26/04/2025
Thứ bảy tuần bát nhật phục sinh
Mc 16,9-15
lên đường loan báo tin mừng
Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa… Người nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,9-15)
Suy niệm: Phúc âm Mác-cô ghi lại ba lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ (lần 1: với bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na; lần 2: với hai môn đệ trên đường Em-mau). Lần thứ ba, thánh sử viết “sau cùng”. Có lẽ “bất quá tam chăng”!!! Nhưng cho dẫu hiểu thế nào đi nữa, thì ba lần là đủ để các môn đệ “lên đường loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Chúa Giê-su không bỏ rơi các môn đệ dù họ chưa tin, Ngài kiên nhẫn hiện ra, củng cố niềm tin và giúp họ vượt qua sự sợ hãi và do dự. Dù biết đức tin của các môn đệ còn ‘non và xanh’, nhưng Chúa vẫn tin tưởng trao cho họ sứ mạng đi khắp tứ phương rao giảng Tin Mừng. Điều này trở thành động lực cho mỗi người chúng ta: dù Chúa biết chúng ta kém cỏi và sợ hãi, nhưng Ngài vẫn luôn tin tưởng trao phó cho chúng ta sứ mạng làm chứng Ngài đã Phục Sinh.
Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong những ngày trọng đại nhất của Năm Phụng vụ: Mầu Nhiệm Vượt Qua. Bạn sống Mầu Nhiệm cao cả đó thế nào? Bạn đã sẵn sàng đem niềm vui Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người xung quanh, nhất là những ai đang đau khổ, tuyệt vọng chưa?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời thư thánh Phao-lô “Ơn Ta luôn đủ cho con” (2Cr 12,9), để luôn vui sống và trở nên niềm vui Tin Mừng cho mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin thêm niềm tin cho con, để con xác tín Chúa đã sống lại và đang hiện diện với con, nhờ đó con luôn nhiệt thành loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống chứng nhân của con. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ bảy tuần bát nhật phục sinh
Ca nhập lễ
Chúa đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, và đưa những kẻ Người kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan – Allêluia.
Đọc hoặc hát kinh vinh danh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ hồng ân tay Chúa rộng ban đoàn dân thánh ngày thêm đông số; xin đoái nhìn và ban phúc trường sinh cho những ai vừa được Chúa tuyển chọn và được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 4, 13-21
“Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ nhận thấy Phê-rô và Gio-an kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Ðức Giê-su; họ thấy kẻ được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được. Họ mới truyền lệnh cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo luận với nhau rằng: “Chúng ta phải làm gì đối với những người này? Vì toàn dân cư ngụ ở Giê-ru-sa-lem đều hay biết, phép lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng ta không thể chối được. Nhưng để sự việc không còn loan truyền trong dân nữa, chúng ta hãy đe dọa, cấm hai ông không được lấy danh ấy mà giảng cho ai nữa”. Họ liền gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Ðức Giê-su mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phê-rô và Gio-an trả lời họ rằng: “Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”. Nhưng họ lại đe dọa hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy ra.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 14-15. 16ab-18. 19-21
Ðáp: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi.
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân:Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.
Xướng: Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.
Xướng: Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi, và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 16, 9-15
“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
Khi Chúa Giê-su sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua, để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ, và trở nên nguồn vui bất tận cho moi người tín hữu. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh I
Ca hiệp lễ
Tất cả anh em đã được thanh tẩy trong Chúa Ki-tô, nên anh em đã mặc lấy Chúa Ki-tô – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
NIỀM TIN PHỤC SINH LÀM THAY ĐỔI LỐI SỐNG
Lm. Giuse Vũ Công Viện
Thánh Phao-lô đã từng khẳng định: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng… và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15,14.17). Sự kiện Phục sinh là nền tảng đức tin và hy vọng của chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là một chuyện dễ tin, ngay cả với các Tông Đồ, dù họ đã được nghe Chúa Giê-su báo trước nhiều lần khi Ngài còn ở với các ông, dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại.
Thánh Mác-cô hôm nay cho thấy sự buồn lòng của Đấng Phục sinh, Ngài đã hiện ra với các ông và trách móc các ông cứng lòng, đã không tin những người đã thấy Người sống lại. Đức Giê-su phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc, nhưng họ không tin. Tiếp đến, Đức Giê-su tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê. Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin. Để rồi hôm nay, Đức Giê-su đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một.
Họ không tin, bởi tâm hồn họ còn trĩu nặng với bản tin Thứ Sáu tuần thánh, lớp sương mù dày đặc nghi nan chán nản đã khiến họ không đọc được sứ điệp mà Đức Giê-su đã từng loan báo “Ngài phải chịu khổ rồi mới vào vinh quang Phục sinh”, “Ngài phải chịu nhiều đau khổ… nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”. Dường như ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi. Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy.
Nhưng Đức Giê-su Phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình. Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa. Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Tin Đức Giê-su Phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. Có lẽ chúng ta mới chỉ tuyên xưng bằng môi miệng, còn lòng chưa thực sự xác tín. Bởi nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chắn chúng ta sẽ sống khác: thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn… Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này.
Sứ điệp Phục sinh chỉ được loan báo cách trọn vẹn khi giữa những đau khổ, thử thách, các ki-tô hữu vẫn thể hiện được niềm tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa; khi giữa những cảnh đời xâu xé chối bỏ lẫn nhau, các ki-tô hữu vẫn một mực sống yêu thương, quảng đại, quên mình. Ước gì, cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục sinh cho mọi người, để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
RAO GIẢNG ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH (Mc 16,9-15)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Phần cuối của Tin Mừng thánh Mác-cô (cũng không do Mác-cô viết, và do ai đó viết thêm vào) ghi tóm lược ba cuộc hiện ra chính của Đức Giê-su sau khi sống lại:
– Đức Giê-su Phục sinh hiện ra cho bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, cho hai môn đệ ở Em-mau và nhóm Mười Một (Mc 16,9-14).
– Đức Giê-su Phục Sinh sai các Tông đồ đi rao giảng và hứa cho các ông được làm dấu lạ (Mc 16,15-18).
– Đức Giê-su Phục Sinh lên trời, còn các Tông đồ thì chăm lo rao giảng (Mc 16,19-20).
Đoạn Tin mừng hôm nay ghi lại những lần Chúa Phục Sinh hiện ra và sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng.
2. Các môn đệ lúc đầu đã không tin mặc dù đã nghe các phụ nữ kể lại việc Đức Giê-su hiện ra. Các ông cũng vẫn không chịu tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục Sinh. Phải tới lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Xét như vậy thì chúng ta thấy đức tin không do suy luận, cũng không do có sằn chứng người ta kể lại, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban.
Theo Tin Mừng, sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng lòng tin của họ, Đức Giê-su đã củng cố lại niềm tin đó, rồi Ngài mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn yếu đức tin. Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi, nên Chúa tin tưởng trao trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa để loan báo lại cho những người khác.
3. Ở đây, chúng ta thấy cách Đức Giê-su hành động: Ngài sai người được Ngài hiện ra đem Tin Mừng Phục sinh đến cho người khác. Những thế hệ Kitô đến sau chắc chắn không thể nhìn thấy trực tiếp Đức Giê-su, nhưng phải qua trung gian của các Tông đồ là những người đã được nhìn thấy Chúa. Đó là hoàn cảnh của mọi Kitô hữu hôm nay: tin Chúa nhờ lời chứng của những người đã được củng cố trong niềm tin. Chính Đức Giêsu đã nhìn thấy điều ấy, do đó trong lần hiện ra cho các Tông đồ như được kể lại nơi Tin Mừng Gio-an, Ngài đã nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
4. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Đấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Đấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ (Mồi ngày một tin vui).
5. Tin vào Chúa Phục Sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà phải đem Tin Mừng ấy đến cho tha nhân, như bài Tin Mừng hôm nay nói đến điều đó. Sau khi hiện ra với các môn đệ. Đức Giê-su bảo các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Khi các Tông đồ nhận được niềm vui phục sinh của Thầy mình, họ thay đổi hẳn thái độ. Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng thời điểm Thiên Chúa thi ân nay đã đến như Đức Giê-su đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giê-su đã “sống lại” và “Nước của Thiên Chúa” đã đến.
Niềm vui Phục Sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục Sinh phải được chiếu tỏa ra cho môn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin Mừng.
6. Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Đấng Phuc sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo hội lặp lại cử chỉ trao ban của Đức Giê-su, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Đấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo hội và của các Ki-tô hữu. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một Thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Đấng Phục Sinh.
7. Truyện: Giáo hội cần Tông đồ giao dân.
Số giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù lâu ngày vắng Linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của một số người nhiệt thành với công cuộc của Nước Chúa.
Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quảng Ngãi, cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Phao-lô và bà Mô-ni-ca. Tuy bị lòa cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo. Cụ thật là linh hôn sống động của họ đạo đó. Các ngày chủ nhật và lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ và cụ giảng dạy khuyên răn họ.
Cụ còn giúp cho họ tất cả phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những người ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ quyền trên cả ma quỉ. Những người bị quỉ ám vùng đó đều được cụ trừ quỉ (Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).
TIN MỪNG CHO MỌI THỤ TẠO
(THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ hồng ân tay Chúa rộng ban, đoàn dân thánh ngày thêm đông số, xin Chúa đoái nhìn và ban phúc trường sinh cho những ai vừa được Chúa tuyển chọn và được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy.
Được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, được thông phần đau khổ với Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư thứ nhất của thánh Phêrô cho thấy: Ngài khuyên bảo các người lãnh đạo cộng đoàn và các tín hữu, khi chịu thử thách vì Chúa Kitô, khi thi hành quyền bính, cũng như, khi giao tiếp với nhau, người Kitô hữu phải kiên trì trong đức tin, phải luôn luôn đứng vững. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng phấn khởi. Phúc thay anh em khi vì Con Người mà bị thiên hạ oán ghét.
Được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, được Thịt và uống Máu Chúa, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách nói về: Bánh bởi trời và Chén cứu độ… Đức Giêsu cầm lấy tấm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: Đây là Mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa mới làm mà tưởng nhớ đến Thầy. Khi con cái anh em hỏi: Nghi lễ này có ý nghĩa gì? Anh em sẽ trả lời: Đó là lễ tế vượt qua mừng ĐỨC CHÚA.
Được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, được làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ, hai ông Phêrô và Gioan nói: Chúng tôi không thể không nói ra những gì tai đã nghe, mắt đã thấy. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã tạ ơn: Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ngày vui mừng hoan hỷ, ngày Chúa đã làm ra, vì vậy, ta phải đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo cho mọi thụ tạo được biết ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ngày cứu độ được Đức Giêsu báo trước: Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và rượu, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ và nói: Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy. Vì thế, ta hãy nhận lấy bánh rượu với lòng xác tín rằng: đây là Mình và Máu Chúa. Để khi ta ăn uống Mình và Máu Người, ta nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu, và trở thành những người mang Đức Kitô. Cho dù, giác quan chỉ thấy: đó là bánh rượu thông thường, nhưng, đức tin vẫn làm cho ta nắm vững sự thật là: cái xem ra là bánh, lại không phải, là bánh, mặc dù có mùi vị bánh; cái xem ra là rượu, lại không phải, là rượu, mặc dù có mùi vị rượu. Tấm bánh làm no lòng chắc dạ, dầu thơm làm gương mặt sáng tươi, vậy, ta hãy làm cho lòng ta nên chắc dạ nhờ ăn Bánh bởi trời, và hãy làm cho gương mặt linh hồn ta được tươi sáng nhờ lương tâm trong sáng, để được chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, ta không thể không nói ra, cho dù, có gặp thử thách gian truân, bởi vì, được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, ta hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, ta cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, ta thật có phúc, bởi lẽ, Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên ta. Nhờ hồng ân tay Chúa rộng ban, đoàn dân thánh ngày thêm đông số, ước gì Chúa đoái nhìn và ban phúc trường sinh cho những ai vừa được Chúa tuyển chọn và được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn