TÔNG THƯ
DƯỚI DẠNG TỰ SẮC
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
ANTIQUUM MINISTERIUM
THỪA TÁC VỤ CỔ KÍNH
THIẾT LẬP
THỪA TÁC VỤ GIÁO LÝ VIÊN
1. Thừa tác vụ của Giáo lý viên trong Giáo hội là một thừa tác vụ cổ kính. Cách chung các nhà thần học cho rằng những mẫu gương đầu tiên đã có trong các bản văn Tân Ước. Việc dạy giáo lý đã khởi sự từ “các thầy dạy”, được Thánh Tông Đồ đề cập đến trong thư gửi cộng đoàn Cô-rin-tô: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả” (1 Cr 12,28-31).
Thánh Lu-ca khởi đầu Tin Mừng của ngài bằng những lời này: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (Lc 1,3-4). Có lẽ Thánh sử ý thức rõ rằng những điều ngài viết ra cung cấp một hình thức giảng dạy đặc biệt vốn có thể mang lại sự bảo đảm chắc chắn cho những người đã được rửa tội. Còn Tông đồ Phao-lô thì nói với các tín hữu Ga-la-ta rằng: “Người được học Lời Chúa hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình” (Gl 6,6). Như một chứng cứ, bản văn này còn cống hiến một chi tiết khác, khi nói về sự hiệp thông đời sống như dấu chỉ hoa trái của việc dạy giáo lý đích thực.
2. Ngay từ những ngày đầu, cộng đoàn Kitô hữu đã biết đến một hình thức thừa tác vụ phổ biến, được những người nam và nữ đảm nhận. Những người này, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đã hiến trọn đời mình để xây dựng Giáo hội. Đôi khi, các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần không ngừng tuôn đổ trên những người đã được rửa tội đã mặc lấy một hình thức phục vụ trực tiếp cộng đoàn Kitô hữu, cách cụ thể và rõ ràng, qua nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, và được nhìn nhận như một công việc phục vụ không thể thiếu cho cộng đoàn. Tông đồ Phao-lô chứng thực điều này một cách đầy thẩm quyền khi nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người.” (1 Cr 12,4-11).
Vì thế, trong truyền thống đặc sủng rộng lớn của Tân Ước, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện tích cực của những người đã được rửa tội. Họ thi hành tác vụ thông truyền giáo huấn của các Tông đồ và các Thánh sử một cách có tổ chức, thường xuyên và gắn kết với những hoàn cảnh sống khác nhau (x. VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Thiên Chúa [Dei Verbum], 8). Giáo hội muốn nhìn nhận việc phục vụ này như một diễn tả cụ thể đặc sủng cá nhân vốn góp phần to lớn vào việc thực thi sứ vụ phúc âm hóa. Việc nhìn vào đời sống của những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên dấn thân vào việc loan báo và phát triển Tin Mừng, còn thôi thúc Giáo hội trong thời đại chúng ta biết nhận ra những hình thức mới mẻ khả thi, nhờ đó Giáo hội tiếp tục trung thành với Lời Chúa, hầu có thể rao giảng Tin Mừng của Ngài cho mọi loài thụ tạo.
3. Lịch sử của việc phúc âm hóa suốt hai thiên niên kỷ qua cho thấy rõ sự hữu hiệu của sứ vụ giáo lý viên. Các giám mục, linh mục và phó tế, cùng với những người nam và nữ sống đời thánh hiến, đã dâng trọn cuộc đời cho việc dạy giáo lý, để đức tin có thể trở nên sự nâng đỡ hữu hiệu cho đời sống của mỗi người. Một số trong các vị này cũng tập họp xung quanh mình những anh chị em khác có cùng đặc sủng, và lập nên những hội dòng toàn hiến cho việc dạy giáo lý.
Chúng ta không thể quên vô số giáo dân nam nữ tham gia trực tiếp vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng qua việc dạy giáo lý. Họ là những người nam và nữ có đức tin sâu xa, những chứng nhân đích thực của sự thánh thiện, trong một số trường hợp cũng là những vị sáng lập các Giáo hội và cuối cùng đã chết như các vị tử đạo. Ngày nay cũng vậy, nhiều giáo lý viên có khả năng và tận tụy là những người lãnh đạo cộng đoàn trong những miền khác nhau của thế giới và thực hiện một sứ vụ vô giá là truyền thụ và làm tăng trưởng đức tin. Một dòng dõi thật dài các chân phước, các thánh và các vị tử đạo từng là giáo lý viên đã thăng tiến vượt bực sứ mạng của Giáo hội và đáng được công nhận, vì họ là nguồn phong phú không chỉ cho việc dạy giáo lý, mà còn cho toàn bộ lịch sử linh đạo Kitô giáo.
4. Từ Công đồng Đại kết Vaticanô II, Giáo hội đề cao tầm quan trọng của việc giáo dân dấn thân trong hoạt động phúc âm hóa. Các Nghị Phụ của Công Đồng nhiều lần nhấn mạnh đến nhu cầu lớn lao làm cho Kitô hữu giáo dân được tham gia trực tiếp vào việc gầy dựng Giáo hội (plantatio Ecclesiae) và việc phát triển cộng đoàn Kitô hữu, bằng những hình thức khác nhau, qua đó, đặc sủng của họ có thể được diễn tả. “Cũng thế, liên quan đến việc truyền giáo cho lương dân, phải thật sự đề cao công lao to lớn của đội ngũ giảng viên giáo lý, nam cũng như nữ, những người thấm nhuần tinh thần tông đồ, đã vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và vô cùng cần thiết cho việc truyền bá đức tin và mở rộng Giáo hội. Hiện nay, vì số giáo sĩ không đủ để đáp ứng cho việc rao giảng Tin Mừng cũng như thi hành mục vụ cho lượng người quá đông, nên phận vụ của các giảng viên giáo lý lại càng trở nên quan trọng hơn” (x. VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội [Ad Gentes], 17).
Cùng với giáo huấn quan trọng của Công Đồng, cần nói đến mối quan tâm thường xuyên của các Đức Giáo hoàng, Thượng Hội đồng Giám mục, các Hội đồng Giám mục và cá nhân các Giám mục là những người đã góp phần canh tân đáng kể cho việc dạy giáo lý trong những thập niên gần đây. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Tông huấn Dạy giáo lý (Catechesi Tradendae), Hướng dẫn Giáo lý Tổng quát, Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý, và Chỉ nam Huấn giáo mới đây, cũng như những sách giáo lý cấp quốc gia, miền và giáo phận, đã minh định giá trị trung tâm của việc dạy giáo lý vốn dành ưu tiên cho việc giáo dục và huấn luyện thường xuyên các tín hữu.
5. Không làm suy giảm sứ mạng của Giám mục như là giáo lý viên đầu tiên trong Giáo phận của ngài, sứ mạng mà ngài chia sẻ với linh mục đoàn của ngài, cũng không làm suy giảm trách nhiệm riêng của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục Kitô giáo cho con cái của họ (x. CIC 774 khoản 2; CCEO 618), nhưng cần công nhận vai trò của những giáo dân, nam cũng như nữ, trong tư cách những người đã được rửa tội, ý thức mình được mời gọi cộng tác vào việc dạy giáo lý (x. CIC 225; CCEO 401 & 406). Sự hiện diện của họ ngày nay còn khẩn thiết hơn, vì có sự tiến triển trong nhận thức về nhu cầu phúc âm hóa trong thế giới đương thời (x. Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng [Evangelii Gaudium], 163-168), và sự trỗi dậy của nền văn hóa mang tính toàn cầu hóa (x. Thông điệp về tình Huynh đệ và tình Bằng hữu xã hội [Fratelli Tutti], 100. 138). Điều đó đòi hỏi sự tương tác chân thực với những người trẻ, mà không quên nhu cầu phải có những phương pháp luận sáng tạo và những cách thế có khả năng thích ứng việc loan báo Tin Mừng với sự biến đổi mang tính truyền giáo mà Giáo hội đã đảm nhận. Trung thành với quá khứ và trách nhiệm đối với hiện tại là những điều kiện cần thiết cho Giáo hội thực hiện sứ mạng của mình trong thế giới.
Khơi dậy lòng nhiệt thành cá nhân của mọi người đã được rửa tội và hồi sinh nhận thức của họ về lời gọi thực thi sứ vụ riêng trong cộng đoàn, đòi hỏi phải lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng (x. CIC 774 khoản 1; CCEO 617). Ngày nay cũng vậy, Chúa Thánh Thần kêu gọi những người nam và người nữ ra đi và gặp gỡ tất cả những người đang mong đợi khám phá vẻ đẹp, sự thiện hảo và sự thật của đức tin Kitô giáo. Các chủ chăn có nhiệm vụ nâng đỡ họ trong tiến trình này và làm cho cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu được phong phú nhờ nhận ra những thừa tác vụ giáo dân có khả năng góp phần vào sự biến đổi xã hội, bằng cách “đem các giá trị Kitô giáo thấm nhập các lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế” (Niềm vui của Tin Mừng, 102).
6. Tông đồ giáo dân chắc hẳn có tính chất “trần thế”. Sứ vụ này đòi hỏi giáo dân “tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (x. VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo hội [Lumen Gentium], 31). Trong cuộc sống thường ngày của họ, được dệt nên bởi các mối tương quan gia đình và xã hội, giáo dân phải nhận ra rằng họ “được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và tác động trong những nơi chốn và môi trường mà chỉ nhờ họ Giáo hội mới có thể trở thành muối của trần gian” (sđd., 33). Tuy vậy, chúng ta cần nhớ rằng cùng với hoạt động tông đồ này, “giáo dân cũng có thể được mời gọi góp phần trực tiếp hơn vào hoạt động tông đồ của hàng giáo phẩm bằng nhiều cách, giống như những giáo dân nam nữ đã từng lao nhọc trong Chúa Kitô để giúp đỡ Tông đồ Phao-lô rao giảng Tin Mừng” (sđd., 33).
Vai trò các giáo lý viên nắm giữ là hình thức phục vụ chuyên biệt giữa những hình thức khác trong cộng đoàn Kitô hữu. Các giáo lý viên được kêu gọi trước hết là chuyên viên trong mục vụ truyền đạt đức tin, được khai triển qua những giai đoạn khác nhau, từ việc loan báo tiên khởi lời rao giảng Tin Mừng đầu tiên (kerygma) đến việc hướng dẫn đời sống mới của chúng ta trong Đức Kitô và chuẩn bị cho các Bí tích khai tâm Kitô giáo, rồi đến việc huấn luyện thường xuyên vốn có thể cho phép mỗi người giải thích niềm hy vọng trong lòng họ (x. 1 Pr 3,15). Đồng thời, mỗi giáo lý viên phải là một nhân chứng của đức tin, một thầy dạy và một người khai dẫn vào mầu nhiệm (mystagogue), một người đồng hành và một nhà giáo dục, người giảng dạy nhân danh Giáo hội. Chỉ nhờ cầu nguyện, học hỏi và trực tiếp tham dự vào đời sống cộng đoàn, họ mới có thể lớn lên trong căn tính này cũng như trong sự toàn vẹn và trách nhiệm bao hàm trong căn tính ấy (x. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CHO VIỆC THĂNG TIẾN CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA, Chỉ nam Huấn giáo, 113).
7. Với tầm nhìn rất xa, Thánh Phao-lô VI đã ban hành Tông thư Ministeria Quaedam (Một số thừa tác vụ) với ý định không chỉ thích nghi các thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ với những hoàn cảnh lịch sử thay đổi (x. Tông thư Thần Khí của Thiên Chúa [Spiritus Domini]), nhưng còn khuyến khích các Hội đồng Giám mục cổ võ cho các thừa tác vụ khác, bao gồm thừa tác vụ Giáo lý viên. “Thêm vào những thừa tác vụ chung cho toàn thể Giáo hội La Tinh, không có gì ngăn cản các Hội đồng Giám mục xin phép Tòa Thánh để thiết lập những thừa tác vụ khác, vì những lý do riêng, được xem là cần thiết hay rất ích lợi trong vùng miền của các ngài. Chẳng hạn, trong số những thừa tác vụ này, có các thừa tác vụ Giữ cửa, Trừ quỷ và Dạy giáo lý. Lời mời gọi tha thiết này cũng được tìm thấy trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng [Evangelii Nuntiandi]; khi kêu gọi phân định những nhu cầu hiện tại của cộng đoàn Giáo hội trong sự tiếp nối trung thành với những cội nguồn của mình, Đức Thánh cha khuyến khích phát triển những hình thức thừa tác vụ mới cho hoạt động mục vụ được đổi mới. “Những thừa tác vụ như thế, tuy có vẻ mới mẻ nhưng gắn liền với những kinh nghiệm mà Giáo hội đã trải qua trong suốt lịch sử, chẳng hạn như thừa tác vụ giáo lý viên… đều quý giá cho việc thiết lập, cho đời sống và sự tăng trưởng của Giáo hội cũng như cho khả năng tác động của Giáo hội trên những người xung quanh và đến với những người ở xa Giáo hội” (THÁNH PHAOLÔ VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng [Evangelii Nuntiandi], 73).
Chắc hẳn “đã có sự ý thức ngày càng nhiều hơn về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội. Thực vậy, chúng ta có thể cậy dựa vào nhiều giáo dân, dù hầu như vẫn chưa đủ, là những người có một cảm thức sâu xa về cộng đoàn và một sự trung thành lớn lao đối với các nhiệm vụ bác ái, dạy giáo lý và cử hành đức tin” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng [Evangelii Gaudium], 102). Hệ quả là việc tiếp nhận thừa tác vụ giáo dân, như thừa tác vụ Giáo lý viên chẳng hạn, sẽ nhấn mạnh hơn nữa việc dấn thân truyền giáo vốn thuộc sứ vụ của mỗi người đã được rửa tội, dù việc dấn thân này phải được thực hiện một cách hoàn toàn “trần thế”, tránh bất cứ hình thức giáo sĩ hóa nào.
8. Thừa tác vụ này rõ ràng có khía cạnh ơn gọi, như được minh chứng bởi Nghi thức Thiết lập, và do đó kêu gọi sự phân định thích đáng của Giám mục. Thực vậy, thừa tác vụ này là một hình thức phục vụ bền vững dành cho Giáo hội địa phương, tương ứng với những nhu cầu mục vụ được Bản Quyền địa phương xác định, nhưng hình thức phục vụ này được thực hiện như công việc của giáo dân, như bản chất của thừa tác vụ đòi hỏi. Điều thích đáng là những người được kêu gọi vào thừa tác vụ Giáo lý viên được thiết lập phải là những người nam và nữ có một đức tin sâu xa và trưởng thành nhân bản, tham dự tích cực vào đời sống cộng đoàn Kitô hữu, có khả năng tiếp đón, quảng đại và đời sống hiệp thông huynh đệ. Họ cũng cần được huấn luyện về Thánh Kinh, thần học, mục vụ và sư phạm để trở thành những người có khả năng thông truyền sự thật của đức tin và là những người đã có kinh nghiệm dạy giáo lý (x. VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục tử của các Giám mục trong Giáo hội [Christus Dominus], 14; CIC 231 khoản 1; CCEO 409 khoản 1). Là những cộng sự viên trung thành của các linh mục và phó tế, điều thiết yếu là họ phải sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình bất cứ nơi nào cần đến sứ vụ này, và họ phải được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tông đồ.
Vì vậy, sau khi đã suy xét mọi sự, và với năng quyền tông tòa,
tôi thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân.
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sẽ sớm ban hành Nghi thức Thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân.
9. Vì thế, tôi mời gọi các Hội đồng Giám mục làm cho thừa tác vụ Giáo lý viên nên hiệu quả, bằng cách xác định tiến trình huấn luyện cần thiết và tiêu chuẩn mang tính quy phạm cho việc tiếp nhận vào thừa tác vụ này, cũng như đặt ra những hình thức thích hợp nhất cho việc phục vụ mà những người nam và người nữ sẽ được kêu gọi để thực thi, phù hợp với nội dung của Tông Thư này.
10. Các Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Đông Phương hay các Hội nghị Giáo phẩm có thể thích nghi thừa tác vụ được thiết lập ở đây với các Giáo hội đặc thù của mình, phù hợp với luật riêng của mỗi Giáo hội.
11. Các giám mục nên cố gắng tuân theo lời khuyên của các Nghị phụ Công đồng: “Các chủ chăn... biết rằng mình được Đức Kitô thiết lập không phải để chỉ riêng các ngài lãnh lấy tất cả sứ mệnh cứu độ của Giáo hội đối với thế giới, nhưng để nhận lãnh phận vụ cao cả là chăn dắt các tín hữu và nhìn nhận các phận vụ và đặc sủng của họ, để mọi người theo cách thức riêng của mình, đồng lòng cộng tác vào trọng trách chung này” (Hiến chế tín lý về Giáo hội [Lumen Gentium], 30). Ước gì sự phân định các ân huệ mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban cho Giáo hội, sẽ nâng đỡ nỗ lực của các ngài trong việc làm cho thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân nên hiệu quả, vì sự tăng trưởng của các cộng đoàn của các ngài.
Tôi truyền rằng những điều được quy định trong Tông Thư dưới dạng Tự Sắc này có hiệu lực chính thức và bền vững, bất chấp tất cả những gì trái ngược, dù đáng kể tới đâu, đồng thời được công bố trên báo Quan sát viên Rô-ma (L’Osservatore Romano), có hiệu lực cùng ngày, và được phát hành sau đó trong Công Báo Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).
Ban hành tại Rô-ma, cạnh Đền thờ Thánh Gio-an La-tê-ra-nô, ngày 10 tháng 5 năm 2021, nhằm ngày lễ nhớ Thánh Gio-an thành A-vi-la, Linh mục và Tiến sĩ Hội Thánh, năm thứ Chín triều đại giáo hoàng của tôi.
Tải về file Word
© Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ (21.5.2021)