TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 13/02/2022 17:51 |   1384
“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao?” (Mc 8, 17)

15/02/2022
THỨ BA TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

 

t3 t6 TNC

Mc 8, 14-21

ANH EM CHƯA HIỂU SAO?

Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao?” (Mc 8, 17)

Suy niệm: Trên thuyền, chỉ còn lại một chiếc bánh nhỏ không đủ cho thầy trò qua bữa. Các môn đệ áy náy và tranh luận xem ai là người chịu trách nhiệm về việc này. Chúa Giê-su đã can thiệp và nhân cơ hội này, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ kém tin của Ngài. Vừa hôm nào đây, họ đã chẳng chứng kiến Chúa khiến cho bảy chiếc bánh sau khi nuôi ăn no nê bốn ngàn người vẫn còn dư bảy thúng sao? Đối với Ngài, thiếu bánh là chuyện nhỏ, chỉ đáng sợ khi thiếu niềm tin. Các môn đệ dường như thiếu cả Chúa, quên rằng Ngài đang ở ngay giữa họ.

Mời Bạn: Những cuộc cãi vã hằng ngày giữa chúng ta, trong các cộng đoàn, đặc biệt trong đời sống gia đình, dường như cũng thường xoay quanh vấn đề “thiếu” này. Thiếu tiền bạc, thiếu cơm áo, thiếu cửa nhà, thiếu tiện nghi… Chúng ta muốn tìm cho ra “thủ phạm” để rồi làm cho nhau đau khổ. Nhưng cái chúng ta thiếu thật sự lại là tình yêu, dẫn đến việc thiếu niềm tin và cuối cùng thiếu Chúa. Chúng ta hành xử như là chúng ta có thể tự mình lo liệu mọi việc. Chúa hoàn toàn đứng bên lề cuộc đời.

Chia sẻ: Có nhiều điều bạn không hiểu tại sao Chúa để xảy ra cho cuộc đời của mình. Mời bạn chia sẻ và tìm ra lời giải đáp của lòng tin và lòng mến.

Sống Lời Chúa: Dành những phút suy niệm hằng ngày để nghiền ngẫm những ơn lành Chúa đã ban cho mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được “nghe” và được “thấy” bằng đức tin, để chúng con luôn hiểu được Chúa yêu thương chúng con dường nào và mong ước chúng con đáp trả bằng một cuộc sống tin yêu và phó thác.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 6,5-8;7,1-5.10

“Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên”

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, mọi tư tưởng trong lòng đều luôn luôn hướng về đàng xấu, nên Chúa lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người trên mặt đất, Người đau lòng mà nói: “Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên, từ loài người đến loài vật, từ rắn rết đến chim trời, vì Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nên chúng”. Nhưng ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa.

Chúa phán cùng Noe rằng: “Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào trong tàu, vì trong thế hệ này, Ta chỉ thấy có ngươi là công chính trước mặt Ta. Trong các súc vật thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con đực bảy con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ hai con đực hai con cái. Nhưng các chim trời, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con trống bảy con mái, để bảo tồn nòi giống các loài ấy trên mặt đất, vì còn bảy ngày nữa, Ta sẽ cho mưa trên mặt đất suốt bốn mươi đêm ngày, và Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất tất cả các loài Ta đã dựng nên”. Vậy Noe thi hành mọi điều Chúa đã truyền dạy. Và sau bảy ngày, nước lụt đã xảy đến trên đất.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28,1a và 2.3ac-4.3b và 9b-10.

Xướng: Các con cái Thiên Chúa, hãy dâng kính Chúa, Hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người, hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình

Xướng: Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.

Xướng: Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa mọi người kêu lên: Vinh quang Chúa ngự trị trong cơn hồng thủy, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 12-18

“Chính Thiên Chúa không hề cám dỗ”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Phúc cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những kẻ yêu mến Người. Khi bị cám dỗ, đừng ai nói rằng bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị sự dữ cám dỗ, và chính Người cũng không hề cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị tình dục cám dỗ, bị nó xúi giục và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội đã phạm rồi, thì sinh ra chết.

Anh em thân mến, anh em đừng lầm lẫn: mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo (c. 12a).

Xướng: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ.

Xướng: Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.

Xướng: Ðang lúc con nghĩ rằng chân con xiêu té, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. Khi lòng con vướng thêm nhiều điều lo lắng, thì ơn Chúa ủi an làm vui sướng hồn con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia

PHÚC ÂM: Mc 8, 14-21

“Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Họ đã ăn no phỉ hoàn toàn, và Chúa đã cho họ thoả lòng ao ước, nhưng họ vẫn chưa hết thèm thuồng.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một mình. Để tất cả những ai tin Con Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ANH EM CHƯA HIỂU Ư? (Mc 8,14 -21)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Qua những ngày làm việc mệt nhọc với đám đông dân chúng và sau khi Đức Giêsu bị những người Pharisêu đòi hỏi về dấu lạ…, Đức Giêsu đã không những không làm mà Ngài đã bỏ họ mà đi nơi khác.

Thánh Máccô kể: Đức Giêsu và các môn đệ đã trèo thuyền để ra đi hướng về Betsaiđa. Khi Ngài và các ông đang ở trên thuyền, thì đây là lúc riêng tư để thầy trò tâm sự. Đức Giêsu đã lên tiếng căn dặn các môn sinh của mình: “Anh em phải coi chừng, hãy đề phòng men Pharisêu và Hêrôđê!”. Tại sao Đức Giêsu lại cẩn trọng nhắc các môn đệ như vậy? Thưa là vì Ngài thấy rõ sự mù quáng do thành kiến và xuất phát từ thói kiêu ngạo, ghen tỵ, hình thức gây ra cho hai nhóm này, nên lòng họ khô cứng, trai lỳ, không còn nhạy bén với lương tâm nữa. Chính vì thế mà Đức Giêsu cảnh báo các môn đên dừng đi vào vũng lầy đó của họ.

Mặt khác, qua những lời thầm thì thể hiện sự lo lắng của các môn đệ về chuyện các ông không mang bánh theo, Đức Giêsu đã khiển trách các môn đệ và Ngài tiếp tục dạy cho các ông bài học về sự phó thác. Đức Giêsu đã dùng phương pháp hồi tưởng để gợi lại cho các môn sinh về sự quan phòng của Thiên Chúa khi con người tin tưởng vào Ngài qua hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhắc lại như thế, Đức Giêsu còn đi xa hơn để củng cố lòng tin của các ông vào chính Ngài, đó là: có Chúa là có tất cả. Chúa là kho báu mà không gì có thể sánh bằng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc khó khăn, thử thách.

Khi phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay phù trợ, che trở và đỡ nâng chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con phó thác cuộc đời của mình vào bàn tay từ ái của Chúa để được Ngài yêu thương. Amen.

CHƯỚC CÁM DỖ ĐÁNG SỢ


(Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Thường Niên – Gc 1,12-18; Mc 8,14-21) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Với người có niềm tin hay vô tín thì phạm trù “chước cám dỗ” như là một hiện thực của kiếp nhân sinh. Đã là người thì ai cũng chân nhận mình đã từng và có thể bị lôi cuốn bởi một mãnh lực nào đó, tốt có, xấu có. Mãnh lực tốt thì thúc đẩy chúng ta hướng thượng, sống hữu ích, thực hiện những điều tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Mãnh lực xấu thì lôi kéo chúng ta đi vào đường trái, làm những sự chẳng nên, những điều xấu xa, tội lỗi. Hạn từ “chước cám dỗ” được hiểu theo nghĩa thứ hai là mãnh lực xấu.

Thánh Giacôbê tông đồ khẳng định: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1,13). Kitô hữu chúng ta đều hiểu rằng chính thần dữ, Satan mới đích thực là “tên cám dỗ” (x.Mt 4,3). Thần dữ cám dỗ chúng ta bằng nhiều cách thế tinh quái khiến chúng ta khó nhận diện và đề phòng. Chước cám dỗ đáng sợ mà thần dữ giăng ra đó là lợi dụng những thiện hảo đáng quý để dẫn dụ chúng ta chiếm hữu chúng cách bất chính, trái với đường lối của Thiên Chúa. Nó còn xảo quyệt hơn khi lợi dụng cả những người tự tôn về đức cao, vị trọng của mình dẫn dắt chúng ta đi lầm đường lạc lối.

Sau khi Chúa Giêsu dùng quyền năng hóa bánh ra nhiều nuôi khoảng bốn ngàn người no nê thì nhiều người biệt phái đã cố chấp đòi hỏi Người cho một điềm lạ từ trời. Chúa Giêsu đã thẳng thừng từ chối và bỏ đi. Tiếp liền đó Thánh sử Maccô tường thuật lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê” (Mc 8,14). Thánh sử Matthêu thì ghi: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,5). Vì các môn đệ hiểu lầm nên Chúa Giêsu đã giải thích và “bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,12).

Điều nguy hại nơi giáo lý của nhóm Pharisêu và nhóm Xađốc, vốn thỏa hiệp với thế quyền (Hêrôđê) đó là sự ỷ lại. Khi ỷ lại vào công đức của mình qua những hành vi đạo đức bên ngoài và ỷ lại vào chức quyền, của cải thì người ta dễ rơi vào chước cám dỗ tự cao tự đại. Từ chỗ tự đại tự cao thì người ta đâm ra tự tôn cho mình luôn luôn đúng và thế là khép lòng trước chân lý. Đây chính là thái độ cố chấp, cứng lòng khiến Chúa Giêsu đã phải “thở dài não ruột” (x.Mc 8,12).

Chước cám dỗ thật đáng sợ khi nó do thần dữ giăng ra qua trung gian là những vị được xem là “đức cao” và “vị trọng” ngoài xã hội hay trong các tập thể tôn giáo. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một lời cầu xin trong kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu truyền dạy nhắc nhủ chúng ta luôn cẩn trọng và tỉnh thức vì thần dữ là ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta rình chờ cắn xé (x.1P 5,8).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây