12/10/1670, Đức Cha viết: “Con cũng đệ trình lên Đức Thánh Cha bản luật sống của hai tổ chức: Một tổ chức đã được khởi xướng để giúp ích cho dân Kitô Giáo trong những địa sở của các miền truyền giáo. Thật vậy, vì có những người mang nặng một tình yêu đặc biệt đối với cái Chết và Thập Giá của Chúa Giêsu, nên không có gì hợp lý bằng việc cổ võ lòng sùng kính vững chắc như thế”[44].
Đức Cha thật sự tâm đắc và say mê đời sống của Những Người Mến Thánh Giá mà ngài được soi sáng và được thúc đẩy để thành lập. Đối với ngài, đời sống của họ “là một hoạ ảnh hoàn hảo của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô khi còn ở trần gian”[45].

2. Khổ chế mang tính cách tự nguyện
Khổ chế mang tính cách tự nguyện nơi Đức Cha Lambert là nhằm thông phần Thập Giá Đức Kitô, bằng những đau đớn vất vả bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong đối với thánh ý Thiên Chúa. Theo đó, tình yêu dành riêng cho Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh phải là một động lực phi thường thúc đẩy con tim hướng đến sự hy sinh tự nguyện và yêu mến.

2.1. Thông phần Thập Giá Đức Kitô
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Thầy, là vì Thầy hy sinh mạng sống mình [...]. Mạng sống của Thầy không ai lấy đi được, nhưng chính Thầy tự hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Khổ chế là cách thức chết đi trong mọi sự để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Đó là cách thức mà Đức Cha Lambert đã tự nguyện thực hành trong suốt cuộc đời. Càng đau khổ, Đức Cha càng sống tinh thần khổ chế cách triệt để hơn trong sự thông phần với Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Ngài luôn xác tín, Thiên Chúa đòi hỏi ngài phải đi theo con đường hẹp cho đến chết, cả về lý thuyết lẫn thực hành[46].
Với niềm say mến đặc biệt Đức Kitô trên Thập Giá, Đức Cha cảm nhận được từ trong nội tâm, một sự ràng buộc ngày càng chặt hơn vào Thánh Giá của Người. “Ơn hướng chiều và trực giác đặc biệt về Thánh Giá” là quà tặng ân sủng Thiên Chúa ban đã thúc đẩy ngài có những thực hành cụ thể như ngài đã từng chia sẻ với Đức Cha Pallu, người bạn đồng hành của mình. Chúng tôi “nguyện ngắm mỗi đêm hai tiếng đồng hồ, từ một đến ba giờ sáng, để suy gẫm về những đau khổ của Chúa và những lý do thúc đẩy Người chịu đựng vì chúng tôi. Sau đó, chúng tôi thông dự phần nào vào những đau khổ của Người như một của lễ hy sinh bé nhỏ, đó là khi đọc mỗi câu trong Thánh vịnh Sám Hối (Tv 50) thì đánh tội năm roi. Chúng tôi nhận được nhiều ơn, và tiếc rằng không được biết việc đạo đức này sớm hơn”[47].
Đức Cha còn được nhận biết: “Ý  định của Con Thiên Chúa trong việc thành lập Hội Tông Đồ và Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta, là để tái hiện sự đau đớn và ân sủng gắn liền với cuộc Thương Khó của Người”[48], bằng việc “chuyên chú suy gẫm cuộc Thương Khó và thông dự những nỗi khổ đau của Người hằng ngày trong suốt cuộc đời”[49].

2.2. Tâm tình vâng phục bên trong
Để thông phần với Thập Giá của Đấng Cứu Thế, người tông đồ sống khổ chế không chỉ bằng những thực hành mang tính tự nguyện như thế, mà còn sẵn lòng đón nhận những khó khăn, thử thách trong cuộc sống và do sứ vụ. Là một thừa sai Tông Tòa, Đức Cha cũng nhận thức được rằng: “Vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ chịu đói, chịu khát, chịu mệt mỏi; chịu người ta thù ghét, nói xấu và hất hủi bằng ngàn cách mà các tôi tớ Chúa đang rao giảng Phúc Âm trong Thần Khí của Người được vinh dự lãnh nhận.. .[Và với thái độ] hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa thì còn cái chết nào đáng được ngưỡng mộ và thầm kín hơn cái chết do bị ám sát, bị đói, chết do cùng cực, bệnh tật hoặc đầu độc vì Thiên Chúa của mình”[50].
Trong thư gửi cha Simon Hallé, năm 1671, Đức Cha đã bộc lộ tình trạng nội tâm của mình trước quyết định của Tòa Thánh trong việc bác bỏ Hội Tông Đồ. Mặc dù vui lòng chấp nhận, nhưng ngài vẫn cảm thấy được thôi thúc phải “khuôn mình một cách sâu sát theo thái độ bên trong và bên ngoài của Đức Giêsu Kitô đau khổ,” để “sát tế tất cả các năng khiếu của linh hồn và thân xác”, chứ không chấp nhận sống một đời sống tầm thường[51]. Và trong tâm thế tùng phục triệt để thánh ý Chúa, ngài sẵn lòng đón nhận thập giá mà Thiên Chúa đã dọn sẵn nơi miền truyền giáo Đàng Trong: “Ngày mai con sẽ lên đường đi tới nơi thực hiện dự tính ấy, và con rùng mình khi thấy những thập giá được dọn sẵn cho con tại đó. Tuy nhiên, con thấy rõ rằng, Chúa Cứu Thế muốn con chịu đựng các thập giá ấy, vì những động lực làm con say mê. Con xin tùng phục triệt để thánh ý Chúa”[52].
Thật vậy, do lời khấn vâng phục nội tâm mà người thừa sai có được một tâm thế sẵn sàng cần thiết để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Bởi vì khi “tự ràng buộc vào đức vâng lời tột cùng, người ấy không bao giờ được hành động theo sự thúc đẩy của bản tính tự nhiên và lý trí, nhưng chỉ do sự thúc đẩy nội tâm”[53].

3. Khổ chế gắn liền với nhân đức thờ phượng

3.1. Suy tôn Thánh Giá Con Thiên Chúa và kết hợp với công nghiệp cứu độ của Người
Trong sự kết hợp với Thánh Giá Con Thiên Chúa, khổ chế diễn tả thái độ thờ phượng sâu thẳm và đầy tâm tình sốt mến của tâm hồn khát khao tìm kiếm để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Theo cách thực hành khổ chế của Đức Cha Lambert, các việc hy sinh, hãm mình, đánh tội... luôn được thực hiện vào giờ nguyện ngắm buổi chiều hay ban đêm, trong sự kết hợp với các kinh nguyện đặc biệt, để long trọng suy tôn Hy Lễ Thánh Giá cao cả của Chúa, để tưởng niệm những cực hình đau đớn Con Thiên Chúa đã chịu, và dâng sự hy sinh ấy như của lễ thơm tho ngào ngạt, kết hợp với ý hướng của Chúa chúng ta khi Người chịu hành hình. Đặc biệt, vào Chúa Nhật Lễ Lá và bốn ngày tiếp theo, việc đền tội như trên phải làm gấp đôi, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, phải làm gấp ba, để tôn kính đặc biệt hơn thời gian cực thánh và ngày Con Thiên Chúa chịu Thương Khó và chịu Chết[54].
Đó là những thực hành mà Đức Cha Lambert quy định cho mình và cho Những Người Mến Thánh Giá cũng như cho con cái tinh thần của ngài. Mục đích của Dòng Nữ Mến Thánh Giá cũng được Đức Cha xác định rõ ràng, là đặc biệt chuyên chú tưởng nhớ và noi theo cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày như phương thế thuận lợi nhất để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Người[55].

3.2. Thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân lý (Ga 4,23)
“Vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu nguyện thay cho chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26). Theo Đức Cha Lambert, Chúa Kitô đóng vai trò chủ động trong những hoạt động của chúng ta bằng sự linh hoạt của Thần Khí Người. Chúng ta cần có thái độ nội tâm xứng hợp đó là giữ vai trò thụ động trong mọi sinh hoạt, nghĩa là chỉ làm theo quan điểm đức tin, theo sự thôi thúc thuần tuý của ân sủng và Thần Khí Đức Giêsu Kitô đang sống trong ta. Ý tưởng này được Đức Cha đề cập nhiều lần trong các Bút Tích của ngài.
Khi sống trong ân sủng, chính Thần Khí cư ngụ trong tâm hồn chúng ta để tiếp nối những hoạt động mà Người đã thực hiện trong nội tâm Chúa Giêsu Kitô[56]. Cũng chính Thần khí Đức Kitô thôi thúc chúng ta thực hiện việc tôn thờ Thiên Chúa cách tuyệt hảo[57]. Dựa vào nền tảng trên đây, chúng ta có thể hiểu được quan niệm của Đức Cha Lambert: những thực hành hy sinh, đánh tội nhằm suy tôn Thánh Giá Con Thiên Chúa và kết hợp với công nghiệp cứu độ của Người là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Chân Lý theo đúng cách Người muốn.
Đức Cha cũng xác tín rằng: “Khi một tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý, thì chắc chắn sẽ gặp được Ngài”[58]. Những thực hành khổ chế hay việc hãm mình bề trong và bề ngoài như là những phương thế tuyệt đối cần thiết để đến với Thiên Chúa, và như những tâm thế hữu hiệu để Thần Khí Đức Kitô có thể linh hoạt cách trọn vẹn trong linh hồn những người chỉ ước ao yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa hơn nữa[59].

4. Khổ chế bổ túc điều duy nhất còn thiếu nơi hy tế bàn thờ là phải có sự đau khổ

4.1. Hiệp nhất với hy tế bàn thờ của Con Thiên Chúa
Sự tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Đức Kitô trong một thân xác có khả năng chịu đựng đau khổ là cách thức để bổ túc hy tế bàn thờ của Con Thiên Chúa. Chính thân xác do Chúa Kitô mượn lấy để thực hành những việc hãm mình đền tội sẽ trở thành những lễ vật được thần hoá. Bởi Chúa Cha, khi nhìn vào thân xác do Chúa Kitô mượn lấy, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình[60].
Khi linh hồn kết hợp với Chúa Kitô và để cho tinh thần liên lỉ thâm nhập vào tinh thần của Chúa Kitô, hoàn toàn tan biến trong Người, thì chính Chúa Kitô, không những chiếm lấy các năng lực của linh hồn, mà còn trở thành chủ nhân của thân xác người ấy, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện theo ý muốn qua các lễ vật được thần hóa đó[61]. Và bằng sự kết hợp với những lễ vật thánh như thế mà Chúa Kitô sẽ hoàn tất hy lễ hoàn hảo của Người.
Là một thừa sai Tông Toà, Đức Cha ý thức sâu xa những đòi hỏi của bậc sống và số phận của người môn đệ Chúa Giêsu. Ngài cảm thấy hạnh phúc được “trở nên một lễ vật hiến dâng, một lễ vật được chiếu nhận và với số phận sẽ bị tan biến vào một ngày nào đó...”[62]. Ý thức ấy luôn hướng dẫn Đức Cha có thái độ sẵn sàng khuôn mình theo ý muốn của Thiên Chúa trong mọi tình huống và trong mọi sự để dâng tiến hy tế bé mọn của mình hiệp với hy tế của Con Thiên Chúa trên bàn thờ.

4.2. Tiếp nối cuộc đời đau khổ của Đức Kitô
“Mọi hạng người đều có nghĩa vụ tối cần: phải biết ơn Chúa Cứu Thế, Đấng đã gánh chịu nhiều nỗi đau thương. Vậy, không một ai phải bị loại trừ, bất luận thuộc phái tính hay địa vị nào, miễn là họ nhiệt tình khao khát uống chén đắng Con Thiên Chúa”[63]. Trong kinh nghiệm thiêng liêng của mình, nhiều lần Đức Cha được thúc đẩy thực hành những việc hãm mình đền tội hoặc dâng những hy sinh phi thường trong một khoảng thời gian nhất định để cầu xin Chúa Giêsu “vui lòng tiếp nối nơi ngài các việc hy sinh trong cuộc đời đau khổ của Người”. Đức Cha tin rằng: “Con Thiên Chúa tiếp tục cuộc đời đau khổ của Người bằng con đường tuyệt vời ấy”[64]. Cũng vậy, Đức Cha Lambert nhắn nhủ con cái mình: “mục đích chính của Tu Hội các con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô...”[65].
Tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh lao nhọc của Chúa Kitô là yếu tố quan trọng được nhận biết từ trong kinh nghiệm thiêng liêng và trong quan niệm tu đức của Đức Cha Lambert. Đức Cha đề cập đến yếu tố này nhiều lần và diễn tả nhiều cách trong một số Bút Tích của ngài.

5. Khổ chế theo mục đích luân lý tu đức

5.1. Sống đời đền tội công khai
Phát xuất từ nhận thức sâu xa về sự yếu hèn, tội lỗi của mình, Đức Cha Lambert cảm thấy cần phải quyết tâm sống đời đền tội công khai bằng những thực hành cụ thể. Vì thế, tất cả những việc hy sinh, đánh tội của chính Đức Cha Lambert hay của Những Người Mến Thánh Giá, được thực hành trong ý thức là để hãm mình, đền tội cho chính mình và cầu nguyện cho tha nhân[66]. Theo Đức Cha, “chúng ta phải hối tiếc đến hơi thở cuối cùng vì đã hiểu biết quá ít, yêu mến quá ít, tôn thờ quá ít, tạ ơn quá ít Đấng Tạo Hóa của chúng ta”[67]. Mỗi ngày chúng ta phải xét xem, “chúng ta đã dành bao nhiêu giờ để nguyện ngắm, làm việc hãm mình đền tội và hy sinh cho mục đích đó?”[68].
Hơn nữa, sự quyết tâm sống đời đền tội toàn diện là để có được bí quyết “chết đẹp và sống tuyệt vời”[69] cho Chúa Kitô. Thế nên, sống đời khổ hạnh, sống đời đền tội công khai còn là điều kiện thiết yếu để chúng ta đạt tới sự trọn lành theo bậc sống của mình[70].

5.2. Chế ngự thân xác
Mục đích luân lý tu đức của những thực hành khổ chế là làm cho thân xác phục tùng tinh thần và tinh thần phục tùng Thiên Chúa[71]. Việc chế ngự thân xác là cách thức cụ thể và là đòi hỏi căn bản để đạt được những mục tiêu thiêng liêng hay những giá trị tinh thần của khổ chế. Nếu một người sống theo bản tính tự nhiên hoặc theo lý trí thuần tuý, không thể gọi là một Kitô hữu đích thực. Do đó, trong ý hướng của Đức Cha Lambert, Những Người Mến Thánh Giá được mời gọi mỗi ngày thông phần các đau khổ của Đức Giêsu Kitô bằng việc chế ngự thân xác[72].
Chế ngự thân xác còn là để chết đi đối với chính mình, chết đi đối với thế gian, “nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời”[73], để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. “Bởi lẽ chúng ta thường yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn khi phải chết đi đối với một xu hướng xấu, so với khi chịu chết để tuyên xưng Đức Tin, lý do là đề tài này không quan trọng và ràng buộc bằng sự tử vì đạo. Và chính trong nghĩa này mà người ta có thể nói rằng cả cuộc đời người Kitô hữu là một cuộc tử vì đạo liên lỉ, bởi không thể là một môn đệ hoàn hảo của Đức Giêsu Kitô, nếu không từ bỏ mình và chết đi trong mọi hoàn cảnh đối với những ước muốn của bản thân và cái tôi của mình”[74].
Không chỉ là việc chế ngự thân xác, khổ chế còn là việc sẵn sàng đón nhận những đau khổ vất vả, là những thập giá hàng ngày của thân phận con người, như những phương thế đích thực để đạt được thiên đàng. Vì không gì làm ta xa sự dính bén thế gian và không gì làm ta chạy đến Chúa liên lỉ bằng những đau khổ. Cho nên phương thế duy nhất để thắng bản tính tự nhiên là cố gắng sống một cách phù hợp với Vị Thủ-Lãnh Đội-Mão-Gai, để Thiên Chúa hoàn toàn thống trị trong ta[75].

6. Khổ chế mang ý hướng tông đồ

6.1. Chứng tá Phúc Âm
Khi đặt chân đến Ayutthaya, Thái Lan, Đức Cha Lambert được thôi thúc để thành lập một Hiệp Hội gồm những người tông đồ đích thực, những nhà truyền giáo chân chính và những Kitô hữu hoàn hảo, để cải tổ Kitô Giáo tại đây và cách riêng để chấn chỉnh đời sống sa sút của các thừa sai trong miền truyền giáo. Những ai gia nhập Hiệp Hội này phải có một đời sống trổi vượt và “nhiệm vụ chính yếu của các tâm hồn thánh thiện ấy là năng trao đổi với Thiên Chúa về những phương thế làm sáng danh Ngài và cứu độ anh chị em đồng loại. Hãm mình đền tội cho chính mình và cho muôn dân”[76].
Vị thừa sai Tông Tòa là hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô. Theo gương Thánh Phaolô Tông Đồ, ngài chỉ biết một mình Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá (x. 1Cr 2,2), vì thế ngài không thể trở thành một thừa sai Tông Tòa đích thực, nếu không là một hy lễ đau khổ xứng với bậc sống của mình. Khổ chế là yếu tố thuộc căn tính của nhà thừa sai và là phương thế hữu hiệu cho lời chứng của ngài về Chúa Kitô và về Phúc Âm của Người[77].

6.2. Phương thế chuyển cầu
Chuyển cầu cho lương dân cùng người tội lỗi ăn năn trở lại và cho Giáo Hội được mọi điều cần thiết là một trong những mục đích của Đức Cha Lambert từ khi có ý tưởng về Hiệp Hội mang tên Những Người Mến Thánh Giá.
Trong bản xét mình của các thừa sai, nhiệm vụ chuyển cầu cũng được đề cập đến: “Chúng ta có cầu xin Thiên Chúa chấm dứt các cuộc ly giáo, lạc giáo và ban ơn hoán cải cho tội nhân và lương dân, cách riêng cho những người được trao phó cho chúng ta không?”[78]. Về phần mình, để góp phần làm sáng danh Thiên Chúa và cứu rỗi anh chị em đồng loại, Đức Cha cũng ý thức, ngài phải mang trong nội tâm “một tinh thần liên lỉ sám hối đền tội, tạ ơn và chuyển cầu hơn nữa cho muôn dân đạt được sự hoàn thiện”[79]. Chuyển cầu cho lương dân cùng người tội lỗi ăn năn trở lại cũng là đặc nét trong sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá.
Khổ chế là yếu tố quan trọng trong linh đạo của Đức Cha Lambert, linh đạo Mến Thánh Giá. Những người tập sự sẽ tìm thấy nơi đây phương thế tuyệt vời giúp chế ngự tật xấu và rèn luyện nhân đức; những người đang tấn tới sẽ tìm thấy phương thế kết hợp với Thiên Chúa mỗi ngày một hơn; những người thành toàn sẽ tìm thấy phương thế đạt tới sự hiệp nhất mật thiết với Đức Giêsu Kitô chịu Khổ Nạn”[80]. Dù hình thức khổ chế nào, thì đó cũng là một đòi hỏi thực tiễn của đời sống chiêm niệm, vì trái tim phải được thanh luyện để có khả năng lắng nghe, chiêm ngắm Chúa và kết hợp với Người. Nơi Đức Cha Lambert, khổ chế cũng như cầu nguyện, luôn là điều kiện và phương thế cần thiết cho hoạt động tông đồ, như chúng ta sẽ thấy trong phần trình bày về chiều kích tông đồ trong linh đạo của Đức Cha Pierre Lambert.

III. CHIỀU KÍCH TÔNG ĐỒ
Khi lãnh nhận thiên chức linh mục, nhất là chức Giám Mục Đại Diện Tông Toà, Đức Cha Pierre Lambert ý thức mình là người tông đồ của Chúa Kitô qua sự ủy nhiệm của Giáo Hội. Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris do ngài cùng với Đức Cha Francois Pallu và Nhóm Bạn Hiền sáng lập, là một hội đời sống tông đồ. Cũng thế, Đại Gia Đình Mến Thánh Giá do Chúa soi sáng riêng cho ngài lập ra, là một Dòng gồm những người tông đồ. Đức Cha Pierre Lambert là khuôn mặt tiêu biểu nhất cho cả hai tổ chức đó, vì ngài có một tâm hồn nhiệt thành, sống chết cho ơn gọi thừa sai và có ý niệm trổi vượt về đời sống người tông đồ. Chính quan niệm và kinh nghiệm của ngài về lãnh vực này đã đúc kết nên tinh thần thâm thúy cho người tông đồ thừa sai và làm mẫu mực cho con cái của ngài.

1. Hồn tông đồ

1.1. Chiêm niệm
Theo Đức Cha Pierre Lambert, chiêm niệm và hoạt động bổ túc cho nhau và đan kết vào nhau. Chiêm niệm phải là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của việc kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa. Khi nói đến những đức tính cần có của các thừa sai, Đức Cha khẳng định, họ phải quyết tâm cách chân thành vươn tới sự trọn lành của người Kitô hữu, và phải thực hành quyết tâm ấy trước khi dấn thân vào những nghĩa vụ cao cả của người tông đồ. Do những đòi hỏi cần thiết đối với đức tính của người tông đồ, nên đối với Đức Cha “một người có thiện chí, sốt sắng và đạo đức thì chưa đủ, nhưng còn cần phải trải qua 10 năm liên tục chuyên chăm nguyện ngắm thân tình với Chúa và phục vụ tha nhân, bằng không thì e rằng đời sống nội tâm của các thừa sai ấy sẽ sa sút”[81]. Trong kinh nghiệm bản thân, nhiều lần Đức Cha Lambert cũng đã khuyên dạy các thừa sai của mình: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”[82]. Đức Cha còn tự nhủ rằng: “Người tông đồ thừa sai hãy làm mọi việc trong khuôn khổ ơn gọi của mình theo sự thúc đẩy nội tâm. Sự thúc đẩy này luôn gắn liền với bậc sống của người được Chúa kêu gọi thật sự vào đời sống tông đồ”[83].
Với Đức Cha Lambert, nguyện ngắm không chỉ là một phương thế cần thiết và hữu hiệu để kết hiệp với Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng đạt tới sự trọn lành nội tâm, nhưng còn là một nguồn cung cấp ánh sáng soi dẫn hành động thực tiễn trong lãnh vực tông đồ. Suốt đời, ngài đã triệt để áp dụng nguyên tắc: luôn hành động dưới sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, biểu hiện trong những trực giác và xác tín nội tâm mà ngài cảm nhận được khi nguyện ngắm.
Một yếu tố khác chứng tỏ tính thực tiễn, trong phương pháp nguyện ngắm theo linh đạo của Đức Cha Lambert, là thái độ nài xin trước mặt Thiên Chúa để chuyển cầu cho tha nhân. Việc chuyển cầu này là một nhiệm vụ chính yếu của người nữ tu Mến Thánh Giá. Chính Đức Cha Lambert đã truyền dạy cho con cái ngài: “...hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các con và các hy sinh của các con, để cầu xin [Thiên Chúa] ban cho lương dân và những Kitô hữu bất hảo được ơn ăn năn trở lại”[84]..

1.2. Đời sống trổi vượt phi thường
Để có thể đạt tới sự trọn lành, người tông đồ “phải sống đời đền tội hơn, khổ hạnh hơn và nguyện ngắm nhiều hơn; nếu không, [người ấy] không thể chu toàn các nghĩa vụ của một thừa sai Tông Tòa đích thực”[85]. Đức Cha Lambert còn nhận thấy rằng: “Tôi sẽ không đạt được sự trọn lành cao độ mà Chúa Giêsu Kitô đòi hỏi nơi tôi, nếu tôi không thể hiện ra bên ngoài ý nghĩa của ba lời khấn nội tâm mà tôi tuân giữ hết sức mình với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa.. ,”[86]. Đó là cách thức mà Đức Cha tin rằng: Thiên Chúa đòi hỏi những thực hành hy sinh, hãm mình để sống đời đền tội công khai của ngài, phải mang lại hiệu quả thiết thực. Sự nhận biết này thôi thúc ngài thực hành những việc hãm mình: “Kiêng thịt và ăn chay suốt đời”, để đền bù phạt tạ lòng nhân lành của Thiên Chúa “bị xúc phạm mọi ngày quanh năm”[87].
Như thế, người tông đồ thừa sai còn phải là người có đời sống trổi vượt. Một đời sống phóng túng hoặc tầm thường sẽ không xứng đáng và không có ích gì trong một bậc sống phi thường của vị thừa sai. Đời sống trổi vượt ấy sẽ không ngừng thúc đẩy người tông đồ “liên lỉ dâng lên Thiên Chúa những hy sinh để được thông dự vào nhân tính thánh thiện, đau khổ, chịu đóng đinh, hiến tế của Chúa Kitô và mang đầy tư tưởng của Thiên Chúa, hầu xứng đáng nhận lãnh vinh dự lớn lao và lòng thương xót tột đỉnh, là được chết trên cây gỗ do tay một lý hình với mục đích bảo vệ Phúc Âm thánh của Người, vì phần rỗi của tha nhân và vì tình yêu tinh tuyền dành cho Thiên Chúa”[88].
Do những đòi hỏi của đời sống phi thường như thế mà tình yêu của nhà thừa sai Tông Tòa đích thực không bao giờ được phép tàn lụi. Để có thể trung thành với ơn kêu gọi trong bậc sống thánh thiện này, người tông đồ phải luôn tự nguyện đặt mình dưới sự thôi thúc của tình yêu đối với Đấng Chịu-Đóng-Đinh. Nhờ đó, họ có thể hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, chấp nhận bị chi phối bởi tình yêu tinh tuyền dành cho Chúa và tha nhân.

1.3. Sự từ bỏ
Từ bỏ là điều kiện tất yếu thuộc bản chất ơn gọi của người tông đồ. Thật vậy, để đạt tới một đời sống trổi vượt của một bậc sống phi thường, người tông đồ phải trả giá bằng chính bản thân và tất cả những gì mình sở hữu. Đó “không phải là những của cải bên ngoài, nhưng chính là những năng lực của linh hồn mà Thiên Chúa đòi hỏi phải từ bỏ”[89]. Nói cách khác, “cốt lõi của sự từ bỏ phải là từ bỏ mọi hoạt động của tinh thần để chỉ làm theo thánh ý Thiên Chúa do Ngài tỏ cho thấy qua sự thôi thúc nội tâm, là điều không bao giờ thiếu, nếu vị ấy trung thành với ân sủng. Không có sự từ bỏ này vị ấy không thể làm được gì mang tính anh hùng trong các nghĩa vụ do Thiên Chúa giao phó”[90].
Người tông đồ thực hành sự từ bỏ là để có thể hành động trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Kitô và sẵn sàng vâng theo mệnh lệnh của Người. Thêm nữa, việc “từ bỏ các của cải bên trong”, như đã mô tả trên đây, sẽ giúp người tông đồ dễ dàng phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa khi phải đối diện với những khó khăn thử thách mà Đức Cha Lambert nói rõ là những “sự dữ bên ngoài và bên trong”[91].
Đòi hỏi lớn lao của sự từ bỏ là một cuộc chết đi liên lỉ, “chết đi trong mọi hoàn cảnh đối với những ước muốn của bản thân và cái tôi của mình”[92]. Sự chết đi như thế là thái độ dứt khoát để khước từ những gì không phù hợp với bậc sống của người tông đồ, và để nhờ đó mà người tông đồ có thể đạt tới sự trọn lành như Chúa muốn. Ngược lại, nếu không từ bỏ, người tông đồ sẽ trở nên kẻ bất trung trong chính bậc sống của mình. Đức Cha Lambert đã quả quyết: “Thập giá lớn nhất và là một trong những sự bất trung nghiêm trọng nhất mà những người đã được Chúa kêu gọi trong những con đường
bí nhiệm của Chúa đã vấp phải, là không hành động bằng tất cả sự từ bỏ như Chúa mong ước, theo cách Chúa hành động trong họ”[93].

1.4. Sống theo Thần Khí
Từ bỏ hay ghét bỏ chính mình giúp người tông đồ khám phá ra “một phương thế để trút bỏ bản tính hoàn toàn hư đốn và thay vào đó một con người phù hợp với bản tính Thiên Chúa”[94], bằng không, người ấy sẽ không được Thần Khí của Ngài linh hoạt trọn vẹn. Đối với những người sống theo Thần Khí, Thiên Chúa đòi hỏi sự lệ thuộc hoàn toàn nơi Ngài qua Đức Giêsu Kitô. Để một khi đã kết hợp với Chúa Giêsu Kitô bằng một sự hiệp nhất rất đặc biệt trong một bậc sống phi thường, vị thừa sai không còn tự mình hành động nữa. Hoặc “nếu phải hành động, linh hồn sẽ hỏi Thần Khí Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong mình, điều gì Thần Khí muốn nó thực hiện nhờ Người”[95].
Thật vậy, người tông đồ phải “hoàn toàn luỵ phục sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” và không được làm gì theo ý riêng là ý của xác thịt. Như thế “hành động một cách thụ động trong nội tâm” có nghĩa là ngoan ngùy đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần với một trái tim đã được thanh luyện. Nói cách khác, Thiên Chúa đòi hỏi nơi người tông đồ thái độ nội tâm cần thiết, là “...chết đi đối với chính mình và mọi sự trên thế gian, [và] chỉ sống trong Đức Giêsu Kitô”[96], đến độ như Thánh Phaolô khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đó là “bí quyết chết đẹp và sống tuyệt vời”, đòi hỏi người tông đồ phải quyết tâm sống đời đền tội toàn diện; để trong mọi sự, người ấy “chỉ làm theo quan điểm đức tin, theo sự thôi thúc thuần túy của ân sủng và Thần Khí Đức Giêsu Kitô”[97].
Theo Đức Cha Lambert: “Người ấy phải luôn luôn hành động một cách thụ động trong thâm tâm, vì tự coi mình như một thừa tác viên được linh hoạt bởi Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh; và với tư cách đó, linh hồn phải cẩn thận không tự ý làm gì cả, nhưng phải đi theo hoặc làm theo những trực giác được ban cho mình, do sự kết hợp với dòng ảnh hưởng thần bí đáng tôn thờ này”[98]. Đức Cha cũng quả quyết: “Nếu không đi theo đường hướng đó, chắc chắn các hoạt động của nhà truyền giáo sẽ tiêm nhiễm xu hướng sống theo bản tính tự nhiên hoặc theo sự khôn ngoan thế gian là kẻ thù của đời sống Phúc Âm”[99].

2. Sống sứ vụ tông đồ thừa sai

2.1. Đặc tính Kitô trung tâm
Người tông đồ phải đặt Chúa Kitô làm trung tâm của mọi hoạt động. Từ quan điểm Kitô trung tâm quen thuộc, Đức Cha Pierre Lambert nhìn người tông đồ trong mối liên hệ mật thiết với Chúa Kitô, trong sự tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người. Vì Chúa Kitô đã cứu độ thế giới bằng hy sinh, thì người tông đồ cũng có sứ mạng “tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế”, bằng cách tự nguyện và chủ động “dâng tiến, trao gởi và cống hiến thân xác (tôi) cho Đức Giêsu Kitô”[100] vì mục đích ấy. Theo đó, đời sống của người tông đồ sẽ luôn tập trung vào Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn bằng một tình yêu thực tiễn.

2.2. Hoàn tất mọi việc thay cho Chúa Kitô
Trong quan điểm Kitô trung tâm như vừa trình bày trên đây, mọi sinh hoạt của người tông đồ sống linh đạo của Đức Cha Lambert là tiếp nối và “hoàn tất những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Đức Cha Pierre Lambert ý thức mình đang đi trong linh đạo của Thánh Phaolô, là linh đạo đặc biệt thích hợp cho linh đạo của Đức Cha Pierre Lambert: tập trung vào Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Theo linh đạo này, Đức Cha Lambert quan niệm, chính Đức Kitô sử dụng người tông đồ để tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Người bằng đời sống đức tin, bằng những thực hành hãm mình, đền tội; bằng những hy sinh cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Các khía cạnh này của đời sống người tông đồ đều bao hàm đau khổ và gian truân thử thách. Trong cái nhìn của đức tin, đời sống ấy luôn luôn được bao trùm dưới bóng Thánh Giá Đức Kitô Cứu Thế, như yếu tố cần thiết đem lại hiệu năng của việc tông đồ. Đức Cha Lambert cũng cảm nghiệm: “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức bác ái phi thường của thừa tác viên”[101].

2.3. Thông dự vào tinh thần trung gian với Đức Kitô
Thiên Chúa đã dùng Đức Kitô làm trung gian giao ước mới và vĩnh cửu, đem lại cho loài người ơn tha tội, ơn nghĩa tử, ơn bình an và hiệp nhất để làm thành Nhiệm Thể Người là Hội Thánh. Người tông đồ sống theo linh đạo của Đức Cha Lambert được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Kitô. Tinh thần đó phải được thể hiện trong đời sống cụ thể bằng cách phấn đấu liên lỉ, để sống trong trạng thái được giải hòa với Thiên Chúa và mọi người; thực thi giới luật bác ái và tha thứ, cách riêng đối với kẻ thù ghét và làm hại mình; đồng thời kiến tạo hòa bình và hòa giải trong môi trường mình sống và hoạt động[102].

2.4. Tinh thần Phúc Âm
Người tông đồ cũng phải có tinh thần canh tân, thích nghi, khổ chế, nghèo khó, để chung mọi của cải và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Không cậy dựa vào tiền bạc và sự thông thái của mình hoặc thế lực quan quyền vua chúa. Trái lại, người tông đồ chỉ dùng mọi phương thế chứa đựng trong Phúc Âm, đó là rao giảng lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên vào sức mạnh thần linh, với tinh thần bác ái vô hạn dành cho mọi người, kể cả những kẻ chống đối, với tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu và với tâm hồn cầu nguyện liên lỉ.
Đức Cha Pierre Lambert cũng nhấn mạnh rằng: người tông đồ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm sẽ có thái độ hiền lành, khiêm nhường khi tiếp xúc với tín đồ các tôn giáo bạn; nên đối xử với những Phật tử như “những người đã có màu sắc chân lý Kitô Giáo” và phải kính trọng, bắt chước những đức tính cao quý của họ[103]. Chính Đức Cha đã sống Phúc Âm đến cực điểm và thể hiện ở mức độ trổi vượt mẫu người tông đồ phác họa trên đây. Ngài là một trong những vị thừa sai nổi bật của thời đại mới[104].
Đến đây, chúng ta đã phân biệt ba chiều kích làm nên linh đạo của Đức Cha Pierre Lambert, nhưng trong thực tế, ba chiều kích ấy gắn liền và đan xen với nhau, không thể tách rời. Thật vậy, tinh thần chiêm niệm dẫn tới tinh thần khổ chế và tinh thần tông đồ một cách tất yếu. Tinh thần khổ chế là bí quyết và động lực cần thiết cho đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Mỗi chiều kích cũng như toàn bộ linh đạo của Đức Cha Lambert đều mang đặc tính Kitô trung tâm, tập trung vào Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh và cuộc Thương Khó của Người. Cả ba hình thức: chiêm niệm - khổ chế - tông đồ của linh đạo Đức Cha Lambert đều được thôi thúc bởi tình yêu dành cho Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh trong sự hiến dâng trọn vẹn để nên đồng hình đồng dạng với Người.
Tất cả những điều trình bày trên đây chứng tỏ linh đạo của Đức Cha Lambert tập trung cái nhìn và trái tim vào dung nhan Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Bởi đó, linh đạo này không bị mai một với thời gian, nhưng luôn sống động và được truyền lại cho hậu duệ của Đức Cha Pierre Lambert, những người sống theo linh đạo Mến Thánh Giá.
Đời sống và sức phát triển kỳ lạ của Dòng Mến Thánh Giá, trong lòng Giáo Hội Việt Nam và Châu Á qua suốt dòng lịch sử đầy thử thách, là một dấu hiệu chứng tỏ sự thích hợp linh đạo của Đức Cha Lambert với tâm hồn người phụ nữ Việt Nam và Châu Á, là mẫu người có sự bén nhạy đặc biệt đối với huyền nhiệm tình yêu và đau khổ, là hai yếu tố có khả năng cộng tác vào ơn cứu độ con người. Thập Giá Đức Kitô chính là quyển sách mạc khải huyền nhiệm ấy.

 
Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
Trích 
Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 116 (tháng 1 & 2 năm 2020)

[1] HĐGMVN, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng Công Giáo, “Linh Đạo” trong Từ Điển Công Giáo, Tôn Giáo, 2016, tr.533.
[2] Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Dẫn Vào Lịch Sử Linh Đạo, trang mạng Giáo Phận Đà Lạt, simonhoadalat.com, truy cập 06/2020
[3] X. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội - Lumen Gentium 46,1.
[4] X. Nhóm NCLĐMTG, “Những Trực Giác Mới Của Một Nhà Thừa Sai Nhận Được Trong Lúc Nguyện Ngắm..., 1668” (Bài Tự Sự), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., I,4, tr.58.
[5] Vua Louis XIII của Pháp, tại wikipedia.org
[6] Ch. Duffy, Siege Warfare: The fortress in the early modern world, 1494-1660, p.247. 
[7] Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử-Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, 1998, số 2, tr.8.
 
[8] D. Poinsenet, France Religieuse du XVII siècle, Paris, 1952, p.363.
[9] X. Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tu Hội Các Trinh Nữ Và Phụ Nữ Đạo Đức...” (Luật Tiên Khởi), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., IV,6, tr.30.
[10] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, Documents historiques I (1658-1728), Paris, Téqui, 1923, p.96.
[11] AMEP, vol. 118, p.332. 
[12] P. Pourrat, La spiritualité Chrétienne III. Les Temps Modernes, Première Partie: de la Renaissance au Jansénisme, Paris, 1947, pp.127.154.
 
[13] D. Poinsenet, France Religieuse du XVII siècle, op.cit., p.16.
[14] J. Ch. Brisacier, sđd., số 14.
[15] P. Pourrat, op.cit., pp.60-61.
[16] Cf. J. Guennou, Missions Étrangères de Paris, Paris, Fayard, 1986, pp.103-104.
[17] Cf. H. Bremond, Histoire littéraire du sentiment religieux France, tome III: la Conquête mystique, L'école Franẹaise, Paris 1935, pp.641-644.
[18] Cf. J. Guennou, op.cit., p.110.
[19] X. Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ Về Cuộc Hành Trình Bất Thành Sang Trung Hoa, 1663” (Suy Nghĩ 2), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 14-18, tr.138.
[20] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 22.
[21] Cf. H. Chappoulie, Aux origines d'une Église. Rome et les missions Indochine au XVII siècle, Paris, 1943, pp.141-142.
[22] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,1, tr.58.
[23] Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Cha Hallé, 15/03/1661” (Thư I Hallé), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3-5, tr.108.
[24] X. Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ Về Các Đức Tính..., 1661” (Suy Nghĩ 1), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3, tr.115.
[25] Nhóm NCLĐMTG, “Một Thừa Sai Phải Hành Động Thế Nào? 1665” (Hành Động), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 9, tr.162.
[26] Nhóm NCLĐMTG, “Việc Nguyện Ngắm Của Một Thừa Sai Tông Toà” (Nguyện Ngắm 4), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 12, tr.151.
[27] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Nguyện Ngắm, 06/09/1662” (Nguyện Ngắm 1), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 5, tr.46.
[28] X. Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử-Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte (Tiểu Sử), sđd., 8, tr.15.
[29] Đây là khẩu hiệu mà ngài kế thừa của linh đạo trường phái Pháp: “Chúa Giêsu-Kitô phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” (J. Guennou, op.cit.,p.112).
[30] Nhóm NCLĐMTG, “Sự Tập Chú Nội Tâm Và Liên Lỉ... 1665” (Tập Chú Nội Tâm), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 7-9, tr.168.
[31] X. nt., 4, tr.167.
[32] Nt., 12, tr.169. 
[33] Nt., 3-4, tr.167. 
[34] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”,sđd., I,11, tr.59. 
[35] Nhóm NCLĐMTG, “Cảnh Báo Về Những Cám Dỗ..., 1662” (Cảnh Báo 1), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3, tr.119. 
[36] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., V,3, tr.66. 
[37] X. Nghị quyết Công Nghị Đàng Ngoài 1670, điều 21, trong A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin, Documents Historiques, tome I, Paris, Téqui, 1927, p.97.
 
[38] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá.., 1668” (Luật Tại Thế), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., I,1-4, tr.87.
[39] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., 1,1-2, tr.58.
[40] X. Nhóm NCLĐMTG, “Tập Chú Nội Tâm”, sđd., 13, tr.169.
[41] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., III,1, tr.64.
[42] X. nt., III,1-2, tr.64; “Luật Tại Thế”, II,1-2, tr.88.
[43] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., VII,1, tr.71.
[44] Nhóm NCLĐMTG, “Thư Đệ Trình Đức Giáo Hoàng Clêmemtê IX, 1670” (Thư Clêmemtê), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 22-24, tr.99.
[45] Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 1”, sđd., 11, tr.47.
[46] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Đức Cha Héliopolis, 1668” (Thư Pallu), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., III, tr.80. 
[47] Nt., III,2, tr.79.
 
[48] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., VI,1, tr.68.
[49] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi” sđd., I,4, tr.28.
[50] Nhóm NCLĐMTG, “Dốc Lòng Của Một Thừa Sai Tông Tòa, 1663” (Dốc Lòng 2), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 28.33, tr.132-133.
[51] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Cha Hallé, 1671” (Thư II Hallé), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3-5, tr.190.
[52] Nt., 9-11, tr.191.
[53] Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 4”, sđd., 6, tr.140.
[54] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,7.V,4, tr.59.66.
[55] X. Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., II, tr.28.
[56] X. Nhóm NCLĐMTG, “Hành Động”, sđd., 9, tr.162.
[57] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., VI,11, tr.70.
[58] Nhóm NCLĐMTG, “Động Lực Thúc Đẩy Một Thừa Sai Tông Tòa..., 1663” (Động Lực), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 1, tr.124.
[59] X. Nhóm NCLĐMTG, “Vài Trực Giác Nhận Được Trong Cuộc Tĩnh Tâm..., 1663” (Trực Giác), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 4, tr.142. 
[60] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,4.11, tr.58-59. 
[61] X. nt., VI,9, tr.69. 
[62] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Nguyện Ngắm, ngày 07/09/1662” (Nguyện Ngắm 2), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 1, tr.48. 
[63] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., IV,1-3, tr. 
[64] Nt., VII.5.8, tr.71.72. 
[65] Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Bà Anê và Bà Paula, 1670” (Bức Tâm Thư), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 8, tr.41. 
[66] X. Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 1”, sđd., 7, tr.46.
[67] Nhóm NCLĐMTG, “Dốc Lòng 2”, sđd., 39, tr.133. 
[68] Nhóm NCLĐMTG, “Bản Xét Mình Của Một Thừa Sai Tông Tòa, 1666” (Xét Mình), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 26, tr.174. 
[69] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 21, tr.139. 
[70] X. Nhóm NCLĐMTG, “Hiệu Quả Tình Yêu Tinh Tuyền Trong Tâm Hồn , 1664” (Tình Yêu Tinh Tuyền), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 21, tr.158. 
[71] Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử - Bút Tích Đức Cha Phêrô - Maria Lambert de la Motte,1998, số 31, tr.56. 
[72] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư II Hallé”, sđd., 4, tr.190. 
[73] Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 10, tr.41. 
[74] Nhóm NCLĐMTG, “Tình Yêu Tinh Tuyền”, sđd., 9-10, tr.156.
 
[75] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Giáo Đoàn Đàng Trong, 1664” (Thư I Đàng
Trong), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 20.27, tr.146-147.
[76] Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 1”, sđd., 7, tr.46.
[77] X. Nhóm NCLĐMTG, “Đau Khổ”, sđd., 1-2, tr.181.
[78] Nhóm NCLĐMTG, “Xét Mình”, sđd., 24, tr.
[79] Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 2”, sđd., 2, tr.48.
[80] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., VII,19-21, tr.74-75.
[81] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 1”, sđd., 3, tr.115.
[82] Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử - Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, sđd, số 31, tr.57.
[83] H. Chappoulie, op.cit., p.l42.
[84] Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 8, tr.41.
[85] Nhóm NCLĐMTG, “Tình Yêu Tinh Tuyền”, sđd., 21, tr.158.
[86] Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 2”, sđd., 3, tr.49.
[87] Nt., 4, tr.49.
[88] Nhóm NCLĐMTG, “Động Lực”, sđd., 25, tr.127-128.
[89] Nhóm NCLĐMTG, “Dốc Lòng 2”, sđd., 13, tr.130.
[90] Nt., 18-19, tr.131.
[91] Nt., 27, tr.132.
[92] Nhóm NCLĐMTG, “Tình Yêu Tinh Tuyền”, sđd., 10, tr.156-157.
[93] Nhóm NCLĐMTG, “Kinh Tạ Ơn, 1670”, trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 2, tr.188.
[94] Nhóm NCLĐMTG, “Động Lực”, sđd., 9, tr.125.
[95] Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 4”, sđd., 4, tr.149.
[96] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 13-14, tr.138.
[97] Nt., 21-23, tr.139.
[98] Nhóm NCLĐMTG, “Trực Giác”, sđd., 6, tr.142.
[99] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 18, tr.139.
[100] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,4, tr.58.
[101] J. Guennou, op.cit., p.142.
[102] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., V,6, tr.67.
[103] Cf. B. Jacqueline, L'esprit missionnaire chez Mgr. Lambert de la Motte, Saint- Lô, 1996, pp.223-224.
[104] Cf. J. Guennou, op.cit., p.208.
NĂM THÁNH MỪNG 350 NĂM 
THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ




BÀI 7: SỨ MẠNG DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

WHĐ (16-06-2020) – Được mời gọi sống sứ mạng tông đồ theo tinh thần của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, người nữ tu Mến Thánh Giá đặt trọng tâm việc truyền giáo vào mầu nhiệm Thập Giá và ý thức rằng: người tông đồ tiếp nối sứ mạng Cứu Thế của Chúa Kitô. Ơn gọi căn bản Dòng Mến Thánh Giá là sống mầu nhiệm tình yêu, hàm chứa sứ mạng tông đồ, vì Chúa Kitô mà người nữ tu Mến Thánh Giá chuyên chú tìm hiểu, yêu mến và bắt chước, là vị tông đồ hoàn hảo của Chúa Cha. Vậy người nữ tu Mến Thánh Giá phải trở nên tông đồ của Chúa Kitô và thông dự vào hành động cứu thế của Người, nghĩa là cứu thế bằng hy sinh và bằng tinh thần trung gian.

Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Người chuyển cầu không chỉ bằng lời kinh cầu nguyện cho mỗi người và mọi người, mà bằng cả cuộc đời phục vụ, với đỉnh cao là hành động hiến dâng mạng sống trên Thánh Giá làm giá chuộc cho muôn người. Đức Cha Lambert muốn các nữ tu Mến Thánh Giá phải nhận thức rõ ân huệ đặc biệt Chúa Kitô ban cho họ là được thông dự vào vai trò trung gian và tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người để chuyển cầu cho phần rỗi và hạnh phúc của anh chị em đồng loại.

Theo ý hướng của Đấng Sáng Lập, “tinh thần trung gian” mà các nữ tu Mến Thánh Giá nhận được từ Chúa Kitô phải được thể hiện trong hai sứ vụ quan trọng là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa, và chuyển cầu cho lương dân cùng các Kitô hữu bất hảo được ơn hoán cải[1].

I. SỨ MẠNG DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

1. Tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Kitô

Người nữ tu Mến Thánh Giá được Chúa Kitô tuyển chọn và ban đầy tinh thần của Người là tinh thần trung gian, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người cho đến tận thế, vì thân xác Chúa đã phục sinh vinh hiển nên không còn trực tiếp cảm nhận đau đớn và đau khổ nữa.

Sứ vụ “tiếp nối” này làm cho các nữ tu Mến Thánh Giá hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì đã dâng mình trọn vẹn cho Người, qua việc tuyên khấn và sống ba lời khuyên Phúc Âm, sống thành cộng đoàn, và “thực hành mọi việc thay cho Chúa Kitô”[2]. Đây là hành vi đáp trả đầy yêu thương của người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt.

Theo Đức Cha Lambert, người nữ tu Mến Thánh Giá đồng hóa mình với Đức Kitô để tiếp nối sứ mạng cứu rỗi của Người, để “Thiên Chúa, Cha của Người khi nhìn vào thân xác và cánh tay Người mượn, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình; sự kiện Chúa Cha hằng hữu ưng nhận như thế, phải là quy tắc hướng dẫn tôi về cách ứng xử đối với trường hợp đó và dạy tôi phải giữ tâm thế hoàn toàn thụ động cả bề trong lẫn bề ngoài”[3], nghĩa là chết đi với chính mình, để sống cho Đức Kitô.

Việc chết đi đối với chính mình là cần thiết cho Chúa Giêsu tiếp tục trong chúng ta sứ mạng cứu độ của Người. Đức Cha Lambert thường nói: Đời sống người tông đồ là một cuộc chết đi liên lỉ, “chết đi đối với chính mình và đối với thế gian”[4], nghĩa là đối với “các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, [để] sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Đức Kitô”[5].

Như thế, căn tính của người tông đồ Mến Thánh Giá là hoàn toàn chết đi cho mình và sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, nhất là để Chúa Giêsu sử dụng cuộc đời của họ để tiếp nối hy lễ Thập Giá của Người, nhằm sinh ơn cứu độ cho con người. Nói cách khác, căn tính này hệ tại việc họ làm cho tình yêu của Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng- Đinh phản chiếu cách trung thực trong tư tưởng, lời nói và việc làm của mình. Đức Cha Lambert diễn tả thực tại ấy như sau: “khi đã tuyên khấn ba lời khấn của đời sống trọn lành là nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời nội tâm, con người mất hết chỗ dựa, trở thành một người hành khất đích thực do bậc sống”[6].

Để có thể “tiếp nối” và “làm thay” cho Chúa Kitô, người nữ tu Mến Thánh Giá phải ý thức và xác tín như Đức Cha Lambert: Tôi “trao gởi và cống hiến thân xác tôi cho Đức Giêsu Kitô để Người dùng mà thực hành những việc đền tội hãm mình và Người có thể tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác có khả năng chịu đau khổ do Người mượn lấy và tuyển chọn cho mục đích đó”[7]. Mặt khác, chị em phải ý thức mình là họa ảnh của Đức Kitô, để hằng ngày chiêm ngắm mầu nhiệm tự hủy, vâng phục, nghèo khó của Người, và để cho Chúa Cứu Thế không những chiếm lấy các năng khiếu tâm linh của linh hồn, mà còn trở thành chủ nhân của thân xác mình, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện theo ý muốn qua những lễ vật được thần hóa đó[8].

Sứ mạng tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu cũng mời gọi chị em Mến Thánh Giá đón nhận niềm vui và đau khổ từ Thiên Chúa với cùng một thái độ yêu thương và tạ ơn, vì Chúa Giêsu là Đấng đáng mến tại núi Sọ cũng như tại núi Tabor. Tuy nhiên, Chúa Giêsu “bày tỏ những dấu chứng lớn lao về tình yêu của Người trên núi Sọ hơn là trên núi Tabor”[9]. Chính vì lý do này, bí mật tuyệt vời của ơn gọi Mến Thánh Giá hệ tại ở việc “yêu mến Chúa Giêsu Kitô trong những lúc tối tăm, những thập giá, những hy sinh của chúng ta và trong mức độ Người cho chúng ta uống chén đắng của Người, cũng như khi Người lấp đầy chúng ta bằng những ân tình dịu dàng”[10]. Thật vậy, trong đau khổ tột cùng mà tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và anh chị em vẫn không suy giảm chứng tỏ rằng tình yêu chúng ta mạnh hơn sự chết.

2. Sứ mạng chuyển cầu

Người nữ tu Mến Thánh Giá thực thi sứ mạng chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống qua năm nhiệm vụ được Đức Cha Pierre Lambert ấn định trong Luật Tiên Khởi: nhiệm vụ thứ nhất là chuyển cầu trong nguyện đường, bốn nhiệm vụ còn lại là chuyển cầu trong cuộc sống.

2.1 Chuyển cầu nơi nguyện đường

Việc chuyển cầu nơi nguyện đường được thể hiện qua nhiệm vụ thứ nhất: “Nhiệm vụ đầu tiên của tất cả những người đi theo nếp sống này là phải liên lỉ kết hợp nước mắt, việc suy gẫm cầu nguyện và hãm mình đền tội với công nghiệp của Đức Kitô, để cầu xin Thiên Chúa ban ơn ăn năn trở lại cho lương dân trong ba miền truyền giáo thuộc quyền các vị đại diện Tông Tòa, cách riêng ở Đàng Ngoài”[11].

Qua nhiệm vụ này, Đấng Sáng Lập cho thấy: đời sống chiêm niệm và khổ chế chiếm vị trí ưu tiên và phải đi trước mọi hoạt động truyền giáo của chị em Mến Thánh Giá. Ngài khuyên nhủ: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng”[12]. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa mà người tông đồ có thể hành động với một tinh thần thực sự tự do. Sự tự do này là để cho tinh thần của người tông đồ liên lỉ thâm nhập vào tinh thần của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa không ngừng linh hoạt tinh thần và bao bọc chúng ta, đến nỗi chúng ta không còn tự sức mình hoạt động, nhưng Thiên Chúa hoàn toàn ngự trị trong chúng ta.

Đức Cha Lambert nhấn mạnh: “Để sở hữu, bảo tồn và gia tăng tối ưu bí quyết sống và chết trong Đức Kitô, người kế vị các tông đồ hoặc môn đệ Chúa, dường như cần phải quyết tâm sống đời đền tội toàn diện; phải thực hành khổ chế không chỉ trong sự ăn uống và những việc hãm mình bề ngoài, mà nhất là trong các hành động của con người, nghĩa là trong phạm vi đời sống thể lý và những sinh hoạt của lý trí”[13].

Như thế, cầu nguyện và khổ chế rất cần thiết cho đời sống tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá. Theo Đức Cha Lambert, chỉ mình Thiên Chúa mới có khả năng hoán cải các tâm hồn, và việc kết hợp hy sinh với cầu nguyện là điều cơ bản khi thi hành sứ vụ tông đồ. Thật vậy, “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức bác ái phi thường của các thừa tác viên”[14].

Theo ý hướng của Đấng Sáng Lập, hằng ngày chị em Mến Thánh Giá dâng những hy sinh và lời cầu nguyện để cầu xin Thiên Chúa cho lương dân được ơn biết Chúa, cho các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải, cho các nhu cầu của Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương.

2.2. Chuyển cầu trong cuộc sống

Việc chuyển cầu trong nguyện đường phải dẫn tới việc chuyển cầu trong cuộc sống, bằng sự dấn thân phục vụ tha nhân, mà đối tượng ưu tiên là giới nữ và giới trẻ, trong các lãnh vực văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và đức tin.

Công việc bác ái của các nữ tu Mến Thánh Giá được thể hiện qua các nhiệm vụ:

- “Dạy các thiếu nữ, giáo cũng như lương, những điều nữ giới cần biết. Nếu vì tình huống hiện nay xảy đến cho đạo Thánh không thể làm được, chị em hãy nhớ rằng khi hoàn cảnh cho phép, thì đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình”[15]. Sứ vụ này hoàn toàn mang tính cách mạng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam của thế kỷ XVII. Qua đó ta cũng thấy Đức Cha Lambert có một cảm thức sâu xa về phẩm giá con người. Ngài ý thức rằng không thể có tiến bộ xã hội hoặc đơn giản không thể có sự phát triển nhân bản, nếu không có một mức tối thiểu kiến thức và giáo dục. Ngài cũng biết rằng các bà mẹ không thể giáo dục con cái cách đúng đắn, nếu họ bị trói chặt trong sự ngu dốt là nguồn gốc của sự cùng khổ và tình trạng nô lệ. Ngài quan tâm thăng tiến nữ giới, không phân biệt lương giáo, vì được học là một quyền cơ bản của con người, của nhiều người và mọi người. Hành động đầu tiên của công cuộc truyền giáo phải là hành động biểu lộ cụ thể sự quan tâm và tình thương của Thiên Chúa dành cho mọi người, bất luận thuộc phái tính hay địa vị nào[16].

- Săn sóc những phụ nữ, thiếu nữ đau ốm bệnh tật cả giáo lẫn lương. Nhờ cơ hội đó khuyên bảo họ lo phần rỗi và trở lại với Chúa”[17]. Mối bận tâm tông đồ đối với Đức Cha Lambert là tìm cách đem người ta về với Chúa. Khi bệnh tật làm cho con người lo âu trước viễn ảnh cái chết, thì họ dễ dàng đón nhận sứ điệp cứu độ và niềm hy vọng hướng về đời sống vĩnh cửu. Đó cũng chính là lúc nảy sinh nhu cầu khẩn thiết phải hoán cải[18].

- “Rửa tội nơi giếng Thánh cho những trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử”[19]. Một công tác tông đồ mang tính cổ điển nhưng được thúc đẩy bởi thao thức truyền giáo.

- Dùng mọi cách kêu gọi những người phụ nữ và thiếu nữ trụy lạc”[20] trở về đời sống lương thiện.

Từ những nhiệm vụ mà Đấng Sáng Lập đã đề ra cho Dòng Nữ Mến Thánh Giá trong Luật Tiên Khởi và trong Bức Tâm Thư, ta thấy Đức Cha Lambert có một tầm nhìn toàn diện. Thật vậy, bản luật tuy ngắn gọn, nhưng súc tích, phản ánh được tinh hoa của các linh đạo mà Đức Cha Pierre Lambert từng hấp thụ, vừa thích nghi với môi trường xã hội Việt Nam, vừa mang tính “cách mạng” so với não trạng chung thời đó. Tác giả Fauconnet-Buzelin nhận định rằng: “Trong những mục đích mà ngài ấn định cho Tu Hội đầu tiên của các nữ tu bản xứ Châu Á, Đức Cha Lambert đã áp dụng các trực giác thiêng liêng cấp tiến nhất của thời đại ngài, và đi xa hơn nữa, bằng cách liên kết làm một, không tách rời ra được: đời sống chiêm niệm, ơn gọi thừa sai và công tác bác ái là ba trục lớn của những phụ nữ Công Giáo cấp tiến thế kỷ XVI và XVII, nhưng thích nghi cho phù hợp với điều kiện đặc thù của Giáo Hội Việt Nam [...] và đặt chúng dưới ánh sáng của linh đạo Thánh Giá, linh đạo riêng của ngài[21].

Ngoài ra, các nhiệm vụ cũng cho thấy sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá bao gồm đầy đủ các hoạt động chính yếu của một đời dâng hiến, cả trong tương quan chiều dọc với Thiên Chúa, và cả trong tương quan chiều ngang với xã hội và tha nhân. Mọi tu hội đều mang sứ vụ tông đồ nhưng mỗi tu hội thường chọn điểm nhấn ưu tiên của mình, hoặc thiên về chiêm niệm hoặc thiên về hoạt động. Điều đặc biệt nơi Đức Cha Lambert là ngài liên kết làm một đời sống chiêm niệm, ơn gọi thừa sai và công tác bác ái. Ngài đặt chiêm niệm và khổ chế lên hàng đầu. Nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến ơn gọi thừa sai như trong thư gửi cho hai nữ tu Anê và Paula: “Để cầu xin Thiên Chúa cho lương dân và tín hữu tội lỗi được ơn ăn năn trở lại[22]. Như vậy, trong đối tượng của truyền giáo, lương dân là ưu tiên nhưng cũng không quên các tín hữu tội lỗi.

Ngày nay, khi nhìn lại sứ mạng của nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, nhất là về bốn hoạt động bên ngoài mà đối tượng chủ yếu là phụ nữ, chúng ta sẽ cho rằng đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng nếu đặt vào bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII, trong đó vai trò của phụ nữ rất mờ nhạt, có chăng là “tam tòng, tứ đức” trong nếp nhà, thân phận phụ nữ thấp kém như kiểu “thập nữ viết vô”, không được học hành, trong một cơ cấu xã hội do nam giới thống trị, chúng ta mới thấy tầm nhìn cách mạng của Đức Cha Lambert về vai trò của phụ nữ, cụ thể ở đây là vai trò của các nữ tu Mến Thánh Giá. Các chị được giao những nhiệm vụ xã hội như dạy dỗ các thiếu nữ, săn sóc phụ nữ ốm đau, cải hóa phụ nữ trụy lạc. Đó là các đối tượng mà ngài muốn con cái mình ưu tiên phục vụ. Tính chất cách mạng trong tầm nhìn của Đức Cha Lambert còn được thể hiện qua lòng khoan dung bao quát, không phân biệt, “lương cũng như giáo”. Khi đọc lại những trực giác và chủ trương này của Đức Cha Lambert, nhất là về việc giao cho nữ tu trách nhiệm giáo dục phụ nữ, tác giả Fauconnet-Buzelin đã ít nhất hai lần nhận định: “Đó là một biện pháp hoàn toàn cách mạng trong bối cảnh văn hóa của Việt Nam thế kỷ XVII. [...] Vào thế kỷ XVII, ở Pháp, ý tưởng này đã trở nên bình dân nhờ linh mục Vincent de Paul; nhưng trong bối cảnh xã hội Châu Á, đó quả là một cuộc cách mạng đích thực”[23]. Chúng ta có thể gọi Đức Cha Pierre Lambert là vị tiên phong đề cao nữ quyền và giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.

Sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá được đặt trong mối tương quan với đặc sủng sống sứ vụ tông đồ thừa sai rất phù hợp với tinh thần của Công Đồng Vatican II: “Nhà truyền giáo là con người cầu nguyện, hy sinh, mang trong mình cuộc tử nạn của Chúa, tận hiến chính bản thân, gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày”[24].

II. NGƯỜI NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ SỐNG SỨ MẠNG TÔNG ĐỒ

Trải qua bao biến cố thăng trầm, chị em Mến Thánh Giá vẫn trung thành bảo toàn ơn gọi và thi hành sứ mạng đặc biệt của Dòng với sự sáng tạo, thích nghi cần thiết, tuỳ hoàn cảnh địa phương và khả năng của mình. Mọi sáng tạo thích ứng đó luôn trung thành với con người và thời đại, Đức Kitô và Phúc Âm của Người, Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới, đời sống tu trì và đặc sủng của Dòng. Chúng ta sẽ lược qua những sinh hoạt tông đồ của các nữ tu Mến Thánh Giá từ lúc mới thành lập Dòng cho đến hôm nay.

1. Giai đoạn hậu bán thế kỷ XVII

Có thể nói, ngay từ những ngày đầu khai sinh, Dòng Mến Thánh Giá đã hiện diện trong hoàn cảnh xã hội vô cùng khó khăn, gian nan thử thách. Mặc cho nguy nan bao vây tứ bề, các nữ tu Mến Thánh Giá vẫn hòa nhập vào nhịp sống của Giáo Hội và xã hội bằng sự dấn thân không biết mệt mỏi. Các chị đã không ngừng thi hành sứ mạng truyền giáo theo tinh thần Đấng Sáng Lập trong sự âm thầm và lòng yêu mến Giáo Hội. Hình ảnh các “Bà Mụ Mến Câu Rút” ở Đàng Ngoài và các “Dì Nhà Phước Mến Thánh Giá” ở Đàng Trong đã khá quen thuộc với đa số giáo dân Việt Nam. Hình ảnh quen thuộc nhất có lẽ là từng nhóm hai người Nhà Mụ quẩy gánh thuốc viên, hoặc hai Dì Nhà Phước tay mang tay nải đầy thuốc gia truyền, rảo khắp các nẻo đường bán thuốc chữa bệnh cho người bình dân, như một kế sinh nhai khiêm tốn, và thi hành sứ mạng tông đồ là tìm trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử để rửa tội, và khuyên bảo người ta chăm lo phần rỗi linh hồn...

2. Thế kỷ XVIII - XIX

Dù trong hoàn cảnh nào, các chị Mến Thánh Giá vẫn luôn dấn thân phục vụ Tin Mừng. Đặc biệt trong cơn bách hại, các chị cũng đã chịu chung số phận như các tín hữu khác, rất nhiều nữ tu hiến mình chịu chết vì đức tin. Ngoài ra, vai trò và những việc làm khác của các chị không kém phần ý nghĩa khi so với hành động tử vì đạo, vì những việc làm này vừa thể hiện sức mạnh của đức tin, vừa giúp bảo vệ hàng ngũ lãnh đạo của Giáo Hội, vừa củng cố và duy trì cộng đoàn các tín hữu. Các Tu Viện trở thành nơi ẩn núp cho các vị thừa sai và linh mục bản xứ. Các nữ tu nhờ y phục thường dân, dễ ra vào nơi lao tù để thăm viếng, tiếp tế lương thực, nhất là đem Mình Thánh Chúa cho các đấng anh hùng tuyên xưng đức tin; liên lạc, trao thư từ cho các thừa sai và linh mục bản xứ đang phải ẩn trốn. Những nơi mà linh mục không thể vào được, thì các chị mạnh dạn đi tới để an ủi kẻ đau khổ, cứu giúp người yếu đuối, nâng dậy các kẻ đã chối đạo. Các chị đã đồng hành cùng các chứng nhân đức tin từ tòa án đến pháp trường. Khi các sắc chỉ cấm đạo của Nhà Vua ban ra, các Tu Viện bị phá huỷ, các chị phân tán về gia đình nhưng vẫn gan dạ vào làng rửa tội cho trẻ em nguy tử. Vì thế, rất nhiều chị em đã bị bắt, bỏ tù, bị đi đày đến cả đổ máu đào vì Chúa và Tin Mừng[25].

Về giáo dục thiếu nữ, chúng ta biết rằng đa phần phụ nữ thời đó đều thất học và trẻ nữ cũng ít được học hành, nên hoạt động “giáo dục thiếu nữ” đã không thể bao hàm hoạt động giáo dục học đường như ngày nay. Nhưng chắc hẳn các nữ tu Mến Thánh Giá cũng đã tham gia dạy đạo, cộng tác với các linh mục và thừa sai, dẫu cho việc làm này có thể gây nguy hại cho các chị. Một thừa sai xác nhận vào năm 1715: “Các nữ tu Mến Thánh Giá, tuy nhút nhát tự nhiên theo giới tính, đã bí mật thực hành công việc của một người dạy giáo lý cho phụ nữ và thiếu nữ Công Giáo. Bão tố sớm đến với các chị. Chỉ riêng trong tỉnh Nghệ An, ba nhà đã bị phá hủy [...]. Một số trong các nữ tỳ nhiệt thành này của Đức Kitô đã bị bắt và chịu những khổ cực kéo dài trong tù đày; những người khác phải về tá túc ở nhà cha mẹ, và những người khác nữa phải đi ăn xin”[26].

Các nữ tu Mến Thánh Giá thời kỳ này đã thực hiện một nếp sống tu trì mẫu mực, theo sát tinh thần và quy định của Luật Tiên Khởi. Ngoài lao động chân tay nhằm bảo đảm cho một cuộc sống thanh đạm và khổ chế, các chị cũng đã tham gia công việc truyền giáo theo khả năng và phương cách riêng của các chị. Đức Cha Néez nhận định: “Các nữ tu Mến Thánh Giá cộng tác vào công cuộc truyền giáo bằng nhiều việc. Những việc làm này tuy nhỏ bé và âm thầm nhưng được đánh giá là giúp ích rất lớn”[27].

Qua những việc dấn thân phục vụ này, các nữ tu Mến Thánh Giá “thường được các tín hữu và cả lương dân yêu mến và quý trọng”[28]. Đức Cha Retord kể lại trong thư gửi cho cha Laurent ở Lyon vào tháng 01/1846: “Họ đi thăm viếng và an ủi những người đau yếu, giúp chúng tôi dạy dỗ các phụ nữ dự tòng.”[29].

Một trong những hoạt động tông đồ của chị em Mến Thánh Giá là rửa tội cho trẻ em nguy tử, nhất là trong những năm đói kém, dịch bệnh[30]. Riêng năm 1812, “các chị rảo khắp nơi và rửa tội cho khoảng 51.000 sinh linh bé bỏng, nay cũng là từng ấy thiên thần nhỏ, ngời sáng vẻ vô tội và niềm hạnh phúc trước Tòa Thiên Chúa”[31]. Theo linh mục Đinh Thực, “từ năm 1835 đến năm 1844, ở Đàng Trong có 23.445 trẻ em đã được rửa tội; trong năm 1854, 13.581 trẻ em đã được rửa tội trong cùng miền truyền giáo này. Chỉ tại Qui Nhơn, mỗi năm các chị Mến Thánh Giá rửa tội trung bình 10.000 trẻ em trong những năm trước năm 1886”[32].

Trong những lúc đồng bào gặp cảnh đói khổ vì thiên tai, các nữ tu hy sinh một phần nhà của mình để đón tiếp các phụ nữ đau yếu và các trẻ mồ côi[33].

Một đóng góp hữu ích của các nữ tu Mến Thánh Giá là công việc dạy dỗ các thiếu nữ. Trong thư ngày 02/06/1830 gửi cho Hội Truyền Bá Đức tin, Đức Cha Taberd cho biết đang có 16 Nhà dòng Mến Thánh Giá, “tất cả các nhà này sẽ đón nhận các người cùng giới để dạy dỗ và đào tạo họ các công việc thích hợp”. Về hiệu quả của công việc này, Đức Cha Taberd viết: “Thật là một lợi ích lớn lao cho các họ đạo khi có các nữ tu, ngay cả cho các họ đạo lân cận. Chỉ những người ở rất xa mới không được hưởng lợi. Phương cách duy nhất để làm cho các trường này nên hữu ích cho cả miền truyền giáo là cung cấp một số trợ giúp cho các nữ tu, qua đó, các chị có thể ở trong tình trạng đón nhận miễn phí một vài người của mỗi họ đạo. Những người trẻ này, sau khi về lại nhà mình, sẽ trở thành những người mẹ tốt của gia đình, và qua gương sáng cũng như qua những lời dạy dỗ của họ, sẽ là gương mẫu và sự nâng đỡ cho bạn hữu”[34].

Như vậy, sự hiện diện của các nữ tu Mến Thánh Giá trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, được đánh giá là “rất quý báu, nhất là trong những cuộc bách hại”[35]. Dù có khó khăn ra sao, trong khi làm những việc tông đồ, các nữ tu Mến Thánh Giá chú tâm phục vụ ưu tiên cho giới nữ, đây chính là điều mà Đức Cha Lambert thao thức và đặt kỳ vọng vào những nữ tu Mến Thánh Giá. Trong Luật Tiên Khởi ngài viết cho những người con tinh thần của ngài: “Dạy những thiếu nữ, giáo cũng như lương, những điều nữ giới cần biết. Nếu vì tình huống hiện nay xảy đến cho đạo thánh không thể làm được, chị em hãy nhớ rằng khi hoàn cảnh cho phép, thì đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình”[36]. Đó là một trong những nhiệm vụ chính của nữ tu Mến Thánh Giá. Tình yêu của Đấng Sáng Lập đã thâm nhập sâu xa vào đời sống của người Việt, ngài hiểu thế nào là vị thế của người nữ trong văn hóa Việt, ngài hiểu đâu là những thiệt thòi mà nữ giới phải chịu, và đâu là tầm quan trọng nếu người nữ trong gia đình có được sự giáo dục tốt.

Suốt một quá trình dài, tinh thần tu trì và đời sống phục vụ của các nữ tu Mến Thánh Giá đã được xây nên bằng máu, nước mắt và đức hạnh. Các chị là những người thuộc về những thế kỷ trước, nhưng nền móng của các chị dựng nên vẫn còn vững bền cho đến hôm nay và mai sau.

3. Thế kỷ XX đến nay: Thời kỳ phục hưng và phát triển

Trong hoàn cảnh còn khó khăn của những năm sau thời kỳ kháng chiến, chị em Mến Thánh Giá vẫn duy trì truyền thống của các vị tiền bối trong ý hướng của Đấng Sáng Lập và còn làm cho tinh thần ấy thêm ngời sáng, cụ thể hơn trong đời sống cầu nguyện và trong những hoạt động mục vụ của mình. Khi tình thế ổn định hơn, các Hội Dòng tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của mình, đã tìm ra những đường hướng mới nhằm phục vụ cho đời sống đức tin của giáo dân, nhất là trong công cuộc truyền giáo cho lương dân và tham gia nhiều hơn trong công tác tông đồ xã hội. Cũng với sứ mạng của mình, chị em luôn sẵn sàng cộng tác chặt chẽ với Hàng Giáo Sĩ địa phương trong các lãnh vực, với ước mong cho mọi người được ơn cứu độ.

Trong bầu khí canh tân, trở về nguồn sau Công Đồng Vatican II, chị em ý thức hơn về đặc sủng Mến Thánh Giá của mình trong việc loan báo Tin Mừng. Như các môn đệ được Chúa sai đi, chị em cũng thực hiện những cuộc thăm viếng bằng cách len lỏi vào các khu xóm lao động, nơi mà sự nghèo đói, túng quẫn, đau đớn thể xác lẫn tinh thần luôn chồng chất lên cuộc sống con người.

3.1. Giai đoạn từ năm 1975 - 1985

Sau biến cố năm 1975, nhiều cơ sở, trường học của các Tu Viện bị đóng cửa, các hoạt động tông đồ cũng bị hạn chế rất nhiều. Đây là giai đoạn Chúa mời gọi chị em sống sứ mạng truyền giáo theo tinh thần Mến Thánh Giá cách sâu đậm hơn bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh âm thầm, bằng sự hiện diện chứng nhân giữa cộng đoàn dân Chúa nơi môi trường sống và phục vụ của mình. Các chị len lỏi vào các vùng xa xôi hẻo lánh, thiếu linh mục để dạy giáo lý, an ủi người hoạn nạn, nâng đỡ đời sống đức tin cho các tín hữu, chia sẻ cuộc sống nghèo và tìm cách giúp đỡ họ theo khả năng của mình.

3.2. Giai đoạn canh tân từ năm 1985

Với sự phát triển của đất nước, con người và xã hội cũng có nhiều biến đổi, các Hội Dòng cũng cố gắng tìm những hướng đi mới trong việc truyền giáo, để có thể đáp lại những thao thức của Giáo Hội nói chung và cách riêng trong từng Giáo Phận. Đặc biệt, từ khi chị em Mến Thánh Giá có chung một Hiến Chương, việc dấn thân tông đồ của chị em được định hướng rõ rệt qua các lãnh vực:

Giáo dục đức tin: Gắn bó với Giáo Hội địa phương trong công cuộc loan báo Tin Mừng, chị em dấn thân trong các sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ: dạy giáo lý thiếu nhi các cấp, giáo lý dự tòng và hôn nhân, hướng dẫn giáo lý viên, trao Mình Thánh Chúa, thăm viếng kẻ liệt, phục vụ phòng thánh, phụ trách ca đoàn, ban lễ sinh, các hội đoàn...

Giáo dục văn hóa: Song song với việc giáo dục đức tin là việc giáo dục văn hoá. Đó cũng là nhiệm vụ tông đồ cụ thể Đấng Sáng Lập đã đề ra. Ý thức tầm quan trọng ấy, chị em dấn thân nhiều hơn trong lãnh vực này qua việc cộng tác giảng dạy tại các trường trung học, tiểu học, các lớp tình thương, phổ cập, xoá mù chữ, trường mầm non và các nhóm trẻ gia đình tại các nhiệm sở, cơ sở, nơi chị em công tác mục vụ giáo xứ. Trong việc dạy văn hóa cho các cháu mầm non, ngoài việc giúp các cháu về mặt nhân bản, chị em cũng giới thiệu Chúa cho các cháu cũng như các phụ huynh qua sự tận tâm dạy dỗ, phục vụ đơn sơ, khiêm tốn của người nữ tu Mến Thánh Giá nhằm phản chiếu các giá trị Tin Mừng. Bên cạnh đó, chị em còn tìm cách giúp đỡ những em thuộc gia đình nghèo hoặc có hoàn cảnh đáng thương.

Công tác xã hội và y tế: Chị em góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng bào với cả tấm lòng yêu mến qua những công việc cụ thể: giúp những học sinh nghèo có điều kiện đến trường; thăm viếng, trao quà cho người già neo đơn; giúp những gia đình nghèo vùng sâu vùng xa, không phân biệt lương giáo; bảo vệ sự sống: giúp những thiếu nữ lỡ lầm, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, chôn cất thai nhi.

Các Hội Dòng cũng đã mở rộng lãnh vực công tác xã hội chuyên biệt: chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khiếm thị, khiếm thính; tham gia hoạt động xã hội tại các mái ấm, trường khuyết tật; phục vụ các bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân AIDS tại trung tâm cai nghiện và các bệnh nhân tại các bệnh viện.

Hoạt động truyền giáo: Theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy đi ra đến vùng ngoại biên”, người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi luôn mang trong mình niềm say mến Chúa Giêsu và đầy nhiệt huyết truyền giáo, đặc biệt truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chị em hiện diện tại các giáo điểm vùng cao với châm ngôn 3 cùng: cùng làm, cùng ăn và cùng sống với người dân.

Ngoài ra còn có những công việc phục vụ mới trong hoàn cảnh thực tế hiện nay như: mục vụ di dân, thăm viếng tù nhân...

Những sinh hoạt đa dạng của nữ tu Mến Thánh Giá nhằm phục vụ hạnh phúc cho con người, giúp phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Người nữ tu Mến Thánh Giá luôn có một ý hướng, một ước nguyện xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu cho những người mình tận tình phục vụ, để tình yêu của Đấng Chịu-Đóng-Đinh được chuyển trao đến những con tim đang khao khát chân lý và yêu thương. Vì thế, các hoạt động phải được thực hiện với tâm tình cầu nguyện và tinh thần trung gian, để trở thành lời chuyển cầu trong cuộc sống, nối dài lời chuyển cầu trong nguyện đường.

Nhìn chung, các Hội Dòng Mến Thánh Giá đều cố gắng góp phần nhỏ bé của mình trong việc thi hành sứ mạng tông đồ là mục vụ và truyền giáo, để làm cho Giáo Hội mỗi ngày thêm phong phú và mạnh mẽ hơn. Trong âm thầm và khiêm tốn, chị em hiện diện và phục vụ hầu hết ở các Giáo Phận trong nước và một số cộng đoàn ở hải ngoại, từ thành thị đến thôn quê, nơi cao nguyên rừng sâu đến miền quê hẻo lánh để loan báo Tin Mừng. Hiện nay có 30 Hội Dòng Mến Thánh Giá đang phục vụ trong nhiều quốc gia và đây cũng là nguồn năng lực cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Qua mọi thời, dù dấn thân bên ngoài hay âm thầm phục vụ trong cộng đoàn, người nữ tu Mến Thánh Giá ý thức sống cách tích cực và thể hiện đặc tính của Dòng là chiêm niệm trong hoạt động, sống sứ mạng thừa sai, gắn bó với Giáo Hội địa phương, đồng thời phát huy những đức tính của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, trung hậu, quả cảm, quên mình trong cuộc đời hiến dâng, để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc của mọi người[37]. Hành trang chị em mang là tình yêu say mến đối với Chúa Giêsu-Kitô Chịu- Đóng-Đinh, sự khao khát cho phần rỗi các linh hồn và lòng thương cảm sâu xa đối với tha nhân.

Sử gia Francoise Fauconet-Buzelin khẳng định: “Chính chị em Mến Thánh Giá cứu vãn lý tưởng truyền giáo của Đức Cha Lambert và bảo đảm sự trường tồn cho lý tưởng ấy; và trải qua thăng trầm lịch sử, Dòng Mến Thánh Giá vẫn bảo toàn được căn tính thừa sai đặc sắc của mình, nếu không luôn luôn đúng trong thực hành, thì ít nhất luôn đúng trong tinh thần”[38].

Trước nhu cầu cấp bách của việc truyền giáo trong bối cảnh văn hóa xã hội ngày nay, thời đại 4.0 với những phát minh vĩ đại và ứng dụng khoa học kỹ thuật, chị em Mến Thánh Giá không ngừng nỗ lực để phục vụ cách hiệu quả và đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Ước mong mầu nhiệm Thánh Giá đã thấm sâu vào con người Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập Dòng thế nào, thì linh đạo ấy cũng trở nên men làm dậy bột cho đời sống thánh hiến và phục vụ của chị em Mến Thánh Giá hôm nay như vậy. Để qua đời sống cầu nguyện, hy sinh khổ chế và sứ vụ tông đồ của các chị, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cứu độ cho đến tận thế, hầu nhiều người được ơn hoán cải và lương dân được đón nhận Tin Mừng.

 
Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 116 (tháng 1 & 2 năm 2020)

[1] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 8, tr.41.
[2] Nt., 9, tr.41.
[3] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,11, tr.59.
[4] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 13, tr.138.
[5]  Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 10, tr.41.
[6]  Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 4”, sđd., 1, tr.148-149.
[7]  Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,4, tr.58.
[8]  X. nt., VI,9, tr.68.
[9] Nhóm NCLĐMTG, “Tình Yêu Tinh Tuyền”, sđd., 3, tr.155.
[10] Nt., 4, tr.155.
[11] Nhóm NCLĐMTG, “ Luật Tiên Khởi” sđd., III,1, tr.29.
[12] Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử - Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, sđd., số 31, tr.57.
[13] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 21-22, tr.139.
[14] Nhóm NCLĐMTG, “Trực Giác”, sđd., 1, tr.141.
[15] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., III,2, tr.29.
[16] X. F. F. Buzelin, Quá Trình Hình Thành Dòng Nữ Mến Thánh Giá, phần I, số 20.
[17] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., III,3, tr.29.
[18] X. F. F. Buzelin, Quá Trình Hình Thành Dòng Nữ Mến Thánh Giá, sđd., số 20, số 21.
[19] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., III,4, tr.29.
[20] Nt.
[21] F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.430.
[22] Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 8, tr.41.
[23] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.432.
[24] Sắc lệnh Đến Với Muôn Dân - Ad Gentes, số 25.
[25] Đinh Thực, sđd., tr.93.
[26] AMEP, vol. 131, p.571.
[27] Ibib.,vol. 1100, p.412.
[28] Ibib.,vol. 690, p.613.
[29] bib.,vol. 697, pp.830-831.
[30] Cf. Nouvelles Lettres Édifiantes des Missions de la Chine et des Indes Orientales (NLE), vol. 8, Paris, le Clerc, 1821, pp.319-320.
[31] Abbé Migne, sđd., col. 94-95.
[32] Đinh Thực, sđd., tr.91.
[33] Cf. NLE, vol. 8, p.289.
[34] APF, vol. 5, 1831, p.396.
[35] L'Ami de la religion, journal ecclésiastique, politique et littéraire, tome 127, Paris, Le Clerc, 1845, p.584.
[36] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Tiên Khởi”, sđd., III,2, tr.29.
[37] X. Hiến Chương Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá Tổng Giáo Phận TP.HCM, 2000, điều 6,3.
[38] F. F. Buzelin, Quá Trình Hình Thành Dòng Nữ Mến Thánh Giá Trong Tư Tưởng Của Đức Cha Lambert, phần I, số 11.12

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây