TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG

Thứ hai - 04/12/2023 13:04 |   725
“Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,11-15)

14/12/2023
THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG
Thánh Gioan Thánh giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

t5 t2 MVb

Mt 11,11-15


cuộc chiến đấu thiêng liêng
“Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,11-15)

Suy niệm: Wendell Philips mô tả cuộc đời Ki-tô hữu ở trần thế như sau: “Ki-tô giáo là một cuộc chiến đấu chứ không phải là một giấc mơ”. Ông họa lại lời Chúa Giê-su hôm nay bằng kinh nghiệm theo Chúa của mình. Không có chiến thắng cho những người vừa lâm trận đã đầu hàng; không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát; và phải là người mạnh sức mới chiếm được Nước Trời. Sức mạnh ở đây không là sức mạnh hay thế lực thế gian, nhưng là sức mạnh của Thiên Chúa. Các nhân vật lớn trong Kinh Thánh thường nài xin được ơn sức Chúa ban để giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Thánh Phao-lô chia sẻ: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13). Sức mạnh thiết yếu và nguồn sống cho mọi Ki-tô hữu chính là sức mạnh của Đức Ki-tô phục sinh, Đấng chiến thắng sự dữ và sự chết.

Mời Bạn: Bạn được tham dự vào thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô phục sinh khi lãnh bí tích Thánh Tẩy, được sống nhờ sự sống của Ngài khi rước lễ, vậy bạn có sử dụng sức mạnh Ngài ban để chiến đấu chống trả mọi cám dỗ không?

Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cho người khác kinh nghiệm chống trả tội lỗi.

Sống Lời Chúa: Sau khi rước Chúa vào lòng, bạn nài xin Chúa ban cho bạn ơn sức mạnh để chống trả một thứ tội nào đó đang hoành hành trong đời bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con xin dâng trọn con người yếu đuối, dễ sa ngã của con cho Chúa, để con hoàn toàn thuộc về Chúa, sống bằng ơn Chúa ban, nhờ đó, cuộc đời con là dấu chỉ sức mạnh của Chúa Phục Sinh.

Thứ Năm MV II: Lạy Chúa! Chúa nói: chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Ông là ngôn sứ, là người dọn đường cho Chúa. Chúa là Lời, còn ông chỉ là tiếng; Chúa là vũ công, còn ông chỉ là vũ điệu. Xin cho chúng con có được lòng khiêm nhường như ông Gioan, biết ở đúng vị trí của mình, để chúng con có thể kín múc được sức mạnh của Chúa mà chiếm lấy Nước Trời, một sức mạnh khiêm nhường, âm thầm, nhỏ bé như hạt cải, nắm men. Xin thôi thúc tâm hồn chúng con lo dọn đường cho Chúa đến, để nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Chúa, lòng trí chúng con được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ở gần bên, đường lối Chúa đều là chân lý. Nhờ Chúa thương chỉ dạy, từ lâu con đã hiểu: Chúa tồn tại muôn đời

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin thôi thúc tâm hồn chúng con lo dọn đường cho Con Một Chúa, để nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Người, lòng trí chúng con được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa. Chúng con cầu xin

Bài Ðọc I: Is 41, 13-20

“Ta là Ðấng Thánh của Ít-ra-en, Ta là Ðấng Cứu Chuộc ngươi”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.

Hỡi con sâu Gia-cóp, hỡi dân Ít-ra-en, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Ít-ra-en, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Ít-ra-en.

Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.

Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1 và 9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng

Xướng: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con trong bình an, để tâm hồn chúng con được hoàn toàn vui mừng trước nhan Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 11-15

“Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng dân chúng rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gio-an Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gio-an và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gio-an là Ê-li-a, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho thánh lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiẽn, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin

Lời tiền tụng Mùa Vọng I

Ca hiệp lễ

Chúng ta hãy sống công chính và đạo đức ở thế gian này, trong khi đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Chúa cao cả xuất hiện vinh quang.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin

Suy niệm

CHÚA KHEN GIO-AN TẨY GIẢ (Mt 11,11-15)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Gio-an Tẩy Giả từ trong ngục tù đã sai các môn đệ đến phỏng vấn Đức Giê-su có phải là Đấng Cứu Thế không. Sau khi đã trả lời, Đức Giê-su khen và so sánh Gio-an Tẩy Giả với mọi người thì Gio-an cao trọng hơn hết, vì ông đã giúp dọn đường cho Chúa đến cứu nhân loại, đã làm phép rửa giúp mọi người thống hối. Nhưng nếu so sánh Gio-an với người ở trong Nước Trời, thì người nhỏ nhất trong nước này còn cao trọng hơn ông: phần thưởng ở đó rất lớn lao vì luôn có Chúa hiện diện.

2. Đức Giê-su khen Gio-an Tẩy Giả về chức vụ tiền hô của ông vì ông đã thi hành rất hoàn hảo. Ông là người cao trọng hơn tất cả mọi người phàm từ trước tới nay, vì ông được vinh dự dọn đường cho Đấng Cứu Thế, và khi Ngài đến, ông còn được vinh dự giới thiệu Ngài cho mọi người biết.

Quả vậy, sánh với đạo cũ, ông là tiên tri trọng hơn các tiên tri vì ông đã giúp vào việc dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra đời gần hơn các tiên tri khác, và vì ông đã được thấy Chúa cũng như các việc Người làm.

Nhưng ông vẫn là người thuộc đạo cũ, bởi vậy, tuy là trọng nhất trong các tín đồ đạo cũ, nhưng lại nhỏ hơn hết sánh với các tín đồ thời đạo mới, vì trong luật đạo mới Thiên Chúa ban các ân huệ cao quí cho loài người cách rộng rãi hơn.

2. “Cuộc lữ hành khám phá thật sự không phải là nhìn những cảnh tượng mới, nhưng là nhìn bằng đôi mắt mới” (M. Proust).

Gio-an Tẩy Giả đi trước dọn đường với lòng nhiệt thành nóng bỏng như Ê-li-a ngày nào, rồi Đức Giê-su xuất hiện với quyền năng của Đấng Cứu Thế, y như cảnh tượng các tiên tri loan báo từ xa xưa. Thế nhưng, người Do thái chỉ quen nhìn với đôi mắt cũ: Đấng Cứu Thế phải đáp ứng mong mỏi của họ, phải là người giải phóng họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma. Vì thế, họ khước từ Gio-an, người Thiên Chúa sai đến. Họ cũng chối bỏ Đức Giê-su, không chấp nhận tư cách Thiên Sai của Ngài. Với đôi mắt cũ, họ không nhận ra sự thật, một “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32) (5 phút Lời Chúa).

3. Có câu: Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”.

Người ta chỉ có thể chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh. Chúng ta có thể hiểu câu này bằng hai cách:

– Ai muốn vào Nước Trời thì phải dũng cảm chiến đấu với bản thân. Muốn vào Nước Trời để nên cao trọng thì phải can đảm chiến đấu với ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt.

– Những người ở trong Hội thánh luôn luôn bị người đời chèn ép và chống đối, người ta dùng áp lực để ngăn cản việc gia nhập Nước Trời, nên ai mạnh sức thì mới vượt thắng được những cản trở để vào Nước Trời.

4. Theo đó, người ta phải can đảm mới chiếm được Nước Trời.

Thánh Gio-an Tẩy Giả là người quả cảm không bao giờ chịu lùi bước và chịu thua sự dữ. Ông dám can đảm ngăn cản vua Hê-rô-đê không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình. Ông đã từ bỏ mọi sự, sống đời khó nghèo và sám hối trong hoang địa. Và sau cùng đã chịu cho người ta chặt đầu bỏ trên đĩa.

Đức Giê-su đã từng bảo chúng ta: Muốn vào được Nước Trời phải “qua cửa hẹp”.

Khi Đức Giê-su nói về cửa hẹp, Ngài muốn ám chỉ việc từ bỏ, từ bỏ hết mọi của cải trần gian, từ bỏ những gì cản bước chúng ta trên đường theo Chúa. Bước qua cửa hẹp còn có nghĩa là giữ và sống Lời Chúa, thi hành giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh. Bước qua cửa hẹp còn là nhìn vào chính con người của mình như thể Thiên Chúa nhìn chúng ta bước đi dưới con mắt của Ngài, vì biết rằng Chúa luôn luôn làm chủ cuộc sống của ta.

5. Truyện: Muốn vào hàng trai tráng.

Trong nhiều bộ lạc Da Đỏ Mỹ Châu, họ hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng. Người ta tổ chức như sau: Khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.

Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rợn rùng. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của con chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.

Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút lui. Bầu trời từ từ bừng sáng. Nỗi sợ hãi của đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: “Bố đã trở lại”. Người cha sẽ hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.

Để trở thành chiến binh anh dũng trên mặt trận đức tin, lắm khi chúng ta cũng phải chấp nhận biết bao thách đố trong bóng đêm cuộc đời. Những đe dọa của sự dữ, gầm rú của đau khổ, rình chờ của xác thịt như những phương thế giúp tinh luyện lòng ta thêm can trường dũng mãnh. Và trong suốt chiều dài của bóng đêm đó, dù ta có ý thức hay không, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh dõi mắt trông nhìn chúng ta.

LẮM PHÚC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”.

Trong đoản thơ “Shadows”, “Những Chiếc Bóng Đổ”, tác giả chia sẻ, “Thật tuyệt vời khi bạn chạy và ‘những chiếc bóng đổ’ chạy! Khi bạn hạnh phúc, ‘những chiếc bóng đổ’ reo ca; khi bạn ngân nga, ‘những chiếc bóng đổ’ nhại lại. ‘Những chiếc bóng đổ’ chạy theo khi cuộc sống của bạn ngập tràn ánh nắng và hân hoan. Bạn quả là ‘lắm phúc!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu nữ thi sĩ Martha Wadsworth không tiếc lời để nói về ‘những chiếc bóng đổ’ của một người mẹ, thì với Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm điều tương tự với Gioan Tẩy Giả, người Ngài ngưỡng mộ. Tuy nhiên, Ngài bất ngờ kết luận, “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Vậy sẽ có người ‘lắm phúc’ hơn Gioan?

Đúng thế! Chúa Giêsu thường ít khen ai ngoài một vài đối tượng có lòng tin mạnh! Dẫu vậy, ở đây, Ngài nức tiếng khi nói về Gioan, “Trong trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan!”. Ngài coi Gioan như đại ngôn sứ Êlia tái thế, người dọn đường cho Đấng Messia. Nhưng bất chợt, Ngài đảo ngược nhận định khi nói về “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. Tại sao? Hạng nhỏ nhất này là ai? Nước Trời ở đây là gì?

Những kẻ nhỏ nhất ở đây là những người ‘lắm phúc’ hơn Gioan; trong đó có chúng ta. Một ngạc nhiên đầy thú vị! Rõ ràng, Gioan vĩ đại, nhưng sự vĩ đại của Gioan chỉ để chuẩn bị cho một Đấng Vĩ Đại. Gioan ‘biết’ Ngài, nhưng không biết Ngài về sau, sẽ làm gì! Gioan chỉ tay về phía Chúa Giêsu và nói cho các đồ đệ, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”, nhưng Gioan không sống để chứng kiến ​​‘sự xoá tội’ của Ngài bằng cách nào! Giao Ước mới được đóng ấn bằng máu Chúa Kitô trên thập giá, Gioan chưa bao giờ nhìn thấy điều đó; Gioan cũng chưa bao giờ hoàn toàn là môn đệ của Ngài. Gioan không thể chia sẻ sự sống dồi dào được giải thoát qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô như mọi Kitô hữu có đức tin có thể làm.

Không hưởng nhận Thánh Thần của Chúa Kitô, Gioan mù tịt về Giáo Hội; đang khi chúng ta được ngụp lặn giữa biển ân sủng. Gioan không biết Vương Quốc Chúa Kitô thiết lập là gì, Nước Trời, và những ai thuộc về nó. Và Nước Trời không gì khác, chính Ngài! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói những điều đó.

Kính thưa Anh Chị em,

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Những gì Gioan không biết lại là những gì chúng ta đang trải nghiệm. Được Thánh Thần tưới gội qua phép Rửa Tội và các Bí tích, chúng ta sống trong hiện diện tràn đầy của Đấng thiết lập các Bí tích. Bên cạnh đó, chúng ta sở hữu Phúc Âm, các thư Phaolô và các tài liệu làm nên Tân Ước vốn là Lời Hằng Sống. Như vậy, chúng ta ‘lắm phúc’ hơn Gioan bội phần; không vì làm được nhiều, nhưng được ban thật nhiều! Rõ ràng, bạn và tôi không hề tầm thường chút nào. Vậy, hãy sống cho xứng tầm với ân sủng, mang lấy sức mạnh của Thần Khí để dám sống, dám nói và dám chết như Gioan hầu có thể làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và mở rộng Vương Quốc Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con là ‘chiếc bóng đổ’ của Chúa. Những ngày Mùa Vọng, cho con biết chia sẻ ân phúc, nụ cười và ‘ánh nắng’ cho những ai ‘vận xúi, vô phúc!’”, Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Thánh giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Phần tôi, ước gì tôi được khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ đó mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gio-an linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin ban cho chúng con hằng biết noi gương sáng của người để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận của lễ chúng con dâng trong ngày kính thánh Gio-an linh mục và ban cho chúng con biết lấy cả cuộc đời diễn tả mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô mà chúng con đang cử hành. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho mầu nhiện thập giá sáng chói cách lạ lùng trong cuộc đời thánh Gio-an linh mục. Xin ban cho chúng con vừa được hy lễ này bồi dưỡng, biết trọn niềm gắn bó với Chúa Kitô, và không ngừng hoạt động trong Hội Thánh cho anh em được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin...

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Gioan Thánh Giá qua đời ngày 14 tháng 12 năm 1591, được phong chân phước năm 1675 và phong thánh năm 1726. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên phong tiến sĩ Hội Thánh năm 1926.

Thánh Gioan Thánh Giá tên thật là Juan de Yepes, sinh năm 1542 tại Fontiveros, miền Cổ-Castille (Tây Ban Nha), là con thứ ba của một gia đình quí tộc nghèo. Mẹ ngài là bà Catalina, người Do Thái, và cha ngài là ông Gonzales de Yepes, thuộc dòng dõi quí tộc.

Mồ côi cha từ năm lên 10, Juan học nghề dệt với mẹ, sau đó đi làm nghề săn sóc bệnh nhân ở Medina del Campo. Từ năm 1559 đến 1563, ngài học ở trường trung học của các cha Dòng Tên ở Medina, và năm 1563, khi 21 tuổi, ngài vào Dòng Carmel với tên gọi Gioan Thánh Máthias. Từ 1564 đến 1567, ngài theo học ở đại học Salamanque, là đại học quan trọng nhất của thế giới Kitô giáo thời bấy giờ. Ngài học Kinh Thánh, các Giáo Phụ và thần học kinh viện. Sau khi thụ phong linh mục (1567), ngài gặp Têrêxa Avila và cộng tác với thánh nữ trong việc cải cách dòng Carmel cho tới khi thánh nữ Têrêxa Avila qua đời năm 1582. Được thánh nữ dẫn đưa vào việc canh tân theo ý muốn của thánh nữ cho các nữ tu cũng như các thầy dòng, Thầy Gioan, từ đây gọi là Gioan Thánh Giá, lên đường đi Duruelo, tại đây khai sinh một cộng đoàn mới của các tu sĩ Carmel cải cách (sau này cũng gọi là các tu sĩ Carmel nguyên thuỷ, các tu sĩ không mang giày), khấn hứa tuân giữ luật dòng nguyên thuỷ. Đây là một sự trở về nguồn: suy niệm Kinh Thánh, cầu nguyện chiêm niệm, giữ thinh lặng, sống bác ái và phục vụ Giáo Hội. . .

Từ năm 1569 đến 1572, Gioan Thánh Giá dấn thân cho việc đào tạo các tu sĩ Carmel cải cách, và năm 1571, ngài theo thánh nữ Têrêxa đi lập nhà dòng Alba ở Torme. Từ 1572 đến 1577, ngài làm tuyên uý và cha giải tội cho tu viện Nhập Thể ở Avila, nơi thánh Têrêxa được chọn làm tu viện trưởng. Nhưng Dòng Carmel – phái theo luật rộng – âm mưu quyết liệt chống lại thánh Gioan Thánh Giá và các tu sĩ cải cách. Đêm ngày 2 tháng 12 năm 1577, Gioan bị cưỡng bức ra khỏi tu viện Nhập thể và bị nhốt vào xà lim trong tu viện của phái theo luật rộng ở Toledo.

Bị coi như kẻ phản loạn, bị nhục mạ và đánh đập, Thầy Gioan vẫn giữ được sự thanh thản tâm hồn và đã sáng tác những vần thơ thần bí có bề sâu và vẻ đẹp hiếm có: “Người Yêu tôi, Người ẩn ở đâu ?/ Nếu các bạn may phước gặp được Người / Người mà hồn tôi yêu mến / Hãy nói với Người rằng tôi đau khổ và hao mòn, rằng tôi đang chết...”  Nhưng 9 tháng sau (tháng 8 năm 1578), Thầy Gioan trốn thoát được và hay tin cuộc cải cách đã được chấp nhận. Thực vậy, năm 1580, Đức giáo hoàng Grégoire XIII đã thiết lập các tu sĩ không mang giày thành một Tỉnh Dòng độc lập.

Từ 1578 đến 1588, Thầy Gioan làm bề trên ở Andalousie, tu viện phó của tu viện Calvario ở miền nam Tây Ban Nha, giám đốc trường đại học ở Baeza và năm 1581, ngài dự Tổng tu nghị ở Alcala, tại tu nghị này, các tu sĩ cải cách được thiết lập thành một tỉnh riêng, sau đó ngài trở về Avila (tháng 11, 1581), tại đây ngài được gặp Mẹ Têrêxa Avila lần cuối, vì ngày 4 tháng 10 năm 1582, Mẹ Têrêxa qua đời.

Từ 1588 đến 1591, Thầy Gioan Thánh Giá được bổ nhiệm làm thành viên Ban Tham Vấn, thuộc tòa án trọng tài trông coi việc thi hành cuộc cải cách, nhưng Tổng tu nghị Madrid (1591) không giao phó trách nhiệm nào cho ngài. Từ đó ngài bị gạt ra ngoài ngay trong nội bộ công cuộc cải cách mà ngài là người phát động. Ngài bị chính những người trong dòng bỏ rơi, thậm chí bị bách hại, vu khống. Từ Madrid, ngày 6 tháng 7 năm 1591, ngài viết cho Mẹ Marie Nhập thể, tu viện trưởng của các tu sĩ Carmel không mang giày ở Segovia: “Con không cần phải buồn vì những điều xảy đến cho cha, vì nó cũng chẳng gây đau buồn gì cho cha cả… con không cần nghĩ ngợi về điều gì khác, ngoài điều chính yếu này: chính Thiên Chúa sắp đặt mọi sự. Ở đâu không có tình yêu, con hãy mang tình yêu đến đó, và con sẽ đón nhận được tình yêu.” Ngày 10 tháng 8, ngài lui về ẩn dật trong cảnh cô tịch tại Penuela, và bị bệnh sốt kéo dài cho tới cuối đời. Người ta đưa ngài đến tu viện Ubeda để chữa trị, ngài tỏ ra kiệt lực, đau đớn nơi thể xác và tinh thần, nhưng luôn tràn đầy tình thương và an bình. Đêm 13 rạng 14 tháng 12, Thầy Gioan Thánh Giá qua đời thọ 49 tuổi. Ngài xin người ta đọc cho ngài sách Diễm Ca, rồi tắt thở với cây thánh giá trong tay, miệng thì thầm:

“Trong tay Ngài, con phó thác linh hồn con.”

Thế là lời ước mà ngài diễn tả trong các bài thơ của ngài được thể hiện: “Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy, /. . . Hoàn tất đi, nếu người muốn; / Cắt đứt đi đợt tấn công dịu dàng này!” (bài thơ Ngọn lửa bừng cháy). “Ôi đêm tối, ta thích mi hơn là bình minh ! / Ôi đêm tối có sức kết hợp / Người Yêu với người được yêu, / biến đổi người được yêu thành Người Yêu! / . . . Mặt cúi xuống trên Người, / tất cả tan biến hết, tôi trao hiến cho Người” (bài thơ Đêm Tối).

Sản phẩm văn chương của thánh Gioan Thánh Giá gồm những bài thơ và những khảo luận thần bí.

Các bài thơ phần lớn được Thầy Gioan sáng tác trong tù ở Toledo, diễn tả hành trình kinh nghiệm thần bí của ngài, trong đó ngài ca ngợi sự kết hợp tình yêu với Thiên Chúa bằng văn phong trữ tình siêu phàm. Những bài thơ này làm ngài trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Thế Kỷ vàng của Tây Ban Nha. Hãy nhớ lại câu thơ: “Giữa đêm tối, hỡi người yêu, Người ẩn nấp ở đâu ? Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy!

Những tác phẩm thần bí lớn của thánh Gioan Thánh Giá chỉ là những bình luận về các bài thơ của ngài. Cả hai tác phẩm Lên Núi Carmel Đêm Tối đều bình luận về cùng một bài thơ: Giữa màn đêm tối. Quyển Ca Khúc Thiêng Liêng cắt nghĩa bài thơ: Hỡi người yêu, người ẩn nấp ở đâu? Và cuối cùng, cuốn Ngọn Lửa Tình Yêu Bừng Cháy bình luận bốn đoạn thơ của bài Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy, “Bài ca của linh hồn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa”.

Nhờ những khảo luận tột đỉnh này của kho văn chương Kitô giáo, thánh Gioan Thánh Giá được coi là vị “Tiến sĩ thần bí” tuyệt hảo.

Thông điệp và tính thời sự  

Các lời nguyện của phụng vụ nhấn mạnh một đề tài trọng tâm của đời sống và của linh đạo thánh Gioan Thánh Giá: “lòng yêu mến thánh giá” (Lời Nguyện đầu lễ); “những mầu nhiệm cuộc khổ nạn đấng Cứu Thế” (Lời Nguyện trên lễ vật) và “mầu nhiệm thánh giá” (sau Hiệp lễ). Lời Nguyện đầu lễ cũng nhấn mạnh một khía cạnh đặc biệt của lòng yêu mến thánh giá: “sự bỏ mình hoàn toàn”.

– Chúng ta đọc trong quyển Lên Núi Carmel: “Để tâm hồn tới được sự biến đổi siêu nhiên, rõ ràng nó phải đi vào bóng tối (của đức tin) và gạt bỏ tất cả những gì thuộc bản tính cảm giác và lý trí của nó” (ch. IV, 2). Về tình yêu thập giá, vị Tiến sĩ thần bí diễn giải học thuyết của mình như sau trong cuốn Ca khúc Thiêng liêng (36, 35): “Tâm hồn nào thực sự khao khát khôn ngoan thì cũng thực sự khao khát đi vào sâu hơn nữa trong chiều sâu của thập giá, là đường sự sống; nhưng ít người vào được chỗ này. Mọi người đều muốn vào trong chiều sâu của sự khôn ngoan, sự giàu có và hoan lạc của Thiên Chúa, nhưng ít người muốn vào trong chiều sâu của đau khổ và những đớn đau mà Con Thiên Chúa đã phải chịu: có thể nói nhiều người muốn đạt tới đích mà không phải sử dụng con đường và phương tiện dẫn tới đó.”

– Lời Nguyện sau hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin Chúa ban cho chúng ta “luôn luôn sống kết hợp với Đức Kitô, và hoạt động trong Hội Thánh vì phần rỗi anh chị em chúng ta.”

Về sự kết hợp thần linh hay kết hợp với Đức Kitô, thánh Gioan Thánh Giá giải thích ý tưởng ngài như sau: “Trạng thái kết hợp thần linh của linh hồn hệ tại sự biến đổi hoàn toàn ý riêng mình thành ý Chúa, sao cho trong ý riêng của mình không còn điều gì chống lại ý Chúa, nhưng mọi động cơ thúc đẩy ý muốn con người phải hoàn toàn và tuyệt đối là ý Chúa.” (Lên Núi Carmel I, II, 2). “Bởi đó linh hồn này được thanh tẩy, an bình, kiện cường, quân bình, khiến cho nó có thể tràn đầy sự kết hợp này một cách ổn định, mà sự kết hợp này không là gì khác hơn là cuộc hôn nhân giữa linh hồn với Con Thiên Chúa” (Đêm Tối 2, 24, 3). Sự lột xác tuyệt đối này vì thế là một phương tiện cần thiết để đạt tới tình trạng chiêm niệm, đạt tới sự kết hợp cá nhân với Chúa Kitô, Lang Quân của linh hồn. “Nhưng người ta không thể đạt một sự kết hợp như thế nếu không có một sự thanh tịnh to lớn, và sự thanh tịnh này chỉ có được khi có sự cởi bỏ mọi tạo vật và sự hãm mình sống động” (Đêm Tối 2, 24, 4). Điều này được thực hiện trong đức tin (đêm tối), là yếu tố đóng vai trò hàng đầu, nhưng tình yêu là động năng cơ bản và là mục tiêu của hành trình thần bí này.

Về việc cứu rỗi anh chị em mình, thánh Tiến sĩ thích trích dẫn câu của thánh Denis l’Aréopagite: “Công trình thần linh nhất trong các công trình thần linh chính là cộng tác với Thiên Chúa vì phần rỗi các linh hồn.” Và ngài cũng nói: “Lòng thương xót đối với tha nhân tăng trưởng trong linh hồn tỷ lệ với mức độ kết hợp bằng tình yêu của linh hồn với Thiên Chúa. Linh hồn càng yêu mến, nó càng ao ước cho Thiên Chúa được mọi người yêu mến và kính thờ; và lòng ao ước này càng nồng cháy, linh hồn càng làm hết sức mình vì mục đích này, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng những việc làm trong khả năng của mình.”

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây