TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI BÁT NHẬT PHỤC SINH

Thứ năm - 28/03/2024 14:21 |   605
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

01/04/2024
THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

t2 BNPS 1

Mt 28, 8-15


điểm hẹn ga-li-lê
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Suy niệm: Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và các chị em gặp Chúa Giê-su Phục sinh ngay tại khu vườn nơi đã an táng Ngài, các tông đồ và các môn đệ gặp Ngài hiện đến trong căn phòng đóng kín, còn hai môn đệ làng Em-mau thì gặp Chúa trên con đường về quê…, nhưng tất cả những nơi ấy không phải là nơi mà Đấng Phục sinh hẹn gặp. Chính Ga-li-lê mới là địa điểm mà Đức Ki-tô Phục sinh hẹn gặp những người “anh em của Chúa”. Chỉ ở trong căn phòng đóng kín hàn huyên với nhau về niềm vui gặp Chúa phục sinh, như thế là chưa đủ. Vừa trỗi dậy từ cõi chết, Ngài đã lập tức đi trước các ông đến nơi mà Ngài đã cùng với họ rong ruổi suốt ba năm trời để loan báo Nước Trời; công cuộc đó, Ngài đã hoàn tất trên thập giá và bây giờ tới lượt họ, họ sẽ được sai đi để “làm cho muôn dân cũng trở thành môn đệ” để qui tụ họ thành Dân mới trong Nước Trời.

Mời Bạn: Điểm hẹn Ga-li-lê mà Chúa Ki-tô phục sinh mời gọi bạn và tôi đến chính là môi trường sống hằng ngày của chúng ta. Đó chính là ‘nơi’ mà chúng ta, những môn đệ của Ngài, được sai đi để làm cho muôn dân cũng trở thành môn đệ. Bạn và tôi sẽ hiện thực hy tế thập giá ban ơn cứu độ của Đức Ki-tô bằng cách nào nếu không phải là bằng chính đời sống hiến thân phục vụ của mình?

Sống Lời Chúa: Điểm hẹn hằng ngày của bạn là gặp Chúa Ki-tô nơi bí tích Thánh Thể và gặp gỡ phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Đấng phục sinh, xin cho con trung thành tìm gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể, và trong việc phục vụ tha nhân, để con có thể mời gọi nhiều người đến gặp Chúa!

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Chúa đã dẫn đưa anh em vào đất chảy sữa và mật, ước gì lề luật Chúa hằng ở trong miệng lưỡi anh em – Alleluia.

Hoặc đọc:

Chúa đã từ cõi chết sống lại, như lời Người đã phán: Tất cả chúng ta hãy hân hoan vui mừng, vì Người thồng trị muôn đời – Allêluia.

Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng bí tích thánh tẩy để ban cho Giáo Hội sinh thêm nhiều con cái là các anh chị em tân tòng. Xin cho đời sống của họ luôn biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của bí tích thánh tẩy họ vừa lãnh nhận với tất cả lòng tin. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-32

“Thiên Chúa đã cho Ðức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này:

“Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Ðavít đã nói về Người rằng:

‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa’.

“Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con. Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”.

Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.

Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 28, 8-15

“Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.

Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của toàn thể dân Chúa khắp trần gian; Chúa đã kêu gọi chúng con tin theo Chúa và cho được tái sinh trong bí tích thánh tẩy, xin cũng dẫn dắt chúng con về cõi phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I

Ca hiệp lễ

Chúa Kitô một khi từ cõi chết sống lại, thì không còn chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa – Alêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin tuôn đổ xuống lòng tín hữu ơn dồi dào của mầu nhiệm Vượt Qua. Chúa đã đưa chúng con vào đạo thánh Chúa là con đường dẫn tới ơn cứu độ muôn đời, xin giúp chúng con biết đáp đền cho cân xứng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỪNG GIỮ THẦY LẠI! (Mt 28, 8 -15)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Để diễn tả niềm tiếc thương với người mới chết, nhất là người quá cố ấy là cha, mẹ, anh chị em hay con cháu của chúng ta, thường chúng ta hay ra mộ để cắm nhang, đốt nến… rồi khóc lóc thảm thiết… Hành vi này là lẽ thường tình và nó cũng rất nhân văn! Qua nghĩa cử này, người ta vừa biểu lộ niềm tiếc thương, vừa diễn tả tâm tình biết ơn với người đã khuất.

Cũng trong tâm trạng ấy, nên hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc các phụ nữ đi ra mộ để khóc thương và xức thêm dầu thơm vào xác Chúa. Họ là những người đã từng lặn lội theo Đức Giêsu trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, vì thế, tình cảm Thầy và trò thật thắm thiết, keo sơn, nên chuyện đi ra mộ để làm những việc trên là chuyện đương nhiên nơi một người có lòng mến…

Tuy nhiên, những gì diễn ra trước mắt các bà khi các bà đi ra mộ và chứng kiến đã là điều bất thường và không khỏi ngỡ ngàng! Ngôi mộ thì trống; xác thì mất; lại xuất hiện các thiên thần kèm theo lời loan báo giật gân: Chúa đã sống lại! Sự hốt hoảng, hoang mang chen lẫn vui mừng đang mãnh liệt xâm chiếm tâm hồn các bà.

Khi các bà còn đang quá bối rối, thì Đức Giêsu đã hiện ra với các bà và cất lên tiếng nói thân thương hồi nào: “Chào chị em!”. Khi nhận ra Chúa, các bà hết đỗi vui mừng và sụp lạy Ngài. Hành vi này cho thấy thái độ trân trọng, yêu mến và tôn thờ mà các bà dành cho Đức Giêsu. Thái độ này đi ngược hẳn với những động thái của nhóm Thượng tế và Kỳ mục! Họ là những người vốn đã có kế hoạch xóa sổ con người Giêsu cũng như những ảnh hưởng của Ngài trên dân chúng và trong xã hội. Vì thế, họ lại tiếp tục đưa ra những kế sách mới, vu khống cho các môn đệ là đang đêm đến lấy xác Đức Giêsu và loan tin đồn là Ngài đã sống lại!

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, vì thế, Đức Giêsu đã hiện ra trực tiếp với các phụ nữ và trấn an các bà. Đồng thời ngay lập tức, Ngài muốn cho các bà vượt qua tâm lý, tình cảm tự nhiên, để đi đến một tình cảm trưởng thành và một tình yêu sứ vụ. Vì thế, Ngài nói: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.

Sứ điệp của Đức Giêsu trao ban cho các phụ nữ cũng chính là sứ điệp cho mỗi người chúng ta hôm nay, đó là: sống và loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho mọi người, mọi nơi và mọi lúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết như mẫu gương của các phụ nữ hôm nay. Xin Chúa giúp cho chúng con khi đã yêu mến và tin tưởng vào Chúa, thì cũng can đảm ra đi chia sẻ niềm tin ấy cho người khác, để họ cũng gặp được niềm vui cứu độ như chúng con. Amen.

Ý NGHĨA MẦU NHIỆM THÁNH TẨY
(THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa dùng Bí Tích Thánh Tẩy mà ban cho Hội Thánh sinh thêm nhiều con cái là các anh chị em tân tòng, xin cho đời sống họ luôn biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy, mà họ vừa lãnh nhận với tất cả lòng tin.

Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống tin tưởng cậy trông, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô đã cho thấy: Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người. Hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện.

Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống tuyên xưng: Đức Kitô đã chết và sống lại, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Cha Mêliton đã nói: Chúa Kitô, vốn là Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm, đã chịu đau khổ thay cho người đau khổ, mang xiềng xích thay cho kẻ bị giam cầm, chịu kết án thay cho phạm nhân, chịu mai táng thay cho người được mai táng, và Người đã sống lại từ cõi chết.

Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống làm chứng rằng: Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật việc thánh Phêrô mạnh dạn làm chứng khi ngài tuyên bố: Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.

Một đời sống biểu lộ ý nghĩa nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy là một đời sống đầy tràn hy vọng được sống lại với Đức Kitô, cho dẫu, thực tế, đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 15, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Đây cũng là tâm trạng của các bà: rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật lại: Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Galilê là miền giáp ranh giữa vùng có đạo và vùng ngoại đạo, cho nên, nơi đây bị coi miền đất của dân ngoại, đầy tối tăm và tội lỗi. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ tại Galilê, đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Galilê là nơi các môn đệ đầu tiên được gọi. Đấng Phục Sinh hẹn gặp các ông tại nơi xuất phát điểm của ơn gọi mình, để các ông bắt đầu lại hành trình làm môn đệ của mình bằng một đời sống mới, với niềm tin tưởng, cậy trông, can đảm làm chứng cho Đấng Phục Sinh đến hy sinh cả tính mạng mình. Đâu là Galilê của chúng ta? Chúa hẹn gặp ta, nơi những biến cố nào để chúng ta tuyên xưng và làm chứng: Chúa đã phục sinh?

NỖI SỢ CỦA ÂN SỦNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”.

Cha William thăm một cô gái sắp mổ mắt. Nỗi sợ phải mù ám ảnh cô! Cô nói với cha, “Ôi, Chúa đang lấy đi thị giác của con!”. Cha xứ nghiêng mình thì thầm, “Đừng để Ngài lấy nó! Hãy dâng nó cho Ngài!”. Khuôn mặt cô gái rạng rỡ, “Con ước ao được như vậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ hãi xen chút vui mừng - dẫu ít ỏi - nơi cô gái trẻ đưa chúng ta về câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Các phụ nữ rời mộ Thầy, vừa “sợ hãi” vừa “vui mừng”. Thật thú vị, hai trạng thái đan xen! Làm sao một người vừa “sợ” lại vừa “vui?”. Chẳng phải sợ hãi luôn xói mòn niềm vui? Chẳng phải niềm vui không triệt tiêu được sợ hãi? Đặt mình vào tâm trạng của các cô, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là trải nghiệm một ‘nỗi sợ của ân sủng!’.

Làm sao có thể không sợ khi thi hài của một người chết nay hiện ra sừng sững trước mặt họ? Làm sao một ‘thây ma’ nay lên tiếng chào họ? Ấy thế, nỗi sợ tự nhiên được thế chỗ bởi niềm vui của ân sủng! “Chào chị em!” tiếng Latin là “Exsultet!”, có nghĩa là “Mừng vui lên!”. Đây cũng là lời Gabriel chào Đức Mẹ trong ngày truyền tin, “Mừng vui lên, đấng đầy ân sủng!”. Giờ đây, không phải là lời của sứ thần nhưng là lời của ‘Chúa các sứ thần’ - lời Đấng Phục Sinh - nói cho cả nhân loại biết rằng, nó đang được đầy ân sủng!

Đây không phải là một nỗi sợ thông thường; đúng hơn, một ‘nỗi sợ của ân sủng’ đầy tôn kính, kinh ngạc và choáng ngợp, gây sốc thánh thiện; và cùng lúc, ngập tràn niềm vui. Bỗng nhiên, một sự hiểu biết chợt đến khiến các cô đầy ắp hy vọng rằng, Thầy đã ra khỏi mồ! Trải nghiệm này cho phép họ tin chắc một điều gì đó rất phi thường vừa mới xảy ra.
Đây còn là một trải nghiệm đáng ao ước nơi bạn và tôi! Ngày Phục Sinh, ‘ngày Chúa biến đổi tôi’, ‘ngày Chúa đã làm ra’, ngày mà tôi hoan hỷ mừng kính trong tám ngày liên tiếp và cao điểm là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Vì thế, trong những ngày này, chúng ta sẽ cố gắng ‘cùng trải nghiệm một kinh nghiệm’ mà các phụ nữ thánh thiện ấy đã trải qua. Rằng, Chúa Giêsu không còn trong mộ và tôi cũng đã ‘ra khỏi mồ’ với Ngài. Hãy chìm sâu vào mầu nhiệm Phục Sinh; học biết nó đúng như ý nghĩa tràn đầy của nó! Ngài đã tiêu diệt tội lỗi, huỷ diệt cái chết, sự ác; đồng thời, đang huỷ diệt tội lỗi của tôi, ban cho tôi sự sống mới trong sức mạnh Phục Sinh của Ngài. Không thể tuyệt vời hơn!

Kính thưa Anh Chị em,

“Tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”. Chúa Phục Sinh ước ao bạn và tôi có được trải nghiệm ấy mỗi ngày trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, trong những con người, trong các biến cố. Ngài ‘đón đường’ từng người chúng ta, nói với mỗi người rằng, “Mừng vui lên!” vì cả vũ trụ này đang được đổi mới; và nhất là, ‘Con đang được đổi mới!’. Như các phụ nữ, bạn hãy cam kết một điều, chúng ta phải ‘ra khỏi nhà’, ‘ra khỏi mồ’, ra khỏi những gì thuộc tầm thấp, ra khỏi những ước muốn thế tục; nhờ đó, có thể nhận ra ‘Đấng đón đường’ đầy yêu thương, quyền năng. Được như thế, chúng ta mới thật sự trải nghiệm ‘nỗi sợ của ân sủng’ đáng ao ước mà Đấng Phục Sinh mang lại, cũng là Đấng sai đi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết ‘chìm sâu vào trong’ mầu nhiệm Phục Sinh; nhờ đó, con có thể ‘ra khỏi nhà’, ‘ra khỏi mồ’, được biến đổi và được sai đi!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây