TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 04/01/2024 13:06 |   494
Đức Giê-su nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,13-17)

13/01/2024
THỨ BẢY TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Thánh Hilariô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t7 t1 TN

Mc 2,13-17


ĐỨC KI-TÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ
Đức Giê-su nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,13-17)

Suy niệm: ĐHY Ph.Xav. Nguyễn Văn Thuận ví von rằng Đức Giê-su có tới 10 ‘khuyết điểm’ mà trong đó trước tiên là ‘bệnh’ hay quên. Đã vậy Ngài lại còn thích ăn uống và làm bạn với những người thu thuế và tội lỗi. Điển hình là sự việc hôm nay: Chúa không nhớ đến tội của Lê-vi, người thu thuế, mà đã kêu gọi ông đi theo Ngài để trở thành tông đồ Mát-thêu, rồi lại đến “dùng bữa tại nhà ông” cùng với nhiều người thu thuế và người tội lỗi khác. Đức Giê-su hành xử như thế chính là để thực thi ý định từ ngàn đời của Chúa Cha: Ngài muốn cứu độ hết thảy mọi người, không loại trừ ai, nhất là những người bé mọn, bị loại trừ. Hơn nữa, Chúa còn mời gọi mọi người tham gia sứ vụ cứu thế khi chọn gọi Mát-thêu để làm tông đồ cho Ngài.

Bạn thân mến, nếu có lúc bạn đã phải dằn vặt vì những tội lỗi mà bạn vẫn sa đi ngã lại, hay thậm chí bạn nản lòng thất vọng vì thấy tội mình quá lớn, thì hôm nay, Lời Chúa đem lại cho bạn niềm hy vọng vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài sai Con Một Ngài đến để “tìm và cứu những gì đã hư mất” (x. Mt 18,11; Lc 19,10). Cũng vì thế, bạn đừng vội xét đoán anh em vì mọi đều được Chúa yêu thương và cứu độ.

Sống Lời Chúa: Bạn suy gẫm cách Chúa cư xử với người bị coi là tội lỗi như Mát-thêu và xin được ơn có lòng bao dung và thương xót giống như Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin tha thứ tội lỗi chúng con và giúp chúng con học biết cư xử bao dung và có lòng thương xót với tha nhân. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 12-16

“Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phải phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà ta phải trả lẽ.

Vậy chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giê-su, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có Thượng tế không thể thông cảm sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên chúng ta hãy tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng ta được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8 . 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. .

Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Ðá Tảng, là Ðấng Cứu Chuộc con.

Bài Ðọc I: (Năm II) Sm 9, 1-4. 17-19; 10, 1a

“Này là người mà Chúa nói đến. Sao-lê sẽ cai trị dân Người”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Lúc bấy giờ có một người thuộc dòng dõi Ben-gia-min tên là Cis, con trai của A-bi-en, Abien con ông Sêror, Sêror con ông Bêcora, Bêcora con ông Aphia, Aphia con một người dòng dõi Ben-gia-min. Cis là một người cường tráng. Ông có một con trai tên là Sao-lê rất đẹp trai và tốt lành, không một con cái Israel nào xinh đẹp bằng chàng và anh ta cao hơn mọi người từ vai trở lên.

Vậy ông Cis, cha của Sao-lê, lạc mất mấy con lừa cái, nên ông bảo con ông là Saolê rằng: “Con hãy đem một đứa đầy tớ theo con, và đi tìm mấy con lừa”. Họ đi khắp miền núi Ép-ra-im, sang vùng Salisa mà không tìm thấy, họ liền sang vùng Salim, cũng không tìm thấy, đoạn qua vùng Giêmin, cũng chẳng thấy.

Khi Sa-mu-en vừa thấy Sao-lê, thì Chúa phán cùng ông rằng: “Này là người Ta đã nói với ngươi, chính người này sẽ cai trị dân Ta”. Sao-lê đến gần Sa-mu-en đang đứng ở giữa cửa và nói rằng: “Tôi xin ông làm ơn chỉ giùm nhà của vị tiên tri ở đâu?” Sa-mu-en trả lời Sao-lê rằng: “Chính tôi là vị tiên tri đây; xin mời anh đi trước tôi lên lầu, để hôm nay các anh sẽ dùng bữa với tôi, rồi ngày mai tôi sẽ cho anh về. Tất cả những gì anh đang có trong lòng, tôi sẽ chỉ bảo cho anh”.

Sa-mu-en lấy bình dầu đổ trên đầu Sao-lê, rồi hôn anh và nói rằng: “Ðây Thiên Chúa xức dầu phong anh làm vua thống trị cơ nghiệp của Người, và anh sẽ cứu dân Người thoát khỏi kẻ thù ở chung quanh”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 20, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng

Xướng: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng, do ơn Chúa phù trợ, vua bao xiết hân hoan! Chúa đã ban cho sự lòng vua ao ước, và điều môi miệng vua xin, Chúa chẳng chối từ.

Xướng: Chúa đã tiên liệu cho vua được phước lộc, may mắn, đã đội triều thiên vàng ròng trên đầu vua. Vua xin Chúa cho sống lâu, thì Chúa đã ban cho một chuỗi ngày dài tới muôn thuở.

Xướng: Nhờ Chúa giúp mà vua được vinh quang cao cả, Chúa khoác lên người vua, oai nghiêm với huy hoàng. Chúa đã khiến vua nên mục tiêu chúc phúc tới muôn đời, Chúa đã cho vua được hân hoan mừng rỡ trước thiên nhan. – Ðáp.

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 13-17

“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy Chúa Giê-su đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lê-vi con của An-phê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giê-su và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giê-su bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Con người cứ tưởng mình đi tìm Thiên Chúa, nhưng thực ra, chính Thiên Chúa đã đến với con người trước. Ơn gọi của Lê-vi trong bài Phúc Âm hôm nay là một minh chứng.

Thật ngạc nhiên và lạ thường, khi chính đức Giê-su tiến đến với Lê-vi và cất tiếng mời ông đi theo Người. Đối với người Do-thái, những người thu thuế được liệt vào hàng tội lỗi công khai, cần phải xa tránh vì hai lý do chính: thứ nhất, người thu thuế được coi là phản quốc vì họ nhân danh người Rô-ma thu thuế dân mình, rồi nộp cho người Rô-ma hưởng phần trăm; thứ hai, vì họ được hưởng phần trăm nên họ chèn ép dân mình để sưu cao thuế nặng, để gian lận kiếm lời. Bởi thế, họ là những người giàu có, nhưng bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội tôn giáo Do-thái. Đối với những người nắm luật Mô-sê và phụng vụ, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ sẽ không được nhận; họ không thể là thẩm phán hay làm chứng nhân, tất cả những ai tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.

Việc Chúa kêu gọi Lê-vi, một người thu thuế tội lội, đã bị người Biệt phái chỉ trích và bị coi là gương mù: “Sao ông lại ăn uống với người tội lỗi và bọn thu thuế?”. Cũng giống những người thời Chúa Giê-su, ngày nay không thiếu những người giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, lên mặt khinh thường người khác, phán xét anh em mình.

Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giê-su, không phải thái độ mà Đức Giê-su muốn, bởi vì Ngài đến để cứu chữa. Chúng ta cần phải ghi nhớ câu trả lời của Chúa Giê-su với người Biệt Phái hôm nay: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi”. Chúng ta cần sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay; Cần sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa để biết thật lòng sám hối, chỗi dậy thay đổi cuộc đời; Cần sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa để không còn phán xét anh chị em mình, nhưng cảm thông, tha thứ và giúp anh chị em mình trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lê-vi xưa kia, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa.

 

CHÚA GỌI ÔNG LÊ-VI
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su đi dọc bờ biển giảng dạy dân chúng. Người thấy ông Lê-vi (Mát-thêu) đang ngồi thu thuế. Người gọi ông, ông liền theo Người, và dọn tiệc thiết đãi Người với các kẻ thu thuế và nhiều người tội lỗi. Thấy vậy, nhóm luật sĩ và biệt phái hỏi môn đệ Chúa: Sao Thầy các ông ăn uống với phường thu thuế và kẻ tội lỗi? Chúa nghe thấy vậy thì đáp: Thầy thuốc không cần cho người khỏe mạnh mà chỉ cần cho kẻ yếu đau. Cũng thế, Ta không đến để kêu gọi người lành thánh mà đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn thống hối.

2. Theo tục lệ đế quốc La Mã thời bấy giờ, chính phủ cho người ta đứng ra thầu thu thuế. Nộp tiền thầu cho chính phủ xong, những người thu thuế được độc quyền đánh thuế nặng nhẹ tùy ý. Làm một nghề dễ kiếm ăn như thế, mấy ai kiêng giữ được những sự tham lam nhũng nhiễu dân chúng? Vì thế, người Do-thái có ác cảm với bọn thu thuế không chỉ vì tội tham lam mà còn vì họ là tay sai cho đế quốc La Mã nữa.

Lêvi là người tội lỗi công khai (làm nghề thu thuế). Trong khi mọi người khinh dễ ông, khai trừ ông và tránh xa ông, coi như đồ ghê tởm, thì Chúa Giêsu không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài.

3. Việc Chúa Giê-su chọn một người thu thuế như Lê-vi làm môn đệ đã đem lại sự vui sướng chẳng những cho chính Lê-vi mà còn cho những người thu thuế khác. Vì thế họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng. Xưa nay họ chỉ thấy mới có một mình Chúa Giê-su không chê họ mà còn chọn một người trong bọn họ làm môn đệ.

Bữa ăn hay bữa tiệc thường được diễn tả sự gần gũi thân tình. Ở đây Đức Giê-su và các môn đệ đến dùng bữa tại nhà ông Lê-vi cùng với nhiều người thu thuế và các người tội lỗi, chứng tỏ Chúa bày tỏ tình thương đối với những người tội lỗi. Chính tinh thần này lôi kéo những người tội lỗi đến với Người.

4. Việc Chúa Giê-su gọi Lê-vi là người thu thuế đi theo Người lại là cớ gây ra sự phê bình và chỉ trích của người Do-thái, nhất là các luật sĩ và biệt phái.

Họ vốn có quan niệm chật hẹp, khép kín và khinh rẻ đối với những người tội lỗi, nên khi thấy Chúa Giê-su và các môn đệ tiếp xúc thân tình với những người tội lỗi, thì họ đã tỏ ra khó chịu nên họ đã phê bình và chỉ trích Chúa. Họ đã hỏi các môn đệ: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Mc 2,16)?

5. Để sửa lại quan niệm hẹp hòi của luật sĩ, Chúa Giê-su đã trả lời cho họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Chính vì Lê-vi ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình cho nên anh rất mừng khi được Chúa gọi, và quảng đại bỏ tất cả để theo Người.

Truyện: Chính vì ham mê cờ bạc mà anh hàng xóm của tôi, sau khi tiêu hết tài sản của gia đình, đã dùng những viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc đời, ngay trong lúc đứa con thứ hai của anh chào đời. Thế nhưng anh đã không chết.

Sau khi từ bệnh viện trở về, tôi thấy anh sống trong im lặng, lầm lũi như một kẻ độc hành, lòng mang nặng mặc cảm tội lỗi, yếu hèn.

Sau một tháng suy nghĩ và do dự, tôi quyết định đến thăm anh, và chỉ sau mấy lời tôi hỏi thăm, anh đã bật khóc.

Tôi đã quyết định đúng và đã bước đến với anh khi anh đang cần chia sẻ và cảm thông. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm như vậy, trong khi có biết bao người đang cần đến nụ cười thông cảm của tôi.

Lạy Chúa, Chúa đã không kết án người tội lỗi. Xin cho con biết thông cảm và đừng bao giờ xét đoán hay lên án anh em (Ép-pha-ta).

6. Truyện: Xanh vỏ đỏ lòng

Hai người bạn vào trong một tiệm nữ trang. Sau khi nhìn và chiêm ngưỡng nhiều viên đá quí, họ để ý đến viên ngọc sần sùi không được bóng láng cho lắm.

– Viên đá này không có gì đáng lưu ý cả – một người nói, làm sao lại để nó đây?

Người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm nó lên và nắm chặt trong lòng bàn tay. Vài phút sau, viên đá mờ đục không bóng láng đó trở nên lóng lánh muôn mầu cách kỳ diệu.

– Làm sao có thể như vậy – hai người bạn hỏi.

– Đây là một viên đá mắt mèo, được gọi là viên đá thiện cảm. Nó cần có sự đụng chạm với một bàn tay nóng ấm để các tia sáng của nó hiện lộ ra – người chủ tiệm trả lời.

Chúa Giê-su cũng thế! Ngài có một cái nhìn đặc biệt về Lê-vi mà những người khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Lê-vi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lê-vi, Mát-thêu cho chúng ta thấy rõ điều đó.

VIỆC PHẢI LÀM TRÔNG CẬY VÀO CHÚA CHO ĐẾN CÙNG
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần I Thường Niên, năm chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa rủ thương chấp nhận, mà giúp chúng ta biết việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn.
 
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Huấn Ca ca ngợi các bậc tổ tiên: từ ông Khanóc tới ông Môsê, ca tụng các truyền thống tôn giáo của Ítraen trước một thế giới chịu ảnh hưởng văn minh Hylạp: Nghe đây, hỡi Ítraen, anh em phải cẩn thận giữ các mệnh lệnh Đức Chúa đã truyền cho anh em. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Anh em phải biết rằng Người là Thiên Chúa trung thành, vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người.
 
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơlêmentê I nói: Thiên Chúa đã làm cho mọi người nên công chính nhờ đức tin: Chúng ta nên công chính, không nhờ bản thân chúng ta, cũng không nhờ sự khôn ngoan, sự hiểu biết, lòng đạo đức, hoặc những công việc chúng ta làm với tâm hồn thánh thiện, nhưng nhờ đức tin. Đức Chúa là Thiên Chúa mạnh mẽ và trung thành, Đấng giữ giao ước và tỏ lòng nhân nghĩa với những kẻ yêu mến Người. Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, và tuân giữ các mệnh lệnh Người ban.
 
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Samuen quyển thứ nhất tường thuật: Khi ông Samuen thấy ông Saun, thì Đức Chúa mách bảo ông: “Đây là người mà Ta đã nói với ngươi: chính nó sẽ cai trị dân Ta”. Đức Chúa đã không chọn nhà Giuse, nhưng, đã chọn: Bengiamin, phận út dẫn đầu: Vua Saun con ông Kít thuộc chi tộc Bengiamin.
 
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 20, vịnh gia đã tung hô: Lạy Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng. Vì Ngài chiến thắng, nên nhà vua rực rỡ vinh quang, Ngài cho vua được oai phong lẫm liệt. Ngài đặt vua làm nguồn hạnh phúc đến muôn đời và cho vua được hớn hở vui mừng trước Nhan Thánh. Thiên Chúa làm mọi sự cho vua Saun, nhưng tiếc thay, về sau vua Saun đã lạc xa đường lối của Chúa.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ chọn cho ngày lễ hôm nay cho thấy Chúa luôn quan tâm đến những người bé mọn: Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói với các Kinh Sư, và người Pharisêu rằng: Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.
 
Thiên Chúa luôn để mắt trông đến những kẻ bé mọn: các tổ phụ là những người bé mọn, luôn đặt hết niềm tin tưởng nơi Chúa; Bengiamin phận út dẫn đầu, bởi vì, Chúa đã không chọn nhà Giuse với Mơnase và Épraim hùng mạnh; Những kẻ bé mọn nghèo hèn cũng được nghe Tin Mừng; Những người tội lỗi cũng được kêu gọi hưởng ơn cứu độ. Những người bé mọn là những người biết mình không thể tự cứu mình, và họ biết trông cậy vào Chúa.
 
Ơn cứu độ là của Chúa, hoàn toàn nhưng không, phần cộng tác của chúng ta là: mở lòng ra đón nhận. Việc Chúa muốn chúng ta làm là: tin tưởng, cậy trông, yêu mến Người, xin Chúa giúp chúng ta biết việc phải làm, và giúp chúng ta có đủ sức để thi hành trọn vẹn, bởi vì, khi sống giữa một thế giới thực dụng, chỉ biết cậy dựa vào sức mạnh và khôn ngoan của mình, thì việc tin tưởng, cậy trông, yêu mến Chúa, sẽ bị coi là ngu dại và điên rồ. Ước gì chúng ta dám can đảm sống theo những gì Chúa mời gọi! Ước gì được như thế!

DÁNG DẤP PHỤC SINH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông đứng dậy, đi theo Ngài!”.

Cheryl Reimold, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể, từng nói, “Nếu bạn đứng để nói chuyện với một người đang ngồi, bạn có được chiều cao và một sức mạnh nhất định tạm thời. Nhưng nếu bạn diện đối diện ngang hàng với người đó, dù đang đứng hay ngồi, bạn có nhiều cơ may thiết lập một tương quan tốt nhất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hẳn đã áp dụng ngôn ngữ cơ thể của Reimold. Và như vậy, Ngài đã khom người xuống, nhìn vào mắt Matthêu, nói rất nhỏ nhưng rất mạnh mẽ với ông, “Hãy theo Tôi!”. Lập tức, “Ông đứng dậy, đi theo Ngài!”. Việc “đứng dậy” của Matthêu ở đây còn mang một ý nghĩa sâu sắc khác, đứng dậy với ‘dáng dấp phục sinh!’.

Bênêđictô XVI giải thích, “Trong hành động “đứng dậy” này, người ta có thể thấy sự tách rời khỏi hoàn cảnh tội lỗi; cùng lúc, ý thức gắn bó với một đời sống mới, ngay thẳng, công chính, hiệp thông với Chúa Giêsu!”. Thánh thiện không đơn thuần là tách mình khỏi tội lỗi, nhưng còn là tham dự vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Không chỉ “đứng dậy” để tách khỏi một cái gì đó, nhưng còn để biến thành một ai đó mà Thiên Chúa muốn mỗi người trở thành. Đó là sự đứng dậy với ‘dáng dấp phục sinh!’.

Khi kêu gọi ai, Chúa Giêsu không bao giờ trao cho họ một tấm bản đồ; thay vào đó, một la bàn. Bạn không thấy điểm đến; đơn giản, chỉ biết phương hướng! Mỗi ngày, Ngài gọi bạn đi theo; quan trọng hơn, dán mắt vào Ngài. Matthêu không biết rồi đây, đời mình sẽ kết thúc ở đâu, nhưng ông biết, nó phải thay đổi, cần bắt đầu từ đâu và bắt đầu thế nào.

Cũng thế, qua Samuel - bài đọc một - Thiên Chúa chọn Saolê “đứng dậy” làm vua trị vì dân, “Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng” - Thánh Vịnh đáp ca. Vị vua đầu tiên này là sự lựa chọn của Thiên Chúa; nhưng tiếc thay, Saolê rốt cuộc, sẽ là người đi lạc như những con cừu của cha mình. Ông là vua, nhưng sẽ là vua của một dân nổi loạn. Khác với Matthêu, Saolê đã “đứng dậy”, nhưng không đi đến cùng và Thiên Chúa đã cất ông!

Trở lại với Matthêu, Tin Mừng nói đến những gì xảy ra sau đó. Người ta ăn mừng lễ ‘tiên khấn’ cùng lúc ‘vĩnh khấn’ của Matthêu tại nhà ông. Matthêu có thể đã nói ‘Không’, hoặc ‘Chưa’, hoặc ‘Không phải bây giờ’; nhưng nếu một lời từ chối như vậy đã xảy ra, hẳn sẽ không có bữa tiệc tối nào. Và dĩ nhiên, nhiều người bạn của Matthêu đã bỏ lỡ vĩnh viễn cuộc gặp thân mật với Chúa Giêsu, một cuộc gặp có thể đã thay đổi một số cuộc đời của họ. Chúa Giêsu gõ cửa cuộc đời Matthêu, Matthêu mở cho Ngài; sau đó, tìm những người khác để họ đến gặp Ngài. Đó là sự đứng dậy với ‘dáng dấp phục sinh’ thiết thực nhất.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ông đứng dậy, đi theo Ngài!”. Chúa Giêsu gọi, Matthêu đi theo. Và Ngài bất ngờ đổi vai! Ngài lẽo đẽo theo Matthêu về nhà ông, nơi ông ‘đang là’; ở đó, trở nên ngang hàng với ông và thật tuyệt vời, “một tương quan tốt nhất được thiết lập!”. Ngài không đứng ‘cao hơn’, nhưng coi Matthêu ‘ngang hàng’, để ông có thể ngược xuôi với Ngài trên mọi nẻo đường; và cuối cùng, chết như Ngài và hẳn sẽ phục sinh như Ngài. Bấy giờ, việc “đứng dậy” của Matthêu không còn mang dáng dấp phục sinh, nhưng là phục sinh thật! Phần chúng ta thì sao, bạn và tôi có đứng dậy, đi theo, đón Ngài, mời bạn bè đến với Ngài?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi sáng thức dậy, đừng để con lừng khừng! Cho con luôn hân hoan, không chỉ với dáng dấp nhưng là phục sinh thật với một ngày sống mới!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây