TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm C

“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”. (Ga 10, 27-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH

Thứ sáu - 09/05/2025 14:46 |   32
Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13,16-20)

15/05/2025
Thứ năm tuần 4 phục sinh

t5 t4 PS

Ga 13,16-20


mÔn đệ ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA
Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”
(Ga 13,16-20)

Suy niệm: Sau khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su đã đúc kết hành động ‘gây sốc’ đó bằng một giáo huấn không thể rõ ràng hơn. Đó không chỉ là một nghi thức, hay một màn trình diễn nhằm gây ấn tượng. Đó là minh hoạ cho lý tưởng sống của Ngài: “Đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20,28). Với tư cách “là Thầy và là Chúa”, Ngài đã nêu gương khiêm tốn phục vụ, thì môn đệ của Ngài không thể sống khác; bởi vì “kẻ được sai đi không lớn hơn người được sai đi”. Tinh thần phục vụ là chuẩn mực để nhận biết ai mới là môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Với Chúa Ki-tô, đối tượng phục vụ không dành riêng cho kẻ giàu sang, có địa vị. Càng yếu kém, càng nhỏ bé, nghèo hèn, lại càng cần được ưu tiên phục vụ. Chẳng những thế, Ngài còn tự đồng hóa với họ: “Ai tiếp đón họ…, là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37). Vậy, bạn biết phải làm gì để thực sự nên người môn đệ Chúa Ki-tô chưa? Bạn có đang hành xử như người đầy tớ được sai đi trong gia đình, trong cộng đoàn của bạn chưa? Bạn sẽ được Chúa chúc phúc nếu bạn “biết điều đó và làm như vậy” (x. Ga 13,17).

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ âm thầm cho người sống bên cạnh bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết bắt chước Chúa trong cung cách phục vụ, để chúng con đón tiếp những người bé mọn như đón tiếp Chúa, và như thế, chúng con mới thực sự trở nên môn đệ của Chúa. A-men.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm tuần 4 phục sinh

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa đứng đầu dân tộc tiến ra, Chúa lên đường với họ, và ở trong họ, thì đất rung động và trời vỡ lở – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tỏ lòng từ bi nhân hậu mà cứu chuộc con người và nâng lên địa vị cao sang hơn tình trạng nguyên thủy; xin nhớ lại công trình kỳ diệu này và giúp chúng con trung thành luôn mãi với ơn tái sinh Chúa đã ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25

“Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.

Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.

“Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 21- 22. 25 và 27

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”, trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

Xướng: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. .

Xướng: Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của con”.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 13, 16-20

“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với những lễ vật chúng con dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TÌNH YÊU CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Ga 13,16-20)
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho tất cả các môn đệ. Chúa yêu thương và mong muốn được phục vụ tất cả mọi người, không chỉ đối với Gio-an là môn đệ được yêu nhất, nhưng mà cho cả Giu-đa, kẻ sẽ nộp Người. Tình thương của Chúa thật bao la, không phân biệt, không biên giới.

Giu-đa đã “chia cơm sẻ bánh” với Chúa Giê-su nhưng chính ông lại “giơ gót đạp” Ngài. Chúa đã coi ông là bạn hữu và chẳng lẽ Ngài lại muốn chọn một người bạn để trở thành kẻ bán đứng mình. Chúa biết rõ mọi sự nhưng sao Chúa vẫn chọn Giu-đa. Chúa biết ông sẽ phản bội, nhưng Chúa vẫn yêu và không muốn bỏ rơi ông. Chúa để cho ông có cơ hội sửa đổi và Chúa tôn trọng quyết định cuối cùng của ông. Dù việc phản bội sẽ làm cho Chúa “cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13,21), nhưng Ngài chấp nhận mang lấy nỗi đau đó trên mình bởi vì Ngài đến để gánh thay mọi tội lỗi của con người. Không ai sẽ bị loại ra ngoài và Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa đến trần gian để phục vụ tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù. Đây chính là chương trình yêu thương mà Thiên Chúa Cha đã tiền định từ đời đời (x. Cv 2,23) và có lẽ điều này giúp chúng ta hiểu rằng tại sao việc phản bội của Giu-đa lại ứng nghiệm Lời Kinh Thánh.

Nghĩ đến Giu-đa, người đã đồng bàn ăn với Đức Giê-su, mỗi chúng ta cũng được mời gọi nghĩ về chính mình. Mỗi lần chúng ta phạm tội, thì chúng ta cũng đâu có xứng đáng tham dự bàn tiệc Mình Máu Chúa. Mỗi lần chúng ta sa ngã, chúng ta chẳng phải đang phản bội chính Ngài? Giờ đây, nghĩ đến Giu-đa, nghĩ đến yếu đuối của bản thân, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu thương vô bờ bến của Chúa luôn dành cho chúng ta. Phản bội, tội lỗi là những hành động làm cho Chúa buồn nhưng chúng ta luôn tin tưởng và hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa.

Cảm nhận được tình yêu của Chúa Giê-su trong cuộc đời và chúng ta hãy ra đi để phục vụ tất cả anh chị em xung quanh với tình yêu. Ngay từ lúc này, chúng ta đang là những người được sai đi để trở thành chứng nhân cho Chúa trong cuộc đời trần thế. Xin Ngài luôn đồng hành cùng chúng ta. Amen.

 

TINH THẦN PHỤC VỤ (Ga 13, 16-20)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su tiếp tục giáo huấn cho các ông biết tinh thần phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường. Ngài hạ mình rửa chân cho các ông. Đức Giê-su đã mang lại ý nghĩa đích thực cho hai chữ “phục vụ”: phục vụ là sống như người tôi tớ, là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân.

Ngoài ra, Đức Giê-su dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi Ki-tô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy  là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.

2. Việc rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một cử chỉ hay là một bài học của phục vụ, nhưng qua đó Đức Giê-su còn muốn loan báo chính cái chết của Ngài như tột cùng của thân phận tôi tớ mà Đức Giê-su đã đón nhận. Thật thế, người tôi tớ không sống cho mình, mà hoàn toàn sống cho người khác, đến độ trao nộp cả mạng sống mình. Như vậy, đối với Đức Giê-su, phục vụ là sống trọn vẹn cho người khác. Chính qua sự phục vụ cho đến chết ấy mà Đức Giê-su thể hiện thiên tính của Ngài. Ngài là Đấng Hằng hữu, vì Ngài có thể đón nhận thân phận con người và trao ban thân phận ấy cho người khác; Ngài là Đấng toàn năng vì cách thế thể hiện quyền năng ấy chính là phục vụ và phục vụ cho đến chết.

3. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng của phục vụ; sức mạnh của Thiên Chúa là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta hiểu được sự thành công của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu bất bạo động của ông, ông nói như sau: “Tình yêu là sức mạnh vạn năng mà con người có thể có trên mặt đất này”. Yêu thương như Thiên Chúa yêu có nghĩa là  yêu thương cho đến cùng, yêu thương cả kẻ thù và sẵn sàng hiến thân hy sinh cho họ. Phục vụ như Thiên Chúa phục vụ có nghĩa phục vụ mà không tranh giành, không tính toán hơn thiệt, không tìm lợi danh cho bản thân (Mỗi ngày một tin vui).

4. Đón tiếp người được Chúa sai đến.

Sau bài học về hy sinh phục vụ, Đức Giê-su dạy tiếp về sự đón tiếp. Lời nói về sự đón tiếp của Đức Giê-su nhằm tới chính sự thờ ơ của người Do-thái đã không đón nhận Ngài, khi “Người đến nhà mình mà người nhà không ra nhận” (Ga 1,11). Người Do thái tự hào mình tin Thiên Chúa, nhưng lại không đón tiếp Đấng được Thiên Chúa sai đến, âu cũng vì họ vẽ ra: “Đấng được sai đến” đó theo ý họ, và họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không thỏa mãn những tiêu chuẩn trần thế của họ.

Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những người có trách nhiệm rao giảng, thánh hóa và dẫn dắt chúng ta. Các vị đến với chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó cho Giáo hội, chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào? Ít nhiều chúng ta cũng giống dân Do-thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.

5. Phục vụ Chúa trong anh em.

Thánh Biển Đức căn dặn các đan sĩ: “Khi anh em đón tiếp và phục vụ khách, thì không phải anh em đang đón tiếp và phục vụ khách, mà là cung kính đón tiếp chính Đức Kitô ở trong khách”. Và Đức Giê-su cũng đã đồng hóa chính Ngài hiện thân trong mọi mảnh đời khi Ngài nói về ngày phán xét chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Như thế, khi ý thức được Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với “Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mát-ta và Ma-ri-a đã đón Chúa vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương nhau…

6. Truyện: Khai sinh hội bác ái Vinh Sơn.

Khoảng năm 1883, dưới sự lãnh đạo của một thanh niên Ozanam, 8 thanh niên Công giáo trường đại học Paris thường gặp nhau để thảo luận chiến thuật bảo vệ Giáo hội đang bị tấn công tứ phía. Những buổi thảo luận đã diễn ra suốt một năm, nhưng chưa đưa đến một hành động nào. Tình cờ 8 sinh viên nghe một lời thách thức của kẻ chuyên chống phá Giáo hội:

“Các anh luôn nói đến công lao Giáo hội của các anh trong quá khứ, nhưng Giáo hội các anh bây giờ đã chết rồi. Nếu các anh bảo Giáo hội vẫn đang sống, hãy chứng minh đi. Một năm qua, tôi chỉ thấy các anh thảo luận tranh cãi nhau bằng môi mép, nhưng chưa thấy một hành động cụ thể nào”.

Lời thách đố ấy được 8 sinh viên Công giáo tiếp nhận như một bài học quí giá. Buổi chiều hôm đó, thay vì thảo luận, hành động đầu tiên của họ là thu nhặt số củi khô dùng để sưởi ấm ở phòng trọ và họ còn mang biếu cho người nghèo đang rét run tại phòng bên cạnh vì không có tiền để mua chất đốt.

Đó là buổi chiều đầu tiên khai sinh hội Bác ái Vinh Sơn chuyên hoạt động giúp đỡ người nghèo theo tinh thần thánh Vincent de Paul. Những người tiên phong của hội này hiểu rằng: “Người tín hữu Ki-tô không thể bênh vực Giáo hội bằng những lời nói suông mà phải bằng chính những hành động cụ thể, bằng chính cả cuộc sống của họ.

ĐÓN TIẾP NGƯỜI THẦY SAI ĐẾN
(THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 4 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã tỏ lòng từ bi nhân hậu, mà cứu chuộc con người và nâng lên địa vị cao sang, hơn tình trạng nguyên thủy, xin Chúa nhớ lại công trình kỳ diệu này, mà giúp chúng ta trung thành luôn mãi với ơn tái sinh Chúa đã ban.

Trung thành luôn mãi với ơn tái sinh Chúa đã ban, để thoát mọi tai ương, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Bảy chén tai ương, các tai ương nhắc lại các tai ương bên Aicập. Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông ta sẽ canh thức. Chúa nói: Đây Ta đến như kẻ trộm, hạnh phúc thay người nào canh thức. Khi người ta nói: Bình an biết bao, yên ổn biết chừng nào, thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống.

Trung thành luôn mãi với ơn tái sinh Chúa đã ban, để đủ sức sống điều răn mới, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Autinh nói về: Điều răn mới… Đây là điều răn chúng ta đã nhận được của Thiên Chúa: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu thương anh em mình. Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.

Trung thành luôn mãi với ơn tái sinh Chúa đã ban, để luôn tin tưởng, trông cậy vào lời Chúa đã hứa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ nói: Từ dòng dõi Đavít, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ítraen một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 88, vịnh gia cho thấy: Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Vâng con nói: Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, Chúa đã yêu mến chúng con, và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng con. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy. Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đức Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, là Trưởng Tử, là Chứng Nhân trung thành cho tình Chúa yêu thương ta. Đón tiếp Đức Giêsu là đón tiếp Chúa Cha; Đón tiếp những người Đức Giêsu sai đến là đón tiếp chính Người. Đón tiếp Vị Trung Gian Tình Yêu là đón tiếp chính Đấng là Tình Yêu. Thầy ban cho anh em một điều răn mới: Tình yêu mới sẽ đổi mới những ai tuân giữ giới luật mới. Tình yêu mới không phải là bất cứ thứ tình yêu nào, nhưng là, như Thầy đã yêu thương anh em: đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi anh em. Tình yêu mới đổi mới chúng ta, biến chúng ta thành những con người mới, những người kế thừa Giao Ước Mới, những người hát bài ca mới. Chính tình yêu mới đang đổi mới các dân ngoại, đang quy tụ và kết hợp toàn thể nhân loại sống rải rác khắp bốn phương trời thành một dân mới, nên thân thể của Tân Nương, Hiền Thê của Con Một Thiên Chúa. Chúng ta yêu thương nhau bằng tình yêu mà chính Đức Giêsu đã yêu thương ta, nhằm đưa ta đạt tới cùng đích quê trời, ở đó, ta được sung mãn, được hưởng muôn vàn phúc lộc, và như thế, mọi khát vọng của ta được no thỏa. Thật vậy, sẽ chẳng còn gì để ước vọng nữa, một khi, Thiên Chúa đã là tất cả mọi sự của chúng ta. Đức Giêsu là Đấng ban cho ta tình yêu mới. Người đã yêu thương chúng ta, là để, chúng ta cũng biết yêu thương nhau. Khi yêu thương chúng ta, Đức Giêsu làm cho chúng ta có thể yêu thương lẫn nhau, và được gắn bó với nhau bằng mối dây tương thân tương ái. Nhờ được liên kết bằng mối dây thân ái như vậy, chúng ta cũng trở nên thân thể của Chúa Giêsu, Đấng là Đầu rất cao trọng của chúng ta. Thiên Chúa đã tỏ lòng từ bi nhân hậu, mà cứu chuộc chúng ta và nâng lên địa vị cao sang, hơn tình trạng nguyên thủy, ước gì ta luôn trung thành với ơn tái sinh Chúa đã ban. Ước gì được như thế!


PowerPoint-t5-t4-PS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây