TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – B

Thứ năm - 04/04/2024 14:28 |   628
‘‘Đức Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại ;...Chính anh em là chứng nhân về những điều này’’. (Lc 24,35-48)

14/04/2024
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – B

CN3PSb

Lc 24,35-48


CỐT LÕI NIỀM TIN VÀ SỨ VỤ
‘‘Đức Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; ...Chính anh em là chứng nhân về những điều này’’. (Lc 24,35-48).

Suy niệm: Sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ để củng cố niềm tin và sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng. Trong lần hiện ra được thánh Lu-ca kể lại ở đây, Chúa Giê-su ngỏ lời chào, đưa tay chân cho các ông xem, xác nhận rằng: “Chính Thầy đây mà” (Lc 24,39). Ngài còn ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông. Bằng những câu nói và cử chỉ rất cụ thể sống động, Chúa cho các ông rằng Ngài đã thực sự sống lại. Đây là chân lý cốt lõi trong niềm tin và sứ vụ của các tông đồ. Quả thực lời rao giảng đầu tiên gồm tóm trong bản tuyên xưng với bốn điều căn bản: Đức Ki-tô chịu chết; Đức Ki-tô sống lại; nhờ Ngài nhân loại lãnh nhận ơn tha tội và ơn cứu rỗi và “chúng tôi xin làm chứng cho những điều đó” (Cv 3,15).

Mời Bạn: Đời sống và sứ vụ của Hội Thánh và của ki-tô hữu nảy sinh từ lời rao giảng đầu tiên đó. Thánh Phao-lô nói rõ: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá (1Cr 2,1-2) Mầu nhiệm của chết và sống lại có ý nghĩa gì đối với tôi?

Sống Lời Chúa: Tôi lánh xa tội lỗi và tập hy sinh từ bỏ thói hư tập xấu với ý hướng: cùng chết đi với Đức Ki-tô để cùng sống lại với Ngài. (x. Rm 6,8-11).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã hiến tế trên thập giá để hủy diệt tội lỗi và sự chết; Chúa đã sống lại để ban cho chúng con sự sống mới. Xin Chúa luôn ở với con và dẫn dắt con đi theo con đường của Chúa: đường của yêu thương và phục vụ, đường của hy vọng và bình an. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa nhật II Phục Sinh -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Biến cố phục sinh chưa định thần được tâm hồn các môn đệ, vì biến cố tử nạn kéo dài những ba ngày, vẫn ám ảnh đầu óc các ông. Hoàn cảnh của các môn đệ thật là bi đát. Các ông là những người theo Chúa ngay từ đầu, những mong sẽ được tả hữu vinh quang, ai ngờ Thầy mình lại bị giết, bị chôn vùi trong huyệt đá và nay là ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng. Các ông chán nản trở lại nghề cũ, trở lại quê quán… Nhưng chính lúc ấy, Đấng Phục Sinh có mặt. Bằng lời Thánh Kinh sống động và khai sáng, Người thanh luyện các ông khỏi thất vọng, sợ sệt và đặt các ông vào một đời sống mới. Hai môn đệ đi làng Emmaus đã thấy ấm lòng khi nghe Lời Chúa. Các môn đệ ở Giêrusalem cũng đầy phấn khởi khi được Chúa soi sáng, củng cố và đặt chứng nhân của hi vọng, của lòng tin. Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cảm tạ chân thành và lòng thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngượi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 3, 13-15. 17-19

“Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.

“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 4, 2. 7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu!

Xướng: Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

Xướng: Ðược an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn.

Bài Ðọc II: 1 Ga 2, 1-5a

“Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Lc 24, 32

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

“Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đau khổ, đói nghèo hằng đi theo kiếp sống của con người. Chúng ta hãy xin Chúa giúp trung thành tín thác nơi Chúa, liên kết với thương tích của Chúa Giêsu để sống an bình. Chúng ta cùng cầu nguyện:

1. “Nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng”.— Xin cho các vị Chủ chăn ý thức trách nhiệm làm chứng cho mọi người, giúp họ củng cố đức tin qua việc học hỏi Kinh Thánh và giáo huấn của các tông đồ.

2. “Chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người”. Xin cho Hội Thánh coi trọng luật Chúa, nhất là những điều liên quan đến luật sự sống, mà ngày nay người ta coi thường, đến độ phá hủy, chỉ vì muốn hưởng thụ lạc thú dưới mọi hình thức.

3. “Các con có gì ăn không?”. Xin cho các vị lãnh đạo quốc gia, biết quan tâm đến tình trạng nghèo đói của dân, để họ không phung phí tiền của vào việc thi đua võ trang, nhưng biết tạo cho con người một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

4. “Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.” Xin cho những người nghèo trong giáo xứ, tìm được công ăn việc làm, vì Chúa hằng quan phòng lưu tâm đến cuộc sống hạnh phúc của con người.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa hằng hiện diện với chúng con qua cuộc sum họp cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh và tin nhận bí tích Thánh thể. Xin cho chúng con biết chia sẻ và củng cố niềm tin cho nhau, bằng đời sống bác ái và niềm vui phục vụ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả; giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Emmaus

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta thấy được sự chuyển biến tình cảm của hai môn đệ trên đường đi Emmau, chuyển biến đó khởi đi từ chỗ buồn nản đến chỗ phấn khởi và hăng hái.

Thực vậy, cũng như phần đông các môn đệ khác, các ông bước theo Chúa với tham vọng vật chất và trần tục: Chúa sẽ là vua, vương quốc của Ngài là một quốc gia vừa rộng lớn, vừa hùng mạnh, lại vừa giàu sang, còn bản thân các ông sẽ được giữ chức vụ này nọ hay chức vụ kia trong triều đình của Chúa. Mặc dầu luôn yêu mến Chúa, nhưng cái nhìn của các ông vẫn còn nặng mùi xôi thịt. Vì thế, khi Chúa bị treo trên thập giá, thì ước mơ của các ông tan theo mây khói. Các ông chán nản và thất vọng trở về với quê cũ, nghề xưa.

Như hai môn đệ trên đường Emmau chúng ta cũng hay tin vào mình và võ đoán, cho nên rất dễ sai lầm trong việc nhận định. Như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta cũng hay chán nản và buồn phiền, chỉ vì thiếu tin tưởng vào Chúa hay vì để lòng mình quá vấn vương với những lợi lộc vật chất.

Trong việc tông đồ thường có hai kết quả. Kết quả bên ngoài tức là những lợi ích trần gian và kết quả bên trong tức là cái ảnh hưởng siêu nhiên. Nếu để ý quá đến những kết quả bên ngoài, chúng ta sẽ tự chuốc lấy cho mình những đắng cay và thất vọng. Trái lại nếu biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa và làm hết sức mình, thì bao giờ chúng ta cũng có đủ lý do để lạc quan, chắc chắn rằng ảnh hưởng thiêng liêng thế nào cũng có, dù không có ngay hoặc không rõ rệt qua bên ngoài.

Giữa lúc các ông đang thất vọng và chán nản như thế, thì Chúa vẫn yêu thương các ông, muốn sửa lại cái quan niệm sai lầm và đem lại cho các ông niềm phấn khởi và hy vọng, nên Chúa đã hiện ra, cùng đi với các ông và cắt nghĩa Kinh Thánh để các ông hiểu rằng: Nước Chúa không phải là ở trần gian và thập giá chính là con đường tiến tới vinh quang.

Trái tim các ông bỗng ngập tràn niềm phấn khởi. Rồi sau đó tại quán trọ, các ông đã nhận biết Ngài khi Ngài bẻ bánh. Lúc ấy các ông thật sung sướng và phấn khởi. Lúc ấy các ông hăng hái đứng dậy, hối hả trở về tìm gặp các tông đồ, không quản ngại đường xa và đêm tối. Các ông không còn nghĩ đến công việc làm ăn ở làng Emmau nữa, mà trái lại các ông chỉ trông mong để được loan đi tin mừng phục sinh: Thầy đã sống lại và chúng tôi đã thấy Thầy.

Ước gì ánh sáng đức tin cũng bùng lên trong chúng ta, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ là những chứng nhân cho Tin mừng Phục sinh bằng chính đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta.

Đau khổ

Đang khi các tông đồ nghe hai môn đệ từ Emmaus trở về, say sưa kể lại sụ kiện gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, thì Ngài bỗng hiện ra và ở giữa họ. Chắc hẳn lúc bấy giờ các ông đã vô cùng sững sờ và ngạc nhiên đến nỗi tưởng như mình đã gặp phải một hồn ma nào đó. Khi ấy Chúa Giêsu mới ân cần làm cho họ nhận biết mình. Ngài nói chuyện với họ, khuyến khích họ sờ vào tay chân Ngài để họ không còn nghi ngờ chi nữa.

Dù vậy các ông vẫn còn e dè sợ sệt. Chúa Giêsu lại phải đưa thêm một bằng chứng khác nữa, đó là Ngài cùng ăn uống với họ. Hồn ma chỉ có thể tạo ra những ảo giác chứ không thể ăn uống như người thật. Các tông đồ đến lúc đó mới hết ngờ vực. Vả lại nhìn chung quanh các ông thấy ai cũng tin như thế, các ông mới yên lòng, vì nếu ảo tưởng thì chỉ có nơi một vài người lẻ tẻ, chứ không thể nào tất cả bằng ấy người lại cùng có một ảo tưởng.

Họ nhận ra Ngài như Ngài đã nói: Chính Thầy đây. Và họ tin chắc đó là Chúa Giêsu, người mà họ đã bước theo suốt ba năm dài, đã trở nên tông đồ, đã sống thân mật và gần gũi với Ngài. Ngài đã chịu nạn chịu chết và bây giờ đã sống lại.

Giờ đây, Chúa Giêsu cũng làm lại điều Ngài đã làm cho hai môn đệ tại Emmaus, đó là mở trí cho họ hiểu Kinh thánh. Bấy lâu nay Ngài đã nhiều lần và bằng nhiều cách dạy cho họ hiểu những lời tiên tri, thánh vịnh. Cố ý cho họ biết Ngài là Đấng Messia, sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết. Nhưng nào họ có chịu hiểu cho đâu, lại còn bực bội tức tối về điều đó nữa.

Chúng ta cũng thế. Biết bao nhiêu lần chúng ta vẫn quan niệm Giáo Hội như là một cơ chế quyền lực do Chúa thiết lập. Giáo Hội phải thành công rực rỡ trong mọi lãnh vực. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã đòi hỏi cuộc sống thiêng liêng và những hoạt động tông đồ của mình phải gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Chúng ta không thể nào chấp nhận được chương trình và cách thức hành động của Thiên Chúa.

Giờ đây Chúa Giêsu mở lòng trí các tông đồ khiến họ phải hiểu qua con đường nào mới tiến đến được vinh quang Nước Trời. Thực tế, con đường của Chúa không đi đôi với vẻ hào nhoáng của những thành công sáng chói ở đời, nhưng đó là con đường nghịch lý mà Chúa Giêsu đã dạy trong tám mối phúc thật. Có thể thỉnh thoảng Chúa cũng ban cho chúng ta một vài thành quả nào đó, tuy nhiên những thành quả ấy phải được sử dụng để làm vinh danh Chúa và mưu cầu lợi ích cho anh em, chứ không phải là để kiếm chác những lợi lộc tư riêng theo kiểu vinh thân phì gia.

Cái định luật bất di bất dịch mà những người tin Chúa phải tuân theo, đó là hãy chấp nhận gian khổ, hãy vác lấy thập giá trên vai nếu như chúng ta muốn trở thành môn đệ Chúa, nếu như chúng ta muốn được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

NẮM CHẮC HY VỌNG ĐƯỢC PHỤC SINH
(CHÚA NHẬT TUẦN 3 PHỤC SINH) 
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 3 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng ta tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa, xin Chúa cho chúng ta hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.

Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, với niềm trông cậy vững vàng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Khi Con Chiên mở ấn thứ năm, thì tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu: “Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?” Bấy giờ mỗi người trong số họ được lãnh một áo trắng; và có lời phán bảo họ cứ nghỉ yên một thời gian ngắn nữa, chờ cho đủ số những người cũng là tôi tớ Thiên Chúa và là anh em của họ, sắp bị giết như họ.

Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi cử hành Hy Lễ Tạ Ơn, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Giúttinô đã nói: Nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng tôi, đã trở nên người phàm có thịt có máu để cứu độ chúng tôi. Khi Đức Giêsu sắp phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người thiết lập Bí Tích Mình và Máu Người, để các tín hữu tưởng niệm cái chết của Người. Người ban Mình Người làm của ăn, ban Máu Người làm của uống. Người truyền cho môn đệ: “Anh em hãy làm như Thầy mới làm, để tưởng nhớ đến Thầy.”

Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi can đảm làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi nỗ lực sống theo những gì Chúa truyền dạy, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã cho thấy: Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.

Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, với niềm tin tưởng được giải cứu, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 4, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con. Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa Giêsu, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh, và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Hai người môn đệ trên đường Emmau đã được Đức Giêsu soi lòng mở trí để hiểu Kinh Thánh, và Người đã đốt lại trong họ ngọn lửa nhiệt thành qua việc bẻ bánh, khiến họ mau mắn quay trở lại Giêrusalem, để cùng với các môn đệ khác làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Ước gì chúng ta cũng biết để cho Lời Chúa soi sáng và Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng, để tâm hồn chúng ta luôn được tươi trẻ, và chan chứa niềm vui, trong niềm hy vọng được phục sinh vinh hiển.

Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 24, 35-48)

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Suy niệm

Đứng trước một biến cố đặc biệt, Thầy đã sống lại, các Tông đồ vừa mừng vừa có chút hoài nghi, bởi đó có phải là sự thật không, đó có phải là Thầy mình không hay một thần linh nào khác. Bao nhiêu vấn nạn đến trong suy nghĩ của các Tông đồ, làm cho các ông rối trí. Cho dù đó là sự thật, liệu có thể chấp nhận trong sự im lặng để làm chứng, hay cần phải kiểm chứng lại từ lời nói của các chứng nhân. Sự hoài nghi về sự việc luôn làm cho các ông như bị ám ảnh, hiểu được tâm trạng của các học trò, Đức Giêsu đã củng cố niềm tin đó, đã nâng đỡ sự mong manh của các ông trước dư luận, bằng việc hiện ra với các ông trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, để qua đó, các ông xâu lại tất cả những sự việc đó, có thể nhận ra Thầy mình đã và đang sống bên cạnh họ trong mọi sinh hoạt cuộc sống.

Những buổi gặp nhau của cộng đoàn Giáo hội ban đầu để cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong hành trình đức tin, cho thấy đức tin của họ được củng cố nhờ các nhân chứng sống động trong cộng đoàn. Họ đã gặp Chúa sống lại và hiện ra với họ nhiều nơi khác nhau, nhưng làm sao để họ có thể chấp nhận lời chứng đó. Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại một đôi lời chứng từ các chứng nhân, để làm sáng tỏ hơn câu chuyện đang làm nóng lên giữa cộng đoàn: “Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng”. Chúng tôi xin làm chứng. Một lời xác tín rằng việc được gặp Thầy đã sống lại không chỉ là một lời chứng của một cá nhân, nhưng là nhiều người, là một nhóm người. Chúng tôi đây là số nhiều, có nghĩa là nhiều người trong số các môn đệ đã gặp Đấng phục sinh.

Lời chứng của một vị Tông đồ trong nhóm 12, tô đậm thêm cho câu chuyện là có thực, bài đọc 2 trích từ lá thư của thánh Gioan Tông đồ đã ghi lại lời chứng đó cách rõ ràng: “Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian”. Lời chứng về việc Thầy đã sống lại có thực sự là quan trọng, hay sự xuất hiện của Đấng phục sinh giúp cho con người hiểu rằng, Chúa phục sinh không còn lệ thuộc vào những gì của thế gian, đã trở thành một thân xác mới, một tinh thần mới, đó mới là điều quan trọng, vì thế, khi con người tin và sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa, họ sẽ được biến đổi cả thân xác lẫn tinh thần, ngay hôm nay cho đến ngày kết thúc của thế giới này.

Chúa phục sinh đã hiện ra với các Tông đồ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng bất cứ nơi nào khi Ngài hiện đến, Ngài đều cho họ xem những vết đinh và vết thương cạnh sườn. Tất cả như muốn cho các Tông đồ hiểu rằng, Đức Giêsu trên thập giá, bị kết án, bị đóng đinh và Đức Giêsu phục sinh, đang đứng trước mặt họ, là một con người chứ không phải là hai: “Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ”. Thân xác vẫn là của Thầy, đã bị đóng đinh, đầy thương tích của roi đòn, thế nhưng khi Thầy sống lại, không còn lệ thuộc vào không gian, vẫn mang trên thân xác những vết thương như thế là sao đây. Vấn đề là thân xác thay đổi hay tinh thần thay đổi sau cái chết.

Chắc chắn một điều là Thầy đã bị kết án, bị điệu đi đóng đinh và đã chết trên thập giá, đã được mai táng. Thế thì thân xác đang đứng đây với những vết thương trên tay và thân thể, có phải là thân xác của Thầy trong mồ đá không. Điều này đã làm cho các Tông đồ hoài nghi và chúng ta hôm nay có phần nào cũng vậy. Vì chưa thể am tường, nên người tín hữu chưa thực sự hiểu hết mối liên kết giữa mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu với tín điều xác kẻ chết sống lại vào ngày sau hết. Lúc con người được sống lại vào ngày sau, thân xác đó sẽ là thân xác nào, già hay trẻ, độc thân hay đã có gia đình, đang ở trong hành trình ơn gọi nào. Biết bao vấn nạn liên quan để sự phục sinh của Đức Giêsu liên quan đến sự phục sinh của con người. Vậy Lời Chúa trong ngày Chúa nhật thứ ba này sẽ trả lời cho những ai có một niềm tin xác tín và khiêm tốn đủ, để hiểu về sự phục sinh của con người ngày sau.

Chúa phục sinh đã vượt ra khỏi những giới hạn của thế gian như là không gian và thời gian, đó là một niềm vui cho những ai chọn con đường làm môn đệ Ngài. Từ biến cố phục sinh của Thầy, người tín hữu có quyền hy vọng ngày sau mình cũng sẽ được sống lại như Thầy, không còn lệ thuộc vào những giới hạn của thể lý. Tất cả được cùng với Thầy mình, đi vào vương quốc sự sống, vương quốc của Thiên Chúa. Để có thể được ngụp lặn trong vương quốc đó, những phút giây hiện tại, đòi hỏi người tín hữu phải có một niềm tin xác tín và tinh ròng, bởi con người hôm nay đang bị chi phối rất nhiều từ xã hội thực dụng, vì thế, sự sống lại vào ngày cuối được coi như là viển vông, là ảo tưởng. Khả năng giới hạn của con người chưa thể hiểu trọn vẹn mầu nhiệm phục sinh của Con Thiên Chúa, chắc con người cần đến sự trợ giúp của Thánh Thần, bởi Ngài sẽ dạy chúng ta bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bằng sự thông minh của Nước Trời, mỗi ngày nếu con người cùng với Ngài khám phá ý nghĩa phục sinh, chắc chắn sẽ được ở trong vương quốc của Thiên Chúa ngay từ hôm nay rồi.

Lạy Chúa, chính vì những giới hạn của lý trí, của niềm tin, mà con người chưa lãnh hội được chiều sâu và ý nghĩa của biến cố phục sinh, xin Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, ban thêm cho chúng con sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để chúng con thấu hiểu mầu nhiệm phục sinh của Con Chúa, từ đó, chúng con sẽ là những chứng nhân sống động và tích cực trong một thế giới thực dụng và đề cao giá trị của thân xác này. Xin Chúa giúp chúng con loại bỏ bớt những thành kiến trong truyền thống sống đạo, để chúng con biết tôn trọng thân xác của nhau, khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Đó là một trong những lời chứng cần thiết và xác tín, giúp chúng con giới thiệu về một Thiên Chúa đã chết nay đã và đang sống trong lòng thế giới này. Amen.

ĐỂ KHỔ ĐAU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đấng Kitô phải chịu khổ hình!”.

“Đừng đặt quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh ngang hàng với những mánh khoé của các pháp sư, để Ngài có vẻ như không phải là chính mình. Như thế, khác nào cứ cho là Ngài đã ăn mà không có răng, đi mà không có chân, bẻ bánh mà không có tay, nói mà không có lưỡi; và để lộ một bên hông không có xương sườn!” - Thánh Jêrôme.

Kính thưa Anh Chị em,

Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ, họ kinh hồn bạt vía, tưởng mình thấy ma. Bởi lẽ, với họ, Ngài đã chết. Và nhất là vì thiếu hiểu biết Thánh Kinh, họ không thể tin! Họ quên lời Thầy đã nói, 


“Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại!”. Ơn gọi của Ngài là ơn gọi cứu độ, Ngài đến ‘để khổ đau’, để chuộc lại và Chúa Cha quyền năng làm sao có thể để cho sự chết là tiếng nói cuối cùng!

Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Đó chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua! Nhiều lần, chúng ta nghe những lời này nhưng không hiểu hết. Mầu Nhiệm Vượt Qua là nội dung các tông đồ rao giảng cho thế giới. Rằng, Giêsu Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến ‘để khổ đau’, chết đi vì tội lỗi con người và đã sống lại, tiêu diệt tội lỗi, chiến thắng nó hầu cứu độ con người.

Phêrô đã mạnh mẽ loan báo Mầu Nhiệm này, “Đấng ban sự sống thì anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết!” - bài đọc một; Gioan cũng cao rao cùng một nội dung, “Chính Ngài là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian!” - bài đọc hai.

Trọng tâm toàn bộ các sách Tin Mừng là Ơn Cứu Độ con người phát xuất từ Đấng Cứu Độ Giêsu, một Giêsu đã chết vì con người và đã sống lại để con người có thể tái hưởng Nước Thiên Chúa. Không ai vào đó đơn giản vì họ là người tốt; đúng hơn, bất cứ ai vào Nước Thiên Chúa cũng chỉ nhờ hành động cứu độ chết và sống lại của Chúa Kitô.

Tin Mừng nói, Chúa Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Thánh Kinh”. Phải, hiểu biết Thánh Kinh là điều tối quan trọng! “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô!” - Jêrôme. Ngài đã mở ra những bí ẩn của Thiên Chúa mặc khải trong Thánh Kinh; chỉ cho họ hiểu rằng, ơn gọi của Ngài cũng như của chính họ không thể loại trừ lời mời được gọi ‘để khổ đau’. Mặc dầu khổ đau không tự nó cứu thoát; nhưng nó là con đường dẫn đến vinh quang khi chúng ta thông phần vào thập giá của Ngài.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đấng Kitô phải chịu khổ hình!”. Không ai muốn khổ hình, nhưng một nghịch lý là không ai không gặp khổ đau. Hãy đón nhận chúng như Chúa Kitô! Bạn và tôi không thể đón nhận Chúa Kitô mà không đón nhận thập giá của Ngài, bạn cũng không nhận lấy thập giá nếu ở đó không có Chúa Kitô. Thiên Chúa Cha muốn chúng ta nên một với Con Ngài, kết hợp với hy tế của Ngài trong mọi biến cố đời mình để cùng Ngài, trở nên hy tế cho tha nhân. Một số tín hữu nghĩ, họ sẽ làm được một việc lớn lao nào đó cho Chúa, nhưng tất cả những gì Chúa cho phép họ làm là ‘chịu khổ đau’. Mỗi người đều có một câu chuyện khác với người khác, nhưng mọi người đều có chung câu chuyện khổ đau. Nhưng ai biết thông phần vào thập giá Chúa Kitô, mặc dù ‘nước sâu’, tất cả đều có thể ‘qua bờ bên kia!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tìm an nhàn; cho con biết, với Chúa, con chỉ cứu độ được con, cứu độ anh chị em con nhờ thông phần vào sự chết và sự sống lại của Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây