TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình -2020

18/04/2021 03:42:07 |   981

Tóm tắt Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình 1/1/2020


Ngày 12/12/2019 hôm nay, ĐTC gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Hoà bình 1/1/2020. Vatican News xin gởi đến quý vị bản tóm tắt sứ điệp này. Chủ đề của sứ điệp hoà bình năm tới đây là: “Hoà bình như là một con đường của hy vọng: đối thoại, hoà giải và hoán cải sinh thái”.

 

 

Audio

 

 


“Không thể có được hoà bình nếu chúng ta không hy vọng nó”. Hy vọng sẽ giúp chúng ta đặt bước chân lên con đường dẫn đến hòa bình, trong khi ngờ vực và sợ hãi thì làm cho tương quan trở nên mong manh và gia tăng nguy cơ bạo lực. Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người trở thành nghệ nhân của hòa bình, mở ra đối thoại mà không loại trừ hay thao túng, đồng thời hướng tới một sự hoán cải sinh thái như là “cách nhìn mới về cuộc sống”. Sứ điệp được chia thành 5 mục.

1.    Hoà bình, hành trình của hy vọng khi đối mặt với những trở ngại và thử thách

Hy vọng cho chúng ta đôi cánh để đạt tới hoà bình

Hòa bình là một điều thiện quý giá, đối tượng niềm hy vọng của chúng ta, mà cả nhân loại đều khao khát. Do đó, đây là mục tiêu phải đạt đến bất chấp những trở ngại khó khăn.

Đức Thánh Cha viết: “Hy vọng là đức tính đưa chúng ta lên đường, cho chúng ta đôi cánh để tiến về phía trước, ngay cả khi có những chướng ngại không thể vượt qua”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ đến “những dấu tích của chiến tranh và xung đột”, hằn “trong ký ức và da thịt”, không ngừng vùi dập những người nghèo nhất và yếu nhất cách đặc biệt. Những chấn động tinh thần là kết quả của sự sỉ nhục, loại trừ, giết chóc, bất công, hay từ sự vùi dập một cách có hệ thống chống lại dân tộc và gia đình của họ.

Tình huynh đệ là ơn gọi của nhân loại

“Thậm chí các quốc gia khó nhọc để giải phóng mình khỏi những chuỗi bóc lột và tham nhũng, thì cũng lại gây ra thù hận và bạo lực.” Từ đó, đàn ông và phụ nữ, trẻ em và người già bị tước đi phẩm giá và sự toàn vẹn thể xác, tự do, bao gồm cả tôn giáo. Mỗi cuộc chiến rốt cuộc là một sự tương tàn phá hủy tình huynh đệ, vốn được khắc ghi trong ơn gọi của gia đình nhân loại. Đức Thánh Cha nói rằng rất thường lý do dẫn đến chiến tranh là từ sự không chấp nhận những đa dạng khác biệt của người khác, gia tăng ý muốn chiếm hữu và thống trị.

Sai lầm và lạm quyền

Chiến tranh nảy sinh từ lòng của người bị ô nhiễm bởi sự ích kỷ, kiêu ngạo và căm thù người khác. Người khác trở thành một “hình ảnh tiêu cực” và do đó phải xóa bỏ và loại trừ. Đó là “sự sai lầm về tương quan, tham vọng bá quyền, lạm quyền, sợ người khác, và sự khác biệt bị coi là một trở ngại”. Đức Thánh Cha nhắc lại những gì ngài đã nói ở Nhật Bản, rằng: "hòa bình và ổn định quốc tế không tương hợp với bất kỳ ý định nào nhằm tạo ra nỗi sợ phá huỷ lẫn nhau hoặc đe dọa hủy diệt hoàn toàn” nhưng chỉ phát sinh từ “đạo đức toàn cầu về liên đới và hợp tác”.

Tình huynh đệ tạo ra sự đối thoại và tin tưởng

“Ngờ vực và sợ hãi làm tăng sự mong manh các mối quan hệ và gây ra nguy cơ bạo lực, trong một vòng luẩn quẩn không bao giờ có thể dẫn đến một mối quan hệ hòa bình. Theo nghĩa này, ngay cả sự can thiệp hạt nhân cũng chỉ có thể tạo ra sự ảo tưởng về an ninh”. Vậy con đường nào phải đi, nhằm phá vỡ năng động của ngờ vực? Thông điệp viết rằng: “Chúng ta phải theo đuổi một tình huynh đệ thực sự, được linh hoạt dựa trên nguồn gốc chung xuất phát từ Thiên Chúa và được thực hiện trong sự đối thoại và tin tưởng lẫn nhau. Mong muốn hòa bình được khắc sâu trong trái tim con người và chúng ta không được cam chịu bất cứ điều gì thấp hơn thế”.

2.    Hòa bình, hành trình lắng nghe dựa trên ký ức, tình liên đới và huynh đệ

Ghi nhớ về quá khứ vì một tương lai bình yên.

“Ký ức là chân trời của hy vọng: nhiều lần trong bóng tối của chiến tranh và xung đột, ký ức về một cử chỉ nhỏ về tình liên đới nhận được cũng có thể truyền cảm hứng cho những lựa chọn can đảm và thậm chí là anh hùng, có thể tạo ra những năng lượng mới chuyển động và khơi dậy hy vọng mới nơi cá nhân và cộng đồng”. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại cuộc gặp gỡ cảm động với Hibakusha, những người sống sót sau vụ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Ngày nay họ vẫn làm chứng về sự kinh hoàng của quá khứ để bảo đảm và xây dựng một tương lai “công bằng và huynh đệ hơn”. Thực tế, ký ức là “gốc rễ” và “dấu đường cho sự lựa chọn hòa bình của hiện tại và tương lai”.

Hòa bình, một thách đố xuất phát từ trái tim

Do đó, “việc mở ra và vạch ra một con đường hòa bình là một thách đố, và còn phức tạp hơn khi những lợi ích và mối quan hệ giữa con người, cộng đoàn và quốc gia, nhiều và đối nghịch”. Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi “lương tâm đạo đức, ý chí cá nhân và chính trị”, bởi vì hòa bình được sinh ra từ trái tim con người và “ý chí chính trị luôn cần tái tạo để mở ra các tiến trình mới nhằm hòa giải và hợp nhất cá nhân và cộng đồng”.

Nghệ nhân của hoà bình

Đức Thánh Cha sử dụng hình ảnh một tòa nhà được xây dựng để định nghĩa hòa bình. Đó là một hành trình được thực hiện cùng nhau nhắm đến lợi ích chung, giữ lời hứa và tôn trọng các quyền. “Thế giới không cần những lời sáo rỗng nhưng là những nhân chứng thuyết phục, những nghệ nhân của hoà bình mở ra để đối thoại mà không loại trừ hay thao túng”. Con đường chiến đấu là sự đối diện và dấn thân tìm kiếm sự thật vượt lên trên những ý thức hệ khác nhau, làm tăng sự quý mến dành cho người khác, “đến mức nhìn nhận nơi kẻ thù khuôn mặt của một người anh em”. Đó là một việc làm kiên nhẫn, mở ra hy vọng “mạnh hơn sự trả thù” và điều đó có thể “đánh thức khả năng thương cảm và liên đới sáng tạo nơi con người”. Do đó, Giáo hội, trong sự nhớ đến Chúa Kitô, góp phần tìm kiếm một trật tự công bằng, phục vụ lợi ích chung.

3.    Hoà bình, hành trình của hoà giải trong sự hiệp thông huynh đệ

Trong sự tha thứ, nhận ra nhau như anh em

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “hãy từ bỏ ước muốn thống trị người khác” và thúc giục chúng ta học cách nhìn nhau “như con người, như con Chúa, như anh em”. Bước đi trên con đường này, chúng ta có thể bẻ gãy “vòng xoáy trả thù” và đón nhận con đường của hy vọng. “Học cách sống trong sự tha thứ sẽ làm tăng nơi chúng ta khả năng trở thành những người nam, người nữ của hòa bình”. “Sẽ không bao giờ có hòa bình thực sự nếu chúng ta không thể xây dựng một hệ thống kinh tế công bằng hơn, như Đức Biển Đức XVI đã nhấn mạnh mười năm trước trong thông điệp Caritas in veritate, kêu gọi “những hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu bằng tính nhưng không và xã hội”.

4.    Hoà bình, hành trình của hoán cải sinh thái

Nhắc đến thông điệp Laudato si', Đức Thánh Cha kêu gọi một sự hoán cải sinh thái trước hậu quả bởi sự thù nghịch của chúng ta đối với người khác, bởi việc không tôn trọng ngôi nhà chung và khai thác lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên, và coi nó như là công cụ hữu dụng chỉ vì lợi ích cho hôm nay, mà không tôn trọng cộng đồng địa phương, lợi ích chung và thiên nhiên”. Thượng HĐGM về Amazon là một động lực để làm mới lại “mối tương quan hòa bình giữa cộng đồng và trái đất, giữa hiện tại và ký ức, giữa kinh nghiệm và hy vọng”. Đây là một hành trình lắng nghe và suy ngẫm về món quà của Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với người khác, phát triển “lợi ích chung của toàn thể gia đình nhân loại”. “Sự hoán cải sinh thái mà chúng ta được mời gọi dẫn chúng ta đến một cái nhìn mới về sự sống, suy xét về sự quảng đại của Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta Trái đất và nhắc nhở chúng ta về sự chia sẻ niềm vui”.

5.    Hy vọng bao nhiêu nhận được bấy nhiêu

Cuối thông điệp Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Con đường hòa giải đòi hỏi sự kiên nhẫn và tin tưởng. Hòa bình không thể đạt được nếu chúng ta không hy vọng nó.” Cần phải tin vào điều đó, bắt nguồn từ cảm hứng xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa cho mỗi chúng ta, “tình yêu tự do, không giới hạn, nhưng không và không mệt mỏi”. Đức Thánh Cha mời gọi vượt lên nỗi sợ, là nguồn của xung đột, bằng cách làm gia tăng văn hóa gặp gỡ, là “khả năng và món quà tình yêu quảng đại của Thiên Chúa”, để sống tình huynh đệ phổ quát. Với các tín hữu, một hành trình bền vững được khám phá nơi bí tích Hòa giải, một con đường chữa lành chống lại bạo lực trong suy nghĩ, lời nói và hành động đối với người lân cận và thụ tạo. Nơi sự tha thứ nhận được, chúng ta bắt đầu hành trình tặng nó lại cho người khác, và ngày qua ngày, chúng ta trở thành “nghệ nhân của công lý và hòa bình”.
 

Văn Yên, SJ - Vatican News

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây