TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giêsu Kitô – Đường Chiên Thiên Chúa

Thứ tư - 31/03/2021 19:16 |   965
Tháng 4 này, với Tam Nhật Vượt Qua (Triduum Paschale) và sau đó là Mùa Phục Sinh, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Chiên Thiên Chúa.

 Đức Giêsu Kitô – Đường Chiên Thiên Chúa
 

vn010421b

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (16)

 

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 04 năm 2021

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG CHIÊN THIÊN CHÚA

 

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 3 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Kêu Gọi Hoán Cải. Tháng 4 này, với Tam Nhật Vượt Qua (Triduum Paschale) và sau đó là Mùa Phục Sinh, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Chiên Thiên Chúa. Chiên Phục Sinh với cờ thánh giá là biểu tượng lâu đời và quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật Ki-tô Giáo. Biểu tượng này giúp chúng ta suy niệm về Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa, Đấng giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, sự chết và dẫn đưa tất cả về với Thiên Chúa.

Để có thể nhận thức được ý nghĩa của tước hiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa (ὁ Ἀμνὸς τοῦ Θεοῦ), chúng ta hãy trở về với Kinh Thánh và truyền thống Do-thái. Thông thường, trong nghi thức hiến tế dâng lên Thiên Chúa, con vật được chọn là con chiên đực (άμνος: amnos), tức là con cừu đực dưới một năm tuổi. Kinh Thánh còn dùng từ chiên (ἀρνίον) và cừu (πρόβατον). Danh từ πρόβατον (tiếng La-tinh: oves; tiếng Anh: sheep) chỉ con cừu hơn một năm tuổi. Trong Kinh Thánh, từ này dùng để chỉ các tín hữu nói chung, chẳng hạn như Tv 78,52; Ed 34,12-13; Mt 10,6; Mc 6,34; Ga 21,15-17. Hai danh từ άμνος và ἀρνίον (tiếng La-tinh: agnus; tiếng Anh: lamb) để chỉ Đức Giê-su, chẳng hạn như άμνος được dùng ở Ga 1,29.36; 1 Pr 1,19 và ἀρνίον được dùng 28 lần trong sách Khải Huyền, chẳng hạn như Kh 5,6.12.13; 6,1.16; 7,9.10; 12,11; 13,8; 14,4; 15,3; 17,14; 21,9 để chỉ Đức Giê-su phục sinh là Chiên Chiến Thắng.

Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng con chiên được đề cập rất sớm trong sách Sáng Thế, trong đó A-ben, con trai thứ của A-đam và E-và là người chăn chiên (St 4,2). A-ben đã dâng lễ vật được chọn lựa từ những gì tốt nhất mà ông có là những con đầu lòng của bầy chiên và được Thiên Chúa nhận lời. Đây là lễ vật hy sinh, lễ vật cao quí, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa. Lễ vật này diễn tả sự tùng phục và trung tín của A-ben đối với Thiên Chúa. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: "Nhờ đức tin, ông A-ben đã dâng lên Thiên Chúa một hy lễ cao quý hơn hy lễ của ông Ca-in: nhờ tin như vậy, ông A-ben đã được chứng nhận là người công chính, bởi vì Thiên Chúa đã chấp nhận những lễ phẩm ông dâng. Và cũng nhờ tin như thế, mà tuy đã chết rồi, ông vẫn còn lên tiếng" (Dt 11,4). Ông Nô-ê cũng dâng lễ toàn thiêu để tạ ơn Thiên Chúa, tỏ lòng tùng phục và cầu xin Người ban bình an cho gia đình ông sau khi được Thiên Chúa giải thoát khỏi cơn hồng thủy.

Lịch sử dân Do-thái được đánh dấu bằng việc Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn Áp-ra-ham, để từ ông, Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhân loại (St 12,1-3). Áp-ra-ham được gọi là 'cha của những người tin'. Niềm tin của ông trải qua nhiều thử thách và thử thách ngay cả khi ông chỉ còn một niềm hy vọng duy nhất trong tuổi xế bóng. Thật vậy, ông và vợ ông được Thiên Chúa ban đặc ân là sinh I-xa-ác khi cả hai đã già (St 17,15-22). Tuy nhiên, khi I-xa-ác khôn lớn, Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham hiến dâng I-xa-ác cho Người. Áp-ra-ham không cầu xin Thiên Chúa cho con trai duy nhất của mình được sống. Ông hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, đem theo hai đầy tớ và cùng với I-xa-ác lên đường đến một nơi ‘Thiên Chúa sẽ chỉ cho' (St 22,2). Ngày thứ ba của hành trình, Áp-ra-ham bảo hai đầy tớ dừng lại. Ông đặt củi lên vai I-xa-ác rồi hai cha con tiếp tục đi. Khi tới nơi hiến tế, Áp-ra-ham dựng bàn thờ và xếp củi lên. Ông trói con mình lại và đặt vào bàn thờ, phía trên đống củi. Khi Áp-ra-ham cầm dao để sát tế con mình thì sứ thần Thiên Chúa nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!" (St 22,12). Ngước mắt lên, Áp-ra-ham thấy con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây ở phía sau, ông đã bắt nó và sát tế thay cho con mình (St 22,13). Ông đã làm tất cả vì tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Lòng thành tín của Áp-ra-ham được Thiên Chúa chấp nhận và con trai ông được sống. Từ đó, dưới nhiều hình thức khác nhau, Áp-ra-ham và dòng dõi của ông tiếp tục dâng lễ tế lên Thiên Chúa để cảm tạ, xin ơn tha thứ, ơn bình an và nhiều ơn lành khác nữa, cũng như diễn tả niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp mai ngày.

Sách Xuất Hành cho chúng ta biết rằng vì sự áp bức của người Ai-cập đối với người Do-thái, con cháu của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp sống trong cảnh nô lệ, Thiên Chúa đã chỉ thị cho Mô-sê và A-ha-ron nói với cộng đồng con cái Ít-ra-en: "Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tùy theo số người. Các ngươi sẽ tùy theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng" (Xh 12,3-8). Máu bôi trên khung cửa là dấu hiệu để Thần Tru Diệt không giết con đầu lòng của các gia đình Do-thái (Xh 12,22-23). Khi các con đầu lòng của các gia đình Ai-cập bị giết chết, vua Ai-cập gọi Mô-sê và A-ha-ron đến và bảo: “Cả các ngươi lẫn con cái Ít-ra-en, đứng lên, đi ra, không được ở giữa dân ta nữa! Đi mà thờ phượng Đức Chúa như các ngươi đã nói!" (Xh 12,31). Như vậy, hy lễ chiên Vượt Qua trở thành hy lễ cứu sống các con đầu lòng Do-thái, đồng thời, đánh dấu sự giải thoát của dân Do-thái khỏi ách nô lệ Ai-cập về với Đất Hứa.

Mô-sê chỉ thị cho dân Do-thái thực thi hy lễ này luôn mãi: "Anh em phải giữ điều đó như điều luật vĩnh viễn cho mình và cho con cháu. Khi được vào đất mà Đức Chúa ban cho anh em như Người đã phán, anh em sẽ giữ nghi lễ đó" (Xh 12,24-25). Ông nhắn nhủ họ rằng trong tương lai, nếu có ai hỏi ý nghĩa của nghi lễ thì thưa: "Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn” (Xh 12,27). Từ Lễ Vượt Qua đầu tiên ở Ai-cập cho tới hôm nay, hàng năm, dân Do-thái cử hành Lễ này từ chiều ngày 14 cho đến hết ngày 15, và tiếp nối bằng Tuần Lễ Bánh Không Men đến ngày 21 trong tháng đầu tiên, tháng Ni-xan (נִיסָן‎: Nisan) theo lịch Do-thái (Lv 23,5-6), tức vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 Dương Lịch (Lịch Gregory). Đặc biệt, khi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng, dân Do-thái cử hành lễ Vượt Qua tại đây. Chính Đức Giê-su cũng tham dự Lễ này cùng với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se (Lc 2,41-50).

Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an trình thuật rằng khi thánh Gio-an Tẩy Giả thực thi sứ mệnh của mình thì người ta hỏi: Ngài là ai? Có phải là Đấng Ki-tô hay Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó chăng? Ngài bảo không phải (Ga 1,19-21). Đồng thời, ngài nói về mình như sau: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói" (Ga 1,23). Người ta lại chất vấn tại sao ngài làm Phép Rửa, ngài đáp: "Tôi đây làm Phép Rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết" (Ga 1,26). Thánh Gio-an Tẩy Giả cũng đề cập đến sự thấp kém của mình so với Đấng đến sau ngài, Đấng mà ngài không xứng đáng để cởi quai dép cho Người (Ga 1,27).

Khi thánh Gio-an Tẩy Giả đang đứng với hai môn đệ của mình thì Đức Giê-su tiến lại. Ngay lúc đó, thánh nhân nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian" [δε ὁ Ἀμνὸς τοῦ Θεοῦ ὁ αἴρων τὴν ἁμαρτίαν τοῦ κόσμου] (Ga 1,29). Chúng ta có thể giải thích rằng Chiên Thiên Chúa có nghĩa là Chiên thuộc về Thiên Chúa hoặc là Chiên được gửi đến từ Thiên Chúa hoặc Chiên mang sứ mệnh của Thiên Chúa. Khi thánh Gio-an Tẩy Giả công bố Đức Giê-su là 'Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian', ngài đã công bố điều vượt quá 'kiến thức vốn có' của ngài. Trong bối cảnh Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an, thánh Gioan Tẩy Giả đã hai lần thừa nhận rằng ngài không biết Đức Giê-su (Ga 1,31.33). Chúng ta cũng gặp một số nơi trong Tin Mừng này mà người nói về Đức Giê-su những điều vượt quá kiến thức hay khả năng vốn có của họ, chẳng hạn như thượng tế Cai-pha và Phi-la-tô (Ga 11,49-52; Ga 19,19-22).

Chúng ta chỉ gặp cụm từ 'Chiên Thiên Chúa' hai lần trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an (Ga 1,29 và Ga 1,36), chứ không gặp ở các Tin Mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Lu-ca, Mác-cô) hay bất cứ ở nơi đâu trong Bộ Kinh Thánh. Hơn nữa, cũng chỉ một mình thánh Gio-an Tẩy Giả gọi Đức Giê-su là 'Chiên Thiên Chúa' mà thôi. Tại sao thánh Gio-an Tẩy Giả gọi Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa mà không gọi bằng một tước hiệu nào khác? Thưa, tại vì con chiên gắn liền với lịch sử, gắn liền với tất cả mọi chiều kích của đời sống dân Do-thái trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nhất là đời sống phụng tự. Lịch sử cứu độ và giải thoát của dân Do-thái gắn liền với con chiên. Hơn nữa, theo Kinh Thánh, dấu ấn của con chiên về tận Nguyên Tổ nhân loại, về tận A-ben, A-đam và E-và (St 3,21; St 4,2-4).

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đề cập đến 'con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt' (Gr 11,19). Tuy nhiên, ngôn sứ Giê-rê-mi-a không đề cập đến việc 'xóa tội trần gian'. Hơn nữa, dân Do-thái hiến tế chiên hằng năm để tưởng nhớ biến cố Vượt Qua, khái niệm Chiên Thiên Chúa không bao giờ xuất hiện. Trong nhãn quan của thánh Gio-an Tẩy Giả, hình ảnh Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa diễn tả Người là lễ vật hiến tế, chứ không phải là vị anh hùng hào kiệt hay vị vua cai trị người khác. Từ khi Đức Giê-su được thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, những phần còn lại của Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an đều trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến việc Đức Giê-su đồng lao cộng khổ, hy sinh bản thân cho tất cả mọi người mà cao điểm là sự đau khổ và cái chết của Người trên thập giá.

Thánh Gio-an Tẩy Giả không chỉ giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, ngài còn làm Phép Rửa cho Đức Giê-su, cũng như 'thấy' Chúa Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giê-su và nghe tiếng Chúa Cha: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm Phép Rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1,32-34). Đây thật là mặc khải lớn lao trong Tân Ước. Thánh Gio-an Tẩy Giả không nói rằng ‘Thiên Chúa Ba Ngôi’. Tuy nhiên, qua sự làm chứng của ngài, chúng ta thấy 'bóng dáng Chúa Ba Ngôi' trong thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa là Đức Giê-su không hiện diện đơn độc trên trần gian này. Nói cách khác, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế luôn có sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong nghi thức hiến tế của dân Do-thái, con chiên được chọn phải hoàn hảo, không bệnh tật, không biến dạng, không tỳ vết mới đủ tiêu chuẩn. Thánh Gio-an Tẩy Giả nói rằng Đức Giê-su là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn: "Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1,34). Đức Giê-su không tỳ vết về mặt luân lý, như lời của tổng trấn Phi-la-tô: "Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy" (Ga 19,4). Thánh Gio-an tông đồ viết: "Đức Giê-su đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi" (1 Ga 3,5). Thánh Phao-lô minh chứng điều đó: "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người" (2 Cr 5,21). Còn thánh Phê-rô thì quả quyết: "Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối" (1 Pr 2,21-22).

Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng trong biến cố thập giá có hai người trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su. Cả hai người bị đánh giập ống chân, tuy nhiên, khi quân lính biết rằng Đức Giê-su đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Họ đã lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra (Ga 19,31-34). Điều này cho phép chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Chiên vẹn toàn của Thiên Chúa đã được nói trước trong Cựu Ước về chiên hiến tế: "Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó" (Xh 12,46). Nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá rất gần nơi dân Do-thái hiến tế chiên hằng năm để tưởng nhớ lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, Đức Giê-su trút hơi thở cuối cùng vào khoảng ba giờ chiều, cũng là lúc người ta sát tế chiên trong Đền Thờ. Nói cách khác, khi Máu Đức Giê-su từ cạnh sườn chảy ra trên đồi Gôn-gô-tha (Đồi Sọ) cũng là khi máu chiên sát tế chảy ra và người ta lấy máu đó rảy trên bàn thờ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Trở lại với hiến tế của Áp-ra-ham trong Cựu Ước, khi trên đường tới chỗ dâng lễ toàn thiêu, I-xa-ác hỏi Áp-ra-ham: "Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu? Ông Áp-ra-ham đáp: Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ" (St 22,8). Đối với mọi người trong gia đình nhân loại, 'Thiên Chúa sẽ liệu' và Người đã liệu không phải là con chiên hay tế phẩm nào đó mà là Đức Giê-su. Thiên Chúa đã cho gia đình nhân loại chính Con của Người. Hiến tế Đức Giê-su cao trọng hơn hiến tế của I-xa-ác, cao trọng hơn bất cứ hiến tế nào trong lịch sử nhân loại. Con cừu đực chết cho I-xa-ác được sống, Đức Giê-su tự nguyện chịu chết cho nhân loại được cứu độ, được giải thoát và được sống muôn đời.

Chúng ta có thể so sánh máu chiên bôi trên cửa nhà của người Do-thái bên Ai-cập và máu Đức Giê-su như sau: Máu chiên bôi trên cửa là máu súc vật; Máu Đức Giê-su đổ ra trên thập giá là Máu Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Máu chiên bôi trên cửa mang tính địa phương; Máu Đức Giê-su trên thập giá mang tính hoàn vũ. Máu chiên bôi trên cửa là dấu hiệu sự giải thoát một dân tộc; Máu Đức Giê-su trên thập giá là dấu hiệu giải phóng tất cả các dân tộc. Máu chiên bôi trên cửa giúp dân Do-thái thoát khỏi ách nô lệ ở Ai-cập; Máu Đức Giê-su trên thập giá giúp tất cả mọi người trong gia đình nhân loại thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Máu chiên bôi trên cửa giúp dân Do-thái tiến về Đất Hứa; Máu Đức Giê-su trên thập giá giúp con người tiến về Quê Trời. Máu chiên bôi trên cửa tàn phai theo năm tháng; Máu Đức Giê-su là dấu ấn vĩnh viễn. Tắt một lời, máu chiên bôi trên cửa là dấu hiệu của Cựu Ước qua đi; Máu Đức Giê-su là dấu hiệu của Tân Ước vĩnh cửu.

Trong bối cảnh Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói rằng Người là Mục Tử nhân lành: "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10,11). Còn tác giả thư gửi tín hữu Do-thái thì khẳng định: "Đức Giê-su là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu" (Dt 13,20). Như vậy, Đức Giê-su vừa là Chiên Thiên Chúa vừa là Mục Tử nhân lành. Trong tư cách là Chiên Thiên Chúa, Đức Giê-su trở thành lễ vật hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể nhân loại. Trong cách tư cách là Mục Tử nhân lành, Đức Giê-su chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa. Các mục tử của dân Do-thái, chẳng hạn như Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít có thể được gọi là 'mục tử', chứ không bao giờ được gọi là 'chiên'. Họ là hình ảnh khiếm khuyết báo trước về Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa và Mục Tử hoàn hảo. Người hiện diện và hoạt động trong hành trình trần thế để đồng hình đồng dạng với đoàn chiên (ngoại trừ tội lỗi) và dẫn đưa đoàn chiên về với Thiên Chúa.

Trong sách Sáng Thế, trước khi qua đời, Gia-cóp đã chúc phúc cho mười hai người con trai. Gia-cóp ví Giu-đa (người con trai thứ tư) như là sư tử (St 49,9). Chúng ta biết rằng sư tử thường được gọi là chúa sơn lâm, là vua muông thú. Hình ảnh sư tử là hình ảnh của quyền lực, sức mạnh, chiến thắng, vương quyền. Gia-cóp còn nói: "Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục" (St 49,10). Theo phả hệ gia đình mở rộng của Áp-ra-ham, Đa-vít thuộc chi tộc Giu-đa, do đó ông cũng mang 'AND sư tử' và Đức Giê-su cũng thuộc chi tộc này (Mt 1,1-17). Đó là lý do giải thích tại sao trong sách Khải Huyền, Đức Giê-su được diễn tả như là Chiên Chiến Thắng: "Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc" (Kh 5,12). Đức Giê-su cũng được diễn tả như là Sư Tử oai hùng: "Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong" (Kh 5,5). Điều này cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng hiến tế chính mình cho toàn thể gia đình nhân loại. Đồng thời, Đức Giê-su là con cháu vua Đa-vít. Người là Đấng chiến thắng; là 'Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa'. Là Chiên, Người mang lấy tội lỗi nhân loại; là Sư Tử, Người tiêu diệt tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự chết. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết Đức Giê-su là Sư Tử trước khi là Chiên, bởi vì Người là Đấng Sáng Tạo, nhờ Người muôn vật muôn loài được dựng nên và danh hiệu của Người là "Vua các vua, Chúa các chúa" (Kh 19,16).

Đối với dân Do-thái, từ khi Thiên Chúa kêu gọi Áp-ra-ham đến khi rời khỏi Ai-cập về với Đất Hứa, từ việc sát tế chiên hằng năm để tưởng nhớ biến cố Xuất Hành đến Biến Cố Đức Giê-su, nhiều con chiên đã trở thành lễ vật hiến tế. Trong bối cảnh hôm nay cũng như tương lai, nhiều người Do-thái vẫn tiếp tục nghi thức này. Tuy nhiên, không có bất cứ con vật nào trong quá khứ, hiện tại hay tương lai mang đến sự tha thứ tội lỗi. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: "Máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi" (Dt 10,4). Những gì dân Do-thái làm có thể giúp họ hoán cải, trở về nẻo chính đường ngay, chứ không đem đến cho họ sự tha thứ. Chỉ Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa là Đấng xóa tội tất cả mọi người. Thánh Phê-rô khẳng định như vậy: "Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này" (1 Pr 1,19-20). Còn tác giả sách Khải Huyền thì diễn tả rằng khi Con Chiên (Đức Giê-su phục sinh) lãnh nhận cuốn sách, bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục và cất tiếng: "Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này" (Kh 5,9-10).

Khi Đức Giê-su xuất hiện, thánh Gio-an Tẩy Giả không nói Đức Giê-su là 'Đấng xóa tội dân Do-thái', mà nói Người là 'Đấng xóa tội trần gian'. Khi nói như thế, thánh nhân ý thức được hậu quả khủng khiếp của tội lỗi, khủng khiếp đến nỗi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã trở thành Chiên Thiên Chúa đổ máu để cứu chuộc nhân loại. Với thánh Gio-an Tẩy Giả, tội lỗi vừa xúc phạm Thiên Chúa vừa làm cho con người xa rời Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế, con người thường quan tâm đến việc 'xúc phạm Thiên Chúa', mà ít quan tâm đến việc 'xa rời Thiên Chúa'. Như vậy, thánh Gio-an Tẩy Giả có cái nhìn mới mẻ cũng như tầm nhìn sâu xa, rộng mở và bao quát hơn so với tất cả những người đương thời, ngay cả những người gần gũi Đức Giê-su nhất cũng không có cái nhìn tương tự.

Từ cổ chí kim, tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều có kinh nghiệm về sự phân biệt giữa người dâng lễ vật và lễ vật trong các nghi thức tế tự. Trong trường hợp Đức Giê-su thì không phải như thế bởi vì Người vừa dâng lễ vật, vừa là lễ vật. Đây thật là điều khó hiểu không chỉ đối với những người Do-thái mà còn đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Đức Giê-su trở nên một với lễ vật và nhân danh toàn thể nhân loại dâng lên Thiên Chúa hiến tế hoàn hảo nhất. Đó là lý do giải thích tại sao Giao Ước giữa con người và Thiên Chúa được Đức Giê-su thiết lập là giao ước cao trọng và vĩnh cửu. Nói cách khác, chỉ có Đấng cao trọng và vĩnh cửu mới làm cho giao ước giữa con người và Thiên Chúa trở thành giao ước cao trọng và vĩnh cửu mà thôi. Các trình thuật trong Tin Mừng về việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Giao Ước mới và vĩnh cửu, không đề cập đến việc ăn thịt chiên, bởi vì, Đức Giê-su chính là Chiên, Chiên Thiên Chúa (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25).

 

Hình ảnh chiên bị sát tế ở Ai-cập trước cuộc Xuất Hành là hình ảnh bắt đầu một tương lai mới mẻ cho dân Do-thái. Hình ảnh này trở nên hiện thực trong Biến Cố Đức Giê-su cho tất cả mọi người. Hình ảnh chiên bị sát tế ở Ai-cập khởi đầu cho việc dân Do-thái phải từ bỏ những thứ lỉnh kỉnh, những vật dụng không cần thiết hay bất cứ thứ gì gây cản trở cho hành trình bốn mươi năm trong sa mạc về với Đất Hứa. Điều quan trọng nhất của hành trình này là phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Hình ảnh Đức Giê-su hiến tế chính mình mời gọi tất cả mọi người phải từ bỏ tội lỗi, từ bỏ nết xấu hay bất cứ những gì gây cản trở cho hành trình về với Nước Thiên Chúa. Đây cũng là hình ảnh diễn tả sự vinh thắng của tình yêu trên ích kỷ, của tha thứ trên hận thù, của phục sinh trên sự chết, của ánh sáng trên bóng tối, của Thiên Chúa trên ma quỷ. Điều quan trọng nhất của tất cả mọi người trong hành trình này là niềm tin tưởng vững vàng vào sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa trong đời sống mình.

Như nhiều tín hữu của các tôn giáo khác trong lịch sử nhân loại, dân Do-thái mang trong mình não trạng rằng sự cố gắng hay việc làm theo cảm nhận của mình có thể đền bù tội lỗi, xây dựng căn tính đích thực của mình và đạt tới sự sống vinh phúc trường cửu. Tuy nhiên, Biến Cố Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng con người không thể tự mình hoàn thiện, tự mình tạo công phúc hay tự mình giải thoát khỏi các thế lực ma quỷ, bóng đêm, tội lỗi. Con người luôn cần Đức Giê-su, hữu hạn luôn cần vô hạn, thời gian luôn cần vĩnh cửu. Nói cách khác, chiên trần gian luôn cần Chiên Thiên Chúa cứu độ và giải thoát (Kh 7,10). Tác vụ chính của chiên trần gian là tin tưởng, thông hiệp và thực thi ý định của Chiên Thiên Chúa.

Trong lễ Vượt Qua hằng năm, người Do-thái ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Đây là truyền thống xa xưa của dân Do-thái, chẳng hạn như ông Lót (cháu của Áp-ra-ham) đãi 'người của Thiên Chúa' bằng bánh không men hay Thiên Chúa truyền cho Mô-sê và A-ha-ron bên Ai-cập chuẩn bị lễ Vượt Qua với bánh không men (St 19,1-5; Xh 12,8). Đặc biệt, việc ăn bánh không men để tưởng nhớ biến cố dân Do-thái ra khỏi đất Ai-cập. Tác giả sách Xuất Hành cho chúng ta biết: "Người Ai-cập hối thúc con cái Ít-ra-en và vội vàng thả cho họ ra khỏi nước, vì chúng nói: Chúng ta chết cả lũ đến nơi rồi! Dân phải mang theo bột đã nhào chưa kịp dậy men; họ cuộn bột đã nhào trong thùng vào áo choàng, rồi vác lên vai" (Xh 12,33-34). Còn tác giả sách Đệ Nhị Luật viết: "Anh em không được ăn bánh có men với lễ vật đó; trong vòng bảy ngày, anh em sẽ ăn bánh không men - thứ bánh khổ cực, vì anh em đã phải vội vã ra khỏi đất Ai-cập-, để mọi ngày trong đời anh em, anh em nhớ ngày ra khỏi đất Ai-cập" (Đnl 16,3).

Men đóng vai trò quan trọng trong việc chế biến lương thực thực phẩm, chế biến thức ăn, chẳng hạn như men làm bánh, men làm bia rượu, men làm nước trái cây. Tuy nhiên, trong bối cảnh Kinh Thánh, ngoài ý nghĩa và hình ảnh tích cực, men còn mang ý nghĩa và hình ảnh tiêu cực, chẳng hạn, men là hình ảnh của tội lỗi, của tính hư nết xấu, của hệ quả tai hại. Chỉ một ít men trong thúng bột thì làm cho thúng bột dậy men và dần dần cả thúng bột sẽ bị hủy hoại. Cũng vậy, tội lỗi làm con người hư hỏng. Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc" (Mt 16,6). Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, khi trình bày về sự tự do của người Ki-tô hữu, thánh Phao-lô viết: "Một chút men làm cả khối bột dậy men" (Gl 5,9). Với tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân cảnh báo: "Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ" (1 Cr 5,6-8).

Đời sống 'xa lánh bánh có men', đời sống ý thức về căn nguyên của tội lỗi, đời sống ý thức về tình yêu của Thiên Chúa, đời sống đơn sơ và sự khiêm hạ của thánh Gio-an Tẩy Giả đáng để chúng ta noi gương bắt chước, bởi vì nhờ đó, thánh nhân ý thức hơn về căn tính và sứ mệnh của mình. Cũng nhờ đó, thánh nhân nhận ra Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian trong khi tất cả những người đương thời không nhận ra. Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta chỉ có thể nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa, đọc những dấu chỉ đó và đem ra thực hành khi chúng ta biết cộng tác với Thiên Chúa để đẩy lùi 'men tội lỗi'. Chúng ta cần cộng tác với Thiên Chúa để luôn có tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, tâm hồn biết mở ra với những khả thể tốt đẹp tiềm tàng trong môi trường sống của mình. Thời nào cũng vậy, biết bao dấu chỉ Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại, cho mỗi người. Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị tâm hồn để tiếp nhận những dấu chỉ của Thiên Chúa, con người thường chú ý đến những dấu chỉ như lòng mình mong đợi.

 Thánh Gio-an Tẩy Giả không chỉ là người đầu tiên và người duy nhất nhận ra Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, ngài còn là người đầu tiên minh chứng cho những giá trị Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo. Đặc biệt, ngài đã bảo vệ cho niềm tin và công lý bằng chính mạng sống mình. Như vậy, ngài đã tham dự trọn vẹn vào hiến tế của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Việc thánh nhân nhận ra Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa và làm chứng cho Người bằng mạng sống mình là Tin Mừng trọng đại cho gia đình nhân loại. Từ đây, với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Thiên Chúa và con người 'không còn xa cách nữa'. Nhờ Đức Giê-su, con người hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa hơn. Nói cách khác, nhờ Chiên Thiên Chúa, chiên trần gian dễ dàng tiếp cận Thiên Chúa và đi vào mối thông hiệp vĩnh cửu với Người. Những gì thánh Gio-an Tẩy Giả cảm nghiệm, sống và diễn tả đã trở nên nguồn lực vô tận cho các môn đệ của Đức Giê-su trong hành trình loan báo Tin Mừng.

Thánh Gio-an tông đồ trình thuật: "Ông Gio-an [thánh Gio-an Tẩy Giả] lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su" (Ga 1,35-37). Thánh Gio-an Tẩy Giả thật quảng đại, không 'giữ chặt' môn đệ của mình, không 'sở hữu', nhưng sẵn sàng để các môn đệ của mình theo Đức Giê-su. Thánh nhân đã ý thức được rằng các môn đệ của mình cần trở thành môn đệ của Đức Giê-su để cộng tác với Người trong việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sự kiện hai môn đệ từ biệt thầy mình là thánh Gio-an Tẩy Giả rồi theo Đức Giê-su đáng để chúng ta quan tâm. Bởi vì, thông thường, môn đệ là người trung tín với thầy mình. Nhưng ở đây, hai môn đệ của thánh Gio-an Tẩy Giả đã vâng lời thầy mình và sẵn lòng ra đi dù chưa biết tương lai thế nào. Chắc rằng khi Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, họ mới hiểu biết đầy đủ tâm tư và viễn kiến của thầy mình, nhất là hiểu biết hơn lời giới thiệu của thầy mình khi gặp Đức Giê-su: 'Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian'.

Trước khi trở thành môn đệ của Gio-an Tẩy Giả, hai môn đệ đã tìm hiểu và phân định đường đi nước bước cho mình. Đối với họ, đường của thánh Gio-an Tẩy Giả là đường chuẩn mực rồi. Tuy nhiên, thánh Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Đường tốt nhất cho họ là Đường Đức Giê-su, Đường Chiên Thiên Chúa, Đường của Đấng xóa tội trần gian. Đây là bài học lớn lao cho chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy tự đặt câu hỏi và trả lời: Chúng ta đang là môn đệ của ai, của hiện tượng nào, của biến cố nào? Chúng ta đang theo đường của ai và đường đó đem lại gì cho chúng ta cũng như cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại? Đường chúng ta đang theo dẫn chúng ta tới chỗ nào? Quả thật, chỉ có Đường Chiên Thiên Chúa mới thỏa mãn khát vọng và hoài bão của chúng ta. Do vậy, chúng ta hãy đi Đường đó, đồng thời, chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân của Đường đó trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình.

Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ trình thuật rằng Phi-líp-phê gặp một viên thái giám người Ê-thi-óp lên Giê-ru-sa-lem hành hương và đang trên đường trở về nhà. Viên thái giám đang đọc sách ngôn sứ I-sai-a, trong đó có đoạn: "Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca" (Cv 8,32; Is 53,7). Khi viên thái giám không hiểu ý nghĩa của đoạn sách này thì Phi-líp-phê đã giải thích rằng đoạn sách nói về Đức Giê-su. Sau đó, viên thái giám đã tin vào Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và ông xin Phi-líp-phê làm Phép Rửa. Như vậy, nhờ sự hiểu biết về sự liên kết giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa chiên hiến tế của người Do-thái và Đức Giê-su, Chiên Thiên Chúa, Phi-líp-phê đã làm cho viên thái giám hoán cải và trở thành môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su giữa dòng đời.

Đường Chiên Thiên Chúa là niềm hy vọng lớn lao cho tất cả mọi người trong môi trường ô nhiễm vì tội Nguyên Tổ và hậu quả của tội này. Chính tội lỗi là chướng ngại lớn nhất ngăn cản con người đến gần Thiên Chúa, gần anh chị em mình, gần muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Chỉ có Đường Chiên Thiên Chúa mới cho phép con người vượt qua các hình thức chướng ngại để nối lại các tương quan tốt lành vốn có của con người khi tội lỗi chưa hiện diện trên trần gian. Hơn nữa, Đường Chiên Thiên Chúa cho phép con người được 'nâng cấp phẩm giá' là trở thành con cái Thiên Chúa. Như vậy, Đường Chiên Thiên Chúa chính là Đường Hy Vọng của tất cả mọi người. Đường Chiên Thiên Chúa là Đường duy nhất cho phép con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa. Ai đi trên Đường này, người đó sẽ tìm được bình an và hạnh phúc thực sự giữa những bấp bênh và đau khổ của cuộc sống hằng ngày.

 

Chúng ta có thể kết luận rằng chiên là hình ảnh thân thương và gần gũi của nhiều dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, dân Do-thái dùng chiên như là tế phẩm thanh sạch, tinh tuyền, hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa để cảm tạ Người, cũng như tỏ lòng thần phục suy tôn, xin ơn tha thứ tội lỗi, đồng thời tưởng nhớ đến những kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử của họ, nhất là biến cố Vượt Qua. Trong thời Tân Ước, khi gặp Đức Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả đã chứng thực Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Theo thánh nhân, nhờ Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, con người không cần phải sát tế chiên hay dâng bất cứ lễ vật nào khác để giao hòa với Thiên Chúa. Cùng với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, chúng ta xác tín rằng "chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ" (Dt 10,10). Đồng thời, chúng ta cũng tin tưởng rằng Đường của Đức Giê-su là Đường Chiên Thiên Chúa. Đường này hướng tới Nguồn Tình Yêu, Hạnh Phúc và Bình An vô tận: "Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!" (Kh 19,9).

 

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

WHĐ (31.03.2021) 
 

  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây