TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 01/02/2024 13:21 |   425
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,25-34)

10/02/2024
THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
MỒNG MỘT TẾT GIÁP THÌN
Cầu bình an năm mới  

Thánh Cholastica, trinh nữ

Mùng 1 Tết

Mt 6,25-34


CHÚA QUAN PHÒNG
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,25-34)

Suy niệm: Vào ngày đầu năm mới, Lời Chúa nhắc các tín hữu đừng quá lo lắng cho đời sống vật chất. Điều này không có nghĩa là cứ buông xuôi, chẳng cần lo lắng gì nữa, nhưng là biết đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống. Đời sống tâm linh cần được quan tâm hơn việc chỉ nghĩ đến những nhu cầu vật chất như chuyện ăn, chuyện mặc. Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm chăm sóc con cái Ngài. Lời Chúa mời gọi người tín hữu hãy sống công chính, phó thác, luôn tin tưởng và đi theo đường lối của Ngài. Mọi sự Ngài sẽ ban thêm cho.
Mời Bạn: Phó thác không có nghĩa là không làm gì cả, nhưng là làm với hết mọi khả năng, mà lại phó thác mọi kết quả trong tay Chúa. Nhờ đó, ta dễ dàng đón nhận mọi kết quả, dù vừa ý hay không, như là quà tặng từ Thiên Chúa: thất bại không nản chí, thành công không kiêu căng, nhất là dễ dàng chia sẻ những gì mình có cho người khác, nhờ ý thức về ơn ban của Thiên Chúa.

Chia sẻ: Khi thành công bạn tạ ơn Chúa thế nào? Khi thất bại bạn tạ ơn Chúa ra sao?

Sống Lời Chúa:Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nỗi bận tâm về đời sống hằng ngày dễ làm con quên mất mục đích đời sống mai hậu. Xin giúp con luôn biết tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa, để trong Năm Mới này, con sống đẹp lòng Chúa hơn và yêu thương anh chị em hơn. Amen.


 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 3, 9-24

“Chúa đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng, để cày ruộng đất”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi ở đâu?”

Ông đã thưa: “Tôi đã nghe tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng tôi sợ hãi, vì tôi trần truồng và đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?”

Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn”.

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?”

Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối tôi và tôi đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu, mi sẽ bò đi bằng bụng và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người”.

Chúa phán bảo cùng người phụ nữ rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi gặp nhiều khổ cực khi thai nghén và đau đớn khi sinh con; ngươi sẽ ở dưới quyền người chồng, và chồng sẽ trị ngươi”.

Người lại phán bảo Ađam rằng: “Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái Ta cấm, nên đất bị nguyền rủa vì tội của ngươi. Trọn đời, ngươi phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Ðất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra. Ngươi là bụi đất, nên ngươi sẽ trở về bụi đất”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Thiên Chúa cũng làm cho Ađam và vợ ông những chiếc áo da và mặc cho họ.

Và Người phán: “Nầy, Ađam đã trở thành như một trong chúng ta, biết thiện ác. Vậy bây giờ, đừng để hắn giơ tay hái trái cây trường sinh mà ăn và được sống đời đời”.

Và Thiên Chúa đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng, để cày ruộng đất, là nơi ông phát xuất ra.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89,2.3-4.5-6.12-13

Xướng: Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, Ngài vẫn có.

Đáp: Thân lạy Chúa, Chúa là chỗ chúng tôi dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia.

Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.

Xướng: Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi; Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.

Xướng: Xin dạy chúng tôi biết đếm ngày giờ, để chúng tôi luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ, xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 12, 26-32; 13, 33-34

“Giêroboam đúc hai con bò vàng”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Giêroboam nói trong lòng rằng: “Giờ đây vương quốc sẽ trở về với nhà Ðavít; nếu dân này lên Giêrusalem để tế lễ trong nhà Chúa, thì lòng dân này sẽ quy thuận với chủ mình là Roboam, vua xứ Giuđa; họ sẽ giết ta và trở về với Roboam”. Bấy giờ, ông triệu tập hội nghị và đúc hai con bò vàng, ông nói với dân chúng rằng: “Các ngươi không cần phải lên Giêrusalem nữa. Hỡi Israel, đây những vị thần minh đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Ông đặt một con bò vàng ở Bêthel và một con ở Ðan. Việc đó là dịp tội cho dân Israel, vì dân chúng lên tận Ðan để thờ con bò vàng. Ông còn xây chùa miếu trên những nơi cao, đặt các người trong dân làm tư tế, họ không phải là con cháu Lêvi. Ông chọn ngày rằm tháng tám là ngày lễ trọng, giống như lễ trọng thường cử hành trong xứ Giuđa. Ông lên bàn thờ để tế những tượng bò mà ông đã đúc, ông làm như thế ở Bêthel; cũng tại Bêthel, ông đã thiết lập hàng tư tế trong các chùa miếu mà ông đã xây cất trên những nơi cao.

Sau các sự việc đó, Giêroboam chẳng những không dứt bỏ đàng tội lỗi, mà trái lại ông còn tiếp tục đặt ở những nơi cao hàng tư tế chọn trong dân chúng. Do đó, nhà Giêroboam phạm tội, bị lật đổ và xoá khỏi mặt đất.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 105, 6-7a. 19-20. 21-22.

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).

Xướng: Chúng tôi đã phạm tội cũng như tổ phụ chúng tôi, chúng tôi đã làm điều gian ác và ăn ở bất nhân. Tổ phụ chúng tôi, khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ lùng của Chúa.

Xướng: Dân chúng đã đúc con bò tại Horéb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.

Xướng: Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ.

Alleluia

Alleluia – Alleluia – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng – Alleluia.

 PHÚC ÂM: Mc 8,1-10

“Họ ăn no nê”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”.

Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no”.

Và người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?”

Các ông thưa: “Có bảy chiếc”.

Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát.

Các ông chia cho dân chúng.

Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ.

Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát.

Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng.

Số người ăn độ chừng bốn ngàn.

Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðammanutha.

Đó là lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TÌNH THƯƠNG LÀM NÊN PHÉP LẠ
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu thuật lại tới hai phép lạ hóa bánh ra nhiều, một xảy ra ở vùng đất Do-thái, một xảy ra ở vùng đất lương dân. Phép lạ được trích đọc hôm nay là phép lạ thứ hai, xảy ra tại vùng đất dân ngoại, có vài chi tiết đáng chú ý:

– Số bánh ban đầu là 7 cái.

– Số người ăn là bốn ngàn.

– Số bánh dư là bảy thúng.

– Không nhắc tới cá, chỉ nhắc tới bánh thôi.

Lý do để Chúa làm phép lạ là vì thương dân chúng: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường”.

Tấm lòng của Chúa Giê-su là thế và mãi mãi là thế, ngày xưa thế nào ngày nay vẫn thế. Chúa Giê-su đã có thể nuôi sống được đám đông dân chúng, dù chỉ bắt đầu với bảy chiếc bánh, là vì Ngài đã chạnh lòng thương xót họ.

Mọi sáng kiến bác ái từ thiện và mọi chính sách phân phối đều phải khởi đi từ tấm lòng yêu thương, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, trở ngại, hoặc sớm muộn những công việc ấy cũng bị những ý đồ ích kỷ, vụ lợi chen vào.

Ngày hôm nay Chúa vẫn chạnh lòng thương nhân loại. Chúa đã lấy chính Thịt Máu Ngài làm lương thực mang lại sự sống đời đời cho nhân loại. Chúa vẫn gia tăng lương thực cho nhân loại nhờ sự phát triển của khoa học; và với sự giàu có của con người hôm nay, Ngài tin chắc mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa.

Tuy nhiên, để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Chúa Giê-su cần đến sự cộng tác của mọi người, đặc biệt của các Ki-tô hữu bằng cách phân phát, chia sẻ. Đám đông hôm đó sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ cứ giữ chặt bảy chiếc bánh khẩu phần ăn của mình không đưa ra để Chúa làm phép lạ; dân chúng hôm đó sẽ đói lả, nếu các Tông đồ không phân phát bánh cho mọi người, vì sợ thiếu hay không còn phần mình. Cảnh đói khát hôm nay sẽ mãi vẫn còn, vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mỗi người chỉ bo bo giữ cho mình. Nếu mỗi người biết quảng đại sẻ chia, dù chỉ một chút bánh, một chút gạo, dù chỉ có thể làm cho một người bớt đói; nhưng ai cũng làm như thế, thế giới sẽ không còn ai phải đói.

Nếu không có tấm lòng yêu thương, chúng ta sẽ chẳng thể có sáng kiến trong việc cứu giúp người khác, mà còn biện hộ cho khả năng giới hạn của mình và đình hoãn việc trợ giúp. Nhưng nếu có tình thương, phép lạ sẽ xảy ra, người đói sẽ được ăn, sẽ không còn cảnh đói khát nghèo nàn.

Xin cho chúng ta ngày càng có tấm lòng yêu thương của Chúa, để những người xung quanh chúng ta không còn bị đói khát vì sự ích kỷ của chúng ta.

 

2. PHÉP LẠ HÓA BÁNH LẦN THỨ HAI (Mc 8,1-10)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đã ba ngày đám dân chúng đi nghe Chúa giảng mà không có gì ăn, Đức Giê-su động lòng thương xót họ nên bảo các môn đệ lo cho họ ăn, vì sợ họ về mệt lả dọc đường. Các môn đệ thưa ở nơi hẻo lánh này không thể tìm đâu đủ bánh cho họ ăn vì các ông chỉ có bảy chiếc bánh và mấy con cá. Chúa liền bảo dân chúng ngồi xuống, rồi Người cầm lấy bánh và cá của các ông, tạ ơn, rồi trao cho các ông phân phát cho dân chúng ăn. Mọi người đều ăn no nê và còn dư bảy thúng. Số người ăn độ bốn ngàn.

2. Bài Tin Mừng hôm nay nêu bật lòng thương và quyền năng của Đức Giê-su. Người tỏ lòng thương những người dân đơn sơ, chất phác đi theo Người không kể gian nan, không nghĩ đến việc phải tìm đâu ra của ăn. Sở dĩ Đức Giê-su đã có thể nuôi sống được đám đông dân chúng, dù chỉ bắt đầu với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, là vì Người đã chạnh lòng thương xót họ. Vì thế, mọi sáng kiến bác ái từ thiện và mọi chính sách phân phối đều phải được khởi đi từ tấm lòng yêu thương, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, trở ngại, hoặc không sớm thì muộn, những công việc ấy cũng bị chen vào ý đồ ích kỷ, vụ lợi.

3. Chúa Giê-su làm phép bánh xong, Người không đích thân phân phát mà trao cho các môn đệ để các ông phân phát. Nghĩa là tuy Chúa có thể ban bánh cho lương dân, nhưng Người muốn chúng ta  góp phần mình vào đó. Chính Chúa Giê-su đã bảo các ông hãy dọn ra cho đám dân chứ không nhờ ai khác. Như vậy, Chúa cũng bảo chúng ta phải có liên đới với những người chung quanh (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần lẫn vật chất:

– Về tinh thần: có trách nhiệm về đức tin với cận nhân. Đó không phải là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các giáo lý viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.

– Về vật chất: biết chia sẻ cơm áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.

4. Nhiều nhà chú giải còn gọi phép lạ hóa bánh ra nhiều là phép lạ của tình thương. Vì thế mà phép lạ hóa bánh ra nhiều được coi như là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể. Vì yêu thương mà Chúa đã lấy thịt máu mình để nuôi con người. Với lương thực này, Người tin chắc  mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa.

Tuy nhiên, để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Đức Giê-su cần đến sự cộng tác của con người, đặc biệt của Giáo hội, bằng cách phân phát, chia sẻ. Đám đông sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ không phân phát bánh và cá cho người khác, vì sợ thiếu hay sợ không còn phần cho mình. Nếu vậy, cảnh đói khát ngày nay vẫn còn, là vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mà chỉ bo bo giữ lấy cho mình.

5. Truyện: Một nồi cháo đá tuyệt vời.

Một người lạ mặt đến gõ cửa nhà một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng bà góa nghèo này biết, trong nhà bà không có gì để ăn cả.

Người lạ mặt nói:

– Không sao, tôi có mang theo một hòn đá. Hòn đá này có thể biến nước lã thành một thứ cháo tuyệt vời. Vậy xin bà cho tôi mượn một cái nồi lớn.

Thấy người là mặt này có vẻ thành thật, bà góa kia đi lấy một cái nồi lớn, bắc lên bếp, rồi đổ nước đầy nồi. Nhóm bếp lên để nấu nồi nước xong, bà chạy qua các nhà hàng xóm báo cho họ biết về hòn đá lạ lùng của người lạ mặt đang ở nhà bà. Thế là người này truyền miệng người kia. Một lát sau, người ta kéo đầy đến nhà bà… đông quá đến nỗi không còn chỗ chứa. Trước những đôi mắt mở to vì tò mò, người lạ mắt lấy ra từ trong bị của ông một hòn đá, rồi trịnh trọng bỏ vào nồi nước lúc này đang sôi. Ông ta lấy chiếc đũa giá lớn, quậy nồi nước lên. Một lát sau, ông lấy một muỗm nhỏ, múc nước ở trong nồi, đưa lên miệng thổi cho nguội đi rồi nếm, vừa nếm ông vừa hít hà nói:

– Thật là tuyệt vời. Nhưng nếu giá có thêm một ít khoai bỏ vào nữa, thì còn tuyệt hơn nhiều

Nghe người lạ mặt nói thế, một người đàn bà có mặt lên tiếng:

– Nhà tôi có khoai.

Nói xong, bà vội chạy về nhà, đem đến một rổ khoai. Người lạ mặt cho những miếng khoai đã được gọt rửa, rồi xắt nhỏ, bỏ vào nồi cháo. Ông ngồi đó để quậy nồi cháo.

Một lát sau, ông lại lấy muỗm múc ra để nếm thử, rồi nói:

– Tuyệt lắm rồi. Nhưng giá có thêm một chút thịt thì ngon hơn nhiều.

Nghe nói thế, một bà có mặt ở đó, nhà làm thịt heo, chạy về nhà lấy ngay mấy miếng xương và mấy miếng thịt  heo chưa bán hết đem tới.

Người lạ mắt bỏ những miếng xương và mấy miệng thịt kia vào nồi, rồi lại ngồi đó quậy nồi cháo một hồi lâu.

Trước những con mắt chờ đợi để xem sự lạ, người lạ mặt lại múc cháo nếm thử, rồi nói:

– Bây giờ thì chúng ta có thể thưởng thức nồi cháo này được rồi. Nhưng giá có thêm một ít hành ngò và một chút tiêu nữa thì tuyệt hảo.

Thế rồi người ta đã đem hành, ngò và tiêu đến. Sau khi đã bỏ những thứ này vào nồi cháo, người lạ mặt bảo bà góa chủ nhà:

– Hãy lấy bát múc cho mọi người ăn thử.

Trong khi mọi người đang vui vẻ nếm thử cháo đá, thì người lạ mặt đã lén đi mất. Vậy là nhờ mỗi người đóng góp một tí mà hôm đó mọi người đã có một món cháo ngon lạ lùng.
 

Mùng 1 Tết


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Mồng Một Tết. Cầu bình an cho năm mới.

Lễ Tất niên

Ca nhập lễ

Đàn hát lên! nhờ Thánh Thần linh hứng, trót tâm tình dâng Thiên Chúa là Cha. Luôn cảm tạ Người nhân danh Thánh Tử, vì Người ban muôn phúc lộc chan hòa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong suốt cả năm nay, Chúa đã thương ban ơn phù trợ cho hồn xác chúng con an toàn. Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới. Chúng con cầu xin…

Bài đọc I: Is 63,7-9

Bài trích sách tiên tri I-sai-a

Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Ít-ra-en, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân. Người đã phán: “Thật, chúng là dân của Ta, là những đứa con không biết lừa dối!” Và đối với họ, Người đã là một vị cứu tinh, trong mọi cơn quẫn bách. Không phải là một sứ giả hay một thiên thần đã cứu thoát họ, nhưng là chính tôn nhan Người. Vì yêu mến và thương cảm, chính Người đã chuộc họ về, đã vực họ dậy và mang họ đi suốt thời gian quá khứ.

Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 135,1 và 3.4 và 23.25-26

Đáp: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xướng: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Chúa các chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xướng: Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xướng: Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Bài đọc II: 1Cr 1,3-9

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Đó là lời Chúa

Alleluia

Alleluia. Alleluia. Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả, thật danh Người chí thánh chí tôn. Alleluia.

Phúc âm

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần. Bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Người, thực từ đây thiên hạ muôn đời sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và Danh Người là thánh. Ðức từ bi Người tự đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. Người đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Người lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ; người đói khát, Người cho no đầy thiện hảo, bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Người đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Người, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người, như Người đã phán cùng tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và miêu duệ ông tới muôn đời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật chúng con dâng để cảm tạ và tôn vinh Danh Thánh vì mọi ơn lành Chúa đã thương ban. Xin cho lễ tế hôm nay trở nên nguồn sinh lực hằng nâng đỡ mọi người chúng con trong những ngày tháng tới. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng chung IV.

Ca hiệp lễ

Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ tất niên này, Chúa đã cho chúng con được no thỏa nhờ lời Chúa và bánh thánh. Xin cho chúng con được đầy lòng tin yêu, để sang năm mới chúng con thêm phấn khởi sẵn sàng phục vụ Chúa và tất cả mọi người. Chúng con cầu xin…

 

……………………………….

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lễ Giao Thừa

Ca nhập lễ

Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thành Xi-on

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là Ðấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh. Chúng con cầu xin…

Bài đọc I: Ds 6, 22-27

“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Trích sách Dân Số.

Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: ‘Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con’. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 120,1-2.3-4.5-6.7-8

Đáp: Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời.

Xướng: Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời.

Xướng: Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!.

Xướng: Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.

Xướng: Ngày sáu khắc, vầng ô không tác họa. Đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi, Chúa gìn giữ bạn không khi bất hạnh, bảo vệ cho sinh mạng an toàn.

Xướng: Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.

Bài đọc II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức. Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện. Thưa anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa. Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!

Đó là lời Chúa.

Câu xướng trước Phúc Âm

(Mùa Chay: bỏ Alleluia)

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel tổ phụ chúng con, Chúa đáng được chúc tụng; mọi tạo vật trên trời dưới đất đều là của Chúa. – Alleluia.

Phúc âm: Mt 5, 1-10

“Hãy vui mừng hoan hỉ, vì phần thưởng sung mãn dành cho các con trên trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy dân chúng thì Người lên núi. Người ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Người liền mở miệng mà giảng dạy rằng: “Phúc thay những kẻ có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp. Phúc thay những kẻ than khóc, vì họ sẽ được an ủi. Phúc thay những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc thay những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc thay những kẻ có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ gây hoà thuận, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ”.

Đó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, trong đêm giao thừa này, chúng con vui mừng dâng lễ vật lên trước Tôn Nhan. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà cho chúng con biết tận dụng năm tháng ngày giờ để mến yêu phụng thờ Chúa và phục vụ anh em. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng chúa nhật thường niên VI

Ca hiệp lễ

Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong đêm giao thừa này, Chúa đã cho cộng đoàn chúng con được tham dự tiệc thánh. Xin nhìn đến lòng tin của chúng con mà luôn luôn che chở giữ gìn hầu suốt cả năm nay chúng con được sống trong tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐƯỢC TẠ ƠN CHÚA LÀ MỘT HỒNG ÂN -LỄ TẤT NIÊN
Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Biết ơn là một hành vi hết sức nhân văn của con người ở mọi thời và mọi nơi. Ai càng biết ơn nhiều bao nhiêu, người đó càng trở nên người hơn bấy nhiêu. Vì thế, khi ta nhận được một ân huệ nào đó của ai, ta thường nói lời cám ơn. Người không biết cám ơn là người sống chưa trưởng thành đủ.

Chiều tối hôm nay, chúng ta quy tụ nhau tại nơi đây để cử hành thánh lễ tất niên. Gọi là tất niên, vì đây là thời điểm kết thúc 365 ngày của năm cũ. Nhìn lại, trong suốt một năm qua, chúng ta lãnh nhận biết bao ơn lành đến từ Chúa. Vì thế, thái độ tạ ơn là điều rất chính đáng và phải đạo để dâng lên cho Chúa trong thánh lễ hôm nay.

Kinh Thánh dạy cho con người biết phải tạ ơn

Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy đây đó, rất nhiều chỗ nói về thái độ biết ơn cần phải có của con người đối với Thiên Chúa.

Chẳng hạn như trong Thánh Vịnh, chúng ta bắt gặp câu: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136); hay: “Lạy Chúa, xin dâng lời cảm tạ, vì Ngài đã nghe lời miệng con xin” (x. Tv 138); và “Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ, gảy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta” (Tv 147).

Tâm tình tạ ơn chúng ta còn tìm thấy ngay trong bài đọc I hôm nay. Tiên tri Isaia đã nhắc lại cho dân về những ân tình mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà ban tặng cho con người, ngài nói:

“Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Itraen, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63, 7).

Sang bài đọc II, thánh Phaolô cũng nhắc cho dân về tình yêu và lượng hải hà mà Thiên Chúa ban nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, chính thánh nhân là người đã cất cao lời tạ ơn Chúa thay cho con cái của mình: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu”. Đây là hành động nêu gương cho cộng đoàn của ngài về thái độ biết ơn Chúa (x. 1 Cr 1,3-9). Thánh nhân còn mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” vì “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).

Đỉnh cao của thái độ tạ ơn chính là ơn cứu chuộc. Tâm tình này đã được Giáo Hội đưa vào Kinh tiền tụng IV như sau: “Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”.

Tuy nhiên, muốn tạ ơn cho xứng đáng, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thái độ tạ ơn của Mẹ Maria và của chúng ta

Khi ý thức được thân phận tôi hèn nơi mình, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương và trao ban một ân huệ lớn lao là được trở thành Mẹ Thiên Chúa ngang qua việc cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu. Ngay lập tức, mẹ đã coi đây là ân huệ lớn lao không chỉ cho riêng Mẹ, nhưng cho toàn thể nhân loại qua muôn ngàn thế hệ, vì thế, Mẹ đã cất lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Lời tạ ơn này phải là lời tạ ơn kiểu mẫu cho hết mọi người ở mọi nơi.

Thế nên, ngay lúc này, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria để: Tạ ơn Chúa vì hồng ân sự sống, hồng ân Đức Tin; tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi mình và tha nhân; Tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu giúp, bênh đỡ ta khỏi muôn điều ác hại.

Như vậy, hành vi tạ ơn của chúng ta không chỉ dừng lại nơi thánh lễ hôm nay, mà nó phải kéo dài trong suốt cuộc đời của mình. Nó cũng không dừng lại ở khía cánh nhất thời, nhưng phải liên lỷ; nó không chỉ dược cất lên lúc thuận buồm xuôi gió, lúc ăn nên làm ra, lúc thoát khỏi bệnh tật hiểm nguy…mà là trong mọi hoàn cảnh.

Vì thế, tâm tình tạ ơn không có tính thời vụ theo kiểu buôn bán, cũng chẳng phải lâm thời theo kiểu nay người mai ta, nhưng tâm tình tạ ơn phải như nhịp đạp con tim, hơi thở linh hồn…

Khi tạ ơn như thế, chúng ta dễ nhận ra ơn lành của Thiên Chúa trên cuộc đời, và hơn nữa, luôn được bàn tay của Thiên Chúa phù trợ chở che.

Trong giờ phút linh thiêng huyền nhiệm này, chúng ta hãy thành khẩn xin lỗi Chúa vì biết bao lần chúng ta để cho thái độ vô ơn ngự trị trong tâm hồn. Đã biết bao lần chúng ta bị ảnh hưởng và đi đến những tuyên bố trắng trợn rằng: những gì tôi có là do công khó của tôi, do tự nhiên có, chứ đâu có bàn tay can thiệp gì của Thiên Chúa.

Xin Chúa tha thứ những tội lỗi ấy cho chúng ta. Và giờ đây, chúng ta hãy cùng với chính hy tế của Đức Giêsu trên bàn thờ để dâng lên Thiên Chúa trong tâm tình tạ ơn, để Ngài ban nhiều ơn lành cho chúng ta.

Đây chính là tâm tình và sứ điệp của Lời Kinh tạ ơn Magnificat mà Đức Trinh Nữ Maria đã cất lên trong bài Tin Mừng chúng ta vừa đón nghe. Amen.

Suy niệm Tin Mừng -Lễ Tân Niên

Tân Niên 2

Mt 6, 25-34
“Các con chớ áy náy về ngày mai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu
        
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?

Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.

Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Suy niệm Tin Mừng Thánh lễ Minh niên
Tác giả: GM. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Giọng đọc: Thanh Tâm




Bài giảng Thánh lễ Minh niên
(St 1, 14-18; Pl 4, 4-8; Mt 6, 25-34) - + Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Anh chị em thân mến,
        
Trong những giây phút đầu tiên của năm mới, Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn về tương lai với tâm tình phó thác, biết đặt niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, trong khi vẫn biết cố gắng hết sức để thăng tiến cuộc sống của mình, giúp cho xã hội này được nhân bản hơn.
        
Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Vào thời đó, Chúa chỉ nhấn mạnh đến 2 điều cơ bản mà con người bình thường luôn quan tâm là nhu cầu ăn và mặc (ăn no mặc ấm). Nhưng vào thời đại của chúng ta ngày hôm nay, anh chị em có thể còn nhiều thứ phải lo lắng hơn nữa, như: vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sống, điều kiện nuôi dạy con cái, v.v… Sống trong một xã hội tiêu thụ, người làm cha mẹ đã có bao nhiêu nỗi lo cho con cái; và hôm nay trong tình trạng kinh tế suy thoái, nông sản không được giá, buôn bán khó khăn, nỗi lo ấy còn tăng lên gấp nhiều lần hơn nữa.
        
Để trấn an các môn đệ đừng quá lo lắng về chuyện cơm ăn áo mặc, Chúa Giê-su đưa ra hai ví dụ minh họa: ví dụ thứ nhất: chim trời không gieo, không gặt, nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống. Ví dụ thứ hai: hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà dù vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng nó. Và Ngài đi đến kết luận: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.
        
Ở đây, Chúa phân biệt điều dân ngoại tìm kiếm và điều người môn đệ phải kiếm tìm. Người không có niềm tin vào Chúa, không hiểu được giá trị của sự sống đời đời, thì tìm kiếm điều làm cho mình trở nên có giá tr trước mặt người khác, như: tiền bạc, địa vị, danh vọng... Còn người con cái Chúa tìm cách phát trên tài năng Chúa ban theo ý Chúa muốn, để vừa nuôi sống bản thân, vừa giúp cho đời sống xã hội được thăng tiến. Trong khi làm việc, người tín hữu luôn nhắm đến mục đích phục vụ lợi ích chung và thăng tiến con người. Dụ ngôn các nén vàng luôn là lời nhắc nhở cho người tín hữu biết sử dụng tài năng của mình theo ý Chúa.
        
Trong đời sống thường ngày, đôi khi con người không phân biệt được điều mình khao khát và điều mình cần cho cuộc sống. Con người tìm kiếm điều mình khao khát để thể hiện những ước mơ, mà đôi khi những những điều này không thực sự cần thiết cho đời sống hạnh phúc của con người chúng ta.
        
Người ta kể rằng trong đêm chung kết trận tranh cúp vô địch Đông Nam Á, có một người ở Sài Gòn đi ra phố đi bộ Nguyễn Huệ để xem trận chung kết với mọi người. Anh ta đeo 13 kg vàng trên người. Nội cái dây chuyền trên cổ đã nặng 5kg. Anh cảm thấy vui vì đeo đầy vàng trên người như là dấu hiệu của sự giàu có và may mắn. Anh ta kể rằng khi anh mới đeo sợi dây chuyền 5kg này, anh bị đau cổ, nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám xem thử nguyên nhân bị đau cổ là gì. Bác sĩ nói với anh: anh cần được chữa trị trong cái đầu hơn là chữa cái cổ. Anh này càng ngày càng thích đeo nhiều vàng hơn. Anh đã cho mạ vàng 2 chiếc xe mô-tô của mình nữa. Anh luôn tìm kiếm để thỏa mãn tham vọng của mình, nhưng thực sự điều anh cần là cái gì? Có lẽ điều anh cần thì cũng giống như anh chị em thôi: được sống xứng họp với phẩm giá của con người, có được điều kiện nuôi dạy con cái, được sống trong một xã hội công bằng đầy tính người, được sống hạnh phúc trong một mái ấm gia đình, được hy sinh và được yêu thương… Chính Thiên Chúa biết chúng ta cần điều gì, và Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta những điều căn bản đó.
        
Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con”. “Sự công chính của Chúa” cũng chính là sự công chính mà chúng ta cần để xây dựng một xã hội đầy tình người và có trách nhiệm liên đới với nhau. Đừng ngại sống với Lời Chúa dạy, dẫu cho đôi khi mình phải chịu thiệt thòi đôi chút. Hãy tin tưởng và phó thác cho Chúa tất cả những ưu tư lo lắng và hãy cùng với Ngài làm việc, bước đi trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
        
Sống theo ưu tiên đó, có nghĩa là chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.
        
Anh chị em thân mến,
        
Trong năm vừa qua, anh chị em phải vật lộn vất vả với cuộc sống, phải đối diện với nhiều khó khăn trong công ăn việc làm. Giá nông sản ngày càng hạ không đủ bù vào những khoản đầu tư, vay ngân hàng, nói chi đến việc dư giả. Nhiều gia đình gặp thử thách trong việc giáo dục con cái, trong sự chung thủy, trong sự bao dung tha thứ… Chính những âu lo trong cuộc sống đó làm cho chúng ta phải lao mình vào trong những tính toán để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Chính điều này làm cho chúng ta cảm thấy lo sợ, không có phương hướng giải quyết, và đánh mất sự bình an. Đôi khi, trong cách giải quyết của chúng ta gần như không có chỗ cho Chúa Giê-su, mà chỉ là sự khôn ngoan của chính mình. Nếu chỉ giải quyết theo cách thế của con người, nghĩa là bằng sự khôn ngoan của con người, đặt cá nhân mình vào vị trí trung tâm, thì đó cũng chỉ là cách giải quyết của thế gian. Người Kitô hữu cần có cách giải quyết của Chúa, nghĩa là trong tâm tình hiền hòa của người con cái Chúa.
        
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta sự khôn ngoan của con cái Chúa, để trong mọi hoàn cảnh chúng ta biết sống và hành động theo sự hướng dẫn của Đức Tin và lòng bác ái.
        
Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những anh chị em đang gặp khó khăn trong công ăn việc làm, trong đời sống tình cảm gia đình, trong việc giáo dục con cái… để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng biết đi theo Chúa Giê-su là Đường, là ánh Sáng và là Sự Thật. Chỉ có hành động theo đức tin mới đem lại sự bình an đích thực cho chúng ta.
        
Xin kính chúc anh chị em một năm mới an bình, tràn đầy ơn Chúa, và thành công trong mọi điều anh em thực hiện.
        
Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

 

Suy niệm Tin Mừng -Lễ Minh Niên (Giáp Thìn)

Tân Niên 2a

Mt 5, 43-48
“Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.
        
Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo”.

        

Suy niệm Tin Mừng Lễ Minh Niên
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

LỄ MINH NIÊN (Giáp Thìn)
(Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48) Lm. Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Buổi sáng Minh Niên, một thời điểm thánh thiêng của dòng thời gian. Năm Quý Mão đã qua, năm mới Giáp Thìn vừa tới. Một thời gian mới với nhiều mộng ước. Tốt đẹp, cao cả có, quảng đại xả kỷ có thể nhiều và ích kỷ vụ lợi cũng không thiếu. Nhưng dù gì đi nữa thì một vài ngày đầu xuân rất cần phải là những ngày của sự may lành, ít là trong nguyện ước, dành cho nhau và cho chính bản thân mình. Hết đi tết tạ các ân nhân, các đấng bậc sinh thành hay đấng vị vọng trong đạo lẫn ngoài đời, thì lại đi chúc tuổi, mừng xuân nhau. Nhà thơ Tú Xương, một thi nhân nhiều tài và cũng không thiếu tật đã cất lời: 

         Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau.
         Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
         Phen này ông quyết đi buôn cối.
         Thiên hạ khối đứa thích ăn trầu.
        
Thi nhân hứng chí tiếp: Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang, chúc giàu…
        
Phúc, lộc, thọ, quả là những điều thường tình mà con người vốn khao khát kiếm tìm, bất kể già trẻ, lớn bé, hay sang hèn. Và đó cũng là nội dung lời Chúa qua hai bài đọc thứ nhất và thứ hai ngày Lễ Minh Niên (mẫu B). Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ  Isaia: “Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỉ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu, và người già tuổi thọ không tròn. Vì trăm tuổi mà chết là vẫn còn chết trẻ”. Ý định của Thiên Chúa qua bài đọc thứ hai đó là: Thiên Chúa đến ở với nhân loại và Người sẽ lau sạch nước mắt chúng ta. Sẽ không còn sự chết, không còn cảnh tang tóc, đau khổ.
        
Thánh ý của Chúa thế là đã rõ. Người muốn từng người, từng gia đình, từng tập thể quốc gia, dân tộc được an vui hạnh phúc, được sống và sống dồi dào. Thánh ý Thiên Chúa dành cho loài thọ tạo, cách riêng cho con người thì ba chữ phúc- lộc- thọ, hẳn chưa đủ đong đầy. Một trong những quan niệm tương đối phổ biến trong dân gian xưa lẫn nay đó là: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người khao khát, mơ ước, toan tính đủ cách, đủ bề nhưng sự việc có thành tựu hay không là phải do ý trời. Bôn ba vất vả không qua mệnh trời. Tuy nhiên với sự mạc khải tròn đầy qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô thì ta phải nói rằng: Mưu sự tại Thiên mà thành sự là tại nhân.
        
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16). Vấn đề còn lại là ở chúng ta, tạo vật có ý thức và tự do. Thành sự hay không là tại nhân loại chúng ta, là do bởi chính mỗi người chúng ta như lời thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu độ tôi mà không cần có tôi”.
        
Những lời Tin mừng chúng ta vừa nghe trong Thánh Lễ Minh Niên này chính là chìa khóa để chúng ta xây dựng hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Và điều này lại hiển lộ cách rõ nét qua cung cách sống của chúng ta trong ba ngày đầu xuân mới.
        
Nếu nhìn dưới khía cạnh tiêu cực tức là tránh, kiêng thì ba ngày đầu xuân người ta thường tránh gây những điều xúi quẩy cho nhau. Dù có bực mình lắm những vẫn nín nhịn. Dù có khó chịu những vẫn không để sự gì chẳng hay xảy ra. Có thể có một vài sự kiêng kỵ mang nét mê tín nhưng dẫu sao nó cũng nhắc nhớ chúng ta lời của Khổng Phu Tử và Lời trích sách Tobia là: “Kỷ sở bất dục vật ư thi nhân”. Điều gì ta không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho tha nhân.
        
Chúa Kitô lại dẫn chúng ta đến chiều kích tích cực đó là điều gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều ấy cho tha nhân (x.Mt 7,12). Tích cực làm cho nhau những điều tốt đẹp mà lòng mong người khác làm cho mình. Chúng ta rất có thể thực hiện điều này trong ba ngày đầu xuân. Tuy nhiên, sự thường chúng ta chỉ thực hiện những điều ấy cho người mình thương, cho người mình thân hay cho người mình dễ gần hay thích gần vì họ quyền cao chức trọng. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn thế. Phải nên trọn lành như Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều xuống trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời lên soi sáng người lành thánh lẫn tội nhân.
        
Mưu sự tại Thiên – Thành sự tại nhân. Ước gì những tâm tình tốt đẹp trong các ngày đầu xuân cứ mãi kéo dài suốt cả năm. Đó là không chỉ kiêng tránh những điều không hay, không may cho tha nhân mà còn tích cực dệt xây những điều tốt đẹp cho nhau, cho những người kém may mắn, cho cả những người đang thù hận chúng ta, bách hại chúng ta.
        
Chúng ta đã bước vào năm mới Âm lịch, năm Giáp Thìn, một con linh vật xem ra rất tương phản theo cái nhìn của con người phương Đông và phương Tây. Thìn đứng thứ năm trong chu kỳ mười hai con giáp (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ…). Giờ Thìn từ 7 đến 9 giờ sáng trong ngày. Năm Âm lịch được tính vào ngày Đông chí mà ngày Đông chí thường rơi vào tháng 11, nên tháng 11 là tháng Tí, như thế tháng Thìn là tháng ba âm lịch.
        
Rồng hay còn được gọi là Long. Trong phong thủy, Rồng được coi là một trong bốn linh vật mang may mắn: Long, Lân, Quy, Phượng. Trong văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, thì rồng là linh vật mang trên mình sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ: nước, lửa, đất, gió.
Dù rằng là con vật của huyền thoại, nhưng con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt.

        
Trong văn hóa phương Tây, rồng được mô tả giống như một con rắn hay con thằn lằn khổng lồ, có cánh như dơi và biết phun lửa, là biểu tượng của cái ác và thần dữ.

        
Con rồng, một con vật thường được gắn liền với vị đứng đầu một quốc gia theo chế độ quân chủ: long ngai, long bào, long thể... Thế nhưng trong thực tiễn lịch sử số vị minh quân lấy “dân vi quý- xã tắc thứ chi” thì xem ra quá ít so với số hôn quân, bạo chúa. Điều này khiến chúng ta, các Kitô hữu dưới ánh sáng lời mạc khải cần cẩn trọng với con mãng xà, con rồng đỏ vốn là hình ảnh của thần dữ, ma quỷ. Thánh tông đồ cả Phêrô đã từng cảnh báo rằng ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé (x.1P 5,8).
        
Bước vào năm mới, năm con rồng, để cho con linh vật này thực sự là rồng vàng, rồng bay (thăng long) thì có đó nhiều nỗ lực gắng công về mọi phương diện. “Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng”. Để vươn lên, để hướng thượng thì chắc chắn cần phải vượt thắng nhiều lực cản, cởi bỏ nhiều gánh ách nặng nề đó là những điều xấu xa tồi tệ và cả một vài thiện hảo nào đó khiến chúng ta không thể bay lên cao.
        
Xin cùng chúc nhau một năm mới khang an thánh đức với quyết tâm làm cho ý Chúa được viên thành, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời bằng nỗ lực của chúng ta, những tạo vật có ý thức và tự do, biết sống yêu thương nhau trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm. Xin mượn lời thi sĩ Tế Xương để kết những dòng chia sẻ đầu năm mới:

         Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
         Chúc cho khắp hết ở trong đời,
         Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
         Sao được cho ra cái giống người.
        
Dĩ nhiên là chúc nhau sống sao cho ra cái giống người được tạo thành vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Tình yêu được hiện thực nơi những con người biết sống yêu thương, liên đới với nhau bằng cả tinh thần lẫn vật chất, bằng cả tâm hồn lẫn thể xác; yêu thương chia sẻ cho nhau không chỉ những thiện hảo đời này mà cả hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời mai sau.


Mùng Một Tết Nguyên Đán
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu (Mt 6,25-34).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Minh Niên
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

Suy niệm

Khi những ngày mùa đông đang dần tàn, thời tiết đang chuyển vần sang xuân, bầu khí bên ngoài như đang vội vã chạy theo con người và vạn vật, tất cả như đang hân hoan đón chào một mùa xuân mới, xuân Giáp Thìn. Phụng vụ Lời Chúa của Mẹ Giáo hội không có những bài đọc, những lời nguyện dành riêng cho những ngày tết dân tộc, nhưng Mẹ Giáo hội cho phép người Việt Nam được dùng những bài đọc đặc biệt trong Kinh thánh, những lời nguyện thật ý nghĩa, tất cả như hòa chung với dân tộc, để cầu bình an cho năm mới, cầu hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người. Bởi thế, khi công bố những bài đọc trong những ngày tết, người tín hữu hãy dùng niềm tin của mình để chiêm ngắm sự quan phòng của Thiên Chúa, chiêm ngắm tình yêu cúi xuống của Ngài trên mỗi người, để bước vào một năm mới, người người, nhà nhà luôn mạnh dạn, tự tin sống với, sống cùng và sống cho Thiên Chúa, dẫu chưa biết ngày mai của mình ra sao.

Trở lại với những chương đầu của sách Sáng Thế Ký, con người như đang chứng kiến bàn tay kỳ diệu của Tạo Hóa, một lời phán ra, các công trình xuất hiện, từ bầu trời, mặt trăng, muôn tinh tú, cho đến cỏ cây, chim chóc và mọi giống mọi loài. Tất cả trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa: “Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm. Và Ngài cũng làm nên các tinh tú”. Đây là một trích đoạn trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, con người không thể dùng lý trí và kiến thức tổng quát để giải thích những trình thuật này, nhưng hãy dùng niềm tin của mình và giáo huấn của Giáo hội, để được sáng tỏ hơn những việc Thiên Chúa thực hiện theo quyền năng của Ngài.

Đón nhận lời chỉ dạy của Kinh thánh, người tín hữu bước sang năm mới với một tinh thần mới, một trái tim mới và một niềm tin mới, cho dù ngày mai ra sao tôi chưa biết, cho dù năm này mọi thứ trong cuộc đời ra sao, tôi chưa thể hiểu. Bên cạnh đó, thánh Phaolô còn nhắc cho chúng ta qua lá thư gởi cộng đoàn Philipphê, rằng: “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”. Ngày mai hay hôm nay tất cả đều do Thiên Chúa làm chủ, quá khứ đã qua, mỗi người được bình an, còn hôm nay và tương lai, chẳng ai có thể xoay chuyển và làm thay đổi được. Niềm tin người tín hữu sẽ giúp con người tự tin, mạnh dạn phó thác cho Thiên Chúa cả cuộc đời của mình, để mỗi ngày chúng ta được sống, được yêu và được phục vụ, đó là niềm hạnh phúc của con người.

Đoạn trích tin mừng theo thánh Matthêu kể lại cho chúng ta lời dạy của Đức Giêsu, đây được coi như một lời chỉ dạy cho mỗi tín hữu Kitô, khi bước vào năm mới. Một niềm tin, một lòng cậy trông, một trái tim biết yêu, luôn là một động lực để mỗi người tự tin hơn, can đảm hơn sống và làm chứng cho tin mừng cứu độ: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào?”. Lời Chúa như là cánh lộc đầu xuân, chỉ dạy mỗi người bước vào năm mới với một tâm thái mới, để cùng Thiên Chúa giới thiệu cho thế giới, cho dân tộc mình biết Thiên Chúa đang ở đâu và Ngài đang làm gì giữa dân tộc đó, giữa mỗi gia đình.

Ngày đầu năm, người tín hữu được mời hướng lên trời, hướng về tương lai của mình. Hướng lên trời để tuyên xưng niềm tin của mình vào một Đấng là chủ tể mọi loài, là chủ tể sự sống của con người, là chủ tể vận mệnh của mọi sinh vật, trong đó có con người. Ngài sẽ là một người Cha nhân lành trong năm mới, sẽ dẫn dắt đoàn con đi theo hành trình tình yêu của Ngài, hơn nữa, Ngài sẽ chỉ dạy cho con người biết dùng lý trí và trái tim của mình để làm việc tốt hơn trong năm mới. Chính lúc con người biết lắng nghe, biết đón nhận lời chỉ dạy của Thiên Chúa, con người mới thực sự tự do, thực sự biết làm việc để xây dựng con người, xây dựng Giáo hội và xây dựng xã hội mỗi ngày một phát triển tích cực và hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, con người được mời hướng về tương lai dẫu rằng ngày mai ra sao tôi chưa biết. Tương lai ai cũng mong sự bình an, ai cũng mong muôn điều tốt lành, vạn sự như ý, vì thế con người khi tự mình chưa thể giải quyết được điều đó, thì chạy tìm những thế lực bí ẩn để mong tìm được câu trả lời cho tương lai. Thử hỏi, những lá xăm, những lá bùa có thể giúp giải quyết tương lai cho con người được bình an, được hạnh phúc, gia đình trong ấm ngoài êm được không.

Mẹ Giáo hội địa phương luôn mong con cái mình hãy đem những nét đẹp của tôn giáo đi vào mọi sinh hoạt của truyền thống dân tộc, vì thế, ngày tết cổ truyền có những khao khát, những ước mong tốt đẹp của mọi người, đặc biệt là những người đang vui đón cái tết, họ sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn nếu được niềm vui của Lời Chúa soi chiếu cho từng bước chân đầu xuân. Mang trong mình tâm tình lệ thuộc tín ngưỡng, con người luôn thấy mình nhỏ bé trước sức mạnh của thần linh, vì thế, những hình thức kiêng cữ, những hình thức tâm linh bí ẩn, luôn được quan tâm trong tâm thức người Việt trong những ngày đầu xuân. Con người sống vui, sống tốt và sống có ích là lúc họ không bị lệ thuộc, không bị sợ hãi bất cứ thế lực nào, làm thế nào để khi mỗi người con dân Việt, khi cùng nhau đón xuân mới, bước vào năm Giáp Thìn, luôn ngẩng cao đầu, đi trên đôi chân của mình, luôn tự tin, mạnh dạn để hướng về tương lai, hướng về cùng đích cuộc đời của mình cách tích cực và năng động hơn.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ niềm tin của chúng con, dẫu biết rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh cuộc đời chúng con, nhưng vì là một tạo vật mong manh, chúng con luôn cần có Chúa. Không thiếu những phút giây chúng con tự tin về cuộc đời, nhưng chính lúc đó là phút giây chúng con dễ bị cám dỗ, xin Chúa dẫn dắt chúng con bước sang năm mới với một trái tim mới, một niềm tin mới, một khối óc mới, tất cả trong một con người mới, để chúng con mãi là những người con biết vững niềm tin vào một Thiên Chúa quan phòng và nhất mực yêu thương con cái. Amen.

NỚI RỘNG TẦM NHÌN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế


“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”.

“Tiền thường xen vào giữa Chúa và người. Che mắt bằng hai xu nhỏ, bạn sẽ không thấy những ngọn núi. Cũng không cần một số tiền quá lớn xen vào giữa bạn với Chúa; chỉ cần một xu đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn, và bạn không bao giờ thấy Ngài. Hãy nới rộng tầm nhìn, đừng che chắn nó!” - Cedric Gowler.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ cần một xu đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn!”. Ngày đầu năm, Lời Chúa mời gọi bạn và tôi ‘nới rộng tầm nhìn’, đừng che chắn nó! Chúa Giêsu căn dặn, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Đừng lo lắng kiểu thế gian, “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”.
“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Điều Chúa Giêsu dạy được thánh Ignatiô gọi là ‘dửng dưng’ đối với vật chất. Rõ ràng, một số vật chất như bánh ăn, áo mặc và chỗ ở là cần thiết; nhưng thái độ ‘dửng dưng’ đối với chúng không phải là không quan tâm; trái lại, rất quan tâm! Chúng ta quan tâm có nhiều thứ và chỉ sử dụng chúng trong chừng mực cần thiết để kính mến Thiên Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân như Ngài mong chờ.

Lo lắng về của ăn vì giờ này tôi đang đói, rất khác, so với việc liệu tôi sẽ có gì để ăn vào tháng tới hay không; trăn trở về những gì đang xảy ra khi sức khoẻ tôi được chăm sóc tử tế, rất khác, so với việc tự hỏi sức khoẻ của tôi sẽ giữ được bao lâu những năm tới; băn khoăn vì không có tiền nhà để trả tháng này, rất khác, so với việc tự hỏi, khi nào tôi giàu?

Cũng thế, bận tâm về tương lai là lãng phí thời gian và năng lượng; ấy thế, bạn và tôi lại ‘mê’ chúng! Bởi lẽ, lo lắng không bao giờ cất được nỗi buồn của ngày mai, nó chỉ đào huyệt chôn vùi niềm vui của ngày hôm nay. Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời chúng ta nhìn lũ chim trời và những khóm hoa đồng nội. Chúng không làm gì ngoài việc trở nên chính mình; hồn nhiên bay lượn, đong đưa trước gió. Chúng thanh thoát, ngu ngơ và đẹp làm sao! Khi thời gian của chúng đến, chúng qua đi, vậy thôi! Đừng quên, Đấng chăm bẵm chúng là Đấng dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó - bài đọc Sáng Thế.

Vậy mà, chúng ta thường quá bận lòng để hối tiếc quá khứ hoặc trăn trở tương lai. Khá phi lý! Niềm vui và hạnh phúc chỉ có trong hiện tại. Không ở đâu khác! Nhìn về phía trước, ngoái lại phía sau, sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc; vì hạnh phúc đang ở đây, trong tầm tay vào mọi thời điểm. “Bạn có mọi thứ bạn cần ngay bây giờ để hạnh phúc!” - Anthony de Mello. Cuộc sống sẽ ra sao nếu bạn thực sự tin vào những gì chưa tới hay những gì đã qua! Vì hạnh phúc chỉ có thể có trong hiện tại. Hạnh phúc hôm qua không còn; hạnh phúc ngày mai chưa tồn tại; nếu bây giờ bạn không hạnh phúc, sẽ không bao giờ!

Kính thưa Anh Chị em,

“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Ngày đầu năm, Giáo Hội muốn con cái định hướng cụ thể cho những tháng ngày tới. Bạn tìm gì? Hẳn ai cũng tìm điều cao quý nhất. Nhưng tất cả “gì” của thế gian đều ngắn ngủi, phù du so với Nước Thiên Chúa. Bởi lẽ tìm kiếm và sở hữu Nước Thiên Chúa là sở hữu chính Chúa; có Chúa, có tất cả, không chỉ đời này nhưng cả đời sau. 365 ngày mở ra, chắc chắn vui có, buồn có; hạnh phúc có, khổ đau có. Nhưng nếu biết ‘nới rộng tầm nhìn’ vào Cha trên trời, chúng ta sẽ an tâm vững tiến. “Tìm Nước Thiên Chúa” là một tầm nhìn và là một hướng đi đúng đắn nhất. Phaolô thật chí lý, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em!” - bài đọc hai.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa là Mùa Xuân, đừng để bất cứ điều gì, bất cứ ai chắn che Chúa khỏi con. Cho con thấy rõ Chúa mỗi ngày, biết dang rộng đôi tay để nhận và để trao!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây