TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Phục Sinh -Năm C

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến” (Ga 20,19-31)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 2 PHỤC SINH

Thứ sáu - 25/04/2025 14:09 |   41
Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” …Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. (Ga 6, 1-15)

02/5/2025
THỨ SÁU TUẦN 2 PHỤC SINH
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t6 t2 PS

Ga 6, 1-15


CỘNG SỰ VIÊN CỦA CHÚA
Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” …Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.
(Ga 6, 1-15)

Suy niệm: Vài giờ sau khi cơn sóng thần xảy ra, nhiều người dự đoán sẽ thiếu vật phẩm, thuốc men cứu trợ các nạn nhân kịp thời. Không ngờ, vật phẩm thì sẵn sàng nhưng lại thiếu những thiện nguyện viên đến tận nơi, trao tận tay cho những người thiếu đói. Chúa Giê-su rất cần những tình nguyện viên cộng tác với Ngài phân phát lương thực thần linh. Càng chứng kiến cơn đói của đám đông bao nhiêu, Ngài càng cần nhiều người cùng Ngài phục vụ bấy nhiêu. Không hề thấy một cuộc phỏng vấn kiểm tra tay nghề nào được Chúa Giê-su thực hiện để tuyển chọn cộng sự viên. Công việc đơn giản đến mức ai cũng có thể làm được, cứ làm theo lời Ngài với hết sáng kiến của mình, miễn sao lương thực từ bàn tay Ngài đến được với đám đông.

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn là cộng tác viên của Chúa Giê-su phân phối lương thực Lời Chúa và Thánh Thể đến cho tha nhân. Mỗi ngày bạn có chia sẻ Lời Chúa được cho ai không? Người bệnh trong gia đình hay trong họ đạo được bạn chuẩn bị đón linh mục trao ban Thánh Thể thế nào?

Chia sẻ: Nhóm của bạn có chương trình gì cho việc săn sóc bệnh nhân?

Sống Lời Chúa: Thăm viếng chăm sóc bệnh nhân, hoặc giúp một người lơ là chuẩn bị tâm hồn rước lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa có thể làm phép lạ cho bánh đến tận tay người đói khát, nhưng Chúa lại dành phần việc phân phát ấy cho con. Cảm tạ ơn Chúa đã cho con làm cộng sự viên của Nước Trời.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 2 PHỤC SINH

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy máu Chúa mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, Chúa đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa là Ðức Giê-su chịu khổ hình thập giá và phục sinh vinh hiển để giải thoát chúng con khỏi quyền lực ác thần. Xin cho chúng con được hưởng nhờ mọi ơn phúc bởi mầu nhiệm Phục Sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 5, 34-42

Các ngài hân hoan ra về, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Ðức Giê-su”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ, có người biệt phái tên là Ga-ma-li-en, cũng là luật sĩ, có thế giá trong dân, đứng lên giữa công nghị, truyền dẫn các tông đồ ra ngoài trong giây lát, rồi nói với các người trong công nghị rằng: “Hỡi chư vị Israel, xin hãy thận trọng về việc chư vị định làm đối với những người này. Vì trước đây ít ngày, có tên Thê-ô-đa nổi lên, tự xưng là một nhân vật, có độ bốn trăm người theo mình, y đã bị giết, và nhóm người theo y đều tan rã và không còn gì nữa. Sau y, lại có tên Giu-đa người Ga-li-lê-a, cũng nổi lên trong những ngày kiểm tra dân số, lôi kéo dân chúng theo mình, rồi chính hắn cũng chết, mọi kẻ theo hắn đều tan rã. Và bây giờ, tôi xin chư vị đừng can dự gì đến những người này, cứ để mặc họ: vì nếu một mưu toan hay việc này là do loài người, thì sẽ tự tan rã; nhược bằng bởi Thiên Chúa, thì chư vị không thể phá tan được, kẻo lỡ ra mang tội chống đối Thiên Chúa”. Họ đồng ý. Họ cho gọi các tông đồ vào, ra lệnh đánh đòn các ngài, và cấm tuyệt đối không được nhân danh Ðức Giê-su mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giê-su. Và hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia, các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài.

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.

Alleluia: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Ki-tô, đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su đi sang bên kia biển Ga-li-lê-a, cũng gọi là Ti-bê-ri-a. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giê-su ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Phi-líp-phê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Phi-líp-phê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.

Một trong những môn đệ, tên là An-rê, em ông Si-mon Phê-rô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giê-su nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giê-su cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giê-su đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giê-su biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đón nhận lễ vật của chúng con là con cái trong nhà, và thương tình bảo vệ chúng con luôn mãi. Ước gì chúng con không để mất những ơn đã lãnh nhận trong lễ Vượt Qua này và được hưởng phúc lộc muôn đời Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Đức Kitô Chúa chúng ta, đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin không ngừng bảo vệ chúng con. Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con, xin cho chúng con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU HÓA BÁNH RA NHIỀU (Ga 6,1-15)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người. Ngài ban cho họ của ăn dồi dào để dưỡng nuôi thân xác. Ngài không bỏ rơi ai mặc dầu người ta không quan tâm đến Ngài, như Đức Giê-su đã nói: Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Phép lạ làm cho bánh hóa nhiều trong bài Tin Mừng hôm nay chứng tỏ lòng thương và quyền năng của Chúa. Đức Giê-su làm phép lạ để thỏa mãn cấp thời cơn đói khát phần xác của con người và sự quan phòng của Thiên Chúa.

2. Dân chúng đứng trước sự đói khát về nhu cầu thể xác, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ta mua đâu được bánh cho những ngjười này ăn”? Các môn đệ thưa lại rằng: Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Với sự lo toan của con người, các con không thể lo cho cả ngàn người, đó là sự phản ứng bất lực nơi con người trước những nhu cầu to lớn (lương thực cho năm ngàn người). Ngài bảo các ông: Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Chúa cho họ ăn uống no nê mà còn thu lại được 12 thúng đầy những mảnh vụn còn lại.

3. Đứng trước phép lạ này, chúng ta nên để ý đến thái độ của dân chúng. Có thể nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Đức Giê-su. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc âm thánh Gio-an ghi lại chi tiết này: “Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi mà tôn lên làm vua”, có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất, cho những tham vọng của họ. Thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ.

4. Trong phép lạ bánh hóa nhiều, chúng ta không chỉ thấy tình thương và quyền năng của Đức Giê-su, mà chúng ta còn thấy giá trị của sự đóng góp của con người. Dĩ nhiên, nếu không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, Đức Giê-su vẫn có thể làm phép lạ ra nhiều bánh để nuôi dân chúng, như Thiên Chúa đã làm cho man-na từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Israel khi họ tiến về Đất Hứa. Nhưng ở đây có yếu tố 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé và chi tiết này đáng chúng ta suy nghĩ để rút ra bài học hữu ích.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “5 chiếc bánh và 2 con cá” của Đức cố Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận, Đức Hồng y Bernard Law (nguyên Hồng y giáo chủ giáo phận Boston, Hoa kỳ) đã viết: “Một cậu bé đã đem đến cho Đức Giê-su 5 chiếc bánh và 2 con cá, một tặng vật đơn sơ mà Đức Giê-su đã dùng để nuôi một đoàn dân đông đảo. Chúng ta cũng thế, dù tặng vật của mình nhỏ bé, chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa, Ngài sẽ dùng chúng để có một hiệu quả lớn lao trên đường của Ngài” (tr 5).

5. Một người đàn ông nghèo còn đúng 50 xu. Sáng Chúa nhật đi lễ, người lắc giỏ đi tới, ông bỏ hết vào giỏ. Tan lễ, ông được tin một xí nghiệp đang tuyển công nhân, nhưng phải đi xe lửa tới đó mất 1 đô. Không còn tiền, ông đi bộ tới xí nghiệp khác gần nhà thờ. May thay, ông tìm ngay được việc làm. Cuối tuần, ông lãnh được số tiền gấp 10 lần mà ông đã cho đi. Người đàn ông đó là chủ một thương hiệu giầy da nổi tiếng, tên là W.L. Douglas.

Dân chúng ngày xưa cũng như ngày nay luôn ở trong tình trạng đói khát lương thực, áo quần, thuốc men và sâu xa hơn nữa, đói khát sự sống đích thực mà chỉ có Thiên Chúa mới làm no thỏa. Thiên Chúa biết hết mọi điều thầm kín, bí ẩn trong tâm can con người, cũng như biết rõ những nhu cầu thiết yếu của họ.

6. Tóm lại trong sứ điệp Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài thực hiện những phép lạ y hệt những phép lạ Ngài đã làm trong Thánh Kinh. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì – chẳng hạn thời gian, tài năng, lời cầu nguyện, hy sinh và nguồn lực của chúng ta – Ngài sẽ sử dụng nó để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng lên vượt khỏi bất cứ niềm mơ ước nào của chúng ta như Ngài đã biến đổi những chiếc bánh lúa mạch và hai con cá trong bài Tin Mừng hôm nay. Đấy chính là lời mời gọi mà Đức Giê-su ngỏ với chúng ta trong những bài đọc hôm nay.

7. Truyện: Biết cảm tạ và cộng tác với Chúa.

Việc tạ ơn Chúa trước khi ăn là một thói quen rất tốt, vì chúng ta bắt chước  việc Đức Giê-su đã làm ngày xưa: “Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn”.

Một gia đình nọ có thói quen tốt, khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, ai nấy đều cúi đầu và đứa bé út trong nhà có nhiệm vụ đọc lời cầu nguyện. Hôm ấy nó đọc: “Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có bữa ăn ngon này”.

Mỗi lần đứa con cất lên lời cầu nguyện như thế, người cha đều cảm thấy sung sướng trong lòng. Nhưng một hôm, lời cầu nguyện của đứa con lại khiến ông ray rứt.

Hôm đó, sau khi nghe con cầu nguyện, ông chợt nghĩ tới bài báo ông vừa đọc: Trên thế giới có 40 triệu người đói, và một phần ba trẻ em châu Phi bị suy dinh dưỡng.

Ông liền suy nghĩ: Bởi đâu mà gia đình ông no đủ đang khi biết bao người khác phải đói rách, bần cùng? Phải chăng gia đình ông  tốt hơn hay xứng đáng hơn những người ấy? Phải chăng gia đình ông có ăn, vì gia đình ông được Thiên Chúa thương hơn những con người khác?

Và hôm đó, những câu hỏi như thế cứ ám ảnh tâm trí ông khiến ông ăn mà chẳng thấy ngon miệng tí nào.


SỐNG NHỜ BÁNH HẰNG SỐNG
(THÁNH ATHANAXIÔ 02/05)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Athanaxiô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho thánh Giám Mục Athanaxiô, được can đảm đứng lên bênh vực niềm tin của Giáo Hội, về thần tính của Đức Kitô, Con Một Chúa. Xin Chúa nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho chúng ta biết nghe lời người giảng dạy, để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Thánh nhân sinh năm 295 tại Alêxanria. Người cộng tác, rồi kế vị Giám Mục Alêxanria. Thánh nhân chỉ có một mục đích: bảo vệ tín điều về thần tính của Chúa Kitô. Tín điều này đã được xác định tại Công Đồng Nixêa. Cũng vì đó, người bị công kích khắp nơi: bị săn lùng, bị đày ải năm lần, nhưng, người vẫn giữ được tính khí khái, nhất là, giữ được lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Người đã viết nhiều tác phẩm vừa để làm sáng tỏ vừa để bảo vệ đức tin chân truyền. Người qua đời năm 373.

Ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, kính dâng vinh quang, danh dự và lời tạ ơn lên Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Phần thứ hai thuộc loại văn khải huyền đúng nghĩa. Những hình ảnh đầu tiên cũng là những biểu tượng muốn gợi cho ta sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa. Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa toàn năng là Đấng Thánh, Đấng đã có, hiện có và đang tới. Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa. Các thần Xêraphim đối đáp tung hô: Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh.

Ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Athanaxiô nói về: Ngôi Lời nhập thể… Ngươi sẽ nên như miệng của Ta; đối với dân này, Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố. Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi. Sẽ có những ông thầy giả hiệu, những kẻ sẽ lén lút đưa tới diệt vong, chúng chối bỏ vị Chúa Tể đã chuộc họ về.

Ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, sẵn sàng chịu bị bắt bớ, bị bách hại, để làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ: Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 26, vịnh gia cho thấy: Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi. Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn phải nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật: Đức Giêsu cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Chúng ta sống, hiện hữu, và tồn tại, là nhờ Ngôi Lời của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa phán ra, chính là Ngôi Lời của Người. Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, đã trở nên của ăn nuôi sống chúng ta. Như thức ăn, phải chịu tiêu hóa, tan biến để trở thành dưỡng chất nuôi sống thân thể, Ngôi Lời đã trao nộp thân xác mình, để chịu chết thay cho loài người chúng ta, và để làm hiến lễ dâng lên Chúa Cha. Nhờ thân xác chính Người đã nhận lấy, nhờ ân sủng Người đã đem lại do cuộc phục sinh, Người đã xua trừ cái chết hoàn toàn xa khỏi chúng ta. Vì liên kết với loài người chúng ta, nhờ một thân xác giống như chúng ta, người Con bất hoại của Thiên Chúa, đã làm cho loài người chúng ta trở thành bất hoại. Chúa đã cho thánh Giám Mục Athanaxiô, được can đảm đứng lên bênh vực niềm tin của Giáo Hội, về thần tính của Đức Kitô, Con Một Chúa. Ước gì chúng ta biết nghe lời người giảng dạy, để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Ước gì được như thế!

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang.

Hoặc đọc:

Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chính; luật Thiên Chúa ở trong lòng người.

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho thánh giám mục A-tha-na-xi-ô được can đảm đứng lên bên vực niềm tin của Giáo Hội về thần tính của Ðức Ki-tô, Con Một Chúa. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết nghe lời người giảng dạy để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật chúng con dâng tiến trong ngày kính nhớ thánh A-tha-na-xi-ô. Xin cho chúng con được cùng với thánh nhân tuyên xưng đức tin vẹn toàn để được hưởng nhờ ơn cứu độ Chúa đã hứa cho những người làm chứng cho chân lý. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã cùng với thánh A-tha-na-xi-ô vững vàng tuyên xưng Ðức Giê-su là Thiên Chúa thật. Ước gì Con Một Chúa, qua bí tích Thánh Thể ban cho chúng con sức mạnh và sức sống dồi dào. Chúng con cầu xin…

 

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo thời gian, thánh Athanase là tiến sĩ đầu tiên trong số tiến sĩ và Giáo phụ của Hội thánh. Các Giáo Hội Coptes và Byzantin từ lâu đã kính nhớ thánh nhân vào ngày 2 tháng 5. Lễ này được các tín hữu ở Pháp biết đến vào thế kỷ XII và tại Rô-ma vào thế kỷ XVI mà thôi.

Thánh nhân là người Ai Cập, gốc Alexandrie, sinh vào cuối thế kỷ thứ III. Khoảng năm 313, giám mục Alexandrie bảo trợ cho ngài và như thế, cậu thanh niên Athanase được gia nhập vào hàng giáo sĩ tại Alexandrie. Ngài biết nói tiếng cổ Ai Cập, tiếng Hy Lạp bình dân và Hy Lạp cổ điển. Khoảng năm 320, ngài viết tác phẩm đầu tay: Luận thuyết về Lương dân và Ngôi Lời Nhập Thể, trong đó, một trong các chủ đề chính được phát biểu như sau: “Công cuộc cứu rỗi không phải do từ một kẻ chết, mà do từ một Đấng sống động là Thiên Chúa”.

Năm 325, sau khi làm phó tế được 5 năm và thư ký cho giám mục thành Alexandrie, ngài được tham dự Công đồng chung thứ nhất tại Nicée (ngày nay là Isnik, ở Thổ Nhĩ Kỳ). Công đồng chung này được triệu tập “nhằm tái lập sự hiệp nhất đang bị đe dọa nặng nề”. Thật vậy, linh mục Arius đã truyền bá một lạc thuyết, chủ trương “Ngôi Lời Thiên Chúa không hiện hữu từ đời đời, nhưng được Thiên Chúa Cha sinh ra trong thời gian”. Lúc ấy, Athanase còn là một phó tế trẻ ba mươi tuổi, đã nổi bật như một nhà vô địch, đấu tranh cho đức tin chính truyền. Nhờ tài hùng biện và sức thuyết phục, ngài được nhóm lạc giáo Arius nể sợ.

Sau cùng, ngày 19 tháng 6 năm 325, đúng theo chiều hướng của lời Athanase biện hộ, và sau khi công bố “Ngôi lời đồng bản thể với Chúa Cha”, Công đồng soạn thảo lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta được biết như ngày nay, dưới tên gọi là “Kinh Tin Kính của Công đồng Nicée”: “Tôi tin một Thiên Chúa duy nhất… Tôi tin một Chúa Giêsu Kitô…”

Athanase được bổ nhiệm làm giám mục Alexandrie lúc ba mươi lăm tuổi. Nhưng cuộc khủng hoảng do nhóm Arius gây nên vẫn tiếp tục gia tăng, khiến ngài phải sống một cuộc đời lưu đày. Trong bốn mươi năm làm giám mục, ngài phải sống mười tám năm lưu đày: ở Trèves bên nước Đức, tại Rôma, rồi sa mạc Ai Cập… Tuy nhiên, bất chấp tất cả, thánh tiến sĩ vẫn viết được một tác phẩm đáng kể: Luận thuyết chống bè Arius; Chống lương dân; Bàn về Ngôi Lời Nhập Thể; Thư gửi Épictète; Thư gửi Sérapion; Các thư mục vụ … và cuốn Tiểu sử thánh Antôn là tác phẩm ưa chuộng nhất và là cuốn sách mẫu mực về hạnh các thánh. Bộ sách quí giá này đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu biết và phổ biến lối sống đan tu lúc khởi đầu.

Athanase qua đời đột ngột trong đêm 02 rạng ngày 03 tháng 05 năm 373, thọ bảy mươi tuổi, trong khi được thánh Basile thành Césarée khuyến khích, ngài đang tích cực chăm lo tái lập sự hiệp nhất trong Giáo hội Antiochia.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Phụng Vụ tôn vinh lòng trung tín của thánh Athanase, là người bảo vệ tuyệt vời đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, như Công đồng Nicée xác định: “Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”. Quả vậy, tiền xướng nhập lễ trích dẫn lời Kinh thánh: Ta sẽ cho xuất hiện một tư tế trung kiên để phục vụ Ta, nó sẽ phục vụ theo lời Ta và ý muốn của Ta (1 Sm 2,35).

Qua lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa cùng Chúa, là Đấng “đã chọn thánh giám mục Athanase để bênh vực niềm tin của Hội thánh về thiên tính của Đức Kitô, Con Một Chúa”. Như thế, chúng ta làm nổi bật công đức lớn lao nhất của vị thánh tiến sĩ này: gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống lạc thuyết Arius, với một quyết tâm kiên cường, lúc nhu lúc cương, ngài đã góp phần đem lại chiến thắng cho đức tin tông truyền, vì thế đã mở một khúc ngoặc mới trong lịch sử Kitô giáo.

b. “Cùng với thánh Athanase, chúng con tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật...” (Lời nguyện hiệp lễ). Thật vậy, con người không thể được cứu rỗi, nếu Đức Kitô không là Thiên Chúa thật. Vì thế, Athanase nói: “Thiên Chúa làm người để con người được nên giống Thiên Chúa”. Việc kết hợp Logos, Ngôi Lời của Thiên Chúa với con người Giêsu làm cho toàn thể nhân tính cũng phần nào mang tính chất của “lời” (chống bè Arius III,3). Vì vậy bài đọc một trong Thánh lễ đã được trích dẫn từ 1 Ga 5,1-5: Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra … Vậy ai thắng được thế gian ? không phải là người đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa sao ?

Niềm tin vào thiên tính của Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật và là người thật – là trọng tâm Kinh Tin Kính của Hội thánh.

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây