TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 30 TN-B

Chủ nhật - 20/10/2024 03:12 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa |   990
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10, 46-52)

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên -B

CN30TNb 2

Mc 10, 46-52
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
          
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.
          
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

 

LÒNG TIN CỦA ANH ĐÃ CỨU CHỮA ANH!
(Chúa Nhật XXX TN B) - Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Trong văn thơ có thể loại được gọi là “huề vốn” nghĩa là có nói cũng không thêm gì. Một ví dụ: “Đứng bên này sông thấy bờ bên kia sông. Bơi qua bờ bên kia thì thấy bờ sông bên này. Bơi ra giữa sông, hụp đầu xuống thì không thấy bờ sông nào”. Đã là người thì không một ai đành cam chịu cảnh mù lòa khi còn khả năng làm sáng đôi mắt. Cũng chẳng một ai thấy dễ chịu khi đang sáng mắt mà bị chê trách là đui mù. Xin cũng được dùng kiểu nói “huề vốn” để vào thẳng vấn đề, đúng hơn là để luận bàn đôi điều về điều gọi là “thấy”. Ai là người đang bị mù? Thưa đó là những người không thấy.
          
Đó là những ai không thấy người anh chị em mình đang túng cực, nghèo khổ mong kiếm cho được dăm ba chục ngàn mỗi ngày để sinh sống, chưa kể nếu có người thân phải cưu mang. Đó là những ai không thấy người anh chị em của mình đang bị bóc lột sức lao công do bởi những người lắm tiền, nhiều quyền trong xã hội. Đó là những ai không thấy anh chị em của mình đang bị đối xử bất công do bởi những người nắm quyền bất nhân hay do bởi các luật lệ bất minh. Đó là những ai không thấy nền giáo dục nước nhà đang loay hoay trong ngõ cụt vì những cơ chế phi lý, lạc hậu, lỗi thời… Đó là những ai không thấy con thuyền của một vài Giáo Hội địa phương xem ra đang vất vả lướt sóng không nguyên chỉ vì bão tố thế gian mà còn có thể vì quá nặng nề với các “lễ hội” bên ngoài, để rồi dù không phải là xao lãng, nhưng chưa xem trọng nghĩa vụ sống yêu thương, làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý, loan truyền Tin mừng… Đó là…
          
Thế nhưng căn cứ vào đâu để xác định rằng ai đó đã và đang không thấy? “Phản ứng hay hiệu ứng” là một trong những biểu hiện cho biết là ai đó đang còn thấy. Với người hấp hối hay người gặp một sự cố nặng về thể lý thì người ta thường lấy đèn soi vào mắt hay một kiểu cách vẩy ngón tay sát mắt nạn nhân để xem phản ứng đôi mắt của họ. Khi thấy được vẻ đẹp một cánh hoa, hay một quang cảnh kỳ lạ thì người ta không thể không có phản ứng cho dù có thể mỗi người một cách khác nhau. Một cái thấy được gọi là thấy, khi và chỉ khi đối tượng được thấy gây được một hiệu ứng nào đó nơi người thấy nó. Cũng thế, chúng ta chỉ có thể gọi là thấy, khi những điều đập vào mắt chúng ta làm phát sinh trong chúng ta những tâm tình như vui, buồn, hoan hỷ, giận dữ, đồng cảm, đồng thuận hay bất bình, phẫn nộ…
          
Nếu làm thống kê thì con số người không thấy có lẽ là rất ít. Dù không thể đòi hỏi cách tuyệt đối, nhưng thử hỏi trong số những người được gọi là có thấy thì được bao nhiêu phần trăm là thấy đúng sự vật hiện tượng, thấy đúng bản chất của đối tượng như nó là? Mỗi khi đã thấy rõ, thấy đúng thì người ta sẽ dễ có phản ứng chính xác, hợp lý và cả hợp tình. Một nguy hiểm và cũng là vấn đề cần đặt ra, đó là chúng ta chỉ thấy cách phiến diện, một chiều mà cứ tưởng rằng mình thấy đúng, thấy rõ. Vì thế các phản ứng của chúng ta nhiều khi vừa thiếu chính xác, lại vừa thiếu lý, thiếu tình. Dù rằng với phận phàm hèn, không một ai dám to gan cho rằng mình có thể thấy đúng, chính xác cách hoàn toàn, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta có thể lơ là việc tìm cách để thấy các sự vật, hiện tượng ngày một đúng đắn và chính xác hơn, vì đây là một tiền đề không thể thiếu để có được những phản ứng hợp tình và đạt lý.
          
“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Câu nói của Chúa Giêsu với anh mù Bactimê trong ngữ cảnh bài Tin Mừng đề cập trực tiếp đến thái độ cậy trông của anh Bactimê vào tình yêu và quyền năng của Người. Và thái độ cậy trông ấy được thể hiện bằng việc anh ta cương quyết gặp Chúa Giêsu bất chấp mọi trở ngại. Tuy nhiên câu nói ấy cũng cho chúng ta chiếc chìa khóa giải quyết vấn nạn thấy. Để có thể thấy và thấy đúng thì cần có lòng tin. Chúng ta dễ đồng thuận với nhau về sự thật này nếu chấp nhận rằng tin là nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa. Thế nhưng lại phải tự hỏi với nhau rằng khi nào thì chúng ta đang nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa? Quả thật, để tìm được câu trả lời khả dĩ có tính thuyết phục thì không mấy dễ. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta biết rằng những ai ở trong ân sủng, tức là có sự kết hiệp mật thiết với Chúa thì sẽ biết cách nhìn như Chúa nhìn. Trong vấn đề này, các nhà tu đức chỉ dạy chúng ta kế sách tuyệt với đó là hãy chuyên chăm cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh này của con, Chúa sẽ thấy sự kiện, vấn đề này ra sao?”. Qua đời sống cầu nguyện, nỗ lực kết hiệp với Chúa thì ta sẽ biết nhìn như Chúa nhìn.
          
Một kinh nghiệm dân gian có thể nói là khá chính xác: “Con chim sắp chết hót tiếng bi ai. Con người sắp chết nói lời lẽ phải”. Để nói được lời lẽ phải, thì người cận kề với cõi đời sau hẳn đã thấy được chân tướng các sự vật hiện tượng cách nào đó. Tin Mừng cho ta hay trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu luôn hướng về cái giờ của Người, đó là giờ mà Người sẽ bỏ thế gian này mà về cùng Cha bằng cái chết trên thập giá. Và đây chính là một trong những chìa khóa giúp Chúa Giêsu nhìn thấy các sự vật hiện tượng theo cái nhìn của Cha trên trời, để rồi có được những cách thế phản ứng thuận ý Cha, đẹp lòng Cha (x.Mt 3,17; Mc 1,11).
          
Vì sao còn có những phản ứng chưa thấu lý và đạt tình nơi Kitô hữu, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ? Một trong những nguyên nhân đó là vì ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng. Vì sao ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng? Vì ta chưa biết nhìn như Chúa nhìn. Chưa biết nhìn như Chúa nhìn, ngoài những lý do khách quan thì rất có thể vì ta chưa thực sự gắn bó thiết thân với Chúa và cũng ít nghĩ đến cái giờ ta rời bỏ thế gian.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây