Ca Đoàn Alleluia Du Ký- Hành Hương Nhà Thờ Tắc Sậy
Trời vừa tảng sáng, chúng tôi lên xe đến với một nhân vật rất đặc biệt đang an nghỉ tại nhà thờ Tắc Sậy thuộc Giáo phận Cần Thơ, người đó chính là cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, một người Công Giáo Việt Nam rất được nhiều người mến mộ.
Đi theo đường tắt, vừa đi vừa ngắm cảnh mênh mông của ruộng vườn miền tây, đến 9 giờ 30 chúng tôi đi vào một xã nhỏ, một con đường rất nhỏ nằm bên một giòng sông cũng khá nhỏ của huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu, xe bị giữ lại một lát vì đi vào đường cấm, nhưng rất may mắn được tha và chúng tôi hân hoan lên đường tới Nhà thờ Tắc Sậy chỉ còn khoảng 3 km.
Tới nhà thờ Tắc Sậy, chúng tôi không ngờ cơ ngơi lại to lớn, đẹp và khang trang như vậy, nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người, một ngôi Thánh Đường rộng lớn và tráng lệ, một dãy nhà ba tầng nằm bên phải nhà thờ dùng làm nơi cho khách hành hương có chỗ nghỉ ngơi, bên trái nhà thờ là khu lăng mộ cũ và mới của cha Trương Bửu Diệp…
Hòa với đoàn hành hương, tôi nhận thấy có đủ mọi màu sắc tâm linh, không phải chỉ duy nhất là người Công Giáo, họ từ nhiều miền của đất nước tự phát và tự nguyện về đây, họ đến với cha Phanxicô với niềm tin và lòng yêu mến thực thụ, họ nhìn về cha như: “là người từ tâm, chuyên cứu nhân độ thế” như nhận định của Đức Giám Mục G.B. Bùi Tuần.
Cha Trương Bửu Diệp sinh ngày 01 tháng 01 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước thuộc Giáo phận Long Xuyên. Ngài chết ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại Tắc Sậy, trong thời kỳ lộn xộn căng thẳng giữa các lực lượng chính trị tôn giáo tại địa phương… Tháng Ba năm 1930, cha về nhận nhiệm sở tại họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm chính xứ, cha đã liên hệ, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn. Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, giáo dân phải di tản khắp nơi, linh mục bề trên của giáo phận là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi cha đi tránh nạn, khi nào tình hình yên ổn thì hãy trở về họ đạo, nhưng cha đã từ chối và trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết” và đấy chính là một nét đẹp, phải nói là đẹp nhất của cha Trương Bửu Diệp như Đức Giám Mục G.B Bùi Tuần nhận xét: “Cha Trương Bửu Diệp làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa là Cha thương xót mọi người.
Vẻ đẹp nhất nơi Cha Diệp là tình yêu thương đối với đoàn chiên nói riêng và đồng bào xung quanh nói chung.
Tình yêu này được diễn tả bằng hai mặt: Phục vụ và hy sinh. Phục vụ là đáp ứng nhu cầu của dân, cách riêng là thương cảm, chia sẻ những nỗi khổ của dân, và chỉ vạch cho họ con đường dẫn tới hạnh phúc thực. Hy sinh là chịu gian khổ cùng với dân, chịu đau khổ thay cho dân, gắn bó với dân, hy sinh mạng sống mình để cứu dân. Ngài phục vụ một cách từ tốn. Ngài hy sinh một cách khiêm nhường” (GM Bùi Tuần)
Sau khi thăm viếng, xin lời khấn cả đoàn chúng tôi đã ghi hình lưu niệm, khi hàn huyên trao đổi với nhau, mọi người đều mong cuộc vận động phong Chân Phước cho cha Trương Bửu Diệp sớm được Tòa Thánh chuẩn nhận. Việc xin phong Chân phước cho cha Trương Bửu Diệp đã được Đức giám mục Cần Thơ Stêphanô Tri Bửu Thiên trình bày với Hội đồng Giám mục Việt Nam cách nay vài năm, nhân dịp Tổ chức này tiến hành xin phong Chân phước cho hai giám mục tiên khởi của Việt Nam.
Hồng Bính
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn