21/12/2023
THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA VỌNG
Thánh Phêrô Canisiô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 1,39-45
ĐỨC MA-RI-A ĐI THĂM BÀ Ê-LI-SA-BÉT
“Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa đến với tôi thế này?” (Lc 1,39-45)
Suy niệm: Thánh Kinh cho biết mỗi cuộc thăm viếng của Thiên Chúa đều mang một sứ điệp Ngài muốn trao gởi cho con người. Nhìn bề ngoài, việc Đức Ma-ri-a đi thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét chỉ là cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ đang mang thai, nhưng bên trong, lại là việc thai nhi Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, thăm viếng và mang ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an; nhờ đó, Gio-an được khỏi tội nguyên tổ ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Không lạ gì Gio-an diễn tả niềm vui cứu độ ấy bằng cách nhảy lên trong lòng dạ mẹ mình. Tựa như bất cứ người mẹ nào, Bà Ê-li-sa-bét cũng cảm nhận được đứa con trong bụng vui sướng nhảy lên, để rồi cùng với ơn soi sáng của Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng diễn tả hạnh phúc được người em họ mình, Thân mẫu Chúa, đến viếng thăm, ca ngợi Đức Ma-ri-a và Thai nhi Giê-su.
Mời Bạn: Chỉ còn ít ngày nữa thôi, mầu nhiệm Giáng sinh được tỏ hiện. Những cảm nhận, tán tụng công trình của Chúa nơi hai người phụ nữ trên đây sẽ được sáng tỏ. Mời bạn cùng với Đức Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét chuẩn bị tâm hồn đón nhận hồng ân ban cho nhân loại.
Sống Lời Chúa: Phải chăng bầu khí Giáng sinh rộn rịp, việc trang hoàng năm nay như mọi năm khiến ta mất cảm giác vui mừng đích thực. Hãy tìm khoảng lặng để suy ngắm thêm tại sao Mẹ Ma-ri-a lại vất vả đi thăm người chị họ, đem lại niềm vui cho cả gia đình?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thinh lặng ngắm nhìn Hài nhi Giê-su, “Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính” mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người và ở giữa chúng con. Amen.
Ngày 21 Tháng 12: (O Orient) Ôi Ánh Hừng Đông vĩnh hằng, Mặt Trời Công chính. Xin đến chiếu giãy trên chúng con, những kẻ đang ngủ mê trong bóng đêm của sự chết. Trong Tin Mừng, Chúa đã chữa lành cho những người mù, và khi đón nhận ánh sáng, họ đã nhận ra Chúa là Đấng đã cứu họ khỏi bóng tối mù loà, Đấng đến để ban ánh sáng cứu độ cho nhân loại. Chúa là Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Xin cho chúng con biết chỗi dậy từ trong bóng tối tội lỗi, để chúng con được ân thưởng phúc trường sinh, khi Chúa trở lại đầy uy quyền rực rỡ. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA VỌNG
Ca nhập lễ
Chúa là Đấng hiển trị gần đến, tên Người là Em-ma-nu-en, vì Người là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được hân hoan vì Con Một Chúa giáng sinh làm người. Giờ đây, xin nhận lời dân Chúa cầu khẩn cho chúng con được ân thưởng phúc trường sinh, khi Con Chúa trở lại đầy uy quyền rực rỡ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Dc 2, 8-14
“Ðây người tôi yêu đến, nhảy qua núi”.
Bài trích sách Diễm Ca.
Tiếng người tôi yêu, đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví tựa hươu con. Ðó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song.
Này người tôi yêu nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa, vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!
“Bồ câu ta trong hốc đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài này: Xp 3, 14-18a
“Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi”.
Trích sách Tiên tri Xôphônia.
Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen! Israel hỡi, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và hết lòng hân hoan!
Chúa đã rút án phạt ngươi, đã xua đuổi quân thù. Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi, ngươi không còn lo sợ tai hoạ nào. Ngày ấy có tiếng bảo Giêrusalem: đừng sợ! và Sion, chớ buông thả đôi tay! Chúa là Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi, sẽ sung sướng vui mừng vì ngươi, sẽ thinh lặng trong niềm mến thương ngươi, sẽ hân hoan chúc mừng ngươi, như trong ngày đại lễ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 11-12. 20-21
Ðáp: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới!
Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
Xướng: Ý định của Chúa tồn tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Xướng: Linh hồn chúng ta mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người..
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Lạy Vầng Ðông, là ánh sáng muôn dân và là mặt trời công chính, xin hãy đến chiếu soi những kẻ ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết! – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 39-45
“Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội bánh và rượu này, để Giáo Hội dùng làm của lễ dâng lên Chúa; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận, và dùng quyền năng biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng mùa vọng II
Ca hiệp lễ
Em thật diễm phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói cho em biết.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, ước gì bí tích Thánh Thể chúng con vừa lãnh nhận hằng gìn giữ chúng con, giúp chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa và đem lại cho hồn xác chúng con ơn cứu độ dồi dào. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
VIẾNG THĂM BÀ ELIZABETH (Lc 1,39-45)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
1. Vừa mang thai Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a đã vội vã đi thăm bà Elizabeth. Đức Mẹ vừa vào nhà thì việc lạ đã xảy ra: hài nhi Gioan đã nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth! Được Chúa Thánh Thần soi sáng bà đã cất tiếng ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Lãnh sứ mạng sinh Chúa Cứu Thế, Đức Ma-ri-a đã nghĩ ngay đến người khác. Mẹ đem Chúa đến cho thân nhân, Mẹ thực thi bác ái trọn hảo. Và theo lời bà Elizabeth, Mẹ nêu gương lòng tin tuyệt vời vào Lời Chúa phán hứa. Chính nhờ niềm tin vững mạnh đó mà Mẹ đã được Thiên Chúa chọn sinh Đấng Cứu Thế.
2. Phải có tinh thần biết chia sẻ cho người khác.
Sau khi đón nhận tin cưu mang Đấng Cứu thế, Đức Ma-ri-a đã vội vàng đi thăm gia đình Giacaria để chia sẻ niềm vui trong gia tộc. Mẹ ra đi loan truyền niềm vui cho bà chị họ và đem Đấng Cứu Thế đến cho Gio-an Tẩy Giả. Vì thế, thai nhi nhảy mừng trong lòng mẹ như là lời đáp trả được đón nhận niềm vui cứu độ mà Tin Mừng đã trình bày. Ma-ri-a đã đem lại niềm vui cho gia đình bà chị họ và cũng tạo thêm cho chính Mẹ niềm vui, niềm vui chờ đón Con Mẹ khi dấn thân phục vụ mà Mẹ đã biểu lộ qua lời ca Magnificat.
Con người không những cần được cung cấp của ăn thức uống cho thân thể, nhưng còn phải được chia sẻ tâm tình trong cuộc sống. Đúng là: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Chúng ta củng phải theo gương Đức Mẹ mà biết chia sẻ cho ngưới khác vì như người ta nói: “Niềm vui mà được chia sẻ thì tăng lên gấp bội, còn nỗi buồn mà được chia sẻ thì được giảm đi một nửa”.
3. Ảnh hưởng hỗ tương của việc thăm viếng.
Khi chúng ta thăm viếng một người nào, chúng ta tự nhận thấy là mình đang làm một việc tốt đẹp cho người đó. Đó là sự thật. Nhưng chúng ta cũng được lợi cho mình nữa.
Khi thăm viếng, Ma-ri-a đem đến cho ông bà Giacaria và Elizabeth niềm vui và sự phục vụ, đồng thời chính Ngài lại đón nhận được sự nâng đỡ về tinh thần: Ngài thêm xác tín về lời sứ thần khi thấy bà chị họ hiếm muộn mà bây giờ đã có thai. Ngài ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm được làm Mẹ Đấng Thiên Sai, nay đã được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ biết. Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà Elizabeth đã động viên Ngài cất lên lời ngợi khen cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong kinh ngợi khen Magnificat.
4. Đức Ma-ri-a, mẫu gương của bác ái.
“Đức Ma-ri-a đã vội vã ra đi lên miền núi”: điều đó nói lên sự nhiệt tình của Đức Ma-ri-a trong việc đi thăm viếng, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ gia đình bà chị đang bối rối vì mang nặng đẻ đau. Dù phải đi bộ đến ba, bốn ngày đường xa xôi hiểm trở cũng không ngăn cản nổi gót liễu yếu đào tơ đầy lòng thương mến của Ngài.
Dầu Đức Ma-ri-a có nhiều lý do để không ra đi, không tiến hành cuộc hành trình: nào là từ nay phải giữ gìn sức khỏe nhằm lợi ích cho thai nhi. Nào là đường đi xa xôi, nguy hiểm, lại phải mất ba bốn ngày mới tới nơi. Lộ trình này có nhiều rủi ro nguy hiểm, nhất là cho thân gái dậm trường. Trước những trở ngại này và thêm vào đó không có một chỉ thị nào về phía Chúa bảo phải đi, để Ma-ri-a có lý do từ chối.
Những lý do trở ngại ấy không cản bước được Đức Ma-ri-a. Người ta dễ dàng né tránh lời mời gọi của bác ái, nại đến những lý do ít nhiều chính đáng. Nhưng lòng quảng đại của Đức Ma-ri-a phá tan mọi chần chừ, lưỡng lự để vội vã lên đường. Đúng là tình yêu mạnh hơn sự chết.
5. Truyện: Lòng bác ái của bác sĩ Longet.
Bác sĩ Longet là một người Pháp, đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Doley, người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc các bệnh nhân bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày lẫn đêm.
Được hỏi tại sao ông quý mến bệnh nhân như thế?
Bác sĩ Longet đáp:
– Vì tôi thấy Chúa Giê-su trong mỗi bệnh nhân.
Chính vì thế, mỗi sáng khi đi dự thánh lễ, bệnh nhân lương hay giáo, ai muốn đi ông đều chở trên xe; mỗi chiều Chúa nhật, ông lại chở các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ. Và mỗi tối ông lần hạt chung với người Công giáo. Ít lâu sau, ông Longet trở về nước Pháp, vào chủng viện dâng mình làm Linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức xong, ông lâm trọng bệnh và qua đời trước khi tới nơi hằng mong ước.
XIN ĐƯỢC ÂN THƯỞNG KHI CHÚA LẠI ĐẾN
(Ngày 21 tháng 12)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã làm cho chúng ta được hân hoan vì Con Một Chúa giáng sinh làm người. Giờ đây, xin Chúa nhậm lời chúng ta cầu khẩn, mà cho chúng ta được ân thưởng phúc trường sinh, khi Con Chúa trở lại đầy quyền uy rực rỡ.
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia đã cho thấy: Có lúc Thiên Chúa đã khóc thương dân Người, vì họ đã không trung thành với giao ước, mà đánh mất hạnh phúc, tuy nhiên, không vì thế mà, những lời hứa của Chúa hóa ra vô hiệu, trái lại, lòng thương của Người còn mạnh mẽ hơn: Người sẽ ngự đến giải cứu họ, và cho họ từ khắp nơi lưu đày trở về quê hương xứ sở, như ngôn sứ Isaia đã kêu gọi: Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy ca hát tưng bừng, vì Thiên Chúa chúng ta sẽ ngự đến. Đức Chúa sẽ chạnh lòng thương xót những kẻ nghèo khổ của Người.
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô đã chú giải đoạn Tin Mừng Đức Maria đi thăm bà Êlisabét, để cho thấy: việc Thiên Chúa ngự đến viếng thăm Dân Người: Bà Êlisabét là người đầu tiên nghe tiếng nói, nhưng, Gioan lại là người đầu tiên cảm nhận được ân sủng. Bà mẹ nghe theo lẽ tự nhiên, nhưng, cậu con lại nhảy mừng vì lẽ mầu nhiệm. Bà mẹ đón nhận Đức Maria đến thăm, còn người con lại cảm thấy Chúa ngự đến.
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, tác giả sách Diễm Ca đã cho thấy: Chúa sẽ ngự đến qua hình ảnh: Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 32, vịnh gia đã kêu gọi: Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, nào dâng Chúa một khúc tân ca. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.
Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là lời kêu xin tha thiết: Muôn lạy Đức Emmanuen, Đấng nắm giữ vương quyền và ban hành luật pháp. Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin ngự đến mà cứu độ chúng con.
Trong bài Tin Mừng, bà Êlisabét hớn hở vui mừng nói: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? “Thân Mẫu Chúa tôi”, người đang mang Con Một Thiên Chúa trong dạ mình đến thăm viếng tôi: Phụ nữ đón tiếp phụ nữ, con trẻ đón tiếp con trẻ. Hai bà mẹ nói với nhau những lời thân ái, còn hai người con thì hoạt động ở bên trong làm cho các bà tăng thêm lòng yêu mến, và nhờ sự kỳ diệu này, dưới sự thúc đẩy của hai người con, các bà cất tiếng ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa.
Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa. Không phải vì Thiên Chúa có thể thêm được một cái gì đó, nhờ tiếng con người khen ngợi, nhưng, vì Người được ngợi khen ở nơi chúng ta, bởi vì, chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, vì thế, khi chúng ta làm điều gì công chính và đạo đức, thì chúng ta đang chiếu tỏa dung nhan Thiên Chúa nơi chúng ta. Được chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời, là phần thưởng Chúa hứa ban cho những ai hằng đặt lòng tin tưởng, cậy trông nơi Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết tín thác vào Chúa, để chúng ta sẽ được ân thưởng phúc trường sinh, khi Con Chúa trở lại đầy quyền uy rực rỡ. Ước gì được như thế!
THÂN MẪU CHÚA TÔI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”.
Trong “Growing Strong in the Seasons of Life”, tạm dịch, “Lớn Lên Mạnh Mẽ Bốn Mùa Cuộc Sống”, Charles Rozell Swindoll viết, “Có một số món quà mà bạn có thể tặng trong dịp Giáng Sinh vượt quá giá trị tiền tệ! Đó là chữa lành một cuộc hờn dỗi, gạt bỏ một mối nghi ngờ; nói với ai đó, “Tôi yêu bạn”; âm thầm cho đi một thứ gì đó; tha thứ cho ai đó. Nhưng có một món quà vốn không thể so sánh với bất cứ thứ nào khác mà bạn có thể tặng, đó là “Giêsu, món quà vĩ đại nhất”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Giêsu, món quà vĩ đại nhất” là quà tặng Maria đã đem đến cho gia đình Zacharia! Với trình thuật Thăm Viếng hôm nay, Luca bất ngờ tiết lộ một danh hiệu khác của Đức Mẹ, “Thân Mẫu Chúa tôi”. Danh hiệu này thốt ra từ miệng Elizabeth, người chị họ được ‘lây Thánh Thần’, khi bà chào cô em họ, “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”.
Như vậy, thiếu nữ có tên Maria đó còn có danh hiệu “Thân Mẫu Chúa tôi”. Thánh Kinh nhiều lần nói đến một “thiếu nữ” với những cách nói như “thiếu nữ Sion”, “nhi nữ Israel”, “nữ tử Giêrusalem”. Thật trùng hợp, bài đọc Sôphônia hôm nay viết, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen!”, vì “Chúa là Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi!”. Với Maria, còn hơn ‘ở giữa’, thiếu nữ ấy cưu mang chính “Giêsu”, Con Thiên Chúa, quà tặng cho thế giới.
Nói rằng, Maria, “Thân Mẫu Chúa tôi” khác nào nói Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Danh hiệu “Giêsu, Chúa tôi” làm nổi bật chiều kích cá nhân mối quan hệ của mỗi người chúng ta với Con Thiên Chúa. Nó làm vang vọng cách thức Tôma tuyên xưng Đấng Phục Sinh, “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”. Đó là lời tuyên xưng tuyệt vời với Đấng còn có tên là “Thương Xót”, cũng là Đấng đã hiện ra củng cố đức tin yếu kém của Tôma. Ngài không chỉ là Chúa, Thiên Chúa của Tôma; nhưng còn là “Chúa và là Thiên Chúa” của bạn và tôi!
Khi xưng hô với Chúa Giêsu là “Chúa của tôi”, như Maria, chúng ta cho phép Ngài làm Chúa đời mình, làm chủ cuộc sống độc nhất và không thể lặp lại của mình. Như Maria, mang Giêsu cho người chị họ, mỗi chúng ta cũng mang Giêsu trao tặng tha nhân. Và như Elizabeth đã gọi Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi”, chớ gì những người chúng ta gặp gỡ cũng nhận biết bạn và tôi là “Thân Mẫu Chúa tôi” khi chúng ta tặng trao Giêsu cho họ.
Kính thưa Anh Chị em,
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Ước gì tất cả những ai chúng ta thăm viếng, hay những ai gặp gỡ chúng ta có thể nhận được nhiều hơn trong lễ Giáng Sinh này! Nhiều hơn “một cuộc hờn dỗi được chữa lành”, nhiều hơn “một mối nghi ngờ được gạt bỏ”; nhiều hơn “một lời thì thầm ‘Tôi yêu bạn’”; nhiều hơn “một thứ gì đó được âm thầm cho đi”; nhiều hơn “một ai đó được tha thứ!”. Nghĩa là họ sẽ nhận được “Giêsu, món quà vĩ đại nhất” khi bạn và tôi trở nên những “Thân Mẫu Chúa tôi” cho họ! Maria, nhà truyền giáo đầu tiên mang tặng “Giêsu” đã thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại; thì cả chúng ta, hãy là một nhà truyền giáo ra đi tặng trao Giêsu để góp phần thay đổi lịch sử thế giới. Tại sao không? Tất cả của cải trần gian đều trở nên thứ yếu so với “Giêsu!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ‘bốn mùa còi cọc’ khi thiếu ‘sự sống Giêsu’; và như vậy, thế giới này vẫn mãi còm cõi, một phần vì con không biết tặng trao nó “Món Quà” cứu độ này!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn