TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật II thường niên -B

Thứ tư - 10/01/2024 20:24 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   641
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật tuần lễ thứ 2 mùa thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN2TNb a8


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 1, 35-42).

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật II Thường niên -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 


Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật II Thường niên -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc:
Huyền Lương


 

Suy niệm

Bước vào mùa thường niên của năm phụng vụ mới, Mẹ Giáo hội mời con cái hướng về chính mình, về ơn gọi của mỗi người. Để có thể đón nhận một ơn gọi đặc biệt nào đó như là ơn gọi Giáo sĩ, ơn gọi Tu sĩ, ơn gọi sống đời sống gia đình, trước hết cần phải sống ơn gọi làm người thật trọn vẹn, thật tử tế. Từ nền tảng căn bản và vững chắc của ơn gọi làm người, mỗi tín hữu mới có thể chu toàn mọi bổn phận, mọi trách vụ trong ơn gọi mình được mời tham gia và cộng tác. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 2 mùa thường niên mời chúng ta hướng về những ơn gọi đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, họ đến từ những con người tầm thường, được mời gọi trực tiếp hay gián tiếp đi theo những ơn gọi đặc biệt, từ đây, sự cố gắng đáp trả quảng đại của mỗi người, ơn gọi đặc biệt đó được viên mãn, vẹn toàn trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Trong bài đọc 1 trích từ sách Samuel quyển thứ nhất, tác giả kể lại ơn gọi của tiên tri Samuel. Là một cậu thiếu niên luôn ở bên cạnh thầy Hê-li, cậu được Thiên Chúa gọi trong đêm tĩnh lặng tại đền thờ, cậu không nhận ra đó là tiếng Chúa, chỉ nghĩ là thầy gọi mình. Sau khi được giải thích, cậu thiếu niên Samuel đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa cách rõ ràng, quảng đại: “Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Lắng nghe được tiếng gọi trong đêm tĩnh lặng giữa đền thờ, là một sự cố gắng rất lớn, bởi đây là một cậu thiếu niên. Cậu bé đã nghe được tiếng gọi đó không chỉ bằng thính giác, nhưng bằng con tim và ý chí mong muốn được hiến dâng cho Thiên Chúa. Nghe được tiếng Chúa, cậu ta đáp trả và đã sống ơn gọi đó cách viên mãn, nhưng có được vậy, cậu đã được dạy dỗ từ gia đình để hôm nay trở thành một con người thực sự, mang trong mình một khát vọng dâng mình cho Thiên Chúa.

Được tái sinh trong nước và Thánh Thần, cuộc đời và con người của mỗi tín hữu là đền thờ của Chúa Thánh Thần, được cộng tác với Ngài để xây dựng một gia đình Thiên Chúa, thánh hóa bản thân và nên thánh mỗi ngày qua thái độ quảng đại cộng tác của mình. Trong lá thư gởi giáo đoàn Corintho, thánh Phaolô đã nhắc nhở cho anh chị em hãy luôn ý thức về sự cao cả của bản thân, để sống có ích, sống có ý nghĩa và sống nên thánh hơn: “Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?”. Là một con người, cần có sự cố gắng nhiều để trở thành con người thực sự, có được như thế, khi trở thành một Kitô hữu, người tín hữu mới có thể ý thức trách vụ và bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với tha nhân như thế nào. Tất cả đến từ sự rung động của trái tim, đến từ sự năng động của khối óc và đến từ sự đồng cảm của ơn gọi được tham dự.

Ơn gọi của các môn đệ của Đức Giêsu, xem ra khá thú vị và có nhiều điều ngạc nhiên, đang làm việc hàng ngày, các ông được gọi, đến ở với Ngài một ít ngày, trở về nhà, giới thiệu người nhà về một Đấng Mesia đang đâu đó giữa cuộc đời. Quả thực, ơn gọi của mỗi người nhiều lúc đến rất ngẫu nhiên, thú vị, có thể được gọi trực tiếp, nhưng cũng có lúc qua trung gian những người thân cận, bạn hữu. Ơn gọi của các môn đệ Chúa Giêsu là thế: “Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Hai môn đệ nghe tiếng Chúa gọi, từ bỏ mọi sự, cả tương lai sự nghiệp của bản thân. Đó là những người may mắn được Chúa gọi trực tiếp và đáp lời bằng sự cố gắng, bên cạnh đó, có những môn đệ được chọn gọi qua trung gian một ai đó hay người thân: “Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu”. Mỗi ơn gọi đến với mỗi người khác nhau và thái độ đáp trả cũng khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm xuất phát chung, đó là từ sự rung động của trái tim và sự khát khao từ ý chí. Thiên Chúa rất cần những ơn gọi và những môn đệ chân thành, bởi mọi sự đã có Ngài chuẩn bị, mỗi người chỉ cần cho Ngài mượn trái tim, khối óc và cuộc đời.

Để có thể sống và thực hiện ơn gọi Kitô hữu hay một ơn gọi nào đó đặc biệt, điều cần thiết và không thể bỏ qua đó là ơn gọi làm người. Hiện hữu trên đời chỉ là một thằng người không hơn không kém, từng ngày, phải học để làm người. Học ăn học nói, học gói học mở, học sống đạo hiếu, học sự khôn ngoan của nhân loại, học để lớn lên trong thế giới. Từ ơn gọi làm người phần nào đó đã được học hành, người tín hữu mới có thể hiểu được giá trị của ơn gọi làm Kitô hữu, nghĩa là một người có Chúa Kitô hiện hữu trong cuộc đời. Con Thiên Chúa khi xuống làm người cũng cần có một gia đình, để được học làm người. Nay dù có về trời rồi, Ngài vẫn ở bên cạnh con người, giúp con người sống làm người ngày tốt hơn, hoàn thiện hơn, để ơn gọi Kitô hữu ngày càng thăng tiến và viên mãn.

Ơn gọi là một huyền nhiệm, ngay cả bản thân mỗi người nhiều lúc chưa hiểu được ơn gọi mình đến từ đâu và được đưa dẫn thế nào. Khởi đầu luôn là lời mời của Thiên Chúa,  vì thế, khi học làm người cách cẩn thận, con người dễ phân định và nhận ra đâu là giá trị thế gian và đâu là giá trị tinh thần trong từng biến cố, từ đây, con người sẽ theo đuổi và dấn thân theo ơn gọi mình được mời hay đang khát mong. Có thể lời mời của Thiên Chúa đến với mỗi người cách trực tiếp qua một biến cố cuộc đời, hay sự thôi thúc từ tâm hồn, cũng có thể lời mời sẽ qua trung gian một ai đó bên cạnh mình. Để có thể nhận ra ơn gọi của mình cách rõ nét, cần có sự khiêm tốn đủ của bản thân, cần có những phút giây tĩnh lặng và cần có một trái tim rộng mở, tất cả để lắng nghe, để phân định và để chọn lựa.

Ơn gọi của Sa-mu-el hay ơn gọi của An-rê, hoặc của Phê-rô, Gioan hay Giacôbê đều những hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đã đáp lại bởi họ tin đó là lời Chúa gọi. Niềm tin cũng là một yếu tố cần thiết, bởi bước vào hành trình một ơn gọi là để dấn thân chứ không phải để tiến thân, vì thế, niềm tin và sự hiện diện của Thiên Chúa bên cạnh, luôn cần thiết và đó cũng là động lực để mỗi người dám dấn thân, dám hy sinh và dám lên đường, đến với mọi người, mọi nhà và các linh hồn.

Lạy Chúa, để ơn cứu độ được trải dài qua muôn thế hệ, qua mọi thời đại, Chúa mời con người cộng tác và chia sẻ với Chúa, xin giúp chúng con biết phân định đâu là lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, đâu là lời mời đến từ thế gian, để chúng con dấn thân, phục vụ và chia sẻ. Chúa đã sống ơn gọi của mình là người đầy tớ trung tín, xin giúp chúng con trung thành với niềm tin của mình, trung thành với Đấng mà chúng con tin, trung thành với ơn gọi của mình, đừng đứng bên này trông sang bên kia, kẻo rồi chúng con lại xa Chúa, bỏ ơn gọi, theo thế gian, rồi làm cho Chúa phải đau khổ, rơi lệ vì sự vô ơn của con người. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây