TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 21/10/2024 14:37 |   224
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột… ” (Lc 13,18-21)

29/10/2024
Thứ ba tuần 30 THƯỜNG NIÊN

t3 t30 TN

Lc 13,18-21


là men trong bột
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột… ” (Lc 13,18-21)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó “giống như chuyện nắm men trong bột”: Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột, Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội, Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố của thế giới.

Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ, nhưng là chính thời gian bạn ở nhà bạn, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp, v.v… mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Vì thế, người giáo dân trở thành men trong bột bằng cách chu toàn những bổn phận hằng ngày của mình trong gia đình, trong công ăn việc làm, theo đúng giáo huấn của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm trong nghề nghiệp của bạn để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,… xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu và lẽ sống của con. Amen.
(“Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ”, tr 5-6).

Ngày 29: Lạy Mẹ Mân Côi! Khi cử hành Hy Tế Thánh Thể, Hội Thánh vâng theo lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì Hội Thánh cũng đón nhận, cùng một lúc, lời của Mẹ: “Người bảo gì, thì cứ làm theo”. Mẹ đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình, trước khi Hy Tế Thánh Thể được thiết lập, bởi vì, Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh trong để cho Ngôi Lời nhập thể: có một mối tương quan mật thiết giữa tiếng “Fiat” của Mẹ, và tiếng “Amen” của chúng con khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Sau tiếng “Fiat”, Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Mẹ; sau tiếng “Amen”, Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con biết bắt chước Mẹ: luôn khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 30 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 18-25

“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 5, 21-33

“Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.

Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.

Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác”. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra, bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thấy nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.

Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 18-21

“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.

Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

DỤ NGÔN HẠT CẢI VÀ NẮM MEN (Lc 13,18-21)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Để dân chúng hiểu cách tổ chức và sinh hoạt trong Nước Trời, Đức Giê-su thường dùng những dụ ngôn mà người ta quen gọi là “Dụ ngôn Nước Trời”. Sự phát triển của Nước Trời được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng được nảy mầm và lớn lên phi thường. Cũng vậy, như nắm men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh  làm dậy tất cả đấu bột. Hạt cải và nắm men tuy nhỏ bé, nhưng đưa đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nước Trời cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung mãn và biến đổi được tất cả như vậy.

2. Sự tăng trưởng cùa Nước Trời.

Chúa ví Nước Trời như hạt cải. Cải là một thứ rau bên Thánh địa có nhiều. Hạt cải rất nhỏ. Để nói về sự bé nhỏ của vật gì, người ta thường ví: nó to bằng hạt cải! nghĩa là vật ấy nhỏ lắm. Đức Giê-su cũng có lần nói đến sự bé nhỏ của hạt cải: “Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải...”. Nhỏ bé thế mà gieo vào đất tốt, cây cải mọc cao lớn, cành lá xum xuê, chim trời đấn đậu và có thể làm tổ được.

Hạt cải nhỏ bé thật nhưng có sức sống mãnh liệt bên trong, nhờ có sức sống bên trong, nó có thể mọc lên thành cây lớn. Hình ảnh cây cải ở Pa-lét-ti-na chắc chắn khác cây rau cải ở Việt nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán của nó được.

Đức Giê-su có ý nói: Nước Trời ban đầu thật nhỏ bé trên dưới vài chục người với Đức Giê-su và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Pa-lét-ti-na nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới. Chức năng của Nước Trời, của Hội thánh, của Dân Chúa là phải lớn lên và trở thanh bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời.

3. Sự thấm nhập của nắm men.

Dụ ngôn “Men trong bột” nói lên sức men thấm nhập toàn thúng bột, làm cho bột dậy men. Chúa không chú trọng đến số men dùng, mà chú trọng đến sức mạnh dậy men. Cũng như men pha vào bột làm cho nó dậy men có hương vị thì giáo lý Nước Trời cũng sẽ thâm nhập vào thế giới làm cho nó sẽ trở nên tốt hơn và làm cho mọi người có khả năng nhận biết Tin Mừng.

Tinh thần Bác ái Công giáo dạy chúng ta không nên khơi dậy sự tiêu diệt, sự trả thù mà hãy nghĩ đến việc hoán cải như thứ men nhỏ bỏ vào hũ bột. Tất cả bột sẽ dậy men. Như vậy, bổn phận người Ki-tô hữu là đem Tin Mừng vào mọi cơ cấu gia đình và xã hội của mình, phải vận động để ảnh hưởng Tin Mừng được thể hiện trong luật pháp, đoàn thể cũng như quốc gia và mọi sinh hoạt của xã hội.

4. Với dụ ngôn hạt cải và nắm men, Đức Giê-su muốn mời gọi chúng ta đi vào cái nhìn của Thiên Chúa. Một hạt cải nhỏ bé trở thành một cây lớn đến độ chim trời có thể nương náu được, một ít men có thể làm dậy cả khối bột. Sức mạnh của cái nhỏ bé, sức tỏa lan của cái âm thanh, đó là sức mạnh của chính Giáo hội Chúa Ki-tô. Chính Chúa Giê-su dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng, nhưng Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các Tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng, nhưng đó đã là sức mạnh nhào nặn Giáo hội từ 2000 năm qua (Mỗi ngày một tin vui).

5. Cả hai dụ ngôn hạt cải và nắm men đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa. Một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này Đức Giê-su không nhằm đến diễn tiến đang xẩy ra của Nước Chúa như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất  chung cuộc  vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn, cuối cùng.

6. Truyện: Thế giới chưa hoàn chỉnh.

Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau: Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá… Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi: “Thưa Chúa, vậy thế giới xong chưa”? Thiên Chúa đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.

Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ: “Ta mệt rồi, Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con”. Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Thiên Chúa thế giới đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là: “Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của Ta”.

Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa không làm điều đó thay chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần việc của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Đó là phần việc của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.

Chúng ta có nhiệm vụ truyền bá Nước Thiên Chúa cho người ta trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, cho những người muốn nghe cũng như cho những người không muốn nghe. Phần chúng ta cứ việc gieo Lời Chúa và để cho Lời Chúa âm thầm mọc lên.

TỪNG CHÚT MỘT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men!”.

“Việc chấp nhận một con tàu là điều rất khó khi trời chỉ mới đổ mưa. Cái chết là một cơn bão tức thì ập xuống, đến nỗi khi bạn với tay cầm lấy chiếc ô, thì biết rằng, mình cần một đôi cánh để có thể bay trong nước! Vì thế, từng bước một, ‘từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!” - Calvin Miller.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Từng chút một’, ý tưởng của Miller được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu không nói đến một điều gì to tát, nhưng nói đến cái nhỏ bé đến nỗi gần như không trông thấy - một chút men. Ấy thế, như men trong bột, ân sủng Thánh Thần cũng biến đổi linh hồn ‘từng chút một!’.

Men - một thứ luôn hấp dẫn - nhỏ bé nhưng lại tác dụng mạnh mẽ đối với bột. Men hoạt động chậm nhưng hiệu quả; với men, bột sẽ lặng lẽ biến đổi và dậy lên. Đây luôn là điều hấp dẫn đối với trẻ em; bạn sẽ chứng kiến những đôi mắt thiên thần tròn xoe khi các trẻ có mặt tại lò bánh mì. Đây cũng là cách thức Tin Mừng hoạt động. Việc biến đổi một trái tim hiếm khi diễn ra trong một ngày hay trong một khoảnh khắc; đành rằng, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc đều quan trọng, nhưng hẳn có những khoảnh khắc chuyển đổi mạnh mẽ mà mỗi người có thể chỉ ra. Như chút men âm thầm làm cho thúng bột dậy lên, việc biến đổi một trái tim cũng thường diễn ra ‘từng chút một!’.

Đôi khi, sự ồn ào của thế giới với những ê chề của nó cùng bao biến động trong cuộc sống ngăn cản chúng ta dừng lại để xem cách Thiên Chúa đang vận hành lịch sử. Tuy nhiên, Tin Mừng bảo đảm, Thiên Chúa đang hoạt động như men âm ỉ và ‘từng chút một’, ‘thúng bột thế giới’ đang dậy lên. Chút men của những việc lành nơi chúng ta tuy nhỏ - phát xuất từ Chúa - vẫn đem lại những hiệu quả tuyệt vời trong tất cả mọi hành vi cử chỉ, dẫu tất cả luôn xảy ra trong khiêm nhu, tiềm ẩn, và thường là vô hình.

Suy gẫm về đời sống hôn nhân Kitô giáo, Phaolô nói, “Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” - bài đọc một. Khi nói điều đó, hẳn Phaolô đã nghĩ đến Chúa Thánh Thần - men tác động và kết hợp hai người nam nữ nên vợ chồng. Cũng trong Thánh Thần, Chúa Kitô và Hội Thánh làm nên gia đình Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Đó là một gia đình kính sợ Chúa, “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cho đến khi tất cả bột dậy men”. Viên men đầu tiên Thiên Chúa vùi vào ‘thúng bột nhân loại’ là Giêsu; không chỉ vùi vào lòng nhân loại, nó còn vùi vào đất. Và ‘từng chút một’, ‘từng con người một’, ‘từng mảnh đất một’ đã thấm nhuần men yêu thương của Ngài. Vì thế, bạn và tôi không còn là “bột men” thường, nhưng là “bột men Giêsu”. Và Ngài đang vùi chúng ta vào công sở, trường học, đồng áng… mọi ngõ ngách của thế giới. Ngài ước men Tin Mừng trong chúng ta ‘từng chút một’ với khả năng và hoàn cảnh rất riêng của mình, đem những con người chúng ta gặp gỡ trên đời ‘đến gần con tàu và yêu lấy nó’; “Con Tàu Giêsu”, “Con Tàu Giáo Hội’, để cả họ, cũng được biến đổi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con ‘từng chút’ để con có thể ‘yêu lấy con tàu Giêsu’ từng ngày; đừng để con mất chất, nhưng luôn là men nhiệt tâm, men nồng nàn!”, Amen.

 


AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Ba tuần 30 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây