31/01/2025
thứ sáu tuần 3 thường niên
Mồng Ba Tết: Thánh hóa công ăn việc làm
Mt 25,14-30
THÁNH HÓA NGHỀ NGHIỆP
“Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,14-30)
Suy niệm: Sau những ngày ‘ăn’ Tết vui tươi, thư giãn, ta lại trở về với nhịp sống bình thường, nghĩa là trở lại với công ăn việc làm quen thuộc. Người Ki-tô hữu lao động không chỉ vì “tay làm hàm nhai,” nhưng còn muốn góp phần làm cho thế giới, công trình sáng tạo của Thiên Chúa, được tốt đẹp hơn. Họ làm việc vất vả không chỉ để nuôi sống, trợ giúp gia đình, nhưng còn muốn bày tỏ tình yêu thương với những người thân trong gia đình qua công việc lao nhọc ấy. Họ xác tín rằng Chúa không đánh giá họ theo công việc nào, tay chân hay trí óc, văn phòng hay ngoài đồng, bằng cấp chuyên môn hay lao động phổ thông, nhưng chỉ xét họ làm với tinh thần nào, cung cách ra sao. Họ lao động với lương tâm nghề nghiệp, đức tin thể hiện bằng việc làm cụ thể hằng ngày.
Mời Bạn: Thánh hóa công ăn việc làm không chỉ là xin cho năm mới làm ăn được thuận lợi, nhưng chủ yếu là siêu nhiên hóa công việc làm ăn ấy. Nghĩa là qua lao động, bạn hướng về Chúa, làm đẹp lòng Ngài khi đặt trái tim vào công việc nghề nghiệp mỗi ngày: Tình yêu dành cho Ngài và cho tha nhân. Đồng thời cũng ghi nhớ rằng chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ phải ra trước tòa Chúa, để tường trình cho Ngài về nén bạc nghề nghiệp Ngài tin tưởng phó thác cho bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi một nghề nghiệp để sống, xin Chúa cho tôi biết thánh hóa nghề nghiệp, để qua các sản phẩm mình làm ra, tôi góp phần làm vinh danh Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con một công việc để nuôi sống bản thân và gia đình, góp một phần nhỏ làm cho xã hội được tốt đẹp hơn. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 3 thường niên
Ca nhập lễ
Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 10, 32-39
“Anh em đừng mất lòng kiên nhẫn”.
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những ngày trước, khi anh em vừa lãnh nhận ánh sáng, anh em đã đương đầu với bao nhiêu trận đau khổ lớn lao. Khi thì anh em bị công khai sỉ nhục và hoạn nạn, khi thì anh em phải liên đới với những kẻ chịu những sự đối xử như thế. Vì chưng, anh em đã cùng chịu số phận của những tù nhân, anh em đã vui mừng chấp nhận người ta tước đoạt của cải, vì anh em biết rằng mình có của cải tốt hơn và bền vững. Vậy anh em đừng bỏ mất lòng tin tưởng của anh em, đáng được thưởng công bội hậu. Anh em cần phải kiên nhẫn, để khi làm tròn thánh ý Chúa, anh em được lãnh nhận điều Chúa hứa. Vì chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi, Ðấng phải đến sẽ đến, và Người sẽ không trì hoãn. “Còn kẻ công chính của Ta thì sống theo đức tin. Nhưng nếu người đó tháo lui, thì sẽ không làm đẹp lòng Ta”. Còn chúng ta, chúng ta không thuộc hạng người tháo lui mà hư mất, nhưng chúng ta là con cái đức tin để cứu thoát linh hồn chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 5-6. 23-24. 39-40
Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng: Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu.
Xướng: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động, Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ.
Xướng: Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối họ đi. Dầu có ngã, họ sẽ không nằm gục, vì Chúa sẽ nâng đỡ tay họ.
Xướng: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người.
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 11, 1-4a. 5-10b. 13-17
“Ngươi đã khinh dể Ta và đã cướp vợ Uria làm vợ mình”.
Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.
Khi ấy, sang năm mới, là lúc các vua thường ra trận, thì Ða-vít sai Giô-áp, các tôi tớ của vua và toàn dân Ít-ra-en đi tiêu diệt dân Am-mon và bao vây Ráp-ba. Còn Ða-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem. Khi chiến tranh đang diễn tiến, thì một bữa trưa nọ, Ða-vít ra khỏi giường ngủ, đi bách bộ trên sân thượng nhà vua, liền nhìn thấy một phụ nữ đang tắm trên sân thượng nhà bà. Bà rất xinh đẹp. Vậy vua sai dò hỏi người phụ nữ đó là ai. Người ta thưa đó là bà Bát Se-va, con ông Ê-li-am, vợ U-ri-a người Khết. Ða-vít sai cận vệ đi tìm bà. Khi trở về nhà, bà mang thai, nên sai người báo tin cho Ða-vít mà rằng: “Tôi đã có thai”.
Vậy Ða-vít sai người đến nói với Giô-áp rằng: “Hãy sai tướng U-ri-a người Khết về đây cho trẫm”. Giô-áp sai U-ri-a về gặp Ða-vít, và U-ri-a đến gặp Ða-vít. Ða-vít hỏi thăm tin tức về Giô-áp, quân sĩ, và trận chiến diễn tiến thế nào. Rồi Ða-vít nói cùng U-ri-a: “Ngươi hãy về nhà rửa chân đi”. U-ri-a rời khỏi hoàng cung, và người ta mang cho ông một phần ăn của nhà vua, nhưng U-ri-a cùng các cận vệ nằm ngủ ngay trước cửa nhà vua chứ không về nhà. Người ta đi báo tin cho Ða-vít hay “U-ri-a không đi về nhà”. Ða-vít mời ông ăn uống trước mặt mình và ép uống rượu cho say. Ðến chiều U-ri-a đi ra cùng với các cận vệ ngủ trên chõng, chớ không về nhà. Sáng hôm sau, Ða-vít viết một lá thư gởi cho Giô-áp và sai U-ri-a mang đi. Trong thư, ngài viết như sau: “Hãy đặt U-ri-a vào nơi giao tranh gay cấn nhất, rồi bỏ mặc hắn, để hắn bị đánh cho chết”. Vậy khi Giô-áp bao vây thành, liền cử U-ri-a đến địa điểm mà ông biết có những quân địch mạnh nhất. Quân trong thành kéo ra nghinh chiến với Giô-áp, nhiều quân sĩ của Ða-vít ngã gục, và cả U-ri-a người Khết cũng tử trận.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 6bc-7. 10-11
Ðáp: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, vì chúng con đã phạm tội (c. 3a).
Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xóa tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
Xướng: Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.
Xướng: Con thi hành điều ác trước thiên nhan, hầu tỏ ra Chúa công bình khi phê phán. Này coi, con đã chào đời trong ô uế, và trong tội, mẹ đã hoài thai con.
Xướng: Xin cho con cảm thấy vui mừng hoan hỉ, cho xương bị Chúa đập hớn hở reo lên. Xin ngoảnh mặt đi, đừng nhìn tội lỗi, và tẩy xóa mọi điều gian ác của con.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 4, 26-34
“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.
Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
DỤ NGÔN HẠT CẢI (Mc 4, 26-34)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Hôm nay Đức Giê-su đưa ra hai dụ ngôn để nói về Nước Trời. Chúa ví Nước Trời như hạt giống được gieo xuống đất. Nó tự mọc lên rồi trổ bông sinh trái, người gieo giống không hay biết gì hết. Còn dụ ngôn hạt cải nói lên sức phát triển mạnh mẽ của nó. Hạt cải là loại hạt nhỏ bé nhất trong các hạt giống nhưng khi nó mọc lên nó sẽ thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn dưới bóng nó được. Đức Giê-su dùng hai dụ ngôn này để ví với Hội thánh. Lúc đầu chỉ có ít người tin theo, nhưng dần dần, Hội thánh sẽ lan rộng khắp nơi, làm chốn nương tựa cho mọi người được hạnh phúc và được rỗi.
2. Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nảy sinh thành cây, rồi thành bông trái. Như người dân Pa-lét-ti-na, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Đức Giê-su cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Đức Giê-su chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tột độ, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.
3. Đức Giê-su sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Chúng ta nên nhớ: cây cải ở xứ Pa-lét-ti-na khác với cây cải ở xứ ta. Ở Pa-lét-ti-na hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn.
Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh thánh” đã viết: “Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka, nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét”.
Ví dụ này của Đức Giê-su không thổi phồng sự thật chút nào. Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế, Đức Giê-su mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.
4. Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn.
Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của Mác-cô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mê-si-a. Cho đến lúc này, hành vi của Đức Giê-su có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Ki-tô hữu ở Rô-ma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.
5. Qua bài Tin Mừng này, chúng ta hãy tin tưởng vào sức phát triển của Nước Thiên Chúa. Nước Chúa vẫn âm thầm phát triển, nhưng Chúa cũng cần chúng ta góp phần vào, dù ít dù nhiều như thánh Phao-lô đã nói: “Tôi trồng, A-pô-lô tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1Cr 3,6-7). Nếu chúng ta biết nghĩ như thánh Phao-lô thì chúng ta không còn ngại gieo hạt giống Nước Chúa, cũng không vội ngã lòng khi thấy công gieo vãi của mình chưa sinh kết quả.
6. Truyện: Giải đáp ba thắc mắc.
Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi:
– Anh em có thắc mắc gì không?
Một người đưa tay đặt câu hỏi:
– Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không?
– Có.
Câu hỏi thứ hai: các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không?
– Có.
Câu hỏi thứ ba: Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?
– Có.
– Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công giáo cả đây.
Cha Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi:
Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không?
– Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội thánh sai đến.
Giáo hội Nhật Bản đã tái sinh.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Bosco, Linh mục
Ca nhập lễ
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì thế ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người đau khổ trong tâm hồn.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gio-an Bốt-cô. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu độ. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I:
Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính thánh linh mục Gio-an Bốt-cô. Ước gì hiến lễ chúng con dâng để tạ ơn Chúa vừa tuyên xưng Chúa uy nghi vinh hiển, vừa đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con tìn lại sức mạnh nơi bàn tiệc thánh. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh linh mục Gio-an Bốt-cô để lại là luôn luôn trung thành phụng sự Chúa và yêu thương phục vụ mọi người mà không hề quản ngại khó khăn. Chúng con cầu xin…
Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Gioan Bosco sinh ngày 16.08.1815 tại Becchi, làng Asti, vùng Piemont. Lúc lên 2, đã mồ côi cha, bà mẹ nuôi nấng và giáo dục vừa nhân bản vừa Kitô giáo. Bà luôn bên cạnh ngài ở Turin trong 10 năm đầu (1846-1856). Gioan Bosco học xong phần tú tài nơi Collège Royal de Chieri. Khi được 20 tuổi, ngài bước vào Chủng viện địa phận Turin, nhờ sự nâng đỡ tài chính của Louis Guala, nhà thần học chống lối nghiêm khắc theo thánh Joseph Cafasso.
Gioan Bosco được thụ phong linh mục vào ngày 05.06.1841, không bao lâu sau đã thành lập “Oratoire Saint-Francois-de-Sales” ở Turin. Trong những năm này, thủ đô Piémont đã bắt đầu sống kỷ nguyên công nghiệp, gây biết bao vấn đề, nhất là việc di tản của giới trẻ. Hiện trạng này cũng đưa đến những hướng dẫn của Hội thánh cho những môi trường văn hóa mới. Chính trong hoàn cảnh này, Gioan Bosco, như nhà tổ chức và là người khởi đầu về điều mà sau này người ta gọi là “hệ thống phòng ngừa” dựa trên “tôn giáo, lý trí, sự nhân hậu”.
Mặc cho phê bình và cả những tấn công mạnh mẽ của những nhóm chống giáo sĩ, Nguyện xá (Oratoire), chỉ hạn hẹp trong các ngày nghỉ, nhưng sau này thường trực, càng ngày càng được phong phú nhờ các xưởng thợ dành cho giới trẻ học nghề, cũng như khả năng hướng về chức linh mục. Vào năm 1868, đã có 800 em tụ tập nơi đây. Đây là một cộng đồng dành cho giới trẻ lớn nhất trong nước Ý. Để đảm bảo cho công trình trong tương lai, Gioan Bosco đã thành lập Tu Hội thánh Francois de Sales (Salésiens), được Hội thánh công nhận vào năm 1869; tiếp đến là Hội các cộng tác viên; cuối cùng với sự cộng tác của nữ tu Marie-Dominique Mazzarello, Dòng nữ Salésiennes.
Thời truyền giáo của Dòng Salésien bắt đầu vào năm 1875, cùng với phong trào người Ý di tản sang Nam Mỹ. Luôn đi tìm ân nhân, hỗ trợ cho công trình của mình, Don Bosco đi khắp Âu Châu. Báo Le Figaro vào năm 1879 và báo Times vào năm 1888 đều gọi ngài là “thánh Vinh Sơn mới”.
Don Bosco cũng là một văn sĩ bình dân, viết về giáo lý, hộ giáo và giáo dục. Các “Bài đọc Công giáo” được phổ biến rộng rãi khắp nước Ý, từ đó hình thành “Tạp Chí Salésienne” vào năm 1877. Vị Tông Đồ vĩ đại của giới trẻ qua đời ngày 31.01.1888. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong thánh ; từ năm 1936, lễ nhớ thánh Don Bosco được cử hành vào ngày thánh nhân qua đời. Cuối cùng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tuyên bố Don Bosco là “Cha và là thầy giới trẻ”.
Thông điệp và tính thời sự
Trong Lời nguyện nhập lễ cho thấy thánh Bosco là ân sủng Chúa ban cho Hội thánh như “Người cha và thầy” của giới trẻ. Bí mật của đời sống tận hiến trọn vẹn cho giới trẻ nằm trong hai từ trên; khi đến một tuổi nào đó, ngài nói: “Tôi đã hứa với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng vẫn dành cho giới trẻ nghèo khổ.” Chính tình yêu như một người cha đối với giới trẻ đã thúc đẩy ngài xác quyết: “Tất cả cuộc đời cha dành cho các con.” Sự sẵn sàng này đã bắt nguồn từ tình thương phụ tử của Thiên Chúa. Ngài nói: “Giáo dục là việc của con tim; chỉ vì Thiên Chúa là Thầy duy nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thành công, nếu như Người không ban cho chúng ta chìa khóa.”
Trong tất cả các xác quyết trên, lòng nhân hậu chiếm một chỗ đặc biệt nhất. Trong lá thư, Hội thánh trích đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh, Don Bosco khuyên bảo các cộng sự yêu thương giới trẻ như con cái của mình, chỉ vì họ đang giữ vai trò giáo dục của một người cha, mẫu mực cho mọi thứ giáo dục Kitô giáo. Chính thánh nhân làm gương cho chúng ta: ngài viết một lá thư cho Rôma vào năm 1884 rất nổi tiếng: “Giới trẻ đã được yếu mến đầy đủ chưa? Anh biết tôi yêu mến chúng như thế nào. Anh cũng biết, vì chúng, tôi đã đau khổ và chịu đựng trong suốt 40 năm qua,và tất cả những gì tôi đau khổ và chịu đựng vẫn còn tới nay.”
Don Bosco rất yêu kính Đức Mẹ: ngài luôn kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Đấng Cầu Bầu cho các tín hữu, ngài nhìn Đức Maria “Người Mẹ luôn tha thứ và bảo bọc mọi người dưới áo choàng từ ái”. Trong giấc mơ có tính tiên tri vào lúc 19 tuổi, Đức Maria đã mặc khải cho ngài thấy mình là “Nữ chủ”.
Đặc điểm thứ hai của thánh nhân nằm trong phương pháp giáo dục phòng ngừa, đem lại cho Hội thánh việc tiếp xúc với quần chúng. Phương pháp này phải thấy trước những nguy hiểm đang rình rập giới trẻ, nhưng trước tiên nhờ một giáo dục chân tình nhắm vào sự tự do của cá nhân. Phương pháp này đã sản sinh ra hoa trái tốt đẹp nơi Nguyện Xá Valdocco trong con người của thánh Dominique Savio, vị thánh trẻ này nói với một người bạn: “Nơi đây, sự thánh thiện nằm trong sự vui tươi và chu toàn bổn phận cách tuyệt hảo.”
Thánh Don Bosco luôn nói: “Ước gì giới trẻ hiểu rằng họ được yêu mến.” Lời nguyện nhập lễ cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta “có được tình yêu để đi tìm ơn cứu độ cho anh em chúng ta, để chỉ phục vụ một mình Thiên Chúa làm thôi”. Thánh nhân đã dùng một câu Thánh Kinh làm châm ngôn: Hãy ban cho con các linh hồn và hãy lấy đi tất cả những gì còn lại (St 14,21). Linh đạo của ngài nằm trong hoạt động mà ngài nhấn mạnh: “Không phải sám hối hay kỷ luật mà tôi khuyên anh em, nhưng là lao động, lao động, lao động…” Lao động “là công trình của Thiên Chúa” và công trình của Thiên Chúa là “công trình các linh hồn” được hoàn thành trong thinh lặng, vì như ngài luôn nói: “Sự thiện hảo không ồn ào, và sự ồn ào không làm nên việc thiện.”
Enzo Lodi
Mồng Ba Tết Giáp Thìn
Thánh hóa công ăn việc làm
Mt 25,14-30
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Mồng Ba Tết. Thánh hóa công ăn việc làm.
Ca nhập lễ
Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi
Hoặc
Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân lành Chúa trên chúng con và xin Chúa củng cố việc tay chúng con làm ra
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã nuốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: St 2, 4b-9. 15
“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa”.
Bài trích sách Sáng Thế.
Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất.
Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp ca: Tv 103, 1-2a, 14-15, 24, 27-28
Ðáp: Lạy Chúa, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác.
Xướng: Ngài khiến cỏ xanh mọc ra cho súc vật, và cây cối để con người xử dụng, để từ trong đất con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỉ lòng người; khiến cho mặt người lấp lánh dầu thơm, và bánh cơm tâm can người được bỗ dưỡng.
Xướng: Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.
Xướng: Hết thảy mọi vật đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo.
Bài đọc 2: Cv 20,32-35
Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, chính đôi tay này tự cung cấp lấy.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
32 Khi ấy, ông Phao-lô ngỏ lời cùng các kỳ mục trong cộng đoàn Ê-phê-xô rằng: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.
33 “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. 34 Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. 35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.”
Alleluia và Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 67, 20
(Mùa Chay: bỏ Alleluia)
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia; Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng chúng tôi. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 5, 16-20
“Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, các người Do thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã chữa bệnh trong ngày sabbat. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, các người Do thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Thật, Ta bảo thật cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì, nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán thục”.
Ðó là lời Chúa.
– – – – – – – – – – – –
Hoặc: (Mt 25,14-30)
“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.”
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi không phát, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc, nghiến răng”.
– – – – – – – – – – – –
Hoặc: Mt 6, 31-34
“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai“.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Ðó là lời Chúa.
– – – – – – – – – – – – –
Hoặc: Mc 4,26-29
“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất, người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân, cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa lễ vật này, cùng với mọi công việc chúng con sẽ làm trong năm mới. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho chúng con được cộng tác với Con Một Chúa, để thực hiện chương trình cứu độ của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời Tiền Tụng
Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Chính Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha, và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế.
Chính vì thế, hiệp cùng các Thiên thần và các thánh nam nữ, chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển và đồng thanh chúc tụng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể. Ước chi thần lương này giúp chúng con hăng hái chu toàn mọi việc sao cho đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
SINH LỜI NÉN BẠC CHÚA TRAO
“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,14-30)
Suy niệm: Nếu Thiên Chúa muốn thấy công trình của Ngài nguyên vẹn không bị những rủi ro do con người gây ra ắt Ngài đã tạo dựng vụ trụ này gồm những pho tượng đá im lìm, lạnh ngắt. Nhưng Ngài đã ra lệnh cho muôn loài “sinh sôi nảy nở ra nhiều đầy mặt đất,” và đã giao cho con người làm bá chủ, cai quản chúng. Như người chủ giao cho gia nhân những nén bạc để sinh lời, Ngài muốn con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Những khả năng và chính sự hiện hữu của con người là những nén bạc Chúa trao. Ngài không phải là ông chủ hà khắc, thủ lợi mà là Cha nhân từ và giàu lòng thương xót. Trong mối tương giao Cha-con đó, những ai biết sinh lời nén bạc mới cảm nghiệm trọn vẹn niềm vui khi chung hưởng hạnh phúc với Chủ và cũng là Cha của mình.
Mời Bạn: Chỉ khi cảm nghiệm được tình yêu và sự tín nhiệm Chúa dành cho bạn, bạn mới nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc quản lý “tài sản” Chúa trao: đó là trách nhiện phát triển bản thân bạn, gia đình, đồng bào, đồng loại và cả vũ trụ này. Sống mối tương giao Cha-con với Chúa ngay từ ở đời này, bạn mới có thể sinh lời nén bạc Ngài trao.
Chia sẻ: Bạn có biết mình được Chúa trao những nén bạc nào không? Và bạn đã sinh lời chúng như thế nào để góp phần làm đẹp thế giới này?
Sống Lời Chúa: Thời gian là vốn quý, đã trôi qua không lấy lại được: Tận dụng mọi giây phút để làm việc lành sinh lợi cho Nước Chúa.
Cầu nguyện: Xin Chúa ban ơn trợ giúp, để con sống xứng đáng là người con và quản lý trung tín của Chúa.
AI KHÔNG CHỊU LÀM THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN!
LỜI CHÚA: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 4,10-11).
CÂU CHUYỆN: SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY
Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn để gieo cỏ trước lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo trồng mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu cảnh vất vả cày bừa để đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để trở lại thiên đường.
Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc cách nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: “Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ”. Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng không chịu làm việc và chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.
THẢO LUẬN: 1) Thánh Kinh dạy gì về lao động trí óc và tay chân? 2) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì trong Năm Mới này?
SUY NIỆM
Có người nghĩ rằng con người làm bá chủ thiên nhiên và có toàn quyền làm chủ trái đất mà quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ vạn vật. Tin mừng Gio-an đã cho biết về công trình Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng tác với Thiên Chúa để góp phần hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi sáng tạo loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).
1) Loài người được trao quyền làm chủ thiên nhiên:
Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).
2) Gương sáng lao động của thánh gia Na-da-rét:
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, còn mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ phục vụ chồng con. Còn trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) và luôn sẵn sàng chia sẻ nỗi vất vả của cha mẹ, và qui hướng mọi việc theo thánh ý của Chúa Cha (x. Lc 22,41), và luôn làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).
Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, kèm theo sự vất vả chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt nặng công việc phục vụ hơn là giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong ngày sa-bát là ngày bị cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do thái như sau: “Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
3) Phải chăm chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi ra các nén bạc vật chất tinh thần được Chúa trao phó như sau:
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do bất tín và biếng nhác đã mang nén bạc của chủ đi chôn vì sợ hãi thay vì yêu mến chủ. Anh ta đã bị mất những gì đang có.
4) “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” :
Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,33-35).
5) Chúng ta phải làm gì?
Trong Kinh Tiền Tụng lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau: “Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế”.
Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự để qui hướng về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa muốn cứu độ loài người khi sử dụng những gì Chúa trao như: Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái… và cần ý thức rằng: chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.
LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn các nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường kêu trách Chúa khi cầu xin mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng những gì trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa muôn đời. - Amen.
Mùng Ba Tết Nguyên Đán
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 25, 14-30).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi không phát, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc, nghiến răng”.
Suy niệm
Một trong những mối lo lắng lớn nhất của con người hôm nay đó là công ăn việc làm. Người ta tìm đủ mọi cách để có công việc hàng ngày, từ những em nhỏ phải học thật nhiều với đủ loại hình thức, để có được tấm bằng đi xin việc, từ những người nông dân chất phác hàng ngày cặm cụi trên đồng ruộng, để có cái ăn cái mặc, đến những người tiểu thương buôn bán đó đây, lắm lúc phải dùng cả những xảo thuật để có thêm đồng tiền, rồi những người không còn đủ sức khỏe, cũng bươn chải với xấp vé số trên tay, mong kiếm được chén cơm qua ngày. Tất cả ngược xuôi vì cái ăn cái mặc. Mồng ba tết, Giáo hội mời con cái hãy trở lại với hiện tại, với công việc làm ăn, để xin Thiên Chúa thánh hóa, chúc lành và ban bình an cho mỗi người, để bước sang năm mới tìm được niềm vui trong lao động, tìm được bình an trong công ăn việc làm và gặp nhiều may mắn trong mọi sinh hoạt cuộc sống.
Trở lại với trình thuật tạo dựng từ sách Sáng Thế Ký, con người được diễm phúc khi Thiên Chúa trao vào tay họ quyền quản lý công trình tạo dựng của Ngài. Khi mọi thứ mọi loài đã được tạo dựng, con người là sinh vật cuối cùng mà Thiên Chúa đã suy nghĩ rất nhiều để dựng nên, bởi đó là một sinh vật mang hình ảnh Thiên Chúa, nên Ngài đã cho họ mang lấy hơi thở của Ngài, hơn nữa, Ngài còn trao quyền trông coi vũ trụ này: “Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. Người quản lý sao sánh được với người chủ nhân, công việc hàng ngày là trông coi, bảo quản và xây dựng cho mọi thứ hoàn hảo, thế nhưng, người quản lý đó đã hiểu sai công việc mình, đã đứng vào chỗ của người chủ nhân để chiếm đoạt tất cả, thậm chí còn đuổi luôn ông chủ ra khỏi ngôi nhà của ông. Thái độ sống như thế làm sao có được sự bình an đích thực, làm sao có được sự chia sẻ và có được chỗ đứng trong trái tim của người chủ nhân.
Bản văn tin mừng của Chúa Thánh Thần kể lại những trăn trở của vị tông đồ dân ngoại, khi ông tới thăm cộng đoàn Ê-phê-sô, ngài nhắc họ về bổn phận hàng ngày của mình là quản lý và làm việc với tư cách là người làm công: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận”. Ngoài bổn phận hàng ngày, người tín hữu cần quan tâm tới anh chị em của mình, đặc biệt là những người túng thiếu, Thiên Chúa cho chúng ta mọi thứ cách nhưng không, mỗi người cũng hãy giúp đỡ nhau cách nhưng không, có như thế mới xứng đáng với những gì Thiên Chúa tặng ban.
Câu chuyện ông chủ trao cho các đầy tớ những nén bạc tùy theo khả năng, điều kiện và hoàn cảnh sống, được nhắc lại trong ngày cầu bình an cho công ăn việc làm. Ông dựa vào điều kiện của từng người để hướng dẫn họ làm việc, nhằm phát huy sự hoàn thiện của con người: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ”. Quả thực là một ông chủ tốt bụng, hào phóng và rất tâm lý, biết rõ khả năng và điều kiện từng người giúp việc cho mình, do đó, ông đã trao cho họ những đồng vốn thích hợp với khả năng của mình để lao động, để chia sẻ và để thăng tiến bản thân.
Lao động là một công việc cao quý nếu con người biết trân trọng, biết yêu quý nó. Nhiều lúc con người lao động nhưng với một mục đích khác, vì làm việc không đúng với mục đích chính, nên con người trở thành lam lũ, vất vả trong từng ngày, từng công việc, Thiên Chúa ban cho con người một khối óc thông minh và đầy tư duy để tính toán, để có những kế hoạch lao động cho hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích về tinh thần cũng như thể xác. Không chỉ làm việc, con người còn có trách nhiệm trông coi công trình của Thiên Chúa, đây là một công việc nặng nề nhưng rất vinh dự, bởi con người được thay mặt Thiên Chúa chăm sóc và làm việc để mọi thứ được hoàn hảo lên từng ngày, từ cỏ cây, môi trường, cho đến bầu trời, thời tiết và khí hậu, tất cả nếu được bảo vệ đúng nghĩa, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho con người, đem lại nhiều hoa thơm quả ngọt cho thế giới, cho cuộc đời. Thế nhưng, thay vì làm việc để xây dựng, vô tình con người đang làm việc không đúng với mục đích ban đầu của chủ nhân. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sa mạc hóa đất đai, đồng bằng bị nhiễm mặn, nguồn nước nhiễm độc, tất cả đang làm cho sự sống của mọi loài trong công trình của Thiên Chúa bị mai một và chết dần, chết mòn. Phải chăng lao động không còn là xây dựng mà là phá hoại chăng?
Giá trị của con người được nâng cao khi con người biết sử dụng khối óc và trái tim của mình để làm việc, khối óc sẽ cho con người những kế hoạch, những lối tư duy sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng lao động, giảm thiểu sức người, nâng cao đời sống, trái tim con người được mở ra khi biết chia sẻ, biết thông cảm và bổ trợ cho nhau trong lao động, để mọi công việc sớm hoàn thiện, mọi kết quả luôn vẹn toàn. Đó là lúc con người đang lao động đúng với mục đích ban đầu mà Tạo Hóa đã trao cho họ. Đời sống tôn giáo cũng không là ngoại lệ của việc lao động. Để có được một cộng đoàn thánh thiện, hiệp nhất, mỗi thành viên cần lao động cả trí óc lẫn thể lý, tinh thần cộng tác trong phục vụ luôn cần những đôi tay thầm lặng, những trái tim nóng ấm mới mong có được một gia đình thiêng liêng giữa cộng đoàn. Khởi đầu một năm mới, cộng đoàn dân Chúa luôn mong đợi một chút đổi mới từ những con người thầm lặng, những con người có trái tim mở, những con người có khối óc năng động và mạnh mẽ như chú Rồng năm Thìn. Tất cả đang đợi chờ, tất cả nhờ ơn Chúa và tất cả sẽ đến nhờ hơi ấm tình người.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con luôn được Chúa yêu thương, chăm sóc, hơn nữa còn được Chúa cho trông coi công trình tuyệt diệu của Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức mình là người làm công trong vườn nho của Chúa, để chúng con cố gắng làm tròn bổn phận của mình trong hoàn cảnh hiện tại. Chúa còn cho phép con người sử dụng những gì cần thiết trong thế giới này để phục vụ cuộc sống, xin cho chúng con luôn biết bảo vệ trái đất này, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, để cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Xin nhắc con người đừng phá hoại công trình tuyệt hảo của Chúa. Amen.
Ở LẠI ĐỂ SINH HOA TRÁI
(MÙNG BA TẾT NGUYÊN ĐÁN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của ngày Mùng Ba Tết này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin Chúa cho chúng ta được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa.
Hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa, bằng cách cộng tác làm cho thế giới này triển nở theo ý định của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen để con người canh tác và coi sóc đất đai. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 103, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, chính đôi tay này tự cung cấp lấy.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái. Trong bài Tin Mừng, người đầy tớ nói: Ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.
Chúa là cây nho, chúng ta là cành: muốn sinh trái, cành nho phải ở lại, phải kết hợp nên một thân nho. Người đầy tớ được giao năm yến đã sinh lợi được năm yến khác, nhờ anh ta biết ở lại trong sự hiện diện của chủ mình, dù cho, chủ của anh đang vắng mặt; anh ý thức sự hiện diện của ông chủ, hơn là, sự có mặt của ông. Sống trong sự hiện diện của Chúa, ở lại với Chúa, bước đi trước mặt Người, chúng ta sẽ nghĩ, nói, làm những gì đẹp ý Chúa. Chúa dựng nên chúng ta là để chúng ta được hạnh phúc, bao lâu chúng ta sống trong sự hiện diện của Chúa, ở lại với Chúa, thì bấy lâu, chúng ta được hạnh phúc; bao lâu chúng ta chưa hạnh phúc, thì bấy lâu, chúng ta chưa đạt được mục đích Chúa tạo dựng nên chúng ta. Cộng tác vào công trình sáng tạo, cũng là, cộng tác vào công trình cứu độ, mà Chúa muốn thực hiện cho chúng ta. Đức Giêsu luôn làm việc vì Cha của Người luôn làm việc; Đức Giêsu không ngừng làm việc, nghĩa là, Người không ngừng ở lại, không ngừng kết hợp với Chúa Cha.
Chính Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Chúa còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Thật vậy, Đức Giêsu đã bắt chước Chúa Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng ta biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn, để làm rạng danh Chúa Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế.
Chúa đã muốn cho chúng ta phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Ước gì chúng ta được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn