TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM BÁT NHẬT PHỤC SINH

Thứ năm - 28/03/2024 14:28 |   706
Hai ông thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24, 35-48)

04/04/2024
THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

t5 BNPS

Lc 24, 35-48


NHỊP ĐIỆU PHỤC SINH
Hai ông thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24, 35-48)

Suy niệm: Các trình thuật về những lần Chúa Ki-tô phục sinh hiện ra thật dồn dập: Nhóm này đang thuật chuyện mình gặp Chúa thế nào, chưa xong thì nhóm khác lại kể tiếp kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Kể chưa xong thì Chúa lại hiện đến đứng giữa các ông. Đây không phải là một thủ pháp văn chương của vị thánh sử muốn ghi đậm ấn tượng về biến cố sống lại, mà đó chính là nhịp sống của Hội Thánh ngay từ những ngày đầu cảm nếm mầu nhiệm phục sinh. Điệu luân vũ phục sinh đó gồm mấy động tác cơ bản sau đây : -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh -2/ quy tụ cộng đoàn -3/ chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa -1/ Chúa Ki-tô phục sinh lại hiện diện giữa cộng đoàn để củng cố và mở ra một kinh nghiệm gặp gỡ mới.

Mời Bạn: Những diễn viên múa lành nghề để cho vũ điệu thấm vào máu thịt, rồi toát ra trong từng cử chỉ, bước đi của mình; là ki-tô hữu, chúng ta đã để cho nhịp điệu phục sinh thấm vào máu thịt và toát ra đời sống của mình chưa?

Chia sẻ: Bạn có ý thức trong cộng đoàn việc cộng tác chia sẻ là nghĩa vụ của mỗi người để xây dựng cộng đoàn không?

Sống Lời Chúa: Mời bạn luyện tập các động tác cơ bản của điệu vũ : -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh (bằng cách siêng năng rước lễ, suy niệm cá nhân); -2/ quy tụ (gặp gỡ nhóm, gia đình, cộng đoàn của bạn); -3/ chia sẻ (đọc và chia sẻ Lời Chúa); -1/ tiếp tục gặp gỡ Đức Ki-tô. Chúc bạn thành công.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin ở lại với chúng con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, thiên hạ đều ca tụng bàn tay chiến thắng của Chúa, vì đức khôn ngoan đã mở miệng người câm và làm cho lưỡi trẻ thơ ăn nói hùng hồn – Allêluia.

Đọc hoặc hát kinh vinh danh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã quy tụ muôn nước muôn dân để họ cùng tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa; xin ban cho tất cả những ai đã tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy được đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin và đoàn kết yêu thương trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 3, 11-26

“Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi người què được chữa lành cứ theo sát Phêrô và Gioan, toàn dân bỡ ngỡ chạy đến hai ngài đang ở hành lang gọi là hành lang Salômôn. Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: “Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được? Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta, đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em.

“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các tiên tri mà báo trước rằng Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ, như thế để Thiên Chúa ban cho anh em thời kỳ thư thái, và sai Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà Chúa đã phán hứa cùng anh em trước, Ðấng phải về trời cho đến thời kỳ phục hồi vạn vật, như Chúa đã dùng miệng các thánh tiên tri Ngài mà phán từ ngàn xưa. Môsê đã nói rằng:

“Vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ cho xuất hiện giữa anh em các ngươi một tiên tri như ta, các ngươi hãy nghe tất cả những điều Ngài sẽ nói với các ngươi. Vậy, tất cả những ai không chịu nghe theo vị tiên tri đó, thì sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng.

“Và tất cả các tiên tri, từ Samuel và các vị kế tiếp, đều đã nói và tiên báo về ngày này. Anh em là con cháu các tiên tri và con cháu của giao ước mà Chúa đã thiết lập với các tổ phụ chúng ta, khi Người phán cùng Abraham rằng: “Chính nơi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Chính vì anh em trước tiên mà Thiên Chúa đã cho Con của Ngài xuất hiện và sai đi chúc phúc cho anh em, để mỗi người từ bỏ tội ác”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Nhân loại là chi mà Chúa để ý chăm nom?

Xướng: Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

Xướng: Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 24, 35-48

“Ðấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lễ tạ ơn này cầu cho anh chị em đã được tái sinh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và không ngừng che chở Hội Thánh. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I

Ca hiệp lễ

Hỡi dân riêng của Chúa, hãy rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm, mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người, – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn để nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại, và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“BÌNH AN CHO ANH EM” (Lc 24, 35-48)
Giuse Vinsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều người vênh vang tự đắc, kiêu ngạo, ích kỷ, bất nhân và luôn tìm cách hại người khác bằng nhiều thủ đoạn…! Lại có những người tự ty, buồn khổ, chán trường, thất vọng và đôi khi lại tìm đến cái chết để kết liễu cuộc sống mà họ cho là “bể khổ” trần ai.

Cả hai lựa chọn trên đều không tốt và không có hậu. Như thế, họ đều là những người gây gương xấu. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề khiến cho họ có những lựa chọn như vậy là: không có bình an thực sự trong tâm hồn.

Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca trình thuật nỗi sợ hãi bao trùm lên các Tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmaus báo tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông.

Nỗi sợ hãi của các môn đệ càng dâng lên tột độ khi thấy Đức Giêsu hiện ra và đứng giữa các ông.

Biết được tâm lý nơi môn sinh của mình, nên sau khi Phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các ông và câu đầu tiên Ngài ban cho các ông là: “Bình an cho anh em”.

Đây là lời trấn an, sau hàng loạt những ngày đen tối trong lo âu sợ hãi…

Khi ban bình an cho các ông, Đức Giêsu muốn gạt đi nơi họ lòng sợ hãi đến tự ty, sự ngờ vực đến thất vọng… và khơi gợi lên trong lòng họ niềm tin và sự gắn bó với sứ vụ mà Ngài sắp trao phó.

Cũng từ đây, Đức Giêsu đã khai mở lòng trí để họ nhớ lại những đoạn Kinh Thánh đã nói trước về Ngài cũng như sứ vụ cứu chuộc mà Ngài đã thi hành.

Đến đây, các ông xác tín chính là Thầy mình đang hiện diện ở giữa họ, nên họ vui mừng khôn tả.

Chính niềm vui và bình an của Chúa phục sinh đã làm cho các môn đệ quên hết sợ hãi và lo lắng, vì thế, các ông đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao hay đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ngài còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công Vụ Tông Đồ nghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Trở thành nhân chứng của Ngài khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Nhưng trước hết, chúng ta phải có được sự bình an của Chúa trong tâm hồn, để đẩy lui những lo lắng, sợ hãi, bực bội, tức giận, hận thù, ganh ghét, kiêu ngạo…, có thế, chúng ta mới trở nên chứng nhân của Chúa cách đúng nghĩa.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban bình an của Chúa xuống cho chúng con, xin cho chúng con sau khi đã đón nhận được bình an của Chúa thì cũng biết chia sẻ bình an đó cho anh chị em chúng con. Amen.

NHẤT TRÍ & YÊU THƯƠNG
(THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Cha đã quy tụ muôn nước muôn dân để họ cùng tuyên xưng Cha là Thiên Chúa, xin ban cho tất cả những ai đã tái sinh nhờ Bí Tích Thánh Tẩy: được đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin, và đoàn kết yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.
 
Đồng tâm nhất trí và đoàn kết yêu thương là câu trả lời xác thực cho những ai muốn chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô kêu gọi: Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.
 
Đồng tâm nhất trí và đoàn kết yêu thương là hiệp nhất trong cùng một đức tin, và sống điều mà chúng ta tuyên xưng khi chịu Phép Rửa, bài đọc hai của giờ Kinh Sách cho thấy: Anh em đã được dẫn tới bể nước thánh tẩy, như Đức Kitô được đưa từ thập giá tới phần mộ đàng kia trước mặt anh em. Rồi mỗi người được hỏi có tin vào danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không. Anh em đã nói lên lời tuyên xưng đức tin có sức cứu độ, và được dìm ba lần trong nước, rồi trồi lên. Như thế, anh em vừa diễn lại cách tượng trưng việc Đức Kitô chịu mai táng ba ngày trong phần mộ.
 
Đồng tâm nhất trí và đoàn kết yêu thương là tâm tình sám hối, quay trở về với Đấng tác tạo và cứu độ chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô kêu gọi dân chúng: Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy, thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến.
 
Đồng tâm nhất trí và đoàn kết yêu thương là thái độ biết ơn, nhìn nhận Chúa là Cha yêu thương quan phòng mọi sự cho chúng ta, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 8, vịnh gia đã ca ngợi: Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân.
 
Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, Người giải thích Thánh Kinh và sai các ông đi làm chứng cho Người: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Đức Phaolô VI đã từng nói: Con người thời nay cần chứng nhân hơn thầy dạy. Thật vậy, làm chứng cho Chúa là phải làm chứng bằng chính đời sống của mình, như lời Đức Giêsu đã từng dạy: Cứ dấu này, người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy yêu thương nhau. Đồng tâm nhất trí và đoàn kết yêu thương là một lời chứng sống động có sức thuyết phục hơn cả, bởi vì, đây chính là căn tính của chúng ta, xuất phát từ sự hiệp nhất và yêu thương của Thiên Chúa, qua trung gian Đức Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Ước gì chúng ta biết tận dụng các phương tiện Chúa ban: là Lời Chúa và các Bí Tích, để làm chứng cho Chúa bằng một đời sống hiệp nhất và yêu thương nhau. Ước gì được như thế!

TRẢI NGHIỆM NIỀM VUI LẠ THƯỜNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”.

Một ấn phẩm Anh trao giải cho ai định nghĩa hay nhất về “Một Người Bạn Tốt Nhất”. Trong hàng nghìn câu trả lời, có những câu sau đây: “Một người hiểu được sự im lặng của bạn”; “Một người đến, khi cả thế giới ra đi”; “Một người nhân lên niềm vui, chia sẻ hạnh phúc và nỗi đau; giúp bạn trải nghiệm niềm vui lạ thường ngay giữa những mất mát!”. Câu trả lời cuối cùng thu hút sự chú ý của nhiều người nhất!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chỉ ra “Người Bạn Tốt Nhất!”: Giêsu, Đấng Phục Sinh xuất hiện đúng lúc cho các bạn của Ngài. Luca ghi lại một tâm trạng khó tả vừa không thể, vừa rất thật, “Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Họ vui mừng đến mức không thể tin đó là sự thật; đúng hơn, họ chưa chuẩn bị đủ để có thể ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường!’.

Bất cứ cuộc gặp nào với Chúa Giêsu đều luôn dẫn đến việc ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường!’. Nó là một kinh nghiệm rất khác vượt quá sự say mê, phấn khích. Các môn đệ vui mừng, nhưng ‘Điều này là không thể!’. Hãy chụp lại ‘cái khung tâm trí’ đẹp đẽ này! “Chưa tin” có nghĩa là không chắc mình phải tin điều gì. Kìa, một Giêsu bị đóng đinh đang đứng trước họ với những hõm sâu còn chưa khô trên thân mình; một Giêsu đang yêu cầu một chút gì đó để ăn. Họ sốc, không tin và không chắc! Nhưng dường như nơi họ, vẫn có một niềm vui đang chực bùng nổ vì những gì họ đang thấy, nhưng có điều gì đó đang kìm hãm. Tất cả là quá tốt nhưng không biết có đúng như vậy không?

Một đôi khi, được hưởng nếm ân sủng Chúa, chúng ta vẫn do dự! Một trong những lý do khiến chúng ta chần chừ trong việc đón nhận nó cách trọn vẹn chính là sự nản lòng! Trước cái chết của Thầy, các môn đệ vô cùng nản lòng; và bây giờ, dù Thầy ở trước mặt, họ vẫn tần ngần để ‘buông bỏ sự nản lòng’ mà họ đang cố ‘ôm chặt’. Cũng thế, chúng ta dễ dàng để sức nặng của thế giới, sức nặng tội lỗi của mình hoặc của người khác ghì xuống; chúng ta tức giận, khó chịu và ủ rũ. Chúng ta ‘ôm chặt’ chúng! Đang khi nhận lấy niềm vui phục sinh giả thiết là phải ‘buông bỏ’ sự nản chí để chăm chút nhìn vào thực tại Chúa muốn chúng ta tập trung vào. Ngài mời bạn nhìn xa hơn để đạt được một điều gì đó vĩ đại hơn; nhìn vào chiến thắng của Ngài để vui mừng.

Kìa! Phêrô đang hướng niềm vui của đoàn người chạy theo ông đến việc ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường’ ở Đấng mà nhờ Ngài, anh què đi được - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ nỗi hân hoan, “Lạy Chúa, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Chúa Giêsu Kitô - Đấng chiến thắng sự chết - đang ở với chúng ta. Ngài là “Người Bạn đến, khi cả thế giới ra đi”; “Người Bạn Tốt Nhất nhân lên niềm vui”. Hãy sống chết cho tình bạn siêu việt này! Mỗi ngày, qua Lời Chúa, Thánh Thể, chúng ta chia sẻ sự sống của Ngài; nhờ đó, trải nghiệm thiên đàng ngay giữa biển trần. Hãy sống giây phút hiện tại, thưởng thức nó! Mọi khoảnh khắc đều là thời điểm đẹp nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất vì Giêsu, “Người Bạn Tốt Nhất” có thể giúp bạn và tôi ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường’ ngay giữa những mất mát, đổ vỡ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lấy khỏi con những vui thú ‘tầm thường’; giúp con buông bỏ những gì vô nghĩa, hầu có thể hưởng nếm niềm vui ‘lạ thường’ mang tên “biến đổi” của Chúa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây