TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 01/02/2024 13:40 |   481
“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,14-30)

12/02/2024
THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
Mồng Ba Tết Giáp Thìn
Thánh hóa công ăn việc làm

Mùng 3 Tết

Mt 25,14-30


SINH LỜI NÉN BẠC CHÚA TRAO
“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,14-30)

Suy niệm: Nếu Thiên Chúa muốn thấy công trình của Ngài nguyên vẹn không bị những rủi ro do con người gây ra ắt Ngài đã tạo dựng vụ trụ này gồm những pho tượng đá im lìm, lạnh ngắt. Nhưng Ngài đã ra lệnh cho muôn loài “sinh sôi nảy nở ra nhiều đầy mặt đất,” và đã giao cho con người làm bá chủ, cai quản chúng. Như người chủ giao cho gia nhân những nén bạc để sinh lời, Ngài muốn con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Những khả năng và chính sự hiện hữu của con người là những nén bạc Chúa trao. Ngài không phải là ông chủ hà khắc, thủ lợi mà là Cha nhân từ và giàu lòng thương xót. Trong mối tương giao Cha-con đó, những ai biết sinh lời nén bạc mới cảm nghiệm trọn vẹn niềm vui khi chung hưởng hạnh phúc với Chủ và cũng là Cha của mình.

Mời Bạn: Chỉ khi cảm nghiệm được tình yêu và sự tín nhiệm Chúa dành cho bạn, bạn mới nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc quản lý “tài sản” Chúa trao: đó là trách nhiện phát triển bản thân bạn, gia đình, đồng bào, đồng loại và cả vũ trụ này. Sống mối tương giao Cha-con với Chúa ngay từ ở đời này, bạn mới có thể sinh lời nén bạc Ngài trao.

Chia sẻ: Bạn có biết mình được Chúa trao những nén bạc nào không? Và bạn đã sinh lời chúng như thế nào để góp phần làm đẹp thế giới này?

Sống Lời Chúa: Thời gian là vốn quý, đã trôi qua không lấy lại được: Tận dụng mọi giây phút để làm việc lành sinh lợi cho Nước Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa ban ơn trợ giúp, để con sống xứng đáng là người con và quản lý trung tín của Chúa.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến lũy của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 4,1-15.25

Cain xông vào giết Abel em mình”.

Trích sách Sáng Thế.

Ađam ăn ở với vợ là Evà; bà mang thai, sinh ra Cain, và nói rằng: “Nhờ ơn Chúa, tôi sinh được người con”. Bà sinh ra Abel là em. Abel thì chăn chiên, còn Cain thì làm ruộng. Sau một thời gian, Cain lấy hoa trái đồng ruộng dâng lên cho Chúa. Abel cũng bắt các con vật đầu đàn và lấy mỡ mà dâng lên cho Chúa. Chúa đoái nhìn đến Abel và của lễ ông dâng. Còn Cain và của lễ của ông, thì Chúa không nhìn đến, nên Cain quá căm tức và sụ mặt xuống. Chúa nói với Cain: “Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng mặt lên; còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó”.

Cain nói cùng em là Abel rằng: “Chúng ta hãy ra ngoài”. Và khi hai anh em đã ra tới đồng, thì Cain xông vào giết Abel em mình. Chúa phán cùng Cain rằng: “Abel, em ngươi đâu?” Cain thưa: “Tôi đâu có biết! Tôi có phải là người giữ em tôi đâu?” Chúa phán: “Ngươi đã làm gì? Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta. Bây giờ, ngươi bị chúc dữ trên phần đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất sẽ không sinh hoa trái cho ngươi. Ngươi sẽ đi lang thang khắp mặt đất”. Cain thưa cùng Chúa rằng: “Tội ác tôi quá nặng nề, đâu tôi còn đáng tha thứ. Hôm nay Chúa đuổi tôi ra khỏi mặt đất, tôi sẽ ẩn trốn khỏi mặt Chúa và tôi sẽ đi lang thang trên mặt đất, nhưng ai gặp tôi, sẽ giết tôi”. Chúa bảo: “Không có vậy đâu, hễ ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần”. Rồi Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn.

Ađam còn ăn ở với vợ, bà sinh một con trai đặt tên là Seth, bà nói: “Thiên Chúa đã ban cho tôi một đứa con trai khác thế cho Abel mà Cain đã giết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 1 và 8. 16bc-17. 20-21

Xướng: Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn.

Ðáp: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi

Xướng: Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng?

Xướng: Ngươi ngồi đâu là buông lời nói xấu anh em, làm tủi nhục cho người con cùng mẹ với ngươi. Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 1-11

“Lòng tin của anh em được thử thách, rèn luyện đức kiên nhẫn, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn”.

Khởi đầu bức thơ của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Giacôbê, đầy tớ của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính chào mười hai chi tộc sống phân tán khắp nơi. Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì.

Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa.

Người anh em khó hèn, hãy hiên ngang vì được suy tôn; còn người giàu mà trở nên khó hèn, thì cũng vậy, vì chưng ai nấy cũng sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên nóng bức, làm cho cỏ héo hoa tàn, và vẻ đẹp của nó cũng tiêu tan; người giàu có cũng vậy, bôn ba đến mấy, cũng sẽ suy tàn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 67. 68. 71. 72. 75. 76.

Ðáp: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống (c. 77a).

Xướng: Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân.

Xướng: Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

Xướng: Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ.

Xướng: Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.

Alleluia

Alleluia – Alleluia – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 8, 11-13

“Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Họ đã ăn no phỉ hoàn toàn, và Chúa đã cho họ thoả lòng ao ước, nhưng họ vẫn chưa hết thèm thuồng.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một mình. Để tất cả những ai tin Con Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY TIN ĐỪNG CỨNG LÒNG (Mc 8, 11-13)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Với những câu rất vắn trong đoạn Tin mừng theo Thánh Mác-cô (8,11-13) hôm nay như: “Những người…kéo ra… tranh luận… đòi dấu lạ… để thử Chúa Giê-su…”. Cho chúng ta thấy rõ được bộ mặt thật và tâm địa của người Pha-ri-siêu. Đây là hành vi của một nhóm người có mưu kế sắp đặt trước.

Họ “cùng nhau kéo ra” nghĩa là họ đã chọn một thời điểm, một không gian và nhất trí làm cùng nhau. Thấy vậy, Chúa Giê-su buồn và than phiền về thế hệ này: “Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia” (Mc 8,11). Họ đòi dấu lạ, nhưng họ không chịu tin. Nếu họ tin thì dấu lạ để làm gì. Không có đức tin thì dấu lạ cũng vô ích. Nên Chúa Giê-su quyết định “bỏ họ lại ở bờ bên này và Người xuống thuyền sang bờ bên kia” (x. Mc 8,13). Bờ bên này là bên của sự cứng lòng tin, bên của sự chết chóc. Bờ bên kia là bên của những kẻ có đức tin. Có chỗ Chúa Giê-su nói: “Chỉ cần tin thôi”. Chỉ có đức tin mới nối kết được con người với Thiên Chúa.

Thế giới chúng ta đang sống đầy tục hóa và vô thần, một số người không tin có Thiên Chúa, số khác thì phiếm thần, tin quấy tin quá, kể cả người mệnh danh mình là Ki-tô hữu. Chúng ta hãy xin Chúa uốn lòng cứng cỏi của con người hôm nay để họ luôn vững tin vào Chúa. Amen.

 

BIỆT PHÁI XIN CHÚA PHÉP LẠ TỪ TRỜI (Mc 8,11-13)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (8,1-10) lần thứ hai ở phía đông biển hồ Bét-sai-đa, Chúa Giê-su cùng môn đệ xuống thuyền sang phía tây hồ. Nhưng vừa cập bến được ít lâu, một nhóm biệt phái, có cả nhóm Sa-đu-cêu nữa, kéo nhau đến rình mò, tranh luận và thử thách Ngài.

Trước đó Người cũng đã làm nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35 – 5,43: dẹp yên bão táp, trục xuất quỉ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giai-rô sống lại). Thế mà những người biệt phái vẫn chưa tin Người. Hôm nay họ lại thách thức Người làm một “dấu lạ từ trời” nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.

2. “Người thở dài não nuột mà nói…”

Thực ra những phép lạ Người làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể trên, đã đủ minh chứng Người là Đấng có quyền phép “từ trời”. Sở dĩ họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giê-su nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa .

Trong phần tiếp theo, Tin Mừng Mc vẫn tiếp tục cho thấy Chúa Giê-su làm thêm nhiều phép lạ khác. Tuy nhiên những phép lạ đó cũng chẳng phải làm cho những người biệt phái ấy. Nói cách khác, những phép lạ ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị cho những người khác chứ không cho những người biệt phái cứng lòng.

3. Vấn đề phép lạ – dấu lạ.

Đành rằng trong công cuộc truyền giáo, Chúa ban cho một số chứng nhân của Người có khả năng làm một số phép lạ hay dấu lạ để minh chứng lời rao giảng và nâng đỡ niềm tin cho người nghe, nhưng phép lạ hay dấu lạ không là điểm chính yếu và đóng vai trò quyết định cho việc đón nhận Lời Thiên Chúa. Vì thế, sẽ tầm thường hóa niềm tin và hậu quả là sự hời hợt không có chiều sâu cũng như không có sự yêu mến đích thực.

Thánh Phao-lô từng dạy rằng, đã trông thấy rồi mới tin thì không còn là đức tin nữa. Nói cách khác, chỉ là sự bất đắc dĩ phải chấp nhận khi chuyện đã tỏ tường mà thôi. Thiên Chúa ban phép lạ hay dấu lạ là do lòng nhân hậu của Người và có giá trị trong chương trình cứu độ, chứ không chiều theo sở thích của con người đòi hỏi Người phải ban dấu lạ điềm thiêng.

Thật vậy, một đức tin trưởng thành không hệ tại ở dấu lạ, mà kiên trì trong thử thách và sự trung tín bền vững vào Chúa. Đó mới là điều hữu ích cho linh hồn tín hữu.

4. Những phép lạ kể trên  đã đủ chứng minh Chúa Giê-su là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng, họ không tin là vì họ ngoan cố, bởi đó Ngài nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.

Chúng ta phải nói lại, phép lạ Chúa như vậy, Tin Mừng hôm nay cho thấy phép lạ “không sinh ra đức tin” mà chỉ là “dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin”. Bởi thế, Sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima, La Vang…) thì chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin. Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ và tầm thường nhất.

5. Niềm tin thì chúng ta dễ có, và có thể tạo ra niềm tin, còn Đức tin thì phải đến từ Thiên Chúa, đó là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải con người tạo ra Đức tin. Trong hành vi đức tin, Thiên Chúa vừa cho có ánh sáng, vừa cho bóng tối. Đức tin, vì thế đòi hỏi phải có sự khó nhọc, chọn lựa, hy sinh và dấn thân. Một Đức tin mà đòi hỏi một chứng cớ rõ ràng, thì không phải là Đức tin nữa. Vả lại, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình thương, mà trong tình yêu thì không có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện.

6. Truyện: Hãy cho tôi thấy Thiên Chúa.

Một ông vua thông minh tài giỏi, nhưng rất ngạo ngược. Ngày kia, ông bèn nảy ra ý kiến hiểm độc. Ông cho triệu các nhà lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần lễ phải cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.

Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thực hiện cho nhà vua được? Vì không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại cái ý muốn điên rồ và thách  thức ấy.

Biết được nỗi lo âu ấy, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo cho phép để chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Họ không tin tưởng lắm, nhưng cũng đành lòng chấp nhận.

Buổi sáng ngày ấn định, anh chăn chiên dẫn nhà vua đến cánh đồng cỏ nơi anh thường thả đàn vật. Họ cùng nhau đi bộ. Lúc đến nơi thì mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và nói: ”Tâu bệ hạ, xin hãy nhìn”.

Nhà vua tức giận quát lớn: “Thằng điên! Ngươi muốn ta mù sao? Ai có thể nhìn vào mặt trời chói chang như vậy”?

Lúc ấy, người chăn chiên liền quì gối xuống trước mặt vua mà nói: “Muôn tâu bệ hạ, với một vật Chúa làm ra và ánh áng của nó còn chói chang, đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể  nhìn thấy chính Thiên Chúa được?
 

Mùng 3 Tết


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Mồng Ba Tết. Thánh hóa công ăn việc làm.

Ca nhập lễ

Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi

Hoặc

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân lành Chúa trên chúng con và xin Chúa củng cố việc tay chúng con làm ra

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã nuốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 2, 4b-9. 15

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất.

Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 103, 1-2a, 14-15, 24, 27-28

Ðáp: Lạy Chúa, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác.

Xướng: Ngài khiến cỏ xanh mọc ra cho súc vật, và cây cối để con người xử dụng, để từ trong đất con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỉ lòng người; khiến cho mặt người lấp lánh dầu thơm, và bánh cơm tâm can người được bỗ dưỡng.

Xướng: Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.

Xướng: Hết thảy mọi vật đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo. 

Alleluia và Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 67, 20

(Mùa Chay: bỏ Alleluia)

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia; Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng chúng tôi. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 5, 16-20

“Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, các người Do thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã chữa bệnh trong ngày sabbat. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, các người Do thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Thật, Ta bảo thật cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì, nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán thục”.

Ðó là lời Chúa.

– – – – – – – – – – – –

Hoặc: Mt 6, 31-34

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai“.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Ðó là lời Chúa.

– – – – – – – – – – – – –

Hoặc: Mc 4,26-29

“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất, người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân, cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa lễ vật này, cùng với mọi công việc chúng con sẽ làm trong năm mới. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho chúng con được cộng tác với Con Một Chúa, để thực hiện chương trình cứu độ của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời Tiền Tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Chính Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha, và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế.

Chính vì thế, hiệp cùng các Thiên thần và các thánh nam nữ, chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển và đồng thanh chúc tụng rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể. Ước chi thần lương này giúp chúng con hăng hái chu toàn mọi việc sao cho đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

AI KHÔNG CHỊU LÀM THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN!

LỜI CHÚA: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 4,10-11).

CÂU CHUYỆN: SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY

Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn để gieo cỏ trước lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo trồng mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu cảnh vất vả cày bừa để đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để trở lại thiên đường.

Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc cách nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: “Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ”. Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng không chịu làm việc và chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.

THẢO LUẬN: 1) Thánh Kinh dạy gì về lao động trí óc và tay chân? 2) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì trong Năm Mới này?

SUY NIỆM

Có người nghĩ rằng con người làm bá chủ thiên nhiên và có toàn quyền làm chủ trái đất mà quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ vạn vật. Tin mừng Gio-an đã cho biết về công trình Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng tác với Thiên Chúa để góp phần hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi sáng tạo loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).

1) Loài người được trao quyền làm chủ thiên nhiên:

Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).

2) Gương sáng lao động của thánh gia Na-da-rét:

Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, còn mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ phục vụ chồng con. Còn trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) và luôn sẵn sàng chia sẻ nỗi vất vả của cha mẹ, và qui hướng mọi việc theo thánh ý của Chúa Cha (x. Lc 22,41), và luôn làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).

Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, kèm theo sự vất vả chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt nặng công việc phục vụ hơn là giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong ngày sa-bát là ngày bị cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do thái như sau: “Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

3) Phải chăm chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:

Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi ra các nén bạc vật chất tinh thần được Chúa trao phó như sau:

Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do bất tín và biếng nhác đã mang nén bạc của chủ đi chôn vì sợ hãi thay vì yêu mến chủ. Anh ta đã bị mất những gì đang có.

4) “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” :

Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,33-35).

5) Chúng ta phải làm gì?

Trong Kinh Tiền Tụng lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau: “Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế “.

Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự để qui hướng về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa muốn cứu độ loài người khi sử dụng những gì Chúa trao như: Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái… và cần ý thức rằng: chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.

LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn các nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường kêu trách Chúa khi cầu xin mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng những gì trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa muôn đời. - Amen.

Mùng Ba Tết Nguyên Đán
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 25, 14-30).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi không phát, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc, nghiến răng”.

Suy niệm

Một trong những mối lo lắng lớn nhất của con người hôm nay đó là công ăn việc làm. Người ta tìm đủ mọi cách để có công việc hàng ngày, từ những em nhỏ phải học thật nhiều với đủ loại hình thức, để có được tấm bằng đi xin việc, từ những người nông dân chất phác hàng ngày cặm cụi trên đồng ruộng, để có cái ăn cái mặc, đến những người tiểu thương buôn bán đó đây, lắm lúc phải dùng cả những xảo thuật để có thêm đồng tiền, rồi những người không còn đủ sức khỏe, cũng bươn chải với xấp vé số trên tay, mong kiếm được chén cơm qua ngày. Tất cả ngược xuôi vì cái ăn cái mặc. Mồng ba tết, Giáo hội mời con cái hãy trở lại với hiện tại, với công việc làm ăn, để xin Thiên Chúa thánh hóa, chúc lành và ban bình an cho mỗi người, để bước sang năm mới tìm được niềm vui trong lao động, tìm được bình an trong công ăn việc làm và gặp nhiều may mắn trong mọi sinh hoạt cuộc sống.

Trở lại với trình thuật tạo dựng từ sách Sáng Thế Ký, con người được diễm phúc khi Thiên Chúa trao vào tay họ quyền quản lý công trình tạo dựng của Ngài. Khi mọi thứ mọi loài đã được tạo dựng, con người là sinh vật cuối cùng mà Thiên Chúa đã suy nghĩ rất nhiều để dựng nên, bởi đó là một sinh vật mang hình ảnh Thiên Chúa, nên Ngài đã cho họ mang lấy hơi thở của Ngài, hơn nữa, Ngài còn trao quyền trông coi vũ trụ này: “Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. Người quản lý sao sánh được với người chủ nhân, công việc hàng ngày là trông coi, bảo quản và xây dựng cho mọi thứ hoàn hảo, thế nhưng, người quản lý đó đã hiểu sai công việc mình, đã đứng vào chỗ của người chủ nhân để chiếm đoạt tất cả, thậm chí còn đuổi luôn ông chủ ra khỏi ngôi nhà của ông. Thái độ sống như thế làm sao có được sự bình an đích thực, làm sao có được sự chia sẻ và có được chỗ đứng trong trái tim của người chủ nhân.

Bản văn tin mừng của Chúa Thánh Thần kể lại những trăn trở của vị tông đồ dân ngoại, khi ông tới thăm cộng đoàn Ê-phê-sô, ngài nhắc họ về bổn phận hàng ngày của mình là quản lý và làm việc với tư cách là người làm công: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận”. Ngoài bổn phận hàng ngày, người tín hữu cần quan tâm tới anh chị em của mình, đặc biệt là những người túng thiếu, Thiên Chúa cho chúng ta mọi thứ cách nhưng không, mỗi người cũng hãy giúp đỡ nhau cách nhưng không, có như thế mới xứng đáng với những gì Thiên Chúa tặng ban.

Câu chuyện ông chủ trao cho các đầy tớ những nén bạc tùy theo khả năng, điều kiện và hoàn cảnh sống, được nhắc lại trong ngày cầu bình an cho công ăn việc làm. Ông dựa vào điều kiện của từng người để hướng dẫn họ làm việc, nhằm phát huy sự hoàn thiện của con người: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ”. Quả thực là một ông chủ tốt bụng, hào phóng và rất tâm lý, biết rõ khả năng và điều kiện từng người giúp việc cho mình, do đó, ông đã trao cho họ những đồng vốn thích hợp với khả năng của mình để lao động, để chia sẻ và để thăng tiến bản thân.

Lao động là một công việc cao quý nếu con người biết trân trọng, biết yêu quý nó. Nhiều lúc con người lao động nhưng với một mục đích khác, vì làm việc không đúng với mục đích chính, nên con người trở thành lam lũ, vất vả trong từng ngày, từng công việc, Thiên Chúa ban cho con người một khối óc thông minh và đầy tư duy để tính toán, để có những kế hoạch lao động cho hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích về tinh thần cũng như thể xác. Không chỉ làm việc, con người còn có trách nhiệm trông coi công trình của Thiên Chúa, đây là một công việc nặng nề nhưng rất vinh dự, bởi con người được thay mặt Thiên Chúa chăm sóc và làm việc để mọi thứ được hoàn hảo lên từng ngày, từ cỏ cây, môi trường, cho đến bầu trời, thời tiết và khí hậu, tất cả nếu được bảo vệ đúng nghĩa, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho con người, đem lại nhiều hoa thơm quả ngọt cho thế giới, cho cuộc đời. Thế nhưng, thay vì làm việc để xây dựng, vô tình con người đang làm việc không đúng với mục đích ban đầu của chủ nhân. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sa mạc hóa đất đai, đồng bằng bị nhiễm mặn, nguồn nước nhiễm độc, tất cả đang làm cho sự sống của mọi loài trong công trình của Thiên Chúa bị mai một và chết dần, chết mòn. Phải chăng lao động không còn là xây dựng mà là phá hoại chăng?

Giá trị của con người được nâng cao khi con người biết sử dụng khối óc và trái tim của mình để làm việc, khối óc sẽ cho con người những kế hoạch, những lối tư duy sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng lao động, giảm thiểu sức người, nâng cao đời sống, trái tim con người được mở ra khi biết chia sẻ, biết thông cảm và bổ trợ cho nhau trong lao động, để mọi công việc sớm hoàn thiện, mọi kết quả luôn vẹn toàn. Đó là lúc con người đang lao động đúng với mục đích ban đầu mà Tạo Hóa đã trao cho họ. Đời sống tôn giáo cũng không là ngoại lệ của việc lao động. Để có được một cộng đoàn thánh thiện, hiệp nhất, mỗi thành viên cần lao động cả trí óc lẫn thể lý, tinh thần cộng tác trong phục vụ luôn cần những đôi tay thầm lặng, những trái tim nóng ấm mới mong có được một gia đình thiêng liêng giữa cộng đoàn. Khởi đầu một năm mới, cộng đoàn dân Chúa luôn mong đợi một chút đổi mới từ những con người thầm lặng, những con người có trái tim mở, những con người có khối óc năng động và mạnh mẽ như chú Rồng năm Thìn. Tất cả đang đợi chờ, tất cả nhờ ơn Chúa và tất cả sẽ đến nhờ hơi ấm tình người.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con luôn được Chúa yêu thương, chăm sóc, hơn nữa còn được Chúa cho trông coi công trình tuyệt diệu của Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức mình là người làm công trong vườn nho của Chúa, để chúng con cố gắng làm tròn bổn phận của mình trong hoàn cảnh hiện tại. Chúa còn cho phép con người sử dụng những gì cần thiết trong thế giới này để phục vụ cuộc sống, xin cho chúng con luôn biết bảo vệ trái đất này, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, để cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Xin nhắc con người đừng phá hoại công trình tuyệt hảo của Chúa. Amen.

CHO MỘT MỤC ĐÍCH

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để “cày cấy và canh giữ đất đai”.

“Sống không mục đích, bạn như con tàu không bánh lái; một vật trôi dạt vô dụng. Hãy có một mục đích sống! Dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp vào điều Chúa muốn. Đừng quên, bạn được gọi cho một mục đích!” - Thomas Carlyle.


Kính thưa Anh Chị em,

‘Cho một mục đích’ cũng là chủ đề của Lời Chúa ngày Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm. Các bài đọc tiết lộ nhân vật chính của câu chuyện lớn hôm nay là ai, Đấng ấy làm gì, muốn gì? Ngài là Chúa, Đấng tạo thành muôn loài muôn vật; Ngài muốn con người tiếp tục công trình, nó được gọi ‘cho một mục đích’, để “cày cấy và canh giữ đất đai”.

Khởi đầu của vũ trụ không là một ‘tai nạn’ ngẫu nhiên, nhưng là kết quả từ ý muốn của Thiên Chúa - bài đọc Sáng Thế. Sau năm ngày tạo dựng; Ngài tạo nên con người, hình thành nó từ bụi đất. Không có gì “ngoạn mục” với chất liệu Ngài dùng! Bụi đất tượng trưng cho một thứ gì đó ít giá trị, thấp kém và hèn mọn. Nhưng Thiên Chúa đã thở vào mũi nó; với hơi thở sự sống thần thánh này, nó không chỉ trở thành một thực thể sống nhưng nó còn mang hình ảnh Ngài. Có hơi thở của Ngài, Thần Khí, con người được phúc chia sẻ quyền thống trị vạn vật với Thiên Chúa. Rõ ràng, nó được gọi ‘cho một mục đích!’.

Mục đích của Thiên Chúa thật rõ khi đem con người đặt vào “vườn”: “Để cày cấy và canh giữ đất đai”. “Vườn” là “ngôi nhà chung” mà tất cả chúng ta có bổn phận chăm sóc; chăm sóc môi trường, chăm sóc lẫn nhau. Phaolô, người được gọi ‘cho một mục đích’ đã nêu gương, “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” - bài đọc hai.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự can đảm của hai hạng người đầu tiên, họ đã mạo hiểm nhân đôi những yến bạc đã lãnh nhận. Họ được khen vì đã chu tất cam kết đối với Ông Chủ và Vương Quốc Ngài. Họ nhìn những ân ban trong sự ngạc nhiên. Cuộc sống, sức khỏe, đức tin, tài năng; bên cạnh đó, ‘những con người’ đã đi vào, đã lấp đầy, đã làm nên cuộc đời của họ. Họ không ngừng tạ ơn; chính việc tạ ơn giúp họ phát triển mối quan hệ đáng yêu này ngày một thắm thiết hơn với Đấng tặng ban. Đầy tớ thứ ba đã đánh mất những tài năng anh có. Một khi quà tặng không được sử dụng, sự tốt lành của Thiên Chúa lập tức bị nghi ngờ. Anh quên rằng, anh được gọi ‘cho một mục đích’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn”. Bạn và tôi được dựng nên, được “đặt vào vườn”, nghĩa là được gọi ‘cho một mục đích’. Hạnh phúc thay khi được chia sẻ quyền làm chủ vạn vật với Chúa; như thế, lao động là cộng tác với Ngài. Vì vậy, hãy “dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp” trong Năm Mới này với tâm thức của một nhà khai phá; đừng làm gì với tâm thức của một tù nhân! Nhưng mục đích đó chỉ đạt được khi chúng ta biết để Thiên Chúa cùng làm, cùng suy tư, cùng học hỏi với “Chúa muôn trùng cao cả” - Thánh Vịnh đáp ca. Hãy dành cho Thiên Chúa một chỗ trong mọi công việc; biến lao nhọc thành niềm vui và hạnh phúc đời sau bằng sự mạo hiểm đầy can đảm ở đời này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sống lây lất vốn chỉ thêm ‘chật đất’. Cho con dám chấp nhận rủi ro để nhân đôi, nhân nhiều lần ‘ngân sách’ đã lãnh nhận!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây