TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiêm ngắm Icône Chúa Ba Ngôi của Rubliov

Thứ bảy - 11/06/2022 19:35 | Tác giả bài viết: TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc |   1301
"Ðiều mà sách (Kinh Thánh) nói với chúng ta bằng chữ, Icône cho chúng ta thấy bằng mầu sắc" (mansi, t.1s, col.482).
Chiêm ngắm Icône Chúa Ba Ngôi của Rubliov

CHIÊM NGẮM ICÔNE CHÚA BA NGÔI CỦA RUBLIOV

A. ÐIỀU KIỆN TÂM LINH ÐỂ CHIÊM NGẮM ICÔNE

Ðể chiêm ngắm một bức Icône, đặc biệt là những bức vẽ Ðức Maria, Ðức Giêsu; và đặc biệt hơn nữa, những bức hình dung Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải được chuẩn bị có những tâm tình và tư tưởng thích hợp. Bằng không, chúng ta chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề ngoài, không đạt được mục tiêu của việc chiêm ngưỡng: như "thấy Ðấng vô hình". (Hr 1,11)

Trước hết, chúng ta phải có quan niệm như các Kitô hữu của Giáo Hội phương đông: "Icône là Tin Mừng dành cho thị giác”. Công đồng Constantinople III năm 860 khẳng định: "Ðiều mà sách (Kinh Thánh) nói với chúng ta bằng chữ, Icône cho chúng ta thấy bằng mầu sắc" (mansi, t.1s, col.482).

Tâm tình thứ hai dựa trên ý nghĩa của Icône: bởi tiếng Hi lạp eikôn có nghĩa là hình ảnh. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên một phần nào chúng ta có thể dựa trên những "nét người " để nhận ra Thiên Chúa, muốn làm được công việc khám phá này, chúng ta cần phải cầu xin cho ánh sáng của Chúa Kitô bừng lên trong chúng ta trước đã.

Chính nghệ thuật vẽ Icône không muốn chúng ta dừng lại ở khía cạnh vật chất quá nhiều, mà chỉ dựa vào vật chất như một điểm tựa đưa chúng ta "đi lên thế giới thần linh”. Bức ảnh không quan trọng bằng chân lý diễn tả trong đó. Bức Icône nào bắt chúng ta dừng lại nơi chính nó, thì không đạt được trình độ nghệ thuật vẽ Icône. Tác dụng của nghệ thuật vẽ Icône là "nâng tâm hồn lên”.

Phải làm thế nào để khi chiêm ngắm một bức Icône, chúng ta như đi vào thế giới "huyền nhiệm", rồi trở về tường thuật lại cho những ai cũng muốn đi vào thế giới ấy như chúng ta.

B. ANDREI RUBLIOV

Bối cảnh lịch sử và văn hoá

Thế kỷ 14, Moscova đứng đầu trong cuộc đấu tranh chống Mông Cổ và thống nhất nước Nga, trở nên một trong những thành phố lớn của Nước nga thời bấy giờ. Văn hoá và nghệ thuật bắt đầu phát triển, thời gian này xuất hiện một chuỗi các nhà nghệ sĩ phản ánh tinh thần của thời đại đầy lý tưởng cao thượng và tinh thần yêu nước đến hi sinh bản thân.

Tác phẩm phản ánh trọn vẹn nhất tinh thần thời đại là tác phẩm của A. Rubliov. Ông còn ảnh hưởng một thời gian lâu dài trên nền hội hoạ Nga, đặc biệt là trường phái Moscova về công tác "ảnh đạo" (Icône). Các tác phẩm của Rubliov vừa biểu lộ năng lực ý chí", vừa biểu lộ lòng nhân đạo và bình an nội tâm.

Là học trò của Théophane Le Grec, lúc đầu làm việc cho Nhà Thờ Chính Toà "Truyền Tin " tại Moscova. Ba năm sau, ông làm việc cho "Nhà Thờ Mông Triệu" ở Vladimir. Từ năm 1427 - 1430, ông trang hoàng cho Nhà Thờ Ba Ngôi ở Zagorsk. Ông sống những ngày cuối cùng trong Ðan viện Andronicus ở Moscova.

Ba ngôi trong Cựu Ước (The Old Testament Trinity) là tác phẩm thời danh nhất của Rubliov, ông vẽ bức tranh này để trang hoàng "Nhà Thờ Ba Ngôi của Ðan viện Thánh Serge.

C. NỘI DUNG BỨC ICÔNE BA NGÔI CỦA A. RUBLIOV

Nhìn vào bức hoạ ba ngôi của Rubliov, chúng ta nên phân biệt ba bình diện để có thể lĩnh hội hết vẻ đẹp và chiều sâu, diễn đạt qua những nét vẽ và bố cục của bức hoạ.

 

Bình diện đầu tiên là bối cảnh của bài tường thuật về ba vị khách đến viếng thăm Abraham tại gia trang ở cây sồi Mamrê (Kn 18,1-15). Bình diện này được Phụng vụ Chính Thống Giáo nhắc tới khi cử hành thánh lễ tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi "Lạy Tổ phụ Abraham hồng phúc, ngài đã thấy các Ðấng, ngài đã tiếp đón Thần Linh duy nhất và Ba Ngôi”.

Bình diện thứ nhất chỉ được phác hoạ sơ qua. Hoạ sĩ không vẽ Abraham và Sara? Ðiều đó hoàn toàn hữu ý, hoạ sĩ muốn người xem nhanh chóng bước sang bình diện thứ hai là bình diện "chương trình cứu độ" của Thiên Chúa. Ba Vị Khách Thần Linh dường như họp thành một "hội đồng vĩnh cửu”. Lều của Abraham trở nên một ngôi đền. Cây sồi Mamrê trở nên "Cây sự sống”. Quang cảnh được phác hoạ bằng những nét rất nhẹ nhàng: vũ trụ ở đây chỉ còn là dấu chỉ của sự hiện diện Thần Linh. Ðĩa thịt bê nhường chỗ cho "chén cứu độ", "chén hiệp thông”. Ba vị khách được vẽ như ba thiên thần, nhẹ nhàng, thanh khiết (thân mình, đôi cánh). Cảnh vật được vẽ thoáng qua như xa mà gần, như gần mà xa, làm nổi bật ba khuôn mặt quy hướng về nhau. Ba vị khách đang đàm đạo thân thiết. Chủ đề việc đàm đạo là "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban con một mình để cho thế gian được sống" (Ga 3,16).

Từ đây, chúng ta có thể bước sang bình diện thứ ba, bình diện của tình yêu Ba Ngôi siêu việt, bình diện mà không ngôn ngữ phàm trần nào diễn tả nổi, bình diện chỉ có thể gợi ý bằng một số nét hoạ mang tác dụng hướng thượng cái nhìn, con tim, và khối óc, đưa dẫn chúng ta đi vào thế giới thần linh.

Hai bình diện thứ hai và thứ ba lồng vào nhau. Lịch sử cứu độ luôn bám rễ vào Thiên Chúa Ba Ngôi, phát xuất từ mầu nhiệm và quy về mầu nhiệm.

Mầu nhiệm tình yêu là mầu nhiệm dâng hiến: Ba Ngôi dâng hiến chính mình cho nhau. Biểu tượng của dâng hiến là "chén”. Chén ấy là chén "lương thực thần linh”, là tình yêu và sự sống của nhau. Chén chứa đựng "Chiên Con" chịu sát tế từ thuở đời đời. Tình yêu tự hiến của Ba Ngôi là Nguồn suối tạo dựng.

Ba vị đang trong trạng thái tĩnh "an nghỉ", "say sưa ngây ngất”. Bình an tuyệt đối là trạng thái xuất thần. Ba Vị hoàn toàn hướng về nhau. Ba vị dường như ra khỏi chính mình, rời bỏ chính mình. Nhưng sự rời bỏ, ra khỏi, hay xuất thần ấy là một sự "định tâm" (sortie en soi- même), nghĩa là không rời bỏ, mà là sự tiếp nhận êm đềm tình yêu của nhau. Vì an nghỉ là xuất thần, mà xuất thần là định tâm, nên ở đây chúng ta có một chân lý nghịch thường tuyệt đối, tĩnh mà động, động mà tĩnh ; tĩnh là động, động là tĩnh.

Chuyển động lôi cuốn cả vũ trụ trong một vận hành vừa nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ. Vũ trụ được hình dung bằng những đường nét sơ lược chuyển động theo hình cong để rồi dừng lại với Vị Thần Linh ngồi thẳng. Ngoài chuyển động theo đường tròn, còn có chuyển động từ dưới đi lên "theo đường thẳng: vũ trụ được nâng lên bình diện Thần Linh".

Ba Vị hoàn toàn giống nhau: giống nhau đến nỗi chúng ta có thể nhận ra vị này nơi Vị nọ. Nhưng ba Vị cũng hoàn toàn khác nhau, và chúng ta không thể lẫn lộn các Vị với nhau. Sự khác biệt do thái độ của từng Vị đối với Vị kia. Thái độ được diễn tả rất tinh vi bằng ánh mắt, bằng thân hình, bằng mái đầu nghiêng nhiều hay ít. Nhìn vào ba Vị, chúng ta chỉ thấy Một, mặc dù là Ba. Các cặp cánh dường như nối kết các Vị, đồng hoá các Vị. Các Vị có cùng một Thần tính được diễn tả bằng mầu xanh lợt của bầu trời lồng ở bên trong từng cặp cánh. Gậy của các Vị cũng biểu lộ một quyền năng duy nhất.

Khoa hình học được sử dụng rất nhẹ nhàng và tinh vi, hình chữ nhật, hình tam giác, hình tròn. Hình chữ nhật vừa là biểu tượng của trái đất, vừa là dấu chỉ tứ phương thiên hạ (đông tây nam bắc). Hình chữ nhật cũng là hình thù của quyển sách. Mặt bàn biểu tượng cho "quyển sách Lời Chúa " đang mở ra. Chén tình yêu nằm trên mặt sách, gắn liền với sách. "Chén bởi Lời " và "Lời bởi Chén "Chén và Lời làm phát sinh cây sự sống. Chén ấy vừa là chén cho Ba Ngôi, vừa là chén cho trần thế. Trần thế được ban cũng một thứ lương thực dành cho Thiên Chúa. Sách cũng vậy, vừa là Lời thiên chúa, vừa là ngôn ngữ của trần gian. Cây sự sống vừa phát sinh từ sự sống và tình yêu Ba Ngôi, vừa mọc lên từ trái đất.

Bàn tay mặt của cả ba Vị đều tập trung vào trái đất, nơi tình yêu của các vị thể hiện ra bên ngoài. Trái đất và cả vũ trụ ở bên ngoài Thiên Chúa, nhưng đã được tình yêu của Thiên Chúa đưa vào sự hiệp thông Ba Ngôi, diễn tả bằng những đường nét tròn tượng trưng cho sự viên mãn. Vận hành đường tròn dừng lại ở Ðền Thờ, vừa là hình ảnh Ðức Kitô và mầu nhiệm Nhập Thể của Người, vừa là thân thể huyền nhiệm của Người, là hiền thê hiệp nhất nhưng không lẫn lộn với Người. Ðền Thờ ở trong trạng thái tĩnh là hình ảnh của Giêrusalem Thiên Quốc, nơi hoàn tất lịch sử cứu độ.

Vị thế của Chúa Cha ở giữa, thật là uy nghi cao cả. Mầu sắc cũng như đường nét diễn tả Người có vẻ vĩ đại hơn các Vị khác. Nơi Người, kết hợp hài hoà sự an tĩnh tuyệt đối và thế chủ động rõ ràng. Tất cả đều được diễn tả bằng đường cong của cánh tay hùng mạnh, rất hài hoà với cái đầu hơi nghiêng, bắt nguồn cho vận hành của Sự Sống Thần Linh.

Quyền năng của Chúa Cha là uy quyền tối cao và vĩ đại, nhưng cũng là uy quyền của tình yêu, phản ánh trong cái nhìn đầy âu yếm. Vì Người là Tình yêu nên Người chỉ có thể biểu lộ bằng ân sủng và sống trong hiệp thông tình yêu.

Vị thế của Chúa Con là vị thế lắng nghe: lắng nghe với tất cả lòng yêu mến, lắng nghe một cách hoàn toàn chăm chú. Ðể trở thành Lời tuyệt đối, Người cần phải nghe trọn vẹn. Người ngồi thẳng lưng trong trạng thái đón nhận và nghiền ngẫm. Nét mặt người là nét mặt tin cậy và phó thác. Người sẵn sàng thực hiện ý của Cha muốn cho Người mặc lấy bản tính loài người (diễn tả bằng hai ngón tay).

Những nét vẽ ngôi Vị thứ Ba là những nét dịu dàng nhất: dịu dàng như một người phụ nữ (người mẹ, người vợ). Không thể phủ nhận là trong Ba Vị, Vị Thứ ba giống đàn bà hơn cả. Người biểu lộ khía cạnh từ mẫu của Thiên Chúa. Người như lắng nghe tất cả với tâm tình chia sẻ, thông cảm, và an ủi vỗ về. Vị thế của Người khác với những Vị kia, nghiêng mình nhiều hơn. Dựa theo bố cục nét vẽ, phải nhận rằng chuyển động bắt nguồn từ Người, hay là với Người, chúng ta mới thấy rõ chuyển động. Nhìn Người, chúng ta có cảm tưởng một ngọn gió tình yêu bắt đầu di chuyển theo đường tròn, lôi cuốn vũ trụ vào trong cùng quỹ đạo tình yêu. Bàn tay Người như cánh chim bay là là trên mặt đất, nhưng cũng có dáng chim mẹ ấp ủ con.

Trong nghệ thuật vẽ Icône, màu sắc cũng là ngôn ngữ. Nơi bức hoạ Ba Ngôi của Rubliov, ý nghĩa của màu sắc thật là phong phú. Sự tương phản và hài hoà giữa các màu được sử dụng cách nhẹ nhàng không gượng ép, giống như một bản hoà tấu khi trầm khi bổng, lúc mạnh lúc nhẹ. Mầu đậm sử dụng cho Vị ngồi giữa nổi bật nhờ tương phản với mầu trắng của mặt bàn, sắc óng ánh và dịu dàng của màu áo các Vị ngồi hai bên. Mầu đỏ sậm nơi Chúa Cha biểu tượng cho tình yêu Thần Linh, "đậm đà", "khôn dò", tựa hồ như "bóng tối của vực thẳm Thần linh"; khi được mặc khải thì được trở nên nhẹ nhàng như mầu hồng nhạt nơi Chúa Con, màu xanh vert lợt nơi Chúa Thánh Thần. Chén màu vàng cam nổi bật trên bàn mầu trắng chứa đựng lương thực Thần Linh cũng mầu đỏ sậm. Lương thực ấy cũng là mầu nhiệm khôn dò thấu, trở nên dịu ngọt và hiểu được, cảm nghiệm được, nhờ mầu trắng của mặt bàn hình dung quyển sách Lời chúa. Mầu vàng được dùng rất nhiều là biểu tượng của vương quyền Thần Linh, như đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc của Ba Ngôi, trong đó Thiên Chúa là tình yêu chủ trì.

 

Từ bức Icône Ba Ngôi dường như toát ra một lời mời gọi vừa tha thiết vừa êm dịu: "hãy nên một như chúng ta là một" (Ga 17,21). Mọi người đều được mời gọi "quây quần" chung quanh cùng một chén, chia sẻ cùng một lương thực Thần Linh, để sống cùng một sự sống vĩnh phúc của Thiên Chúa. Bức hoạ là một sứ điệp bình an và hiệp nhất, là một Tin Mừng về "Tình yêu tuyệt đối".

Ðức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
Nguồn: simonhoadalat.com (11.6.2022) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây