TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm C

“Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. (Ga 14, 23-29)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 6 PHỤC SINH

Thứ ba - 20/05/2025 14:49 |   31
“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20-23a)

30/05/2025
Thứ sáu tuần 6 phục sinh

t6 t6 PS

Ga 16,20-23a


vui niềm vui của chúa
“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
(Ga 16,20-23a)

Suy niệm: Có một thời những đứa trẻ tinh nghịch thích bày ra trò chơi quái ác là ném vỏ chuối ra lối đi khiến người qua đường đạp phải, trượt té để rồi vui cười với nhau. Trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, nhiều người thích vào mạng xã hội, tung xì-căng-đan của người khác lên “phây” để mọi người xúm vào “ném đá”… cho vui! Cái vui theo kiểu thế gian là vui trên đau khổ của người khác, cái vui thác loạn với những “cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm”… Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ học cách vui niềm vui của Chúa. Đó là dám chấp nhận “khóc lóc than van” trong khi thế gian vui mừng. Nhưng Ngài cam đoan với họ rằng “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”

Mời Bạn: Niềm vui của Chúa là vui vì thánh ý Chúa Cha được thể hiện (Lc 10,21); vui vì người tội lỗi ăn năn hối cải (Lc 15,9); vui vì người con cái Chúa “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Để có được niềm vui ấy, Chúa đã sẵn sàng hy sinh chính thân mình, chấp nhận gánh lấy đau khổ để đền bù tội lỗi. Nếu bạn muốn được vui niềm vui của Chúa, bạn cũng hãy sẵn sàng cùng Chúa vác thập giá mình để đền bù thay cho tha nhân.

Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm về niềm vui sâu lắng khi bạn có dịp hy sinh để phục vụ người khác.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hy sinh chịu quấy rầy, phiền hà, hoặc thiệt thòi để phục vụ tha nhân, đặc biệt là người thân trong gia đình bạn và những người bé mọn, nghèo hèn trong xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại để phục vụ tha nhân.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 6 phục sinh

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy máu Chúa mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, Chúa đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã tái tạo chúng con trong bí tích thánh tẩy, cho chúng con được hưởng sự sống muôn đời; xin hướng lòng chúng con lên cùng Ðấng đang ngự bên hữu Chúa, để trong ngày Người trở lại chúng con được mặc áo trắng tinh tuyền theo Người vào hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Nơi nào mừng lễ Thăng Thiên vào Chúa Nhật tới thì đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho hết mọi người trên thế giới đón nhận Tin Mừng Ðức Kitô mà Hội Thánh không ngừng rao giảng, và xin cho chúng con là nghĩa tử được hưởng nhờ ơn cứu độ của Ðức Kitô, Ðấng đổ máu đào trên thập giá để làm chứng cho sự thật. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 18, 9-18

Trong thành này, Ta có một dân đông đảo“.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

(Khi Phaolô đang ở Côrintô), một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: “Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo”. Phaolô ở lại đó một năm sáu tháng mà giảng dạy lời Chúa cho họ.

(Ðến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: “Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật”. Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: “Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy”. Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

Xướng: Người bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã chọn cho chúng tôi phần gia sản, vinh dự của Giacob mà Người sủng ái.

Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta.

Alleluia: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 16, 20-23a

“Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đón nhận lễ vật của chúng con là con cái trong nhà, và thương tình bảo vệ chúng con luôn mãi. Ước gì chúng con không để mất những ơn đã lãnh nhận trong lễ Vượt Qua này và được phúc lộc muôn đời Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên

Ca hiệp lễ

Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin không ngừng bảo vệ chúng con. Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con, xin cho chúng con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

QUA ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG (Ga 16,20-23a)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau lúc sinh con được Đức Giê-su dùng để báo cho các môn đệ về viễn tượng Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Một lần nữa Đức Giê-su khẳng định chân lý “qua đau khổ đến vinh quang”.

Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan đau khổ, nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giê-su và đạt được niềm vui bất diệt.

2. Trước khi bước vào cuộc tử nan, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: “Các con sẽ khóc lóc và than vãn”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Đức Giê-su. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn, Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Đấng bị đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.

Nhưng cái chết của Đức Giê-su chỉ là một gian đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được. Chúa chết đi để sống lại. Chúa ra đi để rồi trở lại. Chúa Phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.

3. Bằng hình ảnh tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau sinh con được Đức Giê-su dùng để báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Qua đó, Ngài khẳng định: “xuyên qua thập giá đau khổ, mới đến vinh quang phục sinh.

Như hai môn đệ trong ngày Chúa phục sinh, bước nhanh trên con đường hướng về Em-mau, một làng cách Giê-ru-sa-lem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản và than thở: “Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel, nhưng…” (x.Lc 24,13-25), Chúa Giê-su Phục sinh mà họ không nhận ra, qua Kinh Thánh bắt đầu từ ông Mai-sen, tới các tiên tri, đã giải thích: ”Đấng Thiên sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy  trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao” (x.Lc 24,26-27).  Qua đó, Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống lại là nền tảng của cuộc sống của người tin vào Chúa.

4. “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Đó là lời Đức Giê-su nói với các môn đệ, một lời khích lệ, một lời tiên báo, một lời hứa và cũng là lời bảo đảm chắc chắn. Thực vậy, khi Chúa chết, các môn đệ buồn phiền, nhưng khi Chúa sống lại, hiện ra với các ông, các ông vui mừng.  Hai môn đệ trên đường đi Em-mau, sau khi gặp được Chúa đã phấn khởi vui mừng chạy về Giê-ru-sa-lem báo tin cho các môn đệ khác. Cô Maria Ma-đa-lê-na sau khi gặp được Chúa cũng vui mừng chạy về báo tin Thầy đã sống lại. Nỗi buồn chia tay  nay lại trở thành niềm vui. Lời Chúa báo trước đã thành sự thật: Bây giờ các con buồn sâu, nhưng khi Thầy gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng”.

5. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy  được ý nghĩa cao cả của hy sinh: chỉ trong đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Ki-tô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình; chỉ có tình yêu mà con người  không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).

6. Chân lý “qua thập giá tới vinh quang” là bất biến. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quí nhất dành cho những ai theo Đức Giê-su chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giê-su và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phao-lô từng nói: Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).

7. Truyện: Qua đau khổ tới vinh quang.

Có một người nọ luôn tỏ ra khó chịu, không thể nhìn bất cứ cái gì đẹp đẽ và khỏe mạnh. Một hôm đi ngang qua một vùng gần sa mạc, ông thấy một cây dừa non tươi tốt. Ông ta liền nhặt một cục đá khá nặng và đặt vào giữa đọt cây dừa rồi ra đi với nụ cười khoái trá đầy vẻ độc ác.

Cây dừa đã vùng vẫy tìm cách vứt hòn đá đi, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cây dừa bèn đổi chiến thuật bằng cách đâm rễ thật sâu xuống tới những mạch nước ngầm dưới lòng đất. Sức sống đến từ lòng đất và hơi ấm mặt trời từ trên cao xuống đã làm cho cây dừa trở thành một cây dừa có sức mạnh nâng cả tảng đá lên cao.

Sau nhiều năm tháng trôi qua, người đàn ông kia trở lại với ước muốn hằn học rằng sẽ được nhìn thấy cây dừa oằn mình dưới sức nặng của viên đá. Cây dừa đã cúi sâu cho ông ta xem viên đá vẫn còn nguyên trong đọt non của mình và nói:

– Tôi cảm ơn ông, chính viên đá tai ác của ông đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ và trưởng thành.


NIỀM VUI KHÔNG MẤT ĐƯỢC
(THỨ SÁU TUẦN 6 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 6 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Đức Kitô sống lại, Chúa đã tái tạo chúng ta trong Bí Tích Thánh Tẩy, cho chúng ta được hưởng sự sống muôn đời, xin Chúa hướng lòng chúng ta lên cùng Đấng đang ngự bên hữu Chúa, để trong ngày Người trở lại, chúng ta được mặc áo trắng tinh tuyền theo Người vào hưởng phúc trường sinh.

Hướng lòng lên cùng Đấng đang ngự bên hữu Chúa, để yêu như chính Người đã yêu, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích thư thứ nhất của thánh Gioan nói về: Yêu thương anh em như Con Thiên Chúa đã yêu thương, muốn yêu thương như Đức Kitô, phải minh chứng bằng hành động. Vào ngày sau hết, đó sẽ là dấu để Thiên Chúa nhận ra ai là kẻ thuộc về Người. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Chúng ta biết rằng: Chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em.

Hướng lòng lên cùng Đấng đang ngự bên hữu Chúa, để giữ vững niềm trông cậy khi chịu thử thách, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Lêô Cả nói về: Hai cuộc sống: Phêrô và Gioan… Thiên Chúa, nguồn mọi ân sủng, là Đấng đã kêu gọi chúng ta vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô, Người sẽ cho những kẻ phải chịu khổ ít lâu được nên hoàn thiện, vững vàng. Đấng đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng ta được trỗi dậy với Đức Giêsu.

Hướng lòng lên cùng Đấng đang ngự bên hữu Chúa, để can đảm loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ: Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 46, vịnh gia kêu xin: Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu. Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Kitô phải chịu khổ hình, và từ cõi chết sống lại, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Niềm vui của chúng ta sẽ không bị ai lấy mất, nếu, niềm vui của chúng ta xuất phát từ Chúa, từ việc chúng ta bước theo Chúa trong đau khổ, để được ở với Người trong vinh quang. Trong cõi đất dành cho kẻ chết, dĩ nhiên, phải chịu những nỗi khốn khó của thế gian này; còn trong cõi đất dành cho người sống, sau này sẽ được thấy những phúc lộc Chúa ban. Chúng ta sẽ được giải thoát khỏi những thử thách của cuộc đời này, và sẽ được hưởng hạnh phúc trong cuộc sống mai sau. Hội Thánh đã rao giảng về Ngôi Lời, Đấng đã có lúc khởi đầu, Đấng hướng về Thiên Chúa và Hội Thánh cũng đã rao giảng về những mầu nhiệm cao siêu khác liên quan đến thần tính của Đức Kitô, đến Ba Ngôi Thiên Chúa... Những chân lý này, từ bây giờ cho tới khi Chúa đến, chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong một tấm gương. Chính Đức Giêsu Phục Sinh sẽ phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên mặt đất, để ai nấy tùy theo khả năng, mà có thể đến đón nhận, vì thế, Người đã khuyến khích thánh Phaolô: Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này. Nhờ mầu nhiệm Đức Kitô sống lại, Chúa đã tái tạo chúng ta trong Bí Tích Thánh Tẩy, cho chúng ta được hưởng sự sống muôn đời, ước gì chúng ta biết hướng lòng lên cùng Đấng đang ngự bên hữu Chúa, để trong ngày Người trở lại, chúng ta được mặc áo trắng tinh tuyền theo Người vào hưởng phúc trường sinh. Ước gì được như thế!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây